Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng
Môn Nhân Lưu Tương Thiến
CHÁNH VĂN:
(29) Môn nhân Lưu Tương Thiến thuật lại, khi ông ở quận Nam Dương có gặp Thị ngự sử Vương Duy ở trong trạm dịch, đảnh lễ Hòa thượng Thần Hội và vị Tăng đồng chùa là Thiền sư Tuệ Trừng, nghe giảng kinh mấy hôm. Lúc ấy, Vương thị ngự sử hỏi Hòa thượng rằng: Thế nào là tu đạo được giải thoát?
Đáp: Chúng sanh vốn Tự tâm thanh tịnh, nếu muốn khởi tâm có tu tức là vọng tâm, không thể được giải thoát.
GIẢNG:
Ở đây là ông Lưu Tương Thiến thuật lại câu chuyện gặp gỡ Thị ngự sử Vương Duy đảnh lễ Thiền sư Thần Hội.
Vương thị ngự sử hỏi Hòa thượng rằng: Thế nào là tu đạo được giải thoát?
Ngài đáp:
Chúng sanh vốn Tự tâm thanh tịnh, nếu muốn khởi tâm có tu tức là vọng tâm, không thể được giải thoát.
Nghĩa là tâm mình tự thanh tịnh, nếu khởi tâm muốn tu đó là vọng tâm, mà vọng tâm thì không thể được giải thoát.
CHÁNH VĂN:
Vương thị ngự ngạc nhiên thưa: Thật lạ! Tôi đã từng nghe chư Đại đức nói, đều chưa từng nói như thế này.
GIẢNG:
Vương thị ngự sử ngạc nhiên, vì ông đã từng nghe nhiều vị Đại đức giảng nói, nhưng không ai nói như Ngài. Lạ quá!
CHÁNH VĂN:
Lúc ấy, Khấu thái thú, Trương biệt giá, Viên tư mã đồng nói: Quận Nam Dương này có Đại đức rất quí, có Phật pháp thật không thể nghĩ lường.
Khấu thái thú nói: Hai vị Đại đức này kiến giải chẳng giống nhau.
GIẢNG:
Khi được hỏi “thế nào là tu đạo được giải thoát” ngài Thần Hội đáp rằng chúng sanh vốn Tự tâm thanh tịnh, nếu muốn khởi tâm tu tức là vọng tâm, không thể được giải thoát. Nói thế không tu luôn có giải thoát chăng? Đó là điều đa số người nghi ngờ. Ở đây ngài Thần Hội chỉ thẳng, chớ không dùng phương tiện quanh co. Mình đã có ông Phật ở trong nhà, bây giờ khởi tâm tìm Phật, như vậy thành Phật được không? Quên ông Phật trong nhà đi tìm ông Phật bên ngoài là đúng hay sai? Vì vậy Ngài không nói tìm được hay không, mà chỉ bảo có vọng tâm thì không được giải thoát.
Muốn giải thoát phải sống trở lại Tâm thanh tịnh của chính mình. Đó là gốc. Chúng ta đại đa số tìm Phật ở ngoài, chớ không tìm ngay nơi mình. Tìm Phật ở ngoài có giải thoát được không? Phật không giải thoát cho ta được, mà phải tự mình giải thoát. Phật chỉ là người chỉ đường cho chúng ta thức tỉnh, rồi tự mình trở về, chớ Ngài không đi thế ta được. Nếu không nhận ra Bản tâm thanh tịnh của mình, cứ chạy tìm bên ngoài cho đó là tu, tu như vậy không bao giờ giải thoát.
CHÁNH VĂN:
Vương thị ngự hỏi Hòa thượng: Vì sao chẳng giống nhau?
Đáp: Nay nói chẳng giống nhau, là vì Thiền sư Trừng phải trước tu định được định, định rồi sau mới phát tuệ. Nên biết Thần Hội chẳng như thế. Nay chính khi cùng Thị ngự nói chuyện, tức định tuệ đồng nhau. Kinh Niết-bàn nói: Định nhiều tuệ ít tăng trưởng vô minh, tuệ nhiều định ít tăng trưởng tà kiến. Nếu người được định tuệ đồng nhau gọi là thấy Phật tánh, nên nói chẳng giống nhau.
GIẢNG:
Cách tu của ngài Thần Hội và ngài Tuệ Trừng không giống nhau nên cách trả lời cũng không giống nhau. Hỏi vì sao không giống nhau?
Ngài đáp Thiền sư Trừng trước tu định, được định rồi sau mới phát tuệ. Đó là lối tu của Thiền sư Trừng. Còn Ngài thì không phải vậy. Chính khi cùng Thị ngự nói chuyện tức định tuệ đồng nhau. Chỗ này rất thiết yếu cho sự tu của chúng ta.
