LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 55

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ BẤT THIỆN, phần 10

* Hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến làm bao nhiêu duyên? Hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ, cho đến tùy miên vô minh của cõi vô sắc do tu đạo đoạn làm bao nhiêu duyên? Cho đến tùy miên vô minh của cõi vô sắc do tu đạo đoạn cùng với tùy miên vô minh của cõi vô sắc do tu đạo đoạn làm bao nhiêu duyên? Tùy miên vô minh của cõi vô sắc do tu đạo đoạn cùng với hữu thân kiến, cho đến tùy miên mạn của cõi vô sắc do tu đạo đoạn làm bao nhiêu duyên? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận tông chỉ của người khác và nhằm chỉ rõ nghĩa của mình. Nghĩa là hoặc có kẻ chấp: Tánh của duyên là không thật, như Phái Thí dụ nói.

Hỏi: Vì sao họ chấp như vậy?

Đáp: Họ căn cứ vào Khế kinh nên chấp như vậy. Nghĩa là Khế kinh nói: Vô minh duyên hành. Họ bảo: Vô minh không có tướng dị, hành có tướng dị, vì sao pháp không có tướng dị duyên nơi pháp có tướng dị mà có thật tánh?

Đại đức nói: Các Sư tùy thuận nơi tưởng đặt ra duyên gọi là không phải tánh thật có. Nay vì ngăn chận lối chấp đó và nhằm chỉ rõ là thật có duyên, nên tạo ra phần Luận này.

Nếu cho các duyên không thật tánh, tức nên tất cả pháp đều không có thật tánh, vì bốn duyên gồm thâu đủ tất cả pháp. Nghĩa là Nhân duyên gồm thâu tất cả pháp hữu vi. Đẳng vô gián duyên trừ tâm tâm sở pháp sau cùng của A-la-hán trong quá khứ, hiện tại, đã gồm thâu tất cả tâm tâm sở pháp trong quá khứ, hiện tại khác. Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên gồm thâu chung tất cả pháp.

Lại nữa, nếu tánh của các duyên không phải là thật có, thì hết thảy pháp đều không có nghĩa sâu xa. Tức lúc chỉ rõ tất cả pháp, nếu không gồm thâu tại các duyên để quán sát thì các pháp đều thô cạn, dễ nhận biết. Nếu gồm thâu nơi duyên mà quán sát, tức các pháp sâu xa vượt hơn bốn biển cả, chỉ có chủng trí của Phật mới có thể nhận biết hoàn toàn.

Lại nữa, nếu tánh của các duyên không phải là thật có, tức nên không nêu bày ba thứ Bồ-đề. Nghĩa là dùng trí bậc thượng quán sát tánh của duyên gọi là Bồ-đề Phật. Nếu dùng trí bậc trung để quán sát tánh của duyên gọi là Bồ-đề Độc giác. Nếu dùng trí bậc thấp quán sát tánh của duyên gọi là Bồ-đề Thanh văn.

Lại nữa, nếu tánh của các duyên không phải là thật có, thì tuệ giác nên không có nghĩa chuyển biến của ba phẩm. Nghĩa là các phẩm hạ của tuệ giác nên luôn là phẩm hạ, phẩm trung nên luôn là trung, phẩm thượng nên luôn là thượng. Nhưng các tuệ giác thuộc phẩm hạ có thể là phẩm trung, trung có thể là thượng. Vì thế tánh của các duyên nhất định thật có Thể, có công năng. Do vậy, Tôn giả Diệu Âm nói: Nếu tánh của các duyên không phải là thật có, thì Sư tức nên không thể khiến cho tuệ của đệ tử, lúc đầu thì kém, sau thì hơn hẳn. Đệ tử tức nên cũng luôn là đệ tử, không thay đổi thành Sư. Nhưng do tánh của các duyên là thật có, nên mới có nghĩa Sư khiến cho tuệ của đệ tử được tăng dần, đệ tử có lúc được trở thành Sư. Vì vậy nên tánh của các duyên nhất định là thật có.

Hỏi: Nếu tánh của các duyên là thật có, làm sao thông suốt phần Khế kinh phái kia đã nêu dẫn?

Đáp: Tự Thể của vô minh tuy không có tướng dị nhưng chỗ tạo tác của nghiệp thì có được tướng dị. Nghĩa là vô lượng môn, vô lượng bậc thềm, sự khác nhau giữa công năng cùng với hành tạo duyên, ví như một người có năm thứ kỹ nghệ, Thể của chúng tuy là một nhưng về dụng thì có năm.

Lại nữa, vì muốn chỉ rõ tự tánh của các pháp hữu vi là yếu kém, không được tự tại, chúng cần phải nương nhờ vào cái khác, không có tác dụng của riêng mình, không theo ý mình muốn, nên tạo ra phần Luận này.

Tự tánh yếu kém: Nghĩa là các pháp hữu vi đều từ tánh duyên sinh mà kiến lập tên gọi tự tánh.

Có thuyết nói: Vì pháp hữu vi có sinh, diệt nên tự tánh của nó yếu kém.

