ẤN QUANG ĐẠI SƯ VĂN SAO
TINH HOA LỤC
印光大師文鈔菁華錄
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong

 

Lời người biên tập

Vị tổ thứ mười ba của Liên tông là Linh Nham Ấn Quang đại sư nương đại nguyện luân, làm sứ giả của đức Như Lai, dũng mãnh hiện thân trong đời Mạt pháp mịt mờ, mênh mông, chuyên tu Tịnh nghiệp, ngộ trọn vẹn chân thừa. Do sự giải thoát theo đường lối tu tập trong các môn khác khó khăn, chỉ có nương theo pháp Niệm Phật mới thoát được sanh tử, Sư bèn chuyên dốc đề xướng một tông Tịnh Độ, nhiếp khắp các căn cơ. Pháp ngữ [của Ngài được] lưu truyền trọn khắp trong ngoài nước. Những người tôn sùng, kính ngưỡng, xin quy y nào phải chỉ có mấy chục vạn người. Bình sinh, Sư tu trì dũng mãnh, giáo hóa người khác tha thiết, hàng Tăng Già cận đại hiếm mấy ai mong sánh bằng Ngài! Đến cuối cùng, Ngài buông tay liền đi, điềm lành chiếu rạng, trọn không chướng ngại gì, khiến cho những kẻ thấy nghe đều cùng cảm thán, lòng tin tưởng càng thêm kiên cố. Quả thật là bậc hiếm thấy kể từ sau thời Triệt Ngộ lão nhân.

Tịnh Thông thẹn được liệt vào hàng đệ tử của Ngài, nhưng chưa được thân cận! Sư đã thị tịch, hận chưa báo được ân sâu, xót không cách gì thưa hỏi để đạt lợi ích, liền thâu thập những di trước của thầy, sớm tối giở xem, đọc kỹ, nghĩ chín, cảm thấy mỗi một chữ, mỗi một câu, đều là đuốc huệ trong đường tối, là bè từ trong biển khổ. Như cái trống bôi thuốc độc, tiếng nào cũng đều vang khắp. Như gương tròn lớn, ánh sáng nào cũng chiếu xen. Có điều [các di trước của Sư] từ nhiều, nghĩa rộng, chưa dễ suy lường, thấu hiểu; do vậy, tôi bèn trích lấy những lời tinh túy nhất, hoặc những câu có cùng ý nghĩa, nhưng được diễn đạt thù thắng, vi diệu, chọn lọc những điểm trọng yếu, lựa lấy những nghĩa u huyền, biên soạn thành một cuốn sách; nhưng những phần đã chọn lọc chỉ hạn cuộc trong hai bộ Chánh Biên và Tục Biên.

Bạn tôi là cư sĩ Đường Huệ Tuấn vẫn hiềm chưa đầy đủ, bèn thương lượng với pháp sư Diệu Chân, trích lấy những đoạn trong bộ Văn Sao Tam Biên chưa được ấn hành, đưa cho tôi chọn lọc, ngõ hầu chỉ đọc những phần tinh hoa trong toàn tập lại đạt được hiệu quả to lớn. Tổng hợp ba bộ Văn Sao Chánh Biên, Tục Biên, Tam biên, soạn ra ba trăm ba mươi đoạn, lại dựa theo thứ tự trong tác phẩm Chánh Biên Gia Ngôn Lục để chia thành mười phần, dựa theo [ý nghĩa của từng] câu văn để chấm câu tường tận cho dễ đọc, đặt tên là Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, xếp vào loại tài liệu quý, để giúp mình tìm tòi, lần gỡ đầu mối, hòng khích lệ chính mình tinh tấn mà thôi, chưa vội trình cho người khác biết. Dần dần, sách được các vị đại đức ở Thượng Hải, Tô Châu nghe biết, lấy về xem.

