KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN X

Phẩm 17: NHẤT THIẾT ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN

Bấy giờ, từ khuôn mặt Đức Thế Tôn phóng ra đủ thứ ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía v.v… chiếu trên thân của ông Thuần-đà. Ông Thuần-đà gặp ánh sáng ấy rồi, cùng với các quyến thuộc mang những thức ăn ngon lành mau chóng đến chỗ Đức Phật, muốn dâng lên Đức Như Lai và Tỳ-kheo Tăng bữa cúng dường sau cùng. Họ mang đến chỗ Đức Phật đủ chủng loại phẩm vật đựng đầy trong các đồ đựng. Lúc này, có hàng trời, người với oai đức lớn ngăn ông và vây quanh giáp vòng, rồi nói: “Hãy dừng lại, ông Thuần-đà, ông chớ dâng các thức cúng dường”.

Bấy giờ, Đức Như Lai lại phóng ra vô lượng vô biên đủ loại ánh sáng. Chư Thiên, đại chúng gặp ánh sáng ấy rồi liền để cho ông Thuần-đà đến trước chỗ Đức Phật dâng các thức cúng dường. Khi ấy, hàng trời, người và các chúng sinh ai nấy đều tự lấy các thức cúng dường của mình mang theo đến trước Đức Phật, quỳ thẳng bạch:

–Cúi xin Đức Như Lai cho phép các vị Tỳ-kheo nhận những thức cúng dường này.

Các vị Tỳ-kheo biết đã đúng lúc nên sửa áo, mang bát, nhất tâm an tường. Bấy giờ, ông Thuần-đà vì Đức Phật và chúng Tăng bố thí đủ loại tòa sư tử báu, treo cờ phướn báu bằng lụa ngũ sắc, hương hoa, chuỗi ngọc. Khi ấy, ba ngàn đại thiên thế giới trang nghiêm vi diệu giống như đất nước An Lạc ở phương Tây. Lúc này, ông Thuần-đà đứng ở trước Đức Phật, ưu bi buồn bã, bạch Phật một lần nữa:

–Nguyện xin Như Lai rủ lòng thương xót chúng con sống lâu một kiếp hay non một kiếp!

Đức Phật bảo:

–Này Thuần-đà! Ông muốn cho Ta trụ thế lâu dài thì cần phải mau chóng dâng cúng đầy đủ Thí Ba-la-mật sau cùng

Bấy giờ, tất cả Đại Bồ-tát, các hàng trời, người, khác miệng cùng lời xướng lên như vầy: “Lạ thay! Ông Thuần-đà đã thành tựu đại phước đức nên có thể khiến cho Đức Như Lai nhận sự cúng dường vô thượng sau cùng của ông ấy. Chúng ta vô phước nên phẩm vật cúng dường đã sắm sửa trở thành uổng phí”.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn khiến cho nguyện vọng của tất cả chúng sinh được thỏa mãn nên ở trên thân mình, mỗi một lỗ chân lông hóa ra vô lượng Đức Phật. Mỗi một Đức Phật đều có vô lượng Tỳ-kheo Tăng. Các Đức Thế Tôn và vô lượng chúng này đều thị hiện nhận các thức cúng dường của những người ấy. Đức Thích Ca Như Lai tự thọ nhận phẩm vật cúng dường của ông Thuần-đà. Bấy giờ, thức ăn nấu chín bằng gạo ngon của ông Thuần-đà đựng đầy tám hộc nước Ma-giàđà, nhờ thần lực của Đức Phật nên đều cung ứng đầy đủ cho tất cả đại hội. Khi ấy, ông Thuần-đà thấy việc đó rồi lòng sinh vui mừng, hớn hở vô cùng. Tất cả đại chúng cũng như vậy. Bấy giờ, đại chúng nương Thánh chỉ của Đức Phật, đều nghĩ: “Đức Như Lai nay đã thọ sự cúng dường của chúng ta thì chẳng bao lâu nữa nhất định sẽ vào Niết-bàn”. Họ nghĩ như thế rồi, lòng phát sinh buồn vui lẫn lộn.

Khi ấy, khu đất nơi rừng cây tuy nhỏ hẹp nhưng do thần lực của Đức Phật nên dù là chỗ nhỏ như đầu mũi kim cũng đều có vô lượng chư Phật Thế Tôn và quyến thuộc ngồi thọ thực mà thức ăn cũng không sai khác.

Lúc đó, hàng trời, người, A-tu-la v.v… buồn than gào khóc: “Đức Như Lai ngày hôm nay đã thọ nhận lễ cúng dường sau cùng của chúng ta, thọ cúng dường rồi thì Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Chúng ta sẽ lại cúng dường cho ai? Chúng ta nay vĩnh viễn biệt ly Đấng Điều Ngự Vô Thượng! Hoàn toàn mù tối chẳng thấy gì!”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn an ủi tất cả đại chúng mà nói kệ:

