ẤN QUANG ĐẠI SƯ VĂN SAO
TINH HOA LỤC
印光大師文鈔菁華錄
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong

 

IX. Dụ tại gia thiện tín (Khuyên dạy hàng cư sĩ thiện tín)

1. Giảng về đại giáo luân thường

* Chuyện học Phật vốn là phải trọn vẹn đạo làm người thì mới hòng tiến hướng được. Ấy là vì Phật giáo bao trùm hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Do vậy, với cha nói từ, với con nói hiếu, thảy đều cho ai nấy tận hết đạo làm người, rồi sau đấy mới tu pháp xuất thế. Ví như muốn xây lầu cao vạn trượng, trước hết phải đắp vững nền móng, khai thông đường nước thì lầu cao vạn trượng mới xây dần lên được, lại còn vĩnh cửu chẳng hư hoại. Nếu như nền móng không chắc, ắt sẽ đến nỗi chưa xây xong đã sụp. Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Khoa thiền sư[1]: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư nói: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Muốn học Phật pháp, trước hết phải chế ngự lòng ham muốn, cẩn thận, dè dặt, sự sự đều phải từ tâm địa chân thật mà làm. Người như thế đáng gọi là đệ tử thật sự của đức Phật. Nếu tâm gian ác mà muốn nhờ vào Phật pháp để khỏi tội nghiệp thì có khác gì trước hết uống thuốc độc rồi lại uống thuốc tốt lành để thân thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh, há có sống thọ được ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo)

* Ông đã lấy vợ, phải thường mang ý niệm làm vui lòng cha mẹ. Vợ chồng kính trọng lẫn nhau, chớ nên vì hiềm khích nhỏ nhặt mà đến nỗi vợ chồng chẳng hòa thuận khiến cho cha mẹ đau lòng. Sách Trung Dung nói: “Thê tử hảo hợp, như cổ sắt cầm, huynh đệ ký hấp, hòa lạc thả đam. Nghi nhĩ thất gia, lạc nhĩ thê noa” (Vợ con vui vẻ hòa hợp như khảy đàn sắt, đàn cầm[2]. Anh em hòa thuận, vừa yên vừa vui. Cửa nhà yên ổn, vợ con vui vầy). Khổng Tử nói: “Phụ mẫu kỳ thuận hỹ hồ!” (父 母 其 順 矣 乎: Thuận lòng cha mẹ vậy thay) chính là nói vợ chồng, anh em hòa thuận thì lòng cha mẹ vui sướng theo vậy! Nay làm phận con, không lâu sau lại sẽ làm cha kẻ khác, nếu chẳng thực hành đạo khiến cho cha mẹ vui sướng, ắt sẽ sanh con ngỗ nghịch, bất hiếu! Ví như nước nhỏ giọt ở mái hiên, từng giọt, từng giọt, giống hệt như nhau. Quang già rồi, chẳng thể thường răn dạy ông, ông chịu nỗ lực trọn hết đạo làm con ắt sẽ có thể dự vào bậc thánh, bậc hiền, tương lai vãng sanh Tây Phương, đấy chính là pháp lợi ông sẽ đạt được! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Châu Pháp Lợi – 2)

* Con người sống trong thế gian dù thiện hay ác đều phải có người phụ trợ thì mới thành được như vậy! Dẫu là bậc thánh bẩm sanh vẫn cần phải có hiền mẫu, hiền thê phụ trợ cho đạo đức của vị ấy, huống gì những kẻ kém hơn ư? Do vậy, Thái Nhậm dạy con từ lúc còn nằm trong thai (thai giáo) nên sanh ra Văn Vương có thánh đức. Vì thế, kinh Thi khen ngợi [Văn Vương] nêu gương đức hạnh từ vợ cho đến anh em, [đức ấy] lan truyền ra cả nước. Nhưng đấy mới chỉ là luận theo phía Văn Vương, chứ nếu bàn về đức của bà Thái Tự[3] thì cố nhiên đức ấy cũng phụ trợ cho đạo của Văn Vương. Như hai ngọn đèn chiếu lẫn nhau bèn càng thấy sáng sủa; hai tay rửa lẫn nhau thì mới được sạch sẽ. Do vậy, mới nói: “Đời thiếu hiền nhân là do cõi đời thiếu hiền mẫu và hiền thê!” Ấy là vì vợ có thể ngầm giúp chồng, mẹ có thể dạy con cái từ lúc còn trong thai; huống chi mấy năm đầu đời, hằng ngày ở bên mẹ, thân cận tấm gương tốt lành, thường được răn dạy, nên tánh tình bị chuyển biến mà không biết không hay, có những điều chẳng mong mỏi mà đạt được. Tôi thường nói: “Dạy con gái là cái gốc của việc tề gia trị quốc”. Lại thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, hàng nữ nhân chiếm quá nửa”, chính là vì ý này vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4, Nêu tỏ ý nghĩa ẩn tàng về hành trạng của Phùng Bình Trai Nghi Nhân[4])

