KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm TRỪ BỆNH

Phẩm Trừ Bệnh thứ hai mươi bốn có chia ra làm ba phần:

1. Nói về lý do có phẩm này: Ở đây là dứt bỏ nghi ngờ, phẩm trước là thành tựu. Khuyến khích cố gắng giảng nói tin nhận, đều sẽ thành Phật, cho nên có sự thọ ký. Hai vị Đại sĩ trước đó từng nghe kinh nên được thọ ký, điều ấy thì đại chúng không thắc mắc, nhưng mười ngàn vị thiên tử lần đầu đến pháp hội lại được thọ ký, vì thế có nghi ngờ phát sinh. Trước đây tuy có giải đáp sơ lược, nhưng nhân duyên ngày xưa mà trình bày chung e rằng người nghe khó hiểu. Từ đây tiếp theo lại vì đó giảng nói rộng hơn, cho nên có hai phẩm Trừ Bệnh và Lưu thủy phát sinh. Nhưng về sự khác nhau ấy, sẽ nói đến nhân duyên ngày xưa của mười ngàn vị Thiên tử cho nên trước tiên nói rõ duyên khởi vì thế có phẩm Trừ Bệnh. Lại e rằng bệnh khổ sẽ trở ngại cho việc nói và nghe kinh, nên cùng trình bày để trừ diệt khiến cho có thể y theo tu học. Duyên khởi đã rõ ràng, tiếp theo cần phải biện luận đúng đắn cho nên phẩm Lưu Thủy phát khởi. Đại sư Chân Đế giải thích rằng “Phẩm Trừ Bệnh này nói về nhân thọ ký nên thành phẩm Thọ Ký, bên cạnh đó hiển bày sự tu hành của Phật Thích-ca nên thành phẩm Tuổi thọ. Phẩm xả thân sau này nói về nhân của Phật Thích-ca trở thành phẩm Tuổi thọ, bên cạnh đó nói về sự tu hành của hàng đệ tử nên thành phẩm Thọ Ký.” Nhưng trị bệnh là duyên xa, lưu thủy là duyên gần, ở đây nghĩa tuy có thể như vậy nhưng xu thế của văn hơi sơ sài. Nhân của tuổi thọ trước đã nói rộng về người độ v.v… vì sao bây giời trở lại nói về nhân? Cùng tu một đời, sao lại chia ra xa gần? Vì nghĩa thượng, trung, hạ thì không trở ngại. Hoặc thế lực hơn kém đã chia ra xa gần lại cũng không trái, nhưng cho rằng chính là nhân của tuổi thọ thì văn hơi xa xôi.

2. Giải thích tên gọi: Các thứ sai trái tổn thất lớn gọi là bệnh, thuốc men có khả năng đối trị gọi là trừ. Phẩm này nói rộng về điều đó nên gọi là phẩm Trừ Bệnh.

3. Giải trừ chướng nạn:

Hỏi: Phẩm Tuổi thọ trước đây Diệu tràng suy nghĩ rằng: Như lai thực hành nhân trường thọ từ bi không giết hại, vì sao mạng chỉ có tám mươi năm ngắn ngủi? Trước tuy nói rằng Tuổi thọ vô biên nhưng không giải thích về hạnh Từ bi không giết hại, nay ba phẩm này chính thức nói về hạnh đó, sao không phải là phần Chánh Tông?

Đáp: Diệu tràng chỉ nghi ngờ về nhân thực hành nên được sống lâu, không nghi ngờ gì về sống lâu do nhân nào ngày xưa. Phẩm này lại nói: “Nhân duyên bổn nguyện của mười ngàn vị Thiên tử nay sẽ nói cho ông nghe”, không nói: sẽ nói nhân duyên sống lâu. Còn phẩm Lưu Thủy chép: “Do nghe mười hai nhân duyên của Phật Bảo Kế nên được nghe kinh này, nhờ nhân duyên gốc lành này nên nay được thọ ký”, không nói là: Do đây được tuổi thọ dài lâu. Vì thế trong phần Lưu thông chứ không phải là phần Chánh tông.

