ẤN QUANG ĐẠI SƯ VĂN SAO
TINH HOA LỤC
印光大師文鈔菁華錄
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong

 

VII. Phân Thiền Tịnh Giới Hạn (Phân định ranh giới giữa Thiền và Tịnh)

* Thiền và Tịnh Độ lý vốn không hai. Nếu luận trên mặt Sự tu thì tướng trạng khác nhau một trời, một vực. Thiền nếu không triệt ngộ triệt chứng sẽ chẳng thể siêu xuất sanh tử. Vì thế, ngài Quy Sơn nói: “Nơi chánh nhân thì có thể đốn ngộ, còn xuất trần phải tiến từ từ theo thứ tự. Nếu đời đời bất thoái thì thành Phật quyết định có kỳ”. Lại nói: “Sơ tâm do duyên đốn ngộ tự tánh, nhưng hãy còn có tập khí từ vô thỉ bao kiếp chưa thể diệt ngay được, nên phải dạy ngươi trừ cho hết hiện nghiệp còn đang tồn tại trong tâm thức”. Ngài Hoằng Biện[1] nói: “Đốn ngộ tự tánh bằng với chư Phật, nhưng chưa thể nhanh chóng hết sạch tập khí từ vô thỉ. Cần phải nhờ vào đối trị mới hòng khởi công dụng thuận theo Tánh được, như người ăn cơm chẳng thể ăn một miếng liền no ngay!” Ngài Trường Sa Sầm[2] nói: “Thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng quả Niết Bàn là vì công hạnh chưa bằng với chư thánh vậy”.

Do vậy, Ngũ Tổ Giới lại trở thành Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại thành Lỗ Công. Cổ kim tông sư triệt ngộ nhưng chưa triệt chứng phần nhiều như vậy. Ấy là do chỉ cậy vào Tự Lực, chẳng cầu Phật gia bị, Hoặc nghiệp còn mảy may chưa tận thì sanh tử quyết chẳng thể thoát khỏi.

Tịnh Độ hễ có đủ ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh liền có thể đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh liền thoát sanh tử, kẻ ngộ chứng bèn mau lên Bổ Xứ, kẻ chưa ngộ cũng chứng A Bệ Bạt Trí (Bất Thoái Chuyển). Vì thế, Hoa Tạng hải chúng đều nguyện vãng sanh; các tri thức bên Tông, bên Giáo cùng sanh Tịnh Độ. Là vì hoàn toàn cậy vào Phật lực, lại thêm tự mình tâm khẩn thiết. Vì thế, được cảm ứng đạo giao; do vậy, mau thành Chánh Giác.

Nay tôi vì bà tính toán: Hãy nên gạt bỏ hết Thiền Lục, chuyên tu Tịnh nghiệp. Dùng cái tâm mảy trần chẳng nhiễm trì thánh hiệu vạn đức hồng danh, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, không xen tạp, không gián đoạn. Niệm phải khởi từ tâm, tiếng lọt vào tai, từng chữ phân minh, từng câu chẳng loạn, lâu ngày chầy tháng sẽ tự thành phiến, đích thân chứng Niệm Phật tam-muội, tự biết Tây Phương tông phong. Đấy là đem cái công phu “xoay trở lại nghe nơi tự tánh” của Quán Âm để tu tịnh nghiệp “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của ngài Thế Chí thì tu Tịnh mà là Thiền, còn gì diệu bằng ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi Từ phu nhân ở Hải Diêm)

* Người tu Thiền Định (chỉ Tứ Thiền, Bát Định) và người tham Thiền chỉ cậy vào tự lực, không cầu Phật gia hộ. Vì thế, lúc công phu đắc lực, chân và vọng chống chọi nhau nên thường thấy các cảnh giới huyễn hoặc hiện ra, mất đi. Ví như lúc mưa dầm sắp tạnh, mây dầy bị xé toạc, chợt thấy ánh nắng, trong khoảng chớp nhoáng biến hiện không lường được. Không phải là người thật sự có đạo nhãn sẽ chẳng thể phân biệt, nhận biết được tất cả cảnh giới! Nếu lầm tưởng là dấu hiệu chứng ngộ, sẽ bị ma dựa phát cuồng, không sao trị được!

Người niệm Phật dùng tín nguyện chân thật, khẩn thiết, trì vạn đức hồng danh, ví như vầng mặt trời sáng rỡ giữa không trung, đi trên đường lớn của vua, chẳng những lỵ mỵ võng lượng[3] mất bặt tăm tích, ngay cả những ý niệm ngoắt ngoéo, thị phi cũng không sanh khởi được. Xét đến cùng cực chẳng qua là: “Niệm đến công thuần, tận sức thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm và Phật không hai, tâm – Phật như một” mà thôi! Lý này, hạnh này chỉ sợ người ta không biết, chẳng thể hợp với nguyện phổ độ chúng sanh của Phật, lẽ đâu bí mật không truyền, chỉ truyền riêng cho ông ư? Nếu có những bí quyết mầu nhiệm chỉ truyền miệng, ghi nhớ trong lòng, dạy ở nơi kín đáo thì đấy chính là tà ma, ngoại đạo, không phải là Phật pháp! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 5)

* Ngay như Thiền Tông, nếu chỉ đề khởi hướng thượng thì một pháp chẳng lập, Phật còn không kể đến, huống gì niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ? Ấy là Chân Đế: Một đã không, hết thảy đều không. Như câu nói: “Thật Tế Lý địa chẳng nhiễm mảy trần”, hiển thị tánh thể. Nếu bàn luận đích xác về mặt tu trì thì chẳng bỏ một pháp nào, chẳng làm việc bèn không ăn, huống chi niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ! Đấy tức là nơi Tục Đế, một đã lập thì hết thảy đều lập. Như câu nói: “Trong cửa Phật sự, chẳng bỏ một pháp”, hiển thị tánh vốn đầy đủ.

Muốn vứt bỏ Tục Đế để bàn Chân Đế, sẽ không có Chân Đế. Nếu muốn bỏ Tứ Đại, Ngũ Uẩn để tìm tâm tánh thì thân đã không còn, tâm gởi vào đâu? Nếu dùng Tục Đế để sáng tỏ Chân Đế thì thật có Chân Đế. Như tại mắt gọi là thấy, nơi tai gọi là nghe, dùng Tứ Đại, Ngũ Uẩn để hiển lộ tâm tánh vậy. Đấy chính là ý chỉ lớn lao “ngầm tu Tịnh Độ” của chư Tổ từ trước. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi Hòa Thượng Thể An chùa Đại Hưng Thiện)

* Phải biết: Pháp môn Tịnh Độ lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm tông chỉ. Người đời thường nghĩ điều này là chuyện tầm thường, không có chi kỳ lạ, bèn coi pháp tham cứu trong nhà Thiền mới là thù thắng, chú trọng nơi khai ngộ, chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh. Đặt tên hoa mỹ là Thiền Tịnh Song Tu, nhưng xét tới thực chất thì hoàn toàn là không Thiền, không Tịnh Độ! Vì sao nói vậy? Do chẳng đạt đến đại triệt đại ngộ thì chẳng gọi là “có Thiền”. Người tham Thiền bây giờ ai thật sự đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ? Do chú trọng tham cứu nên đem sự trang nghiêm của y báo, chánh báo Tây Phương quy hết vào tự tâm, chẳng có mảy may ý niệm tín nguyện cầu sanh. Tuy gọi là niệm Phật nhưng thực chất là trái nghịch đạo niệm Phật! Hoặc nói ra vẻ cao xa là “niệm Thật Tướng Phật”. Tuy Thật Tướng là cái gốc của các pháp, nhưng phàm phu nghiệp chướng sâu nặng làm sao đạt đến được? Ra vẻ “quy Tông” (quy kết mọi thứ về Thiền) nhưng Thiền cũng không nương tựa được, mà Tịnh cũng không nương tựa được luôn!

Cậy vào tự lực, dẫu đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ, nhưng vì chưa đoạn Hoặc nghiệp sẽ chẳng thể liễu sanh tử được! Chưa ngộ đến mức đại triệt [đại ngộ] thì khỏi cần bàn chi nữa! Cậy vào Phật lực, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới được. Do [người cậy vào tự lực] một mực đem Tây Phương Tịnh Độ, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, mỗi thứ đều quy hết vào tự tâm, nhưng tự tâm chỉ là chấp xuông cái danh, chưa chứng được cái thật, [cho nên] đức Phật ở phương Tây do không cảm sẽ chẳng thể có ứng, đức Phật nơi tự tâm do còn đang ở trong nhân nên không có oai đức!

