BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Tác giả: Bồ tát Long Thọ (Kệ bản)
Bồ tát Phân Biệt Minh giải thích
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Ba La Phả Mật Đa La
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 6

Phẩm thứ 8: QUÁN VỀ TÁC GIẢ, NGHIỆP

Lại nữa, đối tượng đối trị là không, muốn khiến nghiệm xét nhận biết về nghĩa ấm là vô Thể, nên có Phẩm này.

Có người cho: Trong đệ nhất nghĩa có ấm nhập giới. Đức Bàgià-bà đã nói: Do các thứ ấy làm nhân nên khởi người tạo tác (tác giả) tạo nghiệp. Ở đây nếu không có, thì Đức Phật không nên nói chúng cùng làm nhân để có tác giả và nghiệp. Ví như sừng ngựa. Do có tác giả và tạo nghiệp, nên trong kinh đã nói kệ này:

Nên hành hành pháp thiện

Pháp ác không nên hành

Đời này cùng đời sau

Hành giả được an lạc.

Giải thích: Như trong Kinh này nói có tác giả cùng do tạo nghiệp. Nghiệp ấy có ba loại: Thiện, bất thiện và vô ký.

Nghiệp thiện phân biệt có bốn: (1) Tự tánh. (2) Tương ưng. (3) Phát khởi. (4) Đệ nhất nghĩa. Nghiệp bất thiện cũng như thế. Nghiệp vô ký có bốn thứ: (1) Báo sinh. (2) Uy nghi. (3) Công xảo. (4) Biến hóa. Do đấy, như đã nói về nhân có uy lực, nên trong đệ nhất nghĩa, ấm v.v… là có. Luận giả nói: Nếu ông muốn trong đệ nhất nghĩa được dùng các pháp ấy làm nhân, nên biết có tác giả cùng tạo nghiệp, tức nói đấy là nhân, thì nghĩa này không thành. Nếu trong thế đế, muốn được như vậy thì thí dụ là vô thể. Như vô thể ấy, trong đệ nhất nghĩa, Đức Thế Tôn nói do chúng làm nhân nên có thật tác giả cùng có tạo nghiệp. Lãnh hội như thế, đối với nghĩa là không đúng. Nên quán xét như thế về nghĩa không đúng ấy. Nay, tác giả này là có thật, không thật, cũng có không thật, là có thể tạo nghiệp chăng? Nghiệp cũng như vậy: Là có thật, không thật, cũng có không thật, là tác giả nơi đối tượng tạo tác chăng? Tất cả đều không đúng. Như kệ nêu:

Nếu tác giả có thật

Không tạo nghiệp có thật.

Giải thích: Nếu sự tạo tác kia là có, tức tác giả có thật, cùng với sự tạo tác tương ưng. Nghiệp cũng có thật. Do mượn lại với nghĩa này, nên cả hai đều không thật. Hai thứ ấy không thật tức cũng không thể tạo tác. Như kệ nói:

Nếu tác giả không thật

Không tạo nghiệp không thật.

Giải thích: Đối tượng tạo tác gọi là nghiệp. Chủ thể tạo tác gọi là người. Ở đây, trước quán xét lập người có thật. Như kệ nêu:

Người có thật không tạo.

Giải thích: Hoặc ý của ông muốn không quán xét tạo nghiệp có thể của tác giả, nếu nhất định như vậy tức không có tạo nghiệp. Sự tạo tác đã vô thể, thì tác giả không thành.

Lại nữa, có thật không tác giả, lời này nghĩa là gì? Là lập dụ nghiệm xét giải thích về tác giả có thật. Năm thủ ấm kia chỉ là giả nêu đặt. Lại như ngoại đạo đã chấp: Đề-bà-đạt-đa gọi là hoặc nghiệp thiện hoặc nghiệp bất thiện. Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, sự nối tiếp của Điều-đạt không thể tạo nghiệp. Vì sao? Vì do là tác giả. Ví như Da-nhã-đạt-đa. Lại nữa, nếu tác giả có thật, chẳng phải là giả nêu đặt, như ngoại đạo ăn trấu cho ngã là tác giả, theo như ý của họ muốn, nghĩa ấy là không đúng. Do vì chấp ấy nên ở đây lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, ngã của Điều-đạt kia không thể tạo nghiệp. Vì sao? Vì là vật. Ví như nghiệp. Lại, trong đệ nhất nghĩa, nghiệp ấy cũng không phải là ngã nối tiếp của Đề-bà-đạt-đa tạo tác. Vì sao? Vì do là nghiệp. Ví như vật khác.

Lại nữa, nếu Ngoại nhân kia ý tạo như vầy: Ông lập nghĩa đó có nguyên do gì? Như nghiệp nối tiếp ấy của Đề-bà-đạt-đa, là tha tạo tác chăng? Hay là sẽ không tạo tác chăng? Cả hai trường hợp đều không đúng. Vì sao? Vì nếu là tha tạo tác, thì nghĩa ông lập bị phá bỏ. Nếu không tạo tác thì thí dụ là vô thể. Luận giả nêu rõ: Kẻ kia chấp như vậy là không đúng. Vì sao? Vì nghiệp nối tiếp ấy của Da-nhã-đạt-đa, ngã của Đề-bà-đạt-đa không tạo. Do nghĩa như vậy nên lập dụ được thành. Người kia nói như thế là không quán xét về tạo nghiệp, tác giả có thật, chỉ phân biệt hư vọng, nên đối với nghĩa là không đúng. Do tác giả là vô thể. Như kệ nêu:

Nghiệp là không tác giả.