Có thuyết cho: Vì pháp hữu vi từ duyên sinh, nên tự tánh của nó yếu kém. Như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết! Sắc là vô thường. Các nhân, các duyên có thể sinh ra sắc cũng là vô thường. Đã là vô thường từ nhân duyên sinh khởi, thì sắc làm sao là thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Vì yếu kém, nên các pháp hữu vi hoặc do bốn duyên sinh, hoặc ba duyên sinh, hoặc hai duyên sinh, hãy còn không có một duyên nào đứng riêng, có thể sinh, huống chi là không có duyên nào, nên tự tánh của pháp hữu vi là yếu kém. Như người bệnh gầy yếu cần phải nhờ bốn người đỡ, hoặc ba người đỡ, hoặc hai người đỡ, mới có thể đứng dậy nổi, hãy còn không có một người đứng riêng lẻ giúp người bệnh đứng lên được, huống chỉ là không có ai cả.

Không được tự tại: Nghĩa là các pháp hữu vi không có lực dụng của mình để có thể được sinh.

Cần phải nương dựa vào cái khác: Nghĩa là các pháp hữu vi tất phải nhờ vào cái khác mới có thể sinh khởi tác dụng.

Không có tự tác dụng: Nghĩa là các pháp hữu vi không thể tự khởi tác dụng phân biệt: Ai tạo ra ta? Ta vì ai mà được tạo?

Không theo ý muốn của mình: Nghĩa là các pháp hữu vi không có dục lạc của chính mình để bày tỏ chớ khiến cho ta sinh, chớ khiến cho ta diệt mà được toại nguyện.

Lại nữa, vì muốn mở bày, chỉ rõ khiến những người mê lầm về duyên khởi thấy được chánh lý của duyên khởi, nên tạo ra phần Luận này. Nghĩa là, hoặc có người chấp: Chỉ có vô minh duyên hành, cho đến sinh duyên lão (già) tử (chết) là pháp duyên khởi. Vì muốn khiến cho người mê kia được mở bày hiểu rõ, cho thấy pháp hữu vi đều là duyên khởi, tức trong Luận này nói đến.

Lại nữa, ngoài việc ngăn chận tông chỉ của người khác, làm rõ nghĩa của tông chỉ mình, còn muốn khai thị chánh lý của duyên khởi, khiến người khác đều được hiểu, nên tạo ra phần Luận này.

Để đáp: Hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến làm hoặc bốn, ba, hai, một duyên.

Hỏi: Vì sao trong đây, hỏi về hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến làm bao nhiêu duyên, thì đáp là hoặc bốn, ba, hai, một duyên. Còn trong phần Trí Uẩn ở sau, hỏi pháp trí cùng với pháp trí làm bao nhiêu duyên, thì đáp là Nhân, Đẳng vô gián, Sở duyên, Tăng thượng?

Đáp: Vì đây là ý của người tạo luận muốn như thế, cho đến nói rộng.

Lại nữa, ở đây cùng với phần Trí Uẩn kia nên đồng mà có khác, là do người tạo ra luận này đã dùng các thứ thuyết, tạo các thứ văn trang nghiêm nơi nghĩa, khiến không lẫn lộn và dễ thọ trì.

Lại nữa, vì muốn hiển bày về hai môn, hai tóm lược, hai cấp, hai bậc thềm, hai ngọn đuốc, hai ánh sáng, hai lời văn, hai hình ảnh. Như ở đây đã nói thì nơi phần kia cũng nên như vậy. Như nơi Trí Uẩn kia đã nói thì ở đây cũng nên như thế. Do đó, nên nói như vậy.

Lại nữa, ở đây nói là liễu nghĩa, phần kia nói là không liễu nghĩa. Ở đây nói là không có ý riêng, còn nơi phần kia nói là có ý riêng. Ở đây nêu bày là không có nhân riêng, còn phần kia nói là có nhân riêng. Ở đây nói là thắng nghĩa, còn phần kia nói là thế tục.

Lại nữa, việc tạo luận ở đây là dựa vào bốn thứ phân biệt: 1. Phân biệt về cõi. 2. Phân biệt về đời. 3. Phân biệt về sát-na. 4. Phân biệt về đẳng vô gián duyên. Còn nơi phần luận kia thì chỉ dựa vào một sự phân biệt, là phân biệt về đẳng vô gián duyên, vì vậy nên những gì ở đây đã nói có khác với phần kia.

Trong đây nói bốn duyên, thế nào là bốn? Như hữu thân kiến không gián đoạn khởi hữu thân kiến, tức tư duy về đời trước kia cùng với đời sau là bốn duyên. Nghĩa là trong một sát-na hữu thân kiến không gián đoạn, sát-na thứ hai hữu thân kiến hiện tiền, hữu thân kiến sau ấy đã sinh tức duyên nơi trước khởi hữu thân kiến trước cùng với hữu thân kiến sau tạo đủ bốn duyên, là Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên và Tăng thượng duyên.

Nhân duyên: Là hữu thân kiến của đời trước và hữu thân kiến của đời sau làm hai nhân, là nhân đồng loại và nhân biến hành.

Đẳng vô gián duyên: Là hữu thân kiến của đời sau, từ nơi hữu thân kiến của đời trước không gián đoạn mà sinh.

Sở duyên duyên: Là hữu thân kiến ở đời sau duyên nơi hữu thân kiến của đời trước mà sinh.

Tăng thượng duyên: Là trước đối với sau, hoặc chỉ có không chướng, hoặc không bị ngăn ngại để sinh.

Trong đây, Nhân duyên như pháp chủng tử, Đẳng vô gián duyên như pháp mở bày, Sở duyên duyên như pháp nhận giữ, Tăng thượng duyên như pháp không chướng ngại.

Hữu thân kiến của đời sau do hữu thân kiến của đời trước là đã thâu nhận bốn duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Trong đây nói ba duyên, thế nào là ba? Như hữu thân kiến không gián đoạn sinh khởi hữu thân kiến, không tư duy về đời trước kia cùng với đời sau làm ba duyên tức trừ Sở duyên duyên. Nghĩa là trong một sát-na hữu thân kiến không gián đoạn, nơi sát-na thứ hai hữu thân kiến hiện tiền. Hữu thân kiến sau ấy đã sinh không duyên với trước để khởi. Nghĩa là hoặc duyên nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc trừ hữu thân kiến trước, duyên nơi hành uẩn khác. Hữu thân kiến kia trước cùng với sau chỉ làm ba duyên, là Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Tăng thượng duyên. Giải thích về ba duyên này, như trước đã nói rộng.

Hữu thân kiến của đời sau do hữu thân kiến của đời trước là đã thâu nhận ba duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Hoặc hữu thân kiến không gián đoạn khởi hiện các tâm khác, sau khởi hữu thân kiến, tức tư duy về đời trước kia cùng với đời sau làm ba duyên, trừ Đẳng vô gián duyên. Nghĩa là trong một sát-na hữu thân kiến không gián đoạn, nơi sát-na thứ hai hữu thân kiến không hiện tiền, hoặc biên chấp kiến, hoặc tà kiến, hoặc kiến thủ, hoặc giới cấm thủ, hoặc nghi, hoặc tham, giận, mạn, vô minh, hoặc tâm hữu lậu thiện, hoặc tâm vô phú vô ký hiện tiền. Ở đây, hữu thân kiến sau trở lại khởi hữu thân kiến, tức duyên nơi hữu thân kiến ở đời trước. Hữu thân kiến trước kia cùng với sau này chỉ làm ba duyên là Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Tăng thượng duyên. Giải thích về ba duyên này, như trước đã nói rộng.

Hữu thân kiến nơi đời sau do hữu thân kiến nơi đời trước là đã thâu nhân ba duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Trong đây nói hai duyên, thế nào là hai? Như hữu thân kiến không gián đoạn khởi tâm khác, về sau khởi hữu thân kiến, không tư duy về đời trước kia cùng với đời sau làm hai duyên, là Nhân duyên, Tăng thượng duyên. Nghĩa là trong một sát-na hữu thân kiến không gián đoạn, nơi sát-na thứ hai hữu thân kiến không hiện tiền. Hoặc biên chấp kiến, cho đến hoặc tâm vô phú vô ký hiện tiền. Ở đây, hữu thân kiến sau trở lại khởi hữu thân kiến không duyên nơi hữu thân kiến ở đời trước. Nghĩa là hoặc duyên nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc trừ hữu thân kiến trước, duyên nơi hành uẩn khác. Hữu thân kiến trước kia và sau này chỉ làm hai duyên, là Nhân duyên, Tăng thượng duyên. Giải thích về hai duyên này, trước đã nói rộng.

Hữu thân kiến nơi đời sau do hữu thân kiến nơi đời trước là đã thâu nhận hai duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Trong đây nói một duyên, thế nào là một? Hữu thân kiến đời sau cùng với hữu thân kiến đời trước, nếu tạo Sở duyên duyên là Sở duyên duyên và Tăng thượng duyên. Nếu không tạo Sở duyên duyên thì chỉ làm một Tăng thượng duyên, vì sau cùng với trước không có nghĩa Nhân duyên, không có nghĩa Đẳng vô gián duyên.

Hỏi: Vì sao trong đây hỏi một, đáp hai?

Đáp: Vì Luận giả tạo luận kiến lập pháp không phải là một. Hoặc có khi trước ngăn chận sau đáp. Hoặc có trường hợp trước đáp sau ngăn chận.

Trước ngăn chận sau đáp: Nghĩa là như trong đây nói: Nếu tạo sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên, là ngăn chận về hai duyên. Không tạo sở duyên duyên thì chỉ là một tăng thượng duyên, là đáp về một duyên.

Trước đáp sau ngăn chận: Nghĩa là như nơi Phẩm Nhất Hành nói: Nếu đời trước chưa đoạn tức là trói buộc, là đáp về trói buộc. Nếu đời trước chưa sinh hoặc đã sinh rồi đoạn thì không trói buộc, là ngăn chận về không trói buộc.

Lại có thuyết nói: Ở đây đều là đáp: Nghĩa là sau cùng với trước nếu làm sở duyên duyên nên là hai duyên, là đáp hai câu hỏi trước. Nếu không tạo sở duyên duyên thì chỉ là một duyên, là đáp một câu hỏi này.

Trong hai lời đáp trước, chỉ đáp một phần, chỗ chưa đáp, ở đây đáp. Phần sau, căn cứ theo đây để giải thích.

Hữu thân kiến vị lai cùng với hữu thân kiến quá khứ, hiện tại, nếu tạo sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nếu không tạo sở duyên duyên thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Hữu thân kiến vị lai, hiện tại cùng với hữu thân kiến quá khứ, nếu tạo sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nếu không tạo sở duyên duyên thì chỉ là một tăng thượng duyên.

Hỏi: Hữu thân kiến hiện tại, đang có tác dụng, nên có khả năng duyên nơi cảnh. Hữu thân kiến quá khứ tác dụng đã dứt, làm sao có khả năng duyên? Trong đây nói: Nếu tạo sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên?

Đáp: Hữu thân kiến quá khứ đã từng có lúc ở nơi hiện tại duyên nơi thân kiến đã diệt. Nay tuy là quá khứ nhưng bàn luận dõi theo tác dụng của thân kiến quá khứ kia, nên nói như thế.

Hỏi: Trong đây, trước nói hữu thân kiến đời sau cùng với hữu thân kiến đời trước, nếu tạo sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Không tạo sở duyên duyên thì chỉ làm một tăng thượng duyên. Nói quá khứ nơi hữu thân kiến đời sau cùng với quá khứ nơi hữu thân kiến đời trước làm hai hay một duyên? Vì sao không nói hữu thân kiến vị lai cùng với hữu thân kiến vị lai làm hai hay một duyên?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, trong đây chỉ nói có trước sau, vì thân kiến kia không có trước sau, nên lược bớt không nói.

Hỏi: Phần vị sinh ở vị lai cùng với phần chưa sinh há không có trước sau?

Đáp: Vì đời không có dị biệt, nên không gọi là trước sau.

Hỏi: Nếu như vậy thì quá khứ nơi đời trước, đời sau, đời đã không khác biệt nên không phải là trước sau chăng?

Đáp: Pháp kia có lúc từng ở nơi hiện tại v.v… có nghĩa đời riêng khác, nên thành có trước sau. Vì vị lai không như thế, nên lược bớt không nói.

Hữu thân kiến của cõi dục cùng với hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc làm một tăng thượng duyên. Nghĩa là hữu thân kiến của cõi dục đối với hữu thân kiến nơi hai cõi trên, hoặc chỉ không có chướng, hoặc không bị trở ngại khi sinh nên làm một tăng thượng duyên.

Không phải là Nhân duyên: Là cõi, địa riêng khác, nhân quả đã dứt.

Không phải là Đẳng vô gián duyên: Là không có phiền não ở địa dưới không gián đoạn và phiền não của địa trên hiện tiền.

Không phải là Sở duyên duyên: Là quyết định không có nghĩa phiền não của địa trên duyên nơi địa dưới.

Hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc cùng với hữu thân kiến của cõi dục, nếu làm đẳng vô gián là đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên. Nếu không làm đẳng vô gián thì chỉ làm một tăng thượng duyên. Nghĩa là hữu thân kiến nếu trụ nơi cõi sắc, cõi vô sắc cùng có sinh tâm mà mạng chung rồi khởi hữu thân kiến của cõi dục, cùng có sinh tâm nhưng kiết sinh, tức hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc kia cùng với hữu thân kiến của cõi dục làm Đẳng vô gián duyên, Tăng thượng duyên.

Không phải là Nhân duyên: Nghĩa như trước đã nói.

Không phải là Sở duyên duyên: Là các hữu thân kiến không duyên nơi địa khác.

Nếu hữu thân kiến không trụ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, cùng có sinh tâm nhưng mạng chung rồi khởi hữu thân kiến của cõi dục, đều cùng có sinh tâm nhưng kiết sinh tức hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc kia cùng với hữu thân kiến của cõi dục chỉ làm một tăng thượng duyên.

Không phải là đẳng vô gián duyên: Nghĩa là hữu thân kiến của cõi dục kia không phải là hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc, vô gián sinh.

Không phải là hai duyên khác: Nghĩa như trước đã nói.

Hữu thân kiến của cõi sắc cùng với hữu thân kiến của cõi vô sắc làm một tăng thượng duyên, nghĩa như trước đã nói.

Hữu thân kiến của cõi vô sắc cùng với hữu thân kiến của cõi sắc, nếu làm đẳng vô gián là đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên. Nếu không làm đẳng vô gián thì chỉ làm một tăng thượng duyên. Các nghĩa trong đây căn cứ theo trước, nên biết.

Như hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến, nên biết hữu thân kiến cùng với tất cả không phải biến hành khác, tất cả không phải biến hành khác cùng với tất cả không phải biến hành, tất cả biến hành cùng với tất cả không phải biến hành, cũng vậy. Nghĩa là các loại tùy miên riêng biệt có mười, tức năm kiến và năm không phải kiến. Năm kiến là hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Năm không phải kiến là nghi, tham, giận, mạn, vô minh.

Trong đây, năm thứ gọi là biến hành: Nghĩa là tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, vô minh. Năm thứ gọi là không phải biến hành: Nghĩa là hữu thân kiến, biên chấp kiến, tham, giận, mạn.

Hữu thân kiến, biên chấp kiến ở đây tuy duyên khắp địa mình nên gọi là biến hành, nhưng vì không duyên nơi địa khác, nên cũng gọi là không phải biến hành, do đấy hai thứ này được gồm thâu trong phần không phải biến hành.

Như hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến, nên biết hữu thân kiến cùng với tất cả không phải biến hành khác cũng vậy.

Như hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến làm duyên nhiều ít, hữu thân kiến cùng với tất cả biên chấp kiến, tham, giận, mạn khác làm duyên nhiều ít cũng vậy.

Tất cả không phải là biến hành còn lại cùng với tất cả không phải là biến hành cũng vậy.

Như hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến làm duyên nhiều ít, biên chấp kiến cùng với biên chấp kiến, tham, giận, mạn, hữu thân kiến. Tham cùng với tham, giận, mạn, hữu thân kiến, biên chấp kiến. Giận cùng với giận, mạn, hữu thân kiến, biên chấp kiến, tham. Mạn cùng với mạn, hữu thân kiến, biên chấp kiến, tham, giận, làm duyên nhiều ít, cũng vậy.

Tất cả biến hành cùng với hết thảy không phải biến hành cũng như vậy.

Như hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến làm duyên nhiều ít, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, vô minh, mỗi mỗi thứ cùng với hữu thân kiến, biên chấp kiến, tham, giận, mạn làm duyên nhiều ít, cũng như vậy.

Hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ làm hoặc bốn, ba, hai, một duyên.

Trong đây nói bốn duyên, thế nào là bốn? Như hữu thân kiến không gián đoạn khởi giới cấm thủ, tức tư duy về đời trước kia cùng với đời sau làm bốn duyên. Nghĩa là hữu thân kiến trong sát-na không gián đoạn, giới cấm thủ nơi sát-na hiện tiền. Ở đây và sau đã sinh tức duyên nơi trước khởi, trước kia cùng với sau làm đủ bốn duyên, là Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên.

Nhân duyên: Là hữu thân kiến đời trước cùng với giới cấm thủ đời sau làm hai nhân, là nhân đồng loại và nhân biến hành.

Đẳng vô gián duyên: Là giới cấm thủ đời sau từ nơi hữu thân kiến đời trước, không gián đoạn mà sinh.

Sở duyên duyên: Là giới cấm thủ đời sau duyên nơi hữu thân kiến của đời trước để sinh.

Tăng thượng duyên: Là trước đối với sau, hoặc chỉ không có chướng, hoặc không bị trở ngại nên sinh.

Trong đây, Nhân duyên như pháp chủng tử, Đẳng vô gián duyên như pháp mở bày, Sở duyên duyên như pháp nhận giữ, Tăng thượng duyên như pháp không bị chướng ngại.

Giới cấm thủ của đời sau do hữu thân kiến của đời trước là đã thâu nhận bốn duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Trong đây nói ba duyên, thế nào là ba? Như hữu thân kiến không gián đoạn khởi hiện giới cấm thủ, không tư duy về đời trước kia cùng với đời sau làm ba duyên, trừ Sở duyên duyên. Nghĩa là hữu thân kiến nơi sát-na không gián đoạn, giới cấm thủ nơi sát-na hiện tiền. Giới cấm thủ sinh sau này không duyên nơi hữu thân kiến trước để khởi, nghĩa là hoặc duyên nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc trừ hữu thân kiến duyên nơi hành uẩn khác. Hữu thân kiến ở đời trước cùng với giới cấm thủ ở đời sau chỉ làm ba duyên, là Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Tăng thượng duyên. Giải thích về ba duyên này, như trước đã nói rộng.

Giới cấm thủ nơi đời sau do hữu thân kiến của đời trước là đã thâu nhận ba duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Hoặc hữu thân kiến không gián đoạn khởi tâm khác, về sau khởi giới cấm thủ, tức tư duy về đời trước kia cùng với đời sau làm ba duyên, trừ Đẳng vô gián duyên. Nghĩa là hữu thân kiến nơi sát-na không gián đoạn, giới cấm thủ nơi sát-na không hiện tiền. Hoặc hữu thân kiến, hoặc biên chấp kiến, hoặc tà kiến, hoặc kiến thủ, hoặc nghi, tham, giận, mạn, hoặc vô minh, hoặc tâm hữu lậu thiện, hoặc tâm vô phú vô ký hiện tiền. Từ đây về sau mới khởi giới cấm thủ, tức duyên nơi hữu thân kiến đời trước. Hữu thân kiến của đời trước cùng với giới cấm thủ ở đời sau chỉ làm ba duyên, nghĩa là Nhân duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên. Giải thích về ba duyên này, như trước đã nói rộng.

Giới cấm thủ nơi đời sau do hữu thân kiến của đời trước là đã thâu nhận ba duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Trong đây nói hai duyên, thế nào là hai? Như hữu thân kiến không gián đoạn khởi tâm khác, về sau khởi giới cấm thủ, không tư duy về đời trước kia cùng với đời sau làm hai duyên, tức Nhân duyên, Tăng thượng duyên. Nghĩa là hữu thân kiến nơi sát-na không gián đoạn, giới cấm thủ nơi sát-na không hiện tiền. Hoặc hữu thân kiến cho đến tâm vô phú vô ký hiện tiền. Từ đây về sau mới khởi giới cấm thủ, không duyên nơi hữu thân kiến đời trước, nghĩa là hoặc duyên nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc trừ hữu thân kiến duyên nơi hành uẩn khác. Hữu thân kiến ở đời trước cùng với giới cấm thủ đời sau chỉ làm hai duyên, là Nhân duyên, Tăng thượng duyên. Giải thích về hai duyên này, như trước đã nói rộng.

Giới cấm thủ của đời sau do hữu thân kiến nơi đời trước là đã thâu nhận hai duyên, nên có thể hành tác ở đời, có thể nhận lấy quả, có thể tạo nghiệp, có thể biết về duyên.

Trong đây nói một duyên, thế nào là một? Hữu thân kiến nơi đời sau cùng với giới cấm thủ nơi đời trước, nếu làm sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nếu không làm sở duyên duyên thì chỉ làm một tăng thượng, vì sau cùng với trước không có nghĩa Nhân duyên, không có nghĩa Đẳng vô gián duyên. Nơi đoạn này hỏi – đáp như trước nên biết.

Hữu thân kiến vị lai cùng với giới cấm thủ quá khứ, hiện tại, nếu tạo sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nếu không tạo sở duyên duyên thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Hữu thân kiến vị lai, hiện tại cùng với giới cấm thủ quá khứ, nếu tạo sở duyên duyên là sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nếu không tạo sở duyên duyên thì chỉ làm một tăng thượng duyên. Ở đây hỏi – đáp như trước nên biết.

Hữu thân kiến của cõi dục cùng với giới cấm thủ của cõi sắc, cõi vô sắc làm một tăng thượng duyên. Nghĩa là hữu thân kiến của cõi dục đối với giới cấm thủ ở hai cõi trên, hoặc chỉ không có chướng, hoặc vì không trở ngại, nên sinh làm một tăng thượng duyên.

Không phải là nhân duyên: Là cõi, địa đều riêng biệt, nhân quả đã dứt.

Không phải là đẳng vô gián duyên: Là không có phiền não của địa dưới không gián đoạn với phiền não của địa trên hiện tiền.

Không phải là sở duyên duyên: Là quyết định không có nghĩa phiền não của địa trên duyên nơi địa dưới.

Hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc cùng với giới cấm thủ của cõi dục, nếu làm sở duyên duyên không phải là đẳng vô gián thì làm sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nghĩa là nếu hữu thân kiến không trụ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, cùng có sinh tâm rồi mạng chung, khởi giới cấm thủ của cõi dục, đều cùng có sinh tâm và kiết sinh. Giới cấm thủ của cõi dục này duyên với hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc sinh khởi. Hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc kia cùng với giới cấm thủ của cõi dục này làm sở duyên duyên và tăng thượng duyên.

Không phải là nhân duyên: Nghĩa như trước đã nói.

Không phải là đẳng vô gián duyên: Nghĩa là giới cấm thủ của cõi dục không phải là hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc vô gián sinh.

Nếu làm đẳng vô gián không phải là sở duyên duyên thì làm đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên. Nghĩa là nếu hữu thân kiến trụ nơi cõi sắc, cõi vô sắc đều cùng sinh tâm rồi mạng chung, khởi giới cấm thủ của cõi dục cùng sinh tâm nhưng kiết sinh, giới cấm thủ của cõi dục này không duyên nơi hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc khởi. Hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc kia cùng với giới cấm thủ của cõi dục làm đẳng vô gián duyên, tăng thượng duyên.

Không phải là nhân duyên: Nghĩa như trước đã nói.

Không phải là sở duyên duyên: Vì đây không duyên với kia.

Nếu làm đẳng vô gián và sở duyên duyên thì làm đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nghĩa là hữu thân kiến nếu trụ nơi cõi sắc, cõi vô sắc đều cùng sinh tâm rồi mạng chung, khởi giới cấm thủ của cõi dục, đều cùng sinh tâm nhưng kiết sinh. Giới cấm thủ cõi dục này duyên với hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc khởi. Hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc kia cùng với giới cấm thủ cõi dục làm ba duyên: đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên.

Không phải là nhân duyên: Nghĩa như trước đã nói.

Nếu không làm đẳng vô gián và sở duyên duyên thì chỉ làm một tăng thượng duyên. Nghĩa là nếu hữu thân kiến không trụ nơi cõi sắc, cõi vô sắc đều cùng sinh tâm mạng chung, khởi giới cấm thủ của cõi dục, đều cùng sinh tâm nhưng là kiết sinh. Giới cấm thủ của cõi dục này không duyên với hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc khởi. Hữu thân kiến của cõi sắc, cõi vô sắc kia cùng với giới cấm thủ của cõi dục này chỉ làm một tăng thượng duyên.

Không phải là ba duyên còn lại: Nghĩa như trước đã nói.

Hữu thân kiến của cõi sắc cùng với giới cấm thủ của cõi vô sắc làm một tăng thượng duyên, nghĩa như trước đã nói.

Hữu thân kiến của cõi vô sắc cùng với giới cấm thủ của cõi sắc, nếu làm sở duyên duyên không phải là đẳng vô gián là làm hai duyên: sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nếu làm đẳng vô gián không phải là sở duyên duyên là làm hai duyên: đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên. Nếu làm đẳng vô gián và sở duyên duyên là làm ba duyên: đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Nếu không làm đẳng vô gián và sở duyên duyên thì chỉ làm một tăng thượng duyên. Các nghĩa trong đây, căn cứ theo trước nên biết.

Như hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ, nên biết hữu thân kiến cùng với tất cả biến hành khác, tất cả biến hành cùng với tất cả biến hành, tất cả không phải biến hành khác cùng với tất cả biến hành cũng như vậy.

Như hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ, nên biết hữu thân kiến cùng với tất cả biến hành khác cũng như vậy.

Như hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ làm duyên nhiều ít, hữu thân kiến cùng với tà kiến, kiến thủ, nghi, vô minh làm duyên nhiều ít cũng như vậy.

Tất cả biến hành cùng với tất cả biến hành cũng như vậy. Như hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ làm duyên nhiều ít, tà kiến cùng với tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, vô minh; kiến thủ cùng với kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, vô minh, tà kiến; giới cấm thủ cùng với giới cấm thủ, nghi, vô minh, tà kiến, kiến thủ; nghi cùng với nghi, vô minh, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ; vô minh cùng với vô minh, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, nghi làm duyên nhiều ít cũng như vậy. Ngoài ra, tất cả không phải biến hành cùng với tất cả biến hành cũng như vậy.

Như hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ làm duyên nhiều ít, biên chấp kiến tham, giận, mạn, mỗi mỗi thứ cùng với tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, vô minh làm duyên nhiều ít cũng như vậy.

Ở trong các pháp, nếu hỏi về gồm thâu nên căn cứ vào cõi để phân biệt. Nếu hỏi về trí nên căn cứ vào đế để phân biệt. Nếu hỏi về thức nên căn cứ vào xứ để phân biệt. Nếu hỏi về phiền não nên căn cứ vào bộ để phân biệt. Lúc phân biệt các pháp tướng như thế thì dễ chỉ rõ, dễ có thể nêu bày.

Ở đây, hỏi về phiền não, nên căn cứ vào năm bộ để phân biệt. Năm bộ nghĩa là do kiến khổ đoạn, do kiến tập, diệt, đạo và tu đạo đoạn.

Phiền não do kiến khổ đoạn có hai thứ: 1. Biến hành. 2. Không biến hành.

Phiền não do kiến tập đoạn cũng như vậy.

Phiền não do kiến diệt đoạn có hai thứ: 1. Duyên nơi hữu lậu. 2. Duyên nơi vô lậu.

Phiền não do kiến đạo đoạn cũng như vậy.

Phiền não do tu đạo đoạn chỉ có một thứ, nghĩa là không biến hành.

Ở đây:

Phiền não biến hành do kiến khổ đoạn cùng với phiền não biến hành do kiến khổ đoạn làm bốn duyên là nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên.

Nhân duyên: Tức có bốn nhân, là nhân tương ưng, nhân câu hữu, nhân đồng loại và nhân biến hành.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ đoạn vô gián nơi phiền não biến hành do kiến khổ đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ đoạn duyên nơi phiền não biến hành do kiến khổ đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Là đây cùng với kia hoặc chỉ có không chướng, hoặc không bị trở ngại nên sinh.

Phiền não biến hành do kiến khổ đoạn cùng với phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn làm bốn duyên:

Nhân duyên: Tức có hai nhân là nhân đồng loại và nhân biến hành.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ đoạn vô gián nơi phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn duyên nơi phiền não biến hành do kiến khổ đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Phiền não biến hành cùng với phiền não biến hành do kiến tập đoạn làm bốn duyên:

Nhân duyên: Tức chỉ có một nhân là biến hành.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ đoạn vô gián nơi phiền não biến hành do kiến tập đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não biến hành do kiến tập đoạn duyên nơi phiền não biến hành do kiến khổ đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Phiền não biến hành do kiến khổ đoạn cùng với phiền não không biến hành do kiến tập đoạn và tất cả phiền não do kiến diệt, đạo, tu đạo đoạn làm ba duyên, trừ sở duyên duyên.

Nhân duyên: Tức chỉ có một nhân là biến hành.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ đoạn không gián đoạn và các phiền não kia hiện tiền.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải sở duyên duyên: Là các phiền não kia không thể duyên nơi không phải là biến hành của bộ khác.

Phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn cùng với phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn làm bốn duyên:

Nhân duyên: Là có ba nhân, là nhân tương ưng, câu hữu và đồng loại.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn không gián đoạn nơi phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn duyên nơi phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn cùng với phiền não biến hành do kiến khổ đoạn làm bốn duyên:

Nhân duyên: Tức chỉ có một nhân là đồng loại.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn không gián đoạn nơi phiền não biến hành do kiến khổ đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ đoạn duyên nơi phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn cùng với phiền não biến hành do kiến tập đoạn làm ba duyên trừ nhân duyên:

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn không gián đoạn nơi phiền não biến hành do kiến khổ đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ đoạn duyên nơi phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải Nhân duyên: Là không phải pháp biến hành không cùng với phiền não của bộ khác làm nhân.

Phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn cùng với phiền não không biến hành do kiến tập đoạn và tất cả phiền não do kiến diệt, đạo, tu đạo đoạn làm hai duyên là đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên:

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não không biến hành do kiến khổ đoạn không gián đoạn cùng với các phiền não kia hiện tiền.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải hai duyên còn lại: Tức pháp không biến hành nhất định không phải là nhân của pháp nhiễm nơi bộ khác. Hoặc không biến hành nhất định không thể duyên nơi pháp của bộ khác.

