PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 15: ĐỐI TƯỢNG DUYÊN
Khi ấy Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như pháp mà Thế Tôn đã nói, phải chăng con đối với lời dạy của Như Lai có trái nghịch? Hay là tùy thuận? Lời Như Lai nói thật vô cùng sâu xa rộng lớn, lời Như Lai nói thật vô cùng sâu xa, bí mật. Tất cả thế gian khó tin, khó hiểu thấu được tận nguồn gốc của nó. Bạch Thế Tôn! Tâm của các Như Lai là chân thật quyết định. Con đây hiểu biết được pháp thậm thâm mà Như Lai đã nói, đều là nhờ trí thù thắng của Như Lai ở trong thân con. Đó chẳng phải là con có sẵn lực dụng sĩ phu.
Phật bảo Bí mật chủ:
–Đúng vậy, đúng vậy! Thật đúng như lời ông vừa nói! Vì sao? Nay ông nên biết! Các Đức Như Lai an lập, thí dụ, diễn nói các pháp, mà các chúng sinh đều có trí thù thắng của Như Lai trong thân. Vì sao? Này Bí mật chủ! Chúng sinh ở khắp nơi theo nghe pháp bí mật trong lời dạy của Như Lai, nếu các chúng sinh ấy không tiếp nhận sức gia trì của Như Lai, mà có thể tùy thuận pháp tánh của Như Lai, thì việc này không thể xảy ra.
Lại nữa, các chúng sinh đối với pháp thậm thâm bí mật của Như Lai đã nói, hoặc nghe, hoặc nói, hoặc hiểu biết, đều là do sức gia trì của Như Lai.
Lại nữa, này Bí mật chủ! Chánh ngữ của Như Lai khi diễn nói, nên biết là từ pháp tánh như thật, pháp tánh chân thường của Như Lai. Lại cũng từ sở hành như thật, sở hành chân thường Như Lai. Thế nên Như Lai dùng chánh ngữ để nói chánh pháp.
Này Bí mật chủ! Chư Phật Thế Tôn trong quá khứ, vị lai, hiện tại vì tất cả thế gian khó tin, khó hiểu chánh pháp Chánh đẳng chánh giác như vậy nên tuyên nói, dẫn dắt, rộng vì họ khai thị. Chúng sinh ấy nếu đối với chánh pháp thậm thâm khó tin, khó hiểu như vậy mà nghe rồi có thể sinh ra tin hiểu. Nên biết các chúng sinh ấy, không phải đã theo hầu gần gũi với một Đức Phật, mười Đức Phật mà đã từng ở chỗ trăm ngàn ức triệu Đức Phật theo hầu gần gũi. Nên biết, người này là Bồ-tát siêng tu phước hạnh.
Lại nữa, này Bí mật chủ! Giả sử khi núi chúa Tu-di bị sụp đổ thì làm sao có người hoặc dùng đỉnh đầu, vai mà mang vác. Nếu chúng sinh ấy không trồng căn lành mà có thể đối với chánh pháp thậm thâm như vậy khởi lên một niệm tin hiểu thanh tịnh, thì không có điều đó. Huống nữa là thọ trì đọc tụng, theo lời dạy tu hành.
Lại nữa, này Bí mật chủ! Nếu có chúng sinh có thể đối với chánh pháp Đại thừa, nghe rồi tin hiểu. Nên biết người này không phải đã theo hầu gần gũi một Đức Phật mà đã từng theo hầu gần gũi nhiều Đức Phật, đã rộng tu các thắng hạnh, gieo trồng căn lành trong pháp Đại thừa.
Khi ấy Đại Bồ-tát Tịch Tuệ đến trước Phật bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Như Phật Thế Tôn nói pháp Cận chỉ, nghĩa ấy thế nào mà gọi là Cận chỉ? Pháp Cận chỉ này từ đâu mà đến?