* Dạy con cái phải bắt đầu từ căn bản. Cái căn bản vừa nói đó chính là hiếu với cha mẹ, giúp đỡ mọi người, nhẫn nhục, tận tụy, lấy thân làm gương, lấy đức làm khuôn phép; như nung chảy vàng hay đồng, đổ vào khuôn. Khuôn ngay ngắn sẽ đúc ra vật ngay ngắn, khuôn méo mó sẽ đúc ra vật méo mó. Lớn – nhỏ, dày – mỏng, trước khi đổ khuôn đã có thể biết trước, huống gì lúc đã trút khỏi khuôn!

Gần đây con người đa phần chẳng biết điều này. Vì thế, những con em có thiên tư đa số là cuồng vọng, trái nghịch; những đứa không có thiên tư lại thành ra ương bướng, hèn tệ. Đó là do lúc nhỏ đánh mất khuôn phép, như vàng lỏng rót vào khuôn hư trở thành đồ hư hỏng. Cố nhiên vàng là một, nhưng đồ vật lại sai khác một trời một vực! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 5)

* Khéo dạy dỗ con cái, khiến cho chúng nó đều là người hiền, mềm mỏng, nho nhã, [đấy mới] quả thật là kẻ giữ vẹn luân thường lớn lao! Bởi lẽ, con cái đã đều hiền thiện thì anh em trai, chị em gái, chị em dâu, con cháu đều nhìn theo nhau làm lành. Từ đấy [đời nào cũng] nối tiếp nhau là người hiền thì người hiền sẽ đông, kẻ xấu sẽ ít. [Do vậy] kẻ xấu cũng có thể bị cảm hóa trở thành người hiền, người lành. Nền tảng khiến cho thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui đều nằm trong sự dạy dỗ con cái. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Thần Hiểu Viên)

* Nữ nhân khi sanh nở thường đau đớn chẳng kham nổi, [nếu] mấy ngày chưa sanh rất có thể bị mất mạng. Lại có người sanh xong bị băng huyết, đủ mọi nỗi nguy hiểm, và con cái mắc chứng kinh phong chậm hay gấp, đủ mọi nỗi nguy hiểm. Nếu nhằm lúc sắp sanh, hãy chí thành khẩn thiết niệm ra tiếng rõ ràng “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chớ nên niệm thầm trong tâm, bởi niệm thầm tâm lực nhỏ, nên cảm ứng cũng nhỏ. Lại do lúc ấy dùng sức đẩy đứa con ra, nếu thầm niệm thì rất có thể do bế khí mà thành bệnh.

Nếu chí thành khẩn thiết niệm, chắc chắn chẳng bị đau đớn, khó sanh và băng huyết sau khi sanh, đứa con mắc các chứng kinh phong v.v… Dẫu cho khó sanh đến tột bậc, người đã sắp chết, hãy nên dạy sản phụ ấy và những người chăm sóc chung quanh đều cùng niệm Quán Thế Âm ra tiếng, người nhà dẫu ở phòng khác cũng đều có thể niệm, chắc chắn công phu chưa đến một khắc liền được an nhiên sanh nở.

Ngoại đạo chẳng hiểu lý, chấp chết vào một pháp cung kính, chẳng biết căn cứ vào sự để luận lý, đến nỗi những bà cụ niệm Phật coi sanh nở là chuyện đáng sợ, dẫu là con gái ruột, con dâu [sanh nở] cũng chẳng dám nhìn đến, huống là dám dạy họ niệm Quán Âm ư? Phải biết Bồ Tát mang tâm cứu khổ, lúc sắp sanh tuy lõa lồ, bất tịnh, nhưng là chuyện không thể nào tránh được, chứ không phải là do cố ý luông tuồng, chẳng những [niệm Quán Âm khi ấy] không có tội lỗi gì, mà lại còn gieo được đại thiện căn cho cả mẹ lẫn con. Nghĩa này đức Phật dạy trong kinh Dược Sư, chứ không phải là ý kiến ức đoán của tôi, chẳng qua tôi chỉ đề xướng mà thôi! (Kinh Dược Sư nói về thệ nguyện công đức Phật Dược Sư, cho nên dạy niệm Phật Dược Sư. Nhưng danh hiệu Quán Âm ai nấy đều biết cho nên bất tất phải niệm Phật Dược Sư, cứ niệm Quán Âm cũng được). (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Một Lá Thơ Gởi Khắp)

* Đối với đạo để cầu con, người ta thường trái nghịch. Ông muốn có đứa con thân thể mập mạp, tánh tình hiền thiện, ba thứ phước – huệ – thọ đều trọn đủ thì phải nghe theo lời tôi mới được thỏa lòng. Người đời không có con liền cưới nhiều vợ lẽ, thiếp mọn, thường uống thuốc tráng dương, thường ân ái. Đấy chính là cách để chóng chết, chứ không phải là phương pháp để cầu con! May mắn sanh được con thì cũng như trồng giống lúa lép hoặc chẳng mọc được, hoặc có mọc cũng khó thể đơm bông kết hạt.

