CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

Học Xứ Thứ Bảy: XIN Y QUÁ LƯỢNG

Đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-ba-nan-đà suy nghĩ: “Những chỗ doanh cầu đã có của chúng ta đều bị trưởng giả Cấp-cô-độc khải thỉnh Thế Tôn chế giới, chúng ta muốn xin chiếc khăn nhỏ còn không được huống là cái lớn. Nhưng Thế Tôn có biệt khai cho Bí-sô thiểu dục thiếu y phục được xin, chúng ta phải tìm người thiểu dục để dựa nhờ vào họ, có thể nhờ họ mà chúng ta kiếm được chút ít”. Nghĩ rồi Lục chúng liền đi khắp nơi tìm người thiểu dục nhưng chưa tìm được, một người trong Lục chúng nói: “Nơi A-lan-nhã hiện có bốn mươi Bí-sô thiểu dục ở”. Lục chúng liền đi đến A-lan-nhã thấy có bốn mươi Bí-sô đang vất vả khâu vá lại y rách của mình, Ô-ba-nan-đà nói với các Bí-sô: “này các cụ thọ, điều tôi nghe với điều tôi thấy không giống nhau. Tôi cho rằng các vị ở trong A-lannhã thọ thắng lạc giải thoát của tĩnh lự, không ngờ các vị lại phải vất vả khâu vá y phục làm cho loạn ý như vầy”. Các Bí-sô nói: “Đại đức, tôi bị giặc cướp”, Ô-ba-nan-đà nói: “Đây là việc bất thiện rất bất hạnh”, Các Bí-sô nói: “Đại đức vì sao loa buồn?”, Ô-ba-nan-đà nói: “Tôi không lo buồn mà thương cho các vị bị cướp, họ vì tham mà cướp đoạt sau khi bỏ thân này sẹ bị đọa vào địa ngục, dù được thân người cũng mắc quả báo nghèo cùng. Này các cụ thọ, như Thế Tôn có dạy: Người do hành nghiệp trộm cắp thường huân tập, sau khi mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục thọ các khổ não, dẩu được thân người cũng thiếu thốn về y thực. Do vậy nên tôi nói với giọng lo buồn, nhưng các cụ thọ vất vả khâu vá y phục cũ rách này làm chi, sao không xin vải tốt mới?”. Các Bí-sô nói: “Ai lại bỏ phước điền thắng diệu mà thí cho chúng tôi chứ”, Ô-ba-nanđà nói: “Này các cụ thọ, Thế Tôn ở đâu cũng khen ngợi những vị thiểu dục tri túc nên những người có lòng tin đều muốn cúng dường, tại sao các cụ thọ không đi tìm cầu?”, đáp: “Chúng tôi không biết phải xin ở đâu”, Ô-ba-nan-đà nói: “Nếu không biết chỗ xin tại sao không nhờ người khuyến hóa giúp, họ có thể giúp các vị đổi được y phục”. Các Bísô nói: “Chúng tôi cũng không biết nhờ ai giúp, ai có thể bỏ việc tu phẩm thiện để tìm cầu giúp chúng tôi chứ”. Ô-ba-nan-đà nói: “Nhóm Lục chúng chúng tôi mỗi vị đều có chín đệ tử tổng cộng là sáu mươi người sẽ tìm cầu y vật giúp cho các vị, nếu các vị không trái trở để tùy ý chúng tôi lo liệu thì chúng tôi cũng nhơn cơ hội này được ít nhiều y phục”. Các Bí-sô nói: “Cùng được y phục thì chúng tôi đâu có trái trở”, Ô-ba-nan-đà nói: “Chúng tôi đâu có thể tự đi khất thực rồi lại đi tìm cầu y phục, nếu không khó nhọc mà được thức ăn đầy đủ thì mới có thể đi tìm cầu y phục”. Các Bí-sô nói: “Nói cũng phải”. Sau đó Ô-ba-nan-đà trở về trú xứ rửa chân rồi vào phòng suy nghĩ: “Ta nên làm phương tiện gì để có thể khuyến hóa được tất cả ở trong thành này, trừ nhả của trưởng giả Cấp-cô-độc là không đến mà thôi. Ta nên đến nhà người nghèo trước, kế đến nhà người giàu, sau đó đến chỗ vua Thắng Quang, phu nhân hành Vũ, phu nhân Thắng Man, trưởng giả Tiên-thọ, cư sĩ Cố Cựu, Tỳ-xá-khư mẫu, vợ chồng Thiện-sanh… cứ theo thứ lớp như vậy đề khất cầu y vật”. Lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng thọ thực, Ô-ba-nan-đà thấy rồi liền suy nghĩ: Ta nên bảo các đệ tử: Ngày mai nếu trong chúng có sai làm việc gì đều không nên nhận, đáp rằng hôm nay hai thầy của chúng tôi có chút việc sai chúng tôi làm rồi”. Sáng hôm sau Ô-ba-nan-đà sai một đệ tử đến trong nhà tĩnh lự gọi bốn mươi Bí-sô thiểu dục đến để đi tìm cầu y phục, người này đi đến nhìn thấy các Bí-sô đều nhập định liền suy nghĩ: “Ai có thể ở đây khởi tâm thô ác, không quán đời sau mới xúc chạm người đang nhập định”, nghĩ rồi liền trở về nói rằng: “A-giá-lợi-da, các vị đó đều đang nhập định con không dám làm kinh động”. Ô-ba-nan-đà nổi giận nói: “Ngươi là kẻ ngu si vô trí, ngươi nay nói lời chí thành này há khiến họ dứt các phiền não hay sao”, nói rồi liền đi đến nhà tĩnh lự, lấy chấn đá vào cửa làm cho chấn động khiến các Bí-sô xuất định, các Bí-sô hỏi: “Tại sao đại đức làm như vậy?”, Ô-ba-nan-đà nói: “Các vị muốn cầu y phục sao cứ ngồi tĩnh tọa như thế, các vị phải đến đi với chúng tôi”, các Bí-sô nói: “Hãy chờ một chút, đợi chúng tôi súc miệng đã”, Ô-ba-nan-đà nói: “Đi đến nửa đường rồi hãy súc miệng”. Bốn mươi Bí-sô thiểu dục nghe lời cùng đi theo Ôba-nan-đà, Ô-ba-nan-đà bảo các môn nhơn: “Này các cụ thọ, Lục chúng chúng ta như là Bạch tượng đi tới đâu mọi người đều chen nhau đến, vì vậy chúng ta không nên cùng đi chung, nên kẻ trước người sau đi riêng biệt”. Lục chúng trước tiên vào khu phố của người nghèo trong chợ Thất-la-phiệt đứng với vẻ ưu sầu, họ hỏi: “Thánh giả hôm nay có việc gì ưu não?”, đáp: “đúng vậy, các vị có nghe nói về bốn mươi Bí-sô thiểu dục mà đức Phật thường khen ngợi là thiểu dục tri túc không?”, liền nói có nghe nói , Ô-ba-nan-đà nói: “Các vị này vừa rồi đều bị giặc cướp đoạt hết y phục”, họ nghe rồi liền nói với nhau: “Chúng ta nên mang cung tên dao mác đến bao vây giặc cướp”, Lục chúng nói: “Bị cướp đã lâu, nay bọn cướp đã bỏ đi phương khác rồi”, mọi người liền hỏi: “Vậy chúng tôi nên làm gì?”, Lục chúng nói: “Các vị nên cúng y phục”. Mọi người cùng nhau đóng góp đem đến bạch điệp hoặc cũ hoặc mới để dâng cúng, Lục chúng bảo các đệ tử gánh về chùa. Kế đi đến khu phố của người giàu làm giống như trên khiến mọi người đều mang bạch điệp đến dâng cúng, Lục chúng cũng sai đệ tử gánh về chùa. Sau đó đến chỗ vua Thắng Quang nói giống như trên, nhà vua liền ra lịnh Tỳ Lô Trạch Gia đem binh đến bao vây bắt giặc cướp, Lục chúng nói: “Bị cướp đã lâu rồi, nay giặc cướp đã tẩu tán sang nước khác”, nhà vua nói: “Vậy thánh giả muốn Ta làm gì?”, Lục chúng nói: “Đại vương nên cúng y”. Vua Thắng Quang liền dâng cúng mỗi vị mười ba món tư cụ và y phục thắng diệu, Lục chúng sai đệ tử gánh về chùa giống như những lần trước. Lúc đó bốn mươi Bí-sô nói với Ô-ba-nan-đà: “Đại đức, tính ra số y phục nhận được đã đủ cho chúng tôi rồi, đừng có xin nữa”, Ô-ba-nanđà nói: “Các vị đều là những người lười biếng, chẳng phải tôi đã nói trước nếu các vị không trái trở thì nhơn việc này cũng tìm được ít nhiều y phục cho các đệ tử của chúng tôi, như vậy tại sao nay các vị thấy đủ bảo chúng tôi đừng cầu xin nữa”. Bốn mươi Bí-sô nghe lời này đều im lặng, Ô-ba-nan-đà tiếp tục dẫn đến chỗ phu nhơn Hành Vũ, phu nhơn Thắng Man, Tiên Thọ, Cô Cựu, Tỳ-xá-khư Mẫu, vợ chồng Thiện Sanh, đến đâu cũng được dâng cúng mười ba món tư cụ và y phục thượng diệu cho mỗi Bí-sô và Lục chúng cũng sai đệ tử gánh về chùa như những lần trước. Lúc đó Lục chúng nói với mọi người: “Ngày hôm qua Thế Tôn cùng các Bí-sô thọ người khác thỉnh thực, nếu không đủ một trăm vị thì thí chủ không toại nguyện, vì vậy các vị nên đi đến đó thọ thực cho đủ số, đồng thời đưa bát nhận thức ăn cho chúng tôi luôn”. Lục chúng sai mọi người đi rồi liền về chùa soạn lại số y vật đã xin được, lấy số y phục thượng diệu để qua một bên, còn số y phục cũ thì đem chia ra bốn mươi phần dành cho bốn mươi Bí-sô thiểu dục. Bốn mươi Bí-sô này đi phó thỉnh trở về, Lục chúng ăn xong bảo đệ tử mời bốn mươi Bí-sô thiểu dục đến và đưa cho họ bốn mươi phần y phục cũ, các Bí-sô này thấy y phục đều cũ rách nên cùng nhìn nhau, Lục chúng hỏi: “Vì sao các vị lại nhìn nhau như thế?”, bốn mươi Bí-sô hỏi: “Vì sao lại chia cho chúng tôi toàn y phục cũ rách?”, Ô-ba-nan-đà nói: “Cái này dùng nhiếu lớp may Tănggià-chi, cái này may Ốt-đa-la-tăng-già… như Thế-là đầy đủ lắm rồi, tại sao còn chê trách, nếu các vị không vừa ý thì chúng tôi sẽ đi xin thếm nữa”. Bốn mươi Bí-sô nói: “Thôi đủ rồi đừng đi xin thêm nữa”, nói rồi liền mang số y phục cũ rách này về A-lan-nhã khâu vá lại như trước kia, nhưng các thiện tín trong thành đều cho rằng bốn mươi Bí-sô thiểu dục đã đến chỗ nhà vua và bảy nhà hào phú mỗi chỗ đều được mười ba món tư cụ và y phục thượng diệu. Lúc đó có một Bí-sô tình cờ đến A-lan-nhã thấy các Bí-sô đang khâu vá y phục cũ rách liền hỏi: “Các cụ thọ, tại sao điều tôi nghe và điều tôi thấy không giống nhau?”, các Bí-sô hỏi: “Cụ thọ nói Thế-là ý gì?”, đáp: “Tôi nghe nói các cụ thọ đã đến chỗ nhà vua và bảy nhà hào phú mỗi nơi đều được dâng cúng mười ba món tư cụ và y phục thượng diệu, tại sao hôm nay vẫn khâu vá y phục cũ rách như thế này?”. Bốn mươi Bí-sô thiểu dục liền đem sự việc trên kể lại cho Bí-sô khách nghe, Bí-sô nghe rồi giận trách Lục chúng và đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô hỏi Lục chúng và bốn mươi Bí-sô thiểu dục: “Các thầy thật đã nhận vật do người khác dâng cúng mà không biết tri túc thọ phải không?”, bốn mươi Bí-sô thiểu dục liền đem đầu đuôi sự việc bạch Phật: “Sự thật là như vậy thưa Thế Tôn”. Thế Tôn dùng đủ lời quở trách Lục chúng là không thuận chánh lý, tâm không điều tịch, quở rồi bảo các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô bị đoạt y, bị mất y, bị cháy y, bị trôi mất y, bị gió thổi bay mất y, đến Cư sĩ vợ Cư sĩ không phải là thân tộc xin y. Cư sĩ cúng nhiều y, Bí-sô nếu cần chỉ nên thọ hai y thượng hạ, nếu thọ quá phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca”.

