PHẬT NÓI KINH ĐẾ THÍCH SỞ VẤN
Hán dịch: Tây Thiên Dịch Kinh Tam Tạng_ Triều Phụng Đại Phu Thí Quang
Lộc Khanh_ Minh Giáo Đại Sư (kẻ bầy tôi là) PHÁP HIỀN phụng chiếu dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự tại Đế Thích Nham (Indraśilāguhā:cái hang Đế Thích) ở núi Tỳ Đề Hứ (Vaidehī) thuộc phía Bắc của làng xóm (Grāma:tụ lạc) Đại Bà La Môn, trong vườn Am La (Āmrapāli, hay Āmrāvati) ở phía Đông của thành Vương Xá (Rājagṛha) thuộc nước Ma Già Đà (Magadha), cùng với Đại Chúng đến dự.
Bấy giờ Đế Thích Thiên Chủ (Śakra Devānām-indra) nghe Đức Phật ngự trong Đế Thích Nham ở núi Tỳ Đề Hứ tại nước Ma Kiệt Đà, liền bảo Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử (Pañca-śikhā-gandharva) rằng: “Ngươi có biết chăng ? Ta nghe Đức Phật ngự trong Đế Thích Nham ở núi Tỳ Đề Hứ tại nước Ma Kiệt Đà. Ta muốn cùng với ngươi đi đến chỗ Phật ngự, gần gũi cúng dường”.
Lúc đó, Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử nghe lời nói này xong, bạch với Đế Thích rằng: “Thưa Thiên Chủ! Rất tốt”.
Nói lời này xong, liền cầm cây đàn Lưu Ly Bảo Trang Không Hầu theo hầu Đế Thích. Thời Thiên Chúng ấy nghe Đế Thích Thiên Chủ cùng với Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử phát Tâm đi đến chỗ của Đức Phật gần gũi cúng dường, đều phát Tâm ưa thích theo hầu, đi đến chỗ của Đức Phật gần gũi cúng dường.
Bấy giờ Đế Thích Thiên Chủ, Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử cùng với Thiên Chúng ấy từ cõi Trời ẩn mất, ví như khoảng người Lực Sĩ co duỗi cánh tay, liền đến bên cạnh núi Tỳ Đề Hứ tại nước Ma Già Đà. Lúc đó, ngọn núi ấy đột nhiên có ánh sáng lớn chiếu sáng khắp cả. Hết thảy người dân ở bốn mặt của ngọn núi ấy đều nhìn thấy ánh sáng đấy xong, cùng nhau nói rằng: “Vì sao ngọn núi này có lửa rực sáng che lấp Bản Tướng giống như ngọn núi báu?”.
Khi ấy Đế Thích Thiên Chủ bảo Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử rằng: “Ông thấy ngọn núi này có hình sắc thù diệu như vậy chăng? Vì Đức Thế Tôn an nghỉ trong ấy nên có bốn việc thanh tịnh. Lại nữa hết thảy Đường, Điện của ngọn núi này thảy đều do vật báu tạo thành. Người cư ngụ ở đấy đều dứt hết các phiền não, đều chứng Thánh Quả, cho đến chư Thiên có sức mạnh to lớn cũng thường dừng nghỉ ở chốn này”
Lại bảo rằng: “Chính vì thế cho nên chúng ta khó có dịp gặp gỡ. Như lúc trước đã nói gần gũi cúng dường. Nay chính là lúc ! Này Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử ! ông có thể dùng nhạc khí đã mang theo, nên tác cúng dường. Tại sao thế ? Vì bỏ qua dịp này, rất khó gặp gỡ được !”
Khi Càn Thát Bà Vương Tử nghe lồi này xong liền bạch với Đế Thích rằng: “Rất tốt ! Rất tốt !”.
Nói lời này xong, khiền khởi suy nghĩ: “Chư Phật Như Lai có đủ Thiên Nhĩ Thông (Divya-śrotra-jñāna-sākṣātkriyābhijñā) không kể xa gần thảy đều nghe thấy”
Tác niệm này xong, liền khảy cây đàn Lưu Ly Bảo Trang Không Hầu đã đem theo, ở trong âm thanh ấy phát ra Già Đà (Gāthā: Kệ Tụng), ở trong Già Đà nói việc đã yêu thích.
Già Đà ấy là:
“Như hiền nữ Nhật Quang (Sūrya-prabha)
Nên thỉnh cầu vua cha
Cùng Ta làm quyến thuộc
Đây biết như hiền lương
Ta đã luyến mộ nàng
Ví như người nóng bức
Nghĩ nhớ nơi trong mát
Như người khát nhớ nước
Như người bệnh nhớ thuốc
Như người đói nhớ ăn
Như voi lớn bị khóa
Chẳng thể bước tới trước
Lại như A La Hán (Arhat)
Vui cầu Pháp Tịch Diệt
Nay nguyện cầu của Ta
Nghĩa ấy cũng như thế
Tham Dục thêm phiền phiền não
Đây không có chân thật
Điều nguyện cầu chẳng đạt
Chịu mọi thứ khổ não
Ta đã làm nghiệp Phước
Cúng dường A La Hán
Đã đạt được Quả Báo
Đem cọng chung với nàng
Ta cầu Nhật Quang Nữ
Ý này rất bền chắc
Đế Thích! Chủ chư Thiên
Hãy cho tôi mãn nguyện”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong hang Đế Thích, dùng Thiên Nhĩ Thông từ xa nghe thấy âm thanh ấy, liền dùng Thần Lực từ xa bảo Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử rằng: “Lành thay! Lành thay Càn Thát Bà Vương Tử! Ông khéo dùng nhạc khí, khi khảy dây đàn thời phát ra âm thanh vi diệu như tiếng ca màu nhiệm. Khi phát ra tiếng ca thời lại như âm thanh của dây đàn. Do Nhân (Hetu) nào mà đợi đến khi phát ra âm nhạc thì ở trong dây đàn ấy tuôn ra Già Đà. Lại ở Già Đà nói ba loại âm thanh là âm thanh yêu thích, âm thanh của loài Rồng, âm thanh của A La Hán?”
