PHẬT NÓI ĐẠI KHỔNG TƯỚC MINH VƯƠNG HỌA TƯỢNG ĐÀN TRÀNG NGHI QUỸ

KINH SỐ 983A

Hán dịch: Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty_ Đặc Tiến Thí Hồng Lô Khanh_ Túc Quốc Công, thực ấp gồm ba ngàn hộ_ Ban áo tía tặng Tư Không, tên thụy là Đại Giám, tên hiệu chính là Đại Quảng Trí_Chùa Đại Hưng Thiện_ Tam Tạng Sa Môn BẤT KHÔNG phụng chiếu dịch

Việt dịch: Sa Môn THÍCH QUẢNG TRÍ
Sưu tập Thủ Ấn và Phục hồi Phạn Chú: HUYỀN THANH

 

Đức Phật bảo: “Này A Nan Đà (Ānanda)! Nếu trong Thế Gian có các tai nạn bức não, đao binh, đói khát, hạn hán, tật bệnh, 404 bệnh, buồn rầu, tranh đấu và tám vạn bốn ngàn Quỷ Mỵ nhiễu não hữu tình. Phần lớn mọi mong cầu Thắng Nguyện thuộc Thế Gian với Xuất Thế Gian có nhiều chướng ngại đều do từ vô thủy đến nay tham đắm vô minh, hư vọng phân biệt, ba Độc phiền não, không rõ Thật Tướng gom chứa bất thiện mà chiêu cảm mọi loại tai nạn như vậy.

A Nan Đà! Bởi thế cho nên nay Ta vì người đọc tụng Kinh Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương với tất cả chúng sinh bị tai ách, lại nói Pháp vẽ Tượng với tạo lập Đạo Tràng, Nghi Quỹ cúng dường. Nếu y Pháp này chuyển đọc Kinh đó thì tất cả tai nạn đều được tiêu trừ, hết thảy Nguyện Cầu tùy ý đầy đủ.

A Nan Đà! Nếu có khổ não, tai nạn nổi lên. Hoặc quốc vương, các vương tử, đại thần, phi hậu với Bí Sô, Bí Sô Ni, Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân… vì trừ tai cho nên hoặc ở cung vua, hoặc nơi Thắng Địa, hoặc chốn Già Lam thanh tịnh, hoặc ở nhà cửa tùy chỗ ở của mình… y Pháp Tịnh Địa đào đất sâu một khuỷu tay, loại bỏ: ngói, gạch, đá với các vật dơ ở trong đất rồi lấy đất sạch lấp lại cho đầy làm cho bằng phẳng. Đất ấy vốn sạch thì mới được đổ lấp vào. Nếu có đất ở nơi sạch sẽ thù thắng thì lấy đất này làm bùn, tô đắp Đạo Tràng, làm cái Đàn vuông rộng năm khuỷu tay, cao bốn ngón tay, bày lập ba lớp, dùng các màu sắc đẹp đẽ mà vẽ hoặc dùng phấn năm màu

Trong Nội Viện, ở chính giữa vẽ hoa sen tám cánh, ở trên đài hoa vẽ Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát, đầu hướng về phương Đông, màu trắng, mặc áo lụa trắng mỏng, đầu đội mão; Anh Lạc, khoen tai, cánh tay đeo vòng xuyến, các thứ trang nghiêm, cỡi trên Khổng Tước Vương (con công) màu vàng ròng, ngồi Kiết Già trên hoa sen trắng, hoặc trên hoa sen xanh, tướng Từ Bi có bốn cánh tay. Bên phải: tay thứ nhất cầm hoa sen nở, tay thứ hai cầm Câu Duyên Quả (quả ấy có dạng tương tự Thủy Cô). Bên trái: tay thứ nhất cầm Cát Tường Quả (như hình Đào Lý), tay thứ hai cầm năm, ba cái lông đuôi chim công.