Điều quan trọng bậc nhất là phải ngưng ân ái, hoặc nửa năm, tối thiểu là một trăm ngày, càng lâu càng hay. Hãy nên nói rõ với vợ, đôi bên đều giữ ý niệm này, mỗi người ở khác phòng. Nếu không có nhiều phòng, quyết phải nằm giường riêng. Lúc thường ngày trọn chẳng tưởng vợ là vợ, hãy nên tưởng như chị em gái, chẳng khởi một tà niệm nào!

Đợi tới khi thân được dưỡng sức đầy đủ rồi, đợi cho vợ sạch kinh nguyệt, cần phải nhằm lúc tiết trời trong sáng, nhằm ngày lành tháng tốt, ăn nằm với nhau một đêm, ắt sẽ có thai. Từ đấy vĩnh viễn chấm dứt chuyện ân ái, cho đến khi sanh con tròn một trăm ngày rồi mới có thể tiếp tục ân ái. Sau khi vợ thọ thai, nếu ăn nằm một lần, bọc thai sẽ dầy thêm một lần, gieo nguy cơ thai độc một lần. Hoặc còn có thể vì lẽ đó mà tử cung thường bị mở ra, chắc dễ bị sẩy thai. Những điều kiêng kỵ này nhiều người không biết. Dẫu có kẻ biết cũng chẳng chịu tuân theo. Vì thế đến nỗi chẳng sanh được con, hoặc con chẳng thành hình được, hoặc [sanh ra đứa con] bấy bớt, đoản mạng, chẳng biết do chính mình chẳng khéo dụng tâm, ngược ngạo đổ hô vận mạng xui xẻo, ngược ngạo biến ăn nằm thành chuyện thường xuyên, hằng ngày cứ làm, chẳng bị chết kể ra đã là may mắn lớn!

Lại phải giữ tấm lòng từ thiện, lợi người, lợi vật. Lợi người lợi vật thì chẳng nhất định cần đến tiền, mà chỉ cần giữ tấm lòng tốt, nói lời lành, làm chuyện tốt. Phàm những tâm, những lời, những chuyện không lợi ích đều chẳng giữ, chẳng nói, chẳng làm! Đầy ắp bụng dạ là một khối nguyên khí thái hòa, bừng bừng ý niệm vì chúng sanh. Lại còn phải chí thành niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” (Hãy nên niệm theo cách này), niệm càng nhiều càng tốt. Sáng – tối lễ bái, niệm bao nhiêu đó; ngoài ra, đi – đứng – nằm – ngồi đều niệm. Lúc đi ngủ tuy vẫn niệm, nhưng phải giữ lòng cung kính: Hãy nên mặc áo quần, đừng nên trần truồng. Hãy nên niệm thầm, chớ nên niệm ra tiếng. Niệm thầm thì nếu nhiều chữ sẽ khó niệm, có thể bỏ đi hai chữ Nam Mô, chỉ niệm năm chữ Quán Thế Âm Bồ Tát. Chú Bạch Y niệm cũng được, không niệm cũng chẳng sao.

Ông giữ tấm lòng như thế, làm việc vẫn niệm, và bảo vợ cũng giữ tấm lòng như thế, niệm trong khi làm việc, cho đến khi sanh nở vẫn niệm. Lúc đang sanh nở chớ nên niệm thầm, phải niệm ra tiếng. Những người săn sóc chung quanh đều nên lớn tiếng niệm giúp cho người ấy. Đảm bảo không có những chuyện đau khổ, khó sanh! Chớ nên niệm thầm trong khi sanh nở, vì [lúc ấy phải] dùng sức đẩy đứa con ra, nếu niệm thầm chắc bị bệnh tổn khí.

