LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ

Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG

 

TẬP II
QUYỂN 22

Phẩm thứ nhất
(tiếp theo)
 
Bát Niệm
(8 Niệm)

II. Niệm Pháp

Hỏi: Thế nào là niệm Pháp?

Đáp: Niệm Pháp là như thật biết các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, nên đều là không có tự tánh.

Phật dạy: “Niệm Pháp được xuất ly cõi Dục nhiễm, hiện đời được Đạo quả, được tự tại, vô ngại nơi hết thảy các pháp.”

Người xuất ly Dục nhiễm rồi, thì ở nơi Tục Đế cũng như ở nơi Chân Đế chẳng còn sanh tâm phân biệt, có nghĩa là xem Thế Đế chẳng có trái với Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Bởi nhân duyên vậy, mà người trí chẳng còn khinh miệt người ngu, người ngu chẳng còn khởi đấu phấn tranh với người trí. Vì sao? Vì PHÁP chẳng lìa Chân và Tục mới là Chân Pháp Giải Thoát vậy. Hành giải chẳng thọ 5 dục lạc cũng chẳng tự ép mình trong khổ hạnh. Phải lìa cả hai bên chẳng chấp đoạn cũng chẳng chấp thường, chẳng chấp ngã cũng chẳng chấp vô ngã, chẳng chấp CÓ cũng chẳng chấp KHÔNG….Như vậy mới thật là khéo Siêu Xuất Giải Thoát vậy.

Hàng Ngoại Đạo tự cho pháp của mình là tôn quý, xem pháp của người khác là hạ tiện, nên chẳng thể siêu xuất giải thoát được.

Người đã được siêu xuất, thì ở hiện đời ly được thương ghét. Bởi nhân duyên vậy, mà ly được các khổ, ly được các tà kiến, đồng thời cũng ly được các luận nghị, đấu tranh, khiến tâm được thường lạc, thường tịnh.

Như bài kệ thuyết:

Người trì giới thanh tịnh,
Thân tâm không não loạn,
Nằm ngồi thường an ổn,
Tiếng tốt được đồn xa.

Do nhân duyên niệm Pháp mà được quả tốt, được giới thanh tịnh.

Do trì giới thanh tịnh nên tâm chẳng hối. Do tâm chẳng hối nên thân tâm được hoan hỷ. Do thân tâm hoan hỷ nên nhiếp được tâm, khiến tâm thường thanh tịnh. Do nhiếp được tâm thanh tịnh, nên hành giải mới biết được các pháp đều là hư dối, đều là chẳng thật có, là như huyễn, như hóa, khiến khởi sanh tâm nhàm chán, ly được các dục, được giải thoát, thành tựu cảnh Niết Bàn ngay ở hiện đời.

Pháp Ngoại Đạo dạy tu khổ hạnh mà chẳng có đem lại lợi ích gì cả. Như lời tự thuật của ngài A la Hán Diêm Phù trong bài kệ sau đây:

Tôi xưa vốn Ngoại Đạo,
Suốt năm mươi năm dài,
Chỉ ăn phân khô cứng,
Trần truồng nằm trên gai,
Dùng đủ mọi cực hình,
Tự hành hạ xác thân.
Khổ hạnh đến như vậy,
Mà chẳng lợi ích gì.
Nay theo Phật nghe pháp,
Mới xuất gia ba tháng,
Đã thành tựu Đạo nghiệp,
Chứng quả A La Hán.

 Bài kệ trên đây cho thấy rằng “Niệm Pháp được Đạo quả ngay trong hiện đời”.

Hỏi: Đã nói “Được Đạo quả ngay ở hiện tại”, thì vì sao còn nói là Vô Sở Đắc?

Đáp: Người tu hành tin theo lời Phật dạy, thứ lớp tu hành, nên cũng thứ lớp từng phần Đạo quả. Đến khi được đạo quả Niết Bàn an lạc, cũng chẳng chấp vị quả ấy, cho nên gọi là Vô Sở Đắc. Ví như người bị bệnh nặng, thứ lớp uống các thứ thuốc nhằm trị bệnh, khiến bệnh được thuyên giảm dần dần, rồi tình trạng sức khỏe trở lại bình thường như trước, cũng là vô sở đắc vậy.

Phật dạy: “Người xuất gia, vì Niết Bàn mà hành Đạo. Đến khi đã an lạc ở cõi Niết Bàn rồi, thì chẳng còn diệt các khổ não ở thân tâm nữa. Ví như người tù, sau khi được giải thoát khỏi ngục tù, chẳng còn phải diệt các khổ bị giam cầm nữa. Người tu hành đã được giải thoát khỏi dâm dục, si mê rồi, chẳng còn phải diệt các khổ ái kiết nữa, nên được an trú trong thiền định, khởi sanh hỷ lạc. Người tu hành khi đã thọ diệu lạc khắp toàn thân, chẳng còn phải diệt các khổ não nữa, ví như người sống nơi chốn nóng nực, bức bách, khi đến được chỗ im mát, chẳng còn các khổ não nóng bức để diệt trừ nữa.

Người tu 8 Thánh Đạo, được Vô Lậu Trí Huệ, tiêu sạch các phiền não nên được Đạo quả ngay ở hiện đời, chẳng phải đợi đến đời sau mới có được vậy.

Hỏi: Đối với người mà thiện căn chưa được thuần thục, Phật dạy “phải đợi thời”. Sao nay lại nói “chẳng cần phải đợi thời” ?

Đáp: Đây là y theo thế tục mà nói rằng “Khi kiết giới, người tu hành phải đợi thời gian tu tập”. Trái lại, khi đã được thiền định trí huệ rồi, đã vào được pháp vi diệu rồi, thì chẳng còn phải đợi thời nữa.

Theo trên đây, Phật mật ý nói: “Dù có trì giới, có thiền định mà chưa có đầy đủ trí huệ, thì vẫn chưa được Thánh quả. Nhưng khi đã có đầy đủ trí huệ, thì liền được Thánh quả, chẳng còn phải đợi thời mới có được như vậy”. Ví như người nghe được Chánh Pháp, tức thì chuyển nhiễm thành tịnh, chẳng còn phải đợi thời nữa.

Người tu 37 Phẩm Trợ Đạo mà vẫn được vô lậu tâm thì liền vào được Niết Bàn.

Hỏi: Trước đây nói “Chẳng có đi, chẳng có đến” (vô khứ, vô lai). Sao nay lại nói “có đến cõi Niết Bàn”?

