MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa
Nhiếp Phục Tâm Sân Hận
Trong đời sống hàng ngày, ta không có hạnh phúc và an lạc là do những hạt giống sân hận biểu lộ lên mặt ý thức và thân ngữ của ta.
Tại sao ta sân hận nhỉ? Ta sân hận là do khi sáu quan năng của ta tiếp xúc với mọi đối tượng không làm cho ta như ý. Khi mắt ta tiếp xúc với mọi hình sắc, các hình sắc ấy không làm cho tâm ta như ý, vì vậy mà sân khởi lên nơi tâm ta; khi tai ta tiếp xúc với mọi âm thanh, các âm thanh ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân khởi lên nơi tâm ta; khi mũi ta tiếp xúc với mọi mùi hương, các mùi hương ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân khởi lên nơi tâm ta; khi lưỡi ta tiếp xúc với các mùi vị, các mùi vị ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân hận khởi lên nơi tâm ta; khi thân ta tiếp xúc với mọi đối tượng liên hệ với thân, các đối tượng tiếp xúc liên hệ với thân ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân hận khởi lên nơi tâm ta; khi ý của ta tiếp xúc với các đối tượng liên hệ đến ý, nhưng các đối tượng ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân khởi lên nơi tâm ta.
Khi sáu quan năng nhận thức của ta tiếp xúc với các đối tượng không như ý thì sân tâm của ta khởi lên, tại sao như vậy? Tại sân giận là thuộc tính của tham dục, vô minh và chấp ngã.
Nếu khi sáu quan năng của ta tiếp xúc với các đối tượng với tâm ý tham dục, thì không có bất cứ đối tượng nào có thể làm thỏa mãn được tâm tham dục của ta. Tâm tham dục là tâm mong cầu không có giới hạn, trong lúc đó các đối tượng chỉ hoạt khởi có giới hạn. Nên tự bản thân giới hạn của các đối tượng, không thể nào đáp ứng được lòng tham dục vô hạn của ta. Vì vậy, mà không có bất cứ một đối tượng sắc, thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý tưởng hay ấn tượng nào có thể đáp ứng đuợc nhu cầu tâm tham dục của ta. Tham dục không đáp ứng được, thì sận giận tức thời hiện khởi, ấy là điều đương nhiên.
Một khi sân giận đã hiện khởi nơi tâm ý, nó có tác dụng làm cho tâm ý mờ đục. Và những tác ý liên hệ đến sân giận là những tác ý mù quáng. Tác ý ấy có tác dụng gây thiệt hại cho mình và người qua lời nói hay qua hành động.
Lời nói và hành động gây thiệt hại cho mình và người, đó là lời nói và hành động lệ thuộc vô minh. Vì vậy, sân giận không những là thuộc tính của vô minh mà chính nó là vô minh.
Vô minh là gì? Vô minh là không nhận chân được thực tại là duyên sinh, nên vô thường và không nhận chân được thực tại là duyên sinh, nên vô ngã.
Do không nhận chân được thực tại là một tổng thể hòa điệu giữa những cái cái này và cái kia, giữa những cái kia và cái này, chúng tương tác lên nhau tạo hành một dòng chảy quan hệ nhân duyên, nhân quả liên tục giữa thường trong vô thường, giữa vô thường trong thường. Vì vậy, gọi là vô minh.
Thường trong vô thường, ví như trứng gà là nhân của con gà, con gà là quả của trứng gà. Trứng gà khi đủ duyên, thì nhất định sẽ sinh ra con gà, chứ không thể sinh ra con vịt. Đó là tính chất tồn tại thường tục của nhân. Và nhân luôn luôn chuyển biến với những tác động của duyên thích hợp để dẫn sinh quả đồng loại. Nhân và quả đồng loại như vậy là thường trong vô thường, và vô thường trong thường.
Nếu ta chỉ thấy sự vô thường của nhân quả mà không thấy tính chất thường tục của nhân quả, thì cái thấy ấy của ta cũng rơi vào vô mình. Và nếu chỉ thấy tính chất thường tục của nhân quả mà không thấy hiện tượng sinh diệt vô thường của nhân quả, thì cái thấy của ta chưa sạch hết vô minh, cái thấy ấy vẫn làm điều kiện cho sân hận hay tham ái khởi lên nơi tâm ta.
Và nếu ta thấy các pháp là duyên sinh vô ngã, nhưng ta không quán chiếu để thấy rõ tính chất thường tục nhân quả ở nơi các pháp duyên sinh vô ngã ấy, cũng là vô minh. Và, nếu ta chỉ thấy tính chất thường tục nhân quả mà không thấy tự tính duyên khởi vô ngã nơi tính chất thường tục nhân quả ấy, cũng là vô minh.
Một khi vô minh chưa sạch nơi cái thấy của ta, thì cái thấy của ta liền rơi vào những nhận thức nhị biên rằng, các pháp là thường hoặc vô thường, là ngã hoặc vô ngã, là sinh hoặc vô sinh, là diệt hoặc vô diệt,… Cái thấy của ta rơi vào ở nơi các pháp là vô thường, thì khi nghe người khác chủ trương và nói rằng: các pháp là thường, là tâm ta tức khắc khởi lên sự sân hận; hoặc cái thấy của ta rơi vào nơi các pháp là thường, thì khi nghe người khác chủ trương và nói rằng, các pháp là vô thường là tức khắc tâm ta khởi lên sự sân hận,… Hoặc cái thấy của ta rơi vào nhận thức của ngã, khi nghe người khác nói rằng: các pháp là vô ngã, là tức khắc tâm ta khởi lên sự sân hận; hoặc cái thấy của ta rơi vào những nhận thức vô ngã, khi ta nghe người khác chủ trương và nói rằng, các pháp đều có ngã tính là tức khắc tâm ta liền khởi lên sự sân hận,… Sân hận thì khi nào cũng dẫn sinh sự tranh cãi, và cũng từ đó mà phiền não sinh khởi làm nhiễu loạn tâm ta.
