TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm mười sáu: Trừ ác

[Giải]    Giữ giới thanh tịnh, chú trọng tại làm thiện. Phẩm này biện minh sự trừ ác.

F2. Dứt trừ các điều ác
G1. Hỏi đáp về sự trừ ác

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát sau khi thọ giới ưu bà tắc, nếu vẫn còn những ác duyên, bất tịnh, cả trong lẫn ngoài, thì phải làm thế nào để xa lìa?”

– Thiện nam tử! Nếu Bồ tát vẫn còn các ác duyên, bất tịnh, cả trong lẫn ngoài, thì phải nên tu pháp nhiếp tâm niệm Phật. Nếu như kẻ ấy chí tâm tu pháp niệm Phật, thì sẽ xa lìa những ác duyên, bất tịnh, cả trong lẫn ngoài, và đồng thời tăng trưởng từ bi, trí tuệ.

[Giải]    Niệm Phật, dùng công đức của Phật gia trì, đối trị những nhân duyên bất tịnh. Đại khái, tâm Phật tức là tâm từ bi; nhất tâm niệm Phật, ắt sẽ tương ưng với từ bi, và nhân đây, ác duyên tự trừ diệt.

G2. Hỏi đáp cách tu
H1. Hỏi cách tu

– Bạch đức Thế Tôn! Phải tu cách nào?

H2. Trả lời niệm Phật
I1. Quán sát rộng đức hạnh của Phật

– Thiện nam tử! Nên quán đức Như Lai có bảy sự thù thắng: một là thân thù thắng; hai là sống đúng như pháp thù thắng; ba là trí tuệ thù thắng; bốn là đầy đủ thù thắng; năm là chỗ làm thù thắng; sáu là không thể nghĩ bàn thù thắng; bảy là giải thoát thù thắng. Thế nào là thân thù thắng? Thân của đức Như Lai được trang nghiêm bởi ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Sức mạnh của mỗi ngón tay, địch với sức mạnh của một vạn tám ngàn con hương tượng Y ba bát na. Chúng sinh ưa thích nhìn thân của đức Như Lai không biết nhàm chán. Đây gọi là thân thù thắng. Thế nào là sống như pháp thù thắng? Đức Như Lai đã tự được lợi ích, lại còn thương xót, cứu tế, lợi ích vô lượng chúng sinh. Đây gọi là sống như pháp thù thắng. Thế nào trí tuệ thù thắng? Đức Như Lai có bốn trí vô ngại, mà hàng Thanh văn, Duyên giác, không thể sánh kịp. Đây gọi là trí tuệ thù thắng. Thế nào là đầy đủ thù thắng? Đức Như Lai đầy đủ công hạnh, thọ mệnh, giới hạnh, và tri kiến. Đây gọi là đầy đủ thù thắng. Thế nào là chỗ làm thù thắng? Đức Như Lai Thế Tôn tu tập ba loại tam muội, chín loại thứ đệ định, không phải hàng Thanh văn, Duyên giác sánh kịp. Đây gọi là chỗ làm thù thắng. Thế nào là không thể nghĩ bàn thù thắng? Đức Như Lai có sáu thứ thần thông, cũng không phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể sánh kịp. Như mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, ba niệm xứ, … Đây gọi là không thể nghĩ bàn thù thắng. Thế nào là giải thoát thù thắng? Đức Như Lai có đủ hai thứ giải thoát, diệt trừ trí tuệ chướng và phiền não chướng. Vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí phiền não, được tự tại với cả trí tuệ và nhân duyên. Đây gọi là giải thoát thù thắng. Bởi thế, trong khế kinh, Xá Lợi Phất đã từng tán thán đức Như Lai có đầy đủ bảy pháp thù thắng. Đức Như Lai từ ban sơ, giai đoạn quán bất tịnh, cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, từ giai đoại tu tập công đức trang nghiêm, cho đến khi chứng quả giải thoát, đều vượt hơn hàng Thanh văn và Bích chi phật, cho nên gọi đức Như Lai là đấng Chí tôn Vô thượng. Đức Như Lai Thế Tôn tu tập Không tam muội, Diệt định tam muội, tứ thiền, từ bi, quán mười hai nhân duyên, đều là vì lợi ích chúng sinh. Đức Như Lai Chánh giác không nói hai lời, cho nên gọi là Như Lai. Từ lúc bắt đầu, tu tập công đức trang nghiêm, cho đến khi chứng thành đạo quả, đều giống như chư Phật quá khứ, cho nên gọi là Như Lai. Vì được đầy đủ chánh pháp vi diệu, có thể thọ nhận sự cúng dường của tất cả trời người, nên gọi là Ứng Cúng. Thấu rõ hai đế: thế đế và chân đế, nên gọi là Chánh Biến Tri. Tu trì tịnh giới, đầy đủ tam minh, nên gọi là Minh Hạnh Túc. Không còn thọ sinh trong ba cõi, nên gọi là Thiện Thệ. Thấu rõ hai thế giới: chúng sinh và vũ trụ, nên gọi là Thế Gian Giải. Biết rõ phương tiện điều phục chúng sinh, nên gọi là Điều Ngự Trượng Phu. Có thể làm cho chúng sinh không còn sợ hãi, dùng phương tiện giáo hóa làm cho họ lìa khổ được vui, nên gọi là Thiên Nhân Sư. Biết tất cả các pháp và công hạnh, nên gọi là Phật. Có thể phá bốn thứ ma, nên gọi là Thế Tôn.