Đáp: Dùng thế trì thì nói “có đi, có đến”, thấy có hữu lậu chuyển thành vô lậu, có ái chấp 5 ấm chuyển thành ly xuất 5 ấm, có chúng sanh từ trong phiền não vào chốn Niết Bàn. Phàm phu tưởng chừng như có bất tịnh đi, có tịnh đến, nhưng thật sự chẳng hề có đi, chẳng hề có đến vậy. Vì sao? Vì các pháp đều do nhân duyên hòa hợp sanh, chẳng có ai làm ra cả, chẳng có đi từ đâu, cũng chẳng có từ đâu đến cả, cho nên nói là “chẳng có đi, chẳng có đến” vậy. Ví như người mang ấn tín nhà vua được tự do ra vào các cung điện, chẳng ai ngăn ngại cả. Người tu hành khi đã được Vô Đắc Pháp Ấn của Phật rồi liền được tự tại vô ngại nên chẳng có đi, chẳng có đến (vô khứ, vô lại) vậy.

Hỏi: Pháp Ấn của Phật gồm những gì?

Đáp: Có 3 Pháp Ấn của Phật đó là:

  • Vô Thường Pháp Ấn
  • Vô Ngã Pháp Ấn
  • Tịch Diệt Pháp Ấn

Người tu hành biết rõ các pháp hữu vi, ở trong 3 cõi đều là sanh diệt nên đều là vô thường. Đây là Vô Thường Pháp Ấn.

Người tu hành biết rõ các pháp đều do duyên sanh, chẳng có tự tại nên là vô ngã. Đây là Vô Ngã Pháp Ấn.

Người tu hành biết rõ “Thuyết vô ngã được dựng lên nhằm phá trừ chấp điên đảo của chúng sanh, cho rằng thần ngã là thường”. Thật ra pháp vô ngã là tịch diệt, là Niết Bàn được vậy. Vì sao? Vì khi đã tận diệt 3 độc tham, sân , si rồi thì được Niết Bàn tịch diệt. Đây là Tịch Diệt Pháp Ấn.

Hỏi: Có 3 Pháp Ấn, nhưng vì sao trong kinh thường chỉ nói đến Tịch Diệt Pháp Ấn mà thôi?

Đáp: –  Vô Thường Pháp Ấn cho biết 5 ấm là vô thường.

–  Vô Ngã Pháp Ấn cho biết các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, nên là vô ngã.

Người tu hành khi đã được 2 pháp ấn này rồi, nếu tiến tu thêm nữa sẽ được pháp ấn thứ ba, là Tịch Diệt Niết Bàn Pháp Ấn. Vì Sao? Vì người tu hành quán các pháp là vô thường liền sanh tâm nhàm chán 5 dục, biết rõ vô thường là khổ, nên chẳng còn muốn đắm chấp ngoại cảnh, tự làm chủ lấy mình, chẳng còn để ngoại cảnh sai khiến, chi phối mình nữa.

Lại nữa, người tu hành quán tất cả các pháp là vô ngã, thấy rõ 5 ấm, 12 nhập, 18 giới, 12 nhân duyên….đều chẳng do ai làm ra (vô tác giả), đều chẳng thế được (bất khả đắc), nên chẳng còn sanh tâm phân biệt, chẳng còn lý luận. Vì sao? Vì biết rõ các pháp đều tướng tịch diệt, là tướng Niết Bàn vậy.

Hỏi: Trong kinh nói “các pháp đều chẳng có sanh, chẳng có diệt (bất sanh, bất diệt), nên chẳng có tướng (vô tướng)”. Sao nay lại nói đến vô thường là vô ngã?

Đáp: Dùng Vô Thường Pháp Ấn là dùng pháp quán KHÔNG.

Quán niệm niệm vô thường do nhân duyên sanh, là như huyễn. Quán các pháp trong 3 đời chẳng có tướng sanh (vô sanh tướng), chẳng có tướng sắc (vô sắc tướng), nên là KHÔNG. Các pháp đã là KHÔNG nên chẳng có sanh, chẳng có diệt. Chỉ do nhân duyên các nghiệp báo, mà chẳng có tướng sanh, có tướng diệt vậy đó thôi.

Lại nữa, ở quá khứ, ở hiện tại, cũng như ở vị lại, các pháp đều chẳng có tướng sanh, ở hiện tại cũng chẳng có tướng trú. Vì sao? Vì tướng sanh đã hoại, tướng trú chưa dừng, mà tướng diệt đã đến. Ở mỗi niệm đều có đủ 3 tướng sanh, trú và diệt, nhưng quá vi tế nên chẳng có thể biết được vậy thôi. Tướng sanh, tướng triệt đã chẳng trú, tức là chẳng có tướng sanh, chẳng có tướng diệt (vô sanh tướng, vô diệt tướng) vậy.

Người quán trong một niệm có sanh, có diệt là người chấp pháp hữu vi, còn người đã thông đạt vô ngại, thì thấy rõ “Sanh Diệt” tức  là “Vô Sanh, Vô Diệt” vậy.

Phật tùy duyên hóa độ chúng sanh mà thuyết ra 12 bộ kinh, 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu, dạy chúng sanh tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định…tất cả đều là pháp nghĩa.

Người tu hành niệm Pháp Nghĩa là niệm lời Phật dạy, nên có nhiều lời ích.

Lời Phật dạy có chỗ cạn, có chỗ sâu.

Có thời Phật dạy “Trú ở 4 xứ sẽ có đại công đức” đó là:

  1. Trú Tuệ xứ
  2. Trú Đế xứ
  3. Trú Xả xứ
  4. Trú Diệt xứ.

Có thời Phật dùng 4 cách giải đáp, khi có người đến nạn vấn đó là:

  1. Quyết định
  2. Giải rõ nghĩa lý
  3. Phản vấn (tức hỏi ngược lại)
  4. Im lặng

Tất cả 4 cách giải đáp ấy đều chẳng có gì trái nhau, chẳng có hý luận, đều có nghĩa có lý, nhằm phá hai chấp CÓ và KHÔNG.

Phật thường tùy thuận Đệ Nhất Nghĩa, nên dù nói pháp thế gian mà cũng chẳng có lỗi. Vì sao? Vì cả hai đế không trái nhau vậy.

Lại nữa, Phật tùy thuận chúng sanh nói pháp nhằm đem lại lợi ích cho chúng sanh. Có khi nói pháp nhiệm màu, có khi nói pháp đơn giản, tùy pháp thiện mà chẳng có chấp pháp thiện. Phật ngữ ví như hư không, chẳng có nghi, chẳng có loạn, nhằm dẫn dắt chúng sanh mà chẳng làm cho họ ái trước pháp.

Lời Phật dạy là như vậy đều có những lời hy hữu.

Có người nghe sanh sợ hãi, có người nghe sanh tâm hoan hỷ. Có người dù tâm tà kiến sâu dày, mà chỉ nghe Phật nói một lần một, mà tâm liền được giải, liền xả sạch các kiến chấp, xin xuất gia theo Phật.

Có người phạm nhiều tội ác, vừa nghe lời Phật dạy liền tự thấy rõ tội của mình, thành tâm sám hối, cải ác hoàn thiện.

Có người nghe lời Phật dạy tưởng như mình được uống nước Cam Lồ, tinh tấn  tu hành và liền được chứng quả.