Nữ nhân hễ cấn thai chớ nên nổi nóng. Hễ nổi nóng đùng đùng sẽ bị sẩy thai; cũng như tánh tình ngang ngược, hung dữ ấy sẽ truyền qua đứa con khiến cho tánh tình nó trở thành hung ác. Thêm nữa, khi cho con bú, ắt phải tâm bình khí hòa. Nếu nổi nóng đùng đùng, sữa liền biến thành chất độc. [Trẻ bú sữa ấy] nặng là chết ngay, nhẹ là nửa ngày hay một ngày sau mới chết, quyết chẳng có trường hợp nào không chết! Nếu hơi nổi đóa thì chất độc ít, tuy con chẳng chết cũng sẽ sanh bệnh. Vì thế, con cái của nữ nhân ưa nổi đóa bị chết nhiều lắm, bệnh tật nhiều lắm! Chính mình cho con bú hoặc mướn vú em cho con bú đều giống như nhau. Hễ nổi nóng đùng đùng, muôn vàn chớ nên cho trẻ bú, trong lúc ấy phải nên buông xuống. Đợi cho tâm bình khí hòa, qua nửa ngày rồi mới cho bú.

Lúc cho bú, trước hết phải vắt sữa ra chừng nửa chén trà đổ đi, lau chùi đầu vú rồi mới cho trẻ bú [thì trẻ] sẽ không bị họa ương gì. Nếu trong tâm vẫn nóng giận bừng bừng thì cả ngày hôm ấy cũng không được cho trẻ bú. Cho bú thì trẻ không chết cũng bị bệnh nặng! Chuyện này sách y học xưa nay đều chưa chỉ rõ. Gần đây, do từng trải, tôi mới biết mối họa này!

Nữ nhân từ nhỏ phải học tánh nhu hòa, khiêm tốn; sau này sanh con ắt nó dễ tính, ắt hiền lành, ắt chẳng bị chết, ắt chẳng đổ bệnh. Phàm con cái chết từ lúc bé hay bệnh tật quá nửa là do mẹ nổi nóng mà ra, chỉ có một số ít là do chính số mạng nó phải chết sớm. Thiên hạ xưa nay do sữa độc giết hại con trẻ, chẳng biết bao nhiêu Hằng hà sa số, chẳng đáng buồn ư? Do ông làm vui lòng cha mẹ nên tôi nói tường tận với ông. Hãy nên khuyên mẹ ông ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Ông và vợ ông cũng đều nên như thế. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Trương Đức Điền – 1)

2. Khuyên nên sống trong cõi trần học đạo

* Sống trong cõi trần học đạo, tu chân ngay trong cõi tục, chính là chuyện đạt nhân danh sĩ lẫn ngu phu, ngu phụ đều có thể làm được. Hãy gắng sức tu trì. Do tại gia có đủ mọi hệ lụy, hãy nên coi [những hệ lụy ấy] như những lời cảnh tỉnh[5], hãy sanh cái tâm chán lìa lâu dài, ngõ hầu sẽ dài lâu nuôi lớn cái tâm ưa thích, lấy bệnh làm thuốc, biến tắc thành thông, trên chẳng khiến cho mẹ phải thở than, dưới chẳng khiến cho gia đình riêng của mình mất nơi nương tựa, lại còn khiến cho hết thảy mọi người do cùng thấy nghe bèn được tăng trưởng lòng tin thanh tịnh, còn vui nào bằng? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư gởi cư sĩ Châu Quần Tranh – 5)

* Nhưng người sống trong thế gian chẳng thể không làm gì, phải tận tình, tận phận, quyết chẳng mong ngóng ra ngoài bổn phận, trách nhiệm. Sĩ, nông, công, thương, ai nấy chăm chú nơi cái nghề của mình để làm cái gốc nuôi thân, nuôi gia đình, tùy phận, tùy sức chấp trì Phật hiệu, quyết chí cầu sanh. Phàm những việc lành sức mình có thể làm được, bèn bỏ ra tiền của, hoặc giúp lời nói, ra sức tán trợ. Nếu không làm được như thế bèn phát tâm tùy hỷ thì cũng là công đức. Dùng những điều này để vun trồng phước điền, tạo thành Trợ Hạnh vãng sanh. Như thuận nước giương buồm, lại thêm lèo lái, đến được bến bờ chẳng càng nhanh hơn ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ X… ở Ninh Ba)

* Nói đến chuyện vun bồi công đức thì mở mang tri thức cho người khác là bậc nhất. Hiện thời Tăng Quảng Văn Sao đã sắp chữ xong xuôi, nhưng vẫn chưa kết thúc. Nếu lệnh đệ chịu bỏ tiền in bao nhiêu bộ để tự mình thí tặng ngõ hầu hết thảy những người đọc [Văn Sao] đều biết nguyên do vãng sanh Tịnh Độ; đem công đức ấy để làm bằng khoán vãng sanh cho cha, lại thêm chí thành, ắt sẽ được như nguyện, sẽ có lợi ích công đức chân thật nhất. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3, Thư trả lời cư sĩ Từ Úy Như)