Giải thích: Nghiệp cũng như thế. Không quán tác giả, tự nhiên mà có. Do không tác giả, tạo tác là nghiệp. Nếu kẻ kia phân biệt nghiệp là có thật, thì nghiệp tức không tạo tác, là có lỗi lầm ấy. Lại, tác giả cùng nghiệp đều không cùng quán xét, thế gian không thể tin. Do đấy, cả hai tất cùng nhân nơi đối đãi. Nên nhận biết như vậy. Ở đây, lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, tác giả nối tiếp của Đềbà-đạt-đa không tạo định nghiệp của Đề-bà-đạt-đa. Vì sao? Vì do có quán. Ví như Da-nhã-đạt-đa. Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, tác giả nối tiếp của Đề-bà-đạt-đa không tạo nghiệp nhất định thọ báo của Điều-đạt. Vì sao? Vì có quán xét tác giả. Ví như tác nghiệp tương tục của Da-nhã-đạt-đa. Lại nữa, nay lại lập nghĩa, ngăn trừ điều đã nói ở trước. Như kệ nêu:

Nghiệp cùng tác giả kia

Tức rơi vào không nhân.

Giải thích: Nửa sau của kệ này muốn hiển bày nghiệp cùng tác giả rơi vào lỗi là không nhân. Nghĩa ấy là thế nào? Tức là nghiệp lìa tác giả, nên tác giả lìa nghiệp, đều không cùng đối đãi nên rơi vào không nhân. Dùng nghĩa không nhân để mở bày, chỉ rõ cho người khác, là chỗ không thể tin của tất cả thế gian. Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, Đề-bà-đạt-đa tương tục không tạo nhân của nghiệp nơi Đề-bàđạt-đa. Vì sao? Vì do có quán xét. Ví như Da-nhã-đạt-đa. Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, Điều-đạt tương tục không tạo nhân của nghiệp định báo nơi Điều-đạt. Vì sao? Vì có quán xét tác giả. Ví như Danhã-đạt-đa nối tiếp tạo nghiệp. Thế nên kệ nói:

Không nhân nghĩa không đúng

Không nhân nên không quả.

Giải thích: Vì sao gọi là quả? Nghĩa là vì mỗi mỗi thứ đều quyết định theo sức của nhân duyên sinh khởi, nên gọi là quả. Thế nào gọi là nhân? Nghĩa là xa gần hòa hợp, đồng có đối tượng tạo tác. Do đây có nên pháp kia được khởi. Đó gọi là nhân. Như ông phân biệt về nhân tức không nhân, quả cũng không quả. Vì quán là vô thể. Nghĩa này là không đúng. Nên nhận biết về ý ấy. Lại nữa, nếu không cùng quán thì không có thể kia. Chấp này không đúng. Không có những thể nào? Như kệ nêu:

Tạo cùng tác giả kia

Vật tác dụng đều không.

Giải thích: Ở trong thế đế, các vật như bình chén, y phục v.v… cũng có tác giả nhằm tạo nghiệp kia. Nếu cho tác giả không quán xét nghiệp, nghiệp không quán xét tác giả, thì bình chén, y phục ấy tức không nhờ vào nhân công, phương tiện thiện xảo, tự nhiên mà thành tựu. Lại, bình chén ấy v.v… có vô số nhân kỹ xảo để được thành tựu, là vật dụng của phần thắng kia. Nếu không quán xét, thì vật dụng v.v… cũng không. Như thế, tất cả sự đập vỡ đã đập vỡ vật dụng, cùng vật của đối tượng bị đập vỡ, cũng đều là vô thể. Lại như kệ nói:

Pháp phi pháp cũng không

Nên tạo tác vô Thể.

Giải thích: Vì sao pháp phi pháp, cả hai đều không có? Vì pháp phi pháp kia, tác giả, vật dụng tạo tác là đối tượng được thành. Lại, tác giả, vật dụng tạo tác ấy đã hoàn thành, nên pháp cùng với phi pháp, cả hai cũng là vô thể.

Lại nữa, hoặc có Tự Bộ sinh tâm như vầy: Các hành là không, nên tác giả là vô thể. Tác giả ấy là không, nên đối với Tôi là không có lỗi. Vì sao? Vì tự thể của thân khẩu ý thù thắng có thể tạo tác. Pháp cùng phi pháp, do nghĩa như thế nên Tôi không có lỗi. Luận giả nói: Ông lập nhân, chỉ có tu tập tạo lợi ích. Ở trong thế đế, kẻ kia gọi là tác giả, do quán pháp phi pháp. Nếu không tác giả thì không có đối tượng quán, nghiệp không thành, nên pháp v.v… là vô thể. Ông không tránh khỏi lỗi, do không cùng quán về đạo lý. Đạo lý ấy là thế nào? Như kệ nêu:

Nếu không pháp, phi pháp

Từ sinh quả cũng không.

Giải thích: Hai thứ kia là nhân. Từ đấy sinh là quả. Đường thiện như trời, người là đáng yêu thích. Nẻo ác như địa ngục là không đáng yêu thích. Thân căn ấy thọ dụng đều không có tự thể. Lại nữa, ở trong đường thiện, người tu hành kia thọ giới, hành thiện Tam-ma-bát-để, chi chánh kiến của tám Thánh đạo là đứng đầu. Lìa các phiền não, nghĩa này đều không. Phân biệt về tác giả không thật như thế, là tạo nghiệp không thật. Các nhóm lỗi này đều thuộc về ông, khó có thể chữa trị. Nhận biết lỗi lầm rồi, nên tin tác giả cùng sự tạo nghiệp ấy là đạo lý cùng quán. Do nghĩa này nên điều đã nói là không có lỗi.