Văn kinh: Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề rằng: Này Thiên nữ! Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ. Nhân duyên bổn nguyện của mười ngàn vị Thiên tử này giờ đây ta sẽ nói cho ngươi nghe.

Tán rằng: Hai phẩm dưới đây là phần thứ hai, nói về rộng rãi về nhân duyên mười ngàn vị Thiên tử được thọ ký, có hai: Phẩm này nói về duyên khởi được phát khởi, phẩm Lưu Thủy nói về nhân duyên được thọ ký. Phần duyên khởi chia làm hai: Đây là phần đầu nhắc nhủ lắng nghe, hứa sẽ giảng nói cho nghe.

Văn kinh: Này Thiện nữ Thiên! Thời quá khứ vô lượng không thể suy nghĩ bàn luận a-tăng-xí-da kiếp, bấy giờ có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Bảo Kế Như lai Ứng Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Này Thiện nữ Thiên, sau khi Đức Thế Tôn đó nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt rồi, vào thời tượng pháp.

Nói về duyên khởi, có mười hai phần :

1. Nói về thời tiết có ba:

a) Nói chung về kiếp số.

b) Nói về Đức Phật.

c) Nói về thời gian. Từ “Bấy giờ…” về sau là nói riêng.

Văn kinh: Có vị vua tên là Thiên Tự Tại Quang thường dùng chánh pháp cai trị nhân dân, giống như cha mẹ.

2. Phần thứ hai nói về cõi nước.

Văn kinh: Trong vương quốc này có một vị trưởng giả tên là Trì Thủy, kéo hiểu rõ y phương, tinh thông tám quyền thuật, chúng sinh bệnh khổ bốn đại không điều hòa, đều có thể cứu chữa trị liệu. này Thiện nữ Thiên.

3. Phần thứ ba nói về người cha Bồ-tát, có bốn:

a) Trú xứ.

b) Từ “Có một vị trưởng giả…” về sau là đức hiệu.

c) Tên gọi Trì Thủy là chỉ cho tên hiệu.

d) Từ “Khéo hiểu rõ…”về sau là nói về khả năng y dược, tám quyền thuật như dưới đây.

Văn kinh: Bấy giờ, Trưởng giả Trì Thủy chỉ có một người con tên là Lưu Thủy, diện mạo khôi ngô, mọi người đều ưa nhìn, được bản tánh thông minh nhanh nhẹn, khéo làm quen với các sách luận, họa vẽ toán số in ấn thảy đều thông thạo.

Tiếp theo nói về người con Bồ-tát, có năm:

  1. Tên gọi.
  2. Diện mạo khôi ngô là hình dáng tướng mạo.
  3. Mọi người đều thích nhìn là tư tuệ.
  4. Được bản tánh thông minh nhanh nhẹn là căn tánh.
  5. Khéo làm quen với các phương pháp kỹ thuật là kỹ nghệ.

Văn kinh: Lúc ấy trong vương quốc có vô lượng trăm ngàn các loài chúng sinh đều bị tật dịch, các khổ bức bách, cho đến không tâm có vui vẻ. Này Thiện nữ Thiên! Bấy giờ con của trưởng giả là Lưu Thủy thấy vô lượng trăm ngàn chúng sinh này chịu các bệnh khổ, khởi tâm đại bi suy nghĩ như vầy: Vô lượng chúng sinh vì sự bức bách của các điều vô cùng khổ đau, Trưởng giả cha ta tuy hiểu rõ y phương, tinh thông tám thuật, đều chưa khỏi các bệnh tật về bốn đại tăng giảm, nhưng đã suy yếu, già cả, cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức mới có thể tiếp tục công việc, không thể nào tiếp tục đến thành ấp, xóm làng để cứu các bệnh tật khổ đau. Nay vô lượng trăm ngàn chúng sinh đều gặp cảnh bệnh tật trầm trọng, không ai có thể cứu giúp, bây giờ ta nên đến chỗ đại y cha ta thưa hỏi phương pháp bí mật về y phương trị bệnh, nếu hiểu rõ được sẽ đến các thành ấp, xóm làng để cứu các chúng sinh thoát khỏi các thứ bệnh tật làm cho thường được hưởng sự yên lành vui sướng.