* Nếu là bậc đại thông gia thì Thiền Tịnh song tu, nhưng phải lấy Tịnh Độ làm chánh. Nếu là hạng người bình thường, cũng bất tất phải nghiên cứu rộng rãi các kinh luận sâu xa, uyên áo, chỉ nên đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương là được rồi! Những người này chẳng bỏ nghiệp tại gia nhưng kiêm tu pháp xuất thế. Tuy dường như là bình thường không kỳ lạ gì, nhưng lợi ích chẳng thể nghĩ bàn! Ấy là vì ngu phu, ngu phụ cắm cúi niệm Phật liền sẽ ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu, so với những bậc đại thông gia dò đoán, suy lường, suốt ngày thần thức miệt mài trong vòng phân biệt, thì lợi ích càng nhiều hơn. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Tạ Thành Minh)

* Luận về tài năng của các hạ, hãy nên theo như những gì Quang đã nói thì lợi ích sẽ lớn lắm. Nếu không, hãy chọn lấy một chỗ vắng lặng kín đáo để tận lực tu Tịnh nghiệp, đem học vấn, văn chương đã đạt được trước kia vứt ra ngoài Đông Dương đại hải, nghĩ mình vốn là một kẻ vô tri vô thức, trong tâm chẳng sanh phân biệt, ngày đêm sáu thời chuyên trì một câu hồng danh thánh hiệu. Nếu có thể chết sạch được cái tâm mong ngóng, ắt sẽ đích thân thấy được bản lai diện mục! Từ đấy, dựng cao pháp tràng, khiến cho hết thảy mọi người đều cùng trở về biển pháp Tịnh Độ, sống làm bậc thánh bậc hiền, chết dự vào hội Liên Trì thì mới chẳng phụ sở học ấy, mới là bậc đại trượng phu chân Phật tử vậy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Diệp Ngọc Phủ)

* Như Lai thuyết pháp hằng thuận chúng sanh. Gặp cha nói về Từ, gặp con nói đến Hiếu, ngoài tận hết nhân luân, trong tiêu tình lự[6], ngõ hầu khôi phục chân tâm vốn có. Đấy gọi là đệ tử Phật, nào phải luận trên đầu tóc? Nương theo tâm lành ấy, dốc tận sức học đạo, tu hiếu đễ để cảm hóa xóm giềng, lập trai giới hòng giết – trộm ngầm tiêu, nghiên cứu kinh luận Tịnh Độ hòng biết đạo trọng yếu thoát khổ.

Thọ trì An Sĩ Toàn Thư sẽ biết khuôn mẫu tốt lành để an cõi đời. Đem pháp môn Tịnh Độ khuyến dụ cha mẹ, đem pháp môn Tịnh Độ dạy cho con cái và những người thân quen. Phải nên vì sanh tử đại sự mà đau đáu xót thương thân sau của ta. Bất tất phải chọn riêng một chỗ [để lánh mình tu tập]! Gia đình chính là đạo tràng, lấy toàn bộ cha mẹ, anh em, vợ con, bằng hữu, thân thích làm pháp quyến, tự hành, dạy người, miệng khuyên, thân làm gương, khiến họ cùng được về cõi Tịnh, cùng thoát vòng khổ, đáng gọi là bậc cao tăng để tóc, là Phật tử tại gia vậy! (Ấn Quang Pháp Sư Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Lâm Giới Sanh – 1)

* Lại đừng nói nhà mình bần hàn, chẳng thể rộng tích âm đức, rộng hành phương tiện. Phải biết: Ba nghiệp thân – miệng – ý đều ác thì không ác nào lớn hơn. Nếu như ba nghiệp đều thiện thì không gì tốt lành lớn lao hơn! Đối với kẻ ngu không tin nhân quả, chẳng tin tội phước báo ứng, ương bướng cứng đầu, hãy theo những gì An Sĩ Toàn Thư đã giảng mà diễn nói khiến cho họ bắt đầu dần dần tin nhân quả, lần hồi sẽ tin sâu Phật pháp, cuối cùng được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Một người như thế công đức còn vô lượng vô biên, huống chi nhiều người. Nhưng chính mình phải tận lực thực hành không sai sót thì mới hòng cảm hóa người chung quanh. Vợ con mình nếu tin nhận, phụng hành, người khác nhìn vào bắt chước làm lành, há có phải vì nhiều của cải ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân – 1)

* Đức Phật là Đại Y Vương, trị khắp các bệnh nơi thân và tâm của chúng sanh. Y sĩ trong thế gian chỉ trị được cái thân, dẫu cho y thuật cao siêu, xét đến kết quả thì trọn chẳng có ích gì cho thần thức của người bệnh ấy. Ông đã quy y Tam Bảo, phát Bồ Đề tâm, trị bệnh cho người ta, thì trong lúc trị thân bệnh, hãy nên kèm vào cách trị tâm bệnh. Vì sao nói vậy? Phàm những bệnh ngặt nghèo nguy hiểm, phần lớn là do sát nghiệp trong đời trước hay trong đời này tạo thành, nhưng người có bệnh ắt phải đoạn tuyệt chuyện ăn nằm mới chóng lành bệnh. Muốn giảm sát nghiệp trong đời trước hay trong đời hiện tại, phải kiêng giết ăn chay.

