TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan
CON CHÓ
(Hồi ký Hạnh Đoan)
Hồi ấy tôi chỉ độ 14-15 tuổi. Con chó cái nhà dượng tôi đẻ một lứa tám con, lông vàng như màu da bò. Tôi thích lắm, chọn một con ưng ý đem về nuôi.
Tôi mang chó về, chị Phượng lẹ làng bẻ cành cây nhỏ đo đuôi chó, vất vào góc vườn, tin tưởng làm vậy chó sẽ không ị bậy.
Tôi nói:
– Giờ mình đặt tên nó là gì?
Chị Phượng nhíu mày hồi lâu rồi bật ra cái tên:
– Robert! Kêu nó là Robert!
Kế mẫu tôi phát biểu:
– Cái tên sao mà khó kêu, bẻ miệng quá!
Rồi bà gọi thử: -Be! Be!….
– “Y như kêu một con dê!” – Tôi nghĩ thầm và bật cười vì âm điệu Nam Bộ không quen uốn lưỡi của bà.
Buổi tối, con chó nhớ mẹ kêu khóc rùm beng, đinh tai nhức óc! Chịu hết nổi, tôi và chị Phượng bật điện, đi kiếm cọng dây thun, quấn quanh mõm chó đến hai vòng. Tuyệt diệu! Con chó im ỉm, không còn kêu rên nữa. Thế là cả nhà tha hồ đánh giấc.
Trời sáng, tôi hết hồn khi thấy con chó gần như lả đi, sắp chết. Chị Phượng vội bế nó lên để tháo cọng thun ra. Vừa chạm đến cọng thun là con chó đau đớn, rên rỉ thảm thiết, vì cọng thun đã ăn sâu vào da thịt. Phải mất nửa tiếng chị Phượng mới tháo được cọng thun. Tiếng rên la của con chó khiến tôi càng ân hận và thấy mình ngu tợn! Sự ngốc nghếch của tôi vô tình hành hạ con chó đến tội!
Tôi nhớ dù nuôi chó nhưng hình như chẳng bao giờ mình tắm chó và cũng chẳng để ý cho nó ăn. Kế mẫu tôi thầu hết việc này. Bà chăm sóc con chó chu đáo và không bao giờ dám cho nó ăn cơm cháy, vì: “Sợ là sau khi chết nó sẽ méc diêm vương mình xử tệ với nó”… Bà thường giải thích với tôi như vậy, tôi chỉ mỉm cười. Những lúc rảnh, tôi thường ngoắc Robert tới vuốt ve, nô đùa với nó như chơi gấu bông.
Sang năm tôi đi tu. Qui luật chùa nghiêm nên tôi ít về thăm nhà. Vào thời điểm mùa màng thất thu, hầu như cả nước đều ăn độn. Khi tôi về thăm nhà, kế mẫu đãi tôi cơm cà-ri (xem như là thịnh soạn vào thời buổi ấy). Tôi vừa ngồi vào ghế, thì Robert đi chơi đâu đó chạy về, trông thấy tôi, nó liền chạy tới trước mặt tôi, đứng thẳng người lên, đặt hai chân trước trên đầu gối tôi và há to miệng phát ra một tràng tiếng “A” bổng trầm thật dài! Nó biểu lộ sự mừng rỡ bằng âm thanh như rên xiết, rên rỉ. Tôi dùng đúng từ “rên rỉ” vì tôi không bao giờ quên được cách mừng lạ lùng của nó, thêm vào đó là ánh mắt nó nhìn tôi thật tha thiết, nước mắt nó tuôn thành dòng, từng giọt từng giọt chảy tiếp nối nhau. Tôi bàng hoàng nhìn sửng nó và bỗng thấy lòng quặn đau (dù bản chất tôi không hề sủng ái chó). Chị Phượng kể hiện nó đang ăn loại cám dành cho heo. Nó có vẻ biết thân, an phận. Có lần nó đi chơi về, dòm quanh, chẳng thấy ai cho gì ăn, nó đành đến thau nước nốc một hơi thay cơm. Nghe kể mà xót xa. Tôi muốn cho nó cái gì đó, tô cơm trên tay tôi lúc đó thiệt ngon, trắng tinh, thơm lừng cà-ri. Nếu tôi cho nó, kế mẫu tôi sẽ buồn và nghĩ là tôi không quí đồ bà nấu. Tôi băn khoăn chưa biết nên làm thế nào thì chị Hai tôi sang thăm. Chứng kiến cảnh con chó chảy nước mắt mừng tôi, chị cầm lòng không đặng, vội xúc tô cơm chan cà ri vào, ụp xuống thau cho con chó. Robert đánh chén sạch nhẵn, vẻ rất hạnh phúc, tôi cảm thấy ấm lòng, vỗ vỗ đầu nó.
Vài năm sau nhà tôi khá hơn. Bữa cơm đã có dinh dưỡng đủ đầy. Gia đình tôi có thêm cô dâu mới. Một lần khi tôi về thăm nhà, chị dâu tôi mách tôi:
– Robert không biết ai bắt về mà thật khôn và có nết, chị để chảo thịt trên nền nhà, quên đậy rồi đi lên nhà trên. Vậy mà khi xuống thấy Robert vẫn lễ phép nằm xa xa, không hề ăn vụng! Sao mà nó ngoan thế không biết!?
Tôi hỉnh mũi thầm, nghe chị khen con chó mà lòng tôi khoan khoái cứ như thể chị đang… khen tôi vậy.
