Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Sủng

CHÁNH VĂN:

(27) Pháp sư Sủng ở Ngưu Đầu hỏi: Sám hối tội được tiêu diệt không?

Đáp: Người thấy vô niệm, nghiệp tự chẳng sanh. Đâu chấp vọng tâm mà riêng có, lại muốn sám hối tội diệt, diệt tức là sanh.

GIẢNG:

Người thấy vô niệm, nghiệp tự chẳng sanh. Đâu chấp vọng tâm mà riêng có, lại muốn sám hối tội diệt, diệt tức là sanh.

Ngài nói thẳng lý thật nên chúng ta nghe hơi khó hiểu. Nếu biết rõ Tâm thể chân thật, không phải là cái khởi nghĩ như nghĩ thiện nghĩ ác, nghĩ phải nghĩ quấy. Do không khởi tất cả cái nghĩ đó nên gọi là thấy cái vô niệm. Cái vô niệm đó không có phải quấy, thiện ác thì nghiệp tự chẳng sanh.

Nếu ta được vô niệm thì không có thiện ác. Thiện ác đã không thì nghiệp từ đâu mà sanh, nên nói nghiệp tự chẳng sanh. Nghiệp chẳng sanh thì đâu chấp vọng tâm thiện ác, phải quấy. Không theo vọng tâm thì làm gì riêng có nghiệp lành, nghiệp dữ. Đã không có nghiệp lành nghiệp dữ mà lại muốn sám hối cho tội diệt, như vậy là tội có sanh mới sám cho diệt. Điều này đã tự mâu thuẫn, nên không thể được. Diệt tức là sanh bởi vì có sanh mới có diệt, nên có diệt tức là có sanh. Tới chỗ không còn sanh diệt mới là hết hoàn toàn sanh diệt. Nếu còn có diệt tức là có sanh.

Ví dụ hôm nay có vị lỡ nói lời không lành, liền sám hối “hôm nay con có ác khẩu, xin thành tâm sám hối”. Sám hối hết lỗi bữa nay, nhưng ngày mai còn thấy tốt xấu, ai nói gì không vừa lòng cũng ác khẩu nữa, nên diệt bữa nay rồi mai lại sanh. Cứ sanh diệt, sanh diệt hoài chừng nào mới hết? Bao giờ nghe phải quấy, tốt xấu mà tâm mình không động, như như, thì nghiệp từ đâu mà có? Nghiệp không có thì sám hối làm gì?

Như vậy sám hối chân thật là sám hối trở về tâm không sanh, không diệt của mình để rồi không còn mầm sanh diệt nữa. Ta có lỗi biết sám hối là tốt, nhưng sám hối rồi vẫn còn nuôi dưỡng tâm sanh diệt thì tội chỉ hết được một chặng, sau đó sanh nữa, không hết hẳn.

Ở đây Ngài dạy tận gốc, muốn hết tội phải đi tới vô niệm, không còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác, mới hoàn toàn hết tội. Chớ hôm nay sám hối tội diệt, ngày mai lại sanh tội khác, biết bao giờ mới hết tội?

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Thế nào là sanh?

Đáp: Sanh đó tức là diệt vậy.

GIẢNG:

Có sanh là có diệt, ngược lại có diệt là có sanh, hai cái tiếp nối không cùng. Cho nên tất cả chúng ta tu muốn ra khỏi vòng sanh tử, phải dứt hết những tâm sanh diệt đó. Nên nhớ còn sanh tức còn diệt, ngược lại còn diệt tức còn sanh.