Bị đoạt y… đã giải ở giới trên. Nên thọ hai y thượng hạ: Có hai loại y thượng hạ, một là y thượng hạ của Bí-sô, hai là y thượng hạ của thế tục. Y thượng hạ của Bí-sô là y mới làm Tăng-già-chi hai lớp thì bề đứng ba, bề ngang năm; nếu là Ni-bà-san thì bề đứng hai, bề ngang năm. Y thượng hạ của thế tục là y thượng bề dài hai khuỷu tay, bề rộng ba khuỷu tay; y hạ bề dài bảy khuỷu tay, bề rộng hai khuỷu tay. Nếu cần nên thọ là khởi tâm thọ nhận. Thọ quá là thọ nhận quá số lượng đã chế thì khi được y vào tay liền phạm Xả đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô đến người khác xin y thượng hạ của thế tục được như số lượng đã chế, nếu xin thêm nữa thì khi xin phạm Ác-tác, khi được phạm Xả đọa. Nếu xin y thượng hạ của Bí-sô cũng giống như vậy. Nếu Bí-sô đến người khác xin y thượng hạ của thế tục, dù không đủ số lượng như đã chế cũng không nên xin thêm nữa, nếu có dư thì không cần phải trả lại cho chủ. Nếu Bí-sô đến người khác xin y thượng hạ của Bí-sô, nếu không đủ như số lượng đã chế thì có thể xin thêm, nếu có dư thì nên trả lại cho chủ. Nếu y của thế tục không đủ lại xin thêm hoặc y của Bí-sô dư không trả lại, kết tội nặng nhẹ chuẩn theo đây nên biết. Nếu có ý muốn xin quá số lượng đã chế thì khi xin phạm Ác-tác, khi được phạm xả đọa. Phạm xả đọa rồi lại nhận được y vật nữa, tất cả đều đồng phạm. Không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn, bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Tám: BIẾT NGƯỜI TỤC CÙNG HỨA CÚNG Y  LIỀN ĐẾN XIN

