Ca khúc sống mãi trong lòng người
Viên Thắng

 

Nói về mẹ, hầu như tất cả nhạc sĩ đều viết lên cảm xúc tình cảm dành cho mẹ mình, cho nên nhạc sĩ nào cũng có ca khúc về mẹ. Đến nay có hàng trăm ca khúc viết về mẹ. Từ lúc còn nhỏ cho đến nay, tôi được nghe rất nhiều ca khúc về mẹ rất là hay, thật là sâu sắc. Thế nhưng, mỗi lần nghe ca khúc Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân thì lòng tôi dâng trào cảm xúc, làm cho tôi nhớ về mẹ da diết không thể nào diễn tả hết được. Mặc dù, mẹ tôi mất đã 5 năm rồi nhưng khi nghe ca khúc này thì hình ảnh mẹ như hiện rõ trước mắt tôi. Bởi vì, mẹ tôi cũng như bao nhiêu bà mẹ quê khác, suốt đời cực khổ chân lấm tay bùn, thức khuya dậy sớm tảo tần vì con.  

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền  ngọt ngào.
Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”

Từng chữ, từng câu trong ca khúc này thật bình dị, nhẹ nhàng nhưng giàu hình tượng, giai điệu không cầu kỳ, lột tả rõ nét hình ảnh so sánh về mẹ rất rõ ràng.

Lòng mẹ bao la quá như biển Thái Bình”. Thật vậy! Lòng mẹ bao la quá, sánh bằng biển Thái Bình. Chúng ta hãy suy nghĩ thử xem, chỉ có mẹ khổ nhọc nuôi con mà không bao giờ mong cầu đền đáp. Sinh con ra lành lặn mẹ vui mừng chăm sóc nuôi nấng. Nếu không may con bị tật nguyền mẹ càng thương con gấp bội vì chịu thiệt thòi khiếm khuyết. Hoặc con theo chúng bạn chơi bời lêu lổng hư đốn, nghiện ngập cờ bạc v.v… mẹ vẫn luôn dang đôi tay rộng lớn để đón con vỗ về chỉ dạy. Chính nhờ tình thương bao dung của mẹ mà có những người con trai hay gái nhận ra sai lầm của mình, biết hoàn lương sám hối tội lỗi làm lại cuộc đời. Do đó, chỉ cần một lần chúng ta cầm bàn tay mẹ, không cần hỏi điều gì, nhìn kỹ bàn tay mẹ gầy guộc, nhăn nheo; hay to bè, xù xì thô ráp, nắng cháy, sạm đen với những đường gân tay gồ ghề thô kệch là thấu hiểu một đời vất vả của mẹ.

Khi con còn thơ bé, mẹ phải chăm nuôi con rất cực nhọc. Phần đông các bé ở giai đoạn sơ sinh thường hay ban ngày ngủ, ban đêm thức quấy khóc, nên mẹ phải thức trắng đêm cùng con. Lời mẹ hát ru con êm ái dịu ngọt như đồng lúa chiều rì rào, tiếng võng kẽo kẹt bên thềm, có ánh trăng soi bóng mẹ hiền, đưa con vào giấc ngủ say nồng:

“Thương con thao thức bao đêm trường, 
Con đà yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao.”

Cho dù mẹ có thức bao đêm trường nhưng chỉ cần con say giấc là mẹ vui mừng quên cả nhọc nhằn nuôi con nhỏ. Chính vì thế, nhà thơ Thanh Nguyên cũng nói lên tình thương bao la của mẹ đã vất vả nuôi con khi còn thơ bé:

Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con.

Khi con ngủ say giấc thì mẹ đâu có được nghỉ ngơi. Mẹ lại nhẹ nhàng bắt đầu vô số việc không tên, từ những công việc như giặt giũ, nấu cơm, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, lo cho đàn gà, đàn heo, đàn bò v.v… cho đến việc đồng áng, hay đi bán rau, cà, dưa, bí.