Đức Phật dạy:
–Này thiện nam! Cận chỉ tức là chấm dứt ý tưởng phiền não. Chấm dứt phiền não tức là chấm dứt ý tưởng tư duy phân biệt biến kế. Chấm dứt tư duy phân biệt biến kế tức là chấm dứt ý tưởng tác ý. Chấm dứt tưởng tác ý tức là chấm dứt ý tưởng điên đảo. Chấm dứt điên đảo tức là chấm dứt nguyên nhân duyên theo đối tượng. Chấm dứt nguyên nhân duyên theo đối tượng tức là chấm dứt ý tưởng vô minh, hữu ái. Chấm dứt vô minh, hữu ái tức là chấm dứt ý tưởng ngã, ngã sở. Chấm dứt ngã, ngã sở tức là chấm dứt ý tưởng danh sắc. Chấm dứt danh sắc tức là chấm dứt ý tưởng đoạn, thường kiến. Chấm dứt đoạn, thường kiến tức là chấm dứt ý tưởng hữu thân kiến.
Tịch Tuệ nên biết! Nếu tương ưng với kiến chấp về nguyên nhân duyên theo đối tượng, tức là các phiền não cũng tùy chuyển, tất cả đều từ nơi hữu thân kiến mà khởi. Nếu ai có khả năng chấm dứt hữu thân kiến, thì các kiến ấy chấm dứt. Nếu chấm dứt hữu thân kiến, thì tất cả nguyện cầu cũng chấm dứt. Nếu chấm dứt hữu thân kiến, thì các phiền não cũng dứt.
Tịch Tuệ! Ví như cây lớn bị chặt hết rễ thì tất cả cành, nhánh, lá đều bị khô héo. Hữu thân kiến này cũng lại như vậy. Nếu đã đạt pháp Cận chỉ, thì các phiền não cũng chấm dứt.
Tịch Tuệ nên biết! Bởi do ban đầu chúng sinh không hiểu rõ hữu thân kiến, cho nên các thứ phiền não cứ bám theo đó mà sinh. Nếu người nào có khả năng hiểu rõ hữu thân kiến, thì các thứ phiền não đeo bám không theo đó phát sinh và cũng không bị nó làm hại.
Bồ-tát Tịch Tuệ bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Làm sao để hiểu rõ hữu thân kiến?
Đức Phật đáp:
–Này Tịch Tuệ! Nếu thấy ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả v.v… mà không khởi, thì mới có thể hiểu rõ hữu thân kiến.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Hữu thân kiến không trụ bên trong, không trụ bên ngoài cũng không trụ bất cứ nơi nào. Do không trụ cho nên thấy không chỗ trụ. Tịch Tuệ! Trí vô trụ ấy hiểu rõ hữu thân kiến kia một cách như thật.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Hữu thân kiến tức là ý tưởng không. Nếu người nào tùy thuận với không trí nhẫn, thì không bị chấp thủ kiến. Như vậy người này hiểu rõ hữu thân kiến một cách như thật.
Lại nữa, hữu thân kiến tức là thấy vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sinh, vô khởi v.v… cái thấy này không bị chấp thủ. Đây tức là hiểu biết hữu thân kiến một cách như thật.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Hữu thân kiến tức là không thân, chẳng phải khai, chẳng phải hợp, tất cả đều là phân biệt không thật. Do phân biệt không thật, cho nên không có phân biệt cũng không lìa phân biệt. Do không phân biệt, không lìa phân biệt cho nên không có đối tượng tạo tác, không chướng, không khởi. Do không khởi cho nên không có đối tượng để hành. Do không đối tượng hành cho nên mới gọi là Cận chỉ.
Bồ-tát Tịch Tuệ thưa:
–Sao gọi là Cận tịch?
Đức Phật đáp:
–Này Tịch Tuệ! Có đối tượng duyên theo thì tâm như lửa đốt; nếu không có đối tượng để duyên và đối tượng tạo tác thì không có thiêu đốt, không có pháp thiêu đốt thì gọi là Cận tịch.
Khi lửa cháy dữ, lại thêm củi vào thì lửa càng bốc lên. Nếu không có củi thì lửa liền tắt. Lửa của tâm duyên theo đối tượng cháy cũng lại như vậy. Nếu không có tâm duyên theo đối tượng thì lửa tự tắt.
