LỜI PHẬT DẠY

PHẬT VÀ THÁNH TÍCH
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

PHẬT VÀ THÁNH TÍCH
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- MỘT SỰ XUẤT HIỆN VI DIỆU

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác.

Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu, khó gặp được ở đời. Một người, khi xuất hiện ở đời, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.46)

LỜI BÀN:

Lâm Tỳ Ni ngày Thế Tôn đản sanh thật huy hoàng, tráng lệ. Trên trời, chư thiên trổi nhạc, tung hoa. Mặt đất rúng động. Chim chóc ca hát. Cây cối nở hoa. Lòng người vô cùng hoan hỷ. Một đám rước linh đình, xa giá đưa thái tử hồi cung trong niềm hân hoan tột bậc của vương triều và thần dân Ca Tỳ La Vệ.

Ngài ra đời dưới cội Vô ưu, nơi không phiền muộn. Hoa sen tinh khiết không vướng lụy trần nâng bảy bước chân Ngài ca khúc khải hoàn “thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn”, bậc tôn quý trong trời đất. Chỉ có bậc Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, thị hiện Đản sanh, thành Phật mới đủ phước đức và thần lực làm nên sự kiện hy hữu này.

Ngài xuất hiện ở đời, thế giới reo vui, tin lành đến vạn nẻo. Thần dân không hề có lo sợ, không có cuộc bố ráp hay vây bắt nào và không có trẻ em nào sanh cùng thời bị giết hại… Chỉ có những nụ cười trên môi khi tin lành Đản sanh truyền đến, ngoại trừ những giọt nước mắt già nua, quéo quắt trên mặt tiên nhân A Tư Đà. Vừa cười lại vừa khóc, vì A Tư Đà mừng cho tương lai của thái tử và tủi phận mình kém phước không trụ thế đến ngay diện kiến Thế Tôn.

Không lâu sau, dưới cội Bồ đề, bên dòng sông Ni Liên Thiền, ngài trở thành đấng Giác ngộ, bậc tôn quý nhất, độc tôn ở đời. Bởi chỉ có thành tựu tuệ giác vô ngã, kết quả của thiền quán mới dẹp tan vô minh, vượt ra khỏi mọi sự kềm tỏa của ác ma, giải thoát hoàn toàn mọi chi phối của phiền não, sanh tử. Thế Tôn là bậc Thiên nhân sư, thầy của trời người. Không chỉ loài người được ân hưởng tuệ giác Bát nhã soi đường hướng đến và chứng đạt giải thoát mà ngay cả Thiên chủ, vị thần linh tối thượng cùng với thiên chúng cũng đều quy ngưỡng, nương tựa.

Ngày nay, nhân loại đều ghi nhận những giá trị tuệ giác của Đạo Phật trong việc thiết lập hòa bình. Hóa giải những mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm mỗi cá nhân, giữa các đoàn thể, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo và các quốc gia trên toàn thế giới đang là nhu yếu vô cùng quan trọng. Cội rễ của những xung đột, tranh chấp, nguồn gốc của mọi khổ đau đều phát xuất từ chấp ngã. Vì thế, vô ngã là tuệ giác vĩ đại có thể cứu tinh cho nhân loại. Cho nên Thế Tôn, bậc đã vượt thoát ngã chấp, thấy rõ như thật về tính Không của vạn pháp, thành tựu tuệ giác vô ngã, xóa sạch tham sân si và chấp thủ, xứng đáng được trời người xưng tán.

 

2- NGƯỜI MANG HẠNH PHÚC CHO NHÂN LOẠI

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Co một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho số đông xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người.

Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Người có chánh kiến, người không có điên đảo kiến. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Makkhali, phần Một pháp [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.71)

LỜI BÀN:

Lịch sử nhân loại từng ghi nhận rằng, có những người, khi mới ra đời đã mang đến tai họa cho dân chúng trong vùng. Ngược lại, có những người khi mới sanh ra đã là tín hiệu tốt lành, an vui, thịnh vượng cho đất nước, dân chúng và muôn loài.

