ẤN QUANG ĐẠI SƯ VĂN SAO
TINH HOA LỤC
印光大師文鈔菁華錄
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong

 

X. Tiêu Ưng Độc Điển Tịch (Liệt kê những sách vở nên đọc)

* Mở bày rộng lớn nguyện luân, minh thị sâu xa duyên khởi thì chỉ có kinh Vô Lượng Thọ. Chuyên xiển dương pháp quán, dạy thêm về nhân vãng sanh thì chỉ có Thập Lục Quán Kinh. Hai kinh nói trên pháp môn rộng lớn, đế lý tinh vi, kẻ độn căn đời Mạt thật khó được lợi ích. Tìm một bản kinh văn tự đơn giản, nghĩa lý phong phú, chữ nghĩa gọn ghẽ, lý dồi dào, thích hợp khắp ba căn, chín pháp giới cùng tuân phụng, tu tập dễ, thành công cao, dùng sức ít mà được hiệu quả nhanh chóng, dốc sức tu một hạnh mà viên thành vạn đức, khiến cho cái tâm tu nhân nhanh chóng khế hợp quả giác thì chỉ có Phật Thuyết A Di Đà Kinh mà thôi!

Ấy là vì vừa nghe “y báo, chánh báo trang nghiêm, thượng thiện nhân cùng nhóm hội” thì lòng tin thật sự sẽ nẩy sanh, nguyện thiết tha sẽ phát, ắt sẽ có cái thế cuồn cuộn như sông ngòi không sao ngăn được! Từ đấy, khăng khắng gìn giữ, chấp trì vạn đức hồng danh, niệm đâu chú tâm vào đó cho đến khi nhất tâm bất loạn. Làm được như vậy thì trong đời này đã dự vào dòng thánh, lâm chung theo Phật vãng sanh, khai tri kiến Phật, cùng được thụ dụng như Phật.

Do vậy, biết rằng: Một pháp Trì Danh chứa đựng trọn vạn hạnh, toàn sự chính là lý, toàn vọng chính là chân, nhân tột biển quả, quả thấu nguồn nhân, thật có thể gọi là “đường tắt để trở về nguồn, là môn trọng yếu để nhập đạo” vậy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa in lại Phật Thuyết A Di Đà Kinh)

* Kinh A Di Đà có bản Yếu Giải do đại sư Ngẫu Ích soạn, lý sự đều đạt đến tột bậc, là bản chú giải bậc nhất kể từ khi Phật đã giảng kinh này. Hay khéo, xác đáng cùng cực, quả thật dẫu cổ Phật tái sanh nơi đời chú giải lại kinh này cũng không thể hay hơn được! Chớ có xem thường, hãy nên tin nhận kỹ càng. Kinh Vô Lượng Thọ có bản sớ giải của pháp sư Huệ Viễn đời Tùy, giải thích ý nghĩa theo kinh văn rất trong sáng, gãy gọn. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh có bản Tứ Thiếp Sớ của hòa thượng Thiện Đạo, do muốn độ khắp ba căn nên đa phần Ngài ước theo sự tướng mà phát huy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền)

* Cổ nhân muốn cho cả cõi đời cùng tu nên đem kinh A Di Đà xếp vào khóa tụng hằng ngày. Do kinh này lời lẽ ngắn gọn, nghĩa lý phong phú, hành giản dị mà hiệu quả nhanh chóng, nên bậc hoằng pháp đại sĩ chú sớ, tán dương, từ xưa đến nay không biết bao nhiêu mà kể! Trong số ấy, tìm lấy bản thật rộng lớn, thật tinh vi thì không gì bằng bộ Sớ Sao của ngài Liên Trì. Còn bản thẳng chóng, quan trọng, hay khéo thì không gì bằng bộ Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích. U Khê pháp sư[1] nắm giữ pháp ấn Đế Quán Bất Nhị của Thiên Thai Giáo Quán, soạn bộ Lược Giải Viên Dung Trung Đạo Sao, lý cao sâu nhưng hàng sơ cơ vẫn hiểu được, văn lưu loát, thông đạt, khiến người tu lâu đều khâm phục. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa khắc lại cuốn Di Đà Lược Giải Viên Trung Sao, khuyên nên thọ trì)

* Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Đọc phẩm này sẽ biết pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là bước cuối cùng để thành Phật trong một đời của kinh Hoa Nghiêm, là phương tiện tối thắng để tự lợi lúc tu nhân, để lợi tha khi đã chứng quả của mười phương tam thế chư Phật. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Bao Hữu Vũ)