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành có một trưởng giả đã có vợ lại tà hạnh với người nữ khác, người vợ khuyên: “Anh không nên tà hạnh như vậy”, người chồng không nghe, người vợ giận trách liền tư thông với người nam khác. Mỗi khi người chồng lấy tài vật biếu tặng cho tà phụ thì người vợ cũng lấy tài vật biếu tặng cho tà phu giống như vậy, cả hai vợ chồng cùng nhau phá tán nên không bao lâu sau gia sản khánh tận. Lúc đó Trưởng giả đánh đập tớ gái trong nhà để trút giận nói rằng: “Do ngươi nên gia sản của ta mới tiêu tán”, tớ gái nói: “Từ lâu tôi đã biết nguyên do gia sản của hai người bị phá tán, vì hai người đều là gia chủ của tôi nên tôi không dám bài xích mà thôi”. Hai vợ chồng nghe lời này biết đứa tớ gái chỉ trích nên xấu hổ im lặng. Lúc đó Ô-ba-nan-đà nghe biết việc này liền đến nhà Trưởng giả thuyết pháp cho hai vợ chồng nghe, chê trách phá giới khen ngợi trì giới rồi nói: “Như Phật có dạy, người nào tà hạnh sau khi mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục, nếu được làm người thì vợ không trinh thuận, chồng có niệm tà. Nếu lìa tà hạnh thì sau khi mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời, nếu sanh trong loài người thì vợ trinh lương, chồng không tà niệm”, kế nói kệ:

“Do nghe biết được pháp,
Nghe pháp lìa các lỗi,
Nghe pháp bỏ bạn ác,
Nghe pháp được Niết-bàn”.

Hai vợ chồng nghe pháp rồi liền bỏ hạnh tà, Ô-ba-nan-đà lại nói về công đức quy kính thù thắng và bảo rằng: “Hai vị hãy lắng nghe, như Phật có dạy:

“Người nào quy y Phật,
Không đọa vào đường ác,
Xả bỏ thân người rồi,
Sẽ được sanh lên trời.
Người nào quy y Pháp,
Không đọa vào đường ác,
Xả bỏ thân người rồi,
Sẽ được sanh lên trời.
Người nào quy y Tăng,
Không đọa vào đường ác,
Xả bỏ thân người rồi,
Sẽ được sanh lên trời”.