4. . Phần thứ tư nói về duyên học tập y phương, có sáu: (không thấy mục e)

a) Bấy giờ các bệnh tật phát sinh.

b) Từ “Thiện nữ Thiên…” trở xuống là Bồ-tát khởi tâm Bi.

c) Từ “Trưởng giả cha ta…” trở xuống là nghĩ đến cha đã già yếu.

d) Từ “Nay có vô lượng…” trở xuống là bản thân cầu phương pháp hay.

e) (thiếu)

f. Từ “Nếu hiểu rõ được…” trở xuống là nghĩ đến việc đi chữa trị bệnh tật.

Văn kinh: Lúc ấy, con của trưởng giả nghĩ như vậy rồi, liền đến chỗ người cha, cúi đầu lạy dưới chân, chắp tay cung kính, lùi về đứng một bên, liền dùng Già-tha thỉnh cầu cha mình rằng: Xin cha lành xót thương, con muốn cứu chúng sinh, nay cần các y phương, mong sẽ nói con nghe. Vì sao thức ăn uông, được thọ hưởng yên vui, thường khiến trong thân thể, thế lửa không tiêu hao? Chúng sinh có bốn bệnh, phong hoàng nhiệt đàm ấm, cho đến mọi bệnh tật, làm cách nào chữa trị? Lúc nào bệnh phong khởi, lúc nào bệnh nhiệt phát, lúc nào đàm suyễn động, lúc nào mọi bệnh sinh.

5. Phần thứ năm đến chố người cha thưa hỏi về y phương, có hai:

a) Nghi thức thưa hỏi.

b) Tử “Liền dùng Già-tha…” trở xuống là dùng tụng để thưa hỏi, có năm bài tụng chia làm: Một bài tụng đầu cầu thương xót mong giảng nói, bốn bài tụng tiếp theo là phần thưa hỏi, có năm: Nửa bài tụng đầu hỏi về do đâu gặp bệnh, nửa bài tụng tiếp theo hỏi về thời gian bệnh sinh khởi, một bài tụng tiếp hỏi về phương pháp để nuôi giữ, một tụng tiếp hỏi về pháp thuật chữa trị bệnh tật, một tụng cuối hỏi về thời gian bệnh phát khởi. Trước hỏi lúc bệnh mới phát khởi, ở đây hỏi khi thời gian bệnh đã phát động. Nhưng có hai thời: Một là hỏi dựa theo bốn mùa, hai là hỏi dựa vào trước sau khi ăn.

