BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Tác giả: Bồ tát Long Thọ (Kệ bản)
Bồ tát Phân Biệt Minh giải thích
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Ba La Phả Mật Đa La
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 7
Lại nữa, Phẩm trước đã ngăn trừ, loại bỏ kiến chấp về giữ lấy và người giữ lấy. Nay lại khiến hiểu rõ về pháp duyên khởi chẳng một chẳng khác, nên có Phẩm này.
Ngoại nhân nói: Trong đệ nhất nghĩa có sự giữ lấy và người giữ lấy. Vì sao? Vì do hai pháp ấy cùng quán xét lẫn nhau. Ví như lửa củi. Làm sao nhận biết? Như Đức Phật đã nêu giảng: Trong đệ nhất nghĩa có các thứ giữ lấy như ấm v.v… cùng với người giữ lấy. Nhân ở đây thành nên nghĩa của Tôi được lập. Luận giả nêu bày: Ngăn trừ chung về sinh khởi, nên đối với củi lửa cũng ngăn trừ. Ông nay chưa tỏ ngộ, tức cũng nói có thật, như nơi Phẩm Quán Về Ấm đã nêu. Nếu lìa nhân của sắc, sắc không thể đạt được. Nhân cũng như thế. Tuy trước đã luận phá nay sẽ ngăn trừ lần nữa. Ông nên lắng nghe. Ngăn trừ này theo phương tiện, đối với hai thứ lửa – củi muốn khiến chúng là có: Chúng là một chăng? Hay là khác chăng? Nếu như thế thì có lỗi gì? Nếu củi lửa là một, thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Như kệ nói:
Nếu lửa tức là củi
Tác giả, tạo nghiệp một.
Giải thích: Do các thí dụ như đất v.v… là không, nên ở đây là không tương ưng. Có người nói: Bốn đại là củi. Giới ấm nóng là lửa.
Lại có người cho: Trong các đại ấy, giới ấm nóng tăng khởi nên gọi là lửa. Ở đây, Luận giả lại theo phương tiện để nêu bày: Trong đệ nhất nghĩa, hai sự củi lửa chẳng là một thể. Vì sao? Vì là tác giả, tạo nghiệp. Ví như người chặt cây và đối tượng là cây bị chặt có khác. Lửa là tác giả. Thiêu đốt là tạo nghiệp. Do tác giả và nghiệp khác nên lửa củi không là một. Lại nữa, nếu lửa tức là củi, tác giả, tạo nghiệp một: Nếu nhất định như thế, thì ông không nên nói là củi là lửa. Ngoài củi có lửa, thì nghĩa một thể hoại, do không nóng không thiêu đốt, lửa tức vô dụng. Thể của pháp không riêng biệt, nên nghĩa được lập có lỗi. Ông nói củi, lửa là một, nghĩa ấy là chẳng đúng. Lại, nếu củi lửa là khác, là cũng không đúng. Vì sao? Như kệ nêu:
Nếu lửa khác nơi củi Lìa củi nên có lửa.
Giải thích: Do chúng là khác. Ví như vật còn lại. Nhưng không muốn như thế. Ở đây nói nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, lửa củi không khác. Vì sao? Vì do có quán xét. Như tự thể của lửa. Nếu nói lửa củi là vật riêng khác, đều có cùng quán. Hết thảy có quán, nên nhân chẳng phải là toàn bộ. Nghĩa này là không đúng. Vì sao? Vì nghĩa tương tợ của tất cả các thứ quán xét ấy cũng đồng ngăn trừ, nên không có lỗi. Nếu nhất định muốn có được lửa củi là khác, tức có lỗi lầm. Như kệ nêu:
Như vậy luôn nên đốt
Do không nhân nơi củi.
Giải thích: Không quán về củi, tức lửa kia nên luôn đốt cháy. Nếu như lúc không có củi, lửa cũng không diệt, do chúng khác nhau. Lại, củi khô ném vào lửa, cũng không có ngọn lửa phát khởi, nghĩa đều chẳng đúng. Như kệ nói:
Lại không công đốt lửa
Lửa cũng không nghiệp đốt.
Giải thích: Không thể đốt cháy tướng nghiệp vì vô thể. Nhưng không muốn như thế. Vì sao? Vì nam nữ trẻ nhỏ đều nhận biết là có nhân, đều muốn có nghiệp. Ở đây lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, lửa củi không khác. Vì sao? Vì do có nhân, có khởi tạo, có hành nghiệp. Như tự thể của củi. Nói rộng như trước. Môn củi cũng như thế, do củi là nhân của đốt cháy. Có khởi tạo, có hành nghiệp, đều đồng như nói về lửa. Thế nên không nhân, thí dụ không thành. Nếu ý của ông cho lúc lửa đang đốt cháy gọi là củi, là cũng không đúng. Như kệ nêu:
Nếu lúc lửa đang đốt
Ông cho đấy là củi
Lúc kia chỉ có lửa
Gì là củi để đốt?
Giải thích: Ở trong thế đế, lúc chưa đốt cháy gọi là củi. Lúc đang đốt cháy gọi là lửa. Do củi là duyên của lửa. Vào lúc đang đốt cháy chỉ nói là lửa, nên sự sinh khởi ấy cũng chỉ là tụ tập, chỉ là tự riêng, nên có thể tạo sự thiêu đốt, chưng nấu, chiếu sáng nhân của quả, nên nói là lửa. Trong đệ nhất nghĩa, sự sinh khởi không thể đạt được, như trước đã ngăn trừ. Lại, nếu ý của ông cho bốn đại là như nhau, giới lửa không tăng, gọi là củi. Hoặc nói ba đại, gọi đó là củi. Tức ba hoặc bốn kia là đối tượng bị đốt cháy. Lửa cũng như thế. Đại tụ tập hòa hợp nên nói là lửa. Người nói như vậy nay nên lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa lửa không thiêu đốt củi. Vì sao? Vì do chúng là đại. Ví như đại nước. Như thế là sắc, có, thô, là thuộc về sắc ấm. Bên ngoài. Có sinh. Có nhân. Như vậy, nhân nơi nghiệm xét, ở đây nên nói rộng. Như ý của kẻ kia cho trong đệ nhất nghĩa, lửa có thể thiêu đốt, tức là không đúng. Lại nữa, như kệ trước nói:
Lúc kia chỉ có lửa
Gì là củi để đốt?
Ở đây, chỉ là, là nghĩa gì? Tức chỉ là đại tích tụ, nên khởi quán xét riêng. Ở trong thế đế nói là củi lửa. Ông cho vào lúc đang đốt cháy nói đó là củi, nghĩa ấy không đúng.
Hỏi: Trong sự hòa hợp, như đất v.v… có lửa có thể thiêu đốt. Ông lập dụ, thì dụ ấy không thành?
Đáp: Thành lập tương tợ, sự việc kia cũng đồng như luận phá về tự tướng của đất v.v… Tôi nêu dẫn làm dụ. Ông nói dụ chẳng thành, Tôi không có lỗi ấy. Do trong đệ nhất nghĩa đã ngăn trừ, nên không hủy hoại sự hiểu biết của thế gian.
Lại nữa, người của Tỳ-thế-sư nói: Lửa, củi, vi trần là một phần của ngã. Một phần trần này cùng với trần sau hợp. Ở đây, nghiệp tạo sự hòa hợp nương dựa nơi hai trần. Hai vi trần ấy hòa hợp khởi tạo gọi là Đà-lạp-tỳ (Đời Đường gọi là thật). Ba trần như thế trở đi, lần lượt khởi rồi, tạo ánh sáng, nên gọi là lửa Đà-lạp-tỳ. Như vậy là trần củi cùng với trần củi hợp. Hai thứ củi lửa ấy lại cùng quán xét nhau. Do cùng quán xét, nên nhân quả được thành.
Luận giả nói: Sự việc kia cũng như kệ trước đã nêu: Nếu lửa khác nơi củi, Lìa củi nên có lửa. Các lối chấp như thế, trước đã ngăn trừ rộng, ở đây nên nói. Lại, chẳng phải trong đệ nhất nghĩa, lửa tạo ra ánh sáng. Vì sao? Vì nó là đại. Ví như các đại khác. Sự ngăn trừ về sinh khởi kia, tức trong đệ nhất nghĩa vi trần của hỏa đại không thể khởi tạo lửa Đà-lạp-tỳ. Vì sao? Vì do là vi trần. Như các vi trần khác.
Hỏi: Ông trước lập nghĩa có có lý do gì? Là khởi trần khác, hay là đều không khởi? Nếu khởi trần khác, thì nghĩa được lập tức hoại. Nếu đều không khởi, tức thí dụ là vô thể?
Đáp: Ông nói không đúng. Như phân biệt trước, chẳng phải là chỗ mong muốn của Tôi. Phân biệt sau, thí dụ cũng thành. Vì sao? Vì như vi trần của lửa không thể sinh ra lửa. Các trần như đất v.v… mỗi mỗi thứ đều như thế.
Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, vi trần của lửa không thể sinh khởi lửa. Vì sao? Vì do khác nhau. Ví như nước. Như vậy, các nhân tạo tác, sinh khởi, hủy hoại, ở đây nên nói rộng.
Lại như người của Tăng khư nói: Như Tôi lập nghĩa: Tát thùy (minh tướng) Át-la-xà (trần), các sắc xúc lúc tăng gọi là lửa. Nếu đa mô (tối) lúc tăng thì gọi là củi. Thế nên nhất định do củi là nhân của lửa. Do củi làm nhân, nên quán xét củi nói về lửa. Luận giả nêu: Sự việc kia cũng có lỗi. Do trong đệ nhất nghĩa, nóng ấm không phải là thể của lửa. Vì sao? Do là đại. Như trước đã ngăn trừ về thí dụ. Lại nữa, kệ nêu:
Nếu khác tức không đến.
