MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa

 

Đừng Ngăn Lối Về

Trong vỡ tuồng của cuộc đời, với tâm bồ đề, tôi đóng vai trò kẻ trung chính để giữ đạo, giữ nước, bạn đóng vai trò xu nịnh để giữ nước, giữ đạo, thì phước đức của hai ta đối với đạo, với nước đều thành tựu ngang nhau.

Trong tuồng diễn, người trung biết rằng, mình đóng vai trung để yểm trợ cho người nịnh thành tựu vai nịnh của tuồng diễn, để tuồng diễn được thành công, đem lại lợi ích cho nhiều người. Và người nịnh biết rằng, mình đóng vai nịnh để yểm trợ cho vai diễn của người trung được thành công ở trong tuồng diễn, khiến cho nhiều người có lợi ích. Người trung biết được người nịnh như vậy và người nịnh cũng biết được người trung như vậy, nên cả người trung và người nịnh đều là những bậc đại trí và đại hạnh ở trong đời.

Họ là đại trí và đại hạnh, vì họ biết rằng, dù là đóng vai trung hay nịnh, cũng chỉ là hai mặt của một tuồng diễn, nên họ đóng vai trung mà không phải là trung; họ đóng vai nịnh mà không phải là nịnh. Nịnh chỉ là để yểm trợ cho trung và trung là để yểm trợ cho nịnh ở trong một tuồng diễn mà thôi, chứ bản chất của họ không phải là trung hay nịnh gì cả.

Cả người trung và người nịnh đều là dễ thương. Họ dễ thương, vì họ biết rất rõ, họ cần phải làm gì và đang làm gì, trong tuồng diễn mà họ đang đóng.

Họ biết rõ, vì quyền lợi bản thân mà trung hay vì quyền lợi bản thân mà nịnh, nịnh và trung như vậy đều là đạo tà.

Vì quyền lợi của mọi người mà đóng vai trò trung hay vì quyền lợi của mọi người mà đóng vai trò nịnh, nịnh và trung như vậy đều là nịnh và trung của chánh đạo.

Bởi vậy, tà hay chính, trung hay nịnh không phải ở nơi vai trò trung hay nịnh ở tuồng diễn mà ở ngay nơi tâm của ta. Tâm ta chính, ta đóng vai trò tà, tà ấy trở thành chính. Tâm ta tà, ta đóng vai trò chính, chính ấy trở thành tà. Tâm ta chính, ta nói lời tà, lời tà ấy là chính.

Tâm ta tà, ta nói lời chính, lời chính ấy cũng là tà. Tâm ta chính, ta làm việc tà, việc tà ấy là chính.

Do đó, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”. Nghĩa là: “Thực hành các thiện pháp, mà rơi mất tâm bồ đề, ấy gọi là hành động của ma”.

Hành động của ma là hành động không thiết lập trên nền tảng của trí tuệ và từ bi mà hành động theo bản ngã. Hành động theo bản ngã, thì cho dù ta hành động dưới bất cứ hình thức hay danh nghĩa thánh thiện nào, cũng đều là tà cả và hành động theo tâm bồ đề hay tâm có nội dung của tuệ giác và từ bi, thì ta hành động dưới bất cứ hình thức nào, danh nghĩa nào, dù động hay tịnh, dù im lặng hay nói năng đều phù hợp với đạo và chính nó là đạo.

Đạo là linh hoạt và sống động như vậy, nếu ta khởi lên tà ý là tức khắc, ta rơi vào phi đạo, phi nghĩa và phi nhân. Nên, đừng khởi tà ý mà ngăn ta lối về.