Hai vợ chồng nghe pháp rồi hoan hỉ khởi tâm tịnh tín liền quy y Tam bảo, Ô-ba-nan-đà lại khen ngợi công đức của năm giới: “Hai vị hãy lắng nghe, như Phật đã dạy có năm loại đại thí, đó là lìa sát sanh, trộm cắp, tà dục, nói dối và uống rượu. Vì sao lìa năm thứ này được gọi là đại thí, vì nếu lìa được năm thứ này sẽ đem lại sự không sợ hãi, không có oán kết, vợ chồng trinh lương, được người tin cậy và không kiêu căng phóng dật. Do được năm điều nay nên chiêu cảm quả báo an vui, thường sanh cõi trời người, vì thế gọi năm giới này là năm đại thí”. Hai vợ chồng nghe pháp rồi càng sanh lòng tin sâu, thọ trì năm học xứ, Ô-ba-nan-đà khiến cho hai vợ chồng thọ quy giới rồi liền ra về. Vào một ngày khác Trưởng giả lại đánh đập tớ gái trong nhà, người vợ liền khuyên: “Trước đây chúng ta chưa biết về nghiệp quả nên thường làm cho kẻ khác đau khổ. Nay nhờ Thánh giả Ô-ba-nan-đà là thiện tri thức nên chúng ta mới biết về nghiệp quả, chúng ta không nên làm cho kẻ khác đau khổ nữa. Người ở thế gian tự thọ nghiệp báo, sang hèn không thường hằng, từ nay anh chớ đánh đập tôi tớ nữa”. Người chồng nghe lời bảo tớ gái tắm rửa sạch sẽ rồi ban cho áo mới và nói nếu nó siêng năng làm việc thì từ nay ông ban cho nó sự vô úy. Tớ gái liền suy nghĩ: “Trước đây hai gia chủ đều bất nhơn đối với ta, nay lại đối với ta nhơn từ ân đức, tất cả đều nhờ Thánh giả Ô-ba-nan-đà, ta nên lấy vật gì đền ơn Thánh giả”, lại nghĩ: “Nếu ta lấy cắp vật của gia chủ, nếu gia chủ biết được ắt sẽ đánh đập ta giống như trước”. Do không có vật gì đem báo ân nên trong lòng hổ thẹn, lúc đó người vợ nói với chồng: “Thánh giả Ô-ba-nan-đà là thiện hữu của chúng ta, đã khiến chúng ta bỏ hạnh tà trụ trong phẩm thiện, quy kính Tam bảo, thọ trì năm học xứ, lại thường lui tới đem giáo pháp dạy bảo chúng ta, chúng ta nên cúng dường”, người chồng hỏi nên cúng dường vật gì, người vợ nói: “Chúng ta nên cúng một xấp bạch điệp”. Tớ gái nghe rồi liền nghĩ: “Ta nên nói cho Thánh giả biết tin vui này để đền ơn”. Sáng hôm sau Ô-ba-nan-đà vào thành khất thực theo thứ lớp đến nhà ông Trưởng giả, đứa tớ gái thấy liền kính lễ nói rằng: “Con có một tin muốn báo cho Thánh giả biết”, hỏi là việc gì, đứa tớ gái nói: “Hai gia chủ của con muốn dâng cúng một thượng y cho đại đức”. Ô-ba-nan-đà liền suy nghĩ: “Ta là một trong những kẻ tham lam nhất trên đời, nay nghe nói được lợi thất xứng với bổn tâm, nhưng ta phải gạn hỏi lại đứa tớ gái này mới được”, nghĩ rồi liền hiện vẻ sân nói: “Tiểu nữ vì sao dám trêu cợt ta?”, tớ gái nói: “Con đâu dám trêu cợt Thánh giả”. Ô-ba-nan-đà nói: “Nếu lời ngươi nói là thật thì khi Trưởng giả giận muốn đánh ngươi, ta sẽ khuyên ông tha cho ngươi; nếu lời ngươi nói không thật thì ta bảo ông thêm nhiều roi vọt giống như trước kia”. Tớ gái nói: “Thánh giả không phải nghi, chỉ cần vào trong tự sẽ biết ngay”. Ô-ba-nan-đà liền vào trong nhà, hai vợ chồng Trưởng giả cùng nói thiện lai rồi mời ngồi, Ô-ba-nan-đà nói pháp cho hai vợ chồng nghe rồi nói: “Hai vị hứa cúng đại điệp, tôi muốn được nhìn thấy”, hai vợ chồng nghe rồi liền đưa mắt nhìn nhau, Ô-ba-nan-đà hỏi vì sao, hai người liền đáp: “Thánh giả, đây là lời chúng tôi bàn riêng với nhau, ai báo cho thánh giả biết hay là Thánh giả biết được tâm của người khác”. Ô-ba-nan-đà nói: “Tôi mang bát đi khất thực từ đó đến nay, đối với tôi đây chỉ là việc nhỏ, hai vị không tin sao?”. Hai vợ chồng liền đem đại điệp ra cho Ô-ba-nan-đà xem, sau khi xem xét kỹ Ô-ba-nan-đà tỏ vẻ không hài lòng nói rằng: “Trưởng giả có phước xả mà không có phước thọ dụng, loại điệp này chỉ để dùng lau dép hay làm rèm cửa, để trên sào tự nhiên sẽ rách”, Trưởng giả liền hỏi: “Thánh giả muốn như thế nào?”, đáp: “Phải cúng loại tốt hơn tôi mới may y”, Trưởng giả nói: “Chúng tôi không có loại tốt hơn”, liền nói: “Vậy thì hãy đi mua”, Trưởng giả nói: “Chúng tôi không còn tiền”, liền nói: “Cứ mua chịu sau sẽ trả”. Trưởng giả liền nhìn vợ, người vợ nói: “Thánh giả có đại ân đối với chúng ta, chúng ta nên mua loại tốt cúng cho Thánh giả”. Trưởng giả liền cùng Ô-ba-nan-đà đến một cửa hiệu trong chợ để mua, Ô-banan-đà liền suy nghĩ: “Ta phải nói khích để ông chủ tiệm đem loại thượng hạng ra”, nghĩ rồi liền nói với Trưởng giả: “Xem sơ qua thấy cửa hàng này chỉ bán loại y phục cho người nghèo, làm gì có loại bạch điệp thượng hạng, chúng ta nên đến cửa hàng khác”. Ông chủ tiệm vừa nghe liền tự ái đưa ra loại điệp thượng hạng nói: “Thánh giả hãy xem thử loại điệp này”, Ô-ba-nan-đà vừa nhìn liền khen là loại thượng hảo và hỏi giá bao nhiêu, chủ tiệm đáp: “Giá năm mươi Ca-lợi-sa-ba-noa”, Ôba-nan-đà nói: “Ba mươi thì tôi sẽ lấy”, chủ tiệm hỏi: “Ai sẽ trả tiền”, đáp: “Vị trưởng giả này trả”, ông trưởng giả liền hẹn ngày sẽ mang đến trả, chủ tiệm nghe nói như vậy liền bằng lòng bán, Trưởng giả cầm lấy thượng điệp đưa cho Ô-ba-nan-đà, Ô-ba-nan-đà cầm lấy rồi chú nguyện cho Trưởng giả được không bịnh sống lâu… Trưởng giả vì gia sản khánh tận nên không thể trả tiền đúng ngày như lời đã hứa, chủ tiệm bắt phạt Trưởng giả đứng dưới ánh mặt trời thiêu đốt, người quen trông thấy liền hỏi : “Tại sao ông lại đứng dưới ánh mặt trời tiêu đốt là chữa bịnh sốt rét hay đang thoa dầu trị ghẻ?”, đáp: “Tôi không phải vì chữa bịnh sốt rét cũng không phải đang thoa dầu trị ghẻ, mà vì tôi không trả nợ đúng hạn nên bị chủ nợ phạt”, lại hỏi: “Ông mắc nợ khi nào hay là nợ của tổ phụ để lại?”, đáp: “Là do tôi kính tín Thích ca tử dâng cúng chiếc y, Bí-sô chê xấu không nhận bảo tôi mua loại thượng hạng nên tôi phải chịu khổ này”. Người này nghe rồi liền chê trách sa môn Thích tử tham cầu không nhàm chán, các Bí-sô nghe biết được liền bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô và hỏi Ô-ba-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc không đoan nghiêm như vậy phải không?”, đáp: “Thật vậy, Thế Tôn”. Thế Tôn dùng đủ lời quở trách Ô-ba-nan-đà rồi bảo các Bísô: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô, có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải là thân tộc cùng để dành tiền định mua y thanh tịnh cúng cho Bí-sô ___ kịp thời mặc dùng. Bí-sô này trước không được thỉnh mà do người khác nói cho biết, liền đến nhà kia nói rằng: lành thay hai vị để dành tiền mua y cúng cho tôi, hãy mua loại y thanh tịnh như thế như thế…, vì muốn tốt, nếu được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô: Chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Thân tộc và không phải thân tộc như đã giải ở giới trên. Giá y chỉ cho vàng bạc, bối xỉ… Biện là tiền để dành mua vải cúng. Y chỉ cho bảy loại y như trong giới trên có nói. Mua là khi mua từ người khác. Thanh tịnh là được như vậy mới thọ dụng. Cho là khi thí y. Bí-sô ___ chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Trước không thọ thỉnh là không nói cho biết trước. Nhờ người khác nói cho biết là được người khác tiết lộ rồi đến cầu y.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Có ba việc là giá y, sắc y và lượng y.

Sao gọi là giá y? Nếu Bí-sô được y giá bằng năm Ca-lợi-sa-banoa từ người không phải là thân tộc, thọ thì không phạm. Nếu không thọ y này lại đòi y tốt hơn, giá cao hơn , khi đòi phạm Ác-tác, khi được phạm Xả đọa. Như vậy cho đến năm mươi Ca-lợi-sa-ba-noa, tùy cầu xin tùy được, phạm nhẹ nặng chuẩn theo đây nên biết.

Sao gọi là sắc y? Nếu Bí-sô được y màu xanh, thọ thì không phạm; nếu không thọ lại đòi y màu đẹp hơn, khi đòi phạm Ác-tác, khi được phạm Xả đọa. Sắc xanh đã như vậy, các sắc y khác chuẩn theo đây nên biết.

Sao gọi là lượng y? Nếu Bí-sô được y năm khuỷu tay thọ thì không phạm; nếu không thọ lại đòi y đẹp hơn, rộng lớn hơn phạm tội giống như trên. Như vậy cho đến nhiều khuỷu tay hơn, phạm tội nặng nhẹ đều giống như trên. Không phạm là nếu xin chỉ sợi lại được một miếng nhỏ, xin một miếng nhỏ lại được tấm y lớn… đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn, bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Chín: BIẾT NGƯỜI TỤC RIÊNG BIỆT HỨA CÚNG Y ĐẾN XIN

Thế tôn ở trong rừng Thệ-đa, Bí-sô Ô-ba-nan-đà là nhơn duyên khởi phạm liên quan đến vợ chồng Trưởng giả giống như ở giới trên, chỉ khác ở chỗ là hai vợ chồng mỗi người riêng biệt để dành tiền mua y cúng, Ô-ba-nan-đà bảo hai người họp chung tiền lại để mua một y thượng hảo… cho đến khiến Trưởng giả chịu phạt khổ sở nên các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô, có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải là thân tộc, mỗi người riêng biệt để dành tiền định mua y thanh tịnh như vậy như vậy để cúng cho Bí-sô ___. Bísô này trước không thọ thỉnh, nhờ người khác nói cho biết liến đến nói với hai vợ chồng rằng: Lành thay hai vị hãy họp chung tiền lại để mua y thanh tịnh như vậy như vậy… kịp thời cúng cho tôi, vì muốn y tốt, nếu được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Trong học xứ này tướng phạm có ba loại giống như giới trên.

Học Xứ Thứ Mười: QUÁ HẠN ĐÒI Y

Phật ở trong Trúc Lâm thành Vương Xá, lúc đó Ô-ba-nan-đà suy nghĩ: “Những chỗ kinh cầu mà ta đã có đều bị trưởng giả Cấp-cô-độc thưa thỉnh Thế tôn chế học xứ, chúng ta nay muốn xin một chiếc khăn nhỏ còn không được huống chi là vật lớn. Trước kia ta học chung một trường với Bà-la-môn Hành Vũ, lại cùng học một thầy, nếu ta đến cầu gặp có thể ông ta sẽ cho ta ít nhiều y vật”. Nghĩ rồi liền đi đến nhà Bàla-môn Hành Vũ, vừa đến cửa liền bị người giữ cửa chận lại không cho vào, Ô-ba-nan-đà nói: “Hiền thủ, Thế tôn cấm không cho đến năm chỗ là nhà xướng ca, nhà dâm nữ, nhà bán rượu, nhà của Vua và nhà của đồ tể. Nhà này không thuộc trong năm nhà trên sao không cho ta vào?”. Người giữ cửa nói: “Thánh giả, đấy là nhà của Bà-la-môn Hành Vũ nên không được vào”, Ô-ba-nan-đà nói: “Ngươi cứ vào trong báo với Bàla-môn là có đại đức Ô-ba-nan-đà hiện ở ngoài cửa muốn được gặp”. Người giữ cửa nói: “Xem ý khí của thầy giống như từ chỗ quan đoán sự của vua Thắng Quang sai đến không bằng”, Ô-ba-nan-đà nói: “Ngươi vào báo liền thì tốt, nếu chậm trễ ta sẽ khiến ngươi bị phạt roi”. Người giữ cửa suy nghĩ: “Xem ra thầy này là người có thế lực nên không có sợ sệt như bao nhiêu người khác, ắt là có nguyên do. Ta phải vào báo với gia chủ”, nghĩ rồi liến vào trong báo là có đại đức Ô-ba-nan-đà muốn được gặp, gia chủ nói: “Mời Đại đức vào”. Người giữ cửa nghe rồi liền suy nghĩ: “Hèn chi sa môn này không có ý sợ”, nghĩ rồi liền ra mời vào, Bà-la-môn thấy Ô-ba-nan-đà vào liền nói thiện lai rồi mời ngồi, Ô-banan-đà an tọa rồi liền dùng âm thanh mỹ diệu khen ngợi công đức thù thắng của Bố thí. Khi Ô-ba-nan-đà khen ngợi hạnh bố thí với tâm vui vẻ thì các Bà-la-môn tín tâm hoan hỷ đến nỗi có thể cắt thịt mình để phụng thí. Vì vậy Bà-la-môn này nghe pháp bố thí rồi hoan hỉ nói: “Ngày Đại đức mãn hạ an cư, tôi sẽ phụng hiến sáu mươi kim tiền”. Ô-ba-nan-đà nghe rồi liền chú nguyện cho Bà-la-môn được không bịnh sống lâu… rồi ra về. Lúc đó có hai Bí-sô từ thành Thất-la-phiệt đến thành Vương Xá vì muốn gặp Phật nên đến Trúc Lâm, đúng lúc Phật bảo A-nan-đà đi thông báo cho các Bí-sô biết Như Lai muốn du hành đến nước Kiều-tátla, vị nào muốn tùy tùng thì nên sửa soạn y phục lên đường. Khi nghe thông báo này, hai Bí-sô mới đến đứng lặng yên với vẻ lo buồn, Ô-banan-đà liền hỏi vì sao, hai Bí-sô nói: “Vừa nghe cụ thọ A-nan-đà thông báo, chúng tôi từ xa mới đến chưa được nghỉ ngơi làm sao tùy tùng theo Phật được nên chúng tôi lo buồn”. Ô-ba-nan-đà nghe rồi cũng lo buồn suy nghĩ: “Đến nay ta mới gặp được thí chủ không ngờ lại gặp trở ngại này”. Sáng hôm sau Ô-ba-nan-đà vội đến nhà Bà-la-môn Hành Vũ nói pháp với giọng không vui, Bà-la-môn hỏi duyên do, Ô-ba-nan-đà nói: “Hiền thủ, tôi mời vừa gặp thí chủ nay lại phải biệt ly”. Người đời có nói:

“Người Ma Yết Đà nghe tiếng hiểu,
Nước Kiều-tát-la thấy hình biết,
Vương thành nửa chữ liền hiểu năm,
Các lân bang đợi nói mới hiểu”.