Từ bên phải Phật Mẫu xoay vòng theo bên phải, trên các cánh sen vẽ bảy Đức Phật Thế Tôn từ Vi Bát Thi Như Lai (Vipaśyin-Tathāgata) đến Thích Ca (Śākyamuṇi) với nhóm của Từ Thị Bồ Tát (Maitreya) đều hướng đầu ra ngoài và ngồi trụ trong Định Tướng

Trên cánh hoa thứ tám ở góc Đông Bắc vẽ Từ Thị Bồ Tát, tay trái cầm bình Quân Trì, tay phải giương lòng bàn tay hướng ra ngoài làm thế Thí Vô Úy.

Lại ở bên ngoài cánh hoa sen, bốn phương của Nội Viện vẽ bốn vị Bích Chi Phật đều làm hình Phật, đỉnh đầu có nhục kế cũng trụ Định Tướng.

Lại ở bốn góc vẽ bốn vị Đại Thanh Văn từ góc Đông Bắc vẽ A Nan Đà (Ānanda), tiếp góc Đông Nam vẽ La Hầu La (Rāhula), tiếp góc Tây Nam vẽ Xá Lợi Phất (Śāriputra), tiếp góc Tây Bắc vẽ Đại Mục Kiền Liên (Mahā-Maudgalyāyana) đều mặc mặc áo cà sa Kiền Đà hở cánh tay phải. Đây đều là Trung Viện.

_Tiếp, Viện thứ hai vẽ Thiên Vương của tám phương với các quyến thuộc.

Phương Đông vẽ Đế Thích Thiên Vương (Indra) cầm chày Kim Cang cùng với các Thiên Chúng vây quanh.

Tiếp phương Đông Nam vẽ Hỏa Thiên (Agni) tay trái cầm bình Quân trì, tay phải Thí Vô Úy cùng với Ngũ Thông Khổ Hạnh Tiên Chúng vây quanh

Tiếp phương Nam vẽ Diêm Ma Thiên Vương (Yama) cầm cây phương Diêm Ma cùng với Diêm Ma Quỷ Giới Chúng vây quanh

Tiếp phương Tây Nam vẽ La Sát Vương (Rākṣasa-ràja) cầm cây đao cùng với các La Sát Chúng vây quanh

Tiếp phương Tây vẽ Thủy Thiên (Varuṇa) cầm sợi dây cùng với các chúng Rồng vây quanh

Tiếp phương Tây Bắc vẽ Phong Thiên Vương (Vāyu) cầm tràng phan cùng với các Trì Minh Tiên Chúng vây quanh

Tiếp phương Bắc vẽ Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravaṇa) cầm cây bổng báu cùng với các Dược Xoa Chúng vây quanh.

Tiếp phương Đông Bắc vẽ Y Xá Na Thiên (Īśana) cầm tam kích xoa cùng với các Bộ Đa Quỷ Chúng vây quanh.

Đây đều là Viện thứ hai

_Tiếp Viện thứ ba, từ góc Đông Bắc, xoay vòng theo bên phải vẽ 28 vị Đại Dược Xoa Tướng đều cùng với các Quỷ Thần Chúng vây quanh và vẽ Tú Diệu, 12 Cung Thần

_Tiếp bên ngoài Viện thứ ba, chung quanh dùng bùn thơm tô đắp, rải các lá sen, trên lá để các món cúng dường, đồ ăn uống như là: cháo sữa, lạc (váng sữa) cơm, trái cây… đều dùng A Ba La Nhĩ Đa Minh Vương Chân Ngôn (Aparājita-vidya-rājamantra) gia trì vào nước thơm rồi tán rải, bày biện bốn bên cúng dường. Lại dùng các thứ nước: Sa Đường, Thạch Mật, Thạch Lưu Mật… để phụng hiến

Trên Đàn rải hoa màu trắng, ở bốn góc để bốn cái chén đèn thắp bằng bơ, bốn cửa đều để hai vật khí chứa đầy nước thơm. Ở phía Đông của Đàn an tượng Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương, cách vẽ tượng như vẽ Đàn lúc trước, chỉ chẳng an Giới Đạo.