Khi ấy Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử nương theo Thần Lực của Đức Phật, từ xa nghe thấy lời nói của Đức Phật, liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con nhớ một thời có vị Càn Thát Bà Vương (Gandharva-rāja) tên là Đống Mẫu La (Tumburu). Vị vua ấy có cô con gái tên là Nhật Quang (Sūrya-prabha), Tâm con ưa thích, cầu làm quyến thuộc. Lúc đó, tuy con làm mọi loại phương tiện cũng chẳng được thỏa nguyện, bèn đến trước mặt cô gái khảy nhạc khí như vậy, ở trong dây đàn của nhạc khí tuôn ra Già Đà, ở trong Già Đà nói ba loại âm thanh.
Thế Tôn! Ngay khi con khảy nhạc khí này thời Thiện Pháp Hội kia có các Thiên Chúng nói chuyện với nhau rằng: “Vị Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương này chẳng thấy chẳng nghe Đức Phật Thế Tôn của Ta có đầy đủ mười Hiệu: Như Lai (Tathāgata), Ứng Cúng (Arhat), Chính Biến Tri (Samyak-saṃbuddha), Minh Hạnh Túc (Vidyācaraṇa-saṃpanna), Thiện Thệ (Sugata), Thế Gian Giải (Loka-vid), Vô Thượng Sĩ (Anuttara), Điều Ngự Trượng Phu (Puruṣa-damya-sārathi), Thiên Nhân Sư (Śāstā deva-manuṣyāṇāṃ), Phật Thế Tôn (Buddha-lokanātha)”
Lúc đó con nói với Thiên Chúng rằng: “Chư Thiên các ông khéo ca ngợi Đức Hạnh của Phật”.
Chư Thiên đáp rằng: “Này Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử! Hết thảy Công Đức mà chúng tôi đã khen ngợi Đức Phật, đem cho chung với ông” .
Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử nghe chư Thiên nói, đột nhiên tỉnh ngộ, bảo rằng: “Này Nhân Giả! Nay tôi quy y Đức Phật Thế Tôn”.
Con dùng việc này cho nên hướng về Đức Phật khảy nhạc khí như vậy”.
Bấy giờ Đế Thích Thiên Chủ tác niệm như vầy: “Nay căn duyên của Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử này đã thành thục, chỉ chưa đến trước mặt Đức Phật, tác cúng dường”
Tác niệm này xong, bảo Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử rằng: “Ông đem lời của Ta, đi đến chỗ của Đức Phật, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Phật, rồi như lời của Ta mà thưa rằng: “Thiên Chủ Đế Thích cúi đầu dưới hai bàn chân của Đức Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn có ít bệnh,ít buồn bực, đứng ngồi có nhẹ nhàng thuận lợi, khí lực an ổn chăng ? Đi đứng không có bực bội chăng ?Nay con cùng với Thiên Chúng của cõi Trời Đao Lợi muốn đi đến chỗ của Phật, gần gũi cúng dường, lắng nghe Đức Phật chỉ bảo”
Khi ấy Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử nghe lời này xong, bạch với Đế Thích rằng: “Thưa Thiên Tử ! Rất tốt”.
Nói lời này xong, đi đến chỗ của Đức Phật, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Đức Phật, đứng trụ một bên rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Đế Thích Thiên Chủ cùng với Thiên Chúng của cõi Trời Đao Lợi sai con đến đây, lễ hai bàn chân của Đức Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn có ít bệnh,ít buồn bực, đứng ngồi có nhẹ nhàng thuận lợi, khí lực an ổn chăng ? Đi đứng không có bực bội chăng ? Hôm nay chúng con muốn đi đến chỗ của Phật, gần gũi cúng dường, cho nên sai con đến lắng nghe lời chỉ dạy của Đức Phật”
Đức Phật liền đáp rằng: “Ông có thể quay về báo cho Đế Thích với Thiên Chúng ấy: “Nay chính là lúc”
Lúc đó Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử vâng theo Thánh Chỉ của Đức Phật quay về cõi của Đế Thích, truyền lại lời dạy của Đức Thế Tôn: “Nay chính là lúc”
Khi ấy Đế Thích Thiên Chủ với Thiên Chúng của cõi Trời Đao Lợi liền đi đến chỗ của Đức Phật. Đến chỗ Đức Phật ngự xong, lễ hai bàn chân của Đức Phật rồi đứng ở một bên.
Lúc đó Thiên Chủ liền khởi niệm này: “Hang Đế Thích này có vẻ chật hẹp, còn Thiên Chúng thì nhiều vô số. Như thế làm sao mà ngồi đây ?”
Đức Phật biết Ý ấy, liền dùng Thần Lực khiến cho hang động rộng rãi, dung chứa các Thiên Chúng chẳng có sự trở ngại. Đế Thích Thiên Chủ với Thiên Chúng ấy, mỗi mỗi đều lể Đức Phật rồi theo thứ tự mà ngồi.
Các Chúng đã ngồi yên xong, Đế Thích Thiên Chủ chắp tay bạch rằng: “Thế Tôn! Con ở đêm dài, ưa muốn nhìn thấy Đức Phật, vui nghe Chính Pháp.
Thế Tôn! Con nhớ một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (Jeṭavaṇe’nāthapiṇḍadasyārāma) tại nước Xá–Vệ (Śrāvastya), nhập vào Tam Muội Hỏa Giới (Agni-dhātu-samādhi). Khi ấy, con ở tại cung Tỳ Sa Môn (Vaiśravaṇapura) thấy trong cung ấy có một vị phu nhân tên là Diệu Tý (Subāhu) nhìn thấy Đức Phật nhập vào Tam Muội Hỏa Giới đấy, chắp tay cung kính, chuyên Tâm niệm Phật. Con thấy Đức Thế Tôn chưa rời khỏi Tam Muội (Samādhi) đã bảo Diệu Tý rằng: “Đợi đến khi Đức Phật Thế Tôn ra khỏi Tam Muội, truyền dạy con đến ngay, thăm hỏi Đức Phật có ít bệnh, ít buồn bực, đứng ngồi có nhẹ nhàng thuận lợi, khí lực an ổn chăng ? Đi đứng không có bực bội chăng ?” Lại bảo rằng: “Đợi đến khi Đức Phật ra khỏi Định, truyền dạy con đến ngay, đừng để cho quên mất”.
Bạch Đức Thế Tôn! Việc này có thật chăng?”