Các ông chớ buồn than
Pháp chư Phật phải vậy
Ta đã vào Niết-bàn
Trải qua vô lượng kiếp.
Thường thọ vui tối thắng
Mãi ở chỗ yên ổn
Các ông hết lòng nghe
Ta sẽ nói Niết-bàn.
Ta đã lìa tưởng ăn
Trọn không khổ đói khát
Nay sẽ vì các ông
Nói nguyện tùy thuận ấy.
Khiến tất cả chúng sinh
Đều được vui yên ổn
Các ông nghe nên tu
Pháp chư Phật thường trụ.
Giả sử quạ, cú mèo
Đồng chung một cây đậu
Giống như anh em ruột
Vậy mới Niết-bàn hẳn.
Như Lai xem tất cả
Giống như La-hầu-la
Thường được chúng sinh tôn
Sao vĩnh viễn Niết-bàn?
Giả sử rắn, chuột, sói
Đồng ở chung một hang
Thương nhau như huynh đệ
Vậy mới Niết-bàn hẳn.
Như Lai xem tất cả
Giống như La-hầu-la
Thường được chúng sinh kính
Sao vĩnh viễn Niết-bàn?
Giả sử hoa Thất diệp
Chuyển thành Bà-sư hương
Ca-lưu thành Trấn-đầu
Vậy mới Niết-bàn hẳn.
Như Lai xem tất cả
Giống như La-hầu-la
Tại sao bỏ từ bi
Vĩnh viễn vào Niết-bàn!
Giả sử Nhất-xiển-đề
Hiện thân thành Phật đạo
Ở chỗ vui bậc nhất
Vậy mới vào Niết-bàn.
Như Lai xem tất cả
Giống như La-hầu-la
Sao mà bỏ từ bi
Vào Niết-bàn vĩnh viễn?
Giả sử tất cả chúng
Cùng lúc thành Phật đạo
Xa lìa những tội lỗi
Vậy mới vào Niết-bàn.
Như Lai xem tất cả
Giống như La-hầu-la
Vì sao bỏ từ bi
Vào Niết-bàn vĩnh viễn?
Giả sử nước tiểu muỗi
Ngấm tan hoại đại địa
Sông, hang, biển tràn trề
Vậy mới vào Niết-bàn.
Lòng bi xem tất cả
Đều như La-hầu-la
Thường được chúng sinh kính
Sao vĩnh viễn Niết-bàn?
Do đó nên các ông
Phải ưa sâu chánh pháp
Chẳng nên sinh ưu phiền
Mà kêu gào khóc lóc.
Muốn tự tu hành đúng
Thì tu Phật thường trụ
Nên quán pháp như vậy
Trường tồn chẳng biến dịch.
Lại nên nghĩ như vầy:
Tam bảo là thường trụ
Thì thành tựu hộ trì
Cầu cây khô ra quả.
Đó gọi là Tam bảo
Bốn chúng nên lắng nghe
Nghe rồi nên hoan hỷ
Liền phát tâm Bồ-đề.
Nếu cho là Tam bảo
Thường trụ đồng chân đế
Thì đó là thệ nguyền
Tối thượng của chư Phật.

Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di có thể dùng thệ nguyện tối thượng của Như Lai mà phát nguyện thì phải biết người đó không có ngu si, có thể nhận cúng dường do quả báo công đức của nguyện lực này, ở đời thì tối thắng như A-la-hán. Nếu có người chẳng thể quan sát rõ Tam bảo thường trụ như vậy thì chính là Chiên-đà-la. Nếu có người có thể biết Tam bảo thường trụ thì do nhân duyên thật pháp nên lìa khỏi khổ được an vui không ai nhiễu hại và có thể làm trở ngại được.

Bấy giờ, đại chúng trời, người, A-tu-la v.v… nghe pháp này rồi vui mừng hớn hở vô cùng, tâm ý điều hòa, khéo diệt hết các triền cái, lòng không cao thấp, oai nghi thanh tịnh, dung mạo vui vẻ, biết Phật thường trụ, nên họ thiết bày sự cúng dường theo cách chư Thiên, tung đủ thứ hoa, hương bột, hương xoa, tấu lên kỹ nhạc trời để cúng dường Đức Phật.

Lúc này, Đức Phật lại bảo Bồ-tát Ca-diếp:

–Này thiện nam! Ông có thấy việc hy hữu của chúng này không?

Bồ-tát Ca-diếp đáp:

–Thấy rồi, bạch Thế Tôn! Con thấy các Như Lai nhiều vô lượng vô biên chẳng thể xưng kể thọ bữa ăn mà các đại chúng hàng trời, người dâng lên cúng dường. Con còn thấy chỗ ngồi trang nghiêm của đại thân chư Phật như một mũi kim khâu với nhiều chúng vây quanh mà chẳng chướng ngại nhau. Con lại thấy đại chúng đều phát thệ nguyện, nói mười ba bài kệ. Con cũng biết đại chúng, ai cũng nghĩ: “Đức Như Lai hôm nay riêng thọ phẩm vật cúng dường của một mình ta”. Giả sử thức ăn dâng cúng của ông Thuần-đà nghiền nát như vi trần rồi dâng một vi trần đó cho một Đức Phật thì cũng chẳng cùng khắp được. Nhưng nhờ thần lực của Phật nên phẩm vật cúng của ông Thuầnđà đều làm đầy đủ cho tất cả đại chúng. Chỉ những vị Đại Bồ-tát như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử v.v… mới có thể biết việc hy hữu như vậy là do Như Lai thị hiện phương tiện. Con biết đại chúng Thanh văn và A-tu-la v.v… đều biết Như Lai là pháp thường trụ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thuần-đà:

–Ông nay có thấy việc này là hy hữu đặc biệt kỳ lạ không?

–Thật vậy, bạch Thế Tôn! Con trước đã thấy vô lượng những Đức Phật với thân trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nay thấy hết những vị Đại Bồ-tát với thân lớn thù diệu, dung mạo không gì sánh. Con chỉ thấy thân Đức Phật ví như cây thuốc, được chư Đại Bồ-tát vây quanh.

Đức Phật bảo Thuần-đà:

–Vô lượng Đức Phật mà ông đã thấy trước đó chính là do sự biến hóa của Ta, vì muốn tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ được vui mừng. Những Đại Bồ-tát như vậy có thể tu hành chẳng thể nghĩ bàn, có thể làm vô lượng những Phật sự. Này Thuần-đà! Ông nay đều đã thành tựu hạnh Đại Bồ-tát, được trụ ở Thập địa, việc làm của Bồ-tát đã hoàn thành đầy đủ.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời của Phật, ông Thuần-đà đã tu thành tựu hạnh Bồ-tát, con cũng tùy hỷ! Hôm nay Như Lai vì muốn vô lượng chúng sinh đời vị lai làm ánh sáng lớn nên nói kinh điển Đại Niết-bàn Đại Thừa này. Thưa Thế Tôn! Tất cả khế kinh đã nói có nghĩa nào khác hay không có nghĩa khác?

–Này thiện nam! Lời Ta nói thì cũng có nghĩa khác, cũng không có nghĩa khác!

Ông Thuần-đà bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói:

Những vật sở hữu
Bố thí hết đi
Chỉ dạy khen ngợi
Không nên chê bai.

Thưa Thế Tôn! Nghĩa đó ra sao? Trì giới, hủy giới có gì sai biệt?

Đức Phật dạy:

–Chỉ trừ một người, còn tất cả những người bố thí đều được khen ngợi.

Ông Thuần-đà hỏi:

–Sao gọi là “chỉ trừ một người”?

Đức Phật dạy:

–Như đã nói trong kinh này, là người phá giới.

Ông Thuần-đà lại thưa:

–Con nay chưa hiểu được! Cúi xin Phật nói rõ cho!

Đức Phật bảo ông Thuần-đà:

–Người phá giới gọi là Nhất-xiển-đề. Ngoài ra tất cả sự bố thí của những người khác đều được khen ngợi, thu hoạch được quả báo lớn.

Ông Thuần-đà lại hỏi:

–Nhất-xiển-đề thì nghĩa ấy ra sao?

Đức Phật bảo:

–Này Thuần-đà! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di phát khởi lời thô ác bài báng chánh pháp, đã tạo nghiệp nặng đó mà vĩnh viễn chẳng hối cải, không có hổ thẹn, thì những người như vậy gọi là những kẻ hướng đến con đường Nhất-xiển-đề. Nếu kẻ phạm bốn trọng cấm, tội ngũ nghịch, tự biết phạm việc nặng như vậy mà lòng không chút kinh sợ, tủi thẹn, chẳng chịu phát lộ, đối với chánh pháp của Phật vĩnh viễn không có lòng hộ trì, nuối tiếc, kiến lập, lời nói hủy báng khinh miệt, nhiều tội lỗi, thì những người như vậy cũng gọi là kẻ hướng về con đường Nhất-xiển-đề. Nếu người nào nói không có Phật, Pháp, Tăng thì những người ấy cũng gọi là hướng về con đường Nhấtxiển-đề. Chỉ trừ bọn Nhất-xiển-đề như thế này, ngoài ra những người bố thí khác tất cả đều được khen ngợi.

Bấy giờ, ông Thuần-đà lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Gọi là phá giới, nghĩa ấy thế nào?

Đức Phật bảo ông Thuần-đà:

–Như người phạm bốn trọng cấm và tội ngũ nghịch, bài báng chánh pháp v.v… những người như vậy gọi là phá giới.

Thuần-đà lại hỏi:

–Kẻ phá giới như vậy có thể cứu vớt chăng?

Đức Phật bảo Thuần-đà:

–Nếu có nhân duyên thì có thể cứu vớt. Nếu người mặc pháp phục còn chưa rời bỏ mà lòng thường mang tủi thẹn, kinh sợ, tự khảo trách: “Chao ôi, sao ta bị phạm trọng tội ấy! Lạ thay, sao ta lại tạo nghiệp khổ ấy”, rồi tự hối cải sâu xa, sinh lòng hộ pháp, muốn kiến tạo chánh pháp và nghĩ: “Nếu có người hộ pháp thì ta sẽ cúng dường. Nếu có người đọc tụng kinh điển Đại thừa thì ta sẽ thưa hỏi để thọ trì, đọc tụng; đã thông hiểu rồi lại vì người khác phân biệt tuyên nói rộng khắp”, thì ta nói người đó chẳng gọi là phá giới. Vì sao? Này thiện nam! Ví như mặt trời mọc có thể diệt trừ tất cả tối tăm của bụi che ngăn. Kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này xuất hiện, hưng thịnh ở đời cũng như vậy, có thể diệt trừ hết mọi tội đã làm trong vô lượng kiếp của chúng sinh. Vậy nên kinh này nói, hộ trì chánh pháp được quả báo lớn, cứu vớt phá giới. Nếu có người hủy báng chánh pháp này mà có thể tự hối cải quay trở về với pháp, tự nghĩ rằng, tất cả việc làm bất thiện như người tự hại mình, lòng sinh kinh sợ, tủi thẹn, trừ chánh pháp này ra không có ai cứu giúp, vậy cần phải quay trở về chánh pháp, nếu người có thể đúng như lời nói như vậy mà quy y, bố thí thì người này được phước không lường, cũng gọi là bậc xứng đáng thọ cúng dường của thế gian. Nếu người phạm tội nghiệp ác như trên mà hoặc qua một tháng hay mười lăm ngày, chẳng phát sinh lòng quy y, phát lồ, mà bố thí cho hạng người này thì quả báo rất ít. Người phạm tội ngũ nghịch cũng như vậy, có thể sinh lòng hối hận, bên trong mang tủi thẹn: “Nay ta đã tạo nghiệp bất thiện rất là khổ! Ta sẽ kiến lập và hộ trì chánh pháp” thì đó chẳng gọi là tội ngũ nghịch. Nếu bố thí cho người này thì được phước không lường. Người đã phạm tội ngũ nghịch rồi chẳng sinh lòng hộ pháp, quy y mà bố thí cho người đó thì phước chẳng là bao. Lại nữa, này thiện nam! Về người phạm trọng tội thì ông nay hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói rộng rãi, ông nên sinh tâm này: “Gọi là chánh pháp tức là tạng vi mật của Như Lai. Vậy nên ta phải hộ trì kiến lập”. Bố thí cho người này thì được quả báo thù thắng. Này thiện nam! Ví như người con gái mang thai gần sinh, gặp nước loạn lạc, tránh xa đến nước khác. Ở tại một ngôi miếu thờ trời, nàng liền sinh con và nuôi dưỡng. Về sau, nghe nước cũ yên ổn, giàu có hưng thịnh, nàng muốn mang con mình trở về quê cũ. Đường đi phải qua sông Hằng, nước lớn chảy xiết mà phải bồng con nên chẳng thể qua sông được, nàng liền tự nghĩ: “Ta thà cùng con chết chung một chỗ, chứ chẳng bỏ con mà qua sông một mình”. Nghĩ thế rồi nàng cùng con đều chìm chết. Sau khi mạng chung nàng liền sinh lên trời. Do lòng thương con, muốn cho con được qua sông mà người con gái vốn tánh tệ ác đó, nhờ lòng thương con nên được sinh lên trời. Người phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián mà sinh lòng hộ pháp cũng như vậy, tuy trước có làm nghiệp bất thiện, nhưng do hộ pháp nên được làm ruộng phước vô thượng của thế gian. Người hộ pháp này có phước báo không lường như vậy v.v…

Thuần-đà lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Nhất-xiển-đề có thể tự hối cải, cung kính, cúng dường, khen ngợi Tam bảo thì bố thí cho người như vậy có được đại quả báo không?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Ông nay chẳng nên nói lời như vậy! Này thiện nam! Ví như có người ăn trái cây Am-la, nhả hạt xuống đất mà lại nghĩ rằng trong hạt này chắc có vị ngọt, nên hắn liền lấy trở lại, đập vỡ mà ăn, nhưng vị của hạt ấy rất đắng, lòng sinh hối hận. Hắn sợ mất giống trái cây liền thu thập lại những hạt vỡ ấy rồi gieo vào đất, siêng năng gia công chăm bón, dùng váng sữa, dầu và sữa để tùy lúc tưới bón. Ý ông thế nào? Có chắc những hạt ấy mọc được không?

–Bạch Thế Tôn! Không! Giả sử trời mưa xuống nước cam lồ vô thượng cũng chẳng mọc được!

–Này thiện nam! Nhất-xiển-đề kia cũng như vậy, đã thiêu đốt, tiêu diệt hết căn lành thì sẽ ở chỗ nào mà được trừ diệt tội. Này thiện nam! Nếu người sinh lòng thiện thì đó chẳng gọi là Nhất-xiển-đề. Này thiện nam! Do nghĩa này nên tất cả quả báo của sự bố thí chẳng phải không sai biệt. Vì sao? Vì bố thí cho Thanh văn thì được quả báo khác, bố thí cho Phật-bích-chi thì cũng được quả báo khác, chỉ có cúng dường cho Như Lai là thu hoạch được quả vô thượng. Vậy nên nói rằng, tất cả sự bố thí chẳng phải không sai khác.

Thuần-đà lại nói:

–Vì sao Như Lai nói bài kệ này?

