ĐẠI BI
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân
Đại Bi là sự thực hành chính yếu trong Đại Thừa Phật Giáo. Đại Bi lại là một trong những đặc tính của riêng đức Phật mà các vị A La Hán không có được. Thế nên tuy A La Hán, trên một mức độ nào đó, có thể chia xẻ chung Trí huệ với đức Phật, song Đại Bi thời chỉ riêng đức Phật “độc quyền” mà thôi.
Dĩ nhiên Đại Bi là sự thực hành chính yếu của các vị Bồ Tát và chắc chắn là nơi các bậc A La Hán tính chất Từ Bi cũng tràn đầy không chút thiếu; ngay trong thế gian này, nơi các tôn giáo khác, cũng luôn có người thực hành từ bi. Song, như trong Đại Trí Độ Luận trình bày, Từ Bi có “tiểu” và có “đại”. Và chỉ riêng có Từ Bi của đức Phật mới được gọi là Đại Từ Bi. Ngay cả Từ Bi của các Bồ Tát, tuy so với Thanh Văn thì coi là “đại”, song so với đức Phật thì chỉ là “tiểu” mà thôi. Thế nên, theo Phật Pháp, chỉ nơi đức Phật chúng ta mới có được Đại Bi một cách đúng nghĩa.
Đại Trí Độ Luận định nghĩa Từ là “ban vui” và Bi là “cứu khổ”. Luận đưa ra thí dụ như ông cha có người con bị tù đày khốn khổ. Ông tìm cách kéo con ra khỏi tù, thì đó là Bi. Sau khi ra khỏi tù rồi, ông cho con được hưởng mọi sự sung sướng, thì như thế gọi là Từ. Từ và Bi là hai tính chất thường đi đôi với nhau, song thông thường Bi vẫn được nhắc nhở và nhấn mạnh hơn. Đôi khi nói Bi là gồm luôn cả Từ rồi. Vấn đề chúng ta cần tìm hiểu ở đây là Đại Bi. Để hiểu rõ Đại Bi, chúng ta cần phải phân biệt cho rõ ràng sự khác biệt giữa “tiểu” Bi và Đại Bi. Song trước hết, chúng ta phải xét lại xem Bi có nghĩa là gì?
Bi (Karuna) có nghĩa là xót thương, tội nghiệp, xót xa… Bởi đối tượng của Bi chính là sự đau đớn, khổ sở của người khác. Và Bi như thế là một tình cảm mà chúng ta thường kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày. Điển hình nhất là qua tình cảm gia đình, hoặc lớn hơn nữa là tình cảm phúc thiện xã hội, thương giúp người nghèo cùng tật nguyền khốn khổ, hoặc càng lớn hơn nữa là tình “người”, tình nhân loại, thương yêu mọi người và mong muốn tất cả đồng được bình đẳng lợi lạc. Song tất cả các loại tình cảm “bi” này đều không được gọi là Đại Bi. Vậy, thế nào là Đại Bi?
Câu Xá Luận đưa ra năm nghĩa khiến cho Bi trở thành Đại như sau:
– Tư Lương Đại: Tư là vốn liếng, như một nguồn tài trợ; Lương là lương thực để đi “đường”. Bi của đức Phật có cả một kho năng lượng “vốn liếng và lương thực” dồi dào hỗ trợ đàng sau, đó là hai năng lực Công đức và Trí huệ mà Ngài đã tu hành tích tụ trong vô số kiếp, được dành hết ra để thực hành Bi mà cứu độ chúng sinh, thế nên được gọi là Đại Bi.
– Hành Tướng Đại: Hành Tướng là chiều hướng hoạt động của tâm thức. Tâm Bi vận chuyển theo chiều hướng cứu khổ, và ở đây tâm Bi chuyển theo luôn cả ba nghĩa khổ, là “khổ khổ”, “hành khổ” và “hoại khổ”. Thế nên được gọi là Đại Bi.
– Sở Duyên Đại: Sở Duyên là đối tượng của tâm Bi. Đối tượng của Bi ở đây là toàn thể hữu tình trong ba cõi luân hồi, thế nên mới gọi là Đại Bi.
– Bình Đẳng Đại: Bình Đẳng là không phân biệt người thân kẻ oán, bình đẳng cứu khổ tất cả, nên gọi là Đại Bi.