Theo tuệ giác Thế Tôn, người có chánh kiến xuất hiện ở đời mới thực sự cống hiến cho xã hội niềm an lạc và hạnh phúc. Chánh kiến tức thấy biết đúng như thật về bản chất của con người, cuộc đời và thế giới. Con người là tổ hợp của năm uẩn, chịu sự chi phối của sanh già bệnh chết, do vậy thân này vô thường và vô ngã. Cuộc đời phần lớn là những bất toàn, không như ý nên bị những nỗi khổ đoanh vây. Và thế giới thì giả có như mộng huyễn vì vạn sự vạn vật đều do nhân duyên mà sanh khởi. Đây là những sự thật, không ai có thể thay đổi được những chân lý khách quan này. Và, với những hiểu biết như thế, chúng ta sẽ sống mà không quá cố chấp, tham lam, sống vì mình đồng thời biết buông xả, sống vì người, cho người, thân tâm luôn thanh thản, nhẹ nhàng.

Trong những cộng đồng có càng nhiều người hiểu biết và hành xử với tuệ giác chánh kiến như thế thì cộng đồng ấy càng có nhiều an lạc và hạnh phúc. Ngược lại, những người chỉ hăm hở vun đắp cho cá nhân với nhiều tham vọng, thù oán và vô minh thì chắc chắn họ sẽ mang đến nhiều bất an cho trụ xứ, đoàn thể của họ. Nguyên nhân chủ yếu đưa đến bất hạnh chính là không có chánh kiến, thiếu tuệ giác, không thấy được sự thật nên nhận lầm những điều hư giả mà cho là chân thật. Chính vì thế họ trở nên mê tín (tin không đúng với sự thật), bám víu, chấp thủ đồng thời gây tạo khổ đau cho mình và người.

Thế Tôn đã thành tựu chánh kiến và Ngài đã mang đến hạnh phúc, an vui cho đời. Chúng ta, những người đệ tử Phật, noi gương Ngài thực tập và thành tựu chánh kiến để kiến tạo hạnh phúc cho mình và xã hội.

 

3- SỰ XUẤT HIỆN CỦA MẮT LỚN

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ kheo:

Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.48)

LỜI BÀN:

Thế Tôn xuất hiện nơi đời là một sự kiện hiếm có, chưa từng có, như hoa Ưu đàm tương truyền 3.000 năm mới nở một lần. Ngài là Phật nhưng cũng là một con người, một người vi diệu. Vi diệu là vì Ngài đã trải qua vô lượng kiếp hành Bồ tát đạo, từ địa vị chúng sanh Ngài bước lên tôn vị Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ hoàn toàn, phước trí trang nghiêm, trời người đều cung kính. Ngài có mặt ở đời là sự xuất hiện của mắt lớn, thấu suốt khắp cả thế gian bằng tuệ giác vô ngã vĩ đại.

Trước Thế Tôn, tư tưởng Vệ-đà thống trị xã hội Ấn Độ cổ đại, làm tê liệt não trạng con người với niềm tin mù quáng vào quyền năng sáng tạo của Phạm Thiên (Brahma). Mỗi con người hin hữu trên thế gian với một hoàn cảnh riêng là do ý muốn của Phạm Thiên. Mọi sự vật sinh thành hoại diệt cũng không ngoài tôn ý của đấng Tối cao, giữ quyền năng sáng tạo. Con người không thể thay đổi số phận và càng không thể chuyển hóa thân tâm, nói chung là không thể “bẻ nạng chống trời” mà chỉ cúi đầu tuân phục và làm đẹp lòng Phạm Thiên thông qua tế lễ và cầu nguyện.

