Giảng Lược Về Pháp

Giảng Lược Về Pháp
Phật Học, Phật Học Đa Dụng

Giảng Lược Về Pháp
Thích Nhất Chân
doahong

 

 

Trước khi chúng ta có thể hiểu rõ được về ý nghĩa của giác ngộ (sambodhi) và trí tuệ (prajna) là gì trong đạo Phật, thiết tưởng chúng ta nên lược bàn qua về ý nghĩa của pháp (dharma) trước đã. Tại sao vậy ? Bởi vì pháp chính là đối tượng của giác ngộ và trí huệ vậy.

Giác ngộ và trí huệ có nghĩa là một năng lực đặc biệt của tâm thức nhận biết về chân lý hay sự thật. Nhưng chân lý hay sự thật là cái gì đây? Theo đạo Phật đó là chân lý hay sự thật của các pháp (dharma). Nói một cách chuyên môn hơn, giác ngộ và trí huệ là khi tâm thức nhận biết về các pháp (dharma) một cách trực tiếp và đúng như thật (yathàbhùtam). Thế nên càng hiểu rõ về pháp chúng ta sẽ càng hiểu rõ và đi đến với giác ngộ và trí huệ hơn.

Pháp là một danh từ hết sức bao trùm nên rất là phức tạp. Giản dị pháp hỷ có nghĩa là “trì giữ được tự tướng” (nhậm trì tự tính). Chữ dharma từ ngữ căn dhr được nhìn theo nghĩa “trì giữ”. Nếu hỏi trì giữ cái gì, thì trì giữ tự tính (svalaksana). Tóm lại nghĩa là bất cứ một sự vật (bhàva) nào đó, một cái gì có đó, với các tính chất riêng biệt của nó và vì hễ nó có đâu là các tính chất này có đó, nên gọi là nó “trì giữ được” các tính chất này. Và các tính chất này được gọi là “tự tướng” của nó. Như nước có tính chất thấm ướt, hễ có nước là có thấm ướt, nên được gọi là “trì giữ” tính thấm ướt; và tính thấm ướt này làm cho nước được nhận biết và phân biệt khác với lửa, đất v.v…, nên “thấm ướt” được gọi là “tự tướng” của nước. Và nước như thế là một pháp.

Nhận định ở trên, đưa đến một tính chất nữa về ý nghĩa của pháp: nghĩa là bất cứ một cái gì đó được nhận biết bằng một cái tên (nàman) và với ý nghĩa của riêng nó qua sự phân biệt nó là khác bới các thứ khác, thì đều được gọi là pháp, dù đó là một sự vật không thật có. Thí dụ như ”lông rùa”,”sừng thỏ“, tuy là các sự vật không có thật, song chúng có tên và chúng khác hẳn với đất, nước, nhà cửa, ngựa, bò v.v… Khi ai nói lên hai chữ ”lông rùa“, các người khác sẽ không lẫn lộn đó là con bò hay cái xe v.v… Do đó ”lông rùa” có riêng một ý nghĩa của nó, tức một tự tướng của nó, nên nó là một pháp.

Pháp theo nghĩa sau này không còn phải chỉ là một sự vật cụ thể, mà bao gồm luôn cả các sự vật siêu hình, các ý nghĩa trừu tượng… Tóm lại bất cứ cái gì đủ tư cách làm đối tượng cho tâm thức phát khởi sự nhận biết đều được gọi là pháp.

Ý nghĩa này rất quan trọng đối với Duy Thức học. Đã đành pháp là phải ”duy trì tự tướng” (nhậm trì tự tính), song ”tự tướng” này phải gắn liền với sự nhận biết của tâm thức (quỹ sinh vật giải). Để dần dà đi đến ý nghĩa là không thể có pháp nào độc lập ngoài tâm thức, vì hễ là pháp thì thiết yếu phải là đối tượng nhận biết của tâm thức. Do đó có tâm là phải có cảnh, và có cảnh là phải có tâm.