Chính khi tôi nói chuyện với ông thì định tuệ đã có đủ, không phải đợi ngồi yên định mới phát tuệ. Ngài dẫn trong kinh dạy “định nhiều tuệ ít tăng trưởng vô minh”. Tại sao? Bởi vì khi ngồi yên cho định, chỉ lo kềm đè mà không biết gì hết, đó là tăng trưởng vô minh. Tuệ nhiều định ít, tăng trưởng tà kiến. Tại sao? Vì tuệ nhiều thì quán chiếu nhiều, tâm dễ nghĩ tứ tung. Xét chuyện này, nghĩ chuyện nọ, một hồi lạc đâu mất, trở thành tà kiến.
Vì thế người khéo tu phải quân bình giữa định và tuệ. Muốn thế phải làm sao? Ngay trong cuộc sống hiện tại, gặp duyên thì làm thì nói. Nhưng làm nói trong chỗ không quên Tánh chân thật của mình. Tánh chân thật là định hay tuệ? Tánh chân thật là bất động, bất động là định. Không quên Tánh chân thật mà hằng tùy duyên, ứng dụng đó là tuệ. Tuệ mà không quên định gọi là định tuệ đồng thời. Đó là sự khác biệt của hai vị. Thiền sư Tuệ Trừng thì trước định sau tuệ. Thiền sư Thần Hội thì định tuệ đồng thời.
Chúng ta tu sao cho ổn đây? Định tuệ đồng thời hay trước định sau tuệ? Ngồi yên buông hết niệm, đó là định hay tuệ? Buông hết niệm là định, định mà biết tâm đang thanh tịnh hằng tri hằng giác, chớ không phải không biết gì. Mắt thấy, tai nghe, các cơ quan đều linh hoạt như vậy đâu có si. Còn định mà không biết gì hết, đó là si định. Vì vậy Phật thường quở những vị tu tới Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ là si định. Do đó chúng ta tu cần phải sống đủ cả định và tuệ.
Chúng ta hằng ngày sanh hoạt là động, nhưng vẫn không quên tâm an nhiên thanh tịnh của mình, đó là định. Hoạt động theo duyên, biết đi biết nói biết làm là tuệ. Như vậy định tuệ đồng thời không lúc nào thiếu một thứ, luôn luôn quân bình nhau. Chúng ta khéo tu khéo hiểu, sẽ không lúng túng khi nghe hỏi mình tu thế nào? Buông xả vọng niệm mà hằng tri hằng giác, đó là định tuệ đồng thời.
CHÁNH VĂN:
Vương thị ngự hỏi: Thế nào là định tuệ đồng nhau?
Hòa thượng đáp: Nói định là thể không thể được. Nói tuệ là hay thấy thể không thể được, lặng lẽ thường tịch, có hằng sa xảo dụng, tức là định tuệ đồng học.
GIẢNG:
Nói định là thể không thể được, tức chỗ lặng lẽ không thể được, không tướng mạo đó gọi là định. Nói tuệ là hay thấy thể không thể được, khi ta ngồi yên không có niệm khởi, vẫn biết rõ mình đang tri giác là thấy được thể không tướng mạo.
Lặng lẽ thường tịch, có hằng sa xảo dụng, tức là định tuệ đồng học.
Bởi yên lặng không niệm khởi, nhưng nó hằng sáng hằng giác hằng tri, tức tâm không động là định, mà vẫn thấy nghe hiểu biết rõ ràng là tuệ. Nhiều người có quan niệm ngồi kềm cho chết hết những tâm suy nghĩ, chết luôn cả thấy nghe hiểu biết, như vậy là định cao. Trong nhà Phật gọi đó là si định, là bệnh. Định là để cho trí sáng, chớ không phải để không biết gì. Tự nhiên vô tình ta diệt cái hiểu biết của mình, đó là sai lầm.
CHÁNH VĂN:
Mọi người đều đứng lên trước sảnh. Thiền sư Trừng nói với Vương thị ngự: Huệ Trừng cùng Thiền sư Hội chỗ chứng chẳng đồng.
Vương thị ngự cười, rồi thưa với Hòa thượng: Vì sao chỗ chứng chẳng đồng?
Đáp: Nói chẳng đồng là vì Thiền sư Trừng trước tu định được định, về sau phát tuệ. Thần Hội thì chẳng vậy. Chính khi cùng Thị ngự nói chuyện, tức định tuệ đồng có. Do đó nói chẳng đồng.
Thị ngự nói: Xà-lê cuối cùng cũng nói không đồng?
Đáp: Một mảy may chẳng chấp nhận.
Hỏi: Vì sao không chấp nhận?
Đáp: Nay thật không thể đồng, nếu cho đồng tức là chấp nhận.
GIẢNG:
Ngài bảo: Tôi nói không đồng là vì không chấp nhận, nếu nói đồng tức là có chấp nhận.