Do tác phẩm này chưa bằng được một phần mười nguyên tác, nhưng tâm truyền của Phật, Tổ, đạo mạch của thánh hiền, ý chỉ huyền áo của Tịnh Độ, công huân kỳ diệu của pháp Trì Danh, phàm những lời bàn xứng tánh nói đúng như sự thật của thầy tôi đã đều được chọn lọc không còn sót, nếm một giọt nước biển ắt biết được trọn vị của biển cả; họ bèn cùng đề nghị ấn hành hòng tạo lợi ích cho những người cùng hàng. Lại được hai vị pháp sư Liễu Nhiên và Đức Sâm chiếu theo nguyên tác, giám định cặn kẽ, nên tác phẩm mới được hoàn thiện.

Xưa kia, trong bức thư trả lời ông Ly Ẩn Tẩu, đại sư đã từng dạy: Văn của tôi tuy không nêu tỏ được điều gì lớn lao, nhưng kẻ sơ cơ đọc đến sẽ hiểu rõ ràng giới hạn giữa Thiền và Tịnh, lợi ích lớn nhỏ giữa Phật lực và tự lực, rành rành như nhìn vào ngọn lửa, sẽ tự chẳng đến nỗi muốn liễu sanh tử mà chẳng biết đường nẻo! Cũng như trong hết thảy các pháp sẽ thấy pháp nào cũng viên diệu, nhưng chẳng đến nỗi không có pháp nào thích hợp để hành theo. Thêm nữa, trong thư gởi cho cư sĩ X… ở Vĩnh Gia, Sư dạy: Khuyên một người sanh về Tịnh Độ chính là thành tựu một chúng sanh thành Phật. Phàm một người thành Phật sẽ độ vô lượng chúng sanh, nhưng công ấy do ta khởi xướng, công đức lợi ích ấy há thể nghĩ bàn được sao?

Tâm độ sanh của đại sư đến tột cùng đời vị lai vẫn vô cùng tận. Chỉ mong những ai đọc cuốn sách này sẽ y giáo phụng hành, rộng vì người khác diễn thuyết, hoặc bỏ tiền của lưu thông, tự lợi lẫn lợi tha, chẳng những đạt được được vô lượng vô biên phước đức, mà còn sẽ chẳng khác gì có cùng lời ăn tiếng nói với đại sư, tiếp nhận pháp do ngài trao truyền, như đã nắm chắc bằng khoán sanh về Tịnh Độ. Tịnh Thông trí huệ hẹp hòi, kém cỏi, đối với di huấn rộng lớn tinh vi của thầy, chỉ hơi hiểu biết được ngoài rìa, chưa thể thấu hiểu cùng tột, thật khó thể nào tránh khỏi lỗi lầm bỏ sót châu ngọc, vẫn mong những vị đại đức trong cõi đời dạy bảo cho.

Đầu Thu năm Giáp Ngọ, tức năm 1954, Bồ Tát Giới đệ tử Lý Tịnh Thông ở Hải Diêm, pháp danh Tông Kính, viết tại Văn Tánh Lư ở Thượng Hải vào năm 77 tuổi.

 

 

Phụ Lục

Công Đức In Tạo Kinh Tượng

Pháp sư Hoằng Nhất giảng, cư sĩ Vưu Tích Âm bút ký

Chúng sanh trầm luân trong biển khổ, ắt phải nhờ vào thuyền Từ cứu giáo hóa, hướng dẫn thế gian hoàn toàn cậy vào kinh – tượng để duy trì hầu truyền đăng cho vô tận đời sau. Do bởi lẽ ấy, phàm những ai có thể phát tâm đối với kinh Phật, tượng Phật, hoặc khắc, hoặc chép, hoặc tạc, hoặc đắp, hoặc thếp vàng, hoặc vẽ vời; đối với các cách in tạo như thế hoặc cạn kiệt tâm mình, một mình ra sức lo liệu, hoặc vì sức mình chẳng đủ bèn khuyên bảo rộng rãi mọi người, hoặc lưu thông [những kinh tượng] người khác đã in tạo để cúng dường, hoặc thấy người khác vừa in tạo bèn tán trợ hoặc hoan hỷ thì công đức của những người ấy đều thật rộng, thật lớn, chẳng thể dùng toán số tầm thường để tính toán được. Vì sao vậy? Phật lực vô biên khéo dẹp các khổ; chúng sanh vô lượng nghe pháp khó lắm! Nay những người gây công đức in tạo ấy khai thông cầu pháp, hoằng dương sự giáo hóa rộng lớn, thí rộng khắp bè báu, giúp khắp những ai hữu duyên. Tâm lượng ấy rộng lớn quả thật chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, công đức ấy cũng rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn. Nay kính cẩn đem những lời vốn do kinh dạy, nêu đại lược mười điều lợi ích to lớn, kính cẩn dùng lời văn nông cạn để lần lượt trình bày như sau:

1) Các thứ tội lỗi đã tạo trước đây hễ nhẹ bèn lập tức tiêu diệt, nặng thì cũng chuyển thành nhẹ: Tham – sân – si là chủng tử tạo thành oan nghiệt, thân – khẩu – ý là cơ quan để làm ác. Đêm thanh tự kiểm điểm, đời này đã phạm nhiều tội chẳng thể tính được. Nếu gộp những tội đã phạm trong nhiều đời thì tội nghiệp đã tạo nhiều như núi băng nơi xứ lạnh, chẳng thể không sợ hãi! Tuy nhiên, tội tánh vốn không, nếu dấy động tâm cơ chuộc tội, thệ nguyện lưu thông thánh kinh (kinh điển nhà Phật), trang nghiêm tượng Phật, thì núi băng tội ác một khi gặp phải huệ nhật lẽ nào chẳng tiêu giảm không dấu vết ư?

2) Thường được cát thần (thiện thần) ủng hộ, hết thảy tai nạn ôn dịch, nước, lửa, giặc cướp, đao binh, lao ngục đều chẳng bị hứng chịu: Những thứ ác báo trong nhân gian không gì chẳng phải là do ác nghiệp đã tạo trong nhiều đời cảm thành. Thiện lực trong một niệm có thể xoay chuyển được lòng trời. Tu hành thiện nghiệp phải bắt đầu thực hiện từ công đức thù thắng nhưng thuận tiện, dễ làm nhất là in tạo kinh tượng, công đức ấy sẽ cảm động những vị thần tốt lành nên sẽ được họ hộ vệ. Điều này quả thật có mối quan hệ lợi ích lẫn nhau. Bởi lẽ dù là thần đạo hay thiên đạo, nói theo Phật pháp, đều bị túc nghiệp sai sử, chưa thoát khỏi cái nhân khổ luân chuyển bao kiếp. Do vậy, khi đức Như Lai thuyết pháp thường có vô số thiên thần cung kính ủng hộ. Khi ngài A Nan kết tập kinh, tứ đại thiên vương nâng án. In tạo kinh tượng là chuyện chư thiên long thần hoan hỷ phi thường. Do công đức này, cảm được những vị thần tốt lành thường ủng hộ cho. Hết báo thân này, lìa các tai ách. Đây là chuyện phải như vậy chứ không phải nhờ may mắn [mà được cát thần ủng hộ] đâu nhé!

3) Oán đối đời trước đều được lợi ích nơi pháp, được giải thoát, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ tầm cừu báo phục: Hết thảy các thứ hành vi ngang ngược kết oán như tranh giành, ghen ghét, dối trá, vu hãm, cướp đoạt, tàn sát… trong nhân gian không gì chẳng bắt nguồn từ ý niệm tự tư tự lợi. Phật pháp lấy phá trừ Ngã Chấp làm công trình bậc nhất để cứu khổ, gột sạch nạn. In tạo kinh tượng lợi ích khắp nhân gian, là công đức pháp thí chẳng thể nghĩ bàn, ảnh hưởng rất rộng. Một giọt mưa pháp thừa sức dập tắt lửa sân oán đối nhiều đời, hóa thù thành ân, chuyển họa thành phước, quyền ấy có bao giờ chẳng do chính ta thực hiện?

4) Dạ-xoa, ác quỷ chẳng thể xâm phạm. Rắn độc, cọp đói chẳng làm hại được: Hạnh xấu keo tham là cái nhân sâu xa khiến đọa lạc trong quỷ đạo. Lửa sân vô minh là điềm gây nên tai ương độc trùng. Kết oán nhiều đời, tầm thù trăm kiếp. Ác duyên chưa chín muồi, mặc ý tiêu dao; đến khi cơ hội đã tới, nhờ ai giải cứu? Quỷ mị xâm hại, cọp rắn bức bách. Oan nghiệt do mình tự gây, chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên. Người tu kinh sợ, in tạo kinh tượng, hành sẵn chuyện sám hối tội. Do vậy, dù có ác duyên cũng đều tiêu trừ được. Nếu lâm vào hiểm địa liền hóa thành đường bằng phẳng.

5) Tâm được an ủi, ngày không hiểm sự, đêm không ác mộng, vẻ mặt tươi sáng, khí lực sung mãn, việc làm tốt lành, thuận lợi: Trần thế đông người, mười phần có đến bảy tám phần gặp cảnh kinh hãi, ưu phiền, nghi ngờ, buồn bã, áo não, oán hận, thống khổ. Trong một đời chúng ta, trong mười phần có đến bảy tám phần lâm vào cảnh kinh hãi, ưu phiền, nghi ngờ, buồn bã, áo não, oán hận, thống khổ. Ấy là vì chấp ngã, những gì ở ngoài ta đều đứng vào vị trí đối lập, một mình kháng cự mọi người, còn gì nguy hơn? Huống chi dục tâm khó thỏa giống như hang sâu. Vô sự lại tự khuấy rộn mình, không gió cũng nổi sóng. Đấy chính là lý do “hình là đầm tội, thân là gốc khổ” vậy. Phật pháp khéo diệt các gốc khổ, những người in tạo kinh tượng sẽ được đượm pháp vị nên thông sáng, hoặc ngầm được gia bị nên trở thành thông suốt, nhanh lẹ, các chướng tiêu sạch, tâm yên, thần khỏe, thân sắc tươi nhuận là chuyện chắc chắn vậy!

6) Chí tâm phụng sự pháp, dẫu không mong cầu, tự nhiên cơm áo dư dật, gia đình hòa thuận, phước thọ dài lâu: Cư xử với người, thấy biết chỉ một niềm chân thật, hễ có cơ hội bèn vội làm ngay, không suy tính, không mong cầu. Phát tâm thật chân thành, thiết tha, vận dụng hết sức lực, tự nhiên thành tựu thật cao trỗi. Đối với việc in tạo kinh tượng, chí thành ngút trời, người chí tâm phụng sự pháp, thực hiện bằng lòng chân thiết khẩn khoản như thế, dẫu chẳng tính đến công đức mà công đức đạt được quả thật không hạn lượng. Ở đây chỉ nói lên một phần phước thế gian người ấy đạt được mà thôi, tự nhiên mỗi một điều đều đạt đầy đủ, không chút khiếm khuyết. Nếu lại có người tâm ôm hy vọng rồi mới làm điều thiện, do phát tâm không chân thật, thiết tha, kết quả liền nhỏ nhoi, mỏng manh, ấy là điều có thể đoan chắc. Tuy nhiên, một niệm lành, một đồng nhỏ nhặt đều chẳng luống uổng, đều có vô lượng quả thù thắng. Ví như một hạt thóc gieo xuống đất màu mỡ, một biến thành trăm, sau năm lần biến đổi, bèn hóa thành trăm vạn triệu. Người tạo công đức hoằng pháp há chẳng thể có kế sách lớn lao, không có quyết tâm như vậy hay sao?

7) Lời nói việc làm khiến trời người hoan hỷ, đến bất cứ đâu thường được nhiều người dốc lòng thành yêu mến hâm mộ, cung kính lễ bái: Đời trước mang lòng ganh ghét, thốt lời phỉ báng, nêu chuyện ác của người, bộc lộ chỗ dở của người, thỏa ý một chốc, chết đi trầm luân trăm kiếp, thảm khổ muôn bề, chịu đủ hết thảy ác báo. Một mai sanh trong nhân gian, nhân duyên xấu hèn, đi đến bất cứ đâu đều bị chán ghét, làm bất cứ chuyện gì đều không kết quả. Nhưng người hoằng dương Phật pháp đã gieo nhân lành từ đời trước, giữ tấm lòng báo ân, mang tâm niệm lợi lạc mọi người, hoặc tịnh tam nghiệp tạo công đức chép kinh, vẽ tượng, hoặc bỏ ra nhiều tiền để làm công đức in kinh, tạo tượng, sẽ đạt được phước thù thắng chẳng thể tính lường. Hiện tại, hết thảy mọi người kính yêu người ấy, vốn là do công đức hoằng pháp trong đời trước mà ra. Sau này, hết thảy những người khiến cho đại chúng vui mừng, kính trọng, quả thật cũng là do công đức hoằng pháp trong hiện tại mà ra. Trồng cây gai được gai góc, trồng sen được ngó sen, mỗi một hậu quả đều do mình gieo trồng vậy.