Những kẻ ham cao chuộng xa trong cõi đời thường đều hay trở thành biến khéo thành vụng, cầu thăng hóa đọa, nhưng kẻ tri thức muốn được người khác ca ngợi mình là viên dung, vẫn trọn chẳng chịu nói như vậy, đến nỗi đức Như Lai do tâm đại từ bi muốn làm cho hết thảy chúng sanh liễu sanh tử ngay trong đời này, nhưng họ vẫn cứ y như cũ chẳng thể liễu được! Đời này đã chẳng thể liễu, tương lai may ra có thể liễu, nhưng đa số vẫn phải luân hồi trong lục đạo từ trần sa kiếp này sang trần sa kiếp khác.

Nếu thật sự hiểu được sự lợi – hại này, lại lắng lòng xem các kinh sách Tịnh Độ, mới biết một pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương này không gì lớn lao ra ngoài được, mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh không vị nào chẳng nhờ vào pháp này để thành tựu lúc khởi đầu, thành tựu khi kết thúc! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trương Thuần Nhất)

* “Chỉ có đường tắt tu hành”. Đây chính là giáo nghĩa, có thể chiếu theo văn tự để hiểu. “Y theo như cũ đi nhiễu”, đây chính là ý nghĩa trong nhà Thiền, phải có chỗ ngộ thì mới biết triệt để được. Tào Lỗ Xuyên[4] tự cho là bậc đại thông gia thông Tông thông Giáo còn hiểu lầm ý này. Các hạ muốn tôi giảng ý nghĩa này, đúng là lời hỏi giỡn chơi! Các hạ hãy buông xuống hết thảy tri kiến thừa thãi, nhất tâm niệm Phật, niệm cho đến khi tâm lẫn Phật đều mất cả rồi, sẽ tự phát ra một tràng cười to, hoàn toàn hiểu rõ. Khi chưa đạt đến, dẫu người khác có giảng cho vẫn chẳng biết được! Ví như đã đến điện Hàm Nguyên[5], mọi thứ trong điện ấy đều biết hết. Nếu vì người chưa đến đấy [mà nói] thì dù có nói rõ ràng, vẫn mờ mịt không biết y như cũ!

Những câu nói trong nhà Thiền đều nhằm dạy người khác tham cứu. Nếu hiểu [những câu nói ấy] theo ý nghĩa văn tự thì chẳng những không được lợi ích, mà còn có thể coi “hiểu lầm” là ngộ, tội ấy cực lớn. Dẫu ngộ thật sự nhưng liễu sanh thoát tử vẫn còn cách xa lắm! Do kẻ ấy chỉ cậy vào tự lực, phải là sau khi đại ngộ rồi, phiền não, Hoặc nghiệp đoạn sạch không còn sót gì thì mới liễu được. Nếu không, chẳng do đâu mà liễu được!

Pháp môn Niệm Phật nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Căn tánh của các hạ cũng chỉ có thể học theo cách tu trì của hàng ngu phu ngu phụ. Nếu lầm lẫn bắt chước thân phận của Tào Lỗ Xuyên thì chẳng những liễu sanh tử trọn chẳng có phần mà còn thật sợ rằng đọa lạc ba ác đạo ắt đã sẵn phần! Vì sao vậy? Do “chưa được bảo là được, do chưa chứng nói là chứng”; do vậy, hoại loạn Phật pháp, khiến cho chúng sanh lầm lạc, nghi ngờ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Thôi Đức Chấn – 2)

* Nếu dùng cách tham cứu của nhà Thiền “người niệm Phật là ai?” thì chính là tham Thiền cầu khai ngộ, hoàn toàn đánh mất tông chỉ Tịnh Tông. Điều này quan hệ lớn nhất, quan trọng nhất! Con người thường hay mạo danh Thiền Tịnh Song Tu, nhưng tận lực chú trọng tham cứu sẽ đạt được lợi ích hữu hạn (niệm đến chỗ cùng cực cũng sẽ khai ngộ), đánh mất lợi ích vô cùng, vì chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh sẽ chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật. Dẫu có đích thân thấy được “người niệm Phật là ai” cũng khó được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, vì không có cái tâm tín nguyện cầu sanh! Lại chưa đoạn Phiền Hoặc nên chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử. Kẻ ưa ăn nói lớn lối đều do chẳng biết nghĩa này.