_ Đức Phật bảo Đế Thích: “Việc này thật như thế. Vị phu nhân kia từng thay mặt cho ông, đến kính cẩn thăm hỏi Ta”
Đức Phật lại bảo rằng: “Này Thiên Chủ! Ta ở tại Tam Muội (Samādhi) cũng nghe ông nói, sau đó chẳng lâu, liền ra khỏi Tam Muội”
Bấy giờ Đế Thích bạch rằng: “Thế Tôn! Xưa con từng nghe, có Đức Phật Như Lai Chính Đẳng Chính Giác hiện ra ở đời, làm lợi ích lớn, dùng phương tiện lớn tùy theo loại mà dẫn lối, hoặc ần tướng người, hoặc hiện thân Trời. Nay con tự biết Đức Phật hiện ra ở Thế Gian làm lợi ích lớn, dùng phương tiện khéo tùy theo loại mà dẫn lối, hoặc ẩn hoặc hiện.
Thế Tôn! Hết thảy Thanh Văn (Śrāvaka) theo Phật xuất gia, tu trì Phạm Hạnh (Brahma-caryā), sau khi mệnh chung sinh lên cõi Trời Đao Lợi (Trāyastriṃśa:Tam Thập Tam Thiên) rồi Thiên Nhân ấy ưa thích ba loại việc là: Thọ Mệnh (Jivita: hạn năm sinh tồn), Sắc Tướng (Rūpa-lakṣaṇa: hình chất tướng trạng) cùng với Danh Xưng (Yaśa: Danh tiếng)
Thế Tôn! Xưa có Thích Nữ tên là Mật Hạnh (Guhya-caryā) theo Phật xuất gia, giữ gìn Phạm Hạnh, thường chán thân nữ, mong cầu tướng Nam Tử, sau khi mệnh chung sinh về cõi Trời Đao Lợi, làm con của con, tên là Mật Hạnh (Guhya-caryā), có đủ uy lực lớn. là bậc Đại Trượng Phu (Mahā-puruṣa)
Thế Tôn! Lại có ba vị Bật Sô (Bhikṣu) tu Hạnh Thanh Văn (Śrāvaka-caryā) nhưng chưa chặt đứt được Tâm tham dục, sau khi mệnh chung, sinh về cõi Trời, làm con của vị Vĩ Na Càn Thát Bà (Vīṇā-gandharva) thường đi đến hầu hạ vị Mật Hạnh Thiên Tử kia.
Thời vị Mật Hạnh Thiên kia hướng đến người con của Vĩ Na Càn Thát Bà, nói Già Đà (Kệ Tụng) rằng:
“Xưa Ta là người nữ
Đủ Trí (Jñāna), tên Mật Hạnh
Chán nữ cầu tướng nam
Thường cúng Phật (Buddha) Pháp (Dharma) Tăng (Saṃgha)
Khi nhìn thấy ba người
Tu theo Hạnh Thanh Văn
Nay sinh vào Tộc thấp (Hạ Tộc)
Đến phụng sự cho Ta
Nay các ngươi nên biết
Ta vì ngươi nói thật
Xưa khi ngươi làm người
Bốn việc (việc lắng nghe, việc quy hướng, việc tu học, việc Bồ Đề) đều dư đủ
Chẳng y Phật Cấm Giới (Buddha-saṃvara:Giới luật của Đức Phật)
Nay ôm giữ xấu hổ
Hiểu Tâm (Citta) tức Chính Pháp (Sad-dharma)
Chỉ bậc Trí mới hiểu
_Xưa, Ta ngươi đồng hành
Gần Phật, nghe Chính Pháp
Khởi tin, giữ Phật Giới
Với cúng dường chúng Thánh
Ta do hành Chính Hạnh (Samyak-pratipatti)
Được làm con Đế Thích (Indra-putra)
Đủ Uy Lực của Trời
Tự biết tên Mật Hạnh
Ở cung điện thù thắng
Chuyển nữ thành tướng nam
Ngươi, con Càn Thát Bà (Gandharva-putra)
Theo Phật giữ Phạm Hạnh
Nghe Phật Tối Thượng Pháp (Pháp tối thượng của Phật)
Trở lại làm người hầu
Ta ở trong cõi Trời
Chưa thấy việc, nay thấy
Tu trì Hạnh Thanh Văn
Mà sinh vào Tộc thấp
Ngươi, con Càn Thát Bà
Chịu Mật Hạnh dạy bảo
Các ngươi, chỗ được sinh
Chẳng phải các Phật Tử (Buddha-putra: con của Phật)”
_ Con Càn Thát Bà nói
“Trời đã nói thành thật Chúng tôi do tham dục
Đọa vào Càn Thát Bà
Nay tôi khởi tinh tiến
Chỉ niệm Phật Chính Pháp (Chính Pháp của Phật)
Biết tham dục sinh lỗi
Chặt Tâm tham dục ấy
Tham bị phiền não cột Sức ấy thắng quân Ma
Vứt Phật Chân Thật Pháp (Pháp chân thật của Phật)
Nên chẳng sinh Thắng Thiên (cõi Trời cao hơn)”
Đế Thích (Indra) với Phạm Vương (Brahma-rāja)
Ngồi ở Thiện Pháp Hội
Quán Thắng Hạnh chư Thiên
Người đi đến cõi Trời
Thấy tôi ở Tộc thấp
Đi đến ở cõi Trời
Tôi do hành chẳng đúng Nên chẳng được Thắng Quả.