– Thượng Phẩm Đại: Bi ở đây là tối thượng trong tất cả các loại tâm Bi, nên gọi là Đại Bi.
Để cho chính xác hơn nữa về ý nghĩa của Đại Bi, Câu Xá còn đưa ra một sự so sánh giữa Bi và Đại Bi gồm tám điểm khác biệt nhau như sau:
1. Khác nhau nơi phương diện Tự Tính: Đại Bi lấy vô si, tức Trí huệ, làm bản thể, trong khi Bi chỉ lấy được vô sân làm bản thể mà thôi.
2. Khác nhau nơi phương diện Hành Tướng: Bi chỉ hoạt động theo chiều hướng khổ khổ. Tức khi thấy ai bị đau khổ về thể xác hoặc tinh thần, thì Bi mới chuyển vận hoạt động. Trong khi Đại Bi đối với bất cứ chúng sinh nào, dù là các kẻ ở cõi trời hưởng thủ đủ thứ, cho đến các kẻ đang trầm mình trong thiền định hưởng thụ an lạc tịch tĩnh, cũng đều thấy rõ là các kẻ ấy đang phải chịu hoại khổ và hành khổ, nên chuyển vận sự xót thương cứu độ khắp cùng ba cõi.
3. Khác nhau nơi phương diện Sở Duyên: Bi chỉ duyên theo chúng sinh khổ nơi cõi Dục. Khi nhìn vào cõi Trời, cũng như cõi Thiền và Định, thời tâm Bi không thấy khổ đâu nữa để mà chuyển vận hoạt động. Trong khi Đại Bi cảm rõ ba khổ thống nhiếp hết chúng sinh của ba cõi, nên duyên theo mọi chúng sinh của ba cõi mà vận động.
4. Khác nhau nơi phương diện Y Địa: Y Địa là các cấp bậc phẩm chất thanh tịnh của tâm thức. Thí dụ tâm ác thì phẩm chất hoàn toàn ô nhiễm, tâm thiện thì phẩm chất thanh tịnh. Phật Pháp phân tâm thức theo ba cõi mà thành ra đến chín phẩm chất từ nhiễm đến tịnh, gọi là chín Địa. Chín Địa này gồm cõi Dục là một, bốn Thiền thuộc cõi Sắc nữa là năm, bốn Định thuộc cõi Vô Sắc nữa là chín.
Trong chín phẩm chất ấy, thì Đại Bi chỉ duy thuộc phẩm chất thanh tịnh của đệ tứ Thiền. Trong khi Bi thì có thể sai biệt có đủ bốn phẩm chất của bốn Thiền. Tức có nghĩa Đại Bi luôn luôn thanh tịnh đệ nhất, chỉ quán luôn quân bình, không thiên về chao động cũng không thiên về tĩnh chỉ. Bi không luôn luôn được quân bình như vậy.
5. Khác nhau nơi phương diện Y Thân: Đại Bi duy chỉ y cứ vào thân Phật thời mới có, Bi thời chỉ y nơi thân của Thanh Văn và Duyên Giác mà thôi.
6. Khác nhau nơi phương diện Chứng Đắc: Đại Bi là do lìa trọn phiền não của ba cõi mới chứng được, trong khi Bi chỉ cần lìa khỏi phiền não cõi Dục là chứng được rồi.
7. Khác nhau nơi phương diện Cứu Tế: Đại Bi đã hoàn tất xong xuôi mọi sự nghiệp cứu khổ chúng sinh, trong khi Bi chỉ mới là mong muốn thực hành việc cứu tế chúng khổ mà thôi.
8. Khác nhau nơi phương diện Thương Xót: Đại Bi thương xót cứu khổ mọi chúng sinh một cách bình đẳng, trong khi Bi chỉ cứu khổ cho chúng sinh cõi Dục mà thôi.
Căn cứ theo các quan điểm trên của Câu Xá, chúng ta có thể rút ra được các tính chất chính yếu của Đại Bi, và nếu chúng ta muốn thành lập được Đại Bi, thì các tính chất ấy sẽ chính là các điều kiện phải có không thể thiếu được như sau:
1. Phải có bản thể là Trí huệ.
2. Phải luôn ở trong tình trạng định huệ quân bình.
3. Phải có một thân căn thanh tịnh với ba mươi hai tướng tốt (thành quả viên mãn của ba nghiệp thiện hoàn toàn thanh tịnh được tu hành trong nhiều kiếp).
