Chết – Thân Trung Ấm – Tái Sinh
Theo Phật giáo, mỗi chúng sinh đều có ba thân: thân tiền ấm, thân trung ấm và thân hậu ấm. Thân tiền ấm là thân thể vật chất hiện tại. Thân trung ấm là thân sau khi chết, đang ở trong khoảng thời gian tìm kiếm một thân khác tương ứng để nương gá. Thân hậu ấm là thân đời sau, khi đã tái sanh vào một cảnh giới khác.
Tại sao trung ấm được gọi là thân? Đúng theo ý nghĩa của chữ thân là “tích tụ” thì sau khi thân này đã chết và chưa tìm ra chỗ đầu thai, trong giai đoạn này không thể gọi là thân được. Vì trong giai đoạn này chỉ có thần thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hòa hợp. Tuy nhiên trong giai đoạn này có thể tạm gọi là thân, vì nó có đủ sự thấy, nghe, hay, biết… Kinh Phật gọi dạng thân này là “sắc công năng”, thân do nơi chủng tử của thần thức hiện hành.
Thân trung ấm còn gọi là thân trung hữu, hương hành, ý hành, thú sanh… Thân trung hữu là thân quả báo ở khoảng giữa đời này và đời sau; nghĩa là sau khi rời thân tiền ấm nhưng chưa thác sanh vào thân hậu ấm, trong khoảng trung gian đó gọi là Trung, do vì quả báo thân này vốn có chẳng phải không, mà con người ai cũng phải gánh trả nên gọi là Hữu. Hương hành vì thân này luôn lần theo mùi hương mà đi, ngửi mùi hương để tồn tại, vì vậy đối với người chết khi cúng họ chỉ hưởng mùi hương mà no đủ. Ý hành là do thân này nương gá vào ý để đi tìm chỗ đầu thai. Thú sanh là thân này ở vào một trong sáu cảnh luân hồi.
Thân thể con người vốn do tứ đại hợp thành, do vậy khi chết sắc thân tứ đại phân tán, còn phần tinh thần thì không mất mà tùy nghiệp thọ báo. Thần thức của con người sau khi lìa khỏi xác thân sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau: Đối với người khi sanh tiền tạo các nghiệp nhân cực ác (như ngũ nghịch, thập ác), hoặc người đã tu rất nhiều công đức lành (tu mười điều thiện), hoặc người có tín sâu, nguyện thiết, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương; hoặc người có công phu thiền định đã đoạn trừ được kiến tư hoặc, những người đó sau khi chết không phải thọ thân trung ấm.
Ngay khi vừa chấm dứt hơi thở, họ sẽ trực chỉ đọa vào địa ngục A tỳ, hoặc sanh lên cõi trời, hoặc vãng sanh về Tịnh độ. Đối với hạng người bình thường, khi sanh tiền tuy tạo nghiệp nhưng không rơi vào một trong hai nghiệp cực thiện hay cực ác kể trên. Với nghiệp thiện ác lẫn lộn nên thần thức cần một khoảng thời gian để tái sanh vào cảnh giới tương ưng. Trong trường hợp này, thần thức phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm.
Cảnh giới thọ dụng của thân trung ấm biểu hiện qua hai phần: sắc thân thọ báo và tâm lý thọ báo. Về sắc thân thọ báo, trung ấm có hai loại hình sắc xinh đẹp và xấu xa. Trung ấm có loại hai tay hai chân, có loại bốn chân, có loại nhiều chân, hoặc không chân. Đại để trung ấm chuẩn bị tái sanh về loại nào thì có hình dáng tương đồng với chúng sanh loài đó.
Thân trung ấm của hàng nhân thiên cõi dục, hình dáng bằng đứa bé năm bảy tuổi. Thân trung ấm của chúng sanh cõi sắc lớn bằng thân bản hữu và có y phục, vì do có nhiều chủng tử tàm quý. Chúng sanh ở cõi vô sắc không có thân trung ấm, bởi cõi này không có hình sắc. Trung ấm chư Thiên đầu hướng lên, trung ấm người, bàng sanh và quỷ nằm ngang mà bay đi, trung ấm của chúng sanh ở địa ngục đầu chúc xuống.