_ Bấy giờ Mật Hạnh Thiên Bạch với cha Đế Thích:
“Nay phụ vương nên biết
Phật của con tối thượng
Hiện ra ở đời, nghe
Khéo giáng phục quân Ma (Māra-sena)
Tên Thích Ca Mâu Ni (Śākya-muṇi)
Ba Càn Thát Bà (Gandharva) này
Là Đệ Tử của Phật
Quên mất nơi Chính Niệm (Samyak-smṛti)
Đọa vào Càn Thát Bà
Ở trong ba người ấy
Một người chẳng biết đúng
Hai người quy Chính Đạo (Samyak-mārga)
Thường hướng Phật Bồ Đề (Buddha-bodhi)
Mà thực hành Chính Pháp
Các Thanh Văn đã thấy
Không có ai theo kịp
Vị ấy lìa ham muốn
Hay chặt đứt phiền não (Kleśa)
Chỉ niệm Phật Thế Tôn
Chẳng sinh ra Tưởng (Saṃjñā) khác
Hết thảy Pháp chưa hiểu
Cả hai đều biết đúng
Được Quả Báo thù thắng
Sinh về cõi Phạm Thiên (Brahma-deva)”
_ Thế Tôn! Lúc bấy giờ, con nghe Mật Hạnh Thiên Tử nói Kệ này xong, con đồi với việc này có chỗ chưa quyết định, cho nên đến chỗ của Phật, muốn trình bày thỉnh hỏi. Nguyện xin Phật rũ thương, vì con mà tuyên nói”
Khi ấy Đức Thế Tôn tác niệm này: “Đế Thích Thiên Chủ ở trong đêm dài, không có lười biếng, không có bỏ phế, không có bụi, không có dơ. Như có điều đã hỏi là chân thật chẳng biết, chẳng phải là làm việc của Ma. Điều ông ấy đã hỏi, Ta sẽ vì ông tuyên nói”
Tác niệm này xong, liền nói Già Đà, bảo Đế Thích rằng:
“Nay Đế Thích nên biết
Trong Tâm ông ưa thích
Muốn hỏi nghĩa lý nào
Nên hỏi, Ta sẽ nói”
Bấy giờ Đế Thích Thiên Chủ liền nói Già Đà, bạch với Đức Thế Tôn rằng:
“Nay mong Phật nghe, hứa
Như Ý con ưa thích
Nay con sẽ khải thỉnh
Nguyện xin Phật tuyên nói”
_ Đế Thích Thiên Chủ nói Già Đà xong, bạch với Đức Phật rằng: “Thế Tôn! Hết thảy hàng Trời (Deva), Người (Manuṣya), A Tu La (Asura), Càn Thát Bà (Gandharva) với các Phàm Phu (Dị sinh: Pṛthag-jana) làm điều gì mà bị phiền não?”
Đức Phật nói: “Do yêu ghét gây ra phiền não. Này Đế Thích Thiên Chủ ! Hết thảy hàng Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà cho đến các Phàm Phu…mà tác niệm này: “Than ôi! Ta tự mình đối với người khác, trước tiên không có xâm phạm gây hại, cũng chẳng gây điều oan uổng, chẳng đánh nhau, chẳng giành giật, không có gièm chê, không có kiện tụng, lại chẳng lôi kéo lẫn nhau. Vì sao đối với Ta lại trở ngược làm việc này ?!…”
Này Thiên Chủ! Việc như vậy đều do yêu ghét mà dấy lên. Vì dấy lên yêu ghét cho nên phiền não liền sinh ra”
Đế Thích bạch rằng: “Thế Tôn! Như vậy! Như vậy! Như Đức Phật đã nói. Nay con theo Phật biết rõ nghĩa này Yêu ghét gây ra phiền não. Chặt đứt sự nghi ngờ này thì tràn đầy Tâm vui thích”
Khi ấy Đế Thích Thiên Chủ được nghe Đức Phật nói, liền vui vẻ tin nhận.
_ Lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Phiền não yêu ghét này lấy gì làm Nhân (Hetu)? Do đâu mà tụ hội? Do đâu mà sinh ra? Lấy gì làm Duyên (pratyaya)? Do Nhân nào mà có (Bhava)? Do Nhân nào mà không có (Abhava)?”
Đức Phật nói: “Thiên Chủ ! Phiền não yêu ghét này lấy oán thân làm Nhân. Do oán thân mà tụ hội, theo oán thân mà sinh ra, dùng oán thân làm Duyên. Do oán thân cho nên có phiền não yêu ghét, nếu không có oán thân thì yêu ghét liền không có”
Đế Thích bạch Phật rằng: “Như vậy! Như vậy! Như Đức Phật đã nói. Nay con theo Đức Phật biết rõ nghĩa này phiền não yêu ghét lấy oán thân làm Nhân, nếu không có oán thân tức không có yêu ghét”
_ Lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Oán Thân nhân vào đâu mà có? Theo điều gì mà tụ hội ? Do đâu mà sinh ra? Y theo Duyên nào Nhân nào mà có? Do Nhân nào mà không có ?”
Đức Phật bảo Đế Thích: “Sở Dục (Nơi mà mỗi một thứ phẩm loại thọ dụng tham dục đã cư trú) làm Nhân, theo Sở Dục mà tụ hội, do Sở Dục mà sinh ra, Y theo Sở Dục làm Duyên, Nhân vào Sở Dục ấy cho nên có oán thân, nếu không có Sở Dục thì oán thân liền không có”
Đế Thích bạch Phật rằng: “Như vậy! Như vậy! Như Đức Phật đã nói. Nay con theo Đức Phật biết rõ nghĩa này oán thân ấy nhân vào Sở Dục mà có”.
_ Lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nhưng Sở Dục này do Nhân nào mà có? Theo điều gì mà tụ hội? Do đâu mà sinh ra? Y theo Duyên nào Nhân nào mà có? Do Nhân nào mà không có?”
Đức Phật nói: “Này Đế Thích! Sở Dục nhân vào sự nghi ngờ mê lầm (nghi hoặc) mà có, theo sự nghi ngờ mê lầm mà tụ hội, do sự nghi ngờ mê lầm mà sinh ra, y theo sự nghi ngờ mê lầm làm Duyên, nhân vào sự nghi ngờ mê lầm cho nên có Sở Dục, nếu không có sự nghi ngờ mê lầm tức không có Sở Dục”
Đế Thích bạch Phật rằng: “Như vậy! Như vậy! Như Đức Phật đã nói. Sở Dục nhân vào sự nghi ngờ mê lầm (nghi hoặc) mà có”.
_ Lại bạch rằng: “Thế Tôn! Sự nghi ngờ mê lầm lấy gì làm Nhân? Do đâu mà tụ hội? Do đâu mà sinh ra? Lấy gì làm Duyên? Song sự nghi ngờ mê lầm này do Nhân nào mà có? Do Nhân nào mà không có ?”
