PHẬT THUYẾT XUẤT SINH BỒ-ĐỀ TÂM KINH

Hán dịch: Đời Đại Tùy, Tam tạng Xa-na-quật-đa, người xứ Bắc Ấn Độ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Bà-già-bà ở tại vườn trúc Ca-lan đà thuộc thành Vương xá cùng với cúng Tỳ-kheo trăm ngàn vị, lại có vô lượng Atăng-kỳ không thể nêu hết chúng Đại Bồ-tát từ mười phương vân tập đến.

Bấy giờ, tại thành lớn Vương xá có vị Bà-la-môn họ Đại Cadiếp, trong giấc ngủ, ông ta mộng thấy nơi cõi Diêm-phù-đề hiện ra hoa sen lớn, hoa ấy có ngàn cánh, do bảy thứ báu tạo thành, thật là vi diệu, tối thắng tỏa sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Nơi hoa sen kia có vầng trăng, trong vầng trăng lại thấy có bậc đại trượng phu phóng ra ánh sáng lớn soi chiếu tất cả. Chúng sinh hiện có trong bốn thiên hạ này đều thấy ánh sáng ấy, tâm sinh hoan hỷ, hết mực vui thích vô cùng.

Lúc này, vừa tỉnh giấc, Bà-la-môn Ca-diếp nghĩ lại việc trong mộng, tâm vui nhưng sinh nghi: “Đây là nhân duyên gì, rốt cuộc là sự việc gì? Tướng hiện ra ấy trước nay chưa từng có, từ xưa cũng chưa từng nghe nói việc ta đã mộng thấy”. Nghĩ vậy rồi, ông rất hoan hỷ cho rằng điều mình thấy trong mộng là hy hữu. Ông nghĩ tiếp: “Nơi đây có vị Sa-môn Cù-đàm, từ lâu ta đã nghe người khác nói vị ấy tu sáu năm khổ hạnh, hàng phục các ma chứng đại giác ngộ, chuyển bánh xe pháp vi diệu, thu phục hàng ngoại đạo, được mọi người trí tán thán, là bậc thông tuệ khéo léo biết rõ về các sự việc. Nay ta nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi về điềm mộng này”.

Bấy giờ, đêm đã qua, Bà-la-môn Ca-diếp từ thành Vương xá đi tới vườn trúc Ca-lan-đà, là nơi trú xứ của Đức Thế Tôn. Đến nơi, ông đảnh lễ dưới chân Phật, lui ra đứng qua một bên, rồi hướng lên Phật nêu bày rõ việc trong mộng. Đợi cho Bà-la-môn thưa trình đầy đủ rồi, Đức Thế Tôn mới bảo Bà-la-môn Ca-diếp:

–Này thiện nam! Có bốn điềm mộng lành đạt được pháp thù thắng. Những gì là bốn? Đó là: Trong giấc ngủ mộng thấy hoa sen. Hoặc mộng thấy dù lọng. Hoặc mộng thấy vầng trăng. Hoặc mộng thấy hình tượng Phật. Khi thấy như vậy nên tự vui mừng vì biết mình gặp pháp thù thắng.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên nên nói kệ:

Nếu như mộng thấy có hoa sen
Hay là mộng thấy có dù lọng
Hoặc trong mộng thấy rõ vầng trăng
Biết chắc đạt được lợi ích lớn.
Hoặc lúc mộng thấy hình tượng Phật
Thân trang nghiêm đầy đủ các tướng
Chúng sinh thấy được sinh hoan hỷ
Nghĩ tất sẽ làm Bậc Điều Ngự.

Nghe kệ này rồi, Bà-la-môn Ca-diếp liền bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Thế nào là lợi ích lớn cho các chúng sinh?

Nếu có thể đạt được lợi ích này để cầu đạo Bồ-đề?

Đức Phật bảo:

Lợi ích lớn ấy chính là Nhất thiết trí.

Bà-la-môn Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ngài nói lợi ích lớn ấy là Nhất thiết trí, vậy nhờ nhân duyên gì mà có thể đạt được?