Như hai thứ phiền não do kiến khổ đoạn cùng với chín thứ phiền não làm duyên nhiều ít, hai thứ phiền não do kiến tập đoạn cùng với chín phiền não làm duyên nhiều ít, nên biết cũng như thế.

Phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn làm bốn duyên:

Nhân duyên: Là có ba nhân, là nhân tương ưng, câu hữu và đồng loại.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn nơi phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn duyên nơi phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn làm ba duyên, trừ sở duyên duyên:

Nhân duyên: Tức chỉ có một nhân là đồng loại.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn nơi phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn hiện tiền.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải sở duyên duyên: Là phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn, chỉ duyên nơi trạch diệt, là không phải phiền não.

Phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn làm ba duyên trừ nhân duyên:

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn nơi phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn duyên nơi phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải nhân duyên: Tức không phải pháp biến hành đối với phần nhiễm của bộ khác, không có nghĩa của nhân.

Phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não không biến hành do kiến khổ, tập đoạn và tất cả phiền não do kiến đạo, tu đạo đoạn làm hai duyên là đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên, không phải là nhân duyên, không phải là sở duyên duyên:

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn cùng các phiền não kia hiện tiền.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải là nhân duyên: Nghĩa cũng như trên đã nói.

Không phải là sở duyên duyên: Là các phiền não kia vì không phải là biến hành nên không duyên nơi bộ khác.

Phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn làm ba duyên, trừ sở duyên duyên:

Nhân duyên: Là có ba nhân, là nhân tương ưng, câu hữu và đồng loại.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn nơi phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn hiện tiền.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải là sở duyên duyên: Là kiến diệt đoạn trừ kia duyên nơi trạch diệt không phải là phiền não.

Phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn làm bốn duyên:

Nhân duyên: Là chỉ có một nhân tức nhân đồng loại.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn nơi phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não duyên nơi hữu lậu do kiến diệt đoạn duyên nơi phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn làm ba duyên, trừ nhân duyên:

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn nơi phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn duyên nơi phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải là nhân duyên: Là hoặc không biến hành cùng với phần nhiễm của bộ khác, không làm nhân.

Phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn cùng với phiền não không biến hành do kiến khổ, tập đoạn cùng tất cả phiền não do kiến đạo, tu đạo đoạn làm hai duyên là đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên, không phải là nhân duyên, không phải là sở duyên duyên:

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não duyên nơi vô lậu do kiến diệt đoạn không gián đoạn cùng các phiền não kia hiện tiền.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải là nhân duyên: Là hoặc không biến hành cùng với phần nhiễm của bộ khác, không có nghĩa của nhân.

Không phải là sở duyên duyên: Là các phiền não kia là không biến hành, nên không duyên nơi bộ khác.

Như hai thứ phiền não do kiến diệt đoạn cùng với chín thứ phiền não làm duyên nhiều ít, hai thứ phiền não do kiến đạo đoạn cùng với chín phiền não làm duyên nhiều ít, nên biết cũng thế.

Phiền não do tu đạo đoạn cùng với phiền não do tu đạo đoạn làm bốn duyên:

Nhân duyên: Là có ba nhân tức nhân tương ưng, câu hữu và đồng loại.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não do tu đạo đoạn không gián đoạn nơi phiền não do tu đạo đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não do tu đạo đoạn duyên nơi phiền não do tu đạo đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Phiền não do tu đạo đoạn cùng với phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn làm ba duyên, trừ nhân duyên.

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não do tu đạo đoạn không gián đoạn nơi phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn hiện tiền.

Sở duyên duyên: Là phiền não biến hành do kiến khổ, tập đoạn duyên nơi phiền não do tu đạo đoạn mà sinh.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải là nhân duyên: Là không phải pháp biến hành nên không làm nhân nơi pháp nhiễm của bộ khác.

Phiền não do tu đạo đoạn cùng với phiền não không biến hành do kiến khổ, tập đoạn và tất cả phiền não do kiến diệt, đạo đoạn làm hai duyên là đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên, không phải là nhân duyên, không phải là sở duyên duyên:

Đẳng vô gián duyên: Là phiền não do tu đạo đoạn không gián đoạn cùng các phiền não kia hiện tiền.

Tăng thượng duyên: Như trước đã nói.

Không phải là nhân duyên: Là không phải pháp biến hành nên không làm nhân nơi pháp nhiễm của bộ khác.

Không phải là sở duyên duyên: Là hoặc không biến hành nên đều không thể duyên nơi pháp của bộ khác.

Lại, các phiền não có mười lăm bộ. Nghĩa là ba cõi đều có năm bộ do kiến khổ đoạn cho đến do tu đạo đoạn. Trong đó, mỗi mỗi thứ cùng với mười lăm bộ làm duyên nhiều, ít, như lý nên suy xét.

Lại, phiền não của năm bộ trong mỗi mỗi cõi được phân làm chín thứ, hợp thành hai mươi bảy, trong đó mỗi mỗi thứ cùng với hai mươi bảy thứ làm duyên nhiều ít, như lý nên suy xét.

HẾT – QUYỂN 55