Bà-la-môn nghe rồi liền suy nghĩ: “Đây không phải vì biệt ly ta mà lo buồn, mà chính là vì sáu mươi kim tiền”, nghĩ rồi liền nói: “Tùy đại đức chỗ nào mãn an cư, tôi cũng sẽ phụng hiến sáu mươi kim tiền”. Ô-ba-nan-đà liền chú nguyện cho Bà-la-môn được không bịnh sống lâu… rồi ra về.

Lúc đó Phật cùng đại chúng đi đến nước Kiều-tát-la trụ trong rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, có một thương buôn chở hàng hóa từ thành này đi đến thành Vương xá. Theo pháp xưa của thành Vương xá, nếu có đại thương tộc từ nước khác đến thì nhà vua phải xem xét thuế hàng hóa hoặc sai đại thần Hành Vũ làm việc này. Khi Hành Vũ xét thuế hàng hóa của thương nhơn này rồi nói rằng: “Khi nào ông trở về thành Thấtla-phiệt thì cho tôi biết”. Thương nhơn nhận lời , sau khi mua bán xong liền đến chỗ đại thần báo là sắp trở về, Hành Vũ nghe rồi liền đưa sáu mươi kim tiền nhờ trao cho đại đức Ô-ba-nan-đà. Thương nhơn nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu có quen biết với đại thần hành Vũ thì vị này chắc chắn là một đại đức được nhiều người quen biết. Ta nên mua tặng một loại điệp y để đại đức được vui”, nghĩ rồi liền đến Trúc lâm hỏi thăm các Bí-sô loại điệp nào Bí-sô mặc được, các Bí-sô nghe rồi liền hỏi: “Hiền thủ muốn thí y cho Tăng hay sao?”, thương nhơn nói: “Không có, vì đại thần Hành Vũ gởi sáu mươi kim tiền nhờ trao cho Đại đức Ô-banan-đà nên tôi muốn mua tặng thêm một loại điệp y”. Các Bí-so nói: “Chắc chắn thầy ấy đòi kim tiền và thu nhận cả bạch điệp”. Thương nhơn suy nghĩ: “Chắc Bí-sô này có hiềm khích với Ô-ba-nan-đà”, nghĩ rồi liền đến các Bí-sô khác kể lại việc trên, các Bí-sô nói: “Nếu ông không đóng ấn kim tiền mà mang đến đó thì vị kia sẽ đòi tiền lời”. Thương nhơn liền nghĩ: “Lời của các Bí-sô đều giống nhau, ta phải đề phòng”, nghĩ rồi liền đến chỗ đại thần xin đóng ấn, đại thần nói: “Tôi đã tin ông, cần gì phải đóng ấn”, thương nhơn nói: “Tuy đại thần tin tôi nhưng pháp của thương buôn cần phải rõ ràng”. Đại thần nghe rồi liền đóng ấn, thương nhơn mang kim tiền này trở về thành Thất-la-phiệt vào trong rừng Thệ-đa hỏi thăm phòng của Ô-ba-nan-đà, các Bí-sô chỉ chỗ, thương nhơn đến đó không thấy liền hỏi, các Bí-sô nói: “Chắc là đi đến chỗ nhàn tĩnh ở bên ngoài chùa”, thương nhơn nói: “Đại thần Hành Vũ ở thành Vương xá có gởi cho đại đức Ô-ba-nan-đà số kim tiền này, các thầy hãy nhận và trao lại giùm”. Bí-sô nói: “Hiền thủ có từng thấy ai lại chui đầu vào ngọn đuốc đang cháy không?”, Thương nhơn cho rằng Bísô này có hiềm khích với Ô-ba-nan-đà nên nói thế, liền đến chỗ Bí-sô khác nói như trên, Bí-sô nói: “Nếu số kim tiền đó không đóng ấn mà mang đến giao thì vị kia nhất định sẽ đòi tiền lời, ai dám nhận giùm, ông nên trực tiếp giao thì hơn”. Thương nhơn suy nghĩ: “Lời các Bí-sô nói đều giống nhau, thật khó cho ta”, nghĩ rồi liền nói với các Bí-sô: “Khi nào Ô-ba-nan-đà trở về xin nói lại giùm tôi đang ở tại ___, Đại đức ấy nếu muốn nhận vật từ Vương xá ởi đến thì hãy đến lấy”, nói rồi cáo từ. Không bao lâu sau Ô-ba-nan-đà trở về, các Bí-sô nói: Lành thay Đại đức, như Thế tôn có nói người nào đầy đủ giới hạnh, tâm ý thanh tịnh thì tùy tâm sở nguyện đều được thành tựu. Cụ thọ nhờ dứt ý trong rừng nên liền được sáu mươi kim tiền từ phương xa gởi đến”. Ô-ba-nanđà hỏi: “Thí chủ nơi nào mà có thể cúng dường Phật và đại chúng mỗi vị sáu mươi kim tiền như thế?”, Bí-sô nói: “Chỉ cúng một mình thầy chứ không phải cả đại chúng”, Ô-ba-nan-đà nói: “Ai có thể huệ thí cho tôi sáu mươi kim tiền như thế?”, Bí-sô nói: “Là đại thần Hành Vũ ở thành Vương xá gởi cúng”, Ô-ba-nan-đà nói: “Vị đó là tri thức của tôi, trước đã có hứa cúng cho tôi số kim tiền ấy. Không biết có vị nào nhận giùm hay không, có xem kỹ đủ hay thiếu không, nếu là tiền đúc giả thì không thể dùng được”. Các Bí-sô liền nói: “Không ai chịu nhận giùm cả”, Ôba-nan-đà liền nói: “Té ra lâu nay tôi ở chung với bạn ác nên không có ai chịu nhận giùm”. Các Bí-sô nghe lời này liền nói: “Cụ thọ không cần lo lắng, thương nhơn có để lại địa chỉ, cụ thọ hãy đi đến đó nhận”. Ôba-nan-đà nghe rồi liền vội vã đi đến chỗ thương nhơn, từ xa nhìn thấy bước đi thương nhơn biết ngay là sa môn hào tộc liền hỏi: “Đại đức là Ô-ba-nan-đà”, đáp phải, thương nhơn liền đem số kim tiền ra trao cho Ô-ba-nan-đà, Ô-ba-nan-đà nhận rồi chú nguyện cho thương nhơn, thương nhơn nói: “Xin đừng chú nguyện cho tôi, thầy nên chú nguyện cho đại thần Hành Vũ”, Ô-ba-nan-đà nói: “Ông có công từ phương xa mang đến cũng nên chú nguyện. Ông hãy bảo một cháu nhỏ mang số tiền này đi ra chợ với tôi”, thương nhơn nói ở đây không có cháu nhỏ, Ô-ba-nan-đà nói: “Ông từ Vương xá mang đến đây được, từ đây ra chợ có mấy bước lại không chịu bảo người mang đi được hay sao?”. Thương nhơn liền phải nhờ một tiểu nhi mang tiền đi với Ô-ba-nan-đà và dặn: “Phải đi theo sau đừng ghé lại nơi nào khác, Thánh giả có đưa tiền mua quà bánh gì cũng đừng nhận”. Tiểu nhi mang tiền đi theo Ô-ba-nan-đà đến một cửa hiệu nói: “Tiền để nơi đây phải không?”, Ô-ba-nan-đà suy nghĩ: “Đồng tử này làm theo lời chủ nó dặn chứ không theo ý mình”, nghĩ rồi liền nói với chủ hiệu: “Hiền thủ hãy cất giữ giùm số kim tiền này”, chủ hiệu nói: “Không có gia trưởng ở đây, tôi không dám nhận”, Ô-ba-nan-đà nói: “Nguyện cho ông thường không tự do”, kế đi đến chỗ đồng tử bán hương nói gởi tiền giống như trên, đồng tử nói: “Gia trưởng của tôi đi vắng”, Ô-ba-nan-đà nói: “Nguyện cho gia trưởng của ngươi đừng trở về”, kế đi đến chỗ đồng tử bán hương khác nói gởi tiền giống như trên, đồng tử nói: “Trong nhà còn có người lớn, tôi không dám nhận”. Do đồng tử này mới khởi tín tâm nên Ô-ba-nan-đà nói: “Ta cho là ngươi có chút tín tâm, không ngờ đó là tín tâm La-sát”, đồng tử nghe lời này liền nói: “Thánh giả hãy gởi lại đây”, Ô-ba-nan-đà gởi tiền xong liền trở về chùa, đêm đến sanh tâm hối sợ mất tiền nên sáng sớm liền đi đến cửa hiệu đó đòi lại tiền. Thời đó các thương nhơn có chế lịnh: đến khi mặt trời mọc nếu ai không đến tập họp thì bị phạt sáu mươi văn kim tiền. Mẹ của đồng tử thúc hối đồng tử nên đi tập họp sớm, vừa bước ra cửa liền gặp Ô-ba-nan-đà đến đòi lại tiền mới gởi, đồng tử nói: “Thánh giả, các thương nhơn ở đây có chế lịnh phải đến tập họp lúc mặt trời mọc, nếu đến trễ sẽ bị phạt sáu mươi văn kim tiền. Thánh giả hãy đợi một chút, đi tập họp xong trở về tôi sẽ đưa lại cho thanh giả”. Ô-banan-đà nói: “Ta đâu phải tôi tớ mà ngươi bảo ta chờ đợi. Hãy trở vào lấy số tiền ta đã gởi ra đưa cho ta, chân ta đau không thể đứng đây lâu được. Nếu ngươi không đưa trả lại mà bỏ đi tức là trái với giáo lịnh của vua Thắng Quang sẽ bị phạt sáu mươi kim tiền”. Đồng tử nghe rồi liền nổi giận vào nhà lấy tiền ra quăng xuống đất khiến dấu đóng ấn bị vỡ, Ô-ba-nan-đà liền nói: “Ngươi khoan hãy đi, để ta xem lại có đủ hay không và có lẫn tiền đúc giả hay không”, đồng tử nói: “Khi gởi thầy đâu có kiểm điểm”, Ô-ba-nan-đà nói: “Tuy không có kiểm điểm nhưng có dấu đóng ấn rõ ràng, còn bây giờ dấu đóng ấn đã bị vỡ”. Đồng tử không biết nói sao đành im lặng, lúc đó trời đã sáng hẳn bị trễ tập họp nên các thương nhơn đến nhà thu tiền phạt, mẹ của đồng tử hỏi: “Con đã làm gì đến nỗi bị phạt sáu mươi văn kim tiền như thế?”, đồng tử nói: “Do con quen biết thích tử vừa phát tín tâm liền bị thử thách”. Bà mẹ nghe rồi liền chê trách sa môn, các Bí-sô nghe biết liền đem việc này bạch phật, Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô hỏi Ô-ba-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc không đoan nghiêm như vậy phải không?”, đáp: “Thật vậy, Thế tôn”. Phật dùng đủ lời quở trách… cho đến câu: “… nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô hoặc vua hay đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ sai sứ đem giá tiền y đưa cho Bí-sô  nói rằng: “Đại đức, số tiền này là của vua (đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ) sai tôi đem đến, đại đức hãy nhận lấy”. Bí-sô nói: “Nhơn giả, giá tiền y này tôi không được nhận, nếu được y thanh tịnh thuận thời tôi mới được nhận”. Sứ nói: “Đại đức có người chấp sự không?”, đáp: “Có, tịnh nhơn của tăng hay Ô-ba-sách-ca ở chỗ đó là người chấp sự của Bí-sô. Sứ giả liền đến chỗ của người chấp sự trao giá tiền y rồi nói: “Ông hãy dùng giá tiền y này mua y thanh tịnh, thuận thời đưa cho Bí-sô ___ để vị ấy đắp mặc”. Dặn dò người chấp sự xong, sứ giả trở lại chỗ Bí-sô nói: “Tôi đã đưa giá tiền y cho người chấp sự mà thầy chỉ, khi được y thanh tịnh thuận thời thầy nên nhận”. Bí-sô cần y nên đến chỗ người chấp sự hai hoặc ba lần nói: “Tôi cần y” để nhắc, nếu được y thì tốt, nếu không được y thì bốn, năm, sáu lần đến đó đứng im lặng để nhắc, được y thì tốt, nếu không được y mà đến nhắc nữa, cố cầu cho được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Cuối cùng vẫn không được y thì Bí-sô nên đến chỗ người đã đưa giá tiền y hoặc nhờ người đáng tin đến nói rằng: “Ông sai người đưa giá tiền y đến cho Bí-sô ___ nhưng Bí-sô đó cuối cùng vẫn không được y, ông nên biết lấy lại, đừng để mất số tiền ấy. Đây là thời.

Bí-sô chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Vua: Dù nam hay nữ nếu được quán đảnh đều gọi là vua. Đại thần là người chấp hành chánh sự. Bà-la-môn là quý chủng đa văn. Cư sĩ là kẻ tại gia giàu có. Sứ giả là nam, nữ hay huỳnh môn. Giá y chỉ cho vàng bạc hay tiền. Thuận thời thanh tịnh là đúng lý mới được nhận. Tịnh nhơn của Tăng là tịnh nhơn của đại chúng. Ô-ba-sách-Ca-là người đã quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ. Bí-sô được hai, ba lần nói là hai, ba lần nói ra lời để nhắc người chấp sự. Bốn, năm, sáu lần tùy chỗ đứng im lặng: Nói tùy chỗ có bốn: Một là nhà xưởng như xưởng làm gốm…, hai là nhà ở, ba là đồng ruộng, bốn là cửa hiệu. Lại có sáu lần gạn hỏi, như người kia hỏi: ‘thầy đến có việc gì?”, đáp: “Vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Lành thay mời ngồi”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Mời thầy dùng cơm”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Mời thầy ăn bánh”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Mời thầy dùng nước”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Tùy một lần trong sáu lần hỏi đáp trên Bí-sô nên nói ngay đến việc chính, không để cho họ đề cập đến việc khác thì không gọi là thiện hảo; ngược lại nếu Bí-sô nói từ từ để họ có thời gian nhớ lại mới gọi là thiện hảo; nếu được y thì tốt, nếu không được y mà quá sáu lần này đến đòi y cho được thì phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-để-ca.

Qua ba lần nói sáu lần im lặng mà vẫn không được y thì Bí-sô nên đến chỗ người cúng y, hoặc tự đến hoặc nhờ người đáng tin đến tức là đệ tử hay môn nhân nói cho người cúng y biết rõ mọi việc để họ lấy lại tiền y đừng để cho mất uổng. Đây cũng là cách thức trả lại cho chủ giá tiền y. Nếu Bí-sô nhờ người báo cho thí chủ biết rồi, người chấp sự mới đến nói với Bí-sô: “Thánh giả hãy nhận giá tiền y này”, Bí-sô nên nói với người chấp sự: “Tôi đã xả giá tiền y này rồi, ông nên đem trả lại cho chủ y”. Bí-sô nói như vậy là tốt, nếu lấy giá tiền y thì phạm Xả đọa. Nếu người chấp sự nói: “Thánh giả hãy nhận giá tiền y này, tôi sẽ đến nói với thí chủ cúng y để họ hoan hỉ”. Trường hợp này Bí-sô nhận giá tiền y thì không phạm. Nếu Bí-sô không theo trình tự như vậy mà nhận lại y thì đều phạm Xả đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu người là thí chủ hoặc là sứ giả hoặc là chấp sự, như pháp nhận được y thì không phạm, không như pháp thì phạm Xả đọa. Nếu người là thí chủ hoặc là sứ giả còn phi nhơn là chấp sự, như pháp nhận được y cũng không phạm, không như pháp thì phạm Ác-tác. Nếu người là thí chủ, phi nhơn là sứ giả, phi nhơn là chấp sự giống như trên phạm Ác-tác. Nếu người là thí chủ, phi nhơn là sứ giả, người là chấp sự cũng như trên phạm Xả đọa.

Nếu phi nhơn là thí chủ hoặc là sứ giả hoặc là chấp sự giống như trên phạm Ác-tác. Nếu phi nhơn là thí chủ, hoặc là sứ gia, người là chấp sự giống như trên phạm Xả đọa. Nếu phi nhơn là thí chủ, người là sứ giả, người là chấp sự giống như trên phạm Xả đọa. Nếu phi nhơn là thí chủ, người là sứ giả, phi nhơn là chấp sự giống như trên phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô xin giá tiền y từ phi nhơn thì phạm Ác-tác, nhận được y thì phạm Xả đọa. Xin giá tiền y từ loài rồng thì phạm Ác-tác, nhận được y thì phạm Xả đọa. Nếu Bí-sô gởi thư hay sai sứ đến xin giá tiền y thì phạm Ác-tác, nhận được y thì phạm Xả đọa. Không phạm giống như trên.

Học Xứ Thứ Mười Một: DÙNG TƠ TẰM LÀM PHU CỤ

Nhiếp Tụng:

Cao thế da, toàn đen,
Phần, sáu (năm), ni sư đàn,
Gánh lông, giặt, vàng bạc,
Nạp chất và mua bán.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa, lúc đó các Bí-sô làm ngọa cụ mới bằng tơ tằm, tự làm hay bảo người làm. Loại tơ tằm này khó được và quý giá, các Bí-sô lại liệu lý mọi việc nên phế bỏ việc chánh tu, đọc tụng, tác ý. Các Bí-sô lại thường đến chỗ Bà-la-môn, Cư sĩ xin tơ tằm nên bị ngoại đạo chỉ trích chê bai: “Mọi người nên biết, sa môn Thích tử là kẻ sát sanh, họ không bỏ nghiệp sát hại, tự lạm hoặc bảo người làm ngọa cụ mới bằng tơ tằm. Nếu làm bằng tơ tằm phải giết nhiều hữu tình, tai sao chúng ta lại đem y thực dâng cúng cho những kẻ trọc đầu giết hại chúng sanh”. Các Bí-sô nghe lời này rồi đem bạch phật, Phật do nhơn duyên này nhóm họp các Bí-sô hỏi rằng: “Các thầy thật đã làm ngọa cụ mới bằng tơ tằm phải không?”, đáp: “Thật vậy, Thế tôn”, Phật nói: “Các thầy là người khó biết đủ, khó nuôi dưỡng, không thuận hạnh thiểu dục tri túc”. Phật đủ lời quở trách rồi khen ngợi công đức của hạnh Đỗ-đa, thiểu dục và tri túc. Phật bảo các Bí-sô: … Nơi Tỳnại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô dùng tơ tằm cao thế da làm phu cụ mới, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô chỉ cho người ở trong pháp này. Mới có hai: Mới làm và mới được. Mới ở trong giới này là mới làm. Cao thế da làm phu cụ có hai loại: Một là dồn làm nệm, hai là làm phu cụ. Cao thế da trong đây là làm phu cụ. Tự làm hay bảo người làm đều phạm xả đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Khi Bí-sô lo liệu cao thế da đối với một cái kén, một đống kén… xé hay rọc ra để làm phu cụ, khi làm phạm Ác-tác, làm thành thì phạm Xả đọa. Nếu Bí-sô khi xin Cao thế da và khi lo liệu mọi việc đều phạm Ác-tác, làm thành thì phạm Xả đọa. Nếu nhận được vật đã làm thành hay vật đã dùng rồi hoặc cũ làm lại cho mới để thọ dụng đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu, hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.