Đức Phật bảo Thuần-đà:

–Vì có nhân duyên nên Ta nói bài kệ này. Trong thành Vương-xá có một người Ưu-bà-tắc, lòng không tịnh tín, phụng sự giáo phái Nikiền, ông ấy đến hỏi Ta về ý nghĩa của bố thí. Do nhân duyên này nên Ta nói bài kệ đó, Ta cũng vì những vị Đại Bồ-tát nói nghĩa của tạng bí mật. Bài kệ ấy ý nghĩa thế nào? Tất cả là một phần ít của tất cả, ông phải biết, Đại Bồ-tát là kẻ hùng trong loài người, thâu giữ kẻ trì giới và bố thí sự cần dùng cho họ, xả bỏ kẻ phá giới như trừ bỏ cỏ bông kê. Lại nữa, này thiện nam! Như Ta thuở xưa đã nói kệ:

Tất cả sông ngòi
Ắt có khúc quanh
Tất cả rừng rậm
Ắt có cây cối
Tất cả người nữ
Ắt lòng dối quanh
Tất cả tự tại
Ắt thọ an lành.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi liền đứng dậy, trật áo vai phải, gối phải quỳ xuống đất, trước lễ dưới chân Phật rồi nói kệ:
Chẳng phải mọi sông
Đều có khúc quanh
Chẳng phải mọi rừng
Đều là cây cối
Chẳng phải nữ nhân
Lòng đều dối quanh
Tất cả tự tại
Chưa chắc an lành.

Bài kệ Đức Phật đã nói, nghĩa ấy có khác. Nguyện xin Thế Tôn rủ lòng thương xót nói lên cái nhân duyên ấy! Vì sao? Bạch Thế Tôn! Ở ba ngàn đại thiên thế giới này có châu tên là Câu-gia-ni. Châu ấy có sông ngay thẳng chẳng quanh co tên là Ta-bà-gia. Nó giống như sợi dây thẳng, chảy vào biển phía Tây. Như vậy tướng của dòng sông này khác với trong kinh mà Phật đã từng nói. Nguyện xin Như Lai nhân trong kinh Phương Đẳng A Hàm này, nói có nghĩa khác, khiến cho các Bồ-tát tin hiểu sâu xa về vấn đề đó. Thưa Thế Tôn! Ví như có người trước biết quặng vàng mà sau chẳng nhận thức được vàng. Như Lai cũng vậy, biết hết pháp rồi mà sự diễn nói có cái khác chẳng hết. Đức Như Lai tuy nói lời khác như vậy nhưng cần phải phương tiện lý giải ý thú của vấn đề ấy. Tất cả rừng rậm nhất định là có cây cối nhưng rừng đó cũng có cái khác. Vì sao? Vì đủ thứ cây báu như vàng, bạc, lưu ly v.v… đó cũng gọi là rừng. Tất cả nữ nhân nhất định mang lòng dua nịnh quanh co, điều này cũng có khác. Vì sao? Vì cũng có nữ nhân khéo gìn giữ giới cấm, thành tựu công đức, có đại từ bi. Tất cả đấng Tự Tại nhất định thọ hưởng an vui, điều này cũng có khác. Vì sao? Vì có đấng Tự Tại như Chuyển luân Thánh vương, là Pháp vương Như Lai chẳng thuộc phạm vi ma chết, chẳng thể diệt tận. Như còn Phạm vương, Đế thích, chư Thiên v.v… tuy được tự tại nhưng đều là vô thường. Nếu được thường trụ, không biến dịch thì mới gọi là tự tại như là Đại Bát Niết Bàn Đại Thừa.

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Ông nay biện tài rất khéo. Nhưng ông hãy dừng lại, lắng nghe! Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như ông trưởng giả, thân mắc bệnh khổ. Lương y chẩn bệnh, rồi vì ông hòa hợp thuốc cao. Khi đó, người bệnh tham muốn uống nhiều thuốc. Vị lương y nói với người bệnh: “Nếu có thể tiêu hóa thì nên uống tùy ý. Ông nay thân thể gầy yếu, chẳng nên uống nhiều. Ông phải biết thuốc cao này cũng gọi là cam lồ mà cũng gọi là thuốc độc. Nếu uống nhiều mà chẳng tiêu hóa thì gọi là độc dược”. Này thiện nam! Ông nay chớ cho là lời nói của vị thầy thuốc đó trái với nghĩa lý, làm tổn thất thế lực của thuốc cao. Này thiện nam! Như Lai cũng vậy, vì các quốc vương, hậu phi, thái tử, vương tử, đại thần mà nhân cái tâm kiêu mạn của vương tử, hậu phi… của vua Ba-tư-nặc, vì muốn điều phục họ nên thị hiện làm cho sợ hãi như vị lương y kia nên Ta nói kệ:

Tất cả sông ngòi
Ắt có khúc quanh
Tất cả rừng rậm
Ắt có cây cối
Tất cả người nữ
Ắt lòng dối quanh
Tất cả tự tại
Ắt họ an lành.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông nay phải biết, lời nói của Như Lai không có sai lầm. Như đại địa này có thể làm cho lật úp, nhưng lời nói của Như Lai nhất định không sai lầm. Do nghĩa này nên lời nói của Như Lai tất cả có khác.

Bấy giờ, Đức Phật khen ngợi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông biết ý nghĩa như vậy đã lâu nhưng vì thương xót tất cả, muốn khiến cho chúng sinh được trí tuệ nên rộng hỏi Như Lai về ý nghĩa của bài kệ như vậy.

Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử lại ở trước Đức Phật mà nói kệ:

Đối với lời người khác
Tùy thuận chẳng chống trái
Cũng chẳng xem người khác
Làm hay là chẳng làm
Chỉ tự quán thân mình
Làm thiện hay bất thiện.

