SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
9. Từ bi phải có trí tuệ
Chúng ta phải lượng sức mà làm, gắng công bền chí làm mãi. Ngoài ra, còn phải tìm cách rèn luyện năng lực để cứu giúp chúng sinh, giúp mình có năng lực để gánh vác nhiều trách nhiệm, càng thích phục vụ nhiều người.
Có rất nhiều người đến nói với tôi: “Thưa Thầy! Khi chúng con đi du lịch đến các nước nghèo, thường thấy người ăn xin và trẻ em đầy đường; mặc dù trong tâm thương xót, nhưng vì còn lo cho mình, không giúp được họ, nên cảm thấy buồn khổ; cũng không thể từ đó mà nhắm mắt để không thấy những cảnh khổ đau ở nhân gian. Vậy rốt cuộc chúng con phải làm thế nào mới có trí tuệ?”
Thực ra, trên trái đất này, nơi nào có con người sinh tồn thì có những người bất hạnh và cảnh tượng khiến cho mọi người thương xót. Cho nên, thế gian là nơi khiến cho mọi người phát tâm bồ-đề mạnh nhất. Người nào nhìn thấy các cảnh khổ đau ở nhân gian mà khởi tâm từ bi thì chúng ta có thể nói người đó có ‘căn lành’. Nếu như người nào nhìn thấy chúng sinh chịu khổ, chịu nạn mà không động lòng thì người này vô cảm.
Cho dù là Phật, Bồ-tát phát nguyện cứu giúp chúng sinh, cũng không thể trong một thời gian; hoặc trong đời này mà cứu hết tất cả mọi người trong thiên hạ, giống như Bồ-tát Địa Tạng phát đại nguyện: “Địa ngục còn chúng sinh thì con thề không thành Phật.” Bởi vì, chúng sinh không ngừng đọa vào địa ngục, nên ngài không bao giờ thành Phật. Đức Phật, Bồ-tát cũng không cứu kịp hết thảy chúng sinh thoát khổ được vui; huống gì phàm phu như chúng ta?
Chúng ta hiểu rõ việc này thì khi bố thí, làm từ thiện, chỉ có thể dựa vào trí lực, tài lực và thời gian của mình, chọn lựa đối tượng gần gũi nhất, có duyên với mình làm điểm đặt để giúp đỡ. Như nói chúng ta phải chăm sóc trẻ em mới lớn, chỉ được chọn lựa một cơ quan nào đó có liên quan, tham gia làm việc một bộ phận trong đó thì mới có thể duy trì được lâu dài. Chúng ta không nên làm quá sức, chỉ trong chốc lát sức lực của mình đều hết sạch. Chẳng những làm công việc từ thiện không trọn vẹn, mà còn kéo dài thời gian làm mệt mỏi cho mình. Đây không phải là cách làm có trí tuệ. Thế nên, chúng ta phải lượng sức mà làm, gắng công bền chí làm mãi. Ngoài ra, còn phải tìm cách rèn luyện năng lực để cứu giúp chúng sinh, giúp mình có năng lực để gánh vác nhiều trách nhiệm, càng thích phục vụ nhiều người.
Còn việc khác, tôi cũng cho rằng, vì để bỏ con tép mà bắt được con tôm ‘làm thiện phải để cho thiên hạ biết.’ Bởi vì, năng lực của một người là hữu hạn, mà đem hữu hạn để phục vụ vô hạn thì hoàn toàn không thể được; cho nên, chúng ta phải gợi mở tâm từ bi của mọi người, kêu gọi nhiều người tham gia công tác từ thiện, là đem vô hạn để phục vụ hữu hạn, sức mạnh vô cùng; lại còn có khả năng khai mở tâm Bồ-đề của người khác, giúp họ cũng có cơ hội bố thí, cũng là một việc công đức lớn.