Chúng ta sẽ có dịp trở lại với ý nghĩa này sau. Giờ đây tiếp tục với ý nghĩa của pháp như sau: Nếu vậy, pháp là chỉ cho sự sự vạn vật, cả hữu hình mà cả vô hình, cả có mà cả không có, cả tốt cả xấu, cả đúng cả sai… một danh từ quá phức tạp và chứa trọn mọi ý nghĩa mâu thuẫn với nhau. Như thế thì sử dụng nó có được mục đích ích lợi gì chăng, mà tại sao trong Phật pháp thì chữ pháp này hầu như là quan trọng nhất? Pháp là một trong Tam Bảo, và ngay chính Phật cũng lấy pháp làm thầy, lấy pháp làm thân (kaya) của Ngài, và rõ ràng Pháp còn chính là bản thể của Tăng bảo nữa, vì nếu thiếu Pháp, Tăng sẽ mất hết ý nghĩa…

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng tuy chữ pháp bao trùm hết sự sự vật vật thiên sai vạn biệt, song pháp lại được phân ra thành các loại có ý nghĩa khác nhau. Đại để đạo Phật phân pháp thành hai loại chính là pháp thế gian (laukika-dhama) và pháp xuất thế gian (lokottara-dharma). Ngoài ra chiếu theo quan điểm của thế gian đức Phật còn nói đến pháp thiện (kusala), pháp bất thiện (akusala); bạch pháp, hắc pháp v.v…

Và theo đó, thì dường như chữ Pháp trong danh từ ”Phật pháp” hay trong danh từ Tam bảo ”Phật, Pháp, Tăng” là chỉ cho các pháp xuất thế gian thuộc các pháp thiện. Và người ta thường giải thích chữ pháp ấy một cách giản dị nhưng rất chính xác là ”những gì do Phật nói ra thì gọi là (Phật) pháp”. Dĩ nhiên không phải lời nào, chữ nào từ miệng Phật nói ra cũng đều là Pháp, mà chỉ có những lời giảng về ý nghĩa của thiện, của xuất thế gian, mới được gọi là pháp.

Chữ pháp theo nghĩa trên này hoàn toàn hạn hẹp lại, giới hạn vào âm thanh của đức Phật, và chỉ vào phương diện thanh tịnh luân lý mà thôi. Nếu đúng thế, tại sao đức Phật không dùng chữ ”xuất thế gian thanh tịnh” hay chữ ”thiện” để nói về tam bảo hay nói về chân lý mà ngài chứng đi, mà ngài lại dùng chữ pháp làm chi để cho thành mông lung và phức tạp? Chẳng hạn sao không nói là ”Phật, xuất thế gian (hay thiện), và tăng là tam bảo” mà lại nói ”Phật, Pháp, Tăng là tam bảo”…

Chúng ta có thể hiểu rằng tuy tất cả đều là pháp, song không phải cứ là pháp thì đều là Phật pháp mà chỉ có pháp thanh tịnh, thiện, xuất thế gian mới là Phật pháp. Ngoài ra các pháp bất tịnh, bất thiện, thuộc thế gian thì không phải là Phật Pháp. Do đó khi nói ”’Phật, Pháp, Tăng”, thì chữ pháp ở đây là chỉ cho các pháp thanh tịnh v.v…vậy.

Đã đành là thế, nhưng giải thích này vẫn không ăn nhập gì đến vấn đề tại sao đức Phật lại dùng chữ pháp khi mà ngài chỉ nhận có một nửa ý nghĩa của nó và loại bỏ đi mất một nửa khác? Và có thể nào chăng mà chữ pháp ở đây được đức Phật dùng là để chỉ cho tất cả các pháp chứ không phải riêng gì các pháp thanh tịnh xuất thế; như trong kinh Kim Cương có câu ”tất cả các pháp đều là Phật pháp” (sarvadharma Buddharma iti) ?

Để đả thông các vấn đề này chúng ta cần phải trở lại với ý nghĩa trước tiên của pháp, cộng thêm với ý nghĩa pháp ở đây, thời chúng ta sẽ thấy ý nghĩa của pháp được xác định theo hai phương diện, hay hai môi trường hoạt động của đức Phật:

Trước hết theo ý nghĩa ”trì giữ tự tướng”, thì pháp ở đây được nhìn theo phương diện tự tính, nghĩa là sự thật, chân lý của mỗi sự vật.

Chữ pháp này có tính cách phổ biến, nghĩa là nó chỉ cho tất cả tự tướng của tất cả các sự vật.

Ý nghĩa thứ hai là ”những lời Phật dạy”, thì pháp ở đây không có tính cách phổ biến, mà chỉ cho các điều thiện xuất thế gian thanh tịnh, cùng các phương pháp hay cách thức để đạt đến mục tiêu tối hậu và cao thượng nhất là Niết Bàn (nirvana) giải thoát. Trên phương diện này thì các điều ác, các giáo thuyết, tri kiến của ngoại đạo, đôi khi ngay đến các điều thiện thuộc thế gian cũng đều được coi là ”phi pháp” (Adharma), chứ không được gọi là pháp (Dharma).