* Phần cuối quyển năm kinh Lăng Nghiêm, tức chương Đại Thế Chí Bồ Tát, chính là phần khai thị tối thượng của Tịnh tông. Chỉ riêng một chương này đã có thể sánh cùng bốn kinh Tịnh Độ thành năm kinh. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 4)

* Sách Tịnh Độ Thập Yếu là do Ngẫu Ích đại sư dùng con mắt Kim Cang, từ các sách xiển dương Tịnh Độ chọn lấy những quyển khế lý khế cơ cùng tột không còn thêm gì được nữa. Thứ nhất là Di Đà Yếu Giải do chính đại sư tự chú thích, văn uyên thâm nhưng dễ hiểu, lý viên đốn duy tâm, không còn gì tuyệt diệu hơn, hãy nên thường nghiên cứu! Còn chín tác phẩm sau không cuốn nào chẳng lý viên mãn, từ hay khéo, khế hợp thời cơ sâu xa. Tuy chưa chắc có thể hoàn toàn hiểu rõ từng cuốn, nhưng mỗi lần đọc đều giống như uống tiên đơn, lâu ngày chầy tháng xác phàm sẽ thành cốt tiên vậy! (Đây là nói ví von pháp môn mầu nhiệm, chẳng được hiểu lầm là thành tiên!). (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền)

* Sách Pháp Uyển Châu Lâm (một trăm quyển. Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu phân thành ba mươi tập) bàn luận chi tiết về nhân quả, Lý – Sự cùng nêu, rành mạch phân minh. Đọc đến khiến người không lạnh mà rét buốt; dẫu ở trong nhà tối, phòng kín thường như đối trước Phật, trời, chẳng dám chớm một tí ác niệm. Thượng trung hạ căn đều được lợi ích, trọn chẳng đến nỗi lầm lẫn đường nẻo, chấp lý phế sự, rớt vào thói tệ thiên lệch, tà vạy, cuồng vọng (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Thái Bá Thành – 1)

* Long Thư Tịnh Độ Văn đoạn nghi khởi tín, phân môn chia loại, chia chẻ pháp môn tu trì thành từng điều cặn kẽ, là cuốn sách kỳ diệu bậc nhất để dẫn dụ sơ cơ. Nếu muốn lợi khắp hết thảy, chẳng thể không khởi đầu từ sách này. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền)

* Cuốn Kính Trung Kính Hựu Kính[2] (Đường tắt hơn hết trong số các con đường tắt) tuyển chọn lấy yếu nghĩa của các nhà, phân môn chia loại, khiến cho người đọc chẳng phí nhiều công sức xem đọc, tiến thẳng vào chỗ uyên áo của Tịnh Độ. Sách này có lợi ích rất lớn cho kẻ sơ cơ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư gởi cư sĩ Trương Vân Lôi – 2)

* Tập một, hai, ba, bốn của Cao Tăng Truyện, Cư Sĩ Truyện, Tỳ Kheo Ni Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều ghi chép những lời lẽ, hành vi tốt đẹp của cổ đức. Đọc đến tâm sẽ tự vui sướng ngưỡng mộ, trọn chẳng đến nỗi được chút ít đã cho là đủ, tự cam phận ở nơi hèn kém, mất mát lớn lao. Hoằng Minh Tập, Quảng Hoằng Minh Tập, Đàm Tân Văn Tập, Chiết Nghi Luận, Hộ Pháp Luận, Tam Giáo Bình Tâm Luận, Tục Nguyên Giáo Luận, Nhất Thừa Quyết Nghi Luận đều là những sách hộ trì giáo pháp. Đọc đến chẳng bị ma tà, ngoại đạo mê hoặc, lại còn phá được thành lũy tà kiến của chúng. Những sách này đọc đến có thể làm cho chánh kiến kiên cố, có thể hỗ trợ chứng minh cho kinh giáo. Chớ nói mình nhất tâm duyệt kinh, gác những sách ấy ra ngoài không hỏi tới, kẻo tri kiến sai biệt chẳng mở mang, gặp địch ắt bị đánh bại nhục nhã vậy. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi cư sĩ X… ở Vĩnh Gia)

* An Sĩ Toàn Thư giác thế, mở mang trí óc cho dân, tận thiện, tận mỹ, giảng đạo, luận đức tuyệt cổ siêu kim; ngôn từ giản dị nhưng bao quát, lý sâu nhưng dễ hiểu, dẫn sự tích làm chứng cứ đích xác, nêu những lời nghị luận thông suốt, uyên nguyên. Quả thật là của báu truyền đời quý nhất, cũng là một cuốn kỳ thư về mặt tuyên giảng. Lời nào cũng đều là tâm pháp của Phật, Tổ, là đạo mạch thánh hiền, là đạo trọng yếu để đời yên, dân lành, là phương thuốc bí truyền để sáng tỏ sự trước, an vui sự sau. Nếu hành theo sách ấy thì có thể nối tiếp thánh hiền, liễu sanh thoát tử như đưa bằng khoán ra lấy lại vật cũ. So với những thiện thư được lưu thông trong đời kia, khác nào quả núi sánh với ổ kiến, biển cả sánh với vũng nước vậy….