Đức Thế Tôn vì Bà-la-môn Ca-diếp nên nói kệ:

Ta nay nói lợi lớn
Bà-la-môn lắng nghe
Nếu hòa hợp có lợi
Sẽ làm Đấng Lưỡng Túc.
Hoặc làm vua Chuyển luân
Tự tại khắp thiên hạ
Chúng sinh muốn như vậy
Phải phát tâm Bồ-đề.
Hoặc làm chủ Phạm thiên
Tự tại giữa mọi người
Chúng sinh muốn như vậy
Phải phát tâm Bồ-đề.
Cõi Dục và cõi Sắc
Vô sắc và cõi trên
Chúng sinh muốn như vậy
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Như muốn làm thương chủ
Là thương chủ dẫn đường
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn phóng ánh sáng lớn
Phá diệt mọi tối tăm
Nên phát tâm Bồ-đề.
Như có các chúng sinh
Muốn dứt các điên đảo
Hiện có khắp ba cõi
Nên phát tâm Bồ-đề.
Như có các chúng sinh
Muốn trừ mọi chướng ngại
Cùng các thứ pháp ác
Nên phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn diệt trừ vô minh
Và đoạn lưới tham ái
Nên phát tâm Bồ-đề.
Hoặc có các chúng sinh
Nhằm diệt hữu và ái
Đoạn trừ mọi cấu uế
Nên phát tâm Bồ-đề.
Như có các chúng sinh
Muốn dứt bỏ ngã mạn
Và sắc khiến ngã mạn
Nên phát tâm Bồ-đề.
Hoặc có các chúng sinh
Lìa bỏ tâm cao ngạo
Mạng không bệnh, ngã mạn
Nên phát tâm Bồ-đề.
Như có các chúng sinh
Nhằm diệt ngã mạn lão
Mạn vô thường, thường tục
Nên phát tâm Bồ-đề.
Nên có các chúng sinh
Nhằm diệt mạn đa văn
Cùng mạn do trì giới
Nên phát tâm Bồ-đề.
Hoặc có các chúng sinh
Muốn diệt mạn tịch tĩnh
Các mạn như khất thực
Nên phát tâm Bồ-đề.
Như có các chúng sinh
Nhằm diệt mạn tri thức
Mạn thọ y phấn tảo
Nên phát tâm Bồ-đề.
Hoặc có các chúng sinh
Muốn diệt mạn thần thông.
Một bữa ăn làm tịnh
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn diệt tất cả mạn
Mạn hữu vi hiện có
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn được cúng dường Phật
Vào trước lúc diệt độ
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn được cúng dường Phật
Và tất cả Như Lai
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn được Chuyển pháp luân
Thế gian không thể chuyển
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn diệt độ liền diệt
Nên nghĩ điều đáng nghĩ
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn tu hành phạm hạnh
Trước sau được trọn vẹn
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn luôn đạt tinh tấn
Tới lui trong các cõi
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn nói các hành khổ
Thấy chúng sinh thọ khổ
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Các pháp không có ngã
Vì chúng sinh giảng nói
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Muốn chuyển bánh xe pháp
Để lên nẻo giác ngộ
Phải phát tâm Bồ-đề.
Nếu có các chúng sinh
Nói Niết-bàn tịch diệt
Chứng Bồ-đề tối thắng
Phải phát tâm Bồ-đề.
Các công đức như vậy
Người phát tâm đạt được
Phạm chí nghe vậy rồi
Nên hành đạo giác ngộ.

Nghe kệ xong, Bà-la-môn Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người phát tâm Bồ-đề gồm thâu được bao nhiêu phước lớn?

Đức Phật dùng kệ tụng trả lời Bà-la-môn Ca-diếp:

Nếu chúng sinh trong cõi Phật này
Khiến trụ lòng tin và giữ giới
Khối phước lớn kia so đạo tâm
Thì không bằng một phần mười sáu.
Nếu chúng sinh trong cõi Phật này
Khiến trụ lòng tin nơi pháp hành
Khối phước lớn kia so đạo tâm
Thì không bằng một phần mười sáu.
Nều hằng hà sa cõi chư Phật
Thảy đều tạo chùa cầu phước đức
Xây tháp như núi, so đạo tâm
Nhưng không bằng một phần mười sáu.
Nếu có cõi Phật như hằng sa
Các thứ bảy báu đều thí khắp
Khối phước lớn kia, so đạo tâm
Thì không bằng một phần mười sáu.
Như núi Thiết vi cao rộng lớn
Xây tháp vô lượng cúng chư Phật
Chúng sinh cầu phước là như vậy
Không bằng phần mười sáu đạo tâm.
Nếu có chúng sinh trọn cả kiếp
Hoặc đầu hoặc tay thường đội vác
Khối phước lớn kia so đạo tâm
Thì không bằng một phần mười sáu.
Những người như vậy được thắng pháp
Nếu cầu giác ngộ, lợi muôn loài
Các hạng chúng sinh tối thắng đó
Phước này khó sánh, huống là hơn.
Thế nên được nghe các pháp này
Người trí thường sinh tâm ưa pháp
Nên được khối phước lớn vô biên
Nhanh chóng chứng đắc đạo Vô thượng.
Bấy giờ, Bà-la-môn Ca-diếp bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Người đã phát tâm Bồ-đề như vậy có thoái chuyển không?