Đức Phật bảo Đế Thích: “Do hư vọng làm Nhân, theo hư vọng mà tập hội, do hư vọng mà sinh ra, y theo hư vọng làm Duyên. Do hư vọng cho nên liền có sự nghi ngờ mê lầm, do sự nghi ngờ mê lầm cho nên dẫn đến có sở dục, nhân vào Sở Dục ấy cho nên có oán thân, do oán thân ấy liền có yêu ghét, do yêu ghét cho nên liền có đao kiếm lôi kéo nhau gièm chê, kiện tụng, đánh nhau, giành giật. Tình sinh ra siểm khúc (Vaṅka, hay Kuhana: Làm ra dáng vẻ đáng yêu để lừa dối người khác), lời nói chẳng chân thật. Dấy lên mọi loại nghiệp tội, Pháp chẳng lành của nhóm như vậy. Do đây mà có một nhóm chất chồng khổ đau to lớn (đại khổ uẩn) tụ hội.
Này Thiên Chủ! Nếu không có hư vọng tức không có sự nghi ngờ mê lầm. Nếu không có sự nghi ngờ mê lầm tức không có sở dục. Sở Dục đã không có thì oán thân làm sao mà có. Oán Thân chẳng dựng lập thì yêu ghét tự trừ, không có đao kiếm lôi kéo nhau gièm chê, kiện tụng, đánh nhau, giành giật. Tình của Siểm Khúc, lời nói chẳng thật…mọi loại nghiệp tội, Pháp chẳng lành của nhóm như vậy thảy đều được diệt. Như vậy ắt một nhóm khổ đau to lớn (đại khổ uẩn) được diệt.
Đế Thích bạch Phật rằng: “Như vậy! Như vậy! Như Đức Phật đã nói. Nhân vào sự nghi ngờ mê lầm cho nên liến có hư vọng”.
_ Lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Dùng Pháp nào để diệt Pháp hư vọng? Cho đến Bật Sô (Bhikṣu) nên thực hành như thế nào?”
Đức Phật bảo Thiên Chủ: “Pháp diệt được hư vọng là tám con dường chính đúng (Bát chính đạo: Aṣṭāṅgika-mārga) Tám con đường chính đúng là:
1_ Chính Kiến (Samyak-dṛṣti: cái thấy chính đúng)
2_ Chính Tư Duy (Samyak-saṃkalpa: suy nghĩ chính đúng)
3_ Chính Ngữ (Samyak- vāc: nói năng chính đúng)
4_ Chính Nghiệp (Samyak- karmānta:làm công việc chính đúng)
5_ Chính Mệnh (Samyak- ājiva: nuôi mạng sống chính đúng)
6_ Chính Tinh Tiến (Samyak- vyāyāma: hoặc tinh tiến chính đúng)
7_ Chính Niệm (Samyak- smṛti: nghĩ nhớ chính đúng)
8_ Chính Định (Samyak- samādhi: an định Tâm chính đúng)
Do tám Pháp này mà hư vọng bị diệt. Nếu các Bật Sô thực hành Pháp này thì đây tức gọi là Diệt Hư Vọng Hạnh”
Đế Thích bạch Phật rằng: “Như vậy! Như vậy! Như Đức Phật đã nói. Pháp diệt hư vọng là tám con đường chính đúng”.
_ Đế Thích lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Pháp đã diệt hư vọng. Nếu Bật Sô Hành Giả đang ở trong Pháp Biệt Giải Thoát (Prātimokṣa) thì có mấy loại Pháp?”
Đức Phật nói: “Này Thiên Chủ ! Pháp hư vọng ở trong Pháp Biệt Giải Thoát có sáu loại Pháp. Nhóm nào là sáu? Ấy là: Mắt xem xét hình thể màu sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi biết mùi vị, thân hiểu biết sự tiếp chạm, Ý phân biệt Pháp.
Này Thiên Chủ! Mắt xem xét hình thể màu sắc có hai loại nghĩa là: nên xem xét, chẳng nên xem xét.
Việc chẳng nên xem xét là đối với tất cả cảnh giới (Viṣaya) của Pháp ô nhiễm thì chẳng nên quan sát
Việc nên xem xét là đối với tất cả cảnh giới của Pháp lành (Kuśalā-dharmāḥ: Thiện Pháp) thì nên quan sát.
Như vậy, mắt xem xét Sắc Cảnh (Rūpa-viṣaya: cảnh giới của hình thể màu sắc) cho đến Ý phân biệt Pháp cũng lại như vậy”.
_ “Thế Tôn! Nay con theo Đức Phật biết rõ nghĩa này: Việc chẳng nên xem xét là hết thảy Pháp bất thiện của Nhãn Cảnh (Cakṣur-dhātu: Nhãn giới, cảnh giới mà con mắt nhìn thấy). Nếu xem xét việc ấy tức là tăng trưởng Pháp ô nhiễm, giảm bớt Pháp lành
Việc chẳng nên xem xét ấy là hết thảy Pháp Thiện của Nhãn Cảnh. Nếu xem xét việc ấy tức là tăng trưởng Pháp lành, giảm bớt Pháp ô nhiễm…cho đến Ý phân biệt Pháp cũng lại như vậy.
Thế Tôn! Nay con theo Đức Phật được nghe Pháp này xong thì chặt đứt được sự nghi ngờ mê lầm, vui sướng được thỏa mãn ước nguyện”.
_ Lại bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu vị Bật Sô lại muốn diệt điều hư vọng thì nên chặt đứt bao nhiêu Pháp? Nên thực hành bao nhiêu Pháp ?”
Đức Phật nói: “Này Thiên Chủ! Nếu có vị Bật Sô muốn diệt Pháp hư vọng thì nên chặt đứt ba Pháp, nên thực hành ba Pháp.
1_ Sự nghi ngờ mê lầm
2_ Sự hy vọng
3_ Lời nói không có nghĩa
Ba loại Pháp này cũng có điều nên thực hành, có điều chẳng nên thực hành Điều chẳng nên thực hành là đối với ba loại Pháp chẳng lành (Bất Thiện Pháp: Akuśalā-dharmāḥ) này thì nên chặt đứt chẳng thực hành. Nếu người lại thực hành thì tăng thêm Pháp chẳng lành, giảm bớt Pháp lành (Thiện Pháp: Kuśalādharmāḥ).