An Sĩ tiên sinh họ Châu tên Mộng Nhan, còn có tên là Tư Nhân, người Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, thông suốt mọi kinh sách Tam Giáo, tin tưởng sâu xa pháp môn Niệm Phật. Đến tuổi nhược quan (20 tuổi) vào trường, bèn chán khoa cử, phát Bồ Đề tâm, soạn sách giác ngộ con người, muốn cho dân chúng trước hết tạo lập được căn bản không lầm lỗi, rồi do đấy bèn thoát khỏi biển sanh tử. Vì thế, ông viết sách khuyên kiêng giết, đặt tên  là Vạn Thiện Tiên Tư, sách khuyên kiêng dâm là Dục Hải Hồi Cuồng. Bởi lẽ, chúng sanh tạo nghiệp chỉ có hai điều này là nhiều nhất, sửa lỗi cũng chỉ hai điều này là trọng yếu nhất.

Lại còn soạn Âm Chất Văn Quảng Nghĩa trực tiếp đem cái tâm rủ lòng giáo huấn [của Văn Xương Đế Quân] triệt để mở toang ra, giãi bày trọn vẹn, khiến cho ngàn đời về trước, ngàn đời về sau, người dạy, người được dạy không ai còn tiếc nuối gì. Do kỳ tài diệu ngộ, ông dùng văn tự và sự tích thế gian để phát huy ý nghĩa áo diệu, u vi của Phật, Tổ, thánh hiền, để kẻ nhã, người tục cùng xem, trí – ngu cùng hiểu.

Ông lại soạn cuốn Tây Quy Trực Chỉ nhằm thuyết minh đại sự niệm Phật cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Ấy là vì tích đức tu thiện chỉ được phước nhân thiên, phước hết lại phải đọa lạc, còn niệm Phật vãng sanh liền dự vào địa vị Bồ Tát, quyết định thẳng đến thành tựu Phật đạo. Ba cuốn sách trước tuy dạy người đời tu thiện, nhưng cũng có đủ pháp liễu sanh thoát tử. Cuốn sách này tuy dạy người liễu sanh thoát tử nhưng lại phải tận lực hành thiện sự thế gian. Thật đúng là hiện thân cư sĩ, thuyết pháp độ sanh; nếu bảo ông ta không phải là Bồ Tát tái lai, tôi không tin! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi cư sĩ Hứa Khoát Nhiên)

* Ngài Mộng Đông nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật”. Mười sáu chữ này là đại cương tông của pháp môn Niệm Phật. Đoạn khai thị này tinh vi, khẩn thiết đến cùng cực, hãy nên đọc kỹ. Mộng Đông Ngữ Lục từ ngữ lẫn lý lẽ đều châu đáo, là kim chỉ nam cho Tịnh tông. Nếu muốn tìm cầu cao hơn thì có bộ Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích lão nhân, quả thật là hướng dẫn tốt lành thiên cổ độc nhất vô nhị. Nếu có thể chết lòng nương theo hai bộ sách ấy thì chẳng cần phải nghiên cứu hết thảy kinh luận, chỉ thường xem đọc ba kinh Tịnh Độ và Thập Yếu, ngửa tin lời thành thật của Phật, Tổ, sanh lòng tin chân thật, phát nguyện khẩn thiết, dùng lòng chí thành cung kính trì danh hiệu Phật. Dẫu ở trong nhà tối phòng kín vẫn như đối trước Phật, trời, đánh đổ nhũng ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, cẩn thận, kiêng dè, giữ lòng thành, chẳng học đòi những phường thông nhân[3] trong thế gian gần đây trọn chẳng câu thúc, phóng túng không kiêng dè. Quang tuy là sanh tử phàm phu, dám bảo đảm các hạ trong đời này sẽ từ tạ Sa Bà, cao dự hải hội, đích thân làm đệ tử của Phật Di Đà, làm bạn lành của Đại Sĩ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Vưu Hoằng Như)