Do nhân có nên tác giả không thật, tạo nghiệp không thật, chấp ấy là không đúng. Nghĩa không đúng này, như trước đã nêu bày. Lại nữa, hoặc có người nói: Tôi lập môn khác, tác giả như vậy, cũng có cũng chẳng phải có, nghiệp của đối tượng tạo tác kia cũng có cũng chẳng phải có. Do môn khác này nên không có lỗi lầm như trên. Luận giả nêu kệ:

Có không cùng trái nhau

Một pháp xứ không hai.

Giải thích: Nơi thể của tất cả vật, trong một sát-na, có cùng chẳng có đều cùng trái nhau. Cả hai không thể đạt được. Thế nào là pháp trái nhau? Nếu là có, thì thế nào là pháp chẳng phải có? Nếu chẳng phải có, thì vì sao nói là có? Cũng như một ngọn lửa, đồng thời có lạnh nóng, là điều thế gian không tin. Nếu ý của ông cho thể là có thật nên gọi đó là thật, không có đối tượng tạo tác nên gọi là không thật. Nơi một vật một thời quán xét tự tại. Hai nghĩa cùng lập, không có lỗi. Nghĩa ấy là không đúng. Vì sao? Vì hai môn ấy, trước đã ngăn trừ, nên không có lỗi. Đạo lý cùng quán, như phần sau sẽ dùng để ngăn trừ.

Ngoại nhân nói: Như Da-nhã-đạt-đa cũng có tác giả, cũng không tác giả. Ông lập thí dụ là vô thể, nghiệm xét không thể luận phá. Luận giả nói: Da-nhã-đạt-đa ấy, trong sự tự nối tiếp, không có Đề-bà-đạt-đa là tác giả, tạo phần nghiệp. Ý của Tôi muốn như vậy, chẳng phải là thí dụ không thành, thế nên không có lỗi, nói rộng như trước. Phân biệt như thế v.v… nương dựa trong đệ nhất nghĩa, tác giả cùng nghiệp, kiến lập không thành.

Lại nữa, có kẻ nói: Tôi có tác giả, nhưng không có tạo nghiệp, vì thế không lỗi. Luận giả nêu kệ:

Có, chẳng tạo tác không

Không, chẳng tạo tác có.

Giải thích: Ở đây, cái gì là không tạo tác? Nghĩa là tác giả, nghiệp. Vì sao không tạo? Kệ nói:

Đây do lỗi chấp có

Lỗi ấy như trước nêu.

Giải thích: Như trên đã nói về môn thật không thật. Trong đệ nhất nghĩa, tác giả không thật, tạo nghiệp không thật, cũng là tác giả không thật có thể tạo nghiệp thật. Hai câu lập nghĩa này có nhân riêng khác cùng thí dụ, nói rộng như trước. Lại nữa, kệ nêu:

Tác giả thật, chẳng thật

Cũng thật cũng chẳng thật

Không tạo ba thứ nghiệp

Lỗi ấy trước đã nêu.

Tạo nghiệp thật chẳng thật

Cũng thật cũng chẳng thật

Chẳng cùng tác giả tạo

Lỗi cũng như trước nói.

Giải thích: Các lỗi lầm này, như trước đã nêu rõ rộng, chỉ có lập nghĩa là sai biệt, do quán xét như thế. Kệ nêu:

Duyên tác giả có nghiệp

Duyên nghiệp có tác giả

Do nghiệp ấy nghĩa thành

Nên không thấy nhân khác.

Giải thích: Ở trong thế đế, tác giả, tạo nghiệp lại đều cùng quán. Lìa ngoài đấy ra thì không có nhân khác có thể tạo thành nghĩa của nghiệp. Như vậy, Ngoại nhân, nơi phần đầu của Phẩm đến giờ, nói nhân lập dụ, nghĩa đều không thành, cùng trái với nghĩa nên không tránh khỏi lỗi.

Lại nữa, hoặc có người cho: Trong đệ nhất nghĩa có ấm nhập giới. Do chấp giữ chúng, nên Đức Phật – Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Vì ngăn trừ chấp kia nên kệ nêu:

Như nghiệp, tác giả lìa

Nên biết thủ cũng thế.

Giải thích: Như trước đã ngăn trừ, tác giả duyên nơi nghiệp, nghiệp duyên nơi tác giả. Như thế là chấp giữ duyên nơi kẻ chấp giữ, kẻ chấp giữ duyên nơi chấp giữ, trong đệ nhất nghĩa là không thể có được. Nghĩa này là thế nào? Do tác giả, nghiệp, cả hai cùng lìa nên sự chấp giữ và người chấp giữ kia cũng lìa như vậy.

Lại nữa, ở đây phân biệt trong đệ nhất nghĩa, Điều-đạt là không thật, kẻ chấp giữ là chấp giữ thật. Vì sao? Vì do quán về chấp giữ. Ví như Da-nhã-đạt-đa. Như vậy, trong đệ nhất nghĩa cũng không có kẻ chấp giữ không thật, chấp giữ là chấp giữ không thật, cũng chấp giữ thật không thật. Nên biết về lập nghĩa.

Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, có thể chấp giữ không thật, là Đề-bà-đạt-đa thật chấp giữ, quán kẻ chấp giữ kia. Ví như Da-nhãđạt-đa chấp giữ. Như thế, trong đệ nhất nghĩa cũng không có chấp giữ chẳng thật, là kẻ chấp giữ chẳng thật đã chấp giữ, cũng chấp giữ thật chẳng thật, là cũng kẻ chấp giữ thật chẳng thật đã chấp giữ. Tức lập nghĩa có sai biệt. Nhân cùng thí dụ như trước đã nói. Như thế, phân biệt không bình đẳng cũng nên đối chiếu ngăn trừ. Lại nữa, do nghiệp, tác giả cùng chấp giữ, người chấp giữ, trong đệ nhất nghĩa, vì tánh lìa nên như kệ nói:

Cùng tất cả pháp khác

Cũng nên quán như thế.

Giải thích: Những gì là pháp khác? Nghĩa là sự hiểu biết của tự tha, hoặc quả hoặc nhân, chủ thể dựa, đối tượng dựa, chủ thể hiện tướng, đối tượng hiện tướng, hoặc chung riêng v.v… Các pháp như vậy cũng nên quán xét. Quả duyên nơi nhân, nhân duyên nơi quả, nghĩa ấy được thành, là pháp của thế đế, chẳng phải đệ nhất nghĩa. Vì sao? Hoặc có người cho: Trong đệ nhất nghĩa các pháp như nhân quả v.v… đều có tự thể. Nay muốn nhổ bật mũi tên chấp trước ấy, nên khai thị phần ít. Không phải trong đệ nhất nghĩa, sữa thật sự tạo ra lạc. Vì sao? Vì do quán về quả. Ví như kinh v.v… Nếu nói thế gian đều thấy sữa tạo nơi lạc, ông nói là không, tức là phá bỏ sự thấy biết của thế gian. Chấp như vậy là không đúng. Vì sao? Vì nghĩa Tôi lập nói chẳng phải là đệ nhất nghĩa, nên Tôi không có lỗi.

Hoặc có người nêu: Trong đệ nhất nghĩa, sữa không tạo ra lạc, nhưng trong thế đế thì có tạo tác. Do nghĩa này, nên thí dụ của ông không thành, nghĩa lập cũng hoại. Nếu nói các pháp không tạo tự quả, thì thí dụ cũng không thành. Vì sao? Vì tất cả pháp kia đều có nhân quả nhất định. Luận giả nêu rõ: Ông nói không phải. Vì sao? Vì đầu tiên phân biệt chẳng phải là điều Tôi thọ nhận. Phân biệt tiếp theo, thí dụ cũng thành. Vì sao? Vì do kinh này nói chẳng phải là nhân của lạc ấy. Trước lập nghĩa, trong đó đã lựa chọn phân biệt, nên không phải là thí dụ vô thể.

Lại nữa, người của Tăng khư nói: Như Tôi lập nghĩa, trong nhân có quả. Nhân có thể khởi tạo, không gì là không tạo. Ở đây nếu không, thì nhân kia tức không. Như lông rùa làm y phục, là những nhân gì? Nghĩa là bình chén, tô lạc. Do đó có quả. Lại nữa, nếu không quả, thì nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì như trong sữa không có lạc, trong cỏ cũng không có kẻ cầu tìm lạc ấy. Vì sao dùng sữa mà không dùng cỏ? Do sự chọn lấy kia nên biết là trong nhân có quả. Lại như trong sữa không có lạc, cũng không ba cõi, cả hai cùng là không, do nhân duyên nào nên từ sữa sinh ra lạc, chẳng sinh ra ba cõi. Do trong sữa kia chẳng sinh ra ba cõi, chẳng phải tất cả vật từ một nhân sinh khởi. Do đó nhất định biết trong nhân có quả. Lại, nếu là không, thì do đâu có sự quyết định, như người thợ sành sứ thấy đất có thể tạo thành bình chén, nên dùng đất ấy để làm bình chén, không chọn lấy tất cả. Do công năng này nên có thể có sự phát khởi tạo tác, nên biết là trong nhân có quả. Nếu không có quả, thì nhân cũng vô thể. Rốt cuộc, không một vật nào không quả mà có nhân, tức không có sự việc này. Vì vậy tức biết, nhân là có Thể, nên quả kia cũng có. Luận giả nêu bày: Như nhân ông đã lập, không gì là không tạo, không phải là lập pháp của nghĩa. Do là quả nên nghĩa của nhân không thành. Ông nói không quả có nhân, nghĩa tức không như thế. Do có đây nên kia được thành. Đây là ở trong thế đế được thành, chẳng phải là đệ nhất nghĩa. Do trong đệ nhất nghĩa, nhân cùng thí dụ, cả hai đều là vô thể. Nếu vật nơi xứ kia là có, vật ấy không ở nơi xứ kia khởi, như tự thể của nhân. Do thể của pháp này, hai thứ có sai biệt, tức nghĩa kia chẳng thành, là có lỗi. Như luận phá nhân đầu. Kẻ kia dùng các nhân như sữa v.v… cũng nên dùng đạo lý này để đáp trừ.

Lại nữa, như Sư của Tỳ Bà Sa đã cho trong nhân không có quả, nhưng nhân có thể sinh khởi quả. Nhân này là không có sức, cũng chẳng thể khởi tạo vật vô thể kia. Ví như sừng thỏ.

Lại như Độc Tử Bộ cho quả là có chẳng phải có, đều không thể nói, nhưng nhân có thể khởi, tạo theo như ý ấy, là ở trong thế đế, nhân của tác giả thành. Trong đệ nhất nghĩa, hoặc nhân hoặc quả, có cùng chẳng phải có đều không thể đạt được, nên Tôi không có lỗi.

Lại nữa, người của Tăng khư khác nói: Thể của quả trong nhân là không thể đạt được, do quả là vi tế. Chấp này là không đúng. Vì trong nhân không thô. Thô trước là vô thể, thời gian sau có thể đạt được, tức là trong nhân không có quả. Nghĩa của ông lập đã bị phá. Nếu ý của ông muốn vi tế là thô, thì cũng không đúng. Vì sao? Vì không thấy tế chuyển làm thô. Thời gian sau quả thô cùng với tế trái nhau. Thể của pháp điên đảo, nghĩa được lập có lỗi.

Lại nữa, người của Tăng khư khác nói: Nhân tạo nên quả, nghĩa ấy chẳng đúng, do biết rõ về sự tạo tác. Nên nêu hỏi như vầy: Nhận biết rõ về sự tạo tác ấy, tướng của nó là thế nào? Người kia đáp: Như đèn nhận biết rõ về bình chén đã tạo tác. Chấp này như nơi Phẩm Quán Duyên đã luận phá. Lại, trong đệ nhất nghĩa, đèn không biết rõ về sự tạo tác đối với bình chén, y phục kia. Vì sao? Vì do mắt đã giữ lấy. Do có ngăn ngại. Do các nhân như sắc, xúc đã nêu bày. Ví như khối đất.

Lại nữa, người của Tăng khư khác cho: Quả nếu chưa khởi cùng đã diệt, tự thể của công năng là có, không gọi là biết rõ. Do đó Tôi nói có quả như thế. Nhưng cho là nhân có thể tạo ra quả, thì sự tạo tác ấy là thế nào? Tức là tự thể của nhân chuyển làm thể của quả. Ý của lời nêu kia là như vậy. Luận giả nói: Nếu ông cho thọ của quá khứ vị lai là nhân, thì chỗ nương dựa không thành. Hoặc nói thọ của hiện tại là nhân, tức không có thí dụ, quả ấy chẳng thành, là có những lỗi như vậy. Lại, nhân quả của ông là không khác. Nếu không khác tức ở đây chẳng phải là nhân của kia, do không khác. Như tự thể của nhân. Do chẳng phải là nhân, nên nghĩa của nhân không thành. Nhân không thành nên tự tánh của pháp hoại, nghĩa được lập là có lỗi. Quả hiện tại, cũng không có thật thể, do không sinh khởi. Pháp có kia chẳng thành, thí dụ là vô thể. Như vậy, các môn chẳng khác cũng nên tùy theo chỗ chấp để luận phá. Đã nói nhân thật không thể tạo quả. Ở trong thế đế, nếu không nhân cũng không tạo quả, do nhân kia là không. Như không có lông rùa thì không thể làm y phục. Như thế, nếu không quả thì nhân cũng không hành tác. Nghĩa được lập này có khác, nhân, dụ đồng với trước. Nửa kia có phân nửa không chấp, cả hai đều có lỗi, cũng như trước đã nói.

Lại nữa, Tự Bộ cùng Tỳ-thế-sư cho: Nhân có quả không. Nhân này có thể tạo tác, do chưa khởi nên không quả. Tôi không nhận, nên như hoa nơi hư không. Quả đã sinh, nhân không còn lực dụng. Quả chưa sinh, nhân có công năng. Do nghĩa như vậy nên trong nhân không quả.

Luận giả cho: Như ông lập nhân, chưa khởi nên không quả, Tôi không nhận, ý này là thế nào? Ông vì hiện thấy nên không nhận chăng? Hay vì lập nghiệm xét nên không nhận chăng? Hoặc vì tất cả lượng nên không nhận chăng? Phân biệt như thế là nghĩa của nhân không thành, lập nhân có lỗi, chẳng phải là toàn bộ. Quả chưa khởi kia là có, ở đây nghiệm xét, không thể khiến kẻ khác tin hiểu. Ông nói không có quả sinh khởi, ở đây không có quả khởi, là không có thí dụ. Vì sao có thể nhận biết?

Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, sữa không sinh lạc. Vì sao? Vì do quán nhân. Ví như vải lụa sinh khởi. Lại nữa, đất bùn thật sự gọi là cầu-na, nhờ nơi bình chén gọi là cầu-nê. Trong đệ nhất nghĩa, bùn không thành bình chén. Vì sao? Vì quán xét về cầu-nê, ví như vật khác.

Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, các tướng như cằm nọng thòng xuống không phải là thể tướng của bò. Vì sao? Vì do quán về thể. Ví như tướng của ngựa. Lại nữa, biệt danh A-bà-giã-bà, gọi chung là A-bà-giã-tỳ. Trong đệ nhất nghĩa, sợi dọc không thật cùng thành lụa. Vì sao? Vì do quán về A-bà-giã-tỳ. Ví như vật khác. Như thế, tác giả cùng nghiệp là không có tự thể tánh. Nghĩa của Phẩm là như vậy, thế nên được thành.