Bạch Thế Tôn! Như vậy pháp dược này chẳng phải là chánh thuyết mà chỉ đối với lời nói người khác thuận theo, chẳng nghịch lại thôi. Cúi xin Như Lai rủ lòng thương xót mà chánh thuyết cho. Vì sao? Thưa Thế Tôn! Vì Thế Tôn thường nói, tất cả chín mươi lăm thứ ngoại học đều hướng đến con đường ác. Các đệ tử Thanh văn đều hướng về đường chánh như hộ trì giới cấm, giữ lấy oai nghi, hộ trì cẩn thận các căn. Những người như vậy rất ưa thích đại pháp, hướng đến thiện đạo mà vì sao Như Lai ở trong chín bộ loại kinh điển thấy có người hủy báng người khác thì liền quở trách? Như vậy ý nghĩa bài kệ là hướng đến chỗ nào?

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Này thiện nam! Ta nói bài kệ này cũng chẳng vì tất cả chúng sinh. Bấy giờ Ta chỉ vì vua A-xà-thế. Chư Phật Thế Tôn, nếu không nhân duyên thì nhất định chẳng nói nghịch, vì có nhân duyên nên mới nói như vậy. Này thiện nam! Vua A-xà-thế hại cha ông ấy rồi đi đến chỗ của Ta, muốn bắt bẻ Ta mà hỏi như vầy: “Thế nào? Thế Tôn là Nhất thiết trí hay chẳng phải là Nhất thiết trí? Nếu là Nhất thiết trí thì ông Điều-đạt thuở xưa, trong vô lượng đời thường mang lòng ác, theo đuổi Như Lai, muốn làm nghịch hại Như Lai mà vì sao Như Lai còn cho ông ấy xuất gia?”. Này thiện nam! Do nhân duyên này nên Ta vì vị vua đó mà nói kệ này:

Đối với lời người khác
Tùy thuận chẳng chống trái
Cũng chẳng xem xét họ
Làm hay là chẳng làm
Chỉ tự quán thân mình
Làm thiện hay bất thiện.

“Này đại vương! Ông nay hại cha, đã tạo tác tội nghịch vô gián rất nặng, cần phải phát lồ để cầu thanh tịnh, thì dựa vào đâu để thấy tội lỗi của người khác?”.

Này thiện nam! Do nghĩa này nên Ta vì vị vua đó mà nói bài kệ này. Lại nữa, này thiện nam! Cũng vì hộ trì người chẳng hủy giới cấm thành tựu oai nghi, mà thấy lỗi người khác nên Ta nói bài kệ đó. Nếu lại có người lãnh thọ lời dạy bảo của người khác, xa lìa mọi ác, rồi lại dạy cho người khác nữa xa lìa mọi ác thì người như vậy tức là đệ tử của Ta.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại nói kệ:

Tất cả sợ gậy, đao
Không ai chẳng yêu mạng
Lấy mình mà suy ra
Chớ giết, chớ đánh đập.

Lúc ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại ở trước Đức Phật mà nói kệ:

Chẳng phải tất cả sợ đao, gậy
Chẳng phải tất cả yêu thân mạng
Hãy tự lấy mình mà suy ra
Siêng năng thực hành phương tiện lành.

Đức Như Lai nói ý nghĩa câu pháp này cũng là chưa rốt ráo. Vì sao? Vì như A-la-hán, Chuyển luân Thánh vương, ngọc nữ, voi, ngựa báu, đại thần chủ kho mà hàng trời, người và A-tu-la cầm gươm bén có thể hại họ được thì đó là điều không có. Dũng sĩ, liệt nữ, ngựa chúa, thú chúa, Tỳ-kheo trì giới, tuy có kẻ nghịch đến hại mà chẳng kinh sợ. Do nghĩa này nên Như Lai nói kệ cũng tương đối. Nếu nói rằng, suy mình để làm điển hình thì cũng là tương đối. Vì sao? Vì nếu A-la-hán lấy mình ví cho người kia thì có tưởng về ngã và cả tưởng về mạng. Nếu có tưởng về ngã và cả tưởng về mạng thì lẽ ra phải giữ gìn và phàm phu lẽ ra cũng thấy A-la-hán là người tu hành. Nếu như vậy tức là tà kiến. Nếu có tà kiến thì mạng chung sẽ sinh vào địa ngục A-tỳ. Lại nữa, giả sử A-la-hán đối với chúng sinh phát sinh lòng hại thì đó là điều không có. Vô lượng chúng sinh cũng không thể hại A-la-hán.

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Nói tưởng về ngã là nói đối với chúng sinh phát sinh lòng đại bi, không có tư tưởng giết hại, là nói A-la-hán có lòng bình đẳng. Ông chớ cho là Thế Tôn không có nhân duyên mà nói nghịch. Ngày xưa ở trong thành Vương-xá này, có người thợ săn bậc thầy giết nhiều bầy nai mời Ta ăn thịt. Bấy giờ, Ta tuy nhận lời mời của người đó, nhưng đối với các chúng sinh phát sinh lòng từ bi như thương La-hầu-la mà nói kệ:

Sẽ khiến ngươi trường thọ
Mãi mãi trụ thế gian
Thọ trì pháp chẳng hại
Như thọ mạng Thế Tôn.
Do đó nên Ta nói kệ:
Tất cả sợ gậy đao
Không ai chẳng yêu mạng
Lấy mình mà suy ra
Chớ giết, chớ đánh đập.