Văn kinh: Khi trưởng giả ấy nghe con mình thưa hỏi xong, lại dùng Già-tha trả lời rằng: Nay ta theo người xưa, tất cả pháp trị bệnh, lần lượt nói cho con, gắng nghe cứu chúng sinh. Ba tháng là mùa Xuân, ba tháng gọi là Hạ, ba tháng gọi Thu phân, ba tháng là mùa Đông. Đây theo trong một năm, mà nói riêng từng mùa (tam tam), hai tháng (nhị nhị) là một tiết, thành sáu thời một năm. Một hai là hoa thời, ba bốn gọi nhiệt tế, năm sáu gọi vũ tế, bảy tám gọi Thu thời, chín mười là hàn thời, hai cuối gọi băng tuyết, đã biết khác như vậy, cho thuốc đừng khiến sai. Nên tùy trong thời này, điều hòa sự ăn uống, vào bụng khiến tiêu hóa, thì không sinh các bệnh. Khí tiết nếu đổi thay, bốn đại có chuyển dời, lúc này không thuốc men, sẽ sinh các bệnh khổ. Thầy thuốc biết bốn mùa, lại biết sáu tiết đó, hiểu rõ bảy phần thân, uống thuốc không sai lầm. Gọi vị giới huyết nhục, xương cốt và tủy não, khi bệnh vào trong đó, biết bệnh chữa được chăng? Bệnh có bốn thứ riêng, là phong nhiệt đàm ấm, cho đến bệnh nhóm chung, nên biết lúc phát động. Trong Xuân đàm ấm động, trong Hạ bệnh phong sinh, mùa Thu hoàng nhiệt tăng, tiết Đông cả ba khởi. Xuân ăn chát nóng cay, Hạ béo nóng mặn chua, mùa Thu nhạt ngọt béo, đông chua chát béo ngọt. Ở trong bốn mùa này, uống thuốc và ăn uống, nếu theo vị như thế, các bệnh không phát sinh. Sau ăn bệnh do ấm, khi ăn tiêu do nhiệt, sau tiêu khởi do phong, theo thời phải biết bệnh. Đã biết nguồn bệnh rồi, tùy bệnh mà tìm thuốc, nếu như trạng huống khác, trước phải chữa gốc đó.

Bệnh phong uống dầu béo, bệnh nhiệt lợi là tốt, bệnh ấm nên biến thổ, tổng tập cần ba thuốc. Phong nhiệt ấm đều có, đó gọi là tổng tập, tuy biết mùa bệnh khởi, nên xét bổn tánh đó. Xét biết như thế rồi, theo thời mà cho thuốc, ăn uống thuốc không sai, đó gọi là thầy thuốc khéo.

6. Phần thứ sáu người cha giải thích cho con nghe. Đây là phần đầu kết tập nêu ra, tiếp từ “Nay ta theo người xưa…” về sau ba mươi hai bài tụng là người cha nói tụng giải thích, chia làm ba: Một bài tụng đầu là hứa nói, tiếp theo ba mươi bài tụng là phần giải thích, sau cùng một bài tụng tổng kết. Trong phần giải thích lại có ba: Bốn bài tụng đầu hạn định thời tiết, mà riêng nói từng mùa nghĩa là ba tháng ba tháng làm một mùa, thành ra bốn mùa trước đó, hai tháng là một tiết nghĩa là hai tháng hai tháng làm một tiết, nêu ra sáu thời ở sau.

Mười ba bài tụng là trả lời câu hỏi. Sau từ “Lại nên biết…” trở xuống mười hai bài tụng tiếp tục là dự đoán chọn lựa. Nhưng trong phần trả lời câu hỏi một bài tụng đầu nên ra khiến điều hòa, ba bài tụng tiếp là trả lời câu hỏi thứ nhất. Trong đó một bài tụng đầu chính thức trả lời nguyên nhân phát sinh bệnh, hai bài tụng khiến biết rõ chỗ phát sinh bệnh.

Nhất vị giới, tiếng Phạn là A-la-bà, ở giữa lá lách và dạ dày, thức ăn uống đến chỗ này chia làm hai phần:

  1. Khư-la-giới, tức là chất cặn bã trở thành đại tiểu tiện.
  2. Vị giới tức là phần vị thấm nhuần chứa nhóm nuôi dưỡng thân thể.

Hai là máu, ba là nhiệt, bốn là mỡ, năm là xương, sáu là tủy, bảy là não.