Khi mắt lớn Thế Tôn xuất hiện, bằng tuệ giác của bậc đã giác ngộ và giải thoát, Ngài chỉ rõ cho nhân loại rằng không hề có sự sáng tạo của các đấng thiêng liêng ở trên trời. Đó chỉ là một sự ám ảnh tập thể của nhóm người chỉ biết tin mà không cần hiểu, không muốn thấy. Thực chất sự sinh thành và hoại diệt của vạn pháp là do duyên sanh. Đủ duyên thì sinh ra, có mặt và hết duyên thì tan hoại, biến mất mà không cần có sự sáng tạo của bất cứ thế lực siêu nhiên nào.

Con người cũng vậy, hoàn toàn không phải do Phạm Thiên hay các đấng thiêng liêng sinh ra và có toàn quyền chi phối thân phận của họ. Với tuệ giác của mắt lớn, Thế Tôn khẳng định mỗi người có mặt trên đời với một hoàn cảnh và thân phận khác nhau là do nghiệp của chính họ, không do bất kỳ ai khác chi phối hay tham dự vào. Và nghiệp có thể chuyển được, nếu cá nhân biết hướng các suy nghĩ, lời nói và hành vi của tự thân về nẻo thiện.

Cho nên, mỗi người “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Hãy thắp sáng đời mình bằng Chánh pháp với tuệ giác vô ngã để xua tan vô minh tăm tối.

 

4- TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Rồi Tôn giả Mahà Kassapa (Đại Ca Diếp) đi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Mahà Kassapa:

Này Kassapa, ông đã già rồi, như những tấm vải gai thô cũ nát đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món an được mời và ở gần bên Ta.

Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh cần.

Này Kassapa, ông thấy có lợi ích gì mà đã lâu ngày sống ở rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh cần?

Con thấy có hai lợi ích, tự mình được an lạc và vì lòng từ mẫn mong rằng chúng sanh sẽ học tập theo… nếu thực hành được như vậy trong một thời gian dài họ sẽ sống an lạc, hạnh phúc.

Lành thay, Kassapa. Ông thực hành như vậy vì lợi ích cho chúng sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.

Vậy này Kassapa, hãy mang vải gai thô đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng.

(ĐTKVN, Tương Ưng II, chương 5, phần Trở về già, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.348)

LỜI BÀN:

Khi Thế Tôn và ngài Đại Ca Diếp về già, theo tháng năm cả hai ngài đều không còn khỏe mạnh như xưa. Và đã nhiều lần Thế Tôn mời Ca Diếp về tinh xá, nơi có đời sống ổn định, thích hợp với tuổi già hơn ở rừng, thế mà Trưởng lão Ca Diếp đều từ chối.

Xuất thân là một Bà la môn giàu có, từ lúc mới xuất gia ngài đã phát tâm khổ hạnh, nguyện sống phạm hạnh, thiểu dục và tri túc. Cho đến lúc về già, Trưởng lão vẫn chọn đời sống khất thực, mang y phấn tảo thô rách, sống lang thang trong những khu rừng cô tịch đến cuối đời.

Điều gì đã giúp Tôn giả Ca Diếp thực hành phạm hạnh viên mãn? Tự thân ngài đạt được an lạc và mục đích của đời sống phạm hạnh là pháp thoại sống động, thuyết phục nhất để chúng sanh học tập, noi theo. Ngài xứng đáng được tôn xưng bậc Thánh đệ nhất phạm hạnh từ nội tâm giải thoát cho đến cuộc sống đời thường.

Dù môi trường tu tập và hoằng hóa của chư Tăng ngày nay đã khác xưa nhưng tấm gương sáng về phạm hạnh của Trưởng lão Ca Diếp vẫn là điều tối cần cho chúng ta học tập. Sự sung mãn vật chất, tiện nghi thật cần thiết cho chúng ta thực thi Phật sự, song phẩm chất phạm hạnh và tuệ giác mới là chất liệu đích thực để tác thành nên nhân cách của những người con Phật đúng nghĩa.

 

5- CHIÊM BÁI THÁNH TÍCH

Một thời Thế Tôn trú tại Kusinàrà, rừng Sàlà dạy Tôn giả Ananda:

Này Ananda, có bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?

“Đây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác”, “Đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn”.

Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: “Đây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác”, “Đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn”.

Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.

(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn [lược], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.643)

LỜI BÀN:

Bốn di tích cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp tu tập và độ sanh của Đức Thế Tôn bao gồm: Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Thế Tôn đản sanh; Bodhgaya (Bồ Đề đạo tràng), nơi Thế Tôn thành đạo; Isipatana (Vườn Nai), nơi Thế Tôn chuyển Pháp luân; Kusinara (Câu Thi Na), nơi Thế Tôn nhập Niết bàn.

Theo thời gian, trải dài hơn hai mươi lăm thế kỷ, bốn Thánh tích về cảnh quan cũng nhạt nhòa, phai mờ và vô thường cùng năm tháng. Tuy nhiên, về phương diện tâm linh, nguồn mạch tuệ giác và từ bi của Thế Tôn vẫn còn dào dạt làm rúng động tâm hồn khách hành hương. Khách hồng trần chợt sực tỉnh cơn trường mộng thế thường khi đến Thánh tích, bởi ẩn hiện đâu đây cảnh quan huy hoàng ngày Thế Tôn giáng thế, ngời sáng hào quang tuệ giác của đêm thành đạo dưới cội Bồ đề, vang vọng mênh mang pháp âm trầm hùng Chuyển pháp luân và khung cảnh bi tráng đến ngập trời đêm Phật Niết bàn nơi rừng thiêng Ta la song thọ.

Không phải ngẫu nhiên mà những người con Phật từ khắp nơi trên thế giới đều hướng về Ấn Độ, đất Phật. Hành hương về xứ Phật để chiêm bái những Thánh tích là ao ước, khát vọng của nhiều Phật tử. Tận trong sâu thẳm nơi tấm lòng mỗi người con Phật ai cũng mong mỏi được ít nhất một lần trong đời chiêm ngưỡng và lễ bái bốn Thánh tích, để tiếp nhận thêm niềm tin, sức sống và năng lượng yêu thương từ tuệ giác Thế Tôn. Đặc biet là phước báo thù thắng từ việc chiêm bái Thánh tích mà Đức Thế Tôn đã huyền ký rằng, nếu ai đã từng một lần chiêm bái Thánh tích rồi từ trần trong thâm tín hoan hỷ thì được sanh về cõi lành.

Thật phước báo cho những người con Phật nào đã từng chiêm bái Thánh tích. Trở về xứ Phật cũng chính là tìm về cội nguồn tâm linh của chính mình. Tuy vậy, pháp thân Phật có mặt ở khắp nơi, nếu người con Phật nào không hội đủ thắng duyên để đến chiêm bái Thánh tích nơi xứ Phật thì chúng ta hãy hướng về Pháp thân, chiêm bái và đảnh lễ Phật tâm thanh tịnh của chính mình.

 

6- TỨ ĐỘNG TÂM

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:

Có bốn trú xứ, này các Tỷ kheo, khi một tín nam nhìn thấy cần phải xúc động mãnh liệt. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ kheo, chỗ Như Lai sanh. Đây là trú xứ khi một tín nam nhìn thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ kheo, chỗ Như Lai giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác. Đây là trú xứ khi một tín nam nhìn thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ kheo, chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng. Đây là trú xứ khi một tín nam nhìn thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ kheo, chỗ Như Lai nhập Niết bàn. Đây là trú xứ khi một tín nam nhìn thấy, cần phải xúc động mãnh liệt.

Có bốn trú xứ này, một tín nam khi nhìn thấy, cần phải xúc động mãnh liệt.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bo II, chương 4, phẩm Kesi, phần Xúc động, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.44)

LỜI BÀN:

Động tâm là tâm xúc động mãnh liệt, tình cảm tôn giáo của tín đồ vỡ òa trước những Thánh tích. Tứ động tâm là bốn Thánh tích Phật giáo thiêng liêng, nơi ghi dấu Đức Thế Tôn đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và thị hiện Niết bàn. Mỗi lần hành hương chiêm bái các nơi này, hình ảnh Đức Phật, Thánh chúng và các hoạt động tu tập hàng ngày của Tăng đoàn thời Thế Tôn còn tại thế lại được tái hiện trong tâm khảm, khiến cho tâm bị chấn động, cảm xúc trào dâng mãnh liệt. Và hầu hết Tăng Ni, Phật tử đều không cầm được nước mắt khi chiêm bái các Thánh tích này.