Như Đức Phật nói với Bồ-tát Cực Dũng Mãnh: Này thiện nam! Sắc không phải là tác giả sai khiến tác giả. Như vậy, thọ tưởng hành thức cũng chẳng phải là tác giả sai khiến tác giả. Nếu nhận biết sắc cho đến thức chẳng phải là tác giả sai khiến tác giả, thì đấy là Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại như trong Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Tôn giả Xá-lợiphất nói: Thế Tôn! Vô tác là Bát-nhã Ba-la-mật. Đức Phật dạy: Tác giả là không thể thủ đắc

Lại như Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Cực Dũng Mãnh: Này thiện nam! Sắc chẳng phải là thiện, chẳng phải là bất thiện. Thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy. Nếu nhận biết sắc cho đến thức chẳng phải là thiện chẳng phải là bất thiện, thì đó gọi là Bát-nhã Bala-mật.

Các Kinh như thế, ở đây nên nói rộng.

Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Tác Giả, Nghiệp.

 

Phẩm thứ 9: QUÁN VỀ GIỮ LẤY

Lại nữa, vì khiến quán xét đúng về người giữ lấy (Thủ) là vô Thể nên có Phẩm này. Như kệ nói:

Các căn như mắt, tai

Các tâm pháp như thọ

Đây trước có người trụ

Một Bộ nói như thế.

Giải thích: Tất cả Tự Bộ đều không có chấp này. Chỉ có Bà-tưphất-đa-la lập nghĩa như vầy: Các căn như mắt v.v…, các tâm pháp như thọ v.v…, ở đây nếu là có, tức có trụ trước. Đạo lý là như thế. Nếu không như vậy, như kệ nêu:

Nếu người thủ không Thể

Mắt không thể đạt được

Do đấy nên nhận biết

Trước có Thể trụ ấy.

Giải thích: Tôi thấy có là người giữ lấy trước đã trụ. Vì sao? Vì do kẻ giữ lấy. Do kẻ giữ lấy này có thể đạt được, nên ở nơi các thứ giữ lấy trước đã trụ. Ví như người dệt vải, ở trước các sợi ngang dọc.

Lại nữa, người giữ lấy trước có các thứ giữ lấy như mắt v.v… Vì sao? Vì do có giữ lấy. Như tấm phên tre. Như vậy, giữ lấy cùng kẻ giữ lấy, cả hai cùng được thành. Do nghĩa ấy, nên Tôi trước nói, cho trong đệ nhất nghĩa là có ấm v.v… được giữ lấy cùng kẻ giữ lấy. Đức Bà-già-bà nói là không thể hủy hoại. Luận giả nêu kệ:

Nếu các căn như mắt

Các tâm pháp như thọ

Chúng trước có người giữ

Nhân gì để thiết lập?

Giải thích: Mắt cùng với thọ, do vô thể nên khác với giữ lấy, lại không một vật có thể có được, thì người giữ lấy nào thiết lập, nêu đặt? Như thế, kẻ kia, vào lúc ấy là không có, do giữ lấy là vô thể. Ở đây lập nghiệm xét. Các thứ giữ lấy như mắt v.v… trước là không có người giữ lấy kia. Vì sao? Vì do đã nêu đặt. Như sợi dọc nơi vải lụa. Thế nên người giữ lấy là không thành. Do người giữ lấy không thành, nên nghĩa của nhân tức hoại. Vì nhân bị hoại, nên các thứ thí dụ được nêu ấy là vô thể. Do trong đệ nhất nghĩa, sự giữ lấy cùng người giữ lấy, thể là không thành.

Lại nữa, có Bà-tư-phất-đa-la khác cho: Như trước sinh lên cõi trời, nghiệp sinh lên cõi trời hết, nơi cõi trời là người giữ lấy nên được trụ như thế. Sau, giữ lấy các ấm như người v.v… Người giữ lấy kia là A-hàm được thành. Luận giả nói: Người sinh nơi cõi trời ấy, ở cõi trời giữ lấy thể là trời được thiết lập. Lại, Ông nói chung về A-hàm, không có nghiệm xét riêng, nên khiến sinh nghi hoặc, không nên định tin. Như kệ nêu:

Nếu không căn như mắt

Trước có kẻ trụ kia

Cũng nên không người giữ

Mắt là có, không nghi.

Giải thích: Ý của ông là như thế. Nghĩa tức không đúng. Vì sao? Vì nếu không quán xét về kẻ giữ lấy thì các thứ giữ lấy như mắt, thể tức không thành. Ý ở đây là như vậy. Nếu hai pháp này đều không cùng quán, như thế là nghĩa thứ lớp không ứng hợp. Nghĩa là: Đây là các pháp giữ lấy như mắt v.v… Đây là Điều-đạt, gọi là người giữ lấy. Đây là Điều-đạt gọi là người giữ lấy. Đây là các pháp giữ lấy như mắt v.v… Do đó, kệ nói:

Hoặc có giữ rõ người

Hoặc có người rõ giữ

Không giữ sao có người

Không người sao có giữ?

Giải thích: Hoặc có giữ rõ người: Nghĩa là các pháp như mắt v.v… Hoặc có người rõ giữ: Nghĩa là người thấy người nghe, do người giữ lấy đã giữ lấy, lại cùng quán xét nhau, trong thế đế thành, chẳng phải là đệ nhất nghĩa. Hai câu sau của kệ: Do chúng là vô thể. Nhân ấy có lỗi, ông không thể lìa. Lại nữa, Bà-tư-phất-đa-la nói: Ông nay vì sao tự sinh phân biệt, nói là có trụ trước, ở trước các căn như mắt kia, sau trở lại tự phá? Trong pháp của chúng tôi cũng nói như thế. Như kệ nêu:

Tất cả căn như mắt

Trước không một người trụ.

