Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Tề Tự Chủ

CHÁNH VĂN:

(34) Tề tự chủ hỏi: Thế nào là Đại thừa?

Đáp: Là Tiểu thừa vậy.

GIẢNG:

Hỏi thế nào là Đại thừa? Đáp là Tiểu thừa vậy.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Nay hỏi Đại thừa, nhân đâu bảo là Tiểu thừa?

Đáp: Vì nhân có Tiểu thừa mới lập Đại thừa. Nếu không có Tiểu thì Đại từ đâu mà có. Nay nói Đại đó, là đại của nhà nhỏ. Nay nói Đại thừa rỗng không không có gì, tức là không thể nói đại, tiểu. Giống như hư không, rỗng không không có hạn lượng, không thể nói không hạn lượng. Hư không vô biên không thể nói vô biên, Đại thừa cũng vậy. Thế nên kinh nói: Trong hư không không có bờ mé, khoảng giữa, thân chư Phật cũng thế. Do đó, nay hỏi Đại thừa dùng Tiểu thừa để đáp, đạo lý rất rõ ràng, đâu nên lấy làm lạ.

GIẢNG:

Đại thừa là chỉ cho Thể tánh Bát-nhã, nó rỗng không thì đâu nói gì là Đại, Tiểu. Nói Đại thừa, Tiểu thừa là đứng trên lập trường đối đãi mà nói. Tinh thần của ngài Thần Hội là nối tiếp tinh thần của Lục Tổ.

Trong Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy ba mươi sáu pháp đối. Hỏi có lấy không đáp, hỏi lớn lấy nhỏ đáp, hỏi sáng lấy tối đáp, để biết rằng các pháp nương nhau mà có, nương nhau mà lập chớ không có một pháp thật. Vì vậy nói đại nói tiểu đều là căn cứ trên đối đãi mà lập, đã đối đãi mà lập thì không có thật. Cho nên ở đây nói rằng Đại thừa rỗng không không có gì, tức là không thể nói Đại, Tiểu. Về Thể tánh Đại thừa thì rỗng không, không có tướng đối đãi, vì vậy không thể nói đại, nói tiểu. Ngài dùng ví dụ giống như hư không, rỗng không không có hạn lượng, không thể nói không hạn lượng. Nó không có hạn lượng mà cũng không thể nói không hạn lượng. Câu này làm sao hiểu?

Hư không vô biên không thể nói vô biên, Đại thừa cũng vậy.

Chúng ta nhìn bầu trời thấy hư không, nhưng lấy gì đo lường hư không? Không có gì đo lường được, nhưng tại sao không thể nói không hạn lượng. Như hư không trong nhà này, ta có thể đo bề ngang mấy thước, bề dài mấy thước, bề cao mấy thước, tính thành mấy thước khối hư không. Như vậy trong một khung cảnh giới hạn thì hư không đo được, chỉ thể của hư không là vô giới hạn thôi. Do đó không thể nói không hạn lượng.

Tánh Phật của mình cũng thế, giống như hư không, nó không có tướng mạo, không có giới hạn. Nhưng nhét vào thân này rồi thì có giới hạn liền. Thân to, thân nhỏ gì nó cũng nằm khuôn trong đó. Bởi vậy kinh Hoa Nghiêm nói “phá vi trần xuất kinh quyển”, nghĩa là đập hạt bụi mà lấy quyển kinh. Quyển kinh bao to? Quyển kinh đó chép tất cả sự thật của vũ trụ này, nhét trong hạt bụi tí ti. Lượng quyển kinh lớn như thế mà nhét trong hạt bụi này được cũng hay.

Cũng vậy chúng ta có tánh Phật trùm hết, bây giờ nhét trong thân mấy chục ký đây, cũng như nhét trong hạt bụi. Chúng ta lấy được tánh Phật cũng như lấy được quyển kinh. Tánh Phật biết tất cả lẽ thật trong vũ trụ vì nó trùm hết. Nếu chúng ta khéo đập hạt bụi này để lấy quyển kinh đó ra thì ta sẽ thấu suốt toàn thể vũ trụ. Hạt bụi nào cũng có quyển kinh đó hết, chỉ không ai dám đập thôi, thành ra không lấy được quyển kinh. Đừng nghĩ đập hạt bụi là tự tử. Tự tử chết rồi, quyển kinh đó sẽ bị nghiệp cuốn đi chỗ khác, chớ không hiện ra đâu. Phần này kinh Bát-nhã chỉ cách thức đập hạt bụi rất rõ ràng. Như vậy tánh Phật của mình trùm khắp không giới hạn. Nhưng khi sanh vào các loài thì nó bị giới hạn.

Hư không vô biên không thể nói vô biên, Đại thừa cũng vậy. Thế nên kinh nói: Trong hư không không có bờ mé, khoảng giữa, thân chư Phật cũng thế. Do đó, nay hỏi Đại thừa dùng Tiểu thừa để đáp, đạo lý rất rõ ràng, đâu nên lấy làm lạ.

Sở dĩ nói có giới hạn không giới hạn hay nói lớn nói nhỏ đối đãi, để thấy cái chân thật không ở một bên, không ở giữa, không trên dưới, không có tướng mạo nào để đối chiếu được. Nhưng khi tùy duyên thọ sanh thì nó bị hạn chế. Vì vậy ở đây nói hỏi Đại thừa dùng Tiểu thừa đáp, để nói rằng lập một cái gì là do đối đãi giới hạn, chớ Thể chân thật mênh mông, không thể lường.