LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 20

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ TRÍ, phần 12

Hỏi: Nghiệp của một sát-na là chỉ có thể dẫn phát một chúng đồng phần, hay cũng có thể dẫn phát nhiều chúng đồng phần? Nếu như thế thì có lỗi gì? Nếu nghiệp của một sát-na chỉ có thể dẫn phát một chúng đồng phần, thì như nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông suốt? Như nói: Có các chúng sinh đã từng ở trong loài người, hoặc làm quốc vương, hoặc làm đại thần, có đủ thế lực lớn, đã gây tổn thất phi lý, giết hại vô số chúng sinh, thu thuế, cướp đoạt tiền của để cung cấp cho thân mạng mình và các quyến thuộc. Do nghiệp ác ấy, nên sau khi mạng chung, bị đọa vào địa ngục, trải qua vô lượng thời gian nhận lấy khổ não dữ dội. Từ địa ngục đó, bỏ mạng, do còn nghiệp ác tàn dư nên sinh trong biển cả, để thọ nhận thân thú dữ với hình dáng dài lớn, nuốt ăn vô số các loài sống dưới nước, trên đất liền, rồi cũng bị vô số các chúng sinh khác cắn xé, ăn thịt, bám đầy khắp thân như dùng lông tóc trói chặt, thọ nhận thống khổ không thể chịu đựng nổi, đem thân chui húc núi Phả chi ca, nay trong thân đó đều bị biết bao sâu trùng tàn hại, khiến phải lặn xuống nước biển chạy dài hàng trăm ngàn lượng du-thiện-na đều biến thành biển máu.

Lại nữa, nếu thế thì như Tôn giả Vô Diệt đã nói về Bản sự làm sao thông tỏ? Như nói: Cụ thọ! Do tôi đã đem một bữa ăn để bố thí cho bậc phước điền, nên bảy lần sinh lên cõi trời làm Đại Thiên vương, bảy lần sinh trong loài người làm chủ nước lớn.

Lại nữa, nếu thế thì như Tôn giả Đại Ca Diếp Ba đã nói về Bản sự làm sao có thể thông suốt? Như nói: Cụ thọ! Tôi đã đem một bát cơm nấu bằng gạo tấm dâng cúng cho bậc phước điền, nên cả ngàn lần sinh vào châu Bắc Câu Lô kia, tự nhiên được cơm áo, hàng ngàn lần sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba, thọ hưởng diệu lạc lớn.

Lại nữa, nếu thế thì như nơi Kinh Diêm Dụ đã nói làm sao thông suốt? Như nói: Một loại Bổ-đặc-già-la tạo tác tăng trưởng từng ấy nghiệp ác, có người nên thọ khổ ở địa ngục, lại hiện pháp thọ, có người nên hiện pháp thọ, lại thọ khổ ở địa ngục.

Nếu nghiệp của một sát-na cũng có thể dẫn phát nhiều chúng đồng phần, thì như nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông suốt? Như nói: Do các thứ uy lực sai biệt của nghiệp nên thiết lập các nẻo có vô số sai biệt. Do các thứ uy lực sai biệt của nẻo nên thiết lập các loài có vô số sai biệt. Do các thứ uy lực sai biệt của loài nên thiết lập dị thục có vô số sai biệt. Do các thứ uy lực sai biệt của dị thục nên thiết lập các căn có vô số sai biệt. Do các thứ uy lực sai biệt của căn, nên thiết lập Bổ-đặc-già-la có vô số sai biệt.

Lại nữa, nếu thế thì như nơi Kinh Thông Đạt nói làm sao thông suốt? Như nói: Nên nhận biết các nghiệp có sai biệt như thế nào? Nghĩa là có nghiệp riêng sinh nơi địa ngục, có nghiệp riêng sinh nơi bàng sinh, có nghiệp riêng sinh nơi ngạ quỷ, có nghiệp riêng sinh lên cõi trời, có nghiệp riêng sinh trong loài người.

Lại nữa, nếu thế thì làm thế nào kiến lập ba nghiệp như nghiệp thuận hiện pháp thọ v.v… có sai biệt? Lại nữa, nếu thế thì như nơi Luận Thi Thiết nói lại làm sao thông tỏ? Như nói: Gây tạo tăng trưởng nghiệp sát sinh loại trên, nên khi thân hoại mạng chung bị đọa vào ngục vô gián, loại trung sinh vào xứ khác, loại hạ sinh vào nơi khác nữa, cho đến nói rộng?

Đáp: Nên nói như vầy: Nghiệp của một sát-na chỉ có thể dẫn sinh một chúng đồng phần.

Hỏi: Nếu thế thì như nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông suốt? Như nói: Có các chúng sinh đã từng ở trong loài người, cho đến nói rộng?

Đáp: Do nghiệp tàn dư: Là do nghiệp của nẻo riêng. Nghĩa là kẻ kia trong loài người đã tạo tác làm tăng trưởng nghiệp của hai nẻo ác địa ngục và bàng sinh. Trong địa ngục thọ nhận nghiệp địa ngục xong, vì nghiệp tàn dư là bàng sinh nên phải sinh trong biển cả, tức nghiệp tàn dư này không phải hướng vào một nghiệp.

Hỏi: Như thế Tôn giả Vô Diệt đã nói về Bản sự làm sao thông suốt? Như nói: Cụ thọ! Tôi đã đem một bữa ăn để bố thí cho bậc phước điền, cho đến nói rộng?

Đáp: Vì Tôn giả kia hiển bày về nhân ban đầu nên nói như vậy. Nghĩa là Tôn giả kia, trước hết đem một bữa ăn để bố thí, nên được sinh vào gia đình giàu sang có nhiều của cải quý báu. Do nhớ nghĩ về đời trước, hoặc sức của bản nguyện, lại do đem trăm ngàn tài sản, thức ăn để bố thí, lần lượt như thế trải qua nhiều đời, thường ưa bố thí, nên được thọ nhận sự giàu có, an lạc.

Tôn giả kia vì căn cứ nơi nhân đầu tiên nên nói như vậy. Ví như người làm ruộng dùng một ít hạt giống gieo trồng, qua nhiều năm, lần lượt tích lũy thêm hạt giống đến một trăm ngàn hộc, rồi nói lớn lời như vầy: Ta chỉ gieo trồng một ít hạt giống mà hôm nay thu hoạch hàng trăm ngàn. Lại như khách buôn, dùng một tiền vàng, qua nhiều thời gian mua bán trao đổi, cho đến có được ngàn tiền vàng, rồi thốt lên lời như vầy: Ta đã dùng một đồng tiền, từng trải để tìm kiếm lợi tức, nay đã đến hàng ngàn vạn đồng. Những sự việc này đều dựa vào nhân đầu tiên, nên nói như vậy. Tôn giả kia cũng như thế.