Giải thích: Không một người trụ: Nghĩa là người kia cho nơi mỗi mỗi căn như mắt, trước đều có người trụ. Vì sao? Kệ nêu:

Do các căn như mắt

Khác khác rõ kia khác.

Giải thích: Mắt v.v…: Là tai mũi lưỡi thân thọ. Do mắt đến thọ, mỗi mỗi thứ đều có khác, nên được nói, cho: Đây là người thấy. Đây là người xúc chạm. Do quán khác với giữ lấy, nên người giữ lấy kia đạt được, thành nhân như ông nói. Không thành, là không có nghĩa như ở đây. Luận giả nêu kệ:

Nếu các căn như mắt

Trước không một người trụ

Như mắt, mỗi mỗi trước

Chúng riêng làm sao có?

Giải thích: Do các ngoại đạo nơi mỗi mỗi thứ giữ lấy, trước lập có người giữ lấy. Nghĩa là mắt, tai v.v… trước đều có người trụ. Nghĩa ấy là không đúng. Vì sao? Vì nếu người giữ lấy không quán xét về mắt v.v… để biết chúng là vô thể. Ý ở đây là như thế. Do trước lập nghiệm xét, các thứ giữ lấy như mắt v.v… mỗi mỗi thứ trước đều có người giữ lấy, nghĩa cũng không thành. Lại nữa, ông nếu nhất định chấp có người giữ lấy kia, nay sẽ hỏi ông: Vì người thấy ấy tức là người nghe, cho đến người nhận, hay là người thấy người nghe cho đến người nhận, mỗi mỗi đều khác chăng? Nếu cho thọ nhận trước người nêu bày, thì nghĩa ấy cũng không đúng. Như kệ nói:

Người thấy tức người nghe

Người nghe tức người nhận

Mỗi mỗi nếu trước có

Nghĩa này tức chẳng đúng.

Giải thích: Người kia nói như thế tức đồng với ngoại đạo. Nghĩa này là thế nào? Ngoại đạo đã nói thân căn ấy là xứ tích tụ pháp, như cỏ, đất v.v… tạo thành nhà. Nhưng có người khác biệt ở trong sự thọ dụng, người như thế không thể nhận biết. Tức là người thấy. Nghĩa này là không đúng. Vì sao? Vì các pháp kia là một thể, nên nghĩa đã lập có lỗi. Lại nữa, chẳng phải trong đệ nhất nghĩa, người thấy ấy, thể không khác với người nghe. Vì sao? Vì người nghe như thể riêng. Người nghe do sự nối tiếp khác nên thấy nghe không đồng. Ông nói thể chẳng khác, là nghĩa được lập ở đây có lỗi. Lại nữa, người thấy muốn thấy không quán xét, ở nơi mắt, sắc, nên có thể đạt được. Vì sao? Vì không khác với người nghe. Ví như người nghe, do cùng với người nghe nghiệm xét không khác, nên không quán nơi mắt, sắc kia có thể đạt được. Nếu sự việc không như vậy, thì người thấy khác với pháp. Ở đây đều không thành, tức lập nghĩa có lỗi.

Lại có Tăng khư khác nói: Ngã nếu là một với trượng phu, tức rơi vào căn khác đã qua, như các khung cửa sổ cách nhau. Do mắt v.v… của xứ xứ kia là nhân sinh khởi sự nhận biết về sắc v.v… Vì ngã đã không hiện bày khắp, tức ó phương sở riêng. Nếu không dựa nơi các căn như mắt v.v… thì sự thấy nghe v.v… đều không được thành. Do ngã hiện bày khắp, tức không đến căn khác, vì vậy không có lỗi. Luận giả nêu rõ: Ông lập nhân ấy, là có lỗi lầm lớn. Do trong mỗi mỗi căn đều trước có ngã. Nghĩa này là không đúng. Vì sao? Vì đạo lý không có ngã như thế. Nếu người muốn có được ấm nhập giới khác, có một trượng phu là người thấy v.v… Luận chủ đã chỉ dẫn kẻ kia, như nơi Phẩm Quán Nhập ở trước đã ngăn trừ. Nên lãnh hội như thế, không giải thích rộng nữa.

Hoặc có người muốn tránh lỗi lầm như trước, nói có kẻ giữ lấy, thì tướng ấy là thế nào? Người kia cho người thấy, người nghe mỗi mỗi đều sai biệt, nhưng là một ngã. Như kẻ chấp này là cũng có lỗi. Kệ nêu:

Nếu người thấy nghe khác

Người nhận cũng sai biệt.

Giải thích: Như ông phân biệt tức mắc phải những lỗi lầm gì? Nay nên chỉ rõ cho ông thấy. Như kệ nói:

Người thấy nghe chẳng đồng

Là ngã tức nhiều Thể.