Đức Phật dạy:

–Hay thay! Hay thay! Này Văn-thù-sư-lợi! Ông vì các vị Đại Bồtát nên hỏi Như Lai về mật giáo như vậy.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại nói kệ:

Sao gọi kính cha mẹ
Thuận theo và tôn trọng
Sao tu tập pháp này
Mà đọa ngục vô gián?

Đến đây, Đức Như Lai dùng kệ đáp:

Nếu tham ái là mẹ
Vô minh lấy làm cha
Thuận theo tôn trọng đó
Thì đọa ngục vô gián.

Khi đó, Đức Như Lai lại vì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, một lần nữa nói kệ:
Tất cả thuộc người khác
Thì gọi đó là khổ
Tất cả đều do mình
Tự tại thì an lạc
Tất cả ai kiêu mạn
Thế lực rất bạo tàn
Những người mà hiền thiện
Tất cả đều yêu thương.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lời nói này của Như Lai cũng chưa rốt ráo. Cúi xin Như Lai lại rủ lòng thương xót nói về nhân duyên ấy. Vì sao? Vì như con ông trưởng giả khi theo thầy học thì có bị lệ thuộc vào thầy không? Nếu lệ thuộc vào thầy thì nghĩa chẳng thành tựu, nếu chẳng lệ thuộc thì cũng chẳng thành tựu, nếu được tự tại cũng chẳng thành tựu. Vậy nên lời nói của Như Lai cũng tương đối. Lại nữa, bạch Thế Tôn! Ví như vị vương tử không có tập làm quen mọi việc, khi chạm đến việc thì chẳng thành. Đó cũng là tự tại nhưng ngu tối thường khổ. Như vậy vị vương tử đó nếu nói tự tại thì nghĩa cũng chẳng thành, hoặc nói rằng lệ thuộc vào người khác thì nghĩa cũng chẳng thành. Do đó nên ý nghĩa lời nói của Phật gọi là chưa rốt ráo. Vậy nên tất cả lệ thuộc vào người khác chưa chắc là thọ khổ và tất cả tự tại chưa chắc là thọ lạc. Tất cả kẻ kiêu mạn có thế lực rất bạo ác thì cũng chưa rốt ráo. Bạch Thế Tôn! Như các liệt nữ lòng kiêu mạn nên xuất gia học đạo, hộ trì giới cấm, thành tựu oai nghi, thâu giữ các căn chẳng cho giong ruổi tán loạn. Vậy nên tất cả bị kiêu mạn trói buộc chưa chắc là bạo ác. Người hiền thiện được tất cả ái mọi người thương mến cũng chưa phải là điều rốt ráo. Như người, bên trong phạm bốn trọng cấm rồi mà chẳng bỏ pháp phục, kiên trì oai nghi, người hộ trì chánh pháp thấy được rồi thì chẳng ưa thích, người đó sau khi mạng chung nhất định đọa vào địa ngục. Nếu có người hiền phạm bốn trọng cấm, người hộ pháp thấy thì liền đuổi đi, bãi đạo hoàn tục. Do nghĩa này nên tất cả người hiền thiện chưa chắc được mọi người thương mến.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Có nhân duyên nên Như Lai đối với điều này nói cũng tương đối. Lại có nhân duyên nên các Đức Phật Như Lai nói pháp này. Ở thành Vương-xá có một người con gái tên là Thiện Hiền, khi trở về nhà cha mẹ, nhân đến chỗ Ta, quy y với Ta và Pháp cùng chúng Tăng rồi nói: “Tất cả nữ nhân chẳng tự do còn tất cả nam tử tự tại vô ngại”. Bấy giờ, Ta biết lòng của người con gái này, liền vì cô ấy tuyên nói bài kệ tụng như vậy. Này Văn-thù-sư-lợi! Hay thay! Hay thay! Ông nay có thể vì tất cả chúng sinh hỏi Như Lai về mật ngữ như vậy. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại nói kệ:

Tất cả những chúng sinh
Nhờ ăn uống mà sống
Tất cả người mạnh mẽ
Lòng họ không ghét ghen
Tất cả nhân ăn uống
Mà bệnh khổ phải mang
Tất cả tu tịnh hạnh
Nên được hưởng an lạc.

Như vậy, bạch Thế Tôn! Hôm nay Thế Tôn thọ bữa cơm cúng dường của ông Thuần-đà phải chăng Như Lai có sự kinh sợ?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại vì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi mà nói kệ:

Chẳng phải mọi chúng sinh
Đều nhờ ăn uống sống
Chẳng phải mọi người mạnh
Lòng đều không ghét ghen
Chẳng phải do ăn uống
Mà bị các bệnh khổ
Chẳng phải mọi tịnh hạnh
Đều được hưởng an lạc.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu ông bị bệnh thì Ta cũng như vậy, bị bệnh khổ. Vì sao? Vì các A-la-hán và Phật-bích-chi, Bồ-tát, Như Lai thật ra không có sự ăn uống, nhưng vì muốn hóa độ những chúng sinh kia nên thị hiện thọ dụng vô lượng vật bố thí của chúng sinh, khiến cho những người ấy đầy đủ Thí Ba-la-mật, và nhằm cứu vớt địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu nói rằng, Như Lai sáu năm khổ hạnh, thân hình gầy còm thì đó là điều không đáng. Chư Phật Thế Tôn một mình cứu vớt các cõi, chẳng đồng với hạng phàm phu thì sao mà tấm thân gầy yếu? Chư Phật Thế Tôn tinh cần tu tập, đạt được thân kim cương chẳng đồng với thân mong manh của người đời. Những đệ tử của Ta cũng như vậy, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng nương vào ăn uống. Nói tất cả người có sức mạnh không ghen ghét thì cũng chưa rốt ráo. Như có người thế gian trọn đời không có lòng ganh ghét mà không có sức mạnh. Nói tất cả bệnh khổ nhân ăn uống mà bị thì cũng chưa rốt ráo. Vì Ta cũng thấy có người bị bệnh do khách quan như là dao, gươm, mâu, kích đâm chém. Nói tất cả người tịnh hạnh đều thọ yên vui thì cũng chưa rốt ráo. Vì trong thế gian cũng có người ngoại đạo tu hành phạm hạnh mà vẫn chịu nhiều khổ não. Do nghĩa này nen baì kệ trước đây mà Như Lai nói là tương đối. Đó gọi là Như Lai do có nhân duyên mà nói kệ này. Nhân duyên đó là, ngày xưa ở nước Ưu-thiền-ni có vị Bà-la-môn tên là Cổđê-đức đi đến chỗ Ta, muốn thọ pháp Bát trai giới. Bấy giờ, Ta vì ông ấy nói kệ đó.

Bấy giờ, Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là nghĩa tương đối? Sao gọi là nghĩa nhất thiết?

–Này thiện nam! Nhất thiết là, chỉ trừ pháp trợ đạo, còn thường, lạc, pháp thiện là tất cả, cũng gọi là tuyệt đối. Ngoài ra các pháp khác cũng gọi là tương đối, cũng gọi là tuyệt đối, là muốn khiến cho các thiện nam ưa pháp, biết nghĩa tương đối và tuyệt đối này.

Bồ-tát Ca-diếp lòng rất vui mừng, vô cùng phấn khởi, bạch Phật:

–Lạ thay! Thế Tôn bình đẳng xem chúng sinh như La-hầu-la!

Bấy giờ, Đức Phật khen Bồ-tát Ca-diếp:

–Hay thay! Hay thay! Cái thấy của ông hôm nay thật sâu xa vi diệu.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Như Lai nói về công đức sở đắc của kinh điển Đại Niết-bàn Đại Thừa này.

Đức Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp:

–Này thiện nam! Nếu có người được nghe tên kinh này thì công đức sở đắc chẳng phải là điều mà các Thanh văn, Phật-bích-chi có thể nói được, chỉ có Phật mới có thể biết. Vì sao? Vì chẳng thể nghĩ bàn, vì chính là cảnh giới của Phật, huống nữa là công đức của người thọ trì, đọc tụng, lưu hành và ghi chép kinh này.

Bấy giờ, chư Thiên, người đời và A-tu-la liền ở trước Đức Phật, khác miệng đồng lời nói kệ:

Chư Phật khó nghĩ bàn
Pháp, Tăng cũng như vậy
Vậy nên nay kính thỉnh
Phật lưu lại giây lát
Đợi Tôn giả A-nan
Tôn giả Đại Ca-diếp
Quyến thuộc hai chúng trên
Chẳng bao lâu sẽ đến
Cùng vua A-xà-thế
Quốc chủ nước Ma-kiệt
Kính tin Phật hết lòng
Vẫn còn chưa đến đây
Nguyện xin Phật Thế Tôn
Thương xót trụ giây lát
Ở trong đại chúng này
Dứt lưới nghi chúng con.

Lúc này, Đức Như Lai vì các đại chúng mà nói kệ:

Trưởng tử trong pháp Ta
Tên là Đại Ca-diếp
Và A-nan tinh cần
Hay đoạn mọi nghi hoặc.
Các ông nên biết rõ
A-nan bậc đa văn
Tự nhiên hiểu rõ được
Pháp thường và vô thường
Do vậy mà chẳng nên
Lòng mang ưu não lớn!

Bấy giờ, đại chúng đem đủ thứ phẩm vật cúng dường Đức Như

Lai. Cúng dường Đức Phật rồi, họ liền phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vô lượng vô biên hằng hà sa số những Bồ-tát v.v… được trụ ở bậc sơ địa. Lúc này, Đức Thế Tôn thọ ký cho Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Ca-diếp và ông Thuần-đà. Thọ ký xong, Đức Phật dạy:

–Này các thiện nam! Các ông hãy tự tu tâm mình, cẩn thận chớ buông lung. Nay Ta đau lưng, toàn thân đều đau nhức. Ta nay muốn nằm nghỉ như đứa trẻ và như người bệnh thường. Này Văn-thù! Các ông phải vì bốn bộ chúng diễn nói đại pháp rộng rãi. Nay Ta đem pháp này phó chúc cho ông. Cho đến khi Ca-diếp và A-nan đến thì ông lại phải đem chánh pháp như vậy phó chúc cho họ.

Khi Đức Như Lai nói lời này rồi, vì muốn điều phục các chúng sinh nên Như Lai hiện thân có bệnh, nằm nghiêng hông phải như người bệnh.