MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa
Bài Kinh Nhỏ Hay Bài Kinh Vượt Qua
Bát Nhã Tâm Kinh không phải chỉ là bài kinh nhỏ của bộ kinh Đại Bát Nhã mà còn là tinh yếu hay trái tim của bộ kinh ấy.
Bài kinh nhỏ này chỉ hơn hai trăm chữ, trong hơn hai trăm chữ ấy, chỉ gói trọn trong bốn chữ “Ngũ uẩn giai không”. Và trong bốn chữ ấy, chỉ gói trọn trong một chữ “không” mà thôi.
Bài kinh ấy chỉ có một chữ “không” mà ta học suốt cả cuộc đời vẫn không thuộc. Và nếu ta có thuộc được chữ “không” ấy chăng nữa, cũng chỉ là ngôn ngữ, cũng chỉ là những khái niệm và kiến thức của ký ức.
Ta dùng ngôn ngữ để diễn tả về “không”, chẳng khác nào chàng họa sĩ vẽ thêm cho những chú rắn đôi chân. Ta dùng những kiến thức và khái niệm để diễn tả về
“không”, thì chẳng khác nào người Việt Nam đến đất Mỹ hay người Mỹ đến Việt Nam trên bản đồ.
Ta dùng ký ức để diễn tả về “không”, chẳng khác nào chú bò nhai lại những thực phẩm mà ngày hôm qua chú dùng không hết, cất vào túi ướm, để sáng nay nhai lại.
Ta không nói về “không”, mà ta chỉ thực tập và sống với “không”; ta không diễn đạt về “không” bằng những khái niệm và kiến thức mà chính bằng cuộc sống. Tự thân của “không” mà Bát Nhã Tâm Kinh đã hiển thị cho ta không phải là điều gì bí hiểm và xa lạ, mà chính ngay nơi sự hòa điệu của thân tâm ta và ngay nơi cuộc sống của ta và chung quanh ta mỗi ngày.
Chính “không” là cuộc sống hòa điệu tuyệt đối giữa những cái này và những cái kia; giữa những cái kia và những cái này, nên đối với không gian, chúng hiện hữu mà không có lằn mức của biên giới và đối với thời gian, chúng hiện hữu mà không bị chi phối bởi sinh và diệt.
“Không” là vậy, nên trong “không”, không có ý niệm về ngã hay phi ngã, về pháp hay phi pháp.
Hễ còn ý niệm về ngã hay phi ngã, về pháp hay phi pháp, thì không phải là “không” mà Bát Nhã Tâm Kinh đã hiển thị cho ta tu học.
“Không” là vậy, nên trong “không”, không có ý niệm về sinh tử hay niết bàn, phiền não hay bồ đề.
Hễ còn ý niệm về sinh tử hay niết bàn, phiền não hay bồ đề, thì không phải là “không” mà Bát Nhã Tâm Kinh đã hiển thị cho ta tu học.
“Không” là vậy, nên trong “không”, không có ý niệm về không đối lập với có, hay có đối lập với không; sinh đối lập với diệt, diệt đối lập với sinh; thiện đối lập với ác, ác đối lập với thiện; thất bại đối lập với thành công, thành công đối lập với thất bại; thường đối lập với vô thường hay vô thường đối lập với thường,…
Hễ còn có những ý niệm đối lập và ý niệm không đối lập, thì không phải là “không” mà Bát Nhã Tâm Kinh đã hiển thị cho ta tu học.
Hễ còn có đối lập, thì còn có ý niệm; hễ còn có ý niệm thì còn có điên đảo; hễ còn có điên đảo thì còn có vọng tưởng; hễ còn có vọng tưởng thì còn có sợ hãi; hễ còn có sợ hãi thì còn có khổ đau. Hết ý niệm thì hết đối lập; hết đối lập thì hết điên đảo; hết điên đảo thì hết vọng tưởng; hết vọng tưởng thì hết sợ hãi; hết sợ hãi thì mọi khổ đau đều chấm dứt.