Giải thích: Nếu lửa khác với củi, do khác tức không đến. Ví như lửa chưa đến nơi củi. Do tác giả dụ cho lửa, tạo nghiệp dụ cho củi. Hai thứ ấy hòa hợp gọi là tạo tướng. Nghĩa chính là như thế. Lại nữa, kệ nêu:
Không đến nên không đốt
Không đốt nên không diệt
Không diệt trụ tự tướng.
Giải thích: Do lửa này không nhân nên lìa củi được thành, tức trụ nơi tự tướng. Trụ nơi tự tướng nên gọi đó là thường. Đã không có nghĩa này, nên biết lửa củi không khác. Nếu lập là khác, như trước đã ngăn trừ. Ở đây nên nói rộng. Như kệ sau nói:
Vật này cùng vật kia
Là khác tức không đúng.
Ngoại nhân nói: Nếu là khác thì không đến, tức mắc phải lỗi như thế. Như kệ trước nêu: Nếu khác tức không đến. Không đến nên không đốt v.v… Do khác có đến, nên không có lỗi như trên. Thế nào là nghiệm xét? Như người nữ và trượng phu khác nhau. Cùng đến là sự hiểu biết của thế gian không thể phá bỏ. Như kệ nói:
Đốt khác với bị đốt
Hai ấy hay cùng đến
Như nữ đến trượng phu
Như trượng phu đến nữ.
Luận giả nêu kệ:
Nếu đốt khác bị đốt
Hai thứ ấy cùng đến.
Giải thích: Ý của ông lập thí dụ khác. Người nam nữ ấy ví nếu như thế tức đều không cùng quán, do xứ của củi lửa đồng mà khởi, tướng đến lại là khác. Không cùng quán xét, là có thể nói Tôi được nhân chẳng phải là toàn bộ. Như kệ nói:
Lửa củi đã có khác
Tức không cùng quán nhau.
Giải thích: Đều không cùng quán: Nghĩa này là thế nào? Tức là tác giả, tạo nghiệp hòa hợp là không. Như củi lửa khác. Ý không muốn như thế. Vì sao? Vì do hai thứ ấy không đến. Ông nói tác giả, tạo nghiệp hòa hợp cùng khác, nghĩa này không đúng. Do chấp pháp riêng nên lập nghĩa có lỗi. Những gì là lỗi? Ông nói khác nhưng có thể cùng đến, như nam nữ, là cả hai không thể đạt được, do môn khác không thành, nên chẳng phải là lỗi của nhân không phải toàn bộ. Song do Ngoại nhân kia tự mê chấp nơi nghĩa, trí tuệ còn mỏng kém, nên nói như thế. Nơi phần đầu Phẩm thành lập củi lửa là một – khác, thí dụ không có nên cả hai đều chẳng thành. Ngoại nhân nói: Trong đệ nhất nghĩa có củi có lửa. Vì sao? Vì hỗ tương quán xét. Đây nếu là không thì hai thứ cùng quán kia tức không thể có. Ví như sừng thỏ. Do có củi lửa, lại cùng quán xét nhau, nên được nói: Đây là củi của lửa. Đây là lửa của củi. Do nghĩa này nên thí dụ được thành. Luận giả nêu kệ:
Nếu lửa quán nơi củi
Nếu củi quán nơi lửa
Những gì Thể trước thành
Mà nói cùng quán có?
Giải thích: Nếu cùng quán: Là củi thành trước hay là lửa thành trước? Ông nên phân biệt. Hai thứ như ở đây không một thành trước, vì cùng quán riêng. Do trong đệ nhất nghĩa quán không thành, nên nghĩa của nhân chẳng thành, cũng là thí dụ có lỗi. Nếu ông nói ở trong thế đế nên lập nhân này, thì cùng với nghĩa là trái nhau. Lại không thí dụ nên sự thành lập có lỗi. Nếu ý của ông cho củi ấy thành trước nên không có lỗi, thì nghĩa ấy không đúng. Như kệ nêu:
Nếu như lửa quán củi
Lửa thành rồi lại thành
Củi cũng nên như thế
Không lửa sao có được.
Giải thích: Ông nếu nhất định tạo phân biệt như ở đây, lửa đã thành trước, sau quán củi. Nghĩa này là thế nào? Do củi không quán lửa, nên củi thành trước. Ý của lời nói là như thế, nhưng không muốn như vậy. Ở đây nói nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, củi ở trước lửa, là không có nghĩa như thế. Vì sao? Vì do có quán. Như tự thể của lửa, trước đã nói rộng. Ngoại nhân cho: Nếu củi cùng với lửa không một thứ nào thành trước, nay củi lửa cùng quán một lúc mà có, như sừng của bò có hai bên phải trái đồng thời sinh khởi. Nghĩa này được thành. Luận giả nêu kệ:
Nếu đây đợi được thành
Kia cũng đợi như thế
Nay không một vật đợi
Làm sao hai Thể thành.
