LƯỢC TRUYỆN BỒ TÁT THẾ THÂN
Bồ-tát vốn là một Đại luận sư Ấn Độ, người thành Phú-lâu-sa-phú-la, nước Kiền-đà-la, Bắc Ấn Độ, là con thứ hai của Quốc sư Kiều-thi-ca dòng Bà-la-môn. Ngài rất thông minh mẫn tiệp; đầu tiên Ngài học giáo nghĩa Tiểu thừa, luận biện sắc bén, ngang dọc tự tại. Anh của Ngài là bồ-tát Vô Trước, một hôm bị bệnh, sai người gọi Ngài đến, nhân đó khai thị giáo nghĩa Đại thừa. Bồ-tát Vô Trước bảo: “Trước khi ta mất, ông nên đọc những kinh điển mà ta đã học”. Ngài liền xem kinh Hoa Nghiêm, mới thấy được diệu nghĩa Pháp giới Tì-lô và biển hạnh nguyện Phổ Hiền. Thế là Ngài khởi lòng tin sâu, đồng thời than rằng:
Hãy dùng kiếm bén cắt đứt lưỡi của em để tỏ bày lỗi lầm tán dương Tiểu thừa!
Bồ-tát Vô Trước bảo:
-Như người do đất té ngã thì cũng nên nương nơi đất mà đứng dậy. Ngày xưa em dùng lưỡi nầy để huỷ báng Đại thừa, thì hôm nay cũng nên dùng lưỡi nầy để tán dương Đại thừa.
Nghe lời anh, Bồ-tát soạn luận Thập Địa. Vào ngày bộ luận thành tựu, mặt đất chấn động, ánh sáng chiếu soi rực rỡ. Sau đó Ngài soạn luận cho các bộ kinh Đại thừa như: Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Pháp Hoa, Bát-nhã, Duy-ma, Thắng Man. Ngài còn soạn Duy Thức luận, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích. Tất cả những tác phẩm do Ngài soạn, văn nghĩa thật tinh diệu, hễ ai thấy nghe đều tin nhận. Cho nên, những người học Đại-Tiểu thừa tại Thiên Trúc và các nơi đều lấy những tác phẩm của Ngài làm nền tảng. Những Luận sư thuộc các bộ phái Tiểu thừa và ngoại đạo khi nghe đến tên của Ngài đều kính sợ. Tuy thân ở nơi phàm mà tâm thật khó biết!