Vậy, ta muốn nhiếp phục tâm sân hận của ta, thì ta phải nhiếp phục vô minh, vì sao? Vì vô minh là thực phẩm quí phái của sân hận. Và muốn nhiếp phục vô minh, thì ta phải có chánh kiến. Chánh kiến do đâu mà có? Do ta thực tập thiền định đầy đủ cả hai mặt Chỉ và Quán.
Chỉ là làm cho tâm ngưng lắng hết thảy mọi phiền não và mọi ý tưởng về ngã và phi ngã, về nhân và phi nhân, về chúng sanh và phi chúng sanh, về thọ mạng và phi thọ mạng, về pháp và phi pháp, nghĩa là tâm yên lắng, chặt đứt mọi ý niệm sinh khởi do quan hệ nhị nguyên.
Quán là nhìn sâu vào mọi đối tượng để thấy rõ từ bản thể đến hiện tượng, từ tác dụng đến năng lực, từ nhân duyên đến quả báo và từ gốc rễ đến ngọn ngành của nó.
Chẳng hạn, khi tâm sân giận của ta khởi lên, ta phải biết đình chỉ, nhiếp phục và quán chiếu nó một cách tường tận qua mười lãnh vực như sau:
1. Bản thể: Đối với bản thể của sân, ta thấy nó là ô nhiễm. Vì vậy, nó có mặt ở ý thì nó làm cho môi trường hoạt động của ý bị ô nhiễm; nó có mặt ở ngữ, nó làm cho môi trường hoạt động của ngữ bị ô nhiễm và nó có mặt ở thân thì nó làm cho môi trường hoạt động của thân bị ô nhiễm.
2. Tự tính: Tự tính của sân hận là nóng nảy, xấu ác.
3. Tướng trạng: Tướng của sân hận là là hung dữ, cộc cằn, bạo động.
4. Tác dụng: Tác dụng của sân hận phá hỏng và tàn hại hết thảy thiện pháp.
5. Năng lực: Năng lực của sân hận là trở ngại. Nó làm trở ngại tự tính vô sân và Niết bàn, thiêu hủy hết thảy điều lành cũng như các thiện căn công đức.
6. Nhân: Nhân của sân là vô minh, tham ái và chấp thủ ngã và pháp.
7. Duyên: Duyên của sân hận là tiếp xúc với các đối tượng không như ý. Và do tư duy phi như lý tác ý, tác động vào các chủng tử bản hữu và tân huân tự nội và hiện hành.
8. Quả: Quả của sân hận là khổ đau.
9. Báo: Báo của sân hận là thời gian tồn tại của khổ quả, gồm đủ cả chánh báo và y báo.
10. Gốc rễ và ngọn ngành: Từ gốc rễ của sân hận là ô nhiễm cho đến ngọn ngành của sân hận là y báo, chánh báo và thời gian tồn tại của khổ quả, chúng xuyên suốt với nhau như vậy là như vậy.
Ta quán chiếu để thấy rõ hạt giống sân hận nơi tâm ta qua mười lãnh vực một cách tường tận như vậy là ta thấy được “bản lai diện mục” của hạt giống sân hận nơi tâm ta.
Mỗi khi quán chiếu, ta thấy được “bản lai diện mục” của tâm sân hận, thì ta mới có khả năng nhiếp nó tùy theo những điều kiện tu tập mà ta có thể.
Ta có thể nhiếp phục tâm sân hận của ta qua sự mở rộng lòng từ hay mở rộng lòng bi hoặc mở rộng lòng hỷ và lòng xả của ta.
Ta có thể nhiếp phục tâm sân hận của ta qua cách nhìn sâu vào bản chất tồn tại hay không tồn tại của mọi sự hiện hữu; hoặc lắng nghe âm thanh của mọi đối tượng từ cuộc đời, mà nhất là lắng nghe âm thanh của Chánh pháp được tuyên dương từ Bậc giác ngộ hay từ những Thiện hữu tri thức của ta.
Ta có thể nhiếp phục tâm sân hận của ta do quán chiếu nhân duyên, nhân quả liên hệ một đời, hai đời, ba đời và nhiều đời của ta và với mọi người. Ta quán chiếu nhân duyên, nhân quả một cách sâu xa như vậy để thấy rõ ân oán giữa ta với mọi người từ một đời, hai đời, ba đời, nhiều đời, để ta có thể chế ngự, nhiếp phục, và chuyển hóa cơn sân hận nơi tâm ta đối với những người hay những hoàn cảnh liên hệ.
Và do quán chiếu như vậy, ta có thể chuyển hóa tâm sân hận thành tâm vô sân. Khi tâm đã vô sân, thì bản thể ô nhiễm của sân không còn và toàn bộ những gì liên hệ đến sân hận như tự tính, tướng trạng, tác dụng,… của chúng đều hoàn toàn thay đổi. Khổ quả do sân hận tạo thành hoàn toàn bị rơi rụng không còn sinh khởi trở lại, vì gốc rễ của nó đã bị chặt đứt hoàn toàn.
Những hạt giống sân hận nơi tâm ta chưa được nhiếp phục và chuyển hóa, thì mọi hạnh phúc, an lạc và hòa bình trong đời sống của ta và xã hội cũng chỉ là những mộng tưởng và điên đảo.