* Sách Lịch Sử Thống Kỷ bất luận là người tin Phật hay báng Phật đều chịu xem, bởi đó là những chuyện được chép trong sách sử. So với hết thảy các thiện thư thì sách này là thiết yếu nhất để đạt được lợi ích thật sự. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Niệm Phật)

* Muốn biết nguyên do của Thiền và Tịnh mà không xem rộng khắp các sách Thiền – Tịnh sẽ không thể nào hiểu được. Dẫu có thể xem rộng khắp, nhưng nếu không có mắt chọn lựa pháp cũng sẽ trở thành dõi nhìn biển cả thở than, mịt mờ chẳng biết về đâu. Do vậy, hãy nên chuyên đọc các trước thuật Tịnh Độ, nhưng các trước thuật về Tịnh Độ rất nhiều, người chưa nhập môn khó nắm được cương yếu. Tìm lấy một tác phẩm dẫn người tiến vào chỗ thù thắng, phân tích minh bạch giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực và tự lực, không gây nghi ngờ, trệ ngại, ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, nghĩa lý bình thường, thực tế, là hướng dẫn ban đầu để nghiên cứu các trước thuật của cổ đức, thì có lẽ là bộ Ấn Quang Văn Sao chăng? Xin hãy lắng lòng nghiên cứu ắt sẽ tự biết! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Hà Hòe Sanh)

Người biên tập kính cẩn nhận định: Nay vì nghĩ cách tạo tiện lợi cho người đọc Văn Sao, tôi trích lục những lời tinh xác nhất, thiết yếu nhất soạn thành tác phẩm Tinh Hoa Lục này. Những vị có chí tu Tịnh nghiệp nếu không rảnh rỗi để đọc kỹ bộ Văn Sao, chỉ lắng lòng nghiên cứu bộ Tinh Hoa Lục này ắt sẽ hiểu rõ văn lẫn nghĩa Tịnh Độ như nhìn vào ngọn lửa vậy!

* Đại sư Liễu Nhiên từ lúc mới xuất gia bèn dốc chí nơi Tông thừa, nhọc nhằn tận lực tham cứu, lãnh hội được chỗ chỉ quy. Sau đấy, Sư vân du các phương, nghiên cứu cùng tột kinh luận, mới biết pháp môn Tịnh Độ quả thật là biển pháp rất sâu để chư Phật, chư Tổ tự lợi, lợi người rốt ráo, liền sanh lòng tin chân thật, tận lực tu trì, lúc nhàn hạ bèn nêu tỏ những lý cốt yếu của Thiền và Tịnh, lời lẽ đích xác, thiết thực, khiến người khác tỉnh ngộ sâu xa, đặt tên Thiền Tịnh Song Úc (Thiền và Tịnh cùng ra công gắng sức). Tuy đề xướng Thiền Tông, nhưng thật ra chú trọng Tịnh Độ ngõ hầu người tham Thiền chưa ngộ chứng có được đạo để liễu thoát ngay trong đời này. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 4, Lời tựa cho cuốn Thiền Tịnh Song Úc)

Người biên tập kính cẩn nhận định: Gầy đây, Liễu Công Thượng Nhân trước tác hai cuốn sách Nhập Hương Quang Thất và Bát Nhã Tịnh Độ Trung Đạo Thật Tướng Bồ Đề Luận, dùng diệu pháp sự lý viên dung để làm sáng tỏ triệt để diệu nghĩa Tịnh Độ. Vì thế cảm được đức Phật chứng minh, xá-lợi nhiều lần giáng xuống.

* Kinh Kim Cang chính là quy củ chuẩn mực cho con người hành khắp lục độ vạn hạnh, phổ độ hết thảy chúng sanh, chính là cương yếu của khắp hết thảy các pháp môn trong cả một đời giáo hóa. Ấy chính là ngay nơi tướng mà lìa tướng, sao lại nói không thể dung thông với Tịnh Độ cho được? Pháp độ sanh, chỉ có mỗi Tịnh Độ thật là bậc nhất. Muốn sanh về Tịnh Độ thì phải tịnh cái tâm. Hễ tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Dùng tâm thanh tịnh chẳng trụ vào tướng để niệm Phật thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật, vãng sanh Tây Phương, chứng Vô Sanh Nhẫn, chính là lý sự quyết định chẳng thay đổi vậy, nào còn ngờ gì nữa? (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa cho bản đúc kẽm tác phẩm Kim Cang Kinh Tuyến Thuyết)