4. Phải duyên khắp toàn thể chúng sinh trong ba cõi.
5. Phải cảm nhận ra toàn thể mọi ý hướng của Khổ (tức trọn cả ba Khổ).
6. Phải bình đẳng cứu độ, không phân biệt thân thuộc oán thù.
Đại Bi như thế không hề phải là tình cảm tốt đẹp theo nhân duyên nhất thời “trước mắt”, không hề phải là tình cảm yêu thương gia đình, cũng không phải là tình thương tội nghiệp người nghèo cùng bệnh tật, cũng không phải là tình thương dân tộc, đồng loại… Thế nên, chúng ta không nên quá giản dị và dễ dàng cứ thấy ai tốt, ai hay thương người, hay cứu giúp mọi người, là cho rằng người ấy có Đại Bi tâm rồi. Ngay dù các nhà từ thiện, các thánh nhân trong cuộc đời, các đạo sư tu tập và thực hành tình thương cao cả, bác ái trùm khắp muôn loài, cho đến Từ và Bi trong bốn Tâm Vô Lượng (tức Từ, Bi, Hỉ, Xả), theo Đại Trí Độ Luận, cũng chỉ là “tiểu bi”, chứ không phải là Đại Bi của Phật.
Ngay đến các bậc A La Hán, dù không ai có thể chối bỏ được Bi tính nơi các vị này. Vì các bậc Thánh ấy đã trừ diệt hết phiền não tham sân si, tâm của các ngài hoàn toàn nhu nhuyễn, tùy thuận thanh tịnh. Nên khi liên hệ với chúng sinh, thì chắc chắn tâm thức của các ngài sẽ không chống chướng, không sân hận, không tranh dành, tùy thuận hoàn toàn, bảo bọc giúp đỡ, song không quyến luyến trói dính, mà luôn lìa xa thanh tịnh. Tâm thức ấy chính là tâm từ bi vậy.
Song vì các bậc Thánh này không phát “đại nguyện” thường trụ trong tâm từ bi ấy, không phát “đại nguyện” thực hành đủ các điều kiện để thành lập tâm Đại Bi như đã nói trên, mà chính yếu lại luôn trụ tâm trong thiền định, lìa xa mọi náo động của ba cõi, chấm dứt không khởi tâm liên hệ với muôn loài. Nói cách khác, các ngài không chủ trương đi theo con đường Đại Bi mà chỉ chủ trương đi theo con đường Niết bàn là tối thượng. Song Đại Thừa lại chủ trương Đại Bi là chính yếu, thế nên bất cứ ai không coi Đại Bi là chính yếu, không chỉ duy nhất đi theo con đường của Đại Bi, thì các vị ấy, dù cá nhân mình hay bản chất mình có từ bi đến đâu đi nữa, cũng không được coi là thuộc về “dòng giống” của Đại Bi.
Thế nên, khi Đại Thừa tuyên bố rằng các hàng Thanh Văn và Duyên Giác sợ sinh tử khổ, không dám thực hành Đại Bi vào luân hồi cứu độ chúng sinh, thì không có nghĩa là Đại Thừa cho rằng các bậc Thánh ấy không có tâm từ bi. Chẳng qua vì các vị ấy không có Đại Bi mà bị kết luận như vậy.
Do đó nếu không hiểu cho thật cặn kẽ sự khác biệt giữa Bi và Đại Bi, thì hẳn nhiên chúng ta sẽ cảm thấy bất mãn khó chịu hay không hài lòng chút nào khi nghe sự phê bình như trên của Đại Thừa đối với các bậc thánh Thanh Văn và Duyên Giác. Hay nếu có chấp nhận lời phê bình ấy, thì chúng ta lại chấp nhận một cách lệch lạc và dễ trở thành hủy báng các bậc thánh ấy vậy. Chính vì thế nên Long Thụ Bồ Tát, trong Đại Trí Độ Luận, mới giải thích tường tận hơn nữa lý do tại sao chỉ duy có Từ Bi của đức Phật mới được gọi là Đại như sau :
– Từ Bi là căn bổn của Phật Đạo. Bởi Bồ Tát do thấy tất cả mọi khổ đau của chúng sinh nên mới phát sinh Đại Từ Bi muốn cứu khổ. Do muốn cứu khổ như thế nên mới phát tâm thành Vô thượng Bồ đề.