Tịch Tuệ! Bồ-tát đầy đủ phương tiện khéo léo, đối với các pháp duyên vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh, hiểu rõ pháp bình đẳng thù thắng không diệt mất duyên căn lành, ngăn chặn không để khởi lên duyên nhiễm pháp phiền não, luôn tinh tấn với pháp Ba-la-mật-đa thù thắng, vĩnh viễn đoạn diệt duyên nhiễm pháp ma nghiệp phiền não, không bao giờ rời bỏ pháp duyên theo Bồ-đề phần thanh tịnh, không chấp trước vào duyên ý lạc của Thanh văn, Duyên giác, không rời bỏ pháp đối tượng duyên với tâm Nhất thiết trí tối thượng, quán niệm, tư duy thật rõ ràng, sâu sắc về không có đối tượng duyên theo, mong muốn khởi phát duyên tâm đại Bi với tất cả chúng sinh.
Tịch Tuệ nên biết! Bồ-tát đầy đủ phương tiện khéo léo, đối với các pháp duyên theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh đều được tự tại; với đối tượng duyên không sinh khởi liền tư duy quyết định; với đối tượng duyên hòa hợp sinh khởi cũng không nhàm chán lìa bỏ; với đối tượng duyên không tạo tác mà lại thể nhập; với đối tượng duyên thực thi các căn lành đều khiến cho thông suốt; với đối tượng duyên không có tướng liền khéo tư duy chọn lấy; với đối tượng duyên theo tâm Bồ-đề thì vĩnh viễn không chán lìa; với đối tượng duyên vô nguyện liền dùng tuệ chân chánh quán sát; với đối tượng duyên theo ba cõi thì không sinh chán bỏ.
Bồ-tát dùng trí tuệ phương tiện đối với tất cả các đối tượng duyên theo không sinh khởi kia đều tự tại chuyển hóa. Nếu thấy đối tượng duyên bất tịnh liền trụ vào thân tâm thanh tịnh của Như Lai. Nếu duyên với vô thường thì trụ vào tâm không mệt mỏi đối với sinh tử. Nếu duyên với khổ sở thì khiến tất cả chúng sinh trụ vào tâm bình đẳng khoái lạc Niết-bàn. Nếu duyên với vô ngã thì trụ vào tâm đại Bi đối với tất cả chúng sinh. Nếu duyên với tham, thì ở trong chúng sinh có tâm tham, trụ tâm, dùng thuốc hay thanh tịnh mà khai sáng. Nếu duyên với sân thì ở trong chúng sinh có tâm sân, trụ tâm dùng thuốc Từ để khai sáng. Nếu duyên với si thì ở trong chúng sinh có tâm si, trụ tâm, đem thuốc hay duyên sinh để khai sáng. Nếu duyên với đẳng phần, thì ở trong chúng sinh đẳng phần, trụ tâm dùng thuốc hay vô thường tưởng để khai sáng. Nếu duyên với tâm lìa tham thì trụ tâm trong pháp Thanh văn để khai hóa. Nếu duyên với tâm lìa sân thì trụ tâm trong pháp Duyên giác để khai hóa. Nếu duyên với tâm lìa si thì trụ tâm trong pháp Bồ-tát để khai hóa. Nếu duyên với sắc thì trụ tâm liền được sắc tướng tối thượng của Như Lai. Nếu duyên với thanh thì trụ tâm liền được âm thanh vi diệu của Như Lai. Nếu duyên với hương thì trụ tâm liền được giới hương thanh tịnh của Như Lai. Nếu duyên với vị thì tâm liền được tất cả vị tối thượng trong các vị tướng đại nhân thù thắng thanh tịnh của Như Lai. Nếu duyên với xúc, thì trụ tâm liền được tay chân mềm mại mịn màng của Như Lai. Nếu duyên với pháp thì trụ tâm quyết định được tất cả pháp của Như Lai. Nếu duyên với thí thì trụ vào tâm liền được tướng tối thượng của Như Lai. Nếu duyên với Giới thì trụ vào tâm đối với cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Nếu duyên với Nhẫn thì trụ tâm liền được Phạm âm thân tướng vàng ròng vi diệu thanh tịnh. Nếu duyên với Tinh tấn thì trụ vào tâm cứu độ tất cả chúng sinh. Nếu duyên với