Những ai có thiên nhãn, nhìn vào ánh sáng phát ra từ mỗi người, họ có thể đoán định được người đó thiện hay ác. Trung ấm cũng thế, tùy theo nghiệp thiện hoặc ác mà mỗi loài đều có những ánh sáng phát ra khác nhau. Trung ấm của kẻ tạo nghiệp ác ánh ra sắc đen hay xám, trung ấm của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như điện sáng. Còn về màu sắc, trung ấm của địa ngục sắc đen như than. Trung ấm của bàng sanh sắc xám như khói. Trung ấm của ngạ quỷ sắc đạm như nước. Trung ấm người và trời Dục giới sắc như vàng ròng. Trung ấm của chư Thiên Sắc giới rất đẹp màu tươi trắng, sáng tỏ như ánh trăng rằm.
Trung ấm có rất nhiều thần lực. Mắt của thân trung ấm nhìn suốt xa như thiên nhãn không bị chướng ngại, thấy các trung ấm khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Tai của trung ấm có thể nghe được những âm thanh cực nhỏ. Mũi của trung ấm có thể ngửi được những mùi hương dù xa vạn dặm… Trong giây phút, trung ấm có thể bay vòng quanh giáp núi Tu di, lại có thể xuyên qua tường vách núi non không bị chướng ngại. Chỉ trừ hai chỗ trung ấm không thể vượt qua được: Bào thai mẹ, vì nghiệp lực, một khi trung ấm đã vào rồi thì không thể đi ra được và Kim cang tòa của Phật, do thần lực của Phật, trung ấm không thể vượt qua được.
Thọ mạng tối đa của thân trung ấm là bảy ngày, nếu quá thời hạn bảy ngày mà chưa tìm được chỗ thọ sanh, trung ấm sẽ chết đi rồi sống lại. Nhưng trong vòng 49 ngày trung ấm cũng sẽ tìm được chỗ thọ sanh. Trung ấm khi chết, do nghiệp lành hay dữ chuyển biến mà đổi thành thân trung ấm loài khác. Đại để trung ấm khi sắp chết, tùy theo nghiệp thiện ác mà trong tâm thấy những tướng sai khác, khiến tâm thức mơ màng dường như trong mộng, bấy giờ khởi lên ý niệm muốn chết để sống lại. Khi chết tùy theo nghiệp mà có cảm thọ khổ vui, và sau đó tiếp tục sanh làm thân trung ấm khác, để nối tiếp công việc tìm nơi để thác thai.
Về tâm lý thọ báo, trong thời gian này, trung ấm luôn ở trạng thái mờ mịt phiêu diêu vô định. Các ý tưởng buồn vui lẫn lộn làm cho tâm lý trung ấm thay đổi liên tục, vô cùng thống khổ và bất ổn. Tựu trung tâm lý của thân trung ấm có những sự diễn tiến như sau:
Trước hết là hoài nghi, không biết mình đã chết hay chưa? Thông thường con người sau khi tắt hơi thở, thần thức mới lìa khỏi thể xác, nếu chưa được giải thoát, đều phải trải qua một giai đoạn tối tăm, mịt mù từ ba đến bốn ngày, sau đó mới có cảm giác minh mẫn trở lại. Trong thời điểm tối tăm, thần thức luôn ở trong trạng thái hoài nghi xen lẫn mơ màng, đắn đo tự hỏi: “Giờ phút này không biết ta đã chết hay chưa?”. Đây là trạng thái đối chọi giằng co, giữa hai ý niệm tham sống và sợ chết của con người mà có. Sau khi qua khỏi giai đoạn tăm tối, mới xác định rõ mình đã chết.
Tiếp theo là sự hoảng hốt, khi đi vào một thế giới xa lạ. Khi sống con người đã quen thuộc với cảnh vật xung quanh, nhưng sau khi chết thọ thân trung ấm, con người lại tiếp xúc với một thế giới hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thường nhật. Ở đó lại có những cảnh tượng quái dị, những âm thanh chát chúa… khiến thân thể bất an, tâm thức hoảng loạn. Do vậy, tâm lý trung ấm luôn trong trạng thái hoảng hốt, lạc lỏng nơi cảnh giới mà mình không biết thực hư như thế nào. Chính sự hoảng hốt này là yếu tố làm cho trung ấm đọa lạc vào cảnh giới khổ đau.