Bây giờ lớn khôn, nhiều lúc con ngồi suy nghĩ, vì sao mẹ tôi và những bà mẹ ở miền quê ốm yếu mà có thể đủ sức chịu đựng làm vô số việc cả ngày không hết, lại tranh thủ ban đêm? Có lẽ vì tình thương con mà mẹ có một động lực mạnh mẽ, sức khỏe dẻo dai mới chịu đựng từ năm này qua năm khác. Chính vì cảm nhận được tình thương bao la rộng lớn, sự hy sinh vô bờ bến của mẹ nên nhạc sĩ Y Vân đã trải lòng mình qua ca từ thật chính xác:

Thương con khuya sớm bao tháng ngày, 
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

Vì thương con nên mẹ không quản nhọc gian lao, lặn lội gieo neo, mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng, quen rồi cảnh dầm mưa dãi nắng, một nắng hai sương. Suốt ngày mẹ ở ngoài đồng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Con càng lớn khôn như cây xanh tươi tràn đầy nhựa sống thì lưng mẹ càng còng thêm, da mẹ càng nhăn nheo, tóc mẹ bắt đầu điểm bạc, nhưng mẹ chưa bao giờ nghĩ lo cho mình, chỉ cần các con ngoan ngoãn học hành, lớn khôn theo năm tháng là mẹ vui rồi:

“Dù cho mưa gió không quản thân gầy  mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu  buồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng  triền miên.”

Có lẽ đây là mẫu số chung về những người mẹ lao động chân tay. Chỉ cần thấy nỗi vất vả của mẹ mình là nhạc sĩ đã nói hộ lên hết vô số người mẹ quê ở thế gian này. Mai này con khôn lớn vẫn nhớ mãi tiếng ru êm đềm mẹ hiền theo năm tháng. Cho nên nhạc sĩ Hoàng My, Hoàng Duy cũng nói về mẹ:

Dù con đi suốt cả cuộc đời  cũng không bao giờ nghe hết những lời mẹ ru trong trái tim con…

Đến khi con trưởng thành, bước chân vào đời; có người lo việc học hành, vui chơi bạn bè. Có người phấn đấu tiến thân để đạt được công danh sự nghiệp trong xã hội. Có người vì cơm áo, gạo tiền bức bách nên cật lực làm việc để kiếm tiền v.v… hình ảnh người mẹ sau lũy tre làng như dần lãng quên trong tâm con. Thế nhưng, nơi quê nhà mẹ vẫn mãi theo dõi từng bước chân con đi, vẫn lo lắng quan tâm và mong con về thăm mẹ. Cho dù con lớn đến đâu thì trong mắt mẹ con vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào, luôn được mẹ chở che bao bọc. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong bài thơ Con Cò:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.

Dù cho cuộc đời mẹ có thế nào đi nữa, miễn là mẹ còn sống trên cõi đời này thì mẹ vẫn thương yêu con, nghĩ về con, chăm sóc cho con và dõi theo từng bước con đi. Trong kinh Báo Ân Cha Mẹ, đức Phật diễn tả: “Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng, chỉ hơi thở cuối cùng”. Thế đấy! Dù mẹ có đến một trăm tuổi, miễn là còn sống thì mẹ vẫn thương yêu người con đã tám mươi tuổi của mình.

Từ đầu bài hát cho đến cuối bài. Chúng ta thấy nhạc sĩ đã viết về người mẹ quê lao động cần cù thật đầy đủ. Mỗi người mẹ đều có cách thể hiện riêng tình thương yêu của mình đối với con, nhưng tất cả đều có chung một điểm, ấy là tấm lòng thương yêu vô điều kiện, không tính toán thiệt hơn, cho đi tất cả, chỉ mong sao cho con nên người, cho con có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, như nhà thơ Thanh nguyên nói: “Mẹ! Có nghĩa là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ”.

Đoạn cuối bài hát, nhạc sĩ gởi bức thông điệp đến tất cả người con: Khi con đến tuổi trưởng thành, bước chân vào đời, cho dù bạn đi học phải xa nhà; hay cuộc sống bạn gặp nhiều khó khăn phải tha phương cầu thực; hoặc làm quan ông to bà lớn thì vẫn luôn nhớ về mẹ. Một người mẹ duy nhất trong cuộc đời của mỗi con người:

Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu 
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu 
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương  chẳng lạt màu 
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.

Kết thúc bài viết, tôi xin chân thành cảm ơn cố nhạc sĩ tài hoa đã lại trong lòng mọi người cảm xúc dâng trào khi nghe ca khúc Lòng Mẹ. Cho đến ngày hôm nay, dường như tất cả mọi người sinh ra ở Việt Nam đều có thể hát vài câu trong ca khúc này. Cũng là nhắc nhở mọi người rằng “Tình mẹ thật cao cả thiêng liêng”.