8) Ngu chuyển thành trí, bệnh tật thành khỏe mạnh, khốn đốn chuyển thành hanh thông. Làm thân phụ nữ thì đến khi báo hết, nhanh chóng chuyển thành thân nam: Đời trước keo lận trong việc dạy dỗ, cũng như phóng túng buông lời báng pháp, mặc sức hủy báng người có đức thì tội nặng trầm luân ắt phải chịu về sau. Lại còn bị quả báo nhiều kiếp ngu xuẩn, vô tri. Đời trước vì bụng miệng tham lam nên mặc sức giết hại muông thú, chim chóc, cũng như từng làm phường chài, đồ tể, thợ săn, đầu bếp, cũng như từng nắm quyền chế tạo hung khí, hỏa khí, độc dược v.v… giúp cho sát nghiệp hung ác của người khác được thành tựu thì sau khi tội nặng trầm luân đã trả hết, lại còn phải bị quả báo nhiều kiếp tàn phế, bệnh ngặt. Đời trước tham dục không nhàm, chỉ biết bóc lột người để béo thân mình, keo tiếc, tàn tệ, chẳng chịu mở túi tiền châu cấp thì sau khi trả hết tội nặng trầm luân, lại còn bị quả báo nhiều kiếp bần cùng khốn khổ, tai ách. Đời trước tri kiến hẹp hòi, mang tâm dua vạy, xảo ngôn bóng bẩy, giấu diếm, thêu dệt dối trá, lựa dịp đưa đẩy, đo lường thiếu hụt, chần chừ, lười nhác, dựa dẫm thành tánh, phiền não cấu nặng nề, oán hận, phẫn nộ dễ phát, tâm đố kỵ sâu dầy, tình dục lừng lẫy thì sau khi trả hết tội nặng trầm luân, lại còn phải nhiều kiếp mắc báo làm thân nữ. Chỉ có Phật pháp khéo cởi gỡ các ràng buộc. Biển khổ vô biên, quay đầu lại là bờ, núi tội muôn nhận[1], dứt niệm liền thành không. Do vậy, nhờ công đức vô thượng của việc kiền thành lưu truyền kinh Phật, trang nghiêm tượng Phật, tội tích lũy từ quá khứ tự nhiên giảm trừ, phước thù thắng trong vị lai ngầm được viên mãn thành tựu.

9) Vĩnh viễn lìa ác đạo, thọ sanh trong thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, thiên tư siêu việt, phước lộc thù thắng: Hết thảy hàm linh xả thân, thọ thân, qua lại trong sáu đường như bánh xe quay. Ngàn đời vạn kiếp thường trong cảnh mộng, làm thiện không ngừng, tội hết ắt thăng lên. Kiêu căng, phóng túng quên gốc, gieo nhân đọa lạc. Làm ác lắm nỗi, phước hụt, thọ tổn trăm ngàn vạn lần, ác báo thật đáng kinh hãi! Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh đọa trong ba đường ác, muôn kiếp trầm luân. Khó được dễ mất, thân người như vậy đó! Tạo nghiệp Thập Thiện, tu hành Ngũ Giới, sanh trong trời người, túc phước chẳng nhẹ! Chư Phật Như Lai thương lẫn xót đều sâu, rộng thuyết pháp cho, đầu tiên chú trọng nhiếp tâm, chánh niệm vô tác, lìa cấu vượt trần. Vì thế, in tạo kinh tượng thì khế hợp tâm Phật; chỉ mang ý nguyện nhỏ nhặt này đã gieo nhân phước. Từ đấy về sau, làm bậc tái lai, các phước trọn đủ, lỗi lạc siêu quần.