– Lại cũng do nhờ Đại Từ Bi nên trong vô lượng kiếp độ sinh mà tâm không chán ngán muốn buông bỏ. Lẽ ra Phật đã đắc Niết bàn từ lâu rồi, song vì độ sinh mà không chứng lấy, ngược lại, lại phải thọ nhận vô lượng kiếp luân hồi như vậy là cũng nhờ nơi Đại Bi mà ra.
– Lại khi đắc thành quả Phật, Ngài thành tựu được biết bao là Thiền định, Giải thoát, Tam muội thâm sâu. Song thay vì hưởng lấy các pháp ấy, thì Ngài lại xả bỏ hết mà đi vào thành ấp xóm làng, dùng mọi lý lẽ thí dụ, vô lượng âm thanh, để nói Pháp cứu độ, đón nhận tất cả, nhiều khi phải chịu tất cả mọi mạ lỵ hủy báng. Thì đó cũng là do lực Đại Từ Đại Bi mà mới làm được như vậy.
– Lại nữa, nghĩa “Đại” này không phải là do nơi đức Phật lập ra, mà do vì chúng sinh hoặc được thấy hoặc được nghe về tấm lòng Từ Bi thiết tha chiếu cố của đức Phật đối với mình, trong vô lượng kiếp thực hành vô lượng hành nguyện xả thân cứu độ chúng sinh, vì chúng sinh mà tu tập, vì chúng sinh mà thành Phật, vì chúng sinh mà nói Pháp…, thế nên khi nhắc đến tâm lượng Từ Bi ấy, chúng sinh đều cảm kích tri ân, nên mới tán thán mà nói là “Đại” Từ “Đại” Bi.
– Đó cũng là lý do vì sao Phật có đủ Trí huệ, Thiền định, Thần thông, mà chỉ có Từ Bi mới được gọi là “Đại”. Vì Trí huệ, Thiền định và Thần thông không được chúng sinh thấy nghe rõ ràng, cũng không trực tiếp liên hệ với chúng sinh, lại có tính cách riêng tư, ích lợi cho riêng người thành tựu mà thôi. Trong khi Từ Bi thời mang lại ích lợi cho tất cả chúng sinh. Và nếu Trí huệ, Thiền định, Thần thông, có được sử dụng vào việc lợi ích chúng sinh, thì cũng là do nơi động cơ Từ Bi thúc đẩy mà thành. Thế nên, tuy pháp nào ở nơi Phật cũng đều có nghĩa Đại, song chúng sinh chỉ gọi riêng Từ Bi của Ngài là “Đại” là vậy.
Đại Bi do đó, và đúng phải là Đại Bi chứ không phải chỉ là từ bi, có thể nói là điểm chính yếu và nổi bật nhất làm cho chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa Đại Thừa và Nhị Thừa, giữa Bồ Tát Đạo và Giải Thoát Đạo, giữa Phật Bồ Tát và Thanh Văn Duyên Giác.
Qua tất cả những gì trình bày bên trên, chúng ta thấy có vấn đề là : Đại Bi như thế chỉ có Phật mới thực hành được. Vậy thì tại sao lại đưa Đại Bi ra như một nền tảng, một khởi điểm cho con đường Bồ Tát Đạo. Không những thế, những người hướng theo Đại Thừa đều bắt buộc phải thực hành Đại Bi này. Có thể các Đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Di Lặc v.v… đều thực hành được Đại Bi. Song các người phàm khác, như chúng ta đây, làm sao họ thực hành được Đại Bi ấy? Mà nếu không thực hành nổi Đại Bi thì làm sao theo nổi Bồ Tát Đạo?