Vì vậy, bài Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh giúp cho ta phương pháp chặt đứt gốc rễ của chiến tranh đưa ta trở lại với đời sống hòa bình; là bài kinh giúp cho ta phương pháp chặt đứt gốc rễ của mọi khổ đau, đưa ta trở lại với đời sống an lạc; là bài kinh giúp cho ta phương pháp chặt đứt mọi gốc rễ chia rẽ, phân hóa và độc tài, đưa ta trở lại với đời sống hòa hợp, đoàn kết, thống nhất và toàn diện. Bài kinh giúp cho ta có cái thấy dung hợp toàn diện, lành mạnh, không khuyết tật, vượt ra khỏi mọi biên giới hữu ngã và giúp cho ta biết hành sử với nhau trong sự tôn trọng và thương yêu, để cùng nhau sống chung trong hòa bình và trân quí sự sống hòa bình trong từng khoảnh khắc.
Bài kinh ấy, ta đã học và tụng hoài từ vô lượng kiếp, nhưng ta vẫn là kẻ nghèo cùng khốn khổ, ta vẫn là kẻ đã tạo ra khổ đau cho chính ta và mọi người, ta là kẻ phạm tội và đồng lõa với chiến tranh, và ta đã dong ruổi miệt mài trong bóng tối, là vì do ta chỉ học, tụng mà không thuộc. Hoặc vì ta chỉ thuộc lòng mà không hiểu. Hoặc hiểu mà không biết. Hoặc biết mà không sống. Hoặc sống mà không thành khẩn và không nhất tâm.
Do ta không thành khẩn và không nhất tâm, nên mọi ý niệm nhị nguyên trong tâm ta sinh khởi. Và mỗi khi ý niệm nhị nguyên sinh khởi nơi tâm ta, thì ngã tưởng và pháp tưởng cũng từ đó mà hiển bày trong đời sống của ta. Chúng tạo ra sự phân hóa và kỳ thị cho ta rằng: “Cái này là tôi, cái này không phải là tôi và cái này không phải là của tôi”.
Cứ như thế mà phân biệt, cứ như thế mà kỳ thị, cứ như thế mà chia rẽ, cứ nhứ thế mà chiến tranh. Từ chiến tranh tư tưởng đến chiến tranh miệng lưỡi; từ chiến tranh miệng lưỡi đến chiến tranh binh khí; và từ chiến tranh cá nhân đến chiến tranh cộng đồng, từ chiến tranh cục bộ đến chiến tranh toàn thể.
Ngã tưởng càng to, thì pháp tưởng càng lớn, khiến cho khổ đau càng nhiều và thất bại càng lắm. Ta khổ đau và thất vọng là vì do ta có vọng tưởng về ngã. Nếu ta không chấp ngã thì lấy gì để khổ đau và nếu ta không chấp ngã thì lấy gì để thất vọng?
Do đó, đây là bài kinh quý báu, đưa mọi người và mọi loài đi tới với nhau, cùng nhau sống chung hòa bình, an lạc trong tự tính vô ngã và phi vô ngã của vạn hữu.
Bài kinh ấy đã tháo gỡ và giải quyết triệt để mọi vướng mắc cho chúng ta, phục hồi đời sống hòa bình và tự do cho ta, mà do ta vụng dại, nên đã bị đánh mất từ vô lượng kiếp.
Vì vậy, bài kinh tuy nhỏ, mà hàm chứa năng lượng phi thường. Bài kinh tuy một chữ, mà không có bất cứ loại chữ nghĩa nào có thể địch nổi và vượt qua, mà chỉ có bài kinh ấy là vượt qua tất cả. Nó không phải chỉ vượt qua những cái khác nó, mà nó còn vượt qua tất cả những cái gì của chính nó nữa, ngay cả chữ “không” mà nó đang hiển thị ấy.