Hai bài tụng tiếp trả lời câu hỏi thứ hai, nói về một số thể trạng của bệnh và thời điểm phát sinh. Chính xác ở đây là sự chuyển đổi của ngũ hành. Đàm là thủy, phong thuộc mộc, nhiệt là hỏa. Thủy tạo thành từ tháng sáu đến tháng giêng thì tắt, mộc tạo thành từ tháng chín đến tháng năm thì chết, hỏa tạo thành từ tháng mười hai đến tháng tám thì hết mức. Vì vậy sẽ suy yếu, nên bệnh rút lui, lúc bạo phát cũng vào lúc này có thể chữa trị. Cũng bao gồm trả lời câu hỏi đầu tiên về bốn mùa trong câu hỏi thứ năm. Hai bài tụng tiếp trả lời câu hỏi thứ ba. Một bài tụng tiếp trả lời câu hỏi thứ năm. Bốn bài tụng tiếp trả lời câu hỏi thứ tư.

Hỏi: Vì sao hỏi đáp thứ tự khác nhau?

Đáp: Nhân trả lời câu thứ ba về ăn uống nuôi dưỡng, nhân tiện nói về thời tiết phát động, vì thế trả lời câu hỏi thứ tự khác nhau. Trong phần trả lời về cách chữa trị chia làm ba: Một bài tụng đầu là nêu ra, hai bài tụng tiếp theo là cách chữa trị, một bài tụng sau là kết thúc.

Văn kinh: Lại nên biết tám thuật, thâu tóm mọi y phương, ở đây nếu hiểu biết, chữa lành bệnh chúng sinh, là châm chích thương phá, thân bệnh cùng quỷ thần, ác độc và hài đồng, sống lâu thêm khí lực. Trước xét hình sắc kia, nói năng và tánh tình, sau đó hỏi giấc mộng, biết phong nhiệt ấm khác. Khô gầy đầu ít tóc, tâm đó không định tĩnh, nói nhiều mộng phi thấy bay, người này là tánh phong. Trẻ tuổi sinh tóc bạc, mồ hôi nặng về sân, thông minh mộng thấy lửa, người này là tánh nhiệt. Tâm định thân bình thản, suy nghĩ đầu láng mượt, mộng thấy nước, vật trắng, nên biết là tánh ấm. Tánh tổng tập đều có, hoặc hai hoặc đủ ba, tùy có tăng chỉ một, nên biết là tánh đó. Đã biết bổn tánh rồi, theo bệnh mà cho thuốc, nghiệm người không tướng chết, mới gọi đáng cứu người. Các căn trái chấp cảnh, trọng thầy thuốc khởi mạn, bạn thân sinh nóng giận, là tướng chết nên biết. Mắt trái đổi sắc trắng, lưỡi đen mũi nhuốm xanh, vành tai khác với trước, môi dưới lệch xuống thấp; loại trái ha-lê-lặc, có sáu vị đầy đủ, thường trừ tất cả bệnh, vua trong thuốc không kỵ. Lại ba quả ba cay, dễ được trong các thuốc, đường cát mật bơ sữa, đây thường chữa các bệnh. Từ các phương thuốc khác, tùy bệnh đáng tăng thêm, trước khởi tâm thương xót, đừng mưu tính tài lợi.

Tiếp theo mười ba bài tụng là phân biệt lại, chia làm năm: Hai bài tụng đầu chỉ dạy bí thuật, trong đó một bài tụng nêu ra, một bài tụng giải thích. Tám thuật là:

  1. Cách chữa trị bằng chăm chích.
  2. Chữa trị bằng cách mổ vết thương.
  3. Chữa trị bệnh tật của thân.
  4. Bệnh do bốn loài quỷ làm hại.
  5. Bị trúng thuốc độc.
  6. Bệnh trẻ em.
  7. Kéo dài tuổi thọ.
  8. Nuôi dưỡng thân.

Hai phần tiếp theo là năm bài tụng rưỡi dạy hiểu biết về thể trạng của bệnh. Ở bài tụng đầu nêu mục tiêu, bốn bài kế tiếp bàn về thể. Nửa bài tụng sau nói về kết thúc. Ba bài kế tiếp nghiệm người ấy không có tướng chết, cho đến mười hai bài tụng rưỡi dạy về quán tướng chết.