Giải thích: Đây là thể tướng của lửa. Kia là thể tướng của củi. Ý của Ngoại nhân muốn củi lửa cùng thành, mỗi mỗi đều có. Nghĩa ấy là không đúng. Vì sao? Do nhân của tự kia lại cùng quán xét nhau, sinh chẳng thành. Nghĩa của lời nói là như thế. Lại nữa, dụ về sừng bò, cũng nên hỏi như vầy: Trong hai sừng ấy những gì là bên trái? Những gì là bên phải? Sự hiểu biết của người thế gian do cùng quán xét, nên loại thứ hai được thành, tức không có nghĩa như thế. Lại nữa, như kệ nêu:
Nếu Thể đợi được thành
Không thành làm sao đợi
Không thành mà có đợi
Đợi ấy tức không đúng.
Giải thích: Nghĩa là vật kia chẳng thành, thì ở đây không có sự việc đợi. Nghĩa của lời nói là như thế. Ở đây nói nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa củi không quán lửa. Vì sao? Vì thể của lửa không thành. Như đất, nước v.v… Lại nữa, kệ nêu: Không thành mà có đợi, Ngoại nhân nếu nói như thế, là có lỗi. Vì sao có lỗi? Kệ nêu: Đợi ấy tức không đúng. Do không đợi, nên như hoa nơi hư không. Lại nữa, đợi ấy không đúng. Vì sao? Vì thể của củi là không. Ví như vật khác. Nơi môn lửa cũng nên tạo sự nêu bày như thế. Lại nữa, quan sát sự việc ấy, như kệ nói:
Không lửa quán xét củi
Củi chẳng không quán lửa.
Giải thích: Củi không quán lửa, vì thể của củi không thành. Như đạo lý này, như trước đã nói, cũng ngăn trừ thể khác, là sự nối tiếp riêng kia. Do khác không thành, nên kệ nói:
Không củi được quán lửa
Lửa chẳng không quán củi.
Giải thích: Ngăn trừ về cùng đợi, nên biết là cùng ngăn trừ về thể khác. Lại nữa, kệ nêu:
Lửa không xứ khác đến
Trong củi cũng không lửa.
Giải thích: Ngăn trừ về thể khác, nên cùng ngăn trừ đi là thật cùng với củi lửa. Hoặc có kẻ cho: Không củi có lửa. Hoặc nói có đợi. Hoặc nói không đợi. Cả hai đều không thành. Vì sao? Vì nếu không có Thể của củi thì lửa không có chỗ dựa. Chỗ dựa là không nên đi tức không thành. Trong củi cũng không lửa: Nghĩa này là thế nào? Do có sinh khởi. Ví như thức. Lại nữa, đã luận phá về củi lửa, phần còn lại cũng đồng ngăn trừ. Kệ nêu:
Như củi, còn cũng ngăn Trong đi đến đã nói.
Giải thích: Như trong đệ nhất nghĩa: Đã đi, chưa đi, lúc đi, đều không đi. Thì đã đốt, chưa đốt, lúc đốt, nghĩa cũng như thế. Vì sao? Vì do thiêu đốt. Như tự thể của lửa. Những thứ nghĩa như thế, ở đây nên nói. Lại nữa, như người đi không đi, người chưa đi không đi. Lìa cũng không đi. Nay, cũng trong đệ nhất nghĩa, người thiêu đốt không đốt, người chưa thiêu đốt không đốt, lìa cũng không đốt. Những nghiệm xét như thế trước đã nói rộng. Vì sao? Vì hai tạo tác đều không. Không người thiêu đốt nên cả hai đều có lỗi. Ví như khối đất, nên nói như thế. Lại nữa, như kệ nói:
Tức củi chẳng là lửa
Khác củi cũng không lửa.
Giải thích: Ngăn trừ về một thể. Ngăn trừ về khác thể. Như thứ lớp ấy, trước đã giải nói. Kệ nêu:
Lửa cũng không có củi
Trong lửa cũng không củi
Trong củi cũng không lửa.
Giải thích: Như có trâu bò. Như hoa trong nước. Như trái cây trong đồ đựng. Các pháp kia như thế nên lửa củi không thành. Thí dụ là vô thể. Như phần đầu của Phẩm đã lập nghĩa: Có sự giữ lấy và người giữ lấy đều cùng quán xét, nên như lửa củi. Dụ ấy là không nên không tránh khỏi lỗi. củi lửa là một khác, nên ngăn trừ về vô thể. Do nghĩa như ở đây, nên căn bản chẳng thành. Như kệ nói:
Đã ngăn lửa cùng củi
Tự giữ như thứ lớp
Hết thảy tịnh trọn vẹn
Bình chén, áo cũng thế.