* Nên lấy Niệm Phật làm chủ, duyệt kinh làm phụ. Như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Kim Cang, Viên Giác, hoặc chuyên chú một kinh, hoặc lần lượt duyệt sáu kinh này cũng được. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 5)

* Có những cuốn sách ấy, ắt biết trọn các nghĩa lý Tịnh Độ, dẫu không đọc khắp các kinh, cũng chẳng bị thiếu khuyết gì! Nếu chẳng biết pháp môn Tịnh Độ, dẫu thâm nhập Kinh Tạng, triệt ngộ tự tâm, muốn liễu sanh tử còn chẳng biết phải mất mấy đại kiếp mới hòng mãn được nguyện ấy! Thuốc A Già Đà (Phạn ngữ A Già Đà, Hán dịch là Phổ Trị (trị khắp tất cả), trị được hết thảy bệnh tật) trị được vạn bệnh. Không biết điều này, đáng đau tiếc thay! Biết nhưng không tu, hoặc tu nhưng chẳng chuyên tâm dốc lòng, càng đáng đau tiếc hơn nữa! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền)

 

********

[1] Ngài U Khê là một vị cao tăng thuộc tông Thiên Thai. Sanh vào năm 1554 nhằm đời Gia Tĩnh nhà Minh, là người huyện Tây An, phủ Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, pháp tự Vô Tận, pháp hiệu Hữu Môn. Lúc nhỏ lễ ngài Hiền Ánh Am thiền sư xin thế độ, sau theo ngài Bách Tùng Chân Giác nghe giảng kinh Pháp Hoa, học Thiên Thai Giáo Quán Tông. Năm 1582, nhân hỏi ngài Bách Tùng về yếu chỉ đại định, bị Sư trừng mắt nhìn, đột nhiên khế ngộ. Ngài Bách Tùng bèn truyền cho kim vân tử ca-sa. Năm Vạn Lịch 15 (1587), về trụ tích tại chùa U Khê Cao Minh trong núi Thiên Thai, giảng dạy học trò, nghiên cứu, tu tập Thiền và Tịnh Độ. Thế gian gọi Ngài là U Khê Đại Sư từ đó. Sư thường tu các pháp sám Pháp Hoa, Đại Từ, Kim Quang Minh, Di Đà, Lăng Nghiêm v.v… Mỗi năm cử hành pháp hội tu bốn thứ tam-muội, luôn đem thân làm gương đốc suất đại chúng. Khi Ngài đang giảng pháp, đại chúng chợt nghe có tiếng nhạc trời réo rắt, Sư biết đã đến lúc, giảng xong, bèn viết năm chữ “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, lớn tiếng xướng tựa đề kinh hai lượt, rồi nghiễm nhiên thị tịch, thọ 75 tuổi. Ngài còn để lại các tác phẩm Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Lăng Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa, Tánh Thiện Ác Luận, A Di Đà Kinh Lược Giải Viên Trung Sao, Duy Ma Kinh Vô Ngã Sớ, Thiên Thai Truyền Phật Tâm Ấn Ký Chú, Tịnh Độ Pháp Ngữ, Thiên Thai Sơn Phương Ngoại Chí, Quán Kinh Đồ Tụng.

[2] Kính Trung Kính Hựu Kính: là tác phẩm của Trương Sư Thành thời Minh. Trương Sư Thành tự là Tâm Hữu, hiệu Lan Chử, người Quy An, Hồ Châu. Cha mộng thấy mặt trời chiếu vào cửa sổ, tỉnh dậy thì thấy Sư Thành được sanh ra. Ông thờ cha hiếu có tiếng, đỗ đạt từ lúc nhỏ, đảm nhiệm việc trấn giữ biên cương. Khi làm tuần vũ tỉnh Giang Tô, thấy người địa phương sát nghiệp nên nhiều lần ban cáo thị khuyên kiêng sát sanh, nghiêm cấm bắt cá. Trong dinh ông không tiệc tùng, không sát sanh. Ông trường trai thờ Phật, dốc lòng nơi Tịnh Độ, tự lấy hiệu là Nhất Tây Cư Sĩ. Cuốn Kính Trung Kính Hựu Kính của ông được đưa vào Vạn Tục Tạng kinh, tập 62, đánh số 1185.

[3] Thông nhân: Những người tự xưng là thông đạt, “thâm nhập Bát Nhã”, trọn chẳng giữ thanh quy giới luật, phóng túng mà vẫn tự coi mình mới là người tu hạnh Đại Thừa, chê trách những người giữ giới luật là Tiểu Thừa, thiên chấp!