Đức Phật đáp:

–Người phát tâm Bồ-đề như vậy, ở trong đạo giải thoát không có thoái chuyển. Chỉ theo sự thì riêng có ba thứ Bồ-đề: Bồ-đề của Thanh văn, Bồ-đề của Bích-chi-phật và Bồ-đề của Vô thượng Chánh giác.

Này đại Bà-la-môn! Sao gọi là Bồ-đề của Thanh văn? Nếu thiện nam, thiện nữ nào phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà không dẫn dạy người khác phát tâm Bồ-đề, không khiến cho người khác an trụ, cũng không vì người khác giảng nói kinh điển như vậy, không tự mình thọ trì cũng không nêu giảng rộng về ý nghĩa cho người khác. Lại hay thân cận với hàng Phú-già-la nhưng không thừa sự cúng dường những thứ cần dùng; hoặc có người đến cũng không đến, cũng đều không cung kính, đối với điều ấy cũng không khởi tâm tùy hỷ. Do nhân duyên này mà tâm được giải thoát. Này Bà-la-môn! Đó gọi là Bồ-đề của Thanh văn.

Lại nữa, sao gọi là Bồ-đề của Bích-chi-phật? Nếu thiện nam, thiện nữ nào tự phát tâm Bồ-đề nhưng không dẫn dắt người khác phát tâm Bồ-đề, không khiến cho họ an trụ, cũng không vì họ giảng nói kinh điển như vậy, chính mình không thọ trì, cũng chẳng nêu giảng rộng cho người khác, cũng hay thân cận với hàng Phú-già-la nhưng không thừa sự cúng dường những thứ cần dùng. Nếu có người đến hoặc không đến cũng đều không cung kính, không tùy hỷ. Do nhân duyên này tâm chứng đắc Bồ-tát Bích-chi-phật. Thế nên gọi là Bồ-đề của Bích-chi-phật.

Lại nữa, sao gọi là Bồ-đề của Vô thượng Chánh giác? Nếu các thiện nam, thiện nữ tự phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lại cũng chỉ dẫn người khác phát tâm như thế đã khiến họ được an trụ, lại giảng nói kinh điển như vậy, chỉ cho họ thọ trì, thân cận với hàng Phú-già-la, thừa sự cúng dường, có người thọ sinh hoặc không thọ sinh đều cung kính, sinh tâm tùy hỷ. Giải thoát như vậy là tự lợi, lợi tha, vì đem lại lợi ích cho nhiều người, vì tạo an lạc cho nhiều người, vì thương xót thế gian, tạo lợi ích an lạc cho các hàng trời, người, nên gọi là Bồ-đề của Vô thượng Chánh giác.

Do ý nghĩa gì được gọi là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Vì ngoài pháp này ra, không có pháp thù thắng nào có thể cầu đạt, do đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên nên nói kệ:

Tứ phát tâm Bồ-đề
Không dạy người thọ trì
Nhân nơi tâm lực mình
Rồi sau vào Niết-bàn,
Do gắng sức tự lợi
Không dạy người thọ trì
Thế nên gọi Sa-môn
Con Phật thầy tối thắng.
Người phát tâm Bồ-đề
Giáo hóa sinh hoan hỷ
Cho nên tự được đạo
Biết quả báo như vậy,
Tự độ không độ tha
Phước điền trong chư Tiên
Được gọi là Duyên giác
Bà-la-môn nên biết,
Tự phát tâm Bồ-đề
Giải thoát nhiều chúng sinh
Vì đời tạo lợi ích
Nên gọi Phật, Đạo sư.
Tự thành tựu lợi ích
Lại dạy người giải thoát
Cả hai không sai khác
Nên gọi không nghĩ bàn.