Lại còn phải chí thành niệm Phật và niệm Quán Âm, ắt bệnh sẽ mau được lành, vừa vun bồi đức, vừa gieo thiện căn. Nếu là bệnh do oán nghiệp thì ngoại trừ cách này ra, chắc chắn khó thể lành bệnh. Người ấy và cha mẹ, vợ con trong nhà do tâm gấp rút mong được lành bệnh, chưa chắc không chịu hành theo. Nếu họ chịu hành theo, sẽ gieo được thiện căn xuất thế. Từ đây sanh tâm chánh tín, sau này chắc sẽ do vì điều này mà liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, đối với người ấy và đối với ông đều có lợi ích to lớn!

Đối với chuyện đoạn dục, hãy nên coi đó là cách trọng yếu bậc nhất để trị bệnh. Bất luận nội chứng hay ngoại chứng, bệnh chưa được lành lặn vẹn mười, muôn vàn chớ nên dính đến chuyện ăn nằm. Hễ nhiễm vào chuyện ăn nằm, bệnh nhẹ sẽ thành nặng, bệnh nặng có thể bị chết ngay, hoặc chẳng chết liền nhưng đã trở thành cái nhân ắt phải chết. Muốn chẳng bị chết, cũng thật khó khăn lắm! Dẫu cho không chết, chắc là trở thành kẻ bấy bớt, tàn phế, chắc chắn khó thể giữ được sức khỏe. Chẳng biết là do chính mình chẳng khéo dưỡng sức, lại đổ hô “y sĩ chẳng có bản lãnh thật sự!”

Bất luận nam hay nữ (đối với gái trinh và bà góa thì chẳng nên nói, còn những người khác thì không ngại gì), đều nên thẳng thừng, đanh gọn, nói rõ chuyện lợi – hại để bệnh họ dễ được lành, nhờ đấy cái danh của ông cũng được rạng rỡ. Thông thường y sĩ chỉ biết trị bệnh, chẳng nói đến chuyện kiêng kỵ cho căn bệnh, huống là chịu dạy người ta sửa lỗi hướng thiện để vun đức tích phước ư? Đấy chính là tâm hạnh của kẻ bán hàng rong chỉ mong cầu lợi ngoài đường, ngoài chợ, chứ không phải là tâm hạnh cứu vớt người, khiến cho cõi đời đều được sống lâu, huống là có thể khiến cho người ta do bệnh tật sẽ được vô thượng lợi ích “sống thì dự vào bậc thánh hiền, mất đi trở về cõi Cực Lạc” ư!

Cổ nhân nói: “Bất vi lương tướng, tất vi lương y” (Chẳng làm vị tể tướng giỏi thì làm thầy thuốc giỏi). Do vậy, gọi vị y sĩ là “đại quốc thủ”. Trong thế gian, y sĩ danh phận đã cao tột bậc, nếu kiêm dùng Phật pháp, nhờ vào đó để độ chúng sanh, hành Bồ Tát đạo, thật là nghề nghiệp quan trọng nhất trong hết thảy các nghề. Do con người trong khi bệnh hoạn, được nghe một y sĩ chẳng chuyên cầu lợi, có chí mong lợi người, phát Bồ Đề tâm bảo ban, ắt có thể khiến cho bệnh được lành thì tự mình chẳng thể sanh lòng chánh tín hành theo ư? Muốn gây lòng tin nơi người khác, chớ nên tính toán [bệnh nhân sẽ] tạ lễ nhiều hay ít rồi sanh phân biệt. Nếu với kẻ giàu bèn tích cực chữa trị, với người nghèo chỉ đãi bôi cho xong chuyện, lâu ngày người ta sẽ vì y sĩ hám lợi mà khinh thường, dẫu có nói những câu tạo lợi ích cho kẻ khác, người ta cũng chẳng tin theo.