Pháp môn Tịnh Độ vượt trỗi hết thảy các pháp môn ở chỗ cậy vào Phật lực; những pháp môn khác đều cậy vào tự lực. Tự lực há có thể sánh cùng Phật lực để luận ư? Đấy chính là một mấu chốt quan trọng nhất trong pháp môn Tịnh Độ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Trần Huệ Tân)

* Thiền chính là Chân Như Phật tánh vốn sẵn có của chúng ta. Trong nhà Thiền gọi đó là“bản lai diện mục trước lúc cha mẹ chưa sanh ra”; nhưng nhà Thiền chẳng nói toạc ra, nhằm làm cho người khác tham cứu tự chứng ngộ nên mới nói như vậy. Ðó chính là tâm thể thuần chân, không Năng, không Sở, vừa tịch, vừa chiếu, linh tri ly niệm vậy (Linh tri ly niệm nghĩa là trọn chẳng có ý niệm nhưng luôn nhận thức rõ ràng cảnh vật hiện tiền).

Tịnh Ðộ là tín nguyện, trì danh, cầu sanh Tây Phương, chứ chẳng phải chỉ nói đến “Duy Tâm Tịnh Ðộ, Tự Tánh Di Ðà”. “Có Thiền” là tận lực tham cứu đến cùng cực, niệm tịch, tình vong, thấy thấu suốt cái bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra, minh tâm kiến tánh.

“Có Tịnh Ðộ” là chân thật phát Bồ Ðề tâm, sanh tín, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Thiền và Tịnh Ðộ chỉ là ước theo giáo, ước theo lý. “Có Thiền” và “có Tịnh Ðộ” là ước theo căn cơ, ước về tu. Về giáo lý thời hằng nhiên như thế; Phật chẳng thể tăng, phàm chẳng thể giảm. Xét về căn cơ, tu hành thì phải nương vào giáo để khởi hạnh; hành cho đến khi chứng ngộ tột cùng lý, sao cho thật sự có mới thôi!

Điều thứ hai là xét về văn từ, tuy tương tự nhưng thật ra rất khác nhau, phải suy xét kỹ càng, chớ có lẫn lộn! Nếu như tham Thiền nhưng chưa ngộ hoặc ngộ chưa triệt để thì đều chẳng được gọi là Có Thiền. Nếu như niệm Phật nhưng thiên chấp duy tâm, không có tín, nguyện; hoặc có tín nguyện nhưng chẳng chân thành, thiết tha, lơ là, hờ hững, làm cho lấy có; hoặc hành tuy tinh tấn nhưng tâm mến luyến trần cảnh, hoặc cầu đời sau sanh trong nhà phú quý để hưởng vui ngũ dục, hoặc cầu sanh lên trời để hưởng phước lạc cõi trời, hoặc cầu đời sau xuất gia làm Tăng, nghe một ngộ cả ngàn, đắc Đại Tổng Trì, hoằng dương pháp đạo, phổ lợi chúng sanh thì đều chẳng được gọi là Có Tịnh Độ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận)

* Có Thiền, có Tịnh Ðộ.

Như cọp mọc thêm sừng.

Hiện tại làm thầy người,   

Ðời sau làm Phật, Tổ

Nghĩa là: Người ấy triệt ngộ Thiền tông, minh tâm kiến tánh, lại còn thâm nhập Kinh tạng, hiểu trọn vẹn các pháp môn Quyền, Thật của đức Như Lai; nhưng trong các pháp lại chỉ chọn lấy một pháp Tín Nguyện Niệm Phật để làm chánh hạnh chung nhằm tự lợi, lợi người. Bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh đọc tụng Ðại Thừa, hiểu Ðệ Nhất Nghĩa như đã nói trong Quán Kinh chính là hạng người này vậy. Người ấy có đại trí huệ, có đại biện tài; tà ma, ngoại đạo nghe tên vỡ mật. Người ấy như cọp đeo thêm sừng oai mãnh không chi sánh bằng.

Ðối với kẻ đến học sẽ thuyết pháp tùy theo căn cơ: Thấy nên dùng Thiền Tịnh Song Tu để tiếp dẫn thì sẽ dùng Thiền Tịnh Song Tu tiếp độ; chỉ nên dùng chuyên tu Tịnh Ðộ để tiếp dẫn thì sẽ dùng chuyên tu Tịnh Ðộ tiếp độ. Bất luận thượng, trung, hạ căn, không ai là chẳng được đội ơn, há chẳng phải là “bậc đạo sư của trời, người” hay sao? Ðến lúc lâm chung, người ấy được Phật tiếp dẫn vãng sanh thượng phẩm; trong khoảng khảy ngón tay hoa nở gặp Phật, chứng Vô Sanh Nhẫn; thấp nhất thì cũng chứng bậc Sơ Trụ trong Viên giáo; cũng có người đốn siêu các địa vị, đạt đến bậc Ðẳng Giác. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo đã có thể hiện thân làm Phật trong trăm cõi, huống hồ là các địa vị kế tiếp đó lại càng lần lượt thù thắng hơn; nhất là địa vị Ðẳng Giác thứ bốn mươi mốt! Vì vậy Tổ mới nói: “Ðời sau làm Phật Tổ”. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận)

* Không Thiền, có Tịnh Ðộ.