10) Có thể làm các thứ thiện căn cho hết thảy chúng sanh, dùng tâm chúng sanh làm đại phước điền, đạt vô lượng quả thù thắng. Sanh ở nơi đâu cũng thường được thấy Phật nghe pháp, mãi cho đến khi Tam Huệ rộng mở, tự chứng Lục Thông, mau được thành Phật. Trong thời đức Phật có những người ở trong một thành khó thể nhiếp hóa. Phật nói những người ấy có duyên với ngài Mục Liên. Do đó bèn sai ngài Mục Liên qua đấy. Dân chúng toàn thành quả nhiên đều dốc lòng nhận lãnh sự giáo hóa. Các đệ tử hỏi Phật về nhân duyên, Phật dạy: “Trong kiếp xưa, Mục Liên từng làm tiều phu, một ngày nọ lên non đốn củi, kinh động vô số ong bay tán loạn, thế thật hung hăng, toan đến xâm phạm. Mục Liên răn chúng đừng hành hung, lại còn khuyên nhủ: ‘Các người đều có Phật tánh, mai này nếu ta thành đạo, sẽ độ các ngươi’. Nay dân chúng trong thành ấy chính là hậu thân của bầy ong khi đó. Do Mục Liên từng phát một niệm độ hết thảy, nên có duyên với họ”. Gieo nhân trong nhiều kiếp trước, một mai cơ duyên chín muồi, thâu được quả thù thắng chẳng thể nghĩ bàn này. Do đây mà thấy, chúng ta trong nhiều đời trải qua nhiều thời đại, nơi nơi từng tiếp xúc vạn loại, mỗi mỗi đều có duyên với ta. Tâm địa hết sức linh diệu của mỗi một chúng sanh đều có thể làm phước điền vô thượng cho ta và người cùng được lợi. Ta đã gieo rắc hạt giống phước đức trong tâm điền của mỗi một chúng sanh thì mỗi một chúng sanh đều có đại duyên với ta. Trong tâm điền của hết thảy chúng sanh đã kết vô lượng quả phước to lớn. Tuy nói là [thành tựu] quả phước lớn lao vô lượng đời không hết, nhưng nói đó chính là gieo nhân cho phẩm vị diệu trang nghiêm trong thời kỳ đạo quả thành thục cũng không phải là không đúng.

Vả nữa, chúng ta trước hết phải đối trị sao cho tâm điền của chính mình thanh khiết để tiếp nhận vô thượng pháp bảo của mười phương tam thế chư Phật Như Lai, tạo thành chủng tử để thoát thai đổi cốt, chuyển phàm thành thánh. Thân ta có đại nhân duyên với mười phương tam thế chư Phật Như Lai. Mỗi một công đức thù thắng nơi biển nguyện của chư Phật đều nhiếp trong tâm ta, nguyện của ta và nguyện của Phật không sai biệt. Từ nguyện (nguyện lực từ bi) của chư Phật cùng nhiếp thọ, nhân trùm biển quả, quả thấu nguồn nhân, vô biên phước thù thắng được kết tạo trong chân tâm in tạo kinh tượng hoằng pháp lợi sanh ngày hôm nay. Phổ nguyện hết thảy những kẻ hữu duyên trong hiện tại và vị lai hãy khéo tìm phước điền, khéo kết thắng duyên, chớ mặc cho quang âm tốt đẹp nhất có diệu dụng trong hiện tiền như nước cuồn cuộn trôi qua trước mắt, chảy qua dưới chân!

Nguyện đem công đức này hồi hướng cho hết thảy phụ mẫu, tổ tiên, sư trưởng, quyến thuộc, các tịnh lữ, những người hữu duyên, hoan hỷ, tán thán, tu trì pháp môn Tịnh Độ, hoặc những ai chê gièm pháp môn Niệm Phật đều cùng được vãng sanh Cực Lạc, cùng chứng đại Bồ Đề.

 

*******

[1] Nhận: Đơn vị đo lường thời cổ, một Nhận bằng khoảng chừng tám thước Tàu.