Lại hãy nên gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành và nhân quả báo ứng thấu suốt ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai), sanh tử luân hồi trong sáu nẻo. Hễ có thể nói được với ai thì chẳng ngại gì hữu ý vờ như vô ý nhàn đàm, khiến cho người nghe dần dần mở mang tâm địa, biết sanh tử luân hồi đáng sợ, may là có pháp để liễu sanh thoát tử! Người làm được như vậy thì thật sự có thể gọi là “dùng pháp thế gian để hành Phật pháp, dùng trị bệnh nơi thân để chữa bệnh nơi tâm!” (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư gởi cư sĩ Mã Tinh Tiều)

* Hết thảy chúng sanh do dâm dục mà sanh. Con phát tâm giữ lòng Trinh tu hành, cần phải nỗ lực. Nếu có những thứ tình niệm ấy khởi lên, hãy nghĩ đến núi đao, rừng kiếm, vạc dầu, lò than, đủ mọi nỗi khổ trong địa ngục, tự nhiên bao nhiêu ý niệm đã dấy lên sẽ lập tức bị tiêu diệt. Thường thấy bao nhiêu thiện nữ thoạt đầu phát tâm giữ lòng trong trắng chẳng xuất giá, sau đấy do tình niệm phát khởi, chẳng thể kìm mình được, liền cùng kẻ khác làm chuyện cẩu thả. Nhưng hễ đã không gìn giữ một lần, sẽ như nước xoáy thủng đê, từ đấy chảy tràn lan, vĩnh viễn chẳng thể quay về chánh đạo được, thật đáng đau tiếc! Hãy nên tự châm chước, có thể giữ được thì giữ chắc đến tột cùng. Nếu không, xuất giá theo chồng chính là cương thường do thiên địa thánh nhân và con người đã lập ra, cố nhiên chẳng phải là không nên. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời nữ cư sĩ Trần Liên Anh)

* Nếu muốn dựa vào thức ăn để bồi bổ thì người ăn chay nên ăn nhiều lúa mạch. Sức [bồi bổ] của lúa mạch cao hơn sức bổ dưỡng của gạo không biết mấy lần. Quang ăn ròng mì thì tinh thần tráng kiện, khí lực sung túc, tiếng nói to rõ. Ăn gạo chỉ no bụng, chứ không có hiệu quả như thế. So với sâm, lúa mạch có sức bổ dưỡng còn cao hơn gấp mấy lần. Dầu mè Đại Ma[7] cũng bổ dưỡng cho con người; dầu mè Tiểu Ma do bị chưng cho đặc sánh lại nên sức bổ dưỡng mất đi một nửa! Con người chỉ biết quý mùi hương, chứ thật ra đấy là mùi của dầu bị cháy! Hạt sen, Quế Viên, Hồng Táo, Khiếm Thực, Ý Mễ[8] đều có thể dùng để bồi bổ. Há cứ phải cần tới huyết nhục mới bồi bổ được ư? Nói chung, sức bổ dưỡng đều chẳng lớn bằng lúa mạch. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Thái Khế Thành – 1)

 

********

[1] Ô Khoa Đạo Lâm (741-824), người đời Đường, thuộc dòng Thiền Ngưu Đầu, họ Phan (có thuyết nói là họ Ông), tên lúc nhỏ là Hương Quang. Xuất gia năm chín tuổi, năm 21 tuổi đến Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc) thọ Cụ Túc Giới ở chùa Quả Nguyện. Sau qua theo học kinh Hoa Nghiêm, Đại Thừa Khởi Tín Luận với Phục Lễ pháp sư ở chùa Tây Minh tại Trường An. Sau Ngài khế ngộ tâm yếu nơi pháp sư Đạo Khâm rồi quay về Nam, thấy núi Tần Vọng có cây tùng mọc um tùm như cái tàn, bèn sống ở đó. Người thời ấy bèn gọi Ngài là Ô Khoa thiền sư (Khoa là cái ổ, sách Thuyết Văn Giải Tự giảng: “Hang ổ gọi là Khoa, tổ chim gọi là Sào”). Do có nhiều loại quạ làm tổ nơi ấy, nên Ngài còn được gọi là Ô Sào thiền sư. Ông Bạch Cư Dị hỏi đạo nơi Ngài, tâm phục khẩu phục, bèn dựng căn gác bằng trúc cho Ngài ở để tiện hỏi đạo, nơi đây về sau thành chùa Quảng Hóa. Còn có truyền thuyết nói lúc Ngài sanh ra bị cha mẹ bỏ rơi, được quạ nuôi nên gọi là Ô Sào thiền sư. Đây có lẽ là lời đồn bịa đặt vì không thấy Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép như vậy.

[2] Sắt (瑟) là một loại đàn cổ thường đặt nằm ngang khi diễn tấu, hình dáng tương tự như đàn Tranh, thân đàn làm bằng gỗ Tử, nhưng có hai mươi lăm dây, mỗi dây có một trục đỡ (con sáo, hoặc con nhạn) có thể di chuyển được nhằm điều chỉnh độ căng của dây đàn. Loại đàn này thịnh hành cho đến cuối đời Đường thì hầu như rất hiếm thấy sử dụng! Cầm (琴) tức là cổ cầm (còn gọi là Dao Cầm, hoặc Thất Huyền Cầm), là một loại đàn hơi giống như đàn Sắt, nhưng chỉ có bảy dây, thân bằng gỗ Ngô Đồng, âm thanh trầm ấm, lan xa, chứ không lảnh lót, réo rắt như đàn Sắt. Hai loại đàn này thường được dùng để hòa tấu chung với nhau, nên thường dùng để ví cho tình chồng vợ.