Sở dĩ pháp có hai phương diện ý nghĩa như thế là chiếu theo hai môi trường hoạt động của đức Phật: một là phương diện tự chứng của ngài về chân lý (hay tự tướng) của tất cả các sự vật, đây là phương diện lợi tha của ngài giúp cho mọi người khác giải thoát hay giác ngộ được chân tướng của sự vật, đây là phương diện từ bi xảo phương tiện của ngài. Ví như một người đã thấy tận mắt núi Lô Sơn rồi (nói cho sự giác ngộ), người ấy mới diễn tả lại và chỉ bày cho các người khác để họ có thể đi đến tận nơi và để thấy được tận mắt ngọn núi này (nói cho phương diện từ bi). Nếu chúng ta muốn đến và thấy được núi Lô Sơn, chúng ta phải tuyệt đối nghe theo lời của người đã đến và đã thấy núi ấy rồi. Nếu nghe theo lời của những người khác mà chưa đến và chưa thấy được núi Lô Sơn, thì chúng ta sẽ rơi vào lầm lạc ngay. Tự thân của núi Lô

Sơn không có đúng sai, song các lời chỉ dẫn và phương cách để đi đến núi thì có đúng có sai. Cũng thế tự tướng (svalaksana) của sự vật thì không có đúng có sai và đều là pháp. Song chỉ có lời nói của Phật mới đúng với pháp tự tướng này thế nên chỉ có lời nói của Phật mới là pháp, chứ không phải bất cứ lời nói nào cũng là pháp được.

Nói cách khác âm thanh (sabda) có tự tướng riêng khác hẳn và không phải là mầu sắc, hương, vị …, nên âm thanh là một pháp. Trên phương diện tự tướng này, thì âm thanh của Phật cũng là pháp. Song trên phương diện khai ngộ cho chúng sinh, thì vì chỉ có Phật mới nhận ra được tự tướng của sự vật, nên các lời Phật chỉ bảo mới đúng với tự tướng này. Do đó đối với chúng sinh mong được khai ngộ, thì chỉ có âm thanh biểu lộ qua các lời Phật dạy mới là pháp, còn các âm thanh khác của ngoại đạo và phàm phu, thì nơi tự tướng của chúng, chúng vẫn là pháp, song chúng không đưa ra và không dẫn đến sự thật về tự tướng này, nên trên phương diện khai ngộ, các âm thanh này không được coi là pháp.

Ví như một con người quá tàn nhẫn bất lương, người ta gọi hắn là ”đồ thú vật”. Bản thân hắn vẫn là ”người”, song việc làm và sự sống của hắn không đưa ra được tự tướng của con người, nên hắn bị coi là ”phi-con người”, tức ”đồ thú vât”. Cũng thế phàm phu và các ngoại đạo, bản thân của họ, lời nói của họ đều là pháp, song họ không biết gì đến tự tướng của các pháp, không nói lên được và thể hiện ra được tự tướng ấy, thế nên bị gọi là phi pháp, chỉ có đời sống và lời nói của đức Phật, thể hiện ra được trọn vẹn tự tướng ấy, nên mới được gọi là pháp.

Tóm lại trên phương diện bản thể, pháp là tất cả và không hề có đúng sai phân biệt. Nhưng trên phương diện đối trị để khai ngộ về pháp này, thì chỉ có các lời lẽ và các phương tiện nào thuận theo pháp và đưa đến sự chứng ngộ về pháp mới được gọi là pháp, ngoài ra là phi pháp.

Nếu chúng ta coi những gì Phật dạy để khai ngộ cho chúng ta là phương tiện, thì tự tướng của pháp chính là cứu cánh mà phương tiện này đưa đến. Ở đây phương tiện và cứu cánh đều được gọi là pháp.

Nếu phân ra như thế mà nói, thì vấn đề về pháp coi như khá sáng tỏ và dễ hiểu. Nhưng trên thực tế thì vấn đề pháp này rất phức tạp và không dễ hiểu chút nào, đó là chưa nói đến biết bao tranh luận để nẩy sinh ra xung quanh ý nghĩa của pháp này.