Do ái dục chi phối, con người khi chết thường sanh các tâm niệm quyến luyến. Hoặc do cảm thương thân phận của mình đã chết, mà sanh tâm đau buồn thương cảm. Hoặc nhân tham luyến vợ con, tài sản mà khó dứt trừ tâm thương yêu trói buộc. Hoặc do các tâm nguyện chưa thành đột nhiên cái chết lại đến, khiến bứt rứt ngồi đứng không yên. Hoặc do oan ức chưa kịp bày tỏ, khiến lòng bực tức mà không chịu nhắm mắt. Tất cả những tâm lý đó đã giày xéo, làm cho trung ấm vốn đã thống khổ, lại chồng chất thêm nhiều nỗi thống khổ khác.
Mặt khác, bấy giờ do nghiệp lực quá khứ chiêu cảm, có những luồng gió nghiệp cực mạnh thổi nát trung ấm, những ánh sáng chớp lòe như giông tố, khiến cho trung ấm hoảng hốt sầu lo; lại có những âm thanh vô cùng chát chúa, khiến trung ấm đinh tai nhức óc cùng với vô số loài ác quỷ hình thù kỳ dị, cầm giáo mác đến đe dọa mạng sống… Tất cả những cảnh tượng rùng rợn ấy, đều do nghiệp lực chiêu cảm, khiến cho thân trung ấm sợ muốn ngất, hoảng hốt không nơi nương tựa. Bấy giờ trung ấm chỉ mong cầu thân quyến tạo phước để cứu giúp mà thôi.
Lúc đó lại có những luồng hào quang của chư Phật và ánh sáng của các chúng sanh trong lục đạo phóng đến. Chư Phật với những đại hào quang rực rỡ và mạnh mẽ, như hào quang sắc xanh chói lòa, hào quang sắc trắng trong sạch, hào quang sắc vàng trong như ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Còn ánh sáng lục phàm trong cõi dục thì yếu ớt hơn. Ánh sáng của cõi trời thì trắng, ánh sáng của cõi người thì vàng nhạt, ánh sáng của cõi a tu la thì xanh đậm, ánh sáng của cõi địa ngục thì như khói đen, ánh sáng của cõi ngạ quỷ thì đỏ sẫm, ánh sáng của cõi súc sanh thì xanh nhạt. Trong đó thân trung ấm tùy nghiệp duyên với cõi nào thì ánh sáng của cõi ấy sẽ rực rỡ hơn. Vì nghiệp duyên bất thiện của chúng sanh nên phần nhiều các trung ấm chỉ thích ánh sáng của lục phàm hơn…
Cổ thi có câu: “Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt, kim nguyệt hà tằng kiến cố nhân”. Người xưa không thấy được vầng trăng ngày nay, người nay cũng không thể thưởng thức được vầng trăng ngày xưa, song vầng trăng đã chứng kiến được bao sự đổi thay của kim cổ. Và nếu gương trăng có được mối suy tư, chắc cũng sẽ tự hỏi: Không lẽ đời người sanh ra, rồi chỉ biết lo giành giật mưu sinh để rồi chết trong đau khổ, vậy đâu là niềm hạnh phúc chân thật của kiếp người? Ưu tư của vầng trăng cũng là nỗi ưu tư của người có trí tuệ, không chấp nhận thân phận bọt bèo của kiếp người, chỉ sanh ra để đấu tranh sinh tồn và cuối cùng chết trong hoảng hốt…
Vì thế, hiểu được trạng thái con người khi chết như thế nào, và sau khi chết đi về đâu, để thiết lập cho bản thân một cuộc sống có ý nghĩa, có định hướng là điều chúng ta cần phải tranh thủ làm ngay trong những ngày còn lại ngắn ngủi trên cõi dương thế này.