[3] Thái Tự là vợ của Văn Vương

[4] Nghi Nhân: Thời Minh, Thanh vợ các quan thuộc ngạch Ngũ Phẩm được phong là Nghi Nhân. Bà Nghi Nhân này họ Phùng, pháp danh là Bình Trai.

[5] Nguyên văn “đương đầu bổng hát”: Tông Lâm Tế dùng gậy đánh, tiếng hét để khai ngộ. Nên “đương đầu bổng hát” cũng có nghĩa là nhân duyên, cảnh tượng giúp mình tỉnh giác.

[6] Tình lự: Những mối suy nghĩ, lo lắng do phân biệt chấp trước.

[7] Nguyên văn “ma du” tức là dầu mè, do cách chế biến khác biệt mà chia thành hai loại:

1) Đại Ma (dầu chưa tinh chế): Tức hạt mè đem ép lấy dầu bằng cối đá, loại bỏ xác mè. Loại dầu này có mùi thơm rất nhẹ, màu nhạt, gần như trong suốt, chủ yếu dùng để làm bánh.

2) Tiểu Ma (dầu mè tinh chế, còn gọi là Hương Du): Mè được xay bằng máy nên xác mè gần như vụn nát. Dầu ép ra có chứa nhiều tạp chất (nhất là xác mè), nên phải tinh luyện bằng cách chưng nước nóng: Dầu mè thô được đổ vào một nồi đựng nước nóng 80 độ C để váng dầu nổi lên mặt nước, tạp chất chìm xuống đáy. Gạn lấy váng dầu ấy rồi tiếp tục đun nhẹ cho nước bốc hơi, dầu đặc lại. Loại dầu này rất thơm, màu sắc gần từ vàng trong cho đến vàng sậm, thường dùng để xào nấu.

[8] Quế Viên (Dimocarpus Longan) còn gọi là Long Nhãn, Á Lệ Chi, hay Yến Noãn. Vị thuốc Nhãn Nhục chính là phần thịt của loại nhãn này.

Hồng Táo (Ziziphus Jujuba): Ta thường gọi là “táo Tàu”, để phân biệt với táo Tây (bôm, apple). Trái to nhất bằng ngón chân cái, khi chín ngả dần sang màu đỏ nâu. Thường được phơi khô để dùng trong các toa thuốc bổ của Đông Y với tên gọi là Đại Táo. Nhân của hạt táo này cũng được dùng để làm thuốc.

Khiếm Thực (Euryale Ferox Salisb), còn gọi là Kê Đầu, là một loại thực vật thuộc họ Súng (có sách giảng Khiếm Thực chính là củ Súng, nhưng căn cứ trên hình chụp, miêu tả, nó chỉ giống với hoa Súng bên ta, chứ không hoàn toàn tương đồng). Phần củ thường mập ngắn, có rễ trắng, lá có hình thuôn tròn, màu xanh đậm, mặt dưới màu tía, nổi gân rất rõ, gần như hình trái tim, nổi trên mặt nước chứ không vươn khỏi mặt nước như lá sen. Kích thước của lá khá to, có lá to đến 1m30. Hoa sắc tía, thường nở vào khoảng Hạ – Thu, chỉ nở vào ban đêm, mỗi búp hoa có bốn cánh đài, rất nhiều cánh hoa, trông từa tựa như hoa Súng, nhưng đẹp hơn. Phần làm thuốc chính là phần củ. Đông Y cho rằng Khiếm Thực có tác dụng bồi bổ thận tạng, khiến cho tinh dịch đậm đặc hơn, bổ tỳ, chống tiêu chảy. Vị thuốc này chủ yếu dùng chữa các chứng bịnh di tinh, hoạt tinh, bạch đái, tỳ hư, đi tiểu lắt nhắt v.v….

Ý Mễ chính là Ý Dĩ (Coix Lacryma-jobi) là một loại cỏ, lá như lá cỏ tranh, có nhiều hạt nhỏ, màu trắng. Hạt Ý Dĩ thường được tin là có tác dụng bồi bổ bao tử, lợi tiểu, trị bệnh phong thấp, nhức gân, giải nhiệt v.v… Nó thường được nấu chung với Long Nhãn, Phổ (Thổ) Tai, sương sa (rau câu) v.v… thành một món giải nhiệt thường được biết với tên gọi Sâm Bổ Lượng.