Giải thích: Thế nào là theo phương tiện ngăn trừ về tự giữ lấy? Ở đây lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, tự giữ lấy kia là hai, không được một thể. Vì sao? Vì tác giả, tạo nghiệp, nên như người chặt cây và cây bị chặt. Tự và giữ lấy ấy cũng không khác thể. Vì sao? Vì do có quán xét, cũng là vật khác. Như giữ lấy tự thể, giữ lấy môn cũng nên nói rộng như vậy. Điều này lại là thế nào? Trong đệ nhất nghĩa, giữ lấy cùng với tự ngã không được khác thể. Vì sao? Vì do có quán xét. Cũng là vật khác. Ví như tự ngã. Như vậy trong đệ nhất nghĩa, sự giữ lấy của Điều-đạt, hoặc thành, chẳng thành, chẳng là đối tượng được giữ lấy nơi ngã của Điều-đạt. Vì sao? Vì do có quán. Cũng do ngã. Ví như ngã của Điều-đạt khác. Lại, trong đệ nhất nghĩa, ngã của Điều-đạt không giữ lấy sự giữ lấy của Điều-đạt. Vì sao? Vì do giữ lấy. Như Da-nhã giữ lấy. Như thế, sự giữ lấy của Điều-đạt, hoặc thành chẳng thành, không quán xét ngã của Điều-đạt. Vì sao? Vì do giữ lấy. Như Da-nhã. Như vậy, củi – lửa, ngã – giữ lấy, thứ lớp đã nói, hết thảy trọn vẹn, pháp dụ đều không thành. Bình chén, y phục v.v…: Các vật như bình chén kia, hoặc quả hoặc nhân, thật chung thật riêng, nên nhận biết như vậy. Vì sao nên nghiệm xét? Như hai thứ bình, đất, trong đệ nhất nghĩa không được là một thể. Vì sao? Vì tác giả cùng nghiệp. Như người chặt cây và cây bị chặt. Cũng không khác thể. Vì sao? Vì có quán xét. Vì cũng là quả. Như tự thể của đất.
Như ngăn trừ về củi – lửa, pháp sắc phi sắc cũng nên đối chiếu để ngăn trừ. Điều ấy lại là thế nào? Như cây Khư-đà-la, gốc rễ thân cành lá cùng với cây Khư-đà-la không được là một thể. Vì sao? Vì lúc chặt một cành chẳng phải là chặt tất cả. Ví như cây gai. Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, cây Khư-đà-la cùng với gốc rễ thân cành lá của nó, không được khác thể. Vì sao? Vì gốc rễ v.v… lúc hoại thì cây cũng hoại. Như tự thể của gốc rễ v.v… Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, các sợi ngang dọc kia cùng với thể của vải lụa là không khác. Vì sao? Vì do có quán. Những thứ ấy lúc hoại thì vật kia cũng hoại. Như tự thể của sợi dọc. Như một thể, khác thể cùng với một – khác, đều có lỗi như trước, ở đây nên nói rộng. Do như thế, nên trong đệ nhất nghĩa, quán xét đúng như lý, hoặc một hoặc khác, thể ấy là không thành. Ở trong thế đế, tự tại nêu bày, không trái với sự hiểu biết của thế gian. Thuận theo giới định tuệ, trong thế đế nói, nhưng người thế gian chấp là đệ nhất nghĩa đế. Nhằm ngăn trừ chấp ấy, nên như kệ nói:
Nếu chấp ngã chân thật
Các pháp mỗi mỗi khác
Nên biết người nói ấy
Không hiểu nghĩa Thánh giáo.
Giải thích: Vì sao không hiểu nghĩa của Thánh giáo? Tức nghĩa hiện thấy cùng nghiệm xét, đều không thành, nhưng chấp là thật nên gọi là không hiểu. Ý ở đây là như thế. Do nghĩa đó nên trong phẩm này đã nêu rõ là chẳng một chẳng khác về nghĩa duyên khởi riêng nhằm mở chỉ rõ cho Hành giả. Thế nên được thành. Như trong Kinh Phạm Thiên Vương Vấn, kệ nói:
Lìa thân không thấy pháp
Lìa pháp không thấy thân
Chẳng một cũng chẳng khác
Phải nên thấy như thế.
Giải thích: Thấy như thế: Nghĩa là không thấy như kiến chấp kia.
Các Kinh như vậy, ở đây nên nói rộng.
Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Củi Lửa.
Phẩm thứ 11: QUÁN VỀ SINH TỬ
Lại nữa, Phẩm trước đã ngăn trừ, làm rõ các pháp là vô tánh, đối tượng đối trị là không, nên tự tánh là không. Nay muốn khiến kẻ khác hiểu, ngộ về tánh của sinh tử là không tự thể, nên có phẩm này.
Ngoại nhân nói: Trong đệ nhất nghĩa có năm ấm ấy. Vì sao? Do Đức Thế Tôn đã tạo nên tên gọi riêng để giảng nói, cùng vì dứt hết pháp ấy, nên khéo tạo phương tiện để thuyết giảng. Ở đây nếu không có, thì Đức Như Lai tức không nên tạo tên gọi riêng để giảng nói, cũng không cho là nên trừ hết pháp kia. Như không có đầu thứ hai, không thể nói là mắt bị bệnh. Do ở đây có, nên mới tạo tên gọi riêng để thuyết giảng: Này các Tỳ-kheo! Sinh tử dài xa, có đến nhưng không biên vực. Các người phàm phu không hiểu chánh pháp, không biết nẻo xuất ly. Thế nên các ông vì dứt trừ hết sinh tử, nên tùy thuận hành tác, nên tu học như thế. Do nghĩa như vậy, nên nói nhân có sức mạnh, vì vậy nên biết là có ấm kia.
Luận giả nêu: Ông tuy nêu dẫn lời bậc Thánh nhưng chưa am tưởng Thánh chỉ. Nghĩa này là thế nào? Do Đức Phật Thế Tôn, thấy các phàm phu, từ vô thỉ đến nay, ở trong sinh tử chưa khởi sự đối trị. Do không đối trị nên cứ lưu chuyển không dứt. Từ phiền não sinh nghiệp. Từ nghiệp sinh đời sống. Do đời sống nối tiếp thọ đầy các khổ như kho tàng của thế gian. Đức Phật thấy rõ như vậy rồi, nên nói lời ấy: Sinh tử dài xa, cũng như huyễn mộng. Lại, khổ của sinh tử là vô số vô lượng. Đức Như Lai vì muốn dứt hết sinh tử nên kiến lập chúng sinh ở trong sự siêng năng tinh tấn, hoặc quán xét đúng thực về sinh tử Niết-bàn, theo đệ nhất nghĩa là không có mảy may sai biệt. Nếu ông muốn khiến trong đệ nhất nghĩa, sinh tử Niết-bàn có sự việc, thì nghĩa của nhân không thành. Hoặc trong thế đế phân biệt về nhân, thì thí dụ là vô thể. Như Đức Phật trước nói sinh tử là không biên vực, tức nhằm đối trị, phá bỏ các thuyết cho là không nhân, nêu rõ có nhân là khởi đầu có thể sinh các pháp. Nói có sinh khởi, là Đức Như Lai, vì một phần chúng sinh kia nên thuyết giảng như vậy. Có các ngoại đạo, muốn tìm kiếm lỗi lầm, nên nêu vấn nạn nơi Đức Phật Thế Tôn. Như kệ nói:
Sinh tử có biên chăng?
Phật nói hoàn toàn không
Sinh tử ấy không biên
Trước sau không thể đạt.
Giải thích: Từ khi chưa khởi Thánh đạo đối trị, do sinh tử nối tiếp không dứt, lần lượt làm nhân, khởi đầu vô định, thế nên là vô tận vô biên thành lập, nêu bày trong thế đế, chẳng phải là đệ nhất nghĩa. Người có tâm tin, tin lời nói của Đức Thế Tôn là không điên đảo, chẳng phải như kẻ không tin. Vì sao? Vì kẻ có tâm điên đảo chỉ nói và nghiệm xét tương tợ. Nhằm đối trị điều ấy, nên thuyết giảng như vầy: Chúng sinh của thời kiếp sơ kia, thân căn, giác tụ đều do nghiệp thiện bất thiện nơi đời trước làm nhân tạo thành. Vì sao? Vì có thể làm nhân khởi các pháp khổ vui. Như các tụ của thân căn hiện tại. Như thế là không cùng giữ lấy nhân của cảnh giới. Có thể tạo lợi ích, nuôi lớn. Có thể vì người khác tạo lợi ích. Tạo nhân vui giận của kẻ khác. Có thể làm pháp bị tan hoại. Vì cũng giữ lấy nhân của cảnh giới. Các nhân như thế, lập nghĩa nêu thí dụ, nói rộng như trước. Nên nhận biết như vậy.
Ngoại nhân nói: Sinh tử có khởi đầu. Vì sao? Vì do có biên vực. Pháp nếu có biên vực, chẳng phải cho là vô thỉ. Ví như bình chén v.v… Do lúc chánh trí dấy khởi, thấy biên vực của sinh tử. Như Tôi đã nói về nhân có sức mạnh. Thế nên nhất định sinh tử là có khởi đầu. Luận giả nêu kệ:
Chẳng riêng nơi sinh tử
Cõi đầu chẳng thể đạt
Tất cả pháp cũng thế
Đều không có cõi đầu.
Giải thích: Bình chén v.v… là không có khởi đầu. Vì sao? Vì nhân lần lượt sinh khởi. Đầu đã không thành thì thí dụ tức hoại. Nghĩa lập có lỗi. Ông nói có biên là nhân, nghĩa cũng không đúng. Vì sao? Vì phân biệt hư vọng về sinh tử có nhân, Đức Phật đã không ghi nhận. Nghĩa này như phần say sẽ nêu bày.
Ngoại nhân nói: Nếu ông muốn cho sinh tử là vô thỉ, sinh tử như thế cũng nên là vô chung. Vì sao? Vì do là vô thỉ. Ví như trượng phu, cùng hư không kia. Luận giả nói: Ông nêu trượng phu cùng với pháp khác không khởi, ở trong thế đế cũng không ứng hợp. Vì sao? Vì thể của pháp không thành. Thí dụ là không. Lúa thóc v.v… kia trong môn thế đế tuy lại vô thỉ, nhưng thấy có diệt hoại, ông lập vấn nạn, so với nghĩa là trái nhau.