Thánh Chúng ở Trung Viện thì đốt Trầm Hương, Hòa Hương… cúng dường. Thiên Chúng ở phương Đông , nên đốt Bạch Giao Hương để cúng dường

Thiên Chúng ở phương Nam, dùng Tử Khoáng, Giới Tử hòa chung với muối rồi thiêu đốt cúng dường

Thiên Chúng ở phương Tây, đem bơ hòa với An Tất Hương rồi thiêu đốt cúng dường.

Thiên Chúng ở phương Bắc, nên đốt Huân Lục Hương để cúng dường.

Người trì tụng ở mặt Tây của Đàn, trải tòa cỏ tranh mà ngồi, hoặc ngồi trên giường thấp kém, nghiêm sức Kinh Án để ở trước Đàn, dùng các hương hoa cúng dường Kinh Quyển. Nên bày biện như vậy

Người chuyển đọc Kinh có thể là ba người, năm người cho đến bảy người lần lượt thay nhau ngày đêm không được để dứt tiếng tụng Kinh, cần nhất là không được nói năng, trừ một người trong số đó xem coi Giáo Pháp được Chú Sư chỉ huy trao cho quyền thưa hỏi, tác Pháp, kết Ấn, Khải Thỉnh Hiền Thánh còn người khác chỉ nên chú tâm đọc Kinh để cho được nhiều biến số.

Lại ân trọng phát nguyện y theo Tam Thập Thất Tôn Lễ Sám ba thời hoặc sáu thời. Đạo Tràng ấy hoặc một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày cho đến bày ngày thì tất cả tai họa thảy đều diệt hết, trừ chẳng chí tâm

Người chuyển Kinh, hoặc người tại gia hoặc là người xuất gia. Mỗi ngày cần tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới sạch. Khi mới bắt đầu thì đối trước Đạo Tràng , kiền thành nhất tâm lễ các Thánh Chúng. Trước tiên dùng Ấn Khế, Chân Ngôn y Giáo thỉnh triệu tất cả Phật, Bồ Tát với các Thiên Chúng. Như Pháp cúng dường, nói việc cầu xin, ân cần thưa rõ, nguyện rũ thương gia hộ, vì khắp chúng sanh bị nạn khổ, rộng phát Nguyện lớn

Sau đó ngồi Kiết Già, dùng hương xoa bôi xoa tay. Trước tiên kết Tam Muội Gia Ấn: hai tay, bên phải đè bên trái, cài chéo nhau bên ngoài rồi nắm lại thành quyền, dựng thẳng hai ngón giữa dựa đầu nhau tức thành.

Kết Ấn để ngang trái tim, tụng Tam Muội Gia Chân Ngôn bảy biến.

“Úm, tam ma dã, sa-đát-noan”

 

Liền đem Ấn này gia trì bốn chỗ trên thân mình là: trái tim, trán, cổ họng, đảnh đầu rồi xả Ấn trên đảnh

_Tiếp kết Kim Cương Câu Bồ Tát Ấn: Dựa theo Tam Muội Gia Ấn lúc trước, co hai ngón trỏ như móc câu, hướng vào thân chiêu mời, liên tục chẳng gián đoạn tụng Chân Ngôn bảy biến triệu khắp chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên, Quỷ Thần, tất cả Thánh Chúng.

Chân Ngôn là:

“Úm, phạ nhật-lãng củ thi, a yết trà, vi yết trà, sa-phạ ha”

Do kết Ấn này, tụng Chân Ngôn thỉnh triệu thì tất cả Thánh Chúng chẳng dám trái ngược với Bổn Thệ đều đến phó tập.

_Tiếp kết A Ba La Nhĩ Đa Minh Vương Ấn dùng kết Địa Giới, kết Phương Ngung Giới. Hai tay, bên phải đè bên trái, cài chéo các ngón bên trong, dựng thẳng một đầu ngón giữa (?ngón trỏ) dựa nhau.

Liền đem Ấn để trên đảnh, xoay theo bên phải ba vòng, tùy tâm xa gần liền thành Kết Giới, tụng Chân Ngôn bảy biến là:

“Úm, hổ lỗ hổ lỗ, chiến nõa lị, ma đặng kỳ, sa-phạ ha”

_Tiếp kết Phổ Cúng Dường Nhất Thiết Hiền Thánh Ấn: Hai tay, bên phải đè bên trái, cùng cài chéo các ngón tay rồi chắp lại, mười đầu ngón tay trợ nhau giao lóng trên tức thành.

Kết Ấn ngang trái tim , tụng bảy biến rồi bung Ấn trên đảnh.

Chân Ngôn là:

“Nẵng mạc tam mãn đa, bột đà nẫm. Tát pạ đà khiếm, ốt na-nghiệt đế, saphả ra, hứ hàm, nga nga nẵng kiếm, sa-phạ ha”

 

Do kết Ấn này với tụng Chân Ngôn, hay ở trước tất cả Phật, Bồ Tát, các Thánh Chúng với vô lượng các cõi Phật thành biện tất cả cúng dường rộng lớn.

_Tiếp kết Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Ấn: Hai tay, bên phải đè bên trái, cài chép các ngón tay bên trong, đều dựng thẳng hai ngón cái, hai ngón út cùng dựa đầu nhau thức thành.

Kết Ấn ngang trái tim, tụng Chân Ngôn bảy biến. Như trước đem Ấn gia trì bốn chỗ rồi xả Ấn trên đảnh.

Chân Ngôn là:

“Úm, ma dữu ra, khất lan đế, sa-phạ ha”

_Tiếp bưng lư hương dâng hiến, khải thỉnh, cáo bạch với Thánh Chúng, nói việc cầu xin. Như vậy y Pháp thỉnh triệu, cúng dường xong. Sau đó khởi tâm Bi Mẫn vì cứu bạt nạn khổ của chúng sanh cho nên chuyển đọc Kinh này. Trong mỗi ngày, trước tiên thay đổi các vật cúng, nên kết A Ba La Nhĩ Đa Minh Vương Ấn, tụng Bổn Chân Ngôn, đem Ấn để trên đảnh xoay theo bên trái một vòng tạm giải Giới. Thay đổi cúng dường xong liền như trước lần lượt Nghênh Thỉnh, kết Giới. Như vậy y Giáo cúng dường, chuyển đọc Kinh này thời hết thảy tai nạn, tật dịch, hạn hán, Quỷ Mỵ, ếm đối, tai chướng ác độc, mọi loại nạn khổ đều được trừ diệt, hết thảy nguyện cầu đều được tùy tâm.

Ta đã rộng nói cách vẽ tượng, Đàn Tràng, Nghi Quỹ cúng dường xong. Nếu chẳng thể làm tô vẽ Đàn Tràng như vậy, hoặc có tai nạn việc gấp đến thì có thể tùy theo sức, ở một chỗ trong sạch dùng Cù Ma Di (Gomayī:phân bò) tô đắp đất làm một Đàn vuông rộng một khuỷu tay, tùy theo lớn nhỏ, mài Bạch Đàn Hương làm một Đàn tròn, an tượng Phật trong chín vị trí với đem năm, ba lông đuôi chim công để thẳng ở trên Đàn , tùy thời đốt hương rải hoa, dùng sữa, cháo, Lạc… cúng dường Thánh Chúng. Chỉ kiền thành nhất tâm đọc tụng Kinh này, hoặc một biến hoặc ba biến cho đến bảy biến. Hoặc một ngày hoặc hai ngày thì hết thảy ách nạn đều được tiêu trừ, hết thảy nguyện cầu đều được viên mãn.

Bấy giờ A Nan Đà nghe Đức Phật Thế Tôn vì tất cả hữu tình bị nạn khổ ở đời sau nói Pháp đọc tụng Đại Khổng Tước Minh Vương Kinh này liền đội trên đảnh, thọ trì, lễ Phật rồi lui ra.

 

PHẬT NÓI ĐẠI KHỔNG TƯỚC MINH VƯƠNG HỌA TƯỢNG ĐÀN

TRÀNG NGHI QUỸ

_(MỘT QUYỂN _Hết)_