Điều nên thực hành là đối với ba loại Pháp chẳng lành này thì siêng năng thực hành đoạn trừ, tức được giảm bớt sự chẳng lành, tăng trưởng Pháp lành”.
Đế Thích bạch rằng: “Thế Tôn! Như vậy! Như vậy! Nay con theo Đức Phật biết rõ nghĩa này: Ba loại Pháp của nhóm nghi ngờ mê lầm, hy vọng, lời nói không có nghĩa…nếu người thực hành sẽ giảm bớt các Pháp lành, tăng trưởng sự chẳng lành. Lại nếu vị Bật Sô đối với ba Pháp này, siêng năng thực hành đoạn trừ, liền được giảm bới sự chẳng lành, tăng trưởng Pháp lành.
_ Tiếp lại bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu có vị Bật Sô thực hành diệt trừ Pháp hư vọng thì có bao nhiêu loại Thân (Kāya)?”
Đức Phật nói: “Này Thiên Chủ! Nếu có vị Bật Sô thực hành diệt trừ Pháp hư vọng thì có ba loại Thân. Ba loại Thân là thân vui thích, thân khổ não, thân buông xả
Thân vui thích có hai nghĩa là nên thực hành, chẳng nên thực hành. Việc nên thực hành là các Pháp lành. Việc chẳng nên thực hành là các Pháp chẳng lành. Thân khổ não, thân buông xả cũng lại như vậy”
Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như vậy! Như vậy! Nay con theo Đức Phật biết rõ nghĩa này. Nếu vị Bật Sô kia thực hành diệt trừ Pháp hư vọng, đối với thân vui thích, thân khổ não, thân buông xả…Đối với ba Thân này thì các nhóm Pháp lành thì nên thực hành, các nhóm Pháp chẳng lành đều chẳng nên thực hành”.
_ Bấy giờ Đế Thích lại bạch rằng: “Thế Tôn! Sự vui muốn, sự nghĩ nhớ, sắc tướng của hết thảy tất cả chúng sinh có đều giống nhau chăng?”
Đức Phật nói: “Chẳng phải giống nhau vậy. Này Thiên Chủ! Tất cả chúng sinh chẳng phải đồng một sự ham muốn (dục), chẳng phải đồng một sự nghĩ nhớ (niệm), chẳng phải là một sắc tướng.
Này Thiên Chủ ! Tất cả chúng sinh khiến như điều này: mỗi mỗi đều cư ngụ nơi Giới Thú (nơi chốn luân hồi sinh tử trong sáu nẻo thuộc ba cõi) của mình. Do chúng sinh kia chẳng biết Giới Thú có sai khác, thế nên đi vào con đường tối tăm (hắc ám), trở ngược lại chấp vào Pháp si mê (Si Pháp:Moha-dharma) cho là chân thật. Các chúng sinh này chẳng biết Giới Thú có mọi loại sai biệt, điều đã biết rõ chỉ là cõi Hắc Ám. Tuy lại biết rõ, nhưng cũng thường đi vào con đường đen tối, chấp chặt vào Pháp si mê cho là chân thật”.
Đế Thích bạch rằng: “Thế Tôn! Như vậy! Như vậy! Như Đức Phật đã nói! Nay con theo Đức Phật biết rõ nghĩa này: Tất cả chúng sinh chẳng phải đồng một sự ham muốn (dục), chẳng phải đồng một sự nghĩ nhớ (niệm), chẳng phải là một sắc tướng.Do chúng sinh chẳng biết điều sai biệt cho nên chấp vào sự Si Ám mà cho là chân thật”.
_ Khi ấy Đế Thích lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Hết thảy tất cả hàng Sa Môn (Śramaṇa), Bà La Môn (Brāhmaṇa) đều được Phạm Hạnh (Brahma-caryā) trong rạch rốt ráo chăng?”
Đức Phật nói: “Chẳng phải giống nhau vậy, điều này có hai nghĩa.
Này Thiên Chủ! Nếu hàng Sa Môn, Bà La Môn ấy chẳng thể dứt hết được Pháp luyến ái (Ái Pháp:Tṛṣṇa-dharma) kia thì quyết định chẳng đạt được Phạm Hạng trong sạch rốt ráo.
Nếu hàng Sa Môn, Bà La Môn ấy hay dứt hết Pháp luyến ái kia, liền được sự giải thoát chính đúng của Tâm giải thoát vô thượng. Đây gọi là được Phạm Hạnh trong sạch rốt ráo”.
Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như vậy! Như vậy ! Như Đức Phật đã nói! Nay con theo Đức Phật biết rõ nghĩa này: Nếu hàng Sa Môn, Bà La Môn chẳng thể dứt hết được Pháp luyến ái (Ái Pháp:Tṛṣṇa-dharma) thì quyết định chẳng đạt được Phạm Hạnh trong sạch rốt ráo.
Nếu có hàng Sa Môn, Bà La Môn dứt hết Pháp luyến ái kia, liền được sự giải thoát chính đúng của Tâm giải thoát vô thượng. Đây gọi là được Phạm Hạnh trong sạch rốt ráo”.
_ Lúc đó Đế Thích lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con làm thế nào để được lìa hẳn bệnh của các Kiến (Dṛṣṭi, hoặc Darśana: suy nghĩ tìm cầu, xem xét rõ ràng rồi quyết định chọn lực sự lý) khiến cho nó chẳng sinh trở lại nữa? Bệnh của các Kiến đấy theo Tâm Thức sinh ra, Tâm Thức này của con cần phải làm thế nào? Tuy con hỏi Phật mọi loại ý nghĩa. Vì sao lại chẳng có thể được Quả Báo của bậc Thánh, được Phật Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác? Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con mà chặt đứt gốc rễ của sự nghi ngờ mê lầm, bệnh của các Kiến”.
Đức Phật nói: “Này Thiên Chủ! Ông có biết chăng? Vào thời xa xưa, có vị Bà La Môn cũng đã hỏi nghĩa này”.
Đế Thích bạch rằng: “Thế Tôn! Nay con nhớ lại, ở trong một thời, có chư Thiên có uy lực lớn tụ tập tại Hội Thiện Pháp trên cõi Trời Đao Lợi. Khi ấy trong Hội có các Thiên Nhân chẳng biết Pháp, luôn muốn thành Phật. Dùng Ý như vậy nói rõ với Đức Thế Tôn. Đức Phật xem xét thấy họ là kẻ ngu tối nên chẳng trao cho thọ ký. Thời chư Thiên ấy chẳng được mãn ước nguyện, nên Tâm có sự sai biệt, từ chỗ ngồi đứng dậy, đều quay trở về chỗ ở của mình (bản giới). Vì chỗ ở của mình (bản giới) chẳng hiện ra, do đó liền bị đọa lạc.
Khi chư Thiên kia đã bị đọa lạc, liền rất sợ hãi, Tâm sinh nghi hoặc, đều tác niệm này: “Chỗ ở của mình chẳng hiện ra, chắc chắn biết đã bị đọa lạc. Nếu Ta được nhìn thấy vị Sa Môn, Bà La Môn…liền đi đến thỉnh hỏi: “Ông là đấng Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác chăng?”
Thời chư Thiên ấy, hoặc nhìn thấy con (Đế Thích) chỉ đi Kinh Hành (Caṅkramana) một mình, liền đi đến chỗ của con, rồi hỏi con rằng: “Này Nhân Giả (người có Đức Hạnh, câu thường dùng để tôn xưng người đối diện)! Ông là người nào?”
Con liền đáp rằng: “Ta là Đế Thích Thiên Chủ”.
Thời chư Thiên kia, vì Tâm khổ não nên bạch rằng: “Thiên Chủ! Há chẳng thấy tôi đang chịu sự khổ não sao? Do tôi hướng về Đức Phật, Pháp cần phải hỏi thì chẳng thể hỏi, nơi đáng Quy Y thì chẳng Quy Y. Dùng Tâm sai biệt bèn quay về chỗ ở của mình (bản giới) thì chỗ ở của mình chẳng hiện ra, chắc chắn biết đã bị đọa lạc, thế nên phải chịu sự khổ não. Nguyện xin nhìn thấy, cứu giúp!…
Thiên Chủ ! Từ ngày hôm nay, tôi thề quy y Phật, làm Đệ Tử Thanh Văn” Vào lúc đó, con liền nói Già Đà, đáp lại vị Trời kia là:
“_ Các ngươi khởi Tà Niệm
Nói lời chẳng chính đúng
Cầu Phật, Tâm sai biệt
Do đó chịu khổ mãi
Hoặc nhìn thấy Sa Môn
Với Bà La Môn kia
Kinh Hành, liền thỉnh hỏi “Ông là Chính Giác chăng?
Nếu là Bậc Chính Giác
Tôi quy y, cúng dường”
_Con (Đế Thích) liền hỏi kẻ ấy
“Nên cúng dường thế nào?”
Chỗ hỏi, chẳng thể biết
Phật, chính đạo như thật
_ Thời các Thiên Chúng kia
Mọi lạc dục trong Tâm
Pháp Tâm (Citta) và Tâm Sở (Caitta, hay Caitasika)
Nghi hoặc mà phân biệt
Con biết Tâm Pháp ấy
Như Thế Tôn đã nói
Con đã vì họ nói
Ở trong ba cõi (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) kia
Chỉ có Phật Thế Tôn
Là Đại Sư Thế Gian
Khéo giáng phục quân Ma
Hay độ các Hữu Tình
Đến bờ kia (bờ giải thoát), Niết Bàn (Nirvāṇa)
Như Lai Đại Giác Tôn
Ở trên Trời, cõi người
Không có ai sánh bằng
Đại Trượng Phu Vô Úy (Vaiśāradya, hoặc Abhaya: không có sự sợ hãi) Khéo chặt bệnh tham nhận
Như Lai Đại Nhật Tôn (Mahā-varocana-nātha)
Nay con cúi đều lễ”
_ Khi Đế Thích Thiên Chủ nói việc này xong, thời Đức Phật lại bảo rằng: “Thiên Chủ! Ông có thể biết việc quá khứ kia, ấy là lợi phân biệt (phân biệt lợi) với lợi vui thích (thích duyệt lợi)”
Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con nhớ lại, một thuở xa xưa, chư Thiên (Deva) cùng với Tu La (Asura) chiến đấu, Thiên Nhân được thắng, Tu La lui bại. Con tác niệm này: “Hết thảy sự vui sướng của Thiên Nhân với sự vui sướng của Tu La. Nay riêng mình con nhận được sự vui thích, nhân được lợi của sự vui thích như vậy ắt hết cuộc sống này sẽ có đấu tranh với đao binh hại nhau”. Đây là nhân vào lợi vui thích kia.
Lợi phân biệt là hết một đời này không có chiến đấu, không có tranh giành cho đến đao binh chẳng lôi kéo gây hại lẫn nhau. Đây là lợi của sự phân biệt”
Đế Thích lại nói: “Thế Tôn! Nay con theo Phật nghe Chính Pháp này, chuyển lại tin tưởng sâu xa, phát khởi Hạnh Nguyện: “Nguyện khi con dứt tuổi thọ, nếu sinh vào nhân gian thời sinh vào giòng tộc giàu sang cao quý, có nhiều tiền của lúa đậu, tích chứa nhiều châu báu, xe cộ dư thừa, đầy đủ vật thưởng ngoạn ưa thích, quyến thuộc đông đầy, đầy đủ mọi loại, thường chẳng bị túng thiếu.
Nguyện cho con sinh vào giòng tộc cao quý như vậy, ở trong thai của bậc Trí, thân thể tròn đầy, sắc tướng thù diệu, ăn thức có thượng vị, tôn quý, tự tại, thọ mệnh lâu dài, khới Tâm tin tưởng chính đúng, hướng theo Phật xuất gia, cắt bỏ râu tóc, khoác mặc quần áo Pháp (Pháp phục) làm vị Bật Sô, thường giữ gìn Phạm Hạnh không có chỗ khuyết phạm, chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm cho đến đước bớ mé dứt hết sự khổ.
Thế Tôn! Con lại nghe cõi Trời Sắc Cứu Cánh (Akaniṣṭha, hoặc Aghaniṣṭha). Nguyện cho con khi chết ở nhân gian, lại được sinh về cõi Trời ấy”
Đức Phật nói: “Thiên Chủ! Lành thay! Lành thay Thiên Chủ! Như ông đã nguyện. Do Nhân nào, Duyên nào mà có Quả đã chứng thù thắng này?”
Đế Thích bạch rằng: “Thế Tôn! Riêng con không có Nhân (Hetu), chỉ là theo Phật nghe nơi Chính Pháp, mà phát khởi niềm tin sâu xa. Dùng sức Nguyện cho nên chứng Quả như vậy.
Thế Tôn! Nay con ở trong Hội này, nghe nơi Chính Pháp, dùng sức của Pháp cho nên tăng thêm Trí Tuệ, lại tăng thêm thọ mệnh”
Lúc đó, Đế Thích phát Nguyện này xong thì xa bụi lìa dơ, được sự trong sạch của con mắt Pháp (Dharma-cakṣu: Pháp Nhãn). Lại có tám vạn Thiên Nhân cũng lại được sự trong sạch của con mắt Pháp.
Khi ấy Đế Thích Thiên Chủ nghe Pháp, thấy Pháp nên hay biết thấu tỏ, trụ Pháp bền chắc, chặt đứt các nghi ngờ mê lầm. Chứng như vậy xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, chắp tay, đỉnh lễ rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con được giải thoát! Con được giải thoát! Từ hôm nay cho đến hết thọ mệnh, con quy y Phật Pháp Tăng, giữ gìn Giới của Ưu Bà Tắc (cận sự Nam)”.
_ Bấy giờ Đế Thích Thiên Chủ liền ở trước mặt Đức Phật, quay lại nói với Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử rằng: “Nay ông đối với Ta, thích sinh Thiện Lợi với lợi ích cho nhiều người. Do Ông đến trước, dùng diệu nhạc cúng dường Đức Phật nên khiến cho chúng ta nghe Pháp được Quả. Chờ Ta quay về Cung, sẽ thỏa mãn ước nguyện của ông”
Khi ấy Đế Thích Thiên Chủ lại bảo Thiên Chúng của cõi Trời Đao Lợi rằng: “Này Nhân Giả! Các ông nên tác Phạm Âm (Brahma-ghoṣa) ba lần Quy Phật. Ý ấy thế nào? Vì nay Đức Phật Thế Tôn đã được Phạm Trú, Niết Bàn vắng lặng”
Lúc đó Thiên Chúng tùy theo Đế Thích nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, liền cúi đầu mặt lễ hai bàn chân của Đức Phật, đứng ở trước mặt Đức Phật, khác miệng đồng tiếng, liền tác Phạm Âm (Brahma-ghoṣa), ba lần Quy Phật là:
“Na mô na mạc (1) tát đa tát muội, bà nga phộc đế (2) đát tha nga đa dã (3) a la ha đế, tam miểu tam một đà dã (4)”
𑖡𑖦𑖺 𑖡𑖦𑖾 𑖝𑖝𑖿𑖝𑖿𑖪𑖸-𑖥𑖐𑖪𑖝𑖸, 𑖝𑖞𑖯𑖐𑖝𑖯𑖧 𑖀𑖨𑖿𑖮𑖝𑖸 𑖭𑖦𑖿𑖧𑖎𑖿𑖭𑖽𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠𑖯𑖧
*) Namo namaḥ tattve-bhagavate, Tathāgatāya arhate samyaksaṃbuddhāya
(Quy mệnh kính lễ Đức Thế Tôn của bản tính chân thật. Ngài là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác)
Đế Thích Thiên Chủ và Thiên Chúng ấy ba lần quy y Phật xong, rồi cùng với nhóm Ngũ Kế Càn Thát Bà Vương Tử ấy ẩn mất ở trong Hội, quay trở về cõi Trời.
_ Khi ấy Ta Bà Thế Giới Chủ Đại Phạm Thiên Vương (Sahaṃpati) qua ngày này xong, vào ban đêm, đi đến chỗ của Đức Phật, lễ hai bàn chân của Đức Phật rồi lui ra ngồi một bên, chắp tay đỉnh lễ, nói Già Đà (Gāthā:Kệ ) rằng:
“Đế Thích vì nhiều lợi
Hướng Phật hỏi Chính Pháp
Phật dùng âm vi diệu
Cắt trừ sự nghi hoặc”
Lúc đó, vị Phạm Vương nói Già Đà xong, liền bạch rằng: “Thế Tôn! Khi Đức Phật nói Chính Pháp thời Đế Thích Thiên Vương xa bụi lìa dơ, được sự trong sạch của con mắt Pháp, tám vạn người Trời cũng được sự trong sạch của con mắt Pháp”
Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Đúng như vậy!”
Thời Ta Bà Thế Giới Chủ Đại Phạm Thiên Vương (Sahaṃpati) nghe Đức Phật nói xong, vui vẻ tin nhận, lễ bàn chân của Đức Phật rồi ẩn thân chẳng hiện, quay trở lại cõi Trời.
_ Khi ấy Đức Thế Tôn liền ở trong đêm, đi đến chỗ ngồi có chúng Bật Sô vây quanh, rồi bảo các vị Bật Sô rằng: “Qua ngày này xong, ở trong ban đêm, Ta Bà Thế Giới Chủ Đại Phạm Thiên Vương đi đến chỗ của Ta, lễ bàn chân của Ta rồi chắp tay cung kính, nói Già Đà rằng:
“Đế Thích vì nhiều lợi
Hướng Phật hỏi Chính Pháp
Phật dùng âm vi diệu
Cắt trừ sự nghi hoặc”
Lại vì Ta nói rằng: “Khi Đế Thích Thiên Chủ nghe Chính Pháp thời được sự trong sạch của con mắt Pháp, với tám vạn người Trời cũng được sự trong sạch của con mắt Pháp”. Ta liền bảo rằng: “Đúng như vậy! Đúng như vậy!” Thời vị Phạm Vương ấy nghe Ta đã nói, vui vẻ tin nhận, lễ bàn chân của Ta rồi ẩn thân chẳng hiện, quay trở lại cõi Trời.
Bấy giờ, chúng Bật Sô nghe Đức Phật nói Pháp này xong, đều rất vui vẻ, lễ Phật rồi lui ra.
PHẬT NÓI KINH ĐẾ THÍCH SỞ VẤN _Hết_
11/10/2011