Lại nữa, có kẻ thông sáng kiêu mạn khác, cho: Đức Bà-già-bà của ông không có Nhất thiết trí. Vì sao? Vì ông ấy nói sinh tử không có biên vực đầu tiên, tức tự muốn làm rõ mình là không trí. Ví như xác chết không nhận biết rõ là ai. Luận giả nêu: Vì nhằm trừ bỏ chấp trước nên giảng nói như thế. Nghĩa này là thế nào? Các ngoại đạo phân biệt về sinh tử, cho là có biên vực đầu tiên. Thế nên Đức Phật nói là không có biên vực ban đầu. Không có biên vực ban đầu, tức nói sinh tử là vô thỉ. Vì sao là vô thỉ? Vì do biên vực ấy là không. Sinh tử vô thỉ như vậy, biên vực ban đầu không thể thấy biết, chẳng phải Đức Bà-già-bà đối với sự việc ấy là không trí. Lại nữa, sinh tử không có biên vực, ở đây lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, các ấm tợ như trước không có như thế. Vì sao? Vì không có biên vực trước. Ví như chủ huyễn thuật tạo ra người đàn ông huyễn. Ngoại nhân nói: Vì thức không phân biệt giữ lấy các sắc nơi người huyễn do chủ huyễn thuật kia tạo ra, làm cảnh. Các sắc ấy, ở trong thời gian sau cũng có như thế, nên thí dụ là vô thể.
Luận giả nói: Chủ huyễn thuật đã tạo ra người đàn ông huyễn, tự nó là không có Thể thật, sự thấy biết cũng như vậy. Do thức không phân biệt trong cảnh giới của sắc người đàn ông được huyễn tạo, tự thể là không, nên thí dụ được thành, không có lỗi là vô thể. Vì vậy, ông nói sinh tử là có, cùng là dứt trừ hết sự việc ấy, dẫn lời Phật nói làm nhân, điều ấy đều không thành. Ngoại nhân cho: Trong đệ nhất nghĩa có ấm nối tiếp. Đó gọi là sinh tử. Vì sao? Vì chúng ở đấy là có. Đây nếu không có, thì trong kia cũng không. Ví như sừng thỏ. Do trong sinh tử có nhiễm có tịnh nên sinh tử là có. Điều mong muốn của Tôi là nghĩa đã thành lập. Ông cho là nhân chẳng thành cùng trái với nghĩa, tức là không đúng. Luận giả nêu kệ:
Đây đã không trước sau
Trong kia sao đạt được.
Giải thích: Như trong kia, thể chẳng thể đạt được. Nghĩa của lời nói là như thế. Ví như huyễn sư huyễn tạo ra người nam, ở trong sự nối tiếp ấy cầu tìm thể, là không có nghĩa như vậy. Vì sao? Vì do trước sau không thành, trong ấy là vô thể, ông nêu dụ là không đúng. Như lỗi đã nói, nay trở lại ở nơi ông. Như vậy, quán xét đúng thật về sinh tử là vô thể. Kệ nói:
Thế nên trước sau giữa
Thứ lớp ấy không đúng.
Giải thích: Trước giữa sau: Nghĩa là sinh lão tử. Ngoại nhân hoặc nói sinh tử có tự thể. Vì sao? Vì có sinh già chết. Như Thạch nữ không có con, nên không thể nói là có sinh già chết: Chấp ấy là không đúng. Vì sao? Vì con của Thạch nữ kia, sinh già chết nơi đầu giữa sau là không thành. Nghĩa của nhân không thành nên thí dụ là vô thể. Do trong đệ nhất nghĩa, một vật sinh v.v…, tự thể là không thành. Lại nữa, vì sao sinh v.v… nơi thứ lớp đầu giữa sau là không thành? Nên quán xét kỹ. Như kệ nói:
Nếu cho sinh là trước
Già chết là ở sau
Sinh tức không già chết
Không chết mà có sinh.
Giải thích: Nếu ý của ông cho sinh là trước, nên lìa già chết, riêng tự mà sinh. Hoặc nhất định có vật lìa sự sinh ấy, như thể của vật đó, rốt cuộc không thể được. Ví như ngựa lửa, tự thể không sinh khởi. Vì sao? Vì ngựa không phải là lửa. Ý của lời nói là như thế. Trước không nay khởi gọi là sinh. Luôn nối tiếp biến đổi gọi là già. Mạng căn đoạn hoại gọi là chết.
Lại nữa, không chết mà có sinh: Nghĩa là đời trước không chết, như thế mà sinh. Nhưng không phải là điều mong muốn. Lại, ở đây lập nghiệm xét. Trước già chết không thể có sinh. Vì sao? Vì tự thể kia. Ví như lửa ở trước sự nóng ấm. Lại nữa, nếu ông muốn tránh khỏi lỗi lầm như thế, nói như vầy: Trước có già chết, sau có sinh, là cũng không đúng. Như kệ nói:
Nếu trước có già chết
Nhưng sau có sinh khởi
Chưa sinh tức không nhân
Làm sao có già chết.