Bấy giờ, Bà-la-môn Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Giải thoát đối với giải thoát có sai biệt chăng? Phật đáp:

–Này Bà-la-môn! Giải thoát đối với giải thoát không có sai biệt. Đạo với đạo không có sai biệt. Thừa với thừa không có sai biệt. Ví như nơi quốc lộ có xe voi, xe ngựa, xe lừa, các loại xe kia lần lượt đi trên đường ấy, cùng đến một thành. Này Bà-la-môn! Ý ông nghĩ sao? Các loại xe như vậy có sai biệt chăng?

Bà-la-môn thưa:

–Bạch Đại Đức Thế Tôn! Các loại xe ấy thật sự là có sai biệt.

Phật nói:

–Đúng vậy, đúng vậy! Này Bà-la-môn! Thừa Thanh văn, thừa Bích-chi-phật, thừa Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề có sai biệt nhưng đạo cùng với giải thoát thì không có sai biệt. Này Bà-la-môn! Ví như nơi sông Hằng có ba hạng người đều từ bờ bên này sang tới bờ bên kia. Người thứ nhất dùng cỏ kết làm bè dựa vào đấy mà vượt qua. Người thứ hai hoặc dùng phao nổi, hoặc dùng thuyền nan mà vượt qua. Người thứ ba dùng thuyền lớn cho vào sông trong thuyền này lại chở hàng trăm ngàn người. Người thứ ba ấy lại chỉ dẫn con trai lớn của mình sắp đặt giữ gìn mọi chuyến qua lại của thuyền, hễ có bao nhiêu chúng sinh đến thì phải đưa họ từ bờ bên này sang bờ kia, vì nhằm tạo lợi ích cho nhiều người. Này Bà-la-môn! Ý ông nghĩ sao?

Những người qua bờ bên kia có sai biệt chăng?

Bà-la-môn đáp:

–Thưa Thế Tôn, không!

Đức Phật lại hỏi:

–Này Bà-la-môn! Sự chuyên chở này và sự chuyên chở kia có sai biệt không?

Bà-la-môn đáp:

–Những sự chuyên chở ấy thật sự là có sai biệt.

Phật nói:

–Đúng vậy, đúng vậy! Này Bà-la-môn! Thừa Thanh văn, thừa Bích-chi-phật, thừa Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thật sự là có sai biệt.

Này Bà-la-môn! Như người thứ nhất, nhờ vào bè cỏ nên từ bờ bên này vượt sang bờ bên kia, chỉ có một mình. Nên biết như vậy là Bồ-đề của Thanh văn. Người thứ hai hoặc nhờ vào phao nổi, hoặc nhờ nơi thuyền nan nên từ bờ bên này sang bờ bên kia. Nên biết như vậy là Bồ-đề của Bích-chi-phật. Người thứ ba thành tựu thuyền lớn, cùng chở được nhiều người từ bờ bên này sang bờ bên kia. Nên biết như vậy là Bồ-đề của Như Lai.

Lúc này, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:

Đường và giải thoát không có hai
Nhưng các thừa đều có sai biệt
Người trí nên so sánh như vậy
Cần chọn thừa tối thắng, tối thượng.
Các pháp dạy như vậy
Đức Phật nói lời này
Chọn lựa các pháp rồi
Người trí cần phải học.
Bà-la-môn Ca-diếp lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát hành trì như thế nào, niệm trụ như thế nào để đến Đại thừa?

Đức Phật đáp:

–Này Bà-la-môn! Ông hãy lắng nghe về ý nghĩa này. Nếu các Đại Bồ-tát như niệm tu hành để đạt đến Đại thừa. Này Bà-la-môn! Nếu các thiện nam, thiện nữ tự phát tâm Bồ-đề, cũng chỉ dẫn cho người khác phát tâm Bồ-đề, chính mình vui trong việc tu hành, lại khuyến khích người khác tu tập, an trụ, vui thích trong việc tu hành, lại vì họ mà giải thích ý nghĩa của kinh. Những người Phú-già-la như vậy không đến thân cận để thừa sự tiếp nhận, nên dùng bốn Nhiếp pháp nhằm giáo hóa họ. Những gì là bốn nhiếp pháp? Đó là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ:

