Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Thiền Sư Hoài Địch

CHÁNH VĂN:

(28) Thiền sư Hoài Địch ở núi La Phù hỏi: Tất cả chúng sanh xưa nay Tự tánh thanh tịnh, vì sao lại nhiễm pháp sanh tử mà không thể ra khỏi ba cõi?

Đáp: Người vì không biết Tự thể xưa nay không tịch, chạy theo vọng niệm mà khởi kết nghiệp, bị thọ sanh tạo ác, nên không thể nói. Nay hạng người tu đạo, ở nơi đây cũng mê lầm, chỉ gieo trồng nhân duyên trời người, không được cứu kính giải thoát. Nếu không gặp chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức chân chánh, do đâu khỏi được khổ luân hồi.

GIẢNG:

Tất cả chúng sanh xưa nay Tự tánh thanh tịnh, vì sao lại nhiễm pháp sanh tử mà không thể ra khỏi ba cõi?

Ở đây trước Ngài giải vì sao Tự tánh thanh tịnh lại nhiễm pháp sanh tử mà không thể ra khỏi luân hồi. Người vì không biết tự thể xưa nay không tịch, người không biết mình sẵn có thể xưa nay là trong sạch, lặng lẽ, nên chạy theo vọng niệm mà khởi kết nghiệp. Chúng ta là những người đó, Tự thể mình xưa nay thanh tịnh mà không biết. Bởi không biết nên chạy theo vọng niệm nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua, nghĩ tốt nghĩ xấu, đủ thứ hết. Do những cái nghĩ đó mà khởi kết nghiệp, bị thọ sanh không thể kể hết.

Nay hạng người tu, ở nơi đây cũng mê lầm.

Chính người tu còn mê lầm chỗ này, huống là người không tu.

Chỉ gieo trồng nhân duyên trời người, không được cứu kính giải thoát.

Chúng ta làm lành được sanh cõi trời, làm ác phải đọa địa ngục, giữ đúng tư cách con người thì được làm người. Nếu chỉ gieo trồng nhân ở cõi trời, cõi người hoặc những đường ác, thì không bao giờ được cứu kính giải thoát.

Nếu không gặp chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức chân chánh, do đâu khỏi được khổ luân hồi.

Ngài đã trả lời tại sao chúng ta có Tự tánh thanh tịnh mà vẫn bị nhiễm các pháp sanh tử. Gốc do không biết cái thật nên chạy theo vọng niệm, từ đó tạo nghiệp. Bây giờ nếu có duyên gặp Phật pháp, Bồ-tát, Thiện tri thức chỉ cho ta biết được, thực hành theo những lời chỉ dạy ấy mới hết luân hồi sanh tử.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Tâm tâm giữ tịch diệt, niệm niệm vào dòng pháp, đâu chẳng động niệm ư?

Đáp: Bồ-tát hướng đến đạo Bồ-đề, tâm kia niệm kia chẳng dừng, giống như ngọn đèn cháy liên tục, tự nhiên không dứt, cũng chẳng phải đèn làm cháy sáng. Vì cớ sao? Nghĩa là Bồ-tát xu hướng Bồ-đề, niệm niệm tiếp nối không gián đoạn vậy.

GIẢNG:

Tâm tâm giữ tịch diệt, niệm niệm vào dòng pháp, đâu chẳng động niệm ư?

Nghĩa là khởi nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ lành nghĩ dữ đều là động niệm. Hoặc luôn nghĩ phải sống với chánh pháp, giữ chỗ tịch diệt yên lặng. Đó là niệm niệm theo dòng pháp. Như vậy có động không?

Ngài không trả lời là động hay không động, mà chỉ nói người tu hướng đạo Bồ-đề, tâm niệm luôn hướng Bồ-đề liên tục không lúc nào dừng, giống như ngọn đèn cháy liên tục. Ngọn đèn cháy liên tục, tự nhiên ánh sáng không dứt. Như vậy đèn làm cháy sáng hay cái gì sáng? Vì lửa cháy rút dầu lên liên tục nên cháy sáng. Cho nên cháy sáng đó không phải do đèn, mà nhờ ánh lửa rút dầu lên mới cháy sáng. Rút dầu liên tục thì ánh lửa sáng liên tục.

Cũng thế, người tu luôn luôn giữ tâm tịch diệt, giữ niệm hợp với chánh pháp thấy như có động, nhưng Tâm thể tịch diệt ấy không động. Giống như đèn cháy rút dầu là động, nhưng ánh sáng của ngọn đèn thì không động. Trên công dụng thấy như động, nhưng kết quả không phải là động. Cũng vậy tâm chúng ta hằng tưởng Phật, hằng tưởng Bồ-tát, đó là động. Nhờ tưởng liên tục như vậy nên tâm lặng sáng thì cái lặng sáng đó không phải là động. Điều này trả lời thật là khó. Hỏi điều này là hỏi tới chỗ tột của sự tu.

Chúng ta thấy chư Phật luôn luôn để tâm hướng về Bồ-đề, niệm niệm tiếp nối không gián đoạn. Nhờ không gián đoạn nên hằng giác, hằng sáng. Cái sáng, cái giác đó không phải động, nhưng mà tâm hướng Bồ-đề liên tục dường như động, song kết quả là không động. Đây là điều thâm sâu trong sự tu hành.

Ví dụ như người niệm Phật “Nam-mô A-di-đà Phật”, cứ niệm hoài như thế thì động chớ sao không động. Nhưng niệm tới chỗ vô niệm liền hết động, bấy giờ ánh sáng tự có. Ánh sáng đó là vô niệm, mà muốn vô niệm thì trước phải niệm Phật hay chánh pháp liên tục. Chỗ này hiểu rõ chúng ta mới không bị trở ngại trên đường tu.