Giải thích: Nếu vật của thế gian khác với vật kia, thì đây kia cùng có. Do chúng khác, nên như bình chén, bát. Người thấy nghe khác cũng lại như vậy. Do người thấy nghe khác, nên sự ngửi nếm xúc chạm cũng đều sai biệt. Vì nghĩa này, nên ở trong một tương tục có vô lượng ngã. Nhưng không muốn như vậy, do đó trong đệ nhất nghĩa, người thấy người nghe có sự nối tiếp riêng. Sự khác ấy là không đúng. Ở đây nói nghiệm xét. Người thấy, kẻ giữ lấy không khác với người nghe, do người giữ lấy ấy là nhân quả hợp có. Như tự thể của người thấy. Lại như kệ ở trước nói: Người thấy người nghe khác. Ở đây nói người thấy làm duyên tức người nghe có thể đạt được. Do nghĩa như vậy nên ngã thành nhiều thể. Lại nơi thời quá khứ v.v… đều sai biệt.

Lại nữa, ở đây nói nghiệm xét, trong đệ nhất nghĩa thì kẻ giữ lấy là vô thể. Vì sao? Vì do duyên khởi. Như tự thể của sự giữ lấy. Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, mắt v.v… của Điều-đạt không gọi là sự giữ lấy của kẻ giữ lấy là Điều-đạt. Vì sao? Vì do mắt v.v… Ví như tự thể như mắt của Da-nhã-đạt-đa. Thế nên người giữ lấy cùng sự giữ lấy, cả hai đều không thành, do không tránh khỏi lỗi như trước.

Bà-tư-phất-đa-la nói: Giữ lấy cùng người giữ lấy, hoặc một hoặc khác, đều không thể nêu bày, vì vậy không có lỗi. Luận giả nói: Có thể nói là có, há chẳng phải là lỗi chăng? Lại nữa, đối với một tụ là thân căn, hoặc quả hoặc nhân, người ăn các tụ, ngã tức vô lượng, nhưng không muốn như thế. Do đấy nên ngã tức chẳng là một. Nghĩa này được thành, do nhận biết riêng khác. Như nhiều sự nối tiếp, người thấy không là một, nhiều ngã được thành.

Lại nữa, có kẻ khác nói: Có sự giữ lấy như thế. Như Đức Phật đã nói: Danh sắc duyên nơi lục nhập. Sắc kia là bốn đại bị người giữ lấy nắm giữ, thế nên người giữ lấy là có thật. Do sáu nhập gồm đủ, tiếp theo là sinh thọ v.v…, chẳng phải là mắt v.v… trước đã có. Người giữ lấy ấy đã nhân nơi nêu đặt mà có. Ví như bình chén v.v… Đây là đạo lý do Đức Như Lai đã giảng nói. Ông nêu trái với lý này, vì thế nghĩa đã lập trước của ông bị phá. Luận giả nêu kệ:

Mắt tai cùng với thọ

Từ các đại được sinh

Ở trong các đại ấy

Người giữ lấy chẳng được.

Giải thích: Do người giữ lấy kia, thể là không thật. Dựa nơi đệ nhất nghĩa, trong phần vị danh sắc, người giữ lấy là vô thể. Nhưng trong thế đế, danh sắc là nhân để thiết lập người giữ lấy. Do vậy không trái với A-hàm đã thuyết giảng. Do mắt v.v… cùng với đại chỉ là sự tụ tập. Ông lập người giữ lấy làm nhân, nghĩa ấy là không thành, tức có lỗi. Quán đúng như lý thì pháp kia là không có thật thể. Như kệ nêu:

Mắt trước không người giữ

Nay sau cũng lại không

Do không người giữ lấy

Không có phân biệt kia.

Giải thích: Các thứ giữ lấy như mắt v.v… có người giữ lấy là không đúng. Pháp kia khác với sự giữ lấy, nên như bốn đại nối tiếp riêng, là người giữ lấy. Như vậy, chỗ nghiệm xét nhận biết ở trước là không thể đạt được. Do thể thật không thành. Ví như thể thật của bốn đại. Vì trong đệ nhất nghĩa là không có, nên sự giữ lấy cùng người giữ lấy, hoặc một hoặc khác đều bị hoại. Một khác chẳng thành nên sự phân biệt kia bị diệt. Vì sao bị diệt? Vì không thật có. Có phân biệt diệt, nhân nơi nêu đặt, nên không phân biệt diệt. Lại nữa, ông lập có, muốn khiến Tôi hiểu. Tôi, ở trong đệ nhất nghĩa, nghiệm xét là vô thể, nên có phân biệt diệt. Có đã diệt, nên không cũng theo đấy diệt. Như trong Kinh Lăng Già, Đức Thế Tôn nói kệ:

Do lúc biết quán xét

Thể vật không thể đạt

Do không có tự Thể

Pháp kia không thể nói.

Như người trước nói: Có giữ lấy, người giữ lấy, chúng đều chẳng thành. Giữ lấy là nhân tạo lỗi, đã như trước nói. Giữ lấy cùng kẻ giữ lấy đều không có tự tánh, nên có Phẩm này. Do nghĩa đó, nên chứng minh ấy được thành.

Như nơi Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói: Đức Phật nói với Bồ-tát Cực Dũng Mãnh: Này thiện nam! Sắc không có người thấy sai khiến người thấy. Thọ tưởng hành thức không có người thấy sai khiến người thấy. Nếu như sắc cho đến thức, không có người thấy sai khiến người thấy, thì đấy là Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, sắc là không nhận biết, không thấy. Thọ tưởng hành thức là không nhận biết, không thấy. Nếu sắc cho đến thức không nhận biết, không thấy, thì đấy là Bát-nhã Ba-la-mật.

Các Kinh như thế, ở đây nên nói rộng.

Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Giữ Lấy.

HẾT – QUYỂN 6