Giải thích: Không có pháp chưa sinh mà có già chết, do nương dựa nơi vô thể. Ý của lời nói là như thế. Lại nữa, ở đây lập nghiệm xét. Trước sinh là già chết, tức là không đúng. Vì sao? Vì do pháp ấy là thể. Ví như trụ. Ngoại nhân nói: Già chết tùy thuộc nơi sinh, nên không có lỗi như thế. Luận giả nêu kệ:
Sinh cùng với già chết
Cùng lúc tức không đúng
Lúc sinh tức là chết
Hai cùng lỗi không nhân.
Giải thích: Vì sao không đúng? Vì do lúc sinh tức là chết, không có nghĩa như thế. Vì sao? Vì sinh là vô thể. Nghĩa này, thế gian là không có. Sinh là vô thể: Là mắc phải lỗi lầm gì? Cả hai cùng có lỗi là không nhân. Hai, nghĩa là già chết đồng thời. Do cùng sinh. Như già chết không phải là nhân của sinh. Nay sinh cũng không phải là nhân của già chết. Thế nên già chết đồng thời khởi, nghĩa này là không đúng. Do ở đây có quán xét. Nên kệ nói:
Nếu chúng trước sau cùng
Thứ lớp đều không đúng
Vì sao sinh hý luận
Cho có sinh già chết?
Giải thích: Do nghĩa này, nên trong đệ nhất nghĩa không nên dấy khởi hý luận, như phần đầu của Phẩm đã nêu. Vì sinh già chết là nhân nên thành lập sự sinh tử, nghĩa này không thành. Do không tránh khỏi lỗi lầm đã nói ở trước. Như sinh, già, căn cứ theo trước sau giữa quán xét chẳng thành. Các pháp còn lại, tự đều cũng đối chiếu theo đấy để luận phá. Điều này lại là thế nào? Nay nên hiển bày. Như kệ nêu:
Các nhân quả như thế
Cùng với Thể tướng kia
Thọ cùng người thọ nhận
Hết thảy pháp hiện có.
Không chỉ nơi sinh tử
Biên trước chẳng thể được
Tất cả pháp như vậy
Đều cũng không biên trước.
Giải thích: Tất cả pháp: Nghĩa là trí của chủ thể lường xét, đối tượng lường xét cùng với đối tượng được nhận biết. Được giải thoát: Là hành giải thoát. Như thể tướng của nhân quả do thuyết kia đã lập, là đều không đúng. Nghĩa ấy như thế nào? Nay nêu bày phần ít. Nghĩa là trong đệ nhất nghĩa, các mầm như lúa thóc v.v… kia trước không có. Vì sao? Vì do quả ấy. Như tự thể của mầm. Nếu ông muốn được nhân trước quả, là cũng không đúng. Vì sao? Vì trong đệ nhất nghĩa, nhân trước không có quả, do không nhân. Người Tăng khư nói: Có nhân như thế. Có thể hiểu rõ về quả kia. Luận giả nêu: Ông cho có nhân có thể hiểu rõ về quả: Là cũng không đúng. Vì sao? Vì nhân kia có vô số quả cũng riêng khác. Ví như khối đất bùn tạo nên bình chén ấy. Lại nữa, vật của chủ thể hiểu biết rõ cùng vật của đối tượng được hiểu rõ, chúng có khác biệt. Ở đây cho là không dị biệt. Như ngọn đèn của Nhật bảo châu cùng với ánh sáng của cỏ thuốc có sai biệt. Bình chén v.v… thì không riêng khác. Nếu cho nhân quả đồng thời, là cũng không đúng, do trong đệ nhất nghĩa, mầm, lúa, hai thứ không thể đồng thời. Vì sao? Vì một thời sinh khởi. Như hai sừng của bò. Lại nữa, tướng cằm nọng thõng xuống ở trước thể của bò, tức không có nghĩa như thế. Vì sao? Vì sự nương dựa là vô thể. Như vách tường và hình vẽ. Tướng như thế trước có Thể là cũng không đúng. Vì sao? Vì do thể kia. Ví như thể của đại trượng phu không ở trước tướng trượng phu. Lại như đất không ở trước tánh cứng chắc.
Lại nữa, hai pháp thể tướng đồng thời sinh khởi, là cũng không đúng. Vì sao? Vì đồng thời khởi. Ví như hương vị. Như trước đã luận phá rộng. Như phần đầu của Phẩm đã thành lập, cùng với lỗi lầm kia đã nói về khổ không, khiến người thông tỏ, là đối tượng được làm rõ của phẩm. Do nghĩa ấy nên chứng cứ ấy được thành.
Như trong Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói: Đức Phật nói với Bồ-tát Cực Dũng Mãnh: Này thiện nam! Sắc không sinh không tử. Như thế, thọ tưởng hành thức không sinh không tử. Nếu sắc thọ tưởng hành thức không sinh không tử, thì đó gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Lại nữa, này Cực Dũng Mãnh! Như Niết-bàn là không biên vực, tất cả pháp cũng không biên vực.
Các Kinh như vậy, ở đây nên nói rộng.
Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Sinh Tử.
HẾT – QUYỂN 7