Từ “Ha-lê” trở xuống là nói về thuốc hay, đây là chữa trị bệnh chung chứ không nói riêng, một bài tụng đầu là thuốc mổ, một bài tụng sau là thuốc bổ. Kinh Niết-bàn thứ tư chép: “Sáu vị là: Đắng, chua, ngọt, cay, mặn, nhạt.” Vị thuốc này tốt nhất trong các loại thuốc bậc nhất ở các nước Tây vực, nên đúng như kinh Giải Thâm Mật đã nói là thuốc Tỳ-niết-phược. Ba quả là: Ha-lê-lặc-ca, A-ma-lạc-ca, cũng gọi là A-vô-la-ca, xưa gọi là quả Am-ma-la là nhầm, Tỷ-tỷ-đắc-ca, giống như quả A-vô-la-ca nhưng hơi lớn. Ba vị cay là: gừng, hồ tiêu, Tất-bát. Cùng với mười loại dễ có được như đường cát… để chữa trị tẩm bổ.

Tiếp một bài tụng chỉ rõ ví dụ để nhắc nhủ khuyến khích.

Văn kinh: Ta đã nói cho con nghe những điều cần thiết trong việc chữa trị bệnh tật, đem những điều này cứu giúp chúng sinh sẽ đạt được kết quả vô biên.

Tiếp theo thứ ba, là tổng kết.

Văn kinh: Này thiện nữ Thiên! Bấy giờ, trưởng giả tử Lưu Thủy tự hỏi cha mình về sự quan trọng của tám thuật, bốn đại tăng giảm, thời tiết khác nhau và phương pháp tẩm bổ, đã khéo biết rõ, tự nghĩ có thể cứu chữa được các bệnh tật.

7. Phần thứ bảy, suy nghĩ đã học hỏi thành tựu.

Văn kinh: Lập tức đến khắp thành ấp, xóm làng, hễ ở chỗ nào chúng sinh bị trăm ngàn muôn ức bệnh tật khổ sở đều đến nơi đó khéo nói lời an ủi chỉ bảo, nói lời như vầy: Ta là thầy thuốc! Ta là thầy thuốc! Có phương thuốc tốt chữa trị, nay vì các người chữa trị các thứ bệnh tật thảy đều khiến cho trừ khỏi.

8. Phần thứ tám, tùy theo bệnh tật bảo cho biết có khả năng chữa trị.

Văn kinh: Này thiện nữ Thiên! Lúc đó mọi người nghe trưởng giả tử nói lời tốt lành, an ủi chỉ bảo, hứa sẽ trị bệnh cho, thì có vô lượng trăm ngàn chúng sinh mắc phải bệnh nặng nghe lời này thì thân tâm vui mừng hớn hở chưa từng có. Nhờ nhân duyên này tất cả bệnh tật khổ sở đều được trừ diệt, khí lực tăng cường, bình phục như xưa.

9. Phần thứ chín mọi người nghe tin chữa lành bệnh tật.

Văn kinh: Này thiện nữ Thiên! Bấy giờ lại có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bị bệnh rất nặng khó chữa trị, liền cùng nhau đến chỗ con của trưởng giả lại xin chữa bệnh.

10. Phần thứ mười, bệnh nặng xin chữa trị.

Văn kinh: Con của trưởng giả đó liền đem thuốc hay bảo uống đều được hết bệnh.

11. Phần thứ mười một, gặp thuốc đều dứt khỏi bệnh.

Văn kinh: Này thiện nữ Thiên! Con của trưởng giả này ở trong nước đó chữa trị cho trăm ngàn muôn ức chúng sinh, bệnh tật khổ sở đều dứt khỏi.

12. Phần thứ mười hai tổng kết bệnh được trừ khỏi.