Lại nữa, hoặc Tôn giả kia ở trong một đời, trước hết chỉ bố thí một bữa ăn, về sau lại cho thêm vài lần nữa. Do sự việc này, dẫn phát nhiều nhân của hàng người, trời. Vì Tôn giả kia chỉ dựa vào nhân ban đầu, nên nói như vậy.

Lại nữa, hoặc Tôn giả kia, lúc bố thí cho một bữa ăn, khởi nhiều suy nghĩ và ước nguyện, do đó dẫn phát được nhiều quả dị thục trong loài người và trên cõi trời.

Lại nữa, hoặc Tôn giả kia, nhân thí cho một bữa ăn, khởi nghiệp thiện nơi ba phẩm hạ, trung, thượng. Do nghiệp nơi phẩm hạ, nên sinh trong loài người, được làm người chủ. Do nghiệp nơi phẩm trung, nên sinh lên cõi trời, lại được làm Thiên vương. Do nghiệp thiện thuộc phẩm thượng, nên đến thân sau cùng được sinh vào nhà họ Thích, có nhiều tài sản, của báu, xuất gia tu đạo, chứng thành A-la-hán.

Từ lý sâu xa ấy, tức đã giải thích thông suốt về Bản sự của Tôn giả Đại Ca Diếp Ba đã nêu bày.

Hỏi: Còn về kinh Diêm Dụ nói làm sao thông suốt? Như nói: Một loại Bổ-đặc-già-la, cho đến nói rộng.

Đáp: Có thuyết nói như vầy: Luận kia nói: Hai người tạo hai thứ nghiệp, chiêu cảm hai dị thục. Nghĩa là có hai người đều giết hại mạng sống: Một người không siêng năng tu giới thân, tuệ tâm, người đó vì ít phước nên phải đến trong địa ngục thọ nhận quả dị thục của nghiệp ấy. Còn một người có thể siêng năng tu giới thân, tuệ tâm, vì người ấy có nhiều phước, tức ở trong loài người được thọ nhận quả dị thục của nghiệp này.

Hỏi: Kinh nói từng ấy là nói về nghĩa gì?

Đáp: Là hoặc ít, hoặc ngang đồng, hoặc giống nhau, nên gọi là từng ấy.

Có Sư khác nói: Luận kia nói: Một người gây tạo hai thứ nghiệp chiêu cảm hai dị thục. Nghĩa là có một người giết hại hai sinh mạng, một nghiệp có thể dẫn phát dị thục nơi địa ngục, một nghiệp có thể dẫn phát dị thục trong loài người. Người kia nếu không tu giới thân, tuệ tâm, sẽ phải đi đến địa ngục để thọ nhận quả dị thục của nghiệp riêng. Nếu có thể siêng năng tu giới thân, tuệ tâm, tức ở trong loài người được thọ nhận quả dị thục của nghiệp riêng.

Có thuyết nói: Luận kia nói: Một người gây tạo một thứ nghiệp chiêu cảm hai dị thục. Nghĩa là có một người giết hại một sinh mạng. Nghiệp này có thể dẫn phát dị thục nơi địa ngục, lại gồm có thể dẫn sinh dị thục trong loài người. Nếu người kia không tu tập thân giới, tâm tuệ, sẽ phải đến địa ngục để thọ nhận quả dị thục. Quả dị thục nơi loài người an trụ trong pháp không sinh. Nếu có thể tu giới thân, tuệ tâm, tức ở trong loài người thọ nhận quả dị thục. Quả dị thục của địa ngục an trụ trong pháp không sinh.

Lời bình: Các vị kia không nên nói như vậy. Vì chớ nên mắc lỗi về nghiệp hoại, nẻo hoại.

Nghiệp hoại: Là một nghiệp, cũng là nghiệp địa ngục, cũng là nghiệp loài người.

Nẻo hoại: Là chỉ một dị thục, cũng là nẻo địa ngục, cũng là nẻo người, vì quả giống nhân.

Nên nói như vầy: Luận kia nói: Một người gây tạo một thứ nghiệp chiêu cảm một dị thục. Nghĩa là có một người giết hại một mạng sống. Nghiệp này có thể dẫn phát dị thục nơi địa ngục. Nếu người kia không thể siêng năng tinh tấn tu đạo, chứng đắc A-la-hán, tức đến địa ngục để thọ nhận quả của nghiệp ấy. Nếu người đó có thể siêng năng tinh tấn tu đạo, chứng đắc A-la-hán, tức có thể dẫn phát nhận lấy sự việc khổ ở địa ngục, trong thân người thọ nhận nghiệp ấy, không có khả năng dẫn phát chúng đồng phần, vì dẫn nghiệp của chúng đồng phần không thể thọ gởi.

Do đó, Tôn giả Thế Hữu nói: Từng có thể dẫn phát sự khổ ở địa ngục, lại thọ nhận trong loài người không?

Đáp: Có thể. Nghĩa là nếu chứng được quả A-la-hán có định tuệ thù thắng huân tập tu thân nên có khả năng làm việc này, không phải hàng hữu học và các phàm phu có thể làm được việc ấy. Ví như người đầu bếp dùng nước thấm tay, tuy dò thử cơm nóng nhưng không bị phỏng. Nếu không thấm nước nơi tay tức sẽ bị phỏng. Đây cũng như thế. Do vậy, chỉ bậc vô học mới có khả năng làm được việc này.

Có Sư khác cho: Nghiệp của một sát-na cũng có thể dẫn phát nhiều chúng đồng phần.

Hỏi: Nếu thế vấn nạn trước hoàn toàn thông suốt, còn vấn nạn sau làm sao thông suốt?

Đáp: Do hữu tình tạo nghiệp phẩm loại không nhất định. Có nghiệp được tạo tạp loạn, có thể chuyển. Có nghiệp được tạo không tạp loạn, không thể chuyển. Nếu tạp loạn, có thể chuyển: Nghĩa là như chỗ dẫn phát trước. Nếu không tạp loạn, không thể chuyển: Nghĩa là như chỗ dẫn phát sau. Như thế hai vấn nạn trước, sau đều thông suốt.

Lời bình: Người kia không nên nói như vậy. Vì chớ có phạm lỗi nghiệp hoại, nẻo hoại. Nên nói như vầy: Nghiệp của một sát-na chỉ có thể dẫn phát một chúng đồng phần.

Lại nữa, chỉ do nghiệp bất thiện dẫn phát chúng đồng phần sinh trong địa ngục. Đã sinh vào đó rồi, chỉ thọ nhận dị thục của pháp bất thiện nơi sắc, tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành. Sắc: Là chín xứ, trừ âm thanh. Tâm tâm sở pháp: Là khổ thọ và pháp tương ưng. Bất tương ưng hành: Là mạng căn, chúng đồng phần, đắc, sinh, lão, trụ, vô thường. Chỉ do nghiệp bất thiện dẫn phát chúng đồng phần sinh trong bàng sinh, nẻo quỷ. Đã sinh vào đó rồi, chỉ thọ nhận dị thục thuộc pháp thiện, bất thiện nơi sắc, tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành. Dị thục của pháp bất thiện: Sắc: Là chín xứ, trừ âm thanh. Tâm tâm sở pháp: Là khổ, thọ và pháp tương ưng. Bất tương ưng hành: Là mạng căn, chúng đồng phần, đắc, sinh, lão, vô thường. Dị thục của pháp thiện: Sắc: Là bốn xứ. Nghĩa là sắc, hương, vị, xúc. Tâm tâm sở pháp: Là vui, mừng, xả thọ và pháp tương ưng. Bất tương ưng hành: Là đắc, sinh, lão, trụ, vô thường.

Có Sư khác nêu: Pháp thiện nơi nẻo bàng sin h, ngạ quỷ, không có dị thục nơi sắc, chỉ có dị thục nơi tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành.

Hỏi: Nếu thế vì sao hiện thấy trong bàng sinh, nẻo quỷ có hình sắc tốt đẹp hoặc xấu xí?

Đáp: Do nghiệp bất thiện của chúng sinh đó. Hoặc có chúng sinh dùng nghiệp thiện làm quyến thuộc, hoặc có chúng sinh dùng nghiệp bất thiện làm quyến thuộc. Nếu dùng nghiệp thiện làm quyến thuộc thì chiêu cảm được hình dáng xinh đẹp, vì thiện đè bẹp sức xấu ác, bất thiện. Nếu dùng nghiệp bất thiện làm quyến thuộc thì hình sắc xấu xí, do bất thiện làm gia tăng sức xấu ác kia.

Lời bình: Nghiệp thiện nơi nẻo quỷ, bàng sinh kia cũng có thể chiêu cảm dị thục nơi sắc, về lý là không mâu thuẫn. Do vậy nên biết: Thuyết nêu đầu tiên là đúng, vì chỉ do nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần sinh nơi hàng người, trời thuộc cõi dục. Đã sinh vào đó rồi, thọ nhận dị thục của pháp thiện, bất thiện nơi sắc, tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành.

Dị thục của pháp thiện: Về sắc: Là chín xứ, trừ âm thanh. Tâm tâm sở pháp: Là vui, mừng, xả thọ và pháp tương ưng. Bất tương ưng hành: Là mạng căn, chúng đồng phần, đắc, sinh, lão, trụ, vô thường.

Dị thục của pháp bất thiện: Về sắc: Là bốn xứ, nghĩa là sắc, hương, vị, xúc. Tâm tâm sở pháp: Là khổ thọ và pháp tương ưng. Bất tương ưng hành: Là đắc, sinh, lão, trụ, vô thường.

Có Sư khác nói: Pháp bất thiện ở trong nẻo người, trời không có dị thục nơi sắc, chỉ có dị thục nơi tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành.

Hỏi: Nếu thế vì sao hiện thấy trong nẻo người, trời có hình sắc xấu xí, hoặc xinh đẹp?

Đáp: Do nghiệp thiện của chúng sinh kia. Hoặc dùng nghiệp bất thiện làm quyến thuộc, hoặc dùng nghiệp thiện làm quyến thuộc. Nếu dùng nghiệp bất thiện làm quyến thuộc thì hình sắc xấu xí, vì bất thiện đã đè bẹp sức thiện đẹp đẽ. Nếu dùng nghiệp thiện làm quyến thuộc thì hình sắc đẹp đẽ do nghiệp thiện làm tăng sức đẹp đẽ kia.

Lời bình: Nên biết ở đây thuyết đầu tiên là đúng, vì không trái với lý.

Hỏi: Hiện thấy trong loài người có loại có hai hình tướng, vậy đó là dị thục của nghiệp thiện hay là dị thục của nghiệp bất thiện?

Đáp: Có người nói thế này: Đó là dị thục của nghiệp bất thiện.

Có Sư khác cho: Như xứ, như thời, một hình sinh: Là dị thục của nghiệp thiện. Phi xứ, phi thời, hình thứ hai sinh: Là dị thục của nghiệp bất thiện.

Lời bình: Nên nói như vầy: Kẻ hai hình kia, thể là nam căn, nữ căn, là dị thục của nghiệp thiện. Đối với xứ sở sắc, hương, vị, xúc là dị thục của nghiệp bất thiện.

Chỉ do nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần sinh trong cõi sắc. Đã sinh nơi ấy rồi, chỉ thọ nhận dị thục của pháp thiện nơi sắc, tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành. Sắc: Là bảy xứ, trừ âm thanh, hương, vị v.v… Tâm tâm sở pháp: Là vui, mừng, xả thọ và pháp tương ưng. Bất tương ưng hành: Là mạng căn, chúng đồng phần, sự vô tưởng, đắc, sinh, lão, trụ, vô thường.

Chỉ do nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần sinh nơi cõi vô sắc. Đã sinh vào đấy rồi, chỉ thọ nhận dị thục của pháp thiện nơi tâm tâm sở pháp, bất tương ưng hành. Tâm tâm sở pháp: Là xả thọ và pháp tương ưng. Bất tương ưng hành: Là mạng căn, chúng đồng phần, sự vô tưởng, đắc, sinh, lão, trụ vô thường.

Lại nữa, có thuyết nêu: Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần sinh trong địa ngục. Đã sinh vào đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện theo phẩm thượng kia. Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm trung dẫn phát chúng đồng phần sinh vào nẻo bàng sinh. Đã sinh trong nẻo đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện theo phẩm trung kia. Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm hạ dẫn phát chúng đồng phần sinh trong nẻo quỷ. Đã sinh vào đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện theo phẩm hạ kia.

Có Sư khác nói: Chỉ do nghiệp bất thiện phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần sinh trong địa ngục. Đã sinh vào đó rồi sẽ thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện thuộc hai phẩm trung, thượng kia. Bàng sinh và nẻo quỷ như trước đã nói.

Hoặc lại có thuyết cho: Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần sinh trong địa ngục. Đã sinh vào đó rồi là thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện thuộc ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm trung dẫn phát chúng đồng phần sinh vào nẻo bàng sinh. Đã sinh trong đó rồi là thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện thuộc hai phẩm trung, hạ kia. Nẻo quỷ như trước đã nói.

Hoặc lại có người nêu: Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần sinh trong địa ngục. Đã sinh vào đó rồi là thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện thuộc ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm trung dẫn phát chúng đồng phần sinh vào nẻo bàng sinh. Đã sinh trong nẻo đó rồi là thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện theo ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp bất thiện thuộc phẩm hạ dẫn phát chúng đồng phần sinh trong nẻo quỷ. Đã sinh vào đó rồi là thọ nhận quả dị thục thuộc pháp của hai phẩm hạ, trung kia.

Lại có thuyết nói: Chỉ do nghiệp bất thiện nơi phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần sinh trong địa ngục. Đã sinh vào đó rồi là thọ nhận quả dị thục của pháp bất thiện thuộc cả ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp bất thiện nơi phẩm trung dẫn phát chúng đồng phần sinh vào nẻo bàng sinh. Đã sinh vào đó rồi là thọ nhận quả dị thục thuộc pháp của ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp bất thiện nơi phẩm hạ dẫn phát chúng đồng phần sinh trong nẻo quỷ. Đã sinh trong đó rồi là thọ nhận quả dị thục của pháp nơi ba phẩm kia.

Lời bình: Nên nói như vầy: Có ba phẩm nghiệp bất thiện dẫn phát chúng đồng phần của địa ngục, tùy do một thứ sinh trong địa ngục. Đã sinh vào đó rồi, theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục thuộc pháp bất thiện của ba phẩm kia. Có ba phẩm nghiệp bất thiện dẫn phát chúng đồng phần của bàng sinh, tùy do một thứ sinh vào nẻo bàng sinh. Đã sinh vào đó rồi, theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp theo ba phẩm kia. Có ba phẩm nghiệp bất thiện dẫn phát chúng đồng phần của nẻo quỷ, tùy do một thứ sinh trong nẻo quỷ. Đã sinh vào đó rồi, theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp nơi ba phẩm kia.

Lại nữa, có thuyết nói: Chỉ do nghiệp thiện thuộc phẩm thượng của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh lên trời Tha Hóa Tự Tại.

Đã sinh vào đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc phẩm thượng kia. Chỉ do nghiệp thiện thuộc phẩm trung của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh vào năm trời dưới. Đã sinh vào các cõi đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc phẩm trung kia. Chỉ do nghiệp thiện thuộc phẩm hạ của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh trong loài người. Đã sinh vào loài người rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc phẩm hạ kia.

Hỏi: Nếu do nghiệp thiện thuộc phẩm hạ sinh trong nẻo người là thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc phẩm hạ, tức nghiệp thiện của Bồ-tát cũng thọ nhận trong loài người, làm sao đạt được phẩm thượng? Và nghiệp thiện của Bồ-tát so với nghiệp thiện của trời Tha Hóa Tự Tại có gì sai biệt?

Đáp: Đã nói nghiệp thiện nơi phẩm hạ của cõi dục thọ nhận trong loài người, trừ nghiệp của Bồ-tát, nên nói như thế, không phải là nói tất cả. Vì có duyên khác nên nghiệp của Bồ-tát là hơn hẳn. Do thân của Bồ-tát là chỗ nương dựa của vô biên công đức như mười lực, bốn pháp không sợ hãi. Còn thân của trời Tha Hóa Tự Tại không có các sự việc như thế. Vì có duyên khác nên nghiệp của trời Tha Hóa Tự Tại là hơn, do thân của trời kia thanh tịnh, vi diệu như ánh lửa của ngọn đèn, còn sinh thân của Bồ-tát cũng có những thứ tiện lợi bất tịnh.

Có Sư khác cho: Chỉ do nghiệp thiện nơi phẩm thượng của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh lên trời Tha Hóa Tự Tại. Đã sinh nơi đó rồi, thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc hai phẩm thượng, trung kia. Về năm cõi trời dưới và nẻo người như trước đã nói.

Hoặc lại có thuyết nói: Chỉ do nghiệp thiện nơi phẩm thượng của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh nơi trời Tha Hóa Tự Tại. Đã sinh lên trời đó rồi, thọ nhận quả dị thục thuộc pháp của ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp thiện nơi phẩm trung của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh vào năm trời dưới. Đã sinh lên các xứ đó rồi, thọ nhận quả dị thục thuộc pháp của hai phẩm hạ, trung kia. Về nẻo người như trước đã nói.

Hoặc lại có thuyết nói: Chỉ do nghiệp thiện nơi phẩm thượng của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh nơi trời Tha Hóa Tự Tại. Đã sinh vào đó rồi, thọ nhận quả dị thục của pháp nơi ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp thiện nơi phẩm trung của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh trong năm cõi trời dưới. Đã sinh vào đó rồi, thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc ba phẩm kia. Chỉ do nghiệp thiện nơi phẩm hạ của cõi dục dẫn phát chúng đồng phần sinh trong loài người. Đã sinh trong nẻo người rồi, thọ nhận quả dị thục thuộc pháp của ba phẩm kia.

Lời bình: Nên nói như vầy: Có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần của trời Tha Hóa Tự Tại, tùy do một phẩm sinh lên trời Tha Hóa Tự Tại. Đã sinh nơi xứ đó rồi, tùy theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc ba phẩm kia. Có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần của năm trời dưới, tùy do một phẩm sinh lên cõi. Đã sinh vào đó rồi, tùy chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc ba phẩm kia. Có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần của nẻo người, tùy do một phẩm sinh trong nẻo người. Đã sinh vào nẻo người rồi, tùy theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thuộc ba phẩm kia.

Lại nữa, có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần không có riêng khác của tĩnh lự thứ nhất, tùy do một phẩm sinh vào tĩnh lự thứ nhất. Đã sinh vào xứ đó rồi, tùy theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thiện không riêng khác theo ba phẩm kia.

Chỉ do nghiệp thiện phẩm hạ dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ hai sinh lên trời Thiểu Quang. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm hạ kia. Chỉ do nghiệp thiện phẩm trung dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ hai sinh lên trời Vô Lượng Quang. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm trung kia. Chỉ do nghiệp thiện phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ hai sinh lên trời Cực Quang Tịnh. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm thượng kia.

Chỉ do nghiệp thiện phẩm hạ dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ ba sinh lên trời Thiểu Tịnh. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm hạ kia. Chỉ do nghiệp thiện phẩm trung dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ ba sinh lên trời Vô Lượng Tịnh. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm trung kia. Chỉ do nghiệp thiện phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ ba sinh lên trời Biến Tịnh. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc thượng kia.

Chỉ do nghiệp thiện phẩm hạ dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Vô Vân. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm hạ kia. Chỉ do nghiệp thiện phẩm trung dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Phước Sinh. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm trung kia. Chỉ do nghiệp thiện phẩm thượng dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Quảng Quả. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc phẩm thượng kia.

Chỉ do nghiệp phẩm hạ tu xen tạp tĩnh lự dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Vô Phiền. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp tĩnh lự tu xen tạp thuộc phẩm hạ kia. Chỉ do nghiệp phẩm trung tu xen tạp tĩnh lự dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Vô Nhiệt. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp tĩnh lự tu xen tạp thuộc phẩm trung kia. Chỉ do nghiệp phẩm thượng tu xen tạp tĩnh lự dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Thiện Hiện. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp tĩnh lự tu xen tạp thuộc phẩm thượng kia.

Chỉ do nghiệp phẩm thượng thượng tu xen tạp pháp tĩnh lự dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Thiện Kiến. Đã sinh lên trời ấy rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp tĩnh lự tu xen tạp thuộc phẩm thượng thượng kia. Chỉ do nghiệp phẩm thượng tột cùng tu xen tạp pháp tĩnh lự dẫn phát chúng đồng phần của tĩnh lự thứ tư sinh lên trời Sắc Cứu Cánh. Đã sinh lên trời đó rồi, chỉ thọ nhận quả dị thục của pháp tĩnh lự tu xen tạp thuộc phẩm thượng tột cùng kia.

Có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần không riêng khác của Không vô biên xứ, tùy do một phẩm sinh lên Không vô biên xứ. Đã sinh vào xứ đó rồi, tùy theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc ba phẩm kia. Có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần không riêng khác của Thức vô biên xứ, tùy do một phẩm sinh lên Thức vô biên xứ. Đã sinh vào xứ đó rồi, tùy theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc ba phẩm kia. Có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần không riêng khác của Vô sở hữu xứ, tùy do một phẩm sinh lên Vô sở hữu xứ. Đã sinh vào xứ đó rồi, tùy theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc ba phẩm kia. Có ba phẩm nghiệp thiện dẫn phát chúng đồng phần không riêng khác của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tùy do một phẩm sinh lên Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đã sinh vào xứ đó rồi, tùy theo chỗ ứng hợp thọ nhận quả dị thục của pháp thiện thuộc ba phẩm kia.

Hỏi: Vì sao ba phẩm nghiệp thiện của tĩnh lự thứ nhất thọ nhận quả dị thục không sai biệt? Còn ba phẩm nghiệp thiện nơi ba tĩnh lự trên thọ nhận quả dị thục có sai biệt?

Đáp: Do trong tĩnh lự thứ nhất có chúng, có chủ an trụ lẫn lộn, còn ba tĩnh lự trên không có sự việc đó.

Có Sư khác nói: Trong tĩnh lự thứ nhất có tầm có tứ, có các thức thân và khởi nghiệp thân ngữ biểu của địa mình, còn ba tĩnh lự kia không có sự việc đó.

Lại nữa, trong cõi dục nghiệp bất thiện có quả dị thục của một kiếp, còn nghiệp thiện thì không như thế. Nghiệp bất thiện trong cõi dục có quả dị thục của năm nẻo, còn nghiệp thiện thì không như thế.

Hỏi: Vì sao nghiệp bất thiện trong cõi dục có quả dị thục của một kiếp, còn nghiệp thiện thì không như thế?

Đáp: Vì cõi dục là cõi không ổn định, không phải là địa tu, không phải là địa lìa nhiễm, nghiệp bất thiện hơn, nghiệp thiện kém.

Lại nữa, trong cõi dục pháp bất thiện khó đoạn, khó phá, khó có thể vượt qua, pháp thiện thì không như thế.

Lại nữa, vì trong cõi dục căn bất thiện rất mạnh, còn căn thiện thì yếu kém.

Lại nữa, vì trong cõi dục bất thiện như chủ, còn thiện như khách.

Lại nữa, vì trong cõi dục nhân của pháp bất thiện thường xuyên tăng trưởng, còn nhân của pháp thiện thì không như thế.

Lại nữa, vì trong cõi dục căn bất thiện có thể đoạn căn thiện, còn căn thiện không thể đoạn căn bất thiện.

Lại nữa, trong cõi dục oai nghi lẫn lộn cũng như chồng vợ, vì pháp bất thiện tăng, pháp thiện giảm.

Lại nữa, trong cõi dục oai nghi không phức tạp như con của hàng Chiên Đồ La cùng với con của kẻ giặc đồng ở trong ngục tù, vì pháp bất thiện tăng, pháp thiện giảm.

Lại nữa, trong cõi dục không có vật chứa lớn có thể nhận lấy đến một kiếp dị thục của nghiệp thiện.

Hỏi: Há không có châu bãi, sơn vương Diệu Cao, bảy Kim sơn v.v… là vật chứa đựng lớn cả một kiếp chăng?

Đáp: Những thứ đó là quả tăng thượng, không phải là quả dị thục. Nay vì căn cứ vào quả dị thục nên nói như thế. Lại nữa, nghiệp thiện trong cõi dục tăng thượng tột bậc cũng có thể chiêu cảm một kiếp dị thục. Như thế, nghiệp thiện cần phải lìa Đắc của phẩm thứ chín nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nghiệp đã lìa nhiễm, quyết định không thể dẫn phát quả của chúng đồng phần. Thế nên cõi dục không khéo có thể thọ nhận một kiếp dị thục.

Lại nữa, trong các pháp thiện, phẩm tối thượng là thiện vô lậu, thì thiện vô lậu ấy không có dị thục. Trong thiện hữu lậu, phẩm tối thượng là thiện nơi Hữu đảnh, nhưng cõi đó không phải là cõi dục. Vì thế nghiệp thiện của cõi dục không có một kiếp dị thục. Trong nghiệp bất thiện phẩm hơn hết là nghiệp dẫn phát chúng đồng phần vô gián. Do vậy, nghiệp dẫn đó có một kiếp dị thục.

Hỏi: Vì sao nghiệp thiện tăng thượng tột cùng có thể chiêu cảm đến tám vạn đại kiếp nơi Hữu đảnh, còn nghiệp bất thiện chỉ chiêu cảm một trung kiếp?

Đáp: Vì nghiệp thiện có nhiều cõi, nhiều địa tu tập, còn các nghiệp bất thiện thì không như vậy.

Hỏi: Vì sao trong cõi dục nghiệp bất thiện có quả dị thục của năm nẻo, còn nghiệp thiện thì không như thế?

Đáp: Những gì đã nói trước nay đều là nhân này. Nghĩa là trong cõi dục nghiệp bất thiện là hơn. Ở đây lại có một nhân không chung, nghĩa là cõi dục là thửa ruộng không tốt. Như có thửa ruộng cằn cỗi, mầm giống tốt cũng khó gieo trồng, vì cỏ dại dễ mọc. Cõi dục cũng như thế, nghiệp thiện khó tốt tươi, nghiệp bất thiện dễ sinh. Do đó, nghiệp bất thiện ở trong toàn một nẻo và phần ít của bốn nẻo thọ nhận quả dị thục, còn nghiệp thiện chỉ ở nơi phần ít của bốn nẻo thọ nhận quả dị thục.

Có Sư khác nói: Vì thiện cùng với bất thiện đều có sự việc hơn hẳn, vì thế không nên nêu vấn nạn. Nghĩa là nghiệp bất thiện thọ nhận quả của năm nẻo không khắp ba cõi, còn nghiệp thiện thì thọ nhận quả khắp cả ba cõi, không khắp năm nẻo. Đều có sự việc hơn hẳn: Nghĩa là nghiệp thiện ác đều thọ nhận quả dị thục khắp cả bốn loài và đều có thể thọ nhận dị thục của năm uẩn.

Như Khế kinh nói: Nghiệp là nhân của mắt. A-tỳ-đạt-ma nói: Đại chủng là nhân của mắt, tức kinh kia lại nói: Mắt là nhân của mắt.

Hỏi: Ba thuyết như thế há không mâu thuẫn nhau?

Đáp: Không có lỗi trái nhau. Vì căn cứ vào nhân dị thục, nên trong Khế kinh nói: Nghiệp là nhân của mắt. Dựa vào nhân sinh, nhân nương, nhân trụ, nhân gìn giữ, nhân nuôi dưỡng, nên A-tỳ-đạtma nói: Đại chủng là nhân của mắt. Dựa vào nhân đồng loại, nên kinh kia lại nói: Mắt là nhân của mắt.

Hỏi: Nếu đại chủng và mắt cũng là nhân của mắt, vì sao Khế kinh chỉ nói: Nghiệp là nhân của mắt?

Đáp: Vì nghiệp là gốc. Như nói: Do các thứ lực dụng khác nhau của nghiệp nên thiết lập những nẻo có vô số sai biệt, cho đến do các thứ lực dụng khác nhau của căn nên thiết lập Bổ-đặc-già-la có vô số sai biệt.

Lại nữa, nghiệp là nhân sai biệt của hữu tình. Nghĩa là do nghiệp, nên hữu tình có đẹp xấu, sang hèn sai biệt.

Lại nữa, nghiệp là nhân sai biệt của bảy chúng, nghĩa là do nghiệp nên có những phép tắc mẫu mực khác nhau như Bí-sô v.v…

Lại nữa, nghiệp có khả năng phân biệt quả ái, phi ái có sai biệt.

Lại nữa, nghiệp là tướng có thể biểu hiện về ngu, trí.

Lại nữa, nghiệp là dấu ấn nơi chúng sinh khiến có sai khác.

Lại nữa, các căn sai biệt là do nghiệp khác nhau, như mầm sai biệt là do hạt giống khác nhau.

Lại nữa, các loài hữu tình thọ lượng tăng giảm, tiến thoái, hưng suy đều do nghiệp.

Lại nữa, các giới, các nẻo, các loài sai biệt đều do nghiệp.

Do những thứ nhân duyên như thế, nên Khế kinh chỉ nói: Nghiệp là nhân của mắt.

Như Khế kinh nói: Về tội sát sinh, thường xuyên hành tập rộng khắp, sẽ bị đọa vào địa ngục, bàng sinh, nẻo quỷ. Về sau sinh trong loài người, thọ mạng ngắn ngủi.

Hỏi: Là do nghiệp này nên đọa vào các nẻo ác, tức do nghiệp này nên thọ mạng ngắn ngủi chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Do nghiệp ác này nên đọa vào các nẻo ác, tức do nghiệp này nên trở lại sinh trong loài người, thọ mạng ngắn ngủi. Kinh kia không nói là có nguyên nhân riêng.

Lại có thuyết cho: Do gia hạnh sát sinh nên bị đọa vào các nẻo ác. Do căn bản sát sinh nên về sau sinh trong loài người, thọ mạng ngắn ngủi.

Lại có thuyết nêu: Đọa vào các nẻo ác là quả dị thục của sát sinh. Về sau sinh trong loài người thọ mạng ngắn ngủi là quả đẳng lưu của sát sinh v.v…

Lại có thuyết biện: Do giết hại mạng sống nên bị đọa vào các nẻo ác, do ăn thịt chúng sinh kia nên về sau sinh trong loài người thọ mạng ngắn ngủi.

Lại có thuyết cho: Kẻ giết hại sinh mạng có hai lỗi lầm: 1. Khiến cho kẻ kia thọ khổ không phải yêu thương. 2. Đoạn dứt thọ mạng đáng yêu mến của kẻ kia. Do khiến cho kẻ kia thọ khổ, không phải yêu thương, nên bị đọa vào các nẻo ác. Do đoạn dứt thọ mạng đáng yêu mến của kẻ kia nên về sau sinh trong loài người thọ mạng ngắn ngủi.

Tôn giả Thế Hữu nói: Trong loài người thọ mạng ngắn ngủi không phải là quả dị thục của nghiệp giết hại, vì tám căn như mạng nơi nẻo người, trời là dị thục, chỉ là quả dị thục của nghiệp thiện. Nhưng kẻ tạo nghiệp, xưa kia ở trong loài người, trước đã tạo nghiệp có khả năng dẫn phát thọ mạng của con người, sau đó lại gây nghiệp giết hại sinh mạng. Nghiệp này cùng với việc làm tổn hại trước là nghiệp trước, nên nhận thọ mạng hai mươi tuổi. Do gây tổn hại của nghiệp sau, nên chỉ thọ nhận mười tuổi. Do vậy, thọ mạng của con người ngắn ngủi không phải là quả dị thục kia. Như Khế kinh nói: Con người lúc lên mười tuổi, do có thể thọ nhận hành nghiệp đạo thiện, nên là nam nữ đã sinh ra, thọ mạng hai mươi tuổi.

Hỏi: Không có lý người khác tạo nghiệp, người khác thọ nhận quả. Vì sao cha mẹ sống mười tuổi tu thiện khiến sinh con thọ mạng hai mươi tuổi?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Tức người mười tuổi cùng tu thiện, mạng chung chuyển làm người con hai mươi tuổi, nên không có lỗi người khác làm, người khác thọ nhận.

Đại đức nói: Quả dị thục của nghiệp đều có quyết định riêng. Nghĩa là nghiệp hai mươi tuổi chiêu cảm quả hai mươi tuổi, cho đến nghiệp tám vạn tuổi, chiêu cảm quả tám vạn tuổi. Tuy nhiên, do nghiệp của cha mẹ tu thiện, khiến chỗ tạo nghiệp của người con có thể cho quả, tuy không có lý người khác tạo nghiệp, người khác thọ nhận quả, nhưng có nghĩa cũng tạo duyên nơi nghiệp cho quả.

Hỏi: Người lúc lên mười tuổi không sát sinh v.v… có thành tựu nghiệp đạo không?

Đáp: Có thuyết nói: Việc người đó làm không phải là nghiệp đạo, chỉ cùng lập chế sự sống không giết hại v.v…, vì không có tâm tăng thượng với ý quyết định thọ trì không sát sinh v.v…

Có Sư khác cho: Cũng là nghiệp đạo, vì người kia cũng chuyên tâm, lần lượt tương đối nhận sự xa lìa.

Lại nữa, Luận Thi Thiết nói: Có bốn thứ chết:

1. Vì thọ mạng hết nên chết, không phải vì của cải hết. Như có một loại người có nghiệp thọ mạng ngắn và nghiệp của cải nhiều. Về sau này người ấy vì thọ mạng hết nên chết, không phải vì tài sản hết.

2. Vì của cải hết nên chết, không phải vì thọ mạng hết. Như có một loại người có nghiệp của cải ít và nghiệp thọ mạng lâu dài. Về sau người đó vì của cải hết nên chết, không phải vì thọ mạng hết.

3. Vì thọ mạng hết nên chết và của cải hết. Như có một loại người có nghiệp thọ mạng ngắn và nghiệp của cải ít. Về sau người ấy vì thọ mạng hết nên chết và vì của cải hết.

4. Không phải vì thọ mạng hết nên chết cũng không phải vì của cải hết. Như có một loại người có nghiệp thọ mạng dài và nghiệp nhiều tài sản. Sau này tuy cả hai thọ mạng và tài sản đều chưa hết, nhưng vì gặp phải duyên xấu ác nên chết không phải lúc.

Người tạo luận kia vì muốn làm rõ có cái chết thình lình nên nói như vậy. Đức Phật tuy tài sản thọ mạng đều chưa hết nhưng nhập Niết-bàn, tuy nhiên không phải là mạng chung thình lình, vì biên vực nơi định lực đã hoàn thành, vì công đức uy lực chưa cùng tận. Những hữu tình khác nơi phần vị mạng chung oai lực đã cùng tận. Đức Phật thì không như thế.

Lại nữa, Luận Thi Thiết nói: Từng có trường hợp không thọ nhận dị thục của nghiệp thuận hiện pháp thọ mà thọ nhận dị thục của hai nghiệp thuận thứ sinh thọ và dị thục của nghiệp thuận hậu thứ thọ chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là dị thục của nghiệp thuận hiện pháp thọ không hiện tiền. Còn dị thục của hai nghiệp thuận thứ sinh thọ và thuận hậu thứ thọ hiện tiền.

Từng có trường hợp không thọ nhận dị thục của nghiệp thuận thứ sinh thọ mà thọ nhận dị thục của hai nghiệp thuận hiện pháp thọ và nghiệp thuận hậu thứ thọ chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là dị thục của nghiệp thuận thứ sinh thọ không hiện tiền. Còn dị thục của hai nghiệp thuận hiện pháp thọ và nghiệp thuận hậu thứ thọ hiện tiền.

Từng có trường hợp không thọ nhận dị thục của nghiệp thuận hậu thứ thọ mà thọ nhận dị thục của hai nghiệp thuận hiện pháp thọ và nghiệp thuận thứ sinh thọ chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là dị thục của nghiệp thuận hậu thứ thọ không hiện tiền. Còn dị thục của hai nghiệp thuận hiện pháp thọ và nghiệp thuận thứ sinh thọ hiện tiền.

Hỏi: Hàng phàm phu hữu học cũng nên có sự việc như thế. Vì sao Luận kia chỉ nói bậc A-la-hán?

Đáp: Chỉ bậc A-la-hán có định, tuệ thù thắng, huân tu nơi thân, nên mới có khả năng như thế, còn hàng phàm phu hữu học thì không có sự việc như thế.

Lại nữa, chỉ bậc A-la-hán có khả năng khéo nhận biết về nghiệp của mình có gần, có xa, nghiệp nào có thể chuyển, nghiệp nào không thể chuyển. Các thứ có thể chuyển thì dùng lực tu tập để chuyển. Nếu không thể chuyển thì dẫn phát hiện tiền, không thọ hậu hữu. Ví như có người định đi đến nước khác, nhưng các chủ nợ hiện có đều đến trước mặt, nên kẻ ấy vội quay trở lại để trả nợ. Đây là nói mãn nghiệp có thể có sự việc này, vì nghiệp chúng đồng phần không cùng thọ nhận. Lại vì một sự tương tục không đoạn dứt sự nối tiếp.

Có Sư khác nói: Có nghiệp nơi đời trước tùy thọ nhận dị thục nhưng có tàn dư, đến bây giờ chứng đắc quả A-la-hán, do lực tu tập thù thắng và sức quyết định lựa chọn dẫn phát hiện tiền thọ nhận. Chỉ có A-la-hán mới có khả năng như thế, nên Luận kia nói riêng.

Hỏi: Nhân dị thục lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Là hết thảy pháp hữu lậu bất thiện, thiện.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là nhân dị thục? Dị thục là nghĩa gì?

Đáp: Khác loại mà thục (chín) là nghĩa của dị thục. Nghĩa là nhân thiện, bất thiện lấy vô ký làm quả. Quả này là nghĩa chín như trước đã nói. Nhân dị thục này nhất định thông hợp cả ba đời và có quả dị thục.

***

* Thế nào là Nhân năng tác? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì ngăn chận Tông chỉ của người khác, nhằm làm sáng tỏ chánh lý. Nghĩa là hoặc có lối chấp: Các pháp khi sinh không do nhân mà sinh như các ngoại đạo. Nhằm ngăn chận lối chấp của họ, đồng thời làm sáng tỏ các pháp sinh quyết định có nhân.

Hoặc lại có lối chấp: Các pháp khi sinh tuy do nhân sinh nhưng khi chúng diệt thì không do nhân diệt như phái Thí Dụ. Nhằm ngăn chận lối chấp đó và để làm sáng tỏ các pháp sinh diệt đều có nhân.

Hoặc lại có lối chấp: Chỉ pháp hữu vi là có khả năng làm nhân, không phải là pháp vô vi. Nhằm ngăn chận lối chấp đó và làm sáng tỏ pháp vô vi cũng có khả năng tạo nhân.

Hoặc lại có lối chấp: Các nhân năng tác đều có tác dụng nhận quả cho quả. Nhằm ngăn chận lối chấp đó và làm sáng tỏ nhân năng tác cũng có trường hợp không thể nhận quả cho quả, song không bị chướng ngại, cũng lập làm nhân.

Hoặc lại có lối chấp: Tự tánh đối với tự tánh cũng là nhân năng tác. Nhằm ngăn chận lối chấp đó và chỉ rõ tự tánh đối với tự tánh không thể làm nhân.

Hoặc lại có lối chấp: Các pháp vô vi cũng có nhân năng tác. Nhằm ngăn chận lối chấp như thế và làm sáng tỏ pháp hữu vi có nhân năng tác, không phải là pháp vô vi.

Hoặc lại có lối chấp: Pháp sau đối với trước không phải là nhân năng tác. Nhằm ngăn chận lối chấp đó và làm sáng tỏ nhân năng tác đối với các pháp trước, sau và cả hai đều có thể làm nhân.

Vì nhằm ngăn chận những lối chấp bị diệt đó và chỉ rõ về nhân đúng đắn nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là Nhân năng tác?

Đáp: Mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Nhãn thức này do mắt, sắc kia và pháp tương ưng, pháp cùng có với nhãn thức. Và tai tiếng, nhĩ thức, hương mũi, tỷ thức, lưỡi vị, thiệt thức, thân tiếp xúc, thân thức, ý pháp, ý thức. Có sắc, không sắc, có thấy, không thấy, có đối, không đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi v.v… tất cả các pháp ấy là nhân năng tác trừ tự tánh của chúng.

Như nhãn thức, thì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức cũng như thế. Đó gọi là nhân năng tác.

Trong đây, pháp tương ưng và pháp cùng có: Nghĩa là các pháp tương ưng và cùng có của nhãn thức.

Hỏi: Pháp hai môn của sáu thứ như mắt, sắc v.v… ở trước, hoặc pháp ba môn của sáu thứ khéo nêu bày khéo giải thích, thiết lập chỉ rõ Thể của tất cả pháp là nhân năng tác, nghĩa đó đã đủ, vì sao còn nói hai pháp của năm thứ như có sắc, không sắc v.v…?

Đáp: Vì trước là nói rộng, sau là nói lược. Trước là nói riêng, sau là nói chung. Trước là nói có phân biệt, sau là nói không phân biệt. Trước là nói dần dần, sau là nói tức khắc. Như thế là nêu bày về nghĩa đó một cách rõ, sáng.

Hỏi: Ở đây vì sao không chỉ nói: Thế nào là nhân năng tác, đáp là: Tất cả pháp?

Đáp: Nếu nói như thế thì thành ra tự tánh cùng với tự tánh làm nhân năng tác sao?

Hỏi: Nếu thế vì sao không nói như vầy: Thế nào là nhân năng tác? Đáp: Tất cả pháp, trừ tự tánh của chúng.

Đáp: Nếu nói như thế thì thành ra vô vi cũng có nhân năng tác, vì không phân biệt riêng.

Hỏi: Nếu thế vì sao không nói như vầy: Thế nào là Nhân năng tác? Đáp: Là tất cả pháp hữu vi, trừ tự tánh của chúng.

Đáp: Nếu nói như thế thì thành ra pháp vô vi không phải là nhân năng tác.

Hỏi: Vì sao trong đây chỉ nói sáu thức dùng những pháp khác làm nhân năng tác, không phải là pháp hữu vi khác?

Đáp: Vì thức đối với các pháp là tối thắng. Ở đây sáu nhân đều căn cứ theo chỗ thù thắng mà nói, đều không tận lý.

Hỏi: Nếu thế thì nhãn thức, trừ tự tánh của nó, hết thảy pháp còn lại đều là nhân năng tác. Vì sao trong đây trước nói mắt, sắc, kế đến nói pháp tương ưng cùng có với nhãn thức, rồi sau nói tất cả pháp như tai v.v…?

Đáp: Mắt, sắc và nhãn thức làm đối tượng nương dựa, đối tượng duyên là nghĩa của nhân năng tác có uy lực tác dụng mạnh. Pháp tương ưng cùng có với nhãn thức làm uy lực, tác dụng gần của nhân năng tác. Vì các pháp như nhĩ v.v… thì không như thế, nên nói sau.

Hỏi: Vì sao tự tánh đối với tự tánh không phải là nhân năng tác?

Đáp: Nếu tự tánh đối với tự tánh làm nhân năng tác thì thành ra nhân quả đều là chủ thể tạo tác, đối tượng được tạo tác, chủ thể sinh khởi, đối tượng được sinh khởi, chủ thể dẫn phát, đối tượng được dẫn phát, chủ thể tương hợp, đối tượng được tương hợp, chủ thể chuyển đổi, đối tượng được chuyển đổi, chủ thể tiếp nối, đối tượng được tiếp nối, đều có nhân quả không khác nhau. Vì hai nhân quả đã có sự khác nhau nên đối với tự tánh chúng không phải là nhân năng tác.

Lại nữa, tự tánh đối với tự tánh vì không ích lợi, không tổn hại, không tăng, không giảm, không thành, không hoại, không tiến, không thoái, nên không phải là nhân năng tác.

Lại nữa, tự tánh đối với tự tánh vì không phải là nhân (duyên), không phải là đẳng vô gián, không phải là sở duyên, không phải là tăng thượng, nên không phải là nhân năng tác.

Lại nữa, nếu tự tánh đối với tự tánh là nhân năng tác, tức trái với các sự việc hiện thấy ở thế gian. Nghĩa là như đầu ngón tay không tự tiếp xúc, mắt không tự thấy, dao không tự cắt lấy. Những người có sức mạnh không thể tự gánh vác. Tất cả như thế v.v…

Lại nữa, tự tánh đối với tự tánh, vì không có tự tại, không có quán đối, nên không phải là nhân năng tác.

Lại nữa, vì tự tánh không dựa vào tự tánh, do vậy không phải là nhân năng tác. Như người nương vào gậy mới đứng dậy được, bỏ gậy là ngã. Tự tánh đối với tự tánh không có nghĩa như vậy.

Lại nữa, không có phần chướng ngại là nhân năng tác. Vì tự tánh của các pháp tạo chướng ngại cho tự tánh, nên không phải là nhân năng tác.

Chướng ngại có hai thứ: 1. Về thế tục, như người ở trên giường, làm chướng ngại cho người khác. 2. Về thắng nghĩa, như tự tánh chướng ngại tự tánh, khiến không được tự tại.

Lại nữa, nếu tự tánh đối với tự tánh là nhân năng tác, nên nói vô minh duyên nơi vô minh v.v… không phải là vô minh duyên nơi hành v.v…, nên nói nhãn thức làm duyên sinh ra nhãn thức v.v… không phải là mắt, sắc làm duyên sinh ra nhãn thức v.v…. Do vậy, tự tánh đối với tự tánh không phải là nhân năng tác, nghĩa đó là quyết định.

HẾT – QUYỂN 20