Lại nữa, trong chúng hội, mỗi người tự cảm thấy Phật chỉ riêng vì mình mà thuyết pháp.

Như vậy chúng sanh trong vô lương thế giới, nếu ai có duyên được độ, đều được dễ dàng nghe Phật thuyết pháp.

Hỏi: Thế nào gọi là Pháp Nghĩa?

Đáp: Pháp Phật vi diệu, nghĩa lý thâm sâu, chẳng ai có thể tranh cãi được.

Người tranh cãi hủy báng pháp Phật, chỉ ví như người mù luận, bàn về cảnh luận bên ngoài, mà họ chẳng trông thấy được vậy.

Ví như khi Phật nói về Tín, Xả, Văn, Định, Huệ, Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã…nói về 10 pháp thiện, 10 pháp bất thiện…thì các luận sư Ngoại Đạo chẳng có ai hoại được. Bởi vậy nên khi Chư Thánh Hiền nói đến 3 Pháp Ấn thì kẻ theo tà kiến chẳng có thể tranh cãi được.

Hỏi: Phật chỉ nói có một Thật Pháp, vì sao nay lại nói đến 3 pháp ấn?

Đáp: Nói 3 là nói về Vô Thường, Vô Ngã, Tịch Diệt

Nếu nói rộng ra thì nói 4 là: Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã.

Nếu nói hẹp lại thì nói một là Tịch Diệt tức Niết Bàn. Vì sao?Vì Vô Thường cũng tức là khổ. Nói về Vô Thường cũng tức là nói về Khổ Đế và Tập Đế, nói về Vô Ngã cũng tức là nói về Diệt Đế và Đạo Đế vậy.

Lại nữa, các pháp hữu vi đều là vô thường, đều do nhân duyên hòa hợp sanh, nên chẳng có tự tại, nên là vô ngã, vô tướng vậy.

Nếu tâm chẳng chấp vô tướng là được Tịch Diệt Tướng, tức là được tướng Niết Bàn vậy.

Trong  kinh nói: “Các pháp chẳng có sanh, chẳng có diệt, chỉ là một tướng (nhất tướng), là chẳng có tướng (vô tướng). Vì là vô tướng nên là Tịch Diệt Tướng Niết Bàn vậy.

III. Niệm Tăng

Hỏi: Thế nào gọi là Niệm Tăng?

Đáp: Niệm Phật Tam Muội là niệm thân Phật, niệm pháp Phật và niệm hết thảy thánh chúng. Vì sao? Vì Phật tán thán Chúng Đệ Tử là chúng trì giới đầy đủ, hay phá trừ các oán tặc phiền não kiết sử, đã xuất ly khỏi sự sợ hãi và tội lỗi, đã rõ biết tự tâm chẳng còn nhiễm chấp hỷ lạc. Bởi nhân duyên vậy nên cả 5 chúng Đệ Tử của Phật đều đầy đủ công đức, đầy đủ thiền định, trí huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Cung kính cúng dường Chúng Tăng được 2 điều lợi. Đó là:

– Được đầy đủ quả báo phước đức

– Được đầy đủ trí huệ

Thế gian gọi Chúng Tăng là Vô Thượng Phước Điền.

Ví như đã có được ruộng tốt mà còn siêng năng cày sâu cuốc bẫm, chọn hạt giống tốt, bón phân tưới nước đầy đủ, bắt sâu nhổ cỏ thường xuyên, thì chắc chắn sẽ được mùa gặt hái tốt. Chúng Tăng là ruộng phước. Nếu hành giả dùng cày trí huệ, bới trốc gốc các phiền não kiết sử, gieo hạt giống Từ Bi, dùng Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ nhổ sạch các cỏ dại tham, sân, si hành 6 pháp Ba La Mật làm chất bón, lấy tâm thanh tịnh làm nước tưới, chắc chắn sẽ được lợi lạc, được phước đức ở đời này và cả ở đời sau.

***

Trong kinh có ghi các mẫu chuyện như sau:

Vào thời Phật Tỳ Bà Thi, vị Tỷ Kheo Bạt Câu La chỉ đem một quả lê cúng Phật. Do nhất tâm thanh tịnh cúng dường Phật mà vị Tỷ Kheo được hưởng phước báo trong 91 kiếp ở cõi trời, nay lại được gặp Phật Thích Ca Mưu Ni, xin xuất gia và chứng quả vị A La Hán.

Lúc Đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời, có một người phát tâm làm một cái nhà nhỏ để cúng dường Phật. Về sau được phước báo được nghe Phật thuyết pháp, chứng quả A La Hán.

Cúng dường ít mà được phước báo nhiều nên nói Chúng Tăng là Vô Thượng Phước Điền của chúng sanh vậy.

Hỏi: Phật dạy ngài Cấp Cô Độc rằng : “Người xuất gia vào Đạo có hai hạng là Hữu Học và Vô Học”. Vì sao có thuyết nói là “Phước Điền Tăng có đến 8 bậc”?

Đáp: Đúng như vậy, xuất gia vào Đạo có 2 hạng, là hạng Hữu Học và Vô Học.

Đây là y theo Đạo Thanh Văn mà nói có 8 bậc. Vì sao? Vì Đạo Thanh Văn có hai pháp tu là Tín Hành và Pháp Hành. Trong Đạo Thanh Văn, về Tín Hành và Pháp Hành gồm có 4 hướng và 4 quả nên gọi là 8 bậc Thanh Văn.

Người được Tín Hành và Pháp Hành mà vào được Tư Duy Đạo thì gọi là được Tín Giải Thoát.

Lại nữa, người tu mà Niệm Tăng thì sẽ được đồng giới và đồng kiến, nên được nhất tâm hoan hỷ, thường tùy thuận các pháp mà chẳng bao giờ trái với Phật pháp vậy.

Tăng là vị thầy thuốc giỏi chẩn bệnh, cho thuốc. Thuốc ấy chính là giới thanh tịnh, là giới pháp của Phật vậy.

Nếu nhất tâm cung kính, cúng dường chư Tăng, sẽ đoạn được 3 độc tham, sân, si nên phải niệm Tăng.

Lại nữa, Tăng có vô lượng trí, vô lượng phước, chẳng thể nghĩ bàn được nên phải niệm Tăng.

***

Trong kinh có ghi mẫu chuyện sau:

– Có một ông Trưởng Giả đến thưa một vị Tri Sự để xin thỉnh chư Tăng về nhà cúng dường một bữa cơm. Vị Tri Sự không để cho các vị Sa Di đi thọ thỉnh.

– Có một vị Sa Di hỏi: “Vì lý do gì mà ngài không cho các Sa Di đi thọ thỉnh?”

Vị Tri Sự đáp: “Vì thí chủ không muốn thỉnh người nhỏ tuổi”. Rồi nói tiếp bài kệ:

Thí chủ thỉnh cao niên,
Đầu tóc bạc như tuyết,
Răng long, da nhăn nhíu
Bước chân đi yếu đuối.

Vị Sa Di liền dùng kệ đáp lại rằng:

Thí chủ thật vô trí,
Chấp hình chẳng thấy đức,
Không ưa người nhỏ tuổi,
Chỉ thỉnh toàn người già,

Lúc bấy giờ có một vị Tăng đã lớn tuổi nói kệ rằng:

Tướng của bậc Trưởng Lão,
Chẳng y nơi tuổi già
Hình gầy, râu tóc bạc,
 Nếu chẳng có đức hạnh,
Chẳng xả quả tội phước,
Không đáng gọi Trưởng Lão.
Tinh tấn hành Phạm Hạnh,
Mới đáng gọi Trưởng Lão.

Vị Sa Di suy nghĩ, rồi dùng kệ nói nên ý nghĩ của mình.

Được khen hay bị chê,
Tâm tôi thường bình đẳng.
Nhưng thấy người báng pháp,
Tôi chẳng thể làm ngơ.
Hãy tìm mau thí chủ,
Dùng pháp để dạy người.
Nếu tôi chẳng độ được,
Khác nào tôi phụ người.

Suy nghĩ như vậy rồi, vị Sa Di dùng thần thông tự biến thành một vị Tăng già, đầu tóc bạc phơ, ung dung đi đến nhà vị thí chủ. Ông Trưởng Giả vừa trông thấy bóng dáng vị Tăng già, liền cung kính rước vào nhà.

Khi đã vào trong nhà, đã ngồi vào bàn ăn, vị Sa Di lại tự biến trở lại nguyên hình một vị Tăng trẻ tuổi.

Ông Trưởng Giả thí chủ thấy việc kì lạ sanh tâm sợ hãi, dùng kệ thưa rằng:

Vừa thấy tướng Trưởng Lão,
Sao nay ngài trẻ măng !
Ngài dùng thuốc hoàn đồng,
Thật là việc kỳ lạ !

 Vị Sa Di dùng kệ đáp lại:

Tôi chẳng phải Phi Nhân,
Xin ông chớ sanh nghi.
Do bình luận Tăng chúng
Là việc rất có hại,
Nên tôi thương xót ông
Mới đến đây hóa độ.
Ông nên biết Thánh Chúng,
Huệ , Đức chẳng thể lường.
Như lấy nghêu lường biển,
Chẳng làm sao được vậy.
Hết thảy Trời và Người,
Chẳng ai lường được Tăng.
Tăng quý nơi công đức,
Chớ sanh tâm phân biệt,
Chớ y năm tháng sanh,
Mà xem thường trí, đức,
Giãi đãi không trí huệ
Tuy già vẫn thua trẻ,
Vậy nên bình luận Tăng,
Phạm lỗi lầm rất lớn.
Ví như dùng ngón tay,
Cố thăm dò đáy biển,
Chỉ khiến người cười chê.
Hãy nghe lời Phật dạy:
Bốn pháp tuy là nhỏ.
Chẳng nên sanh khinh dễ.
Thái Tử nay tuy nhỏ,
Sẽ kế vị làm vua.
Rắn độc tuy thân nhỏ,
Có thể cắn chết người.
Lưỡi người tuy rất nhỏ,
Mà luận nghị khôn cùng.
Sa Di tuy tuổi nhỏ,
Vẫn có được thần thông.
Giống như trái Chiêm La,
Sống mà tợ như chín,
Chín mà tợ như sống,
Đệ tử Phật bốn hạng,
Khó bề phân biệt được.
Hạng thành tựu Thánh Đức,
Oai nghi cùng nói năng,
Đích thực là bậc Thánh.
Hạng thành tựu Đức Thánh
Mà oai nghi nói năng
Không ra vẻ bậc Thánh.
Hạng chẳng có công đức,
Oai nghi cùng nói năng,
Không ra vẻ bậc Thánh.
Hạng chẳng có công đức,
Mà oai nghi nói năng,
Tợ như bậc Thánh.
Ông chẳng có biết rõ,
Sao dám bình luận Tăng?
Nếu ông hủy báng Tăng,
Là tự hủy báng vậy.
Ông phạm tội rất lớn,
Nhưng thôi đừng nhắc nữa.
Từ nay trở về sau,
Ông nên xả tâm nghi,
Nguyện thành tâm sám hối.

Rồi vị Sa Di nói kệ tiếp:

Thánh Chúng thật khó lường,
Nhìn oai nghi khó biết.
Chẳng phải y tập tánh,
Chẳng phải y đa văn,
Chẳng phải do oai nghi.
Chẳng phải do tuổi tác,
Chẳng y nơi dung mạo,
Chẳng do tài nói năng.
Thánh Chúng như biển lớn,
Công đức rất sâu dày.
Phật thường tán thán rằng,
“Thánh Chúng là ruộng phước,
Gieo ít giặt quả nhiều”.
Vậy nên cúng dường Tăng,
Chớ nên sanh phân biệt,
Tăng già với Tăng trẻ.
Như người mới vào rừng,
Làm sao phân biệt được,
Loài hoa quý Chiêm Bặc,
Ẩn trong đám y lan1
Vậy nên muốn niệm Tăng,
Chớ nên cố phân biệt,
Tăng hiểu rộng biết nhiều,
Với Tăng hiểu biết ít.
Như Ma Ha Ca Diếp,
Khi xuất gia hành Đạo,
Chỉ mặc Phấn Tảo Y2
Nhưng giá trị muôn vàn.
Ngài thường đi hành khất,
Với bề ngoài bình dị,
Nhưng ai có biết được,
Đó là bậc Thánh Nhơn.
Thánh Chúng cũng biết vậy,
Chớ dấy tâm phân biệt.
Trong Chúng Tăng rộng lớn,
Phải lấy giới làm trọng,
Vị Tăng nào phá giới,
Chẳng thuộc vào Tăng số,
Ví như nước biển lớn,
Chẳng dung nạp thây người.

Ông trưởng giả thí chủ nghe lời vị Sa Di dạy, lại vì đã thấy rõ thần thông của vị Sa Di trẻ tuổi này nên liền chấp tay sám hối, dùng kệ thưa rằng:

Đại Đức đã phá nghi.
Tôi nay may được gặp,
Nếu mà chẳng thưa hỏi,
Thật là ngu trong ngu.

Vị Sa Di đáp: “Ông muốn thưa hỏi điều gì, tôi sẽ xin giải đáp”. Ông trưởng giả  thưa: “Phật Bảo thanh tịnh và Tăng Bảo thanh tịnh bên nào thắng hơn?”

 Vị Sa Di đáp: “Tôi chẳng thấy Phật Bảo và Tăng Bảo có hơn, có thua nhau gì cả. Vì sao? Có một thời, Phật đi khất thực trong thành Xá Bà Đề, gặp một Bà La Môn đằng xa đi đến chắn đường.

Ông Bà La Môn có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ rằng “Vì sao mỗi ngày vị Sa Môn này cứ đến nhà ta đòi nợ như thế này?”

Phật biết suy nghĩ của ông Bà La Môn, liền thuyết kệ rằng:

Trời mưa rơi từng hạt,
Khiến lúa đậu được mùa,
Mỗi lần tu phước nghiệp
Mỗi lần thọ phước báo.
Nếu đã thọ ‘‘pháp Sanh ”,
Ất phải thọ ‘‘pháp Tử”.
Người thành tựu Thánh pháp,
Mới thoát vòng sanh tử.

Vị Sa Di nói tiếp: “Lại nữa, có thời bà Kiều Đàm Di lấy chỉ vàng dệt y đem cúng dường Phật, Phật bảo bà đem chiếc y đó cúng dường Tăng. Như vậy, nên biết cúng dường Phật bảo và cúng dường Tăng bảo ngang nhau”.

Ông Bà-la-môn nghe xong biết Phật đã thấu rõ chỗ sâu kín trong tâm mình, xấu hổ, cầm bình bát của Phật đem vào nhà bỏ đầy thức ăn ngon cúng dường Phật.

Phật chẳng thọ mà nói với ông Bà-la-môn rằng “Ta vì ngươi thuyết kệ, nhưng chẳng có thể thọ thức ăn này”.

Ông Bà-la-môn hỏi Phật: “Như vậy, tôi phải đem thức ăn này cho ai?”.

Phật lại dạy: “Ta thấy trong hàng Trời, Người chẳng có thể tiêu hóa được các thức ăn này. Ông hãy đem đố các thức ăn này nơi chỗ ít cỏ úng nước”.

Ông Bà-la-môn liền đem các thức ăn đó đi đổ nơi chỗ ít cỏ và úng nước, như lời Phật dạy. Lạ thay, khi vừa mới chạm đến mặt nước ẩm ướt, các thức ăn tự nhiên bốc lửa. Ông Bà-la-môn kinh hãi, cúi rạp mình, đảnh lễ dưới chân Phật, sám hối tội lỗi, xin xuất gia, thọ giới.

Phật dạy “Thiện Lai Tỷ-kheo!”

Kể từ hôm đó vị tân Tỷ-kheo tinh tấn tu hành. ít lâu sau chứng quả vị A-la-hán.

***

Vị Sa-di nói tiếp: “Lại nữa, có thời bà Kiều Đàm Di lấy chỉ vàng dệt y đem cúng dường Phậtế Phật bảo bà đem chiếc y đó cúng dường Tăng. Như vậy, nên biết cúng dường Phật
bảo và cúng dường Tăng bảo là ngang nhau”.

Khi vị Sa Di nói đến đây, ông Trưởng Giả lại hỏi: “Thức ăn mà ông Bà La Môn cúng dường Phật hôm đó cũng giống như thức ăn mà chư Tăng đã thọ ngày hôm trước. Vì sao , lần này thấy ông Bà La Môn đem thức ăn cúng dường, Phật lại không bảo ông ấy đem cúng dường chư Tăng?”

Vị Sa Da đáp: “Phật muốn cho ông Bà La Môn biết rằng Phật cũng như chư Tăng đều có thần lực, đều có thể thọ những thức ăn có tạp độc như vậy. Thế nhưng, nếu Phật không bảo ông Bà La Môn đem đổ các thức ăn đó đi, nếu không cho ông Bà La Môn thấy tận mắt các thức ăn đó vừa gặp nước liền bốc lửa, thì làm sao khiến ông Bà La Môn thấy được đại thần lực của Phật và của chư Tăng? Ví như khi chợt thấy gà vịt ăn phải một chất lạ gì, lăn đùng ra chết, thì vị thầy thuốc giỏi liền nghiên cứu, phân tích tác dụng và độc tính của chất ấy, để rồi mạnh dạn dùng chất độc ấy làm thuốc trị bệnh vậy. Thế mới biết oai lực của vị danh y. Ông nên biết rằng người ái kính Phật phải ái kính Tăng. Vì sao? Vì Phật, Pháp, Tăng là ba ngồi Tam Bảo vậy”.

Ông Trưởng Giả thí chủ vừa nghe xong, liền sanh tâm hoan hỷ và thưa: “Kể từ nay trở về sau, đối với Tăng Chúng, dù Tăng già dù Tăng trẻ, tôi cũng đều xin nguyện nhất tâm cung kính”.

Vị Sa Di đáp:

“Tâm ông nay đã tín kính Vô Thượng Phước Điền Tăng, không lâu nữa ông sẽ được Đạo”.

Nói xong, vị Sa Di đọc các bài kệ tán thán Chúng Tăng:

Hết thảy bậc Hiền Đức,
Đa văn cùng tịnh giới,
Trí tuệ cùng thiền định,
Đều ở trong Tăng số.
Như nước từ muôn sông
Đều tuôn về biển cả.
Như cây cỏ thuốc quý
Đều từ núi Tuyết Sơn.
Như lúa, đậu, cây, cỏ…
Đều từ đất mọc lên.
Vì các hàng quỷ thần,
Phật nhiều phen tán thán.
Người xuất gia cầu Đạo,
Rằng: “Khắp trong 3 cõi.
Hết thảy Trời cùng Người
Nhất tâm niệm ba vị
Thiện nam tử xuất gia,
Được vô lượng lợi ích”.
Chỉ niệm ba vị Tăng,
Chưa đủ cả Tăng chúng
Mà phước báo đã nhiều,
Huống nữa niệm Thánh Tăng
Niệm Tăng lợi như vậy,
Đàn Việt nên chuyên tâm.
Thánh Tăng trong Tăng Chúng
Là toán quân hùng mạnh
Phá tan hết Ma Vương,
Dẫn đường vào Niết Bàn.

***

Nghe vị Sa Di nói về các công đức của hàng Thánh Tăng, ông Trưởng Giả và các người trong gia đình ông, sanh tín tâm thanh tịnh, và liền thấy được bốn Thánh Đế.

***

Niệm Tăng được lợi ích như vậy, nên phải thường nhất tâm, tinh tấn niệm Tăng.

IV. Niệm giới:

Hỏi: Thế nào là niệm giới?

Đáp: Giới có hai thứ. Đó là:

  1. Giới hữu lậu.
  2. Giới vô lậu.

Giới hữu lậu cũng chia làm hai thứ. Đó là:

  1. Giới luật nghi.
  2. Giới thiền định.

Luật nghi giới khiến cho các phiền não không sanh được, còn thiền định giới ngăn các phiền não không cho quấy nhiễu, khiến giữ được tâm thanh tịnh.

– Người sơ học phải hành cả Luật Nghi Giới và Định Cộng Giới.

– Nếu hành thêm Đạo Cộng Giới nữa, thì mới gọi là Vô Lậu Giới.

***

Lại nữa, như trước đây đã nói về niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.

– Phật là vị Đại Y Vương trị hết thảy bệnh của chúng sanh.

– Pháp là phương thuốc hay để trị bệnh.

– Tăng là các y sĩ điều trị.

Thêm vào đó, giới là những điều cấm kị bệnh nhân khi dùng thuốc.

Giới là chỗ trú của hết thảy các thiện pháp.

Ví như tất cả các cây cỏ đều từ đất mọc lên; tất cả những người được thiền định, trí huệ đều là những người tinh tấn trì giới vậy.

Người trì giới thanh tịnh vào được các thiền định được thật trí huệ. Người xuất gia trì giới thanh tịnh, được giải thoát Niết Bàn. Niệm giới được lợi ích như vậy, nên phải thường niệm giới.

Hỏi: Thế nào là “khuyết giới”?

Đáp: Tội ở thân là khuyết giới; tội ở khẩu là phá giới. Tội nặng gọi là khuyết giới, tội nhẹ gọi là phá giới.

Người trì giới thanh tịnh chẳng có sanh tâm ái nhiễm.

Người bị ái ân trói buộc ví như người bị giam cầm trong lao ngục. Nếu hối tâm, trì giới thanh tịnh, thì sẽ chẳng còn bị ái nhiễm trói buộc nữa, nên được gọi là được giải thoát khỏi vòng ái kiết.

Vô Lậu Giới của người trí, Phật và Bồ Tát tán thán giới này. Vì sao? Vì Vô Lậu Giới, chẳng thể bị phá, chẳng thể bị hoại. Nếu y giới này mà tinh tấn tu hành thì sẽ được thật trí huệ.

Trong 8 Thánh Đạo có Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng thuộc về Vô Lậu Giới.

Hỏi: Trì giới làm duyên cho thiền định. Nay vì sao lại nói Trì giới dẫn sanh trí tuệ trước rồi sau đó mới có thiền định?

Đáp: Người đi đường phải nương theo sự dẫn đạo của đôi mắt, người tu hành phải nương theo lời dạy bảo của thầy, mà tinh tấn tu học, nhất tâm tiến tới, chẳng bao giờ ngã theo tà đạo. Muốn được như vậy, phải có Chánh Kiến, có Chánh Trí Huệ, quán năm ấm là do duyên sanh khởi. Do vậy mà chẳng còn vướng mắc nơi các pháp, đoạn trừ được các ái kiết, tận diệt được ba độc tham, sân, si để tiến thẳng vào Đạo vậy.

Bởi nhân duyên vậy, nên người tu hành phải lấy Chánh Kiến làm đầu, biết rõ các pháp thế gian đều là hư vọng, chẳng có thật, nên nhàm chán, cũng biết rõ Niết Bàn là giải thoát, an lạc, nên tu.

Do có Chánh Kiến mà có Chánh Tư  Duy, khiến trí huệ tặng trưởng, lời nói cũng như hành động đều đúng như pháp, dẫn đến có Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.

Lại nữa do có Chánh Kiến mà siêng năng, tinh tấn trì giới, chẳng hề giải đãi, dẫn đến được Chánh Tinh Tấn vậy.

Lại nữa, do Chánh Kiến mà thấu triệt được các pháp quán về 4 Niệm Xứ, dẫn đến có Chánh Niệm. Rồi, khi đã dẹp sạch các phiền não, khi tâm đã được an ổn, không còn tán loạn nữa, thì sẽ được Chánh Định.

Như vậy là Chánh Kiến tương ưng với Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Thêm vào đó, nếu tinh tấn trì giới sẽ được Chánh Tinh Tấn, khiến chẳng còn mất Chánh Phương Tiện, nên được Chánh Niệm. Có đủ 7 Chánh Hạnh này rồi tâm sẽ nhớ mãi, chẳng quên, thường được thanh tịnh chẳng còn bị loạn động, nên được Chánh Định.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói: “Tu 8 Thánh Đạo được Vô Lậu Giới” được chư Phật và chư Bồ Tát tán thán.

Hỏi: Trên đây nói về Vô Lậu Giới còn Hữu Lậu Giới thì như thế nào?

Đáp: Hữu Lậu tùy theo Vô Lậu mà hiện hành. Hữu Lậu Giới như tên giặc đã quy hàng, khiến các thiện căn tăng trưởng dẫn dần, dẫn đến được Noãn Pháp, Nhẫn Pháp và Đảnh Pháp và Thế Đệ Nhất Pháp. Khi được Vô Lậu Giới rồi, mới gọi là “Niệm Giới hoàn toàn”.

V. Niệm xả

Hỏi: Thế nào gọi là Niệm Xả?

Đáp: Xả có hai thứ đó là:

– Xả thí.

– Xả phiền não.

Trong xả thí lại phân biệt có 2 thứ. Đó là:

– Xả tài thí.

– Xả pháp thí.

Niệm xả là niệm Xả Tài Thí, Xả Pháp Thí và Xả Phiền Não. Đây là căn bản của hết thảy các thiện pháp.

Hỏi: Vì sao nói “Do bố thỉ mà thành tựu được phước đức? ”

Đáp: Phật dạy “Bố thí là duyên khởi trợ đạo; tài vật là duyên khởi sanh phiền não, dẫn đến các nghiệp tội. Do xả tài vật mà xả được phiền não, dẫn đến thành tựu được phước đức”.

***

Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:

Có hai anh em cùng mang theo 10 cân vàng, bỏ nhà ra đi, tìm đường sinh sống. Giữa đường, người anh sanh ác tâm muốn giết người em để đoạt lấy số vàng. Người em cũng muốn thủ tiêu người anh để chiếm đoạt hết tài vật về mình.

Nghĩ như vậy rồi, hai anh em trở nên lạnh nhạt với nhau, chỉ chờ cơ hội để hại nhau. Do cả hai người đều đề phòng, nên chăng có ai ra tay trước được.

Thời gian trôi qua, cả hai anh em bỗng nhiên tỉnh ngộ, đều tự nghĩ rằng: “Nếu chỉ vì số vàng mà anh em đang tâm sát hại nhau, thì chúng ta có khác gì loài ác thú, thế rồi, vừa đi đến bờ suối, người anh cầm túi vàng liệng xuống nước. Người em thấy vậy vui mừng reo lên: “Hay thay! Hay thay!”

Người anh hỏi: “Sao em lại hớn hở reo mừng như vậy?”.

Người em đáp: “Này anh ơi! Chỉ vì số vàng này mà hai anh em mình đều sanh ác tâm, muốn sát hại nhau. Anh đã kịp thời hành động sáng suốt, kéo anh em chúng mình ra khỏi vực sâu của tội lỗi”.

Kể từ đó, hai anh em được sống an vui tràn đầy hạnh phúc .

Có bài kệ tán thán hạnh bố thí như sau:

Bố Thí là pháp báu.
Lợi lạc cho mọi người.
Qua hành động Bố Thí,
Chẳng có ai thua thiệt.
Bố Thí đem an vui,
Ngăn được cảnh đói khát;
Cũng là thuyền vững chắc,
Đưa qua biển bần cùng,
Xan tham mờ trí huệ,
Lòng nơm nớp sợ lo.
Nếu rửa bằng nước thí,
Sẽ sanh nhiều phước lợi,
Xan tham tướng bần cùng,
Trọn đời chẳng được vui,
Dù cho nhiều của cải,
Chẳng khác người cùng khổ.
Người xan tham có nhà,
Cũng như ở mồ hoang,
Vì mọi người lánh xa,
Chẳng ai muốn đến gần.
Xan tham là như vậy.
Trong suốt cả cuộc đời,
Chẳng có chút phước đức.
Sống chẳng hành bố thí,
Đến khi sắp lìa đời,
Tiếc của, sanh sầu khổ.
Khóc lóc riêng một mình.
Lửa hối đốt thân tâm.
Bố thí được an lạc.
Trọn chẳng có các khổ.
Người tu hạnh Bố Thí,
Tiếng tốt vang khắp nơi,
Được người trí ái kính;
Trong chúng chẳng sợ hãi;
Mạng chung, sanh cõi trời.
Về sau được Niết Bàn.

Vậy nên, xan tham đáng chê trách, bố thí được thán khen.

Hỏi: Thế nào gọi là niệm pháp thí?

Đáp: Người tu hành biết rõ các pháp thì lợi ích muôn đời.

Phật dạy: “Trong tất cả các hạnh bố thí, thì pháp thí là hơn hết. Pháp thí thì được vô lượng công đức”.

Dạy chúng sanh biết Phật pháp. Dùng từ bi, trí huệ để độ chúng sanh, gọi là thanh tịnh pháp thí.

Người tu hành biết rõ pháp thí làm duyên khởi tu bố thí, ở trong đời này và cả đời sau.

Hỏi: Thế nào gọi là pháp thí?

Đáp: Ví như vị lương y chuẩn mạch, rồi tùy theo bệnh, mà cho thuốc, sao cho người bệnh chóng được bình phục. Người thí pháp, cũng như vậy, phải tùy theo đối tượng của chúng sanh, mà nói pháp khiến cho họ vào được Đạo, ở đời này và cả muôn đời sau được an ổn. Người thí pháp phải dùng cả thân, khẩu, ý của mình để dẫn dắt chúng sanh, khiến họ phát được tín tâm thanh tịnh, tinh tấn tu hành.

Ví như, đối với người tham dục nhiều, thì phải dạy họ về phương pháp quán bất tịnh; đối với người sân nhuế nhiều, thì phải dạy cho họ phương pháp quán từ bi, đối với người si mê nhiều, thì nên dạy cho họ quán về vô thường, vô ngã.

Như vậy, mới thật là vì chúng sanh, trang nghiêm pháp thí.

Hỏi: Đối với người tu 4 Niệm Xứ, thì nên dạy cho họ pháp gì?

Đáp: Nên dạy cho họ niệm xả, là vi diệu hơn hết. Vì sao? Vì Niệm Xả là bước đầu đi vào thiền quán vậy.

VI. Niệm Thiên:

Hỏi: Vì sao người học Phật lại còn phải niệm Thiên nữa?

Đáp: Tu bố thí được phước báo sanh về cõi Trời. Bởi nên niệm thí cũng là niệm Thiên vậy.

Người còn dục tâm, thì niệm sanh về Dục Giới Thiên; người đã ly dục, thì niệm sanh về Sắc Giới Thiên, người tu Vô Lậu Đạo, thì niệm sanh về Vô Sắc Giới Thiên.

VII. Niệm Hơi Thở Ra Vào:

Hỏi: Vì sao người học Phật phải niệm hơi thở ra vào?

Đáp: Niệm hơi thở ra vào để thấy rõ thân này là như huyễn, như mộng, như nước bọt…Vì sao? Vì mạng sống gắn liền với hơi thở ra vào. Còn hơi thở ra vào là còn sống. Khi thở ra mà chẳng có thở vào nữa là chết.

Trong kinh có nói “Mạng người mong manh như ngọn đèn lung lay trước gió. Một hơi thở ra không trở vào lại, thì thân này đây đã đồng tro đất’’.

VIII. Niệm chết:

Hỏi: Vì sao người học Phật phải niệm chết?

Đáp: Phải niệm chết để biết rõ thân này là vô thường.

Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, cho nên người học Phật không được chần chờ, giải đãi, mà trái lại phải luôn luôn siêng năng, tinh tấn tu hành. Như bài kệ thuyết:Sự chết đến bất kỳ,

Chẳng ai thể biết được.
Người trong thai đã chết;
Người vừa sanh liền chết;
Người chết độ tuổi xuân;
Người đợi già mới chết.
Quả đến thời phải chín;
Duyên tận pháp diệt theo.
Chết phường là oan gia,
Chẳng ai thoát khỏi chết.
Có thân là phải chết.
Nhưng chết trong an ổn.
Là chết của bậc trí
Có vô lượng oai đức.
Chết trước hay chết sau.
Trên đời chẳng ai thoát.
Xua đuổi, chết vẫn đến.
Van xin chết chẳng tha.
Dù trốn tránh nơi đâu,
Chết vẫn tìm đến được.
Tinh tấn trì tịnh giới.
Vẫn chẳng thoát khỏi chết.
Giặc chết chẳng chừa ai.
Đến  thời là phải chết.

Như vậy người tu hành phải biết rõ thân này là Vô Thường, chẳng nên vì tham sống mà sanh phóng dật, giải đãi.

Trong  kinh có chép mẫu chuyện sau đây:

Có một vị Tỷ Kheo hỏi Phật : “Bạch Thế Tôn! Tướng chết như thế nào?”

Phật dạy: “Ý ông nghĩ sao?”.

Vị Tỷ Kheo đáp: “Bạch Thế Tôn! Con chỉ cầu được sống 7 năm”.

Phật dạy: “Như vậy là còn phóng dật”.

Có một vị Tỷ Kheo thứ 2 thưa: “Bạch Thế Tôn! Con chỉ cầu được sống 7 tháng”.

Phật dạy: “Như vậy là còn phóng dật”

Lại có những vị Tỷ Kheo cầu được sống 7 ngày, 6 ngày, 5 ngày, 4 ngày, 3 ngày, 2 ngày, 1 ngày…. Phật đều dạy: “Như vậy là vẫn còn phóng dật”.

Lại có một vị Tỷ Kheo khác thưa: “Bạch Thế Tôn! Con chỉ xin cầu được sống trong thời gian một buổi ăn thôi”.

Phật vẫn lắc đầu và dạy: “Như vậy là vẫn còn phóng dật”.

Sau cùng có một vị Tỷ Kheo đến trước Phật thưa: “Bạch Thế Tôn! Sự sống của con chỉ còn ở nơi hơi thở ra vào mà thôi”.

Phật dạy: “Đúng vậy! Đúng vậy! Chính ông mới là người không buông lung, phóng dật”.

Rồi Phật dạy tiếp: “này các Tỷ Kheo ! Thời gian trôi qua mau, chẳng dừng nghỉ. Sanh diệt vô thường, tất cả đều là như huyễn, như hóa. Vậy nên phải biết niệm chết, chớ để cho thời gian trôi qua trong sự buông lung, phóng giật, giải đãi. Nếu vô trí chẳng biết niệm chết, thì sẽ bị các duyên trói buộc, chẳng có tự tại”.

***

Hỏi: Có vô lượng Phật. Vì sao chỉ niệm Phật hiện tại thôi?

Đáp: Tuy có vô lượng chư Phật trong 3 đời và trong khắp cả 10 phương, nhưng vì Phật nào cũng nói lên cùng một đạo lý.

Ví như trên núi Bảo Sơn có ngọc Bảo Châu, khiến nhiều người muốn leo lên lấy. Có người chỉ leo được nửa chừng núi đã xuống, có người đã leo lên đến gần đỉnh núi rồi, nhưng kiệt sức đành phải xuống; lại có vị quốc vương, thấy nhân dân khổ nhọc như vậy, đã dựng cho một chiếc thang cao đến tận đỉnh núi; khiến mọi người đều leo lên được đến nơi, và lấy được Bảo Châu và các bảo vật khác.

Thật tướng của pháp ví như ngọc Bảo Châu ở trên núi Bảo Sơn, cao vòi vọi, nên chúng sanh chẳng làm sao thấy được, các hàng Ngoại Đạo cũng chẳng có thể hay biết gì, dẫn đến Phạm Thiên Vương cũng chẳng cầu được.

Phật đại từ, đại bi, thương xót chúng sanh, dạy cho họ tu đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, thuyết 12 bộ kinh, lập ra 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu, nhằm tạo phương tiện, bắc thang cao cho chúng sanh leo lên đến nơi Thật Tướng các pháp. Rất nhiều người theo Phật, nghe pháp, như các ngài Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp,… dẫn đến các Sa Di nhỏ tuổi, như Tô Ma, La Hầu La….đều vào được Vô Lậu Đạo.

Các pháp thâm diệu, như 5 Căn, 5 Lực, 7 Giác Chi, 8 Thánh Đạo…đều là những nấc thang đưa chúng sanh đến Đạo quả.

Bởi nhân duyên vậy, nên phải niệm Phật.

Niệm Phật rồi, còn phải niệm Pháp, niệm Tăng.

Chư Tăng, theo lời dạy của Phật, nói ra các Pháp bảo. Do tinh tấn tu hành, mà chư Tăng rõ được lời dạy của Phật, nên được gọi là Tăng Bảo.

Chúng sanh, nhờ Tăng Bảo, mà rõ được Phật Bảo và Pháp Bảo vậy.

***

Phật, vì đại sự nhân duyên, thị hiện sanh làm người, đem giáo pháp nhiệm màu khai thị cho chúng sanh.

Do có giáo pháp của Phật, mà chúng sanh duyên theo đó tu hành.

Phật dạy: “Người niệm Phật muốn thấm nhuần Pháp Bảo xuất gia, vào trong Tăng số, phải trừ hết các ác nghiệp ở thân, ở khẩu và ở ý, phải trì giới thanh tịnh, nhất tâm tinh tấn hành trì theo như lời Phật dạy”.

Hỏi: Phải hành trì như thế nào mới xứng đáng ở trong 7 Chúng của Phật3?

Đáp: Phải là người trì giới thanh tịnh, phá ác tâm, phá xan tham, hành niệm xả, luôn luôn muốn làm cho người khác an lạc. Lại phải phá được tâm sân nhuế, tin làm phước được quả báo tốt, phá được lưới tà kiến. Được như vậy mới xứng đáng ở trong Tăng số của Phật.

Ở trong Tăng số, được pháp giới, rồi hành bố thí, là trú được trong 10 thiện đạo, ly được 10 ác đạo.

Nên biết, tu 10 thiện đạo được phước báo sanh lên cõi trời. Cho nên, sau khi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Xả, hành giả còn phải niệm Thiên nữa.

Người tu thiền định còn phải nhiếp tâm, niệm Ban Châu Tam Muội để diệt các ác giác quán. Các ác giác quán dù vi tế, cũng làm trở ngại người vào thiền định; ví như các hạt mưa phùn, dù nhỏ li ti, cũng đủ để làm ướt các bụi trần vậy.

Ngoài ra hành giả lại còn phải quán thân này mong manh như bọt nước, gắn liền với hơi thở ra vào. Còn hơi thở ra vào là còn sống; khi thở ra mà không thở vào là chết. Cho nên, hành giả lại phải niệm hơi thở ra vào.

Sau cùng, hành giả lại còn phải niệm chết nữa.

***

Tu 7 niệm trước đã có rất nhiều công đức, nhưng nếu sanh tâm giãi đãi, thì hành giả phải niệm chết. Vì sao? Vì thấy cái chết trước mắt sẽ chẳng còn sanh tâm giãi đãi nữa.

Sau khi Phật diệt độ rồi, ngài A Na Luật có thuyết bài kệ rằng:

Pháp hữu vi như mây,
Người trí chẳng nên tin.
Trước sức mạnh Vô Thường,
Kim cang cũng tán hoại.

Như vậy, là đã thứ lớp trình bày xong về 8 niệm.

Hỏi: Thanh Văn và Bồ Tát đều tu 8 niệm hay sao?

Đáp: Thanh Văn và Bồ Tát đều tu 8 niệm, nhưng có sai khác. Thanh Văn, vì tự thân mà tu 8 niệm, nhằm tự giải thoát khỏi các khổ Sanh, Già, Bệnh, Chết.

Còn Bồ Tát, vì hết thảy chúng sanh mà tu 8 niệm ấy, nên được vô lượng công đức.

Trong kinh Đại Bát Nhã, Phật dạy ngài Xá Lợi Phất rằng: “này Xá Lợi Phất ! Bồ Tát Ma Ha Tát không trú pháp bố thí, mà trú trong Bát Nhã Ba Đa Mật, mới đầy đủ Đàn Ba La Mật, dẫn đến được đầy đủ 8 niệm, mà chẳng sanh tâm chấp, vì rõ biết hết thảy pháp đều là bất khả đắc cả”.

Bởi nhân duyên vậy, nên nói: “Bồ Tát khác với Thanh Văn, chẳng trú pháp bố thí, mà được đầy đủ Đàn Ba La Mật, dẫn đến đầy đủ 8 niệm, rõ biết tất cả đều bất khả đắc. Bồ Tát tu như vậy, nên được thành tựu 2 pháp ấn của Bồ Tát, là Vô Trú và Vô Đắc vậy”.

(Hết quyển 22)