Vạn người tu, vạn đỗ.       

Nếu gặp Phật Di Ðà,

Lo gì chẳng khai ngộ

Nghĩa là: Hành nhân tuy chưa minh tâm, kiến tánh, nhưng đã quyết chí cầu sanh Tây Phương. Do vì trong kiếp xưa, đức Phật đã phát đại thệ nguyện nhiếp thọ chúng sanh như mẹ nhớ con; nếu chúng sanh thật sự có thể [nhớ Phật] như con nhớ mẹ, chí thành niệm Phật thì sẽ cảm ứng đạo giao, liền được đức Phật nhiếp thọ. Vì ra sức tu Ðịnh, Huệ nên được vãng sanh. Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác lúc lâm chung bị các sự khổ bức bách bèn sanh lòng hổ thẹn lớn lao, xưng niệm danh hiệu Phật hoặc mười tiếng hoặc chỉ một tiếng rồi mất ngay trong lúc đó, họ đều được Phật hóa thân tiếp dẫn vãng sanh. Ðấy há chẳng phải là “vạn người tu, vạn đỗ” hay sao?

Những kẻ đó tuy niệm Phật chẳng lâu nhưng do niệm Phật cực kỳ mãnh liệt nên có thể đạt được lợi ích lớn lao ấy, chẳng nên so với kẻ tu hành lơ là hờ hững mà bàn luận niệm nhiều hay ít. Ðã sanh về Tây Phương thì tuy gặp Phật, nghe pháp có nhanh – chậm chẳng đồng, nhưng đều đã cao dự dòng thánh, trọn chẳng thoái chuyển. Tùy theo căn tánh sâu, cạn, hoặc tiệm hay đốn mà chứng các quả vị. Ðã được chứng quả thì cần gì bàn đến khai ngộ nữa. Ấy chính là: “Nếu gặp Phật Di Ðà, lo gì chẳng khai ngộ” vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận)

* Có Thiền, không Tịnh Độ, 

Mười tu, chín lần chần,

Ấm cảnh nếu hiện tiền,

Chớp mắt đi theo nó.

Nghĩa là: Hành nhân tuy triệt ngộ Thiền tông, minh tâm kiến tánh, nhưng Kiến Tư phiền não chẳng dễ đoạn trừ, phải trải qua nhiều duyên trui luyện để trừ sạch hết chẳng sót, mới có thể xuất ly phần đoạn sanh tử[6]. Người chưa đoạn một mảy nào thì chẳng cần bàn đến nữa! Dẫu chỉ còn một mảy chưa đoạn sạch hết thì lục đạo luân hồi vẫn khó thoát y như cũ. Biển sanh tử sâu thẳm, đường Bồ Ðề xa vời vợi; còn chưa về được đến nhà thì đã mạng chung! Người đại ngộ mười người hết chín đều như vậy. Cho nên mới nói: “Mười người, chín lần chần”. Lần chần (tha đà) người đời thường nói là “chần chờ”. “Ấm cảnh” là cảnh của Trung Ấm thân; tức là những cảnh được hiển hiện trong khi lâm chung bởi nghiệp lực thiện – ác trong đời này và bao kiếp. Một khi những cảnh ấy hiện ra, trong chớp mắt sẽ liền theo nghiệp lực thiện hay ác nào mạnh mẽ nhất để đi thọ sanh trong đường thiện hay ác; chẳng thể làm chủ tình thế một mảy may nào! Giống như người mắc nợ, chủ nào mạnh sẽ kéo đi trước. Tâm tình lắm mối đa đoan, coi trọng chỗ nào sẽ rớt vào đấy.

Ngũ Tổ Giới lại sanh làm Tô Ðông Pha, Thảo Ðường Thanh lại sanh làm Lỗ Công, đều là do lẽ trên vậy! Bởi thế mới nói: “Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”. Chữ Ấm (陰): âm và nghĩa đồng với chữ Âm (蔭), nghĩa là che đậy; tức là: Do nghiệp lực này che lấp nên chân tánh chẳng thể hiển hiện. Miết (瞥), âm giống chữ Phiết (撇), nghĩa là nháy mắt, chớp mắt. Có người hiểu chữ Tha (蹉) nghĩa là “lầm lẫn”, Ấm Cảnh là Ngũ Ấm Ma Cảnh, chung quy vì chẳng hiểu chữ Thiền và chữ Có nên mới nói hồ đồ như vậy. Lẽ nào những bậc đại triệt đại ngộ mười người tu chín người lạc đường, đi theo Ngũ Ấm Ma nên bị ma dựa phát cuồng? Phàm những kẻ bị ma dựa phát cuồng đều là kẻ chẳng biết giáo lý, chẳng hiểu tự tâm, là giống tăng thượng mạn, tu mù luyện đui mà thôi. Sao chẳng biết hay – dở, lại đem gán cho bực đại triệt đại ngộ! Ðiều này quan hệ rất lớn, chẳng thể không biện luận rõ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận)

* Không Thiền không Tịnh Ðộ.

Giường sắt và cột đồng.

Vạn kiếp cùng ngàn đời.

Không một ai nương dựa.

Có kẻ bảo “không Thiền, không Tịnh” tức là vùi đầu tạo nghiệp ác, chẳng tu pháp lành. Lầm to, lầm to! Dù pháp môn vô lượng nhưng chỉ có Thiền và Tịnh là thích hợp cho các căn cơ hơn hết. Hành nhân chưa được triệt ngộ, lại chẳng cầu sanh, lơ là, hời hợt tu các pháp môn khác, Ðịnh – Huệ đã chẳng thể quân bình để đoạn Hoặc chứng Chân, lại chẳng nương vào Phật từ lực để đới nghiệp vãng sanh; đem công đức trọn đời tu trì để cảm lấy phước báo đời sau sanh trong trời, người. Đời này đã không chánh trí thì đời sau ắt bị phước chuyển, mê đắm trong ngũ dục, tạo đủ các ác nghiệp. Ðã tạo ác nghiệp sẽ khó thoát ác báo. Khi một hơi thở chẳng hít vào được nữa thì liền đọa địa ngục, rành rành sẽ ở trong bao kiếp dài lâu nằm lăn nơi giường sắt, ôm ấp cột đồng để đền trả lòng tham thanh sắc, giết hại sanh mạng v.v… các thứ ác nghiệp. Tuy chư Phật, Bồ Tát rủ lòng xót thương, nhưng do ác nghiệp ngăn chướng, người ấy vẫn chẳng thể được hưởng lợi ích. Người xưa nói: “Người tu hành nếu chẳng chánh tín, cầu sanh Tây Phương, tu hành đủ các việc thiện khác thì gọi là kẻ oán đời thứ ba”, chính là nói đến ý này.

Ấy là vì đời nay tu hành, đời sau hưởng phước; vì ỷ phước làm ác nên liền bị đọa lạc. Ðạt được cái vui giả tạm trong đời kế mà muôn kiếp phải vĩnh viễn chịu khổ. Ví dù nghiệp địa ngục tiêu tan thì lại chuyển sanh làm ngạ quỷ, súc sanh; muốn lại được thân người thì thật là điều khó nhất trong những điều khó. Vì vậy, Phật lấy tay bốc đất rồi hỏi A Nan rằng: “Ðất trong tay ta là nhiều, hay đất trong đại địa là nhiều?” A Nan bạch Phật: “Ðất trong đại địa nhiều”. Phật nói: “Ðược thân người như đất trong tay, mất thân người như đất trong đại địa”. [Xét theo lời Phật] thì “muôn kiếp, ngàn đời, không một người nương dựa” vẫn là lời luận định rất nông cạn.

Ôi! Hết thảy pháp môn chuyên cậy vào tự lực; pháp môn Tịnh Ðộ chuyên nhờ Phật lực. Trong hết thảy pháp môn, phải trừ sạch Hoặc nghiệp mới liễu sanh tử; còn trong pháp môn Tịnh Ðộ: do đới nghiệp vãng sanh liền dự dòng thánh. Ðại sư Vĩnh Minh sợ cõi đời chẳng hiểu biết nên mới đặc biệt phân định để chỉ bày cho tương lai. Liệu Giản đáng gọi là chiếc bè báu nơi bến mê, là đạo sư (người dẫn đường) nơi đường hiểm. Ðáng tiếc người trong cõi đời hờ hững đọc lướt qua, chẳng chịu nghiên cứu kỹ. Có phải là do chúng sanh ác nghiệp đồng phận nên xui khiến như thế chăng? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận)

* “Quyền” (權) có nghĩa là Như Lai thuận theo căn cơ của chúng sanh, bày ra phương tiện khéo léo. “Thật” (實) có nghĩa là Phật án theo những nghĩa chính tâm Ngài đã chứng mà nói. “Đốn” (頓) là chẳng cần theo thứ tự, thẳng tắt, mau chóng, hễ vượt khỏi liền chứng nhập ngay. “Tiệm” (漸) nghĩa là dần dần tu cao lên, chứng nhập theo thứ tự, cần phải tốn nhiều đời nhiều kiếp mới có thể đích thân chứng được Thật Tướng.

Những kẻ tham Thiền nói pháp Tham Thiền chính là pháp “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật; do vậy, Thiền là Thật, là Đốn”; nhưng chẳng biết Tham Thiền dù có đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì mới chỉ là thấy được vị Phật Lý Tánh sẵn có trong tự tâm. Nếu là căn tánh đại Bồ Tát thì hễ ngộ bèn chứng, tự có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt thoát khỏi tam giới. Từ đấy, thượng cầu, hạ hóa, dùng đó làm nền tảng để trang nghiêm cả phước lẫn huệ. Loại căn tánh này nếu luận trong số những người đại triệt đại ngộ thì cũng phải cả trăm ngàn người mới có được một hai! Nếu căn khí kém hơn, dù có thể diệu ngộ, nhưng Kiến Tư phiền não chưa thể đoạn trừ thì vẫn ở trong tam giới chịu sống, chịu chết. Đã bị sống – chết thì từ ngộ thành mê sẽ nhiều, từ ngộ vào ngộ hiếm lắm!

Do vậy, tuy pháp này là Thật, là Đốn, nhưng nếu không đúng người (tức không phải là hạng căn cơ phù hợp với pháp Thiền) cũng sẽ chẳng được hưởng lợi ích thật sự nơi Thật, nơi Đốn, vẫn trở thành pháp Quyền Tiệm mà thôi! Vì cớ sao? Do cậy vào tự lực! Nếu tự lực mười phần đầy đủ thì còn may mắn nào hơn! Hễ kém khuyết một chút sẽ chỉ ngộ được Lý Tánh, chẳng thể đích thân chứng được Lý Tánh. Ngày nay, kẻ đại triệt đại ngộ còn khó kiếm được, huống gì người chứng được điều họ đã ngộ!

Một pháp niệm Phật thông trên thấu dưới, vừa là Quyền vừa là Thật, vừa Tiệm vừa Đốn, chẳng thể phê phán bằng giáo lý thông thường. Trên đến Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến chủng tánh A Tỳ đều nên tu tập (Đây gọi là “thông trên thấu dưới” vậy!) Như Lai vì chúng sanh thuyết pháp, chỉ muốn cho hết thảy chúng sanh liễu sanh thoát tử. Các pháp môn khác bậc thượng căn có thể giải quyết ngay trong một đời này, kẻ hạ căn bao kiếp vẫn khó thành được! Chỉ có mình pháp này, bất luận căn tánh nào, đều vãng sanh Tây Phương, liễu được sanh tử ngay trong đời này. Thẳng chóng như thế đó, há gọi là Tiệm được ư?

Tuy [pháp môn Tịnh Độ] có căn cơ nhưng chẳng phải là loại căn cơ như trong những pháp viên đốn thông thường nên có vẻ giống như Tiệm. Nhưng oai lực của pháp môn này nằm ở chỗ thệ nguyện của Như Lai khiến cho những căn tánh hèn kém mau được đại lợi ích. Lợi ích ấy hoàn toàn do cậy vào Phật từ lực. Phàm những kẻ giảng Thiền, nếu chưa nghiên cứu Tịnh Tông, không ai chẳng miệt thị Tịnh Độ là thiển cận. Nếu nghiên cứu Tịnh Tông sâu xa, ắt sẽ tận tâm kiệt lực hoằng dương, há còn chấp trước vào những biện luận sai lầm Quyền, Thật, Tiệm, Đốn để tự lầm, lầm người nữa ư? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Mã Khế Tây – 2)