Đủ mọi bố thí lớn Tất cả vật sở hữu
Vì muốn thâu nhận người
Bồ-tát, bậc Vô úy
Thị hiện dắt dẫn đường
Chúng sinh không chỗ nương
Nên dùng lời diệu, thiện
Thường thường an ủi họ.
Mình, người đều an lạc
Người sinh nơi cõi lành
Ngày đêm luôn tùy thuận
Các chúng sinh như vậy.
Không tin, khiến họ tin
Pháp giới, khuyên trụ giới
Keo kiệt, dạy bố thí
Mong lợi ích tất cả.
Dạy người hành Bồ-đề
Luôn tinh tấn bền chắc
Cùng với việc lợi ích
Người trí như lời hành.
Người trí tuệ như vậy
Đạo sư của Bồ-tát
Việc làm của người trí
Thường ưa pháp Đại thừa.
Dũng mãnh là tối thắng
Người trí cần phải học
Do pháp thù thắng kia
Tối thượng đến bờ giác.

Bà-la-môn Ca-diếp dùng kệ tụng bạch Phật:

Đại đức dạy pháp tu
Bồ-tát, các Đạo sư
Nên học theo hạnh này
Đạt đến Lưỡng Túc Tôn.
Vì con nói pháp tu
Và chỗ nương các hạnh
Giác ngộ rộng bao la
Thương xót vì con nói.

Đức Thế Tôn bảo Bà-la-môn Ca-diếp:

–Hay thay! Này Bà-la-môn! Các Bồ-tát có ba thứ hạnh là: Thiên hạnh, Phạm hạnh và Thánh hạnh.

Này Bà-la-môn! Sao gọi là Thiên hạnh? Nếu có thiện nam, thiện nữ đem thân nghiệp hành Từ, khẩu nghiệp hành Từ, ý nghiệp hành Từ hành hóa khắp vô lượng thế giới ở phương Đông, đầy đủ, trọn vẹn. Lại có thể khéo đi vào các phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới, đều đem thân nghiệp hành Từ, khẩu nghiệp hành Từ và ý nghiệp hành Từ đầy đủ khắp tất cả. Đây gọi là Thiên hạnh.

Sao gọi là Phạm hạnh? Đó là bốn Tâm vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Đây gọi là Phạm hạnh.

Này Bà-la-môn! Sao gọi là Thánh hạnh? Là ba cửa giải thoát:

Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đây gọi là Thánh hạnh.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ:

Dũng mãnh hành tinh tấn
Đạo sư của Bồ-tát
Nếu có đủ Thiên hạnh
Là người ưa giác ngộ.
Thánh hạnh và Phạm hạnh
Hạnh này bậc Thánh nói
Nếu có người tu hành
Nhất định đạt Bất động.

Bà-la-môn Ca-diếp lại dùng kệ bạch Phật:

Con thích pháp giác ngộ
Nay hỏi Đại Đạo Sư
Các vị này đời sau
Tập các hạnh thế nào?
Vì chúng sinh đời sau
Nên con hỏi Thế Tôn
Ở trong Bồ-đề Phật
Ý con không phân biệt
Vì lợi ích chúng sinh
Nay con phát đạo tâm.

Đức Thế Tôn dùng kệ tụng đáp Bà-la-môn Ca-diếp:

Nói Tu-đa-la này
Khiến phát Bồ-đề lớn
Phạm chí, Phật Bồ-đề
Chưa từng có phân biệt.
Nói Tu-đa-la này
Khiến phát Bồ-đề lớn
Nên đoạn mọi nghi ngờ
Tùy thuận chúng sinh hỏi.
Nói Tu-đa-la này
Khiến phát Bồ-đề lớn
Đoạn trừ tất cả nghi
Khen ngợi các chúng sinh.
Người được nghe kinh này
Nên vào đời vị lai
Thực hành bố thí lớn
Bố thí đến bờ kia.
Người được nghe kinh này
Nên vào đời vị lai
Giữ giới được trọn vẹn
Giữ giới đến bờ kia.
Người được nghe kinh này
Nên vào đời vị lai
Hành nhẫn vì chúng sinh
Nhẫn nhục đến bờ kia.
Người được nghe kinh này
Nên vào đời vị lai
Tinh tấn vì chúng sinh
Tinh tấn đến bờ kia.
Người được nghe kinh này
Nên vào đời vị lai
Thường nhập các thiền định
Thiền định đến bờ kia.
Người được nghe kinh này
Nên vào đời vị lai
Vì người cầu thắng trí
Trí tuệ đến bờ kia.
Từng làm việc cúng dường
Thương xót các chúng sinh
Được nghe kinh điển này
Đời sau đạt đến đích.
Tỳ-kheo trụ Lan-nhã
Ý cầu Phật Bồ-đề
Người được nghe kinh này
Đi sau mà đến trước.
Quá khứ số ức Phật
Đã trì kinh điển này
Vì lợi các Bồ-tát
Phát khởi ý mong muốn.
Nếu có Bà-la-môn
Ham thích Phật Bồ-đề
Lúc ấy được tin tưởng
Kinh này đến với họ.
Ta thấy các chúng sinh
Tất rõ nẻo hành
Cũng biết luôn tên tuổi
Ta thấy đều không ngại.
Tất cả mong nên đủ
Người đời sau lầm
Sợ họ sinh các lỗi
Vì thế nên nói ít.

Bà-la-môn Ca-diếp lại dùng kệ bạch Phật:

Đại đức khéo thọ trì
Khiến sinh ý rộng lớn
Đại trượng phu đời này
Không lâu con sẽ làm.
Quá khứ và vị lai
Những gì Đạo Sư nói
Vì họ sinh thiện lợi
Nên trụ nơi Bồ-đề.

Đức Thế Tôn lại dùng kệ trả lời Bà-la-môn:

Những người trụ trí này
Vì ai mà nói ra
Đã biết tâm hành kia
Ta nay thọ ký họ.
Những ai nghe kinh này
Hiện đang ở trước ta
Người ấy vào đời sau
Kinh này hiện ra trước.
Nếu có các người nữ
Sao chép kinh điển này
Kinh này vào tay họ
Hay sinh giác ngộ lớn.
Ở trước ta đã nói
Tỳ-kheo ưa Lan-nhã
Được thọ kinh điển này
Nơi sau sẽ hiện trước.
Tỳ-kheo nghe kinh này
Rơi nước mắt như mưa
Con trước tạo nghiệp gì
Đời này được lợi ấy?
Con nơi kinh như thế
Chưa từng khéo suy nghĩ
Con đã được thọ ký
Nghiệp gì đạt quả này?
Con xưa Bà-la-môn
Dựa vào Tỳ-kheo sống
Lúc Tỳ-kheo buông lung
Nói Tu-đa-la này.
Phạm chí khi nghe được
Liền đến mà khất thực
Rơi lệ rồi bỏ đi
Khi ấy bèn tâm nguyện.
Con đối với kinh điển
Chép nghĩa và văn tự
Chứng minh cho đời sau
Lại cũng luôn ủng hộ.
Nhờ quả nghiệp thiện ấy
Nên vào đời vị lai
Được kinh điển như vậy
Gìn giữ chắc trong tay.
Lúc đó có Tỳ-kheo
Khóc thương lệ chan chứa
Đương thời nên sám hối
Sau được kinh pháp này.
Nghiệp đời trước diệt sạch
Lúc đó có tướng hiện
Ở trong giấc mộng kia
Được Tu-đa-la này.
Sinh tử, mọi lưu chuyển
Lừa dối, sợ hãi lớn
Đây nhờ A-di-đà
Sức nguyện quả như vậy.
Các Tỳ-kheo phá giới
Bị người khác khinh chê
Lỗi lầm nhiều như vậy
Lưu chuyển rất sợ hãi.
Nhiều nghiệp ác như thế
Nhờ được nghe kinh này
Nên đến biên vực kia
Về sau luôn tỏa sáng.

Bà-la-môn Ca-diếp lại dùng kệ này bạch Phật:

Kinh điển lớn thế này
Khiến phát đạo tâm lớn
Vì con và đời sau
Phân biệt rộng giảng nói.

Đức Thế Tôn lại dùng kệ bảo Bà-la-môn Ca-diếp:

Các âm thanh vị lai
Cho đến lời ta nói
Kinh điển rộng thế này
Vì thế ngươi nên biết.
Nói kinh điển lớn này
Đây nên gọi A-hàm
Nên tạo tạng bí mật
Hàng Thanh văn tu học.
Chỗ nói là chốn này
Và những người đắc đạo
Đây là mẹ các kinh
Phạm chí biết như vậy.
Lúc ấy các Tỳ-kheo
Sau khi ta diệt độ
Tạp và Trường A-hàm
Lại gọi Trung A-hàm.
Lúc đó có A-hàm
Đủ số gọi Tăng Nhất
Lại nói Tạp kinh điển
Nói Kinh tạng Thanh văn.
Lại nên tạo Tỳ-ni
Cũng tạo A-tỳ-đàm
Hoặc đối với Tam tạng
Được gọi các Tỳ-kheo.
Tám vạn lẻ bốn ngàn
Pháp tu ta đã nói
Tất cả từ đây ra
Gọi là kinh Tối Thắng.
Ở đây nói Thanh văn
Và nói về Độc giác
Căn bản của các trí
Kinh điển không nghĩ bàn.
Sở hữu của thế gian
Ba cõi chưa hiện ra
Cội gốc của các phước
Nhờ phát tâm Bồ-đề.
Các công đức thế giới
Hành nhẫn nhục, tinh tấn
Thiền định công đức hơn
Khéo nói trong kinh này
Trí tuệ công đức hơn
Giải thoát, nhẫn, tịch diệt.
Tất cả đều hiện bày
Khéo nói trong kinh này,
Khổ, Tập cùng với đạo
Tịch diệt từ đây hiện.
Các pháp đều pháp Phật
Những điều kinh này nói
Là các khổ, vô thường
Cũng nói pháp vô ngã.
Nói Niết-bàn tịch tĩnh
Tại nơi kinh điển này
Chốn ấy nói Thanh văn
Nơi trụ các nhân duyên.
Kinh điển Đại thừa này
Thâu nhận tất cả pháp
Các pháp rất rộng lớn
Tại nơi tâm Bồ-đề.
Hiện tiền thấy chư Phật
Và vì họ nói pháp
Đương thời ở trước nghe
Là nhờ kinh điển ấy.
Chúng sinh trong ba cõi
Ít được nghe kinh này
Nghe rồi sinh ưa thích
Vì dốc cầu Phật thừa.

Bà-la-môn Ca-diếp lại bạch Phật:

–Thật hy hữu, thưa Thế Tôn! Nếu như các chúng sinh không có trí tuệ được nghe kinh điển vô thượng, vô biên như vậy, cho đến các chúng sinh cũng sẽ không có trí tuệ, đối với kinh điển vô thượng, vô biên như vậy, nghe rồi không có thể ở trong pháp ấy, không sinh ham muốn bền chắc. Thưa Đại Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì đã có diệu pháp như vậy mà các chúng sinh vẫn còn lỗi lầm, hư giả?

Đức Phật bảo Bà-la-môn Ca-diếp:

–Tam thiên đại thiên thế giới này có hàng trăm ngàn vạn các cung điện của các ma. Mỗi mỗi ma đều có hàng ngàn vạn chúng ma làm quyến thuộc, vây quanh đám ma kia. Chúng ma luôn dốc sức tìm nhiều cách để phá hoại kinh điển này, nên ở chỗ nào chúng cũng tạo ra các chướng. Vì sao? Nếu như trong tam thiên đại thiên thế giới với các chúng sinh hiện có đều được quả A-la-hán; hoặc có thiện nam, thiện nữ được nghe kinh này rồi, sẽ phát tâm cầu đạo quả Vô thượng chánh giác. Này Bà-la-môn! Do nhân duyên này nên khiến cho ngàn quân ma cố sức tìm cách hủy diệt kinh này. Vì sao? Này Bà-la-môn! Vì kinh này là nguồn gốc nơi chủng tánh của tất cả các pháp. Vì ý nghĩa ấy nên trăm ngàn vạn các ma luôn tìm mọi cách để phá hoại.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bà-la-môn:

–Nay có kinh tên là Phá Các Hội Ma. Các ngươi nên thọ trì đọc tụng, thì sẽ phá trừ được các hội Thiên ma. Này Bà-la-môn! Ví như vầng mặt trời khi đã xuất hiện, thì có thể xua tan mọi tối tăm, hắc ám. Như vậy, này Bà-la-môn! Lúc giảng nói kinh Phá Các Hội Ma khiến tất cả các ma đều ẩn mất, không dám lộ diện.

Này Bà-la-môn! Thế nào là kinh Phá Các Hội Ma?

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền nói Đà-la-ni:

–Đa trí tha, a nậu mộ đại na, Bồ-đề tam ma đà ba na đa, phục đá hu phục đá đát đát la phục đá, ni hưng già ma, ba la phá, đa la phá đá sĩ hư, đá long già ma già ma na, tỳ lợi ma, ma tố ma, ti lý bà già ma, tỳ đạt la ma, đại la khúc ma, a la di la y ca xoa la na dụ.

Này Bà-la-môn! Đà-la-ni này là chư Phật, Thế Tôn đời quá khứ, vị lai, hiện tại cùng nói kinh Phá Các Hội Ma. Này Bà-la-môn! Lúc nêu giảng kinh Phá Các Hội Ma này thì tất cả các cung ma đều chấn động, rung rinh mạnh làm cho chúng ma thảy đều từ chỗ ngồi lộn nhào cả xuống, không thể nói năng được. Vì sao? Vì chúng luôn gây tạo những thứ không lợi ích cho nhiều người, thường đem lại khổ não và làm mất lợi ích cho chúng sinh. Vì vậy nên hiện phải quả báo sợ sệt như thế. Như Phật Thế Tôn luôn ban cho tất cả chúng sinh sự an lạc, cho đến Từ, Bi, Hỷ, Xả, nên khiến bọn ma Ba-tuần luôn sinh sợ sệt.

Này Bà-la-môn! Nếu lại có người, có thể chuyển nói kinh Phát Bồ-đề này đến cho người khác nghe đều không bị chướng ngại. Hoặc các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Nhân phi nhân, hoặc ma, hoặc con ma, hoặc quyến thuộc của ma, hoặc gặp nước, lửa, đao binh, hoặc gặp người hành ác, các thú dữ, hoặc thân bị phiền não, hoặc ý có sự khổ mà người kia phải thọ nhận thì không có điều ấy. Tại sao? Vì các thiện nam, thiện nữ đó luôn làm việc lợi ích, an lạc cho nhiều người, luôn thương xót đến mọi người, cũng thường luôn che chở cho hàng trời, người. Đó là diệu lực hành Từ bi của các thiện nam, thiện nữ ấy, nên biết như thế. Này Bà-la-môn! Các thiện nam, thiện nữ kia thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác, nên các việc khổ không thể bức bách thân, tâm họ. Này Bà-la-môn! Nhờ nhân duyên đó nên có thể diệt trừ tất cả khổ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ:

Ma cố gắng tìm cách
Muốn phá hoại kinh này
Thế nên kinh điển đây
Phật vì chúng sinh nói.
Làm cho ma mê loạn
Tụ tập ngồi run sợ
Nhìn nhau không nói được
Do quả báo ác ấy.
Thường khủng bố chúng sinh
Luôn ôm lòng làm ác
Điên đảo bị đọa lạc
Thế nên mắc hiện báo.
Người từ bi hòa hợp
Tâm vui nói những gì
Lúc bình đẳng nói pháp
Tâm ý xấu đều tan.
Hàng phục các ma vương
Và xua tan quân ma
Dạ-xoa, các quỷ dữ
Tự nhiên bị đọa lạc.
Dao gậy không hại được
Lửa, nước không chìm, đốt
Chửi bới, trù, rủa độc
Không thể làm tổn hại.
Bức bách thân và tâm
Việc ấy chưa từng có
Luôn luôn phát lời thề
Thân, khẩu trụ như vậy.
Chận đứng các đường ác
Tránh xa tất cả nạn
Tiêu diệt sạch các ma
Vì nói kinh điển này.
Tất cả pháp Trí khéo
Nếu muốn qua bờ kia
Phải nghe kinh điển này
Nghe rồi nỗ lực học.
Nếu siêng học kinh này
Các Bồ-tát vô úy
Giác ngộ đạt tối thượng
Hướng thẳng đến Bồ-đề.

Phật giảng nói kinh này, Bà-la-môn Ca-diếp và cả đại hội, chúng Càn-thát-bà, Trời, Người, A-tu-la nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.