LỜI PHẬT DẠY
NHỮNG ĐIỀU KHÓ Ở ĐỜI
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
NHỮNG ĐIỀU KHÓ Ở ĐỜI
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh
1- KHÔNG DỄ TÁI SANH LÀM NGƯỜI
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Sau chuyến du hành, rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và nói với các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, các ông nghĩ thế nào? Cái gì là nhiều hơn, chút đất này Ta lấy trên đầu móng tay hay quả đất lớn này?
Bạch Thế Tôn, nhiều hơn là quả đất lớn này và ít hơn là chút đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay. Không thể đi đến ước tính, không thể đi đến so sánh quả đất lớn với chút đất mà Thế Tôn đã lấy trên đầu móng tay.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, rất ít là chúng sanh được tái sanh làm người. Còn rất nhiều là chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài người.
Do vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ sống không phóng dật”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 9, phần Đầu ngón tay, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.460)
LỜI BÀN:
Chúng sanh trong ba cõi, theo tuệ giác của Thế Tôn thì vô lượng vô biên, hằng hà sa số. Con người hiện hữu trên cõi đời cũng rất nhiều nhưng so với chúng sanh trong ba cõi thì chẳng đáng là bao, giống như chút đất trên đầu móng tay sánh với đất trên địa cầu.
Sở dĩ có sự chênh lệch như trên là do điều kiện để một chúng sanh tái sanh vào loài người rất khó. Khó đến mức như có con rùa mù sống trong đại dương, ba trăm năm mới ngoi lên mặt nước một lần mà chui đầu vào lỗ thủng của một khúc cây lênh đênh trên biển. Do nghiệp lực nặng nề của chúng sanh nên đa phần bị sanh vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, may mắn lắm mới được sanh làm người.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, trong các loài chúng sanh thì loài người là tối thắng, ưu việt nhất vì hội đủ các điều kiện tu tập để hướng đến giải thoát và giác ngộ. Bởi lẽ, nếu sanh vào các cõi trời, do phước báo của họ quá đầy đủ, thọ dụng dục lạc quá sung mãn và vi diệu nên không có cơ hội quán chiếu để thấu rõ bản chất của sự khổ mà thú hướng giải thoát. Ngược lại, nếu sanh vào trong ba đường ác thì sự khổ đau quá lớn, liên tục không gián đoạn đồng thời thiếu nhận thức, luôn sống trong mụ mị, tối tăm nên cũng không thể nào tu tập được.
Chỉ có loài người, với phước báo trung dung, đầy đủ các phương diện khổ vui của cuộc sống nên dễ kinh nghiệm và thực chứng chân lý. Ngay cả Thế Tôn, kiếp sau cùng thành Phật cũng sanh vào cõi người. Vì thế, được sanh làm người là một phước báo lớn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận chân được giá trị của kiếp người để tận dụng cơ hội quý báu này mà nỗ lực tu học, hướng thiện. Đời người tuy dài nhưng tựu trung không đến ba vạn sáu ngàn ngày. Ngoài thời giờ dành cho việc mưu sinh, đáng tiếc phần lớn thời gian còn lại của con người chỉ quanh quẩn với toan tính, buồn vui, hơn thua và được mất…
Nhận thức rõ vấn đề được sanh làm người là khó, được gặp Phật pháp lại càng khó hơn nên người Phật tử vâng lời Phật dạy phải biết trân quý sự sống đồng thời tận dụng triệt để quỹ thời gian ít ỏi của đời người để tu học, nhằm hướng đến giải thoát và giác ngộ.
2- KHÓ TÌM ĐƯỢC Ở ĐỜI
Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, sự xuất hiện của ba hạng người này, khó tìm được ở đời. Thế nào là ba?
Này các Tỷ kheo, sự xuất hiện của Như Lai, bậc A la hán, Chanh đẳng giác, khó tìm được ở đời. Người có thể thuyết Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, khó tìm được ở đời. Người biết ơn và đền ơn, khó tìm được ở đời.
Sự xuất hiện của ba hạng người này, này các Tỷ kheo, khó tìm được ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Đọa xứ, phần Khó tìm được, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.483)
LỜI BÀN:
Kinh Phật thường nhắc đến những sự kiện hiếm có (hi hữu), chưa từng có (vị tằng hữu). Ba hạng người được đề cập trong pháp thoại này chỉ là hi hữu, tức hiếm có và khó gặp ở đời. Tuy khó tìm và khó gặp nhưng sự đời vốn hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
Trong ba hạng người khó tìm được ở đời, theo lời dạy của Thế Tôn, gặp được Phật, bậc A la hán Chánh đẳng giác quả là rất khó. Bởi sự xuất hiện của bậc Như Lai được ví như loài hoa thiêng Ưu đàm 3.000 năm mới nở một lần. Người đầy đủ phước báo mới sinh ra đời gặp Phật và được khai ngộ. Vì thế, trong thời mạt pháp, khi Phật đã nhập diệt lâu xa thì chỉ cần gặp được minh sư hướng dẫn tu trì giới định tuệ đã là có phúc duyên và hạnh ngộ lắm rồi.
Hạng người có thể tuyên thuyết giáo pháp của Như Lai cũng khó
tìm ở đời. Do vô minh nghiệp lực che lấp, nên không phải ai cũng có thể nói và cảm nhận đúng đắn về các sự thật của chân lý như duyên khởi, vô thường, vô ngã. Trong khi tiếng nói của tham vọng, cuồng tín và si mê lại có sức cuốn hút mạnh mẽ, chinh phục được nhiều người, thậm chí đôi khi họ còn xem cách hành xử đầy nhân bản và tuệ giác như từ bi hỷ xả là yếm thế, tiêu cực…
Hạng người biết ơn và đền ơn đúng nghĩa tuy có nhưng không nhiều, vì thế Như Lai nói khó tìm được ở đời. Lãng quên (cố ý hoặc vô tình) là thói quen của nhiều người. Chính sự lãng quên này mà khi thành công rồi người ta dễ trở thành vô ơn, bạc nghĩa. Bởi bất cứ thành công nao cũng nhờ sự góp sức, thậm chí phải hy sinh thân mạng của người thân, bà con, bạn bè, đồng đội.
Biết rằng khó tìm được ở đời nhưng bình tâm nhìn lại cuộc sống thì ba hạng người này vẫn thấp thoáng quanh ta. Đó là nền tảng của hy vọng về một tương lai tươi sáng, khi con người biết hướng thiện, tri ân và hướng đến xây dựng đất nước thanh bình, an lạc, phồn vinh và thịnh vượng.
3- KHÔNG THỂ ƯỚC LƯỢNG
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Dễ ước lượng, khó ước lượng và không thể ước lượng.
Thế nào là hạng người dễ ước lượng? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người tháo động, kiêu căng, lắm mồm lắm miệng, that niệm, không tỉnh giác, tâm tán loạn, các căn buông thả. Này các Tỷ kheo, đây gọi là người dễ ước lượng.
Thế nào là hạng người khó ước lượng? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người không tháo động, không kiêu căng, không lắm mồm lắm miệng, trú niệm, tỉnh giác, nhất tâm, các căn được bảo vệ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là người khó ước lượng.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người không thể ước lượng? Ở đây, này các Tỷ kheo, bậc A la hán các lậu hoặc đã được đoạn tận. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người không thể ước lượng.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Đọa xứ, phần Không thể ước lượng, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.483)
LỜI BÀN:
Tất cả mọi biểu hiện qua hành vi, ngôn ngữ trong đời sống của con người đều được điều động, sắp xếp và chi phối từ trong tâm ý. Đức Phật từng chỉ rõ “Ý dẫn đầu các pháp” (Pháp Cú) hay “Tất cả do tâm tạo” (Hoa Nghiêm) để nói lên hoạt dụng vô cùng tận của tâm ý.
Khi một người chưa thiết lập được chánh niệm thì tâm ý họ luôn rong ruổi theo trần, vọng động không ngừng khi đối duyên xúc cảnh. Với một đời sống hướng ngoại hoàn toàn, những người này rất dễ dàng bị ngoại cảnh cuốn hút, chi phối, vui buồn với những điều mắt thấy, tai nghe. Cũng vì thiếu hướng nội nên đời sống của họ dần dần trở nên hời hợt, đánh mất sự vững chãi, sâu lắng và nhất là đánh mất cơ hội quán sát sâu sắc vào bên trong những biểu hiện bình thường của cuộc sống để hiểu nhau hơn. Do vậy, Thế Tôn gọi những người này là dễ ước lượng, dễ đo lường vì tâm họ theo cảnh mà phơi bày hết ra ngoài qua tham vọng, tật đố, si mê và tất cả phiền não nói chung.
Đối với người biết trú niệm, luôn chánh niệm tỉnh giác và hộ trì các căn thì họ không dao động theo hoàn cảnh bên ngoài. Mặc dù tiếp xúc đầy đủ với mọi biến động của ngoại cảnh nhưng tâm họ vẫn bình an, bất động. Hạng người này luôn sống trong ung dung, tĩnh lặng mà sáng suốt tinh tường mọi sự. Không biểu hiện cảm xúc thái quá, an nhiên với mọi biến động nên khó mà biết được tâm ý của hạng người này.
Hạng người thứ ba, bậc A la hán đã diệt tận mọi lậu hoặc an trụ tâm siêu thế của các bậc Thánh nên không thể lấy suy xét phàm tình để đo lường, đánh giá hay “hiểu” được các ngài. Không chỉ loài người mà tất cả các loài khác như chư thiên, quỷ thần cũng không tìm ra dấu vết của những bậc đã an trụ tâm nơi vô sở trụ, thể nhập tánh Không, tuệ giác vô ngã. Do vậy, Thế Tôn mới gọi các bậc Thánh là không thể ước lượng.
4- RẤT KHÓ THỰC HIỆN
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có hai sự tinh cần này rất khó thực hiện ở đời. Thế nào là hai? Sự tinh cần của các gia chủ ở nhà với mục đích bố thí các vật dụng như y phục, đồ ăn, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh. Và sự tinh cần của các người xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, với mục đích từ bỏ tất cả các sanh y. Hai sự tinh cần này, này các Tỷ kheo, rất khó thực hiện ở đời.
Trong hai sự tinh cần này, này các Tỷ kheo, tối thắng là tinh cần với mục đích từ bỏ tất cả sanh y. Do vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ cố gắng tinh cần để từ bỏ tất cả các sanh y”. Như vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.96)
LỜI BÀN:
Ở đời, tất nhiên có rất nhiều việc khó làm hoặc không thể làm. Điều đáng nói ở đây là có những việc trong tầm tay, không khó mấy để thực hành nhưng vì tập khí tham ái sâu dày che lấp nên thành ra không làm được. Đó là mở rộng vòng tay, sẻ chia trong tinh thần lá lành đùm lá rách hay quan trọng hơn là thanh tịnh cúng dường.
Cho đi là điều khó, vì nắm giữ là tập khí cố hữu của con người. Mới sinh ra trẻ sơ sinh đã nắm chặt hai bàn tay. Đến khi lớn lên, hai bàn tay ấy mới buông ra từ từ, tuy vậy có người vẫn nắm chặt tất cả những gì mình có cho đến tận cuối đời.
Cho đã khó như thế nhưng siêng năng, cần mẫn thực hành việc đem cho quả là “rất khó thực hiện ở đời”. Thường thì người ta vẫn cho nhau nhiều thứ với những mục đích khác nhau (vì xót thương, vì danh, vì lợi…). Đa phần họ chỉ cho bớt khi dư thừa và có sự kêu gọi hoặc là chỉ cho một đôi lần, hiếm khi cho nhiều lần. Chỉ có những người nhận thức rõ ràng về vô thường đồng thời an vui và hạnh phúc tràn ngập khi đem cho mới siêng năng và bền bỉ trong việc bố thí, tức làm được việc khó làm.
Đối với người xuất gia, việc khó làm nhất là tinh cần từ bỏ tất cả các sanh y. Nghĩa là việc xây dựng chùa to Phật lớn, lập nên đạo tràng đông đảo, làm nhiều điều phước thiện… đối với người xuất gia đã khó nhưng khó hơn và cần kíp hơn là thường xuyên nỗ lực, tinh cần tu tập để đoạn trừ phiền não, thành tựu giải thoát, Niết bàn. Thiết nghĩ, đây cũng là một tiêu chí quan trọng cho người xuất gia xác lập tôn chỉ, mục đích tu học của mình theo lời Phật dạy.
5- KHÔNG THỂ NGHĨ ĐẾN
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, gọi các Tỷ kheo:
Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ kheo, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thế nào là bốn?
Phật giới của các Đức Phật, này các Tỷ kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Thiền giới của người ngồi thiền, này các Tỷ kheo, không thể nghĩ được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Quả dị thục của nghiệp, này các Tỷ kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Tâm tư thế giới, này các Tỷ kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ kheo, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương IV, phẩm Không hý luận, phần Không thể nghĩ đến được, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.706)
LỜI BÀN:
Con người dùng những giác quan và vô số công cụ hỗ trợ khác để nhận thức, khám phá thế giới khách quan cũng như ngay chính thân tâm của mình. Dù nhân loại ngày nay đã hiểu biết tường tận rất nhiều lãnh vực nhưng không phải họ biết tất cả. Còn vô số công trình nghiên cứu đang bỏ ngỏ, hy vọng sẽ hoàn tất trong tương lai. Quan trọng hơn, có bốn điều mà một người bình thường (với nghiệp lực của loài người) vĩnh viễn không bao giờ nhận thức được.
Trước hết là cảnh giới của chư Phật. Cảnh giới Chân như thực tướng của chư Phật vượt ra ngoài tâm thức ngã chấp hữu hạn của phàm phu nên mọi cố gắng của chúng ta để nhận thức về Chân như đều không thể. Như một người ngồi trong cái thùng rồi tìm cách nhấc cái thùng lên, vĩnh viễn không thể được.
Cảnh giới thiền định của các thiền giả cũng không thể nghĩ đến được. Từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền hoac cao hơn nữa là cảnh giới của thiền Vô sắc giới hoàn toàn khác biệt với tâm thức của con người (Dục giới) nên chúng ta không thể nhận thức được. Đó là chưa kể đến việc thiền giả an trụ tâm nơi vô trụ, vô tâm thì không chỉ con người mà ngay cả chư Thiên cũng không thể biết được.
Kế đến là quả nghiệp dị thục của chúng sanh, tức quá trình từ nghiệp nhân đến nghiệp quả với tác động và chi phối bởi vô vàn các mối tương hệ “trùng trùng duyên khởi”. Nhân-duyên-quả là một chu trình rất phức tạp và không đơn thuần là nhân nào thì quả nấy. Do vậy, quả nghiệp dị thục là điều mà phàm phu không thể biết và nghĩ đến được.
Sau hết là những suy nghĩ về thế giới. Thế giới hữu biên hay vô biên, hữu hạn hay vô hạn, tồn tại hay không tồn tại v.v… đều là những vấn đề khi được hỏi Thế Tôn đều im lặng, không trả lời. Đơn giản là Ngài không muốn cho người hỏi “có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ” trước những vấn đề không thể.
Chỉ khi nào tâm đạt đến thanh tịnh hoàn toàn, thành tựu tuệ giác vô ngã thì thực tướng các pháp tự hiển bày.
6- SANH LÀM NGƯỜI LÀ KHÓ
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Trùng Các giảng đường. Vào buổi sáng, Tôn giả Ananda đắp y, cầm bát vào thành khất thực. Sau bữa ăn, Tôn giả đi đến, đảnh lễ Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, trên đường khất thực, con thấy rất nhiều thiếu niên Licchavi tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, đuôi mũi tên này tiếp mũi tên khác, không sai trượt lần nào. Thấy vậy, con liền nghĩ: “Các thiếu niên Licchavi này, thật khéo luyện tập…”.
Ông nghĩ thế nào, này Ananda, cái gì khó làm hơn, từ xa bắn mũi tên xuyên qua đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần?
Bạch Đức Thế Tôn, bắn xuyên đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần là khó làm hơn.
Cũng vậy, này Ananda, ví như có người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy, có con rùa mù sau một trăm năm mới nổi lên một lần. Ông nghĩ thế nào, con rùa mù sau một trăm năm mới nổi lên một lần, có thể chui cổ vào lỗ hổng của khúc gỗ hay không?
Thật khó có thể được, bạch Thế Tôn.
Ta tuyên bố rằng con rùa mù ấy, sau một trăm năm mới nổi lên một lần, có thể chui cổ vào lỗ hổng của khúc gỗ còn nhanh hơn kẻ ngu, khi đã rơi vào đọa xứ để được sanh làm người trở lại.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Vực thẳm, phần Lỗ khóa, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.659)
LỜI BÀN:
Trừ các bậc Thánh, chẳng mấy ai có được sự tự chủ trong việc tự thân họ hiện hữu trên cõi đời. Đa phần, đều do nghiệp duyên của họ đã chín muồi ứng với phước báo làm người nên được sanh ra trong đời. Tưởng chừng đơn giản, nhưng theo tuệ giác của Thế Tôn, được sanh làm người là điều hy hữu, còn khó hơn con rùa mù sau một trăm năm mới ngoi lên mặt biển mà lọt cổ vào lỗ hổng của khúc cây lênh đênh trên đại dương.