Có thương và tội nghiệp Robert đến mấy, tôi không thể vuốt ve nó mãi, tôi phải rời nó để trở lại chùa, nhưng đôi mắt đầy lệ của nó cứ ám ảnh tôi. Càng buồn hơn nữa là, sau đó tôi nghe tin nó bị xe cán chết.
*
Người ta thường dùng từ chó để ví von, để chửi nhau, hòng miệt thị, hạ nhục địch thủ trong những cuộc cãi lẫy. Thật ra con chó có lòng trung nghĩa rất đáng trân trọng, đức tính này có thể đại diện cho loài chó. Lắm lúc con người còn có thể phản bội, chứ con chó thì không. Nhiều con chó còn biết xả thân cứu chủ. Có lẽ vì vậy mà chó được cưng, được yêu chuộng nhiều, bên Tây phương, người ta còn cho việc ăn thịt chó là hành động dã man.
Dù chủ đối thế nào, có tệ bạc hay đòn roi nhiều, con chó vẫn trung thành, lẽo đẽo đi theo chủ, không hề ôm lòng giận hờn.
Chị Hai tôi kể có lần trong cơn giận chị đánh con chó gẫy chân, nó chui vào gầm giường rên ư ử. Nhưng lát sau thấy chị đi chợ về nó lết ra mừng chị. Nghĩa cử của nó làm chị chảy nước mắt, hối hận và tỉnh ra. Chị bảo tôi: “Ai mà đánh mình què giò thì mình sẽ ghim sâu vào lòng, ôm hận… chờ dịp trả miếng hoặc giận cả tuần, cả tháng… nhưng con chó lại “buông” rất mau. Con người mình luôn tự hào là thông minh hơn loài vật, song nếu mình có tính thù vặt, thù dai, nhỏ mọn… thì phải nhìn nhận là con chó cho qua nhanh hơn mình, chịu đựng giỏi hơn mình!”…
Chị Phượng nói với tôi:
– Có lần trên chuyến xe khách chị ngồi gần một cô gái có một bàn tay rất lạ, bàn tay tật nguyền bẩm sinh, năm ngón cụt tự nhiên, song nhìn lại có vết tích giống như bị một nhát chém ngang. Cô gái kể:
– Thuở em chưa chào đời, gia đình em có nuôi con chó cái. Một hôm nó sủa ồn dữ quá ba em trong cơn nhậu say tức giận cầm dao chặt đứt bàn chân trước của con chó. Con chó chết thời gian lâu thì mẹ sanh ra em. Điều lạ lùng là bàn tay em lại cụt y như dấu vết ba em chém chân con chó… Nhà em khá nhưng em sống trong nhà lại cực như kiếp tôi đòi! Buồn quá cô ơi!
Rồi cô gái xuống xe. Cô có ngoại hình trông rất vất vả, khắc khổ, một phần có lẽ do nội tâm không thanh thản của cô.
Chuyện cô gái làm tôi nao lòng. Nói một lời an ủi người, làm người vui xem ra không khó, song nhổ được gốc khổ trong tâm người quả là không dễ. Có lẽ vì vậy mà Phật và chư Bồ-tát phải vào nhân gian để độ sinh, bày cách giải khổ…
Mỗi lần nghe người ta chửi nhau là chó tôi lại buồn cười. Có lẽ lời rủa sả không biến mình thành thấp hèn, song tư tưởng mình có thể khiến mình thành cao thượng hay thấp hèn. Bởi vậy mà trong giáo lý luôn nhấn mạnh việc thanh lọc tâm. Không phải người ta chửi mình là chó thì lập tức mình bò bốn chân kêu gâu gâu liền, song mình rất dễ nổi giận khi bị miệt thị vậy. Khổ là do chúng ta cần và bám víu quá mức vào sự công nhận giá trị mình từ miệng người, bất kể người ấy là ai, cho dù họ là kẻ địch. Họ nói mình là thánh thì hình như chúng ta “đang bay”, họ miệt thị mình là loài gì thì in như ta tin và hóa thành loài ấy ngay, không tin thì sao chúng ta lại giận?
Có một điều, hình như ta ít tin Phật?…. Vì Phật luôn nhắn nhủ: “Ta là Phật đã thành các ngươi là Phật sẽ thành!” nghe câu này ta không mừng, không cảm động, thậm chí không tin nữa…. Song nếu bị người mắng mình là… chó thì ta sẽ nhảy nhổm (y như là tin liền), vì ta không tự tin mình là người, là Phật sẽ thành. Phật xác nhận vậy vì muốn chúng ta hiểu rằng trong tâm ai cũng có bản chất thánh thiện của Phật. Thấy người khổ chúng ta mềm lòng, bắt nạt người chúng ta hối hận?…. đó là Phật tâm. Nếu Phật tâm hiển lộ tỏa sáng thường, thì cuộc sống chúng ta ngày ngày đều là xuân, luôn tươi tắn rạng rỡ. Bất kể thời tiết bên ngoài là hạ, thu, đông…
– Mọi loài đều có phẩm chất tốt, đều có Phật tính – Tính Phật trong con chó là lòng trung nghĩa. Thực ra không phải con chó tốt hơn người, tốt hơn thì nó đã không làm chó. Tất nhiên càng chứa nhiều phẩm chất tốt thì đời sống ta càng thăng hoa, hạnh phúc… thăng hoa đến đỉnh điểm thì là Phật. Vì vậy muốn cuộc sống hạnh phúc thì chỉ có trưởng dưỡng phẩm chất Phật và không dung chứa những thói tật chúng sinh.
Đã đăng báo Giác Ngộ 314/ 2-2-2006