* Nếu ước theo Thật Nghĩa rốt ráo để nạn (“nạn” (難) nghĩa là cật vấn) chuyện “lấy – bỏ” thì tức là chẳng biết “rốt ráo không lấy không bỏ” chính là chuyện sau khi đã thành Phật. Nếu chưa thành Phật thì trong khi ấy, đoạn Hoặc chứng Chân đều thuộc về lấy – bỏ. Đã chấp nhận đoạn Hoặc chứng Chân là lấy – bỏ thì sao không chấp nhận chuyện lấy – bỏ trong việc bỏ Đông, lấy Tây, lìa cấu lấy tịnh? Nếu trong pháp Tham Thiền, lấy – bỏ đều sai, thì trong pháp Niệm Phật lấy – bỏ lại đều là đúng. Bởi một đằng chuyên suy xét Tự Tâm, một đằng kiêm nhờ Phật lực.

Những người chẳng xét đến duyên do của pháp môn, lầm lẫn dùng pháp Tham Thiền để phá pháp Niệm Phật, tức là dùng sai ý nghĩa. Chuyện không lấy – bỏ vốn là Đề Hồ, nhưng người muốn niệm Phật cũng chẳng lấy – bỏ thì lại thành độc dược! Mùa Hạ mặc áo mỏng, mùa Đông mặc áo cừu, khát uống, đói ăn, chẳng thể trái nghịch mà cũng chẳng thể cố chấp, chỉ chọn lấy những gì thích nghi sẽ có lợi ích không gì tệ hại! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Mã Khế Tây – 2)

 

*********

[1] Hoằng Biện là người nối pháp (pháp tự) của ngài Chương Kính Huy thiền sư, sống vào thời Đường Tuyên Tông. Câu nói trên trích từ sách Ngũ Đăng Hội Nguyên trong cuộc vấn pháp của nhà vua vào năm 851.

[2] Trường Sa Cảnh Sầm là người nối pháp của ngài Nam Tuyền Phổ Nguyện. Câu nói trên cũng trích từ sách Ngũ Đăng Hội Nguyên.

[3] Lỵ mỵ võng lượng: Lỵ mị (chữ Lỵ 魑 đúng ra phải đọc là Si) là loài quỷ trong núi sâu, võng lượng là loài quỷ trong rừng. Nói chung, lỵ mị võng lượng là các loài quỷ quái do sơn thần, thủy tinh biến hiện hại người.

[4] Tào Lỗ Xuyên là một vị cư sĩ sống cùng thời tổ Liên Trì. Khi tác phẩm A Di Đà Kinh Sớ Sao của đại sư Liên Trì được phổ biến trong cõi đời, Tào Lỗ Xuyên đôi ba phen cật vấn, cho là Tổ phế bỏ Tam Tạng kinh điển, coi căn khí của mọi người đều hèn kém như nhau, buộc tất cả mọi người đều phải tu pháp thiển cận, lên án Tổ coi thường kinh Hoa Nghiêm, đề cao kinh Di Đà quá đáng, toan dùng pháp môn Tịnh Độ chèn ép các tông khác, coi thường chư Phật, chỉ đề cao riêng mình Phật Di Đà v.v…

[5] Điện Hàm Nguyên là tiền điện của cung Đại Minh thuộc kinh đô Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) của nhà Đường. Căn cứ trên phế tích và những di vật được khai quật, người ta biết điện này hùng vĩ và tráng lệ hơn điện Thái Hòa thuộc Tử Cấm Thành Bắc Kinh đời Minh rất nhiều. Do được dùng chủ yếu để thiết đại triều, nên trong điện Hàm Nguyên tập trung mọi thứ quý báu, hoa mỹ nhất của đế quốc Đại Đường.

[6] Phần đoạn sanh tử là sự sanh tử của chúng sanh trong tam giới. Do quả báo sai khác nên có hình mạo, thọ lượng sai khác. Vì vậy gọi là phần đoạn (đoạn diệt theo phần hạn). Theo Duy Thức Học, phần đoạn sanh tử lấy nghiệp thiện ác làm thân nhân (cái nhân gần), lấy phiền não chướng làm trợ duyên để cảm quả trong tam giới. Do tuổi thọ có dài ngắn khác nhau, do sức nhân duyên nên có hạn định khác biệt; do vậy gọi là Phần Đoạn. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương lại chia phần đoạn sanh tử thành ác đạo phần đoạn (quả báo trong tam đồ) và thiện đạo phần đoạn (quả báo trong đường trời người).