Định thì trụ vào tâm khởi lên thần thông diệu dụng. Nếu duyên với Tuệ thì trụ vào tâm đoạn tất cả phiền não các kiến chấp tương tục của chúng sinh. Nếu duyên với Từ thì trụ tâm khởi lên sự không chướng ngại đối với tất cả chúng sinh. Nếu duyên với Bi thì trụ tâm khởi lên sự hộ trì chánh pháp. Nếu duyên với Hỷ thì trụ tâm khởi lên hoan hỷ thuyết pháp. Nếu duyên với Xả thì trụ vào tâm lìa các sự trái thuận, thành tựu tất cả sự nghiệp của chúng sinh. Nếu duyên với bốn Nhiếp pháp thì trụ tâm khởi lên sự thành thục tất cả chúng sinh.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Nếu các Bồ-tát muốn đối trị với đối tượng duyên lỗi lầm keo kiệt thì khởi và trụ tâm xả hết tất cả sở hữu của chính mình. Nếu vì đối trị với đối tượng duyên lỗi lầm phá giới thì khởi và trụ tâm trì giới. Nếu vì đối trị với đối tượng duyên lỗi lầm sân nhuế thì khởi và trụ tâm nhẫn nhục kiên cố. Nếu vì đối trị với đối tượng duyên lỗi lầm biếng nhác thì khởi và trụ tâm tinh tấn thành tựu lực thù thắng của Như Lai. Nếu vì đối trị với đối tượng duyên lỗi lầm tán loạn thì khởi và trụ tâm để được thiền định của Như Lai. Nếu vì đối trị với đối tượng duyên lỗi lầm nhiễm tuệ thì khởi và trụ tâm vào viên mãn trí vô ngại. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên của Thanh văn thì khởi và trụ tâm tích tập Đại thừa. Nếu vì đối tượng duyên nhàm chán thì khởi và trụ tâm không tạo các tội. Nếu vì đối tượng duyên ác thú thì khởi và trụ tâm, trong khoảng sát-na cứu độ các ác thú. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên cõi trời thì khởi và trụ tâm, hoặc thành hoặc hoại hậu biên. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên cõi người thì khởi và trụ tâm không kiên cố. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên niệm Phật thì khởi và trụ tâm được chư Phật nhiếp thọ. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên niệm Pháp thì khởi và trụ tâm không keo kiệt Pháp. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên niệm Tăng thì khởi và trụ tâm được pháp luân không thoái chuyển. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên niệm Xả thì khởi và trụ tâm xả hết tất cả. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên niệm Giới thì khởi và trụ tâm cầu nguyện Định giác chi thù thắng viên mãn. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên niệm Thiên thì khởi và trụ tâm vào trí tuệ gia trì của Phật mà chư Thiên khen ngợi. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên là thân thì khởi và trụ tâm, liền được thân thanh tịnh của Phật. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên là ngôn ngữ thì khởi và trụ tâm, liền được lời nói thanh tịnh của chư Phật. Nếu vì tác ý với đối tượng duyên là tâm thì khởi và trụ tâm, liền được tâm bình đẳng thanh tịnh của Phật. Nếu vì duyên theo pháp hữu vi thì khởi và trụ tâm viên mãn trí của Như Lai. Nếu vì duyên theo pháp vô vi thì khởi và trụ tâm viên mãn trí của Phật.
Tịch Tuệ nên biết! Những pháp như vậy hoặc có sở duyên, nhưng các Bồ-tát không thể không trụ vào pháp môn hiện tiền trí Nhất thiết trí. Lại nữa, khi trụ trong tất cả đối tượng duyên, các Bồtát đều hồi hướng về đạo Bồ-đề. Đây gọi là phương tiện khéo léo, quán sát thông đạt hiểu biết tất cả pháp của Bồ-tát.