Hơn nữa, nên quán sát Đức Như Lai tu hành giới định tuệ đều là vì lợi ích chúng sinh. Trong vô lượng đời, Ngài đã làm lợi ích cho kẻ oán, người thân một cách bình đẳng. Ngài đã đoạn trừ tất cả phiền não, và biết rõ rằng mỗi một chúng sinh, nhiều khi chỉ vì một phiền não, mà phải thọ khổ trong vô lượng kiếp. Đức Như Lai vì chúng sinh mà có thể bố thí những việc khó bố thí, nhẫn nhục những việc khó nhẫn nhục. Đức Phật có hai sự thanh tịnh: một là trang nghiêm thanh tịnh, hai là quả báo thanh tịnh. Do thế lực của hai nhân duyên thanh tịnh đó, mà Đức Như Lai từ lúc sơ phát tâm, tu mười pháp lành, mười Ba la mật, cho đến lúc chứng được mười lực, mười đức hiệu, không có hàng nhân, thiên nào có thể nói lên được lỗi lầm của Ngài. Đức Như Lai đầy đủ tám vạn âm thanh, chúng sinh nghe đến, đều không nhàm chán. Do nhân duyên đó, mà đức Như Lai vượt hơn tất cả hàng Thanh văn, Bích chi phật.

[Giải]    Bình thường cho rằng niệm Phật tức là trì danh niệm Phật, và bên chữ niệm (念) lại viết thêm chữ khẩu (唸), đây là điều sai lầm. Sự thực, niệm Phật tức là niệm niệm tương tụïc quán sát công đức của Phật.

Sống đúng như pháp, tức là an trụ đúng như tính, tướng chân thực của các pháp.

Bốn trí vô ngại, tức là (1) trí biết pháp vô ngại, (2) trí biết ngôn từ vô ngại, (3) trí biết nghĩa lý vô ngại, và (4) trí hùng biện vô ngại.

Ba loại tam muội, tức là không, vô tướng, vô nguyện.

Chín loại thứ đệ định, tức là tứ thiền, tứ không xứ và diệt tận định. Diệt tận định (tam muội), tức là tất cả tâm hành hữu lậu đều bị diệt tận.

Như Lai, nghĩa là từ chân lý thuyết pháp không hai mà đến, nên gọi là Như Lai; lại từ các Đức Phật đời trước tu hành thành Phật mà đến, nên gọi là Như Lai.

Mười đức hiệu, tức là mười danh hiệu của Phật vừa đề cập ở trên: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật và Thế tôn.

I2. Kết quy tịnh giới

Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát thọ trì giới Ưu bà tắc, mà muốn giữ giới thanh tịnh, phải nên tu pháp nhiếp tâm niệm Phật như vậy. Nếu tu niệm Phật, kẻ đó sẽ lìa các ác duyên, bất tịnh, cả trong lẫn ngoài; tăng trưởng trí tuệ, đoạn trừ được tham sân si, và sẽ thành tựu đầy đủ tất cả các thiện pháp.

I3. Kết luận tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu tập pháp nhiếp tâm niệm Phật không khó, Bồ tát tại gia tu tập pháp nhiếp tâm niệm Phật mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.