MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa

 

Cái Nhìn Mầu Nhiệm

Có những khi thực tập thiền quán, tôi tự nghĩ và tự mừng cho mình rằng: “Nhờ thiện duyên nhiều đời, mà đời này, sinh ra với tinh cha huyết mẹ, mình có đôi mắt không bị khuyết tật”.

Đôi mắt của ta bị khuyết tật, không phải do cha mẹ sinh ra, mà do một trong những thiện căn của ta đã bị khuyết tật từ nhiều đời, mà ta không nhận ra để điều chỉnh, nên đời này nó tiếp tục bị khuyết tật và có thể những khuyết tật ấy sẽ tiếp tục cả đời sau.

Điều này không có gì khó hiểu, nếu ta cần có một chút trầm tĩnh để suy nghĩ. Không có cha mẹ nào khi sinh con, muốn con của mình bị khuyết tật cả, thế mà có những người con bị khuyết tật từ cha mẹ sinh ra.

Trong việc sinh con, cha mẹ không phải là tác nhân mà chỉ là tác duyên. Nhân là ở nơi tự thân của người con và duyên là vừa ở nơi tự thân của người con và vừa ở nơi tự thân của cả cha mẹ.

Nếu cha mẹ có ý thức và tạo ra duyên tốt, thì hạt giống tốt nơi tác nhân của người con có cơ hội phát triển tùy thuận theo cái nhân tốt của nó vốn có. Và nếu cha mẹ có ý thức tạo ra duyên tốt, thì hạt giống xấu nơi tác nhân của người con không thể tự do phát triển, nó chỉ phát triển trong trạng thái tiềm ẩn và có thể sẽ bị triệt tiêu, khi tự thân của hạt giống đã bị mất thời hiệu.

Nếu cha mẹ không có ý thức tạo ra duyên tốt, thì hạt giống tốt nơi người con có cơ hội bị triệt tiêu hay bị khuyết tật. Và nếu đã bị khuyết tật lại càng bị khuyết tật thêm và vốn không bị khuyết tật sẽ bị khuyết tật.

Như vậy, hạt giống khi nẩy mầm mà bị khuyết tật hay bị triệt tiêu là do nghịch duyên. Duyên đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với tác nhân. Duyên có khả năng làm cho hạt giống vốn xấu lại càng thêm xấu. Duyên có khả năng làm cho hạt giống xấu trở nên tốt. Duyên có khả năng làm cho hạt giống tốt lại càng thêm tốt.

Vì sao vậy? Vì duyên có năng lực tác động trực tiếp vào nhân để cho nhân sinh khởi. Không những duyên có năng lực tác động trực tiếp vào nhân mà còn có khả năng tác động trực tiếp vào quả nữa. Vì sao vậy? Vì trong quả có nhân. Và nhân luôn luôn tiềm ẩn ở trong quả. Quả là hình tướng biểu hiện cụ thể của nhân qua những tác động của duyên.

Ví dụ một hậu quả xấu đã hình thành, ta nỗ lực khắc phục hậu quả, khiến cho hậu quả đó không thể tiếp tục kéo dài. Khắc phục bằng cách nào? Bằng cách không tạo thêm duyên cho những tác nhân đang tiềm ẩn ở trong hậu quả tiếp tục tồn tại và phát triển. Và nỗ lực chặt đứt cái nhân của quả ấy qua duyên.

Quả khổ hay vui, như ý hay không như ý đều sinh khởi từ nơi nhân thiện ác. Nhân ác dẫn sinh quả khổ. Nhân thiện dẫn sinh quả vui. Tâm là tác nhân của thiện ác và là xuất phát của mọi kết quả khổ vui, như ý hay không như ý.

Tâm khởi lên tác ý liên hệ đến tham, sân, si, kiêu mạn và chấp ngã với sự tác động và hỗ trợ của ác tri thức, lại được giáo dục bởi những chủ thuyết, học thuyết tai hại, sai lầm, thì nhất định khổ quả sẽ phát sinh. Ta nên nhớ rằng, nhân do tác động bởi tâm tham, thì hậu quả của nó xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu cũng bất như ý và khổ.

Tâm khởi lên tác ý liên hệ đến vô tham, vô sân, vô si, không kiêu mạn, từ bi và vô ngã, với sự tác động và hỗ trợ của những bậc thiện tri thức, lại được giáo dục bởi giáo pháp Giới, Định, Tuệ, thì nhất định khổ quả không thể phát sinh. Ta nên nhớ rằng, nhân do tác động bởi tâm vô tham, vô sân, vô si, khiêm tốn, từ bi và vô ngã, thì ở đâu và lúc nào cũng không có khổ quả. Không có khổ quả là như ý của sự thực hành hạnh vô tham. Vô tham là như ý. Hễ tham là bất như ý.

Nay, ta đang thực hành hạnh của tâm vô tham,… nhưng thân ta vẫn đang chịu khổ quả. Khổ quả ấy, không phải do thực hành tâm vô tham đem lại, mà nó là dư báo của tâm hữu tham trước đó của ta tạo ra còn lại. Ví như xe chạy ta đã tắt máy, nhưng vẫn còn đà. Hết đà, thì dứt khoát xe phải đứng lại, tài xế không cần phải đạp thắng.

Do quán chiếu nhân duyên, nhân quả ở nơi tâm mình như vậy, nên mỗi khi thọ nhận bất cứ cái gì, tôi cũng biết ơn sâu sắc và trân quý những phước đức tự thân đã có; trân quý nhân duyên phước đức sinh thành từ cha mẹ, những giáo dục từ thầy, những yểm trợ từ anh chị em, bạn bè, đồng loại và muôn loài.

Vì biết ơn tất cả, nên những gì đến với mình, dù vui hay buồn, dù như ý hay không như ý, đều hoan hỷ thọ dụng mà không lạm dụng. Mọi lạm dụng đều dẫn đến phản tác dụng. Ngay cả những lạm dụng cho những mục tiêu tốt đẹp.

Vì vậy, tôi đã sám hối với đôi mắt của tôi và hứa phải chăm sóc nó mỗi ngày. Tôi đã lạm dụng đôi mắt của tôi cho việc học hành, đọc sách, nghiên cứu và dịch thuật, mắt tôi đã bị yếu, hậu quả là do lạm dụng mắt để làm việc quá tải.

Nhờ chăm sóc mắt, mà vào mỗi buổi sáng sớm, tôi đều đưