TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm mười bảy: Cúng dường Tam Bảo

[Giải]    Tam bảo là nơi quy y chân chánh của tất cả chúng sinh, ngưỡng cầu Tam bảo gia bị, ắt có thể trì giới, trừ ác, lìa lỗi lầm, được thanh tịnh.

F3. Cúng dường Tam bảo
G1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát sau khi thọ giới ưu bà tắc, làm thế nào để cúng dường Tam Bảo?”

[Giải]    Tam bảo, còn được xưng là Tam tôn. Phật là bậc phước tuệ lưỡng túc tôn, có thể làm cho hành giả phước đức trang nghiêm; pháp là ly dục tôn, có thể làm cho hành giả xa lìa sự tham dục; tăng là bậc chúng trung tôn, là bậc thanh tịnh trong đại chúng. Tam bảo là đèn sáng trong nhà tối, là đường giác trong nẽo mê, tất cả chúng sinh đều phải nên cúng dường, cho nên Thiện Sinh hỏi: “Làm thế nào để cúng dường Tam bảo?”.

G2. Thế Tôn trả lời
H1. Phước điền Tam bảo

Thiện nam tử! Ruộng phước trên thế gian có ba loại: một là ruộng báo ân, hai là ruộng công đức, ba là ruộng bần cùng. Ruộng báo ân, tức là cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng; ruộng công đức, tức là tất cả những bậc tu hành, từ bậc chứng noãn pháp, cho đến bậc chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; ruộng bần cùng, tức là tất cả những kẻ bần cùng, khốn khổ. Đức Như Lai Thế Tôn là hai loại ruộng phước: một là ruộng báo ân, hai là ruộng công đức. Pháp cũng như vậy, là hai loại ruộng phước giống trên. Chúng sinh lại là ba loại ruộng phước: một là ruộng báo ân, hai là ruộng công đức, ba là ruộng bần cùng. Do nhân duyên này, mà các Bồ tát sau khi thọ giới ưu bà tắc, phải nên chí tâm siêng cần cúng dường Tam bảo.

[Giải]    Ruộng phước, ruộng có nghĩa là tăng trưởng; cúng dường những chỗ nên cúng dường, thì có thể được phước báo, như nông phu trồng ruộng thâu hoạch được lợi tức, cho nên gọi là ruộng phước.

Ruộng phước, có thể phân làm ba loại, (1) ruộng báo ân, còn gọi là ruộng ân, đối với nhũng bậc có ơn dưỡng dục, dạy dỗ, nếu báo đáp, tự nhiên sẽ được vô lượng phước báo; (2) ruộng công đức, còn gọi là ruộng kính; nếu cung kính cúng dường Tam bảo, cùng những bậc đang tu tập công đức thế gian, xuất thế gian, thì sẽ được vô lượng phước đức; (3) ruộng bần cùng, còn gọi là ruộng bi, nếu huệ thí những chúng sinh đang ở trong tình cảnh khổ nạn, bần cùng, thì sẽ được vô lượng phước báo. Những vị tăng lúc chưa thành tựu đại phước đức, nhưng đã xả bỏ gia đình tài sản, không còn làm việc mưu sinh, thực hành khất thực, có thể xếp vào loại ruộng bần cùng.

Hòa thượng, dịch là thân giáo sư, có nghĩa là lực sinh; do uy lực của sự quy y, có thể làm phát sinh đạo nghiệp cho đệ tử, cho nên được gọi là lực sinh.

Từ bậc chứng noãn pháp, cho đến bậc chứng A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, hai chữ “cho đến” là chỉ các bậc đỉnh, nhẫn, thế đệ nhất, bốn quả Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát.

H2. Trụ trì Tam bảo

[Giải]    Tam bảo có ba loại: (1) Nhất thể Tam bảo: mọi người vốn có đủ tự tính thanh tịnh Phật, pháp, tăng; và không pháp nào không có tự tính Tam bảo này. Tâm, Phật, chúng sinh bình đẳng nhất thể. (2) Biệt tướng Tam bảo: vị chứng Vô thượng Bồ đề là Phật bảo; pháp do Đức Phật chứng đắc, giảng nói là pháp bảo; nương vào Phật pháp tu hành, từ bậc chứng noãn pháp cho đến bậc Đẳng giác là tăng bảo. (3) Trụ trì Tam bảo: Phật tượng được cúng dường, cung phụng trong các chùa tháp là Phật bảo; tất cả kinh điển Phật pháp là pháp bảo; tăng chúng xuất gia, phụng hành giới luật của Phật chế là tăng bảo.

Ở đây đề cập đến, tức là Trụ trì Tam bảo. Nếu như người nào chấp trước Tự tính Tam bảo mà coi thường Trụ trì Tam bảo, thì đây là một điều sai lầm.

I1. Nói rộng về Phật bảo
J1. Kiến lập, cúng dường tháp, tượng

Thiện nam tử! Đức Như Lai là kho tàng của tất cả các pháp, cho nên người trí phải chí tâm siêng cần cúng dường các Đức Phật hiện còn tại thế, hoặc xá lợi, hoặc hình tượng, tháp miếu của các Ngài. Nếu ở nơi hoang vắng không có tượng tháp, thường phải nhớ tưởng, tôn trọng tán thán. Hoặc tự sức mình làm, hoặc khuyến khích người khác làm tượng, tháp. Lúc thấy kẻ khác đang làm, sinh tâm vui mừng. Nếu như kẻ đó đã có đầy đủ thế lực phước đức, phải nên dạy dỗ cho nhiều người khác cùng làm. Sau khi đã cúng dường, không nên tự khinh, hoặc khinh Tam bảo. Không nên sai bảo kẻ khác làm việc cúng dường cho mình, hoặc không nên vì muốn hơn người khác mà cúng dường. Lúc cúng dường, tâm không hối hận, tâm không sầu não, mà phải chắp tay ca ngợi, cung kính, tôn trọng tán thán Tam bảo. Nếu dùng một đồng tiền, nhẫn đến vô lượng trân bảo, hoặc cúng dường một sợi tơ, nhẫn đến vô lượng tơ lụa, một cành hoa nhẫn đến vô lượng cành hoa, dùng một bài kệ ca ngợi nhẫn đến vô lượng bài kệ ca ngợi, lạy một lạy nhẫn đến vô lượng lạy, đi nhiễu một vòng nhẫn đến vô lượng vòng, cúng dường như thế, hoặc trong một thời, hoặc trong vô lượng thời, hoặc tự mình làm, hoặc làm cho người khác.

Thiện nam tử! Nếu có thể chí tâm cúng dường Phật pháp tăng như vậy, như lúc Ta còn tại thế, hoặc sau khi diệt độ, sự cúng dường cũng nên như thế, không nên có sự khác biệt. Khi gặp tháp miếu, nên dùng vàng, bạc, đồng, sắt, tràng phan, bảo cái, âm nhạc, hương, dầu, đèn mà cúng dường. Nếu thấy chim, thú dậm đạp làm hư hỏng, cũng nên sửa sang, quét dọn sạch sẽ. Nếu thấy chỗ gió mạnh, nước, lửa làm hư hỏng, cũng nên sửa sang, quét dọn sạch sẽ. Nếu tự mình không đủ sức, nên khuyên người khác tô, sửa. Khi tô, sửa, hoặc dùng chất liệu như vàng, bạc, đồng, thiết, hoặc cây, gỗ. Nếu có bụi bặm, phải quét dọn, tưới rửa, nếu có chỗ nhơ nhớp, nên dùng nước thơm mà rửa.

Nếu tạo bảo tháp hoặc bảo tượng, tạo xong, nên dùng các loại tràng phan, bảo cái, hương, hoa, các loại âm nhạc mà cúng dường. Nếu trong tháp có cỏ cây, xác của chim thú chết, rác rưới dơ bẩn, hoặc bông hoa mục rữa, nên dọn dẹp cho sạch sẽ. Nếu có hang rắn, hang chuột, thì phải lấp cho bằng. Những tượng bằng đồng, gỗ, đá, đất, vàng, bạc, lưu ly, pha lê, v.v… thường phải lau rửa cho sạch, lấy hương thơm mà thoa lên. Tùy sức mình mà sắm sang các loại anh lạc, trang hoàng cũng giống như tháp của chuyển luân thánh vương. Trong tịnh xá, nên dùng hương bột phết trên mặt đất. Nếu dùng đất sét trắng tạo tháp, tượng xong, nên dùng anh lạc, pha lê, chân châu, lụa, là, the, gấm, linh, khánh, … mà cúng dường. Lúc họa tượng Phật, trong màu không được pha trộn keo, sữa, và trứng gà. Ngày cũng như đêm, nên dùng các thứ hoa, dây lụa, gương sáng, hương bột, hương thoa, hương đốt, các loại âm nhạc, ca múa để cúng dường. Không nên giống như bọn ngoại đạo, đốt bơ, lúa mạch mà cúng dường. Không nên dùng bơ mà tô lên tháp, hay tượng Phật, cũng không nên dùng sữa để rửa tượng Phật. Không nên tạo tượng Phật bán thân. Nếu có tượng hư hoại, nên che lại, kêu người đến tu bổ; sau khi đã hoàn hảo rồi mới đem bày ra. Thấy tượng hư hoại, cũng nên cung kính cúng dường, không khác gì bức tượng lành lặn. Những sự cúng dường như vậy, phải tự mình đích thân làm; nếu tự mình không đủ sức, nên phụ giúp người khác làm, hoặc khuyên người khác phụ giúp mình làm.

[Giải]

J2. Kính trọng, khen ngợi Phật pháp

Nếu như có người có thể đem của báu trong bốn châu thiên hạ, cúng dường Như Lai; nhưng lại nếu có người tôn trọng tán thán, hết lòng cung kính, thì phước đức của hai người đó bằng nhau không khác. Tất cả công đức của Đức Như Lai, tức là Đức Như Lai thân tâm đều hoàn hảo, thân có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp vi diệu. Đầy đủ đạo lực. Tâm có mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, ba niệm, năm trí tam muội, ba loại pháp môn, mười một loại quán không, trí quán mười hai nhân duyên, vô lượng thiền định, đầy đủ bảy trí, và đã thành tựu sáu Ba la mật. Nếu có người có thể dùng những pháp như vậy để ca ngợi Phật, kẻ đó là kẻ chân thật cúng dường Phật.

[Giải]    Đoạn này biện minh sự cung kính ca ngợi Phật pháp.

“Ngũ trí tam muội”, chỗ này, ngũ trí tam muội là chỉ cho sự tu tập Ngũ đình tâm quán, mà đắc được định ngũ đình tâm, tức là năm loại quán: bất tịnh, từ bi, nhân duyên, giới phân biệt và sổ tức.

Ba loại pháp môn là chỉ cho: sa ma tha (chỉ), tỳ bát xá na (quán) và thiền (chỉ quán bất nhị)

Mười một loại quán không, là chỉ cho: (1) nội không, (2) ngoại không, (3) nội ngoại không, (4) hữu vi không, (5) vô vi không, (6) vô thỉ không, (7) tính không, (8) vô sở hữu không, (9) đệ nhất nghĩa không, (10) đại không, v.v…, mười một loại không mà nói. Lại có mười sáu loại không, mười tám, hai mươi loại không; đa số tương đồng với mười một loại không này.

Bảy trí, tức là bảy giác phần: (1) trạch pháp, (2) tinh tiến, (3) hỷ, (4) khinh an, (5) niệm, (6) định, và (7) hành xả.

I2. Nói lược về Pháp bảo, Tăng bảo

Thế nào gọi là cúng dường Pháp? Thiện nam tử! Nếu có thể cúng dường mười hai phần giáo, gọi là cúng dường Pháp. Làm thế nào để cúng dường mười hai phần giáo? Nếu có thể chí tâm tin tưởng, thọ trì, đọc tụng, giảng giải, làm y như lời đã nói, đã làm xong lại khuyên người khác làm theo, đây gọi là cúng dường mười hai phần giáo. Nếu có thể biên chép mười hai phần giáo, sau khi biên chép xong, dùng nhiều thứ cúng dường, như cúng dường Phật. Ngoại trừ lúc tắm rửa, nếu kẻ đó có thể cúng dường, thọ trì, đọc tụng kinh điển như thế, kẻ đó là kẻ cúng dường Pháp. Lúc cúng dường Pháp, nên cung kính, tôn trọng, ca ngợi như cúng dường Phật. Lại có pháp, như là: một loại căn cơ Bồ tát, ba loại căn cơ Bích chi phật, ba đế. Nếu có người tin như vậy, gọi là cúng dường pháp.

Nếu có người cúng dường các vị Bồ tát tỳ khưu, hoặc các vị tu hạnh Tiểu thừa, từ Tu đà hoàn hướng, nhẫn đến A la hán, đây gọi là cúng dường Tăng.

[Giải]    Đoạn này chính thức biện minh trụ trì pháp bảo và tăng bảo.

Cúng dường pháp, phải nên đọc tụng, giải thích, thuyết giảng, bẫm thọ, hành trì, khuyến khích người khác.

Có người cho rằng, phải tự mình thuyết pháp cho người khác nghe mới là cúng dường pháp, điều này không khỏi quá hạn hẹp.

Ba căn, ở đây chỉ cho ba loại căn cơ Bích chi phật, bậc thượng, trung và hạ.

Lại nữa, chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh, cũng là ba đế.

Kẻ phát tâm Bồ đề, xuất gia thọ tỳ kheo giới, được gọi là tỳ kheo tăng.

Lại nữa, các bậc thánh Tiểu thừa, từ Tu đà hoàn hướng, nhẫn đến A la hán, cũng nên cúng dường.

H3. Nêu rõ lợi ích của sự cúng dường

Nếu có người có thể cúng dường Tam bảo như thế, nên biết kẻ đó không bao giờ xa lìa mười phương Như Lai, trong mọi hoạt động, đi đứng nằm ngồi, đều được gần gũi các Ngài.

Thiện nam tử! Nếu có người có thể theo lời dạy mà cúng dường ít nhiều cho ba loại ruộng phước, nên biết rằng kẻ đó trong vô lượng đời, sẽ hưởng được nhiều lợi ích.

[Giải]    Thường thường, cúng dường Trụ trì Tam bảo, ắt có thể tương ưng hòa hợp với Tự tính Tam bảo, mà thể nhập thành một, cho nên trong vô lượng đời được thọ hưởng nhiều sự lợi ích.

H4. Kết luận tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia cúng dường Tam bảo, điều này không khó. Bồ tát tại gia cúng dường Tam bảo, điều này mới khó. Vì sao? Vì Bồ tát tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải]    Người xuất gia mỗi ngày đều có thường khóa (công phu), mỗi bửa ăn đều phải cúng dường, do đó, cúng dường Tam bảo tương đối dễ dàng, còn người tại gia hoàn cảnh ác liệt, khó có thể làm được.

Phần trên là nói rộng về hạnh tu thành Bồ tát, tất cả có mười sáu phẩm, chúng ta vừa giảng xong.

Kinh văn tiêu chuẩn phần lớn  đều lấy Bồ tát tại gia làm trung tâm, nếu có thể theo đây tu hành, tức trở thành Bồ tát tại gia.

Phần dưới, chánh thức biện minh tướng trạng của sự tu hành lục độ, tức là thể tướng của các Bồ tát tu hành lục độ.