Đúng thật rằng là Đại Bi chỉ có ở nơi Phật mà thôi, song bất cứ ai cũng có thể tu tập Đại Bi được. Nói cho thật đúng chữ, thì chúng ta không thể “thực hành” nổi, song chúng ta có thể “tu tập” được Đại Bi này. Chỉ vì chúng ta vẫn tưởng đâu Đại Bi chỉ là một tình cảm thương người mà mình đã sẵn có trong mình rồi, thế nên khi nghe nói đến Đại Bi chúng ta không nghĩ đến việc tu tập mà chỉ nghĩ là phải “thực hành” ngay tức thì. Rồi nghe nói phải cứu độ tất cả chúng sinh, chúng ta cảm thấy ngay là không cách gì “thực hành” nổi !
Chúng ta phải hiểu Đại Bi không phải chỉ là tình cảm thương người thương vật, mà Đại Bi là cả một con đường Đạo. Thế nên Đại Bi đòi hỏi chúng ta cả một công trình xây dựng và tu tập vô vùng lớn lao và lâu dài, trước khi chúng ta thành tựu được Đại Bi để mà nói đến “thực hành”. Do đó chúng ta có thể hiểu nghĩa Bồ Tát Đạo là con đường “tu tập” Đại Bi, chứ không phải là “thực hành” Đại Bi.
Theo Đại Thừa, nền tảng của sự tu tập này là khởi phát Tâm Bồ Đề. Bồ Đề Tâm là tâm nguyện thành Phật cứu độ chúng sinh. Đại Thừa như thế phân Bồ Đề Tâm thành hai thành phần ước nguyện : một là Trí Huệ (tức nguyện thành Phật), hai là Đại Bi (tức nguyện độ chúng sinh). Bước đầu ở đây chỉ là “phát tâm” mà thôi, tuy chưa có gì là thực hành hết, song phần phát tâm này hết sức quan trọng. Nếu tâm được phát một cách hoàn toàn chân thành, thâm sâu, tha thiết và dứt khoát, thì có thể nói là cứu cánh được đạt đến ngay tức thì, như trong Kinh thường hay nói “sơ phát tâm liền thành Chính Giác”.
Song đó là trường hợp hoàn toàn lý tưởng, thông thường ra thì sau khi phát tâm rồi, giai đoạn kế đến là tích tập Công đức và học hỏi Trí huệ, thường được gọi là giai đoạn “Tư Lương”. Trong giai đoạn này và kể cả các giai đoạn sau, Tam Bảo và Thiện tri thức là hai yếu tố không thể nào thiếu được. Tất cả mọi Công đức và Trí huệ này đều phải được khuôn đúng theo các “khuôn mẫu” thuộc Tam Bảo đưa ra. Nếu không đúng vậy, thời các công đức và trí huệ ấy sẽ không còn đúng là “tư lương” của Đại Bi và Bát Nhã nữa. Tại sao vậy?
Chúng ta đừng nên quên rằng các hoạt động tạo Công đức và học hỏi Trí huệ ở đây đều thuộc về Bồ Đề Đạo, chứ không giản dị chỉ là làm việc thiện và học hỏi hiểu biết trong thế gian. Thế nên chúng ta phải học hỏi về các Trí huệ “khuôn mẫu” mà trong Pháp Bảo (tức Kinh Luật Luận) đưa ra như: Tứ Đế, Bát Nhã, Duy Thức, Như Lai Tạng, Chân Như, Phật Tính v.v… Và chúng ta phải tạo các Công đức “khuôn mẫu” mà Pháp Bảo đưa ra là cúng dường, ủng hộ, cung kính đảnh lễ, tán thán, quán tưởng, phát nguyện và quy y về Tam Bảo. Nếu chúng ta làm thiện đối với Tam Bảo như thế, thì đây chính là Công đức “tư lương” của Bồ Đề Đạo. Còn nếu chúng ta chỉ biết làm thiện trong thế gian đối với mọi chúng sinh, mà không liên hệ gì đến Tam Bảo hết, thì đó chỉ là công đức “tư lương” của con đường trời người. Và nếu chúng ta muốn biến các hành động thiện đối với chúng sinh này trở thành Công đức tư lương của Đạo, thì chúng ta cũng phải làm theo “khuôn mẫu” mà Pháp Bảo đề ra: là khi làm các việc thiện cho chúng sinh, thì phải làm từ động cơ Bồ Đề Tâm, và sau khi làm rồi thời phải “hồi hướng” tất cả Công đức ấy về cho toàn thể chúng sinh.
Theo đó chúng ta đủ thấy rõ Thiện tri thức rất cần thiết để chỉ dẫn cho chúng ta, không phải chỉ về Trí huệ, mà còn về việc tạo các công đức hay làm thiện như thế nào, để các công đức ấy trở thành tư lương của Bồ Đề Đạo, tức trở thành các năng lực tích cực cho Đại Bi và Bát Nhã phát triển.
Thế nên, với Tam Bảo và với Thiện tri thức, chúng ta có thể tu tập Đại Bi được. Dĩ nhiên trong giai đoạn mới phát tâm hay bắt đầu tu tập, hoặc đã nhiều kiếp tu tập đến mức độ cao nào đó rồi đi nữa, thì chúng ta vẫn chưa hề có Đại Bi, chưa thể nói là thực hành Đại Bi gì hết. Song ngay từ lúc mới phát tâm ấy là chúng ta đã có mầm mống của Đại Bi rồi. Đây mới là điều quan trọng hàng đầu. Theo nhãn quan của Đạo Phật nói chung, thì mọi con đường tu Đạo đều theo đúng nguyên tắc nhân quả : muốn thành quả phải gieo nhân, đã có nhân (mà không bao giờ bị hủy diệt) thì chắc chắn quả phải thành (bất kể thời gian là bao lâu). Nay, ngay khi vừa phát Bồ Đề Tâm xong, là “nhân” Đại Bi được thành tựu. Sau đó dù là bao lâu bất kể, chỉ miễn chúng ta không thối thất Bồ Đề Tâm, thì “quả” Đại Bi chắc chắn sẽ được thành tựu.
Điều nữa, theo những gì mà hai Luận Câu Xá và Đại Trí Độ đã đưa ra bên trên, Đại Bi vượt ngoài tất cả các tâm bi khác của các người tốt trong thế gian cũng như của các bậc thánh Thanh Văn và Duyên Giác. Như vậy, không phải rằng là các vị này dù từ bi đến mấy, cũng đều chưa có chút Đại Bi gì hết đó hay sao? Nên khi muốn có Đại Bi, các vị ấy cũng đều phải bắt đầu bằng cách phát Bồ Đề Tâm, y như một người Phật tử bình phàm mà thôi. Có thể với Trí huệ và với tâm bi sẵn có của các vị ấy, họ sẽ phát Tâm Bồ Đề mạnh mẽ và chân chính hơn một người phàm nhiều. Song nếu người phàm mà phát Tâm bằng tất cả lòng tin chân thành của mình, thì chưa chắc gì năng lực họ phát ra là yếu hơn các vị kia. Mà ngược lại, nếu các vị kia lại phát Tâm Bồ Đề với tâm ngã mạn, tâm nghi ngờ do dự, thì tình trạng phát tâm này còn thua xa người phàm mà chân thành phát tâm.
Do đó, đi theo con đường Đại Bi (cũng như mọi con đường thuộc Đạo Phật), gieo nhân là quan trọng nhất. Một người xấu mà dám phát khởi Tâm Bồ Đề, gieo được nhân Đại Bi rồi, thì dù tính xấu của họ vẫn còn không một chút suy giảm, trong khi một người khác rất tốt mà trong tâm không có chút mầm mống gì của Đại Bi, thì người xấu kia vẫn thuộc về Bồ Đề Đạo và người tốt kia vẫn chỉ là thế gian đạo mà thôi. Trong tương lai lâu dài, nhân Đại Bi kia sẽ từ từ phát triển, vượt qua bất cứ tính xấu ác nào của người ấy để trở thành quả Phật. Trong khi người tốt kia vì không có nhân Đại Bi, nên có làm tốt đến đâu cũng chỉ loay hoay trong ba cõi luân hồi, không sao thành quả Phật được.
Các Kinh Điển Đại Thừa còn đi xa hơn nữa khi ca ngợi về Công đức của Bồ Đề Tâm. Kinh cho rằng chỉ cần sơ phát Bồ Đề Tâm là Công đức đã vượt quá khỏi công đức của Thanh Văn và Duyên Giác, đến mức không thể tính toán nổi. Với Đại Thừa dù là các bậc thánh Thanh Văn Duyên Giác đi nữa mà không có Bồ Đề Tâm thì cũng không thể nào bằng được một phàm phu đầy phiền não mà chân thành phát Bồ Đề Tâm. Thì huống gì là một người tốt đạo đức trong thế gian mà đòi so sánh với một người tuy phàm thường mà có Bồ Đề Tâm.
Khi so sánh như thế, Kinh Điển Đại Thừa không có thâm ý gì hơn là nêu rõ lên nguyên lý “nhân quả” chính là chân lý chân thật nhất phổ biến khắp các pháp, ngoài ra chính là để khích lệ tất cả mọi chúng sinh từ phàm đến thánh thực hiện nguyên lý nhân quả ấy trên phương diện Phật Đạo này bằng cách phát Bồ Đề Tâm.
Bởi vì Đại Bi tuy chỉ có chư Phật mới thực hành được, song sở dĩ như vậy thì cũng vì Đại Bi là một thành quả của chư Phật. Thế nên chắc chắn các chúng sinh cũng đều sẽ có được Đại
Bi như chư Phật vậy. Tại sao ? Bởi Đại Bi chỉ là quả của nhân phát Bồ Đề Tâm. Chư Phật cũng từ tư cách phàm phu như bất cứ chúng sinh nào, mà do phát Bồ Đề Tâm nên nay thành quả Đại Bi vi diệu bất khả tư nghị như thế, thì tại sao tất cả chúng sinh khác lại không có phần, một khi mà họ biết gieo nhân và tu tập phát triển đúng theo “khuôn mẫu” mà chư Phật đã từng thực hiện?
Và rồi các bậc thánh Thanh Văn Duyên Giác cũng sẽ phải nghĩ lại như sau : các phàm phu kia mà còn dũng mãnh phát tâm thành Phật cứu độ chúng sinh, phát tâm thành bậc Thầy mà đã chỉ dạy cho mình con đường giải thoát như thế, thì tại sao mình là các bậc thánh so với họ mà lại không dám phát tâm như vậy kìa?! Khi nghĩ lại như thế chắc chắn các bậc Thánh này sẽ phát đại Tâm Bồ Đề không chút do dự hay khó khăn.
Đặc điểm của Phật Giáo Đại Thừa là coi Phật như bậc tối tôn giữa thế gian này, như bậc tối thượng giữa các loài trời, như bậc vạn năng bất khả tư nghị siêu việt trên tất cả mọi hàng thượng đế, không gì có thể trên nổi nữa, tất cả thần thông, năng lực, sắc tướng, tuổi thọ, các đồ dùng, tòa ngồi, các tùy tùng thân quyến, đệ tử, cho đến mặt đất cây cối hồ nước hư không trong cõi nước của Ngài, đều tuyệt đẹp vi diệu, đều vô lượng vô biên, vô thượng bất khả tư nghị. Song tất cả mọi thứ linh thiêng siêu việt vô thượng ấy đều được giải thích ra tường tận rõ ràng, đều có nguồn gốc, tức đều có nhân, đều không bao giờ vượt thoát ra khỏi chân lý nhân quả duyên khởi. Tất cả đều chỉ là quả, thế nên tất cả đều có nhân. Và nhân nào cũng bắt đầu được kết thành bằng chính tâm thức phiền não của hữu tình mà khởi lên nguyện. Chính vì thế nên mọi loài có tâm thức, mọi hữu tình đều có phần trong đó, đều có thể thành tựu được bất cứ gì tối thượng thiêng liêng nhất. Thế nên toàn thể Kinh điển Đại thừa không làm công việc gì hơn là đem hết mọi thứ tối thượng ấy ra mà chia sẻ cho tất cả chúng sinh không chút ngần ngại, không chút tiếc rẻ, bằng cách kêu gọi tất cả chúng sinh hãy phát tâm thành Phật để cứu độ muôn loài. Và cái đặc điểm này của Phật Giáo Đại Thừa như thế là gì đây? Nếu không phải chính là năng lực Đại Bi kia sử dụng ánh sáng Trí Huệ để mà hiện thân ra qua mọi pháp, thành mọi phương tiện để cứu độ muôn loài, thì còn là gì nữa?