Do vậy, thật bất hạnh cho những ai không thấy được điều hy hữu này. Tuy được làm người nhưng họ lại tự hủy hoại, đầu độc chính mình bằng cách tiếp nhận các tố chất độc hại, làm cho thân thể suy kiệt, tinh thần bại hoại, thậm chí có thể mất mạng.
Mặt khác, có người tuy giữ gìn được xác thân, nhưng lại theo tà kiến, mê tín lầm lạc, dẫn đến ác hạnh, bị đọa vào đường ác, rất khó mới được sanh làm người trở lại.
Thế mới biết, được sanh ra làm người, được tu học theo Chánh pháp là một phước báo lớn, cực kỳ hy hữu trong đời. Vì vậy, người con Phật phải biết trân quý thân mạng đồng thời tận dụng tất cả quỹ thời gian cho một đời người để làm việc có ích, hướng thượng nhằm thăng hoa cuộc sống trong đời này và đời sau.
7- DẠY CON NÊN NGƯỜI
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, một tín nữ chơn chánh khuyên dạy đứa con trai độc nhất, đáng yêu, đáng mến của mình như sau:
“Này con thân yêu, hãy giống như gia chủ Citta, hãy giống như Hattaka ở Avala”. Các vị ấy là mẫu mực trong những đệ tử nam cư sĩ của Ta. “Này con thân yêu, nếu con xuất gia, hãy giống như Sàriputta và Moggalana”. Các vị ấy là mẫu mực trong những đệ tử Tỷ kheo của Ta.
Này các Tỷ kheo, một tín nữ chơn chánh khuyên dạy đứa con gái độc nhất, đáng yêu, đáng mến của mình như sau:
“Này con thân yêu, hãy giống như nữ cư sĩ Khujjutarà và Velukandakiyà, mẹ của Nanda”. Các vị ấy là mẫu mực trong những đệ tử nữ cư sĩ của Ta. “Này con thân yêu, nếu con xuất gia, hãy giống như Tỷ kheo ni Khema và Uppàlavanna”. Các vị ấy là mẫu mực trong những đệ tử Tỷ kheo ni của Ta.
“Này con thân yêu, chớ để cho lợi đắc, cung kính và danh vọng chạm đến người”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 3, phần Con traiCon gái một [trích], VNCPHVN ấn hành,1993, tr.408)
LỜI BÀN:
Người ta thường nói “cha mẹ sinh con, trời sanh tánh”, điều này có nghĩa tánh nết của con cái tùy thuộc vào nghiệp lực của nó, cha me khó can thiệp vào.
Đành rằng tánh nết của con người phản ánh nghiệp lực của chính họ. Tuy nhiên, nghiệp cũng như các phương diện khác đều chịu sự chi phối của vô thường, biến đổi vì thế có thể chuyển hóa nó. Do vậy, ngoài sanh dưỡng thì giáo dục để định hướng nhân cách tốt cho con cái là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Nói cách khác, cha mẹ cần tham gia vào quá trình chuyển hóa nghiệp lực cho con cái. Đó chính là nội dung giáo dục cần yếu để tác thành nhân cách cho con cái nên người.
Có câu “dạy con từ thuở lên ba” nhưng thực tế thì cha mẹ đã dạy con từ thuở… mang thai và điều đó vẫn được duy trì cho đến lúc từ giã cõi đời. Theo tuệ giác của Thế Ton, một trong những nội dung quan trọng của vấn đề giáo dục con cái là phải cảnh giác (nếu không nói là tránh xa) với mùi danh lợi. Bởi trên đời, lắm chuyện trớ trêu, ngang trái và đắng cay cũng đều xuất phát từ đây. Đã không ít người, vì mải chạy theo bả lợi danh nên biến chất, trơ lì, vô cảm đành cam phản bội vong ân, bất hiếu bất mục…
Không chỉ cảnh giác, thận trọng không để mùi danh lợi chạm đến người, các bậc cha mẹ cần đề cao những tấm gương sáng như: Citta và Hattaka, Khujjutarà và Velukandakiyà, các vị nam nữ cư sĩ đức hạnh cho đến các bậc Thánh xuất chúng như Sàriputta và Moggalana, Khema và Uppàlavanna, cho con cái học tập, noi theo. Điều quan trong nhất, chính nhân cách của cha mẹ sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến con cái. Vì thế, muốn con nên người, cha mẹ cần nỗ lực để xứng đáng làm điểm tựa, là ngọn đuốc sáng soi đường cho con.