Vấn đề chính yếu ở chỗ: Tuy pháp được coi là chân lý, là đối tượng để tìm kiếm cho bất cứ ai muốn được giải thoát khỏi mọi đau khổ, cũng như muốn được giác ngộ biết rõ chân lý là gì. Song tất cả chúng ta không ai biết pháp là gì hết! Chẳng qua chúng ta chỉ biết đến danh từ pháp này là nhờ qua đức Phật, một người tự nhận là đã chứng ngộ được về pháp diễn nói ra. Nếu không có đức Phật, thì chúng ta chỉ hiểu chữ pháp này qua ý nghĩa thông thường của nó là pháp luật, là lẽ phải, đạo đức… mà thôi. Nhưng nhờ có đức Phật, nên chúng ta mới biết được là có một chân lý tối thượng, toàn hảo, tuyệt đối, đem lại sự an lạc vĩnh cửu, và chân lý ấy được gọi là pháp. Và tất cả những gì chúng ta biết được về pháp hoàn toàn chỉ qua đời sống và lời lẽ trình bày giải thích của đức Phật. Thế nên trong giai đoạn hiện tại của thực trạng của trí huệ chúng ta thì pháp không hề có ngoài Phật, pháp với Phật là một. Nhưng đối với một người chưa từng thấy núi Lô Sơn, nghe một người khác đã từng đến núi ấy rồi diễn tả lại, thì núi Lô Sơn và sự diễn tả này là một; ngoài sự diễn tả này ra, người ấy sẽ không còn cách gì để biết được núi Lô Sơn nữa.

Vấn đề tiếp tục sẽ là: Nhưng thật sự ra, phải chăng pháp là một cái gì có riêng ngoài đức Phật, như núi Lô Sơn có riêng ngoài người thấy núi Lô Sơn; đức Phật chỉ là người diễn tả lại về pháp, như người đi núi về diễn tả lại cho các người khác nghe về núi ?

Nếu đúng như vậy thì Phật và chúng ta có ăn thua gì đến chân lý gọi là pháp này nữa. Như người thấy núi Lô Sơn, song không bao giờ là núi Lô Sơn được, cũng thế thấy được pháp song Phật không bao giờ là pháp hết, nghĩa là không bao giờ giải thoát giác ngộ, là an lạc cứu cánh… Nếu thế thì biết về pháp có ích lợi gì và để làm gì, và một người biết về pháp mà vẫn không giác ngộ, giải thoát thì sao gọi là Phật được? Cũng như người thấy núi Lô Sơn rồi, với người chưa thấy núi, cả hai đều không phải là núi. Nếu pháp là cái gì có riêng ngoài đức Phật, thì cho dù Phật có biết được pháp và chúng ta không biết gì về pháp hết, thì cả Ngài lẫn chúng ta cũng đều không phải là pháp, nên đều là đau khổ và vô minh như nhau.

Do đó Phật với pháp phải là một, Phật với chân lý, với giác ngộ, với an lạc là một. Không thể nào quan niệm được rằng có một cái gì đó là pháp, là giác ngộ, an lạc… độc lập có riêng ngoài đức Phật được.

Song nếu thế thì pháp có liên hệ gì đến chúng ta, pháp chỉ là Phật thôi mà, và nếu đức Phật đã không còn, thì pháp cũng chẳng còn, chúng ta quan tâm đến pháp làm chi nữa đây ?

Tuy Phật với pháp là một, song như trên đã có nói qua, pháp cũng là toàn thể tất cả chúng ta nữa. Không phải rằng Phật là một với pháp, thì ngoài Phật ra sẽ không có pháp nữa. Trái lại pháp luôn luôn còn có mặt ngay nơi chúng ta. Song nếu chúng ta không nhận ra được pháp thì dù có pháp đó chúng ta vẫn không là Phật, và vẫn phải chịu mọi phiền não đau khổ.

Cũng như các phàm phu và ngoại đạo, chính họ, sự sống của họ, những lập luận, thuyết giáo của họ đều là pháp nơi tự tướng của chúng, song vì không nhận ra được tự tướng ấy, nên họ vẫn bị coi là phàm phu, ngoại đạo, nghĩa là vẫn không có giải thoát hay giác ngộ chân chính, vẫn không có pháp vậy.

Tóm lại dù chính chúng ta là pháp, song chúng ta vẫn không biết được gì hơn về pháp nếu không có sự giảng dạy của đức Phật. Đến đây vấn đề vẫn chỉ là pháp và những gì Phật giảng dạy là một, ngoài các lời giảng dạy này chúng ta không biết gì về pháp hết.

Đến đây chúng ta có thể thấy rõ phần nào các điểm đặc biệt nhất của Phật pháp là ở chỗ: Phật pháp vừa là phương tiện vừa là cứu cánh. Bởi vì phương tiện là để đưa đến, để chỉ ra cứu cánh, song cứu cánh này lại là một phương tiện, không hề có ngoài phương tiện, thế nên phương tiện chính là cứu cánh, cũng như ngược lại.

Và vì chỉ có Phật mới giác ngộ chân chính (sumyak sambodhati) về pháp, nên chỉ có Phật, đời sống của ngài, và các lời ngài thuyết nói mới là phương tiện đúng nhất để đưa đến sự giác ngộ về pháp. Do đó trên phương diện phương tiện này chỉ có Phật pháp mới là pháp. Và cũng chỉ trên phương diện này Phật pháp mới là khác biệt với thế gian pháp, ngoại đạo pháp v.v… các thứ này là ”phi pháp”. Cũng chỉ trên phương diện này mới có tranh chấp và tranh luận là ai phải hay ai sai.

Đồng thời như thế, song vì phương tiện pháp này lại chính là pháp cứu cánh, mà nơi pháp cứu cánh hay pháp tự tướng, thì phàm phu, ngoại đạo cho đến Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật cũng đều là pháp, thế nên Phật pháp vẫn khác hẳn với các phi pháp ngoại đạo và thế gian, song Phật pháp vẫn không hề có tranh cãi với ngoại đạo hay thế gian. Nơi phương diện pháp tự tướng này đức Phật tuyên thuyết ”Ta không hề có tranh cãi với thế gian…”

Chúng ta có thể thấy rõ rằng trong khi đức Phật vẫn tranh luận và đả kích ngoại đạo thì mặt khác ngài vẫn thấy rõ rằng ngài và ngoại đạo, lời lẽ của ngài và ngoại đạo đều chỉ là pháp. Tất cả đều trụ nơi tự tướng của mình, đều là pháp, đều là chân lý là sự thật, là an lạc giải thoát, là Phật.

Để cho dễ hiểu, Duy thức học phân trí huệ ra làm hai là căn bổn trí và hậu đắc trí. Căn bổn trí là trí chứng pháp tự tướng và hậu đắc trí là trí tức phương tiện trí là trí thuyết giảng để khai ngộ cho chúng sinh. Có thể nói là một trí tự lợi và một trí lợi tha.

Do đó Phật cũng như (Phật) pháp luôn luôn thể hiện qua hai mặt: một mặt tương đối thuộc thế gian, Phật pháp có sinh, có trụ, có dị, có diệt, có phấn đấu, có tranh luận hơn thua phải trái; một mặt tuyệt đối hoàn toàn tĩnh lặng, an lạc, chấm dứt tất cả…

Điểm khó lĩnh hội nhất là hai mặt này không phải là hai mà là một. Và chính cái chỗ ”hai mà là một mà vẫn là hai nàý“ mới là ý nghĩa đúng nhất của chữ pháp trong đạo Phật vậy. Đó mới chính là tự tướng cứu cánh của tất cả sự sự vật vật vậy.

Để cho vấn đề sáng tỏ hơn chút nữa, chúng ta có thể đặt câu hỏi: ”tự tướng” này là nhiều hay là một thôi ? Nếu ”tự tướng” có nhiều thì phải có nhiều pháp, tức có nhiều chân lý, điều này phi lý, vì thứ nhất chân lý chỉ có một mà thôi, thứ nữa chấp nhận nhiều pháp là chấp nhận nhiều chân lý mâu thuẫn với nhau như nước với lửa, có với không, Phật với ngoại đạo. Làm sao có việc hai cái mâu thuẫn với nhau mà đều đúng hết được? Mà nếu ”tự tướng” chỉ là một thôi thì tại sao lại thấy có nhiều pháp đến mức vô lượng như vậy? Và pháp của Phật pháp nói ở đây là tự tướng gì vậy ? Chính vì để trả lời các vấn đề trên đây mà Phật pháp mới chỉ ra cho chúng ta biết bao nhiêu ý nghĩa về tự tướng này vậy. Và vì pháp tự tướng này luôn thể hiện ra qua hai mặt như trên đã nói, nên chúng ta có thể lĩnh hội pháp qua hai mặt ấy.

Hoặc bắt đầu từ mặt phương tiện, để rồi chứng thật nơi mặt cứu cánh. Thí dụ như theo giáo thuyết Tiểu Thừa từ lý vô thường, khổ và vô ngã (ba tự tướng chung của tất cả các pháp) thuộc về Tứ Đế chúng ta tiến sâu vào và chứng được Niết Bàn tịch diệt tức tự tướng cứu cánh của tất cả các pháp. Như trong kinh Potthapàda, đức Phật tuyên bố là ngài chỉ nói về Tứ Đế mà thôi chứ không chịu trả lời các câu hỏi siêu hình của ngoại đạo và ngài cho biết lý do là vì chỉ có Tứ Đế (khổ, tập, diệt, đạo) mới thuộc về pháp (dharmasamhita) mới đưa đến tịch diệt (upasama), Niết Bàn, cũng như đưa đến thắng trí (abhinnà) và giác ngộ (sambodhà). Và sau đó chính ngoại đạo Potthapàda tán thán như sau: ”Sa môn Cù Đàm nói những điều… dựa trên pháp (dhammatthita), y theo pháp (dhammaniyàmaka)…”

Ở đây hai đế khổ và tập với các lý vô thường, khổ, vô ngã được coi như ”tự tướng” thuộc phương tiện pháp để đối trị vô minh và tham ái của chúng sinh, trong khi diệt và đạo với chính trí, giác ngộ và tịch diệt Niết Bàn là tự tướng của cứu cánh pháp. Như thế trong khi đức Phật bác bỏ các giáo thuyết của ngoại đạo và nói lên về Tứ Đế như là lý lẽ chân thật đúng nhất, thì có tranh luận đúng sai. Nhưng lý Tứ Đế này sẽ đưa về đâu? Đưa về tịch diệt Niết Bàn tức chân lý ”chung” cái ”tự tướng chung” cho cả ngài lẫn ngoại đạo vậy.

Vậy Tứ Đế này chính là pháp, và pháp này không hề làm tổn hại ngoại đạo chút nào mà chính lại là chân lý của họ. Tiếc thay các ngoại đạo là pháp mà lại không nhận ra được pháp, mới bị coi là lầm lạc như thế.

Bài Viết Liên Quan

Phật Học Phổ Thông

[Khóa 06] - Bài Thứ 04: A Nan Cầu Phật Chỉ Cái Điên Đảo

Bài Thứ Tư [toc title="Mục Lục" title_tag="strong" list="ul" depth="6"] I.-A-NAN CẦU PHẬT CHỈ CÁI "ĐIÊN- ĐẢO". Khi ấy A-Nan đứng dậy lạy Phật, kính cẩn bạch rằng: Nếu cái thấy, nghe, không sanh diệt này là "Tâm" của chúng con, tại sao trước kia đức...
Pháp Luận, Phật Học

Những Điều Cần Biết Để Có Tâm Giác Ngộ

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ CÓ TÂM GIÁC NGỘ Nguyên tác: What Needs to Be Understood in Order to Have a Bodhichitta Aim Tác giả: Alexander Berzin/ Riga, Latvia, July 2004 Chuyển ngữ: Tuệ Uyển   PHẦN 1 NỀN TẢNG CHO VIỆC THẤU HIỂU TÂM...
Pháp Luận, Phật Học

Tôn Giáo Thích Hợp Trong Thế Giới Hiện Đại

TÔN GIÁO THÍCH HỢP TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Nguyên tác: The Relevance of Religion in Modern Times His Holiness the Fourteenth Dalai Lama  Milan, Italy, December 7, 2007  Transcribed and lightly edited by Alexander Berzin Chuyển ngữ: Tuệ Uyển   His Holines the Dalai Lama...
Pháp Luận

Thực Tại Hiện Tiền - [Thích Viên Minh]

Cuối năm 1993 tôi ra Huế, ở lại chùa Huyền Không

Nhân Sinh Yếu Nghĩa

11. Toạ Thiền Vì Nhiếp Tâm

Trước khi ngủ chuyện kỳ quái đã xảy ra, bà ta nhìn thấy Bồ Tát Vi Ðà đến, trong tay cầm một bát mì, đổ mì xuống

Phật Học Vấn Đáp

Sinh Hoạt

Sinh HoạtTrích Hoa Sen Trong ngày XuânHòa Thượng Tuyên Hóa Hỏi: Trong nhà chỉ có một người học Phật Pháp, vậy làm sao trừ được chướng ngại để khiến toàn gia theo Phật, bà con họ hàng đều hưởng được lợi ích của Phật Pháp?...