Tịch Tuệ! Ví như tất cả đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới sản sinh các loại, các loại ấy đều là vật thọ dụng của tất cả chúng sinh. Các Bồ-tát cũng lại như vậy, có tất cả cảnh sở duyên đều là phương tiện khéo léo. Bồ-tát cùng thọ dụng Bồ-đề đạo phần, không đâu không thành thục Bồ-đề đạo pháp. Lại như sắc pháp, tất cả đều do bốn đại tạo thành, Phương tiện khéo léo của Bồ-tát cũng lại như vậy, hoặc có đối tượng duyên đều là do tướng Bồ-đề thù thắng hòa hợp tương ưng.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Nếu có chúng sinh keo kiệt làm việc ác, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà Bố thí ba-la-mật-đa, Trì giới bala-mật-đa một cách viên mãn. Nếu các chúng sinh khởi tâm sân nhuế, biếng nhác, Bồ-tát liền vì họ mà Nhẫn nhục ba-la-mật-đa, Tinh tấn ba-la-mật-đa một cách viên mãn. Nếu các chúng sinh khởi tâm tán loạn và ngu si, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà Thiền định ba-la-mật-đa, Tuệ thù thắng ba-la-mật-đa một cách viên mãn. Nếu các chúng sinh không có lòng thương xót, Bồ-tát đối với chúng sinh ấy không có tâm nghịch hại. Nếu các chúng sinh có tâm nhiêu ích, thì Bồ-tát đối với chúng sinh ấy không có tâm tùy thuận. Nếu các chúng sinh thường được khen ngợi, Bồ-tát đối với chúng sinh ấy không có cao tâm. Nếu các chúng sinh không được khen ngợi, Bồ-tát đối với chúng sinh ấy cũng không có tâm thấp. Nếu thấy tất cả chúng sinh khổ não, Bồ-tát liền khởi tâm đại Bi. Nếu thấy tất cả chúng sinh vui thích, Bồ-tát liền khởi tâm hoan hỷ. Nếu thấy tất cả chúng sinh thô lỗ hung ác, Bồ-tát liền khởi tâm điều phục. Nếu thấy tất cả chúng sinh điều thuận, Bồ-tát liền khởi tâm từ ái. Nếu thấy chúng sinh có đầy đủ duyên lực, Bồ-tát liền khởi tâm ủng hộ. Nếu thấy chúng sinh có đầy đủ nhân lực, Bồ-tát liền khởi tâm nhiếp hóa, nhiếp hóa rồi mới theo đó mà trao truyền. Nếu thấy chúng sinh có trí tuệ sáng suốt, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà tuyên nói pháp thậm thâm. Nếu thấy chúng sinh có đầy đủ trí diễn thuyết, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp rộng lớn. Nếu thấy chúng sinh như lý, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà lần lượt nói pháp. Nếu thấy chúng sinh ham thích văn cú, Bồ-tát liền dùng văn cú nói pháp tóm lược cho họ. Nếu thấy chúng sinh thích dùng Xa-ma-tha để hướng dẫn Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói Tỳ-bát-xá-na. Nếu thấy chúng sinh thích dùng Tỳ-bát-xá-na để hướng dẫn, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp để thể nhập Tam-ma-địa. Nếu thấy chúng sinh thích trì giới, Bồ-tát trước vì chúng sinh ấy mà nói pháp không cứu cánh, sau lại nói các việc khổ ở địa ngục. Nếu thấy chúng sinh thích đa văn, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp không nghi hoặc. Nếu thấy chúng sinh thích Tam-ma-địa, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp thể nhập tuệ. Nếu thấy chúng sinh thích ở nơi đồng trống, Bồ-tát vì chúng sinh ấy mà nói pháp tịch tĩnh. Nếu thấy chúng sinh thích tu hạnh Đầu-đà, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp căn Thánh tuệ. Nếu thấy chúng sinh độn căn, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp Văn tùy thuận. Nếu thấy chúng sinh chấp chặt tham lam, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp bất tịnh. Nếu thấy chúng sinh chấp chặt vào pháp sân, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp Từ tâm. Nếu thấy chúng sinh chấp chặt vào pháp si, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp Duyên sinh. Nếu thấy chúng sinh có tánh đẳng phần, Bồ-tát liền tùy theo từng tánh một mà rộng nói pháp, như là pháp Bất tịnh, pháp Từ tâm, pháp Duyên sinh. Nếu người đáng dùng các pháp tùy thuận để độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp Giới tăng thượng, pháp Tâm tăng thượng, pháp Tuệ tăng thượng. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng tướng thù thắng của Phật để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp chân thật tùy thuận Bồ-đề phần. Nếu thấy chúng sinh khinh mạn đáng được hóa độ, trước hết Bồ-tát ngăn chặn tánh khinh mạn rồi sau mới nói pháp. Nếu thấy chúng sinh luôn thích quán Thánh tướng Bồ-tát, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà hiện thân, nếu chúng sinh ấy căn chưa thuần thục thì không nên nói pháp. Nếu thấy chúng sinh ham thích nói pháp đáng được hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà dùng duyên khởi thí dụ giải thích nói pháp. Nếu thấy chúng sinh thích pháp thậm thâm đáng được hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp Duyên sinh, Vô ngã, Vô nhân, Vô chúng sinh. Nếu thấy chúng sinh chấp trước các kiến, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp Không. Nếu thấy chúng sinh khởi tâm tìm cầu, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp Vô tướng. Nếu thấy chúng sinh khởi lên cầu nguyện, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp Vô nguyện. Nếu thấy chúng sinh chấp trước các uẩn, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp như huyển. Nếu thấy chúng sinh chấp trước các cõi, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp khéo lựa chọn. Nếu thấy chúng sinh chấp trước các cảnh giới, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp như mộng. Nếu thấy chúng sinh đắm trước Dục giới, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp phiền não bức bách. Nếu thấy chúng sinh đắm trước Sắc giới, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp các hành là khổ. Nếu thấy chúng sinh đắm trước Vô sắc giới Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp các hành là vô thường. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng pháp khổ để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp, khiến chúng sinh tâm hoan hỷ đối với Thánh chủng. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng pháp lạc để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp thiền định vô lượng. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng pháp lạc thiện thú để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp lạc thuần nhất. Nếu thấy chúng sinh đắm trước các tướng đáng được hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp vô ngã, vô thủ. Nếu thấy chúng sinh ham thích pháp Thanh văn đáng được hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà trao truyền pháp thủ chứng. Nếu thấy chúng sinh thích pháp Duyên giác đáng được hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy tuyên nói pháp tóm lược sự nghĩa. Nếu thấy chúng sinh thích Bồ-tát mới phát tâm đáng được hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy mà nói pháp thâm tâm phát khởi đại Bi. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng pháp đạo hạnh mà Bồ-tát đã tu tập từ lâu để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy ở trong luân hồi nói pháp không biết mệt mỏi. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng pháp không thoái chuyển của Bồ-tát để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng pháp Nhất sinh bổ xứ của Bồ-tát để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp trang nghiêm đại Bồ-đề tràng. Nếu thấy chúng sinh đáng dùng thân Phật để hóa độ, Bồ-tát liền vì chúng sinh ấy nói pháp hạnh thù thắng bất không tương tục của Bồ-tát.
Tịch Tuệ nên biết! Các pháp như vậy đều là pháp đầy đủ trí tuệ phương tiện của các Đại Bồ-tát, được tự tại trong các đối tượng duyên thanh tịnh, cho nên rộng nói pháp Bất không. Vì khiến tất cả chúng sinh hoan hỷ nên Bồ-tát nói pháp.
Lúc nói pháp này, trong hội có mười ngàn người phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ, năm ngàn Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn.