SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
18. Phật pháp trong xí nghiệp
Nếu như người Phật tử nói từ bi mà không cạnh tranh, như thế thì chính bạn không trưởng thành, mà đối với người khác cũng không được lợi ích thật sự. Chúng ta có cạnh tranh thì xã hội càng tiến bộ, càng phát triển mạnh.
Một lần, trong hội nghị tọa đàm về cơ sở xí nghiệp, có một vị giám đốc xí nghiệp rất nổi tiếng hỏi tôi ba vấn đề:
1. Theo lập trường nào không trái với từ bi mà ở trong xí nghiệp vẫn giữ được sự cạnh tranh có công bằng?
2. Tiền lãi của công ti, giám đốc phải tặng cho công nhân viên và xã hội như thế nào cho hợp lí?
3. Sử dụng khoản tiền vay không thuận lợi, để điều chỉnh tâm thái như thế nào để đối diện vấn đề?
Ba vấn đề này không hề khó hiểu. Tôi thường nói: “Làm nghề kinh doanh thì nói chuyện kinh doanh, nên cạnh tranh là chuyện bình thường.” Nếu như Phật tử nói từ bi mà không cạnh tranh, như thế thì chính bạn không trưởng thành, mà đối với người khác cũng không được lợi ích thật sự. Chúng ta có cạnh tranh thì xã hội càng tiến bộ, càng phát triển mạnh, có đối thủ chúng ta mới làm việc tốt hơn.
Ví dụ tôi làm ở sở nghiên cứu, nếu một mình thì cảm thấy cô độc; bởi vì, không có đối tượng để tôi biết cải thiện như thế nào mới làm được tốt hơn, hoàn mỹ hơn. Sau đó, có người thành lập một sở nghiên cứu khác; mặc dù tôi cảm thấy áp lực khá lớn, nhưng lại thấy hứng thú. Bởi vì, một bàn tay khó vỗ thành tiếng, hai bàn tay vỗ phát ra tiếng thì mới có sức mạnh; cho nên cạnh tranh là điều tất yếu. Nhưng chúng ta phải cạnh tranh tốt thì đối với mình, đối với xã hội đều được lợi ích rất tốt, mọi người đều được tiến bộ. Nếu như chúng ta cạnh tranh thất bại, là thể hiện năng lực còn kém, trí tuệ còn yếu, chuyên môn không giỏi, cần phải cố gắng trau dồi.
Còn về vấn đề thứ hai, tôi trả lời: Đức Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh,1 nêu ra vấn đề thu nhập của cư sĩ, có thể chia làm bốn phần; ngoài nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và gởi tiết kiệm, còn phải có vốn để kinh doanh và dùng vào đầu tư. Đến nay, cũng phải làm như trong kinh dạy. Chúng ta phải cân nhắc trích ra số tiền để làm công việc xã hội; bao gồm hộ trì cúng dường Tam bảo, cứu giúp người nghèo và tặng cho xã hội.
Nếu như chúng ta kinh doanh xí nghiệp mà không có vốn để đầu tư thì sự nghiệp không thể phát triển. Vả lại, làm nghề kinh doanh thì sẽ xảy ra việc lỗ lãi, vì để điều chỉnh việc lỗ lãi, nhất định chúng ta phải gởi tiền tiết kiệm, là đề phòng việc lỗ lãi khi cần thiết.
Người làm kinh doanh xí nghiệp, không những bản thân phải có quan niệm như thế, mà còn kêu gọi cho các công nhân viên trích một phần tiền để phát triển công ty. Công ty phát triển mạnh, càng ổn định thì kinh tế càng mạnh, tiền lương của công nhân viên cũng được tăng lên, nghề nghiệp của họ cũng được ổn định.
Nhưng khi chúng ta gặp khoản vay tiền có vấn đề thì dễ xảy ra tình trạng vỡ nợ, đóng cửa. Những doanh nhân có uy tín cũng chẳng muốn xảy ra việc như thế. Song tình hình kinh tế thay đổi nhanh chóng rất khó đoán trước được, cách làm vững chắc nhất vẫn là ‘đầu tư mà không nên đầu cơ.’
Đầu cơ là mình không có vốn, nên mua bán khống; một khi xảy ra vấn đề thì thành tiền của mọi người, của ngân hàng, mà tiền của ngân hàng là tiền của chính phủ; hoặc là tiền chung của xã hội; tội này rất nặng. Vì thế, cơ sở xí nghiệp nổi tiếng thì phải suy xét rõ ràng; nếu như chúng ta không đủ vốn thì tốt nhất đem thông minh, tài trí của mình làm công cho người khác để lãnh lương; hoặc sang xí nghiệp cho người cần, tự mình không nên kinh doanh mạo hiểm. Đây là việc rất nguy hiểm.