Mặc dù đạo Phật luôn đặt nặng vấn đề thành tựu tuệ giác nhưng có điều mà chúng ta không thể ngờ là nhờ những cảm xúc tôn giáo thiêng liêng ấy mà nhiều khách hành hương được chuyển hóa, được Tam bảo gia hộ. Không ít người sau khi chiêm bái Phật tích trở về đã thay đổi tâm tính rõ rệt, tinh tấn tu học và từ bi hỷ xả nhiều hơn. Có lẽ vì thế nên trước lúc nhập Niết bàn, Thế Tôn đã căn dặn môn đệ nhiều vấn đề, đặc biệt trong đó có hành hương chiêm bái Tứ động tâm.

Quan trọng hơn, pháp thoại này Thế Tôn đã nhấn mạnh sự lưu tâm đến hàng nam cư sĩ, thậm chí gọi họ là “tín nam”, vị nam cư sĩ có lòng tin, trong khi bình thường Thế Tôn gọi họ là thiện nam (người con trai lành so với tín nữ). Như vậy, ngoài lý trí, nền tảng của niềm tịnh tín Tam bảo thì tình cảm cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giúp con người hướng thiện, thăng hoa. Cảm xúc trào dâng trước các Thánh tích của khách hành hương là một tín hiệu lành cho thấy những hạt giống thiện đang nảy mầm, đơm bông và kết trái.

 

7- DI HUẤN SAU CÙNG

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, dạy các Tỷ kheo:

Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỷ kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ… đối với tâm… đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỷ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.

Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.584)

LỜI BÀN:

Trước khi Thế Tôn nhập Niết bàn, một trong những di huấn quan trọng sau cùng của Ngài cho hàng đệ tử là hãy nương tựa vào chính mình, dùng ngọn đèn Chánh pháp để soi sáng cho cuộc đời của mình, không nương tựa vào bất cứ điều gì khác. Vì thế, mỗi người con Phật trong sự nghiệp tu hành luôn tâm niệm “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Không hề ỷ lại hay dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào ở bên ngoài. Quá trình chuyển hóa thân tâm hướng đến thanh tịnh, an lạc là do sự nỗ lực của tự thân dưới ánh sáng của ngọn đèn Chánh pháp.

Giáo pháp của Thế Tôn thì quá bao la, đồ sộ nhưng cốt tủy vẫn là tu tập Tứ niệm xứ. Thế Tôn cũng từng dạy “Đây là con đường duy nhất đưa đến chứng đạt và an trú Niết bàn”. Quán thân, thọ, tâm và pháp để nhiếp phục tham ái, ưu bi ở đời là hành trang căn bản, vô cùng cần thiết để chứng đạt giải thoát. Dù tu tập theo bất cứ pháp môn hay truyền thống Phật giáo nào thì vẫn không thể thiếu nội dung Tứ niệm xứ. Vì lẽ ấy, Thế Tôn đã xác định những ai thiết tha học hỏi và hành trì Tứ niệm xứ là “những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta”.

Ngọn đèn Chánh pháp Tứ niệm xứ hiện vẫn còn lưu truyền, giảng dạy và thực hành. Tứ niệm xứ là pháp môn thực hành, ứng dụng rất linh hoạt và có tác dụng trị liệu, chuyển hóa thân tâm rất thiết thực, sâu sắc. Như Lai đã trao cho chúng ta ngọn đèn, vấn đề la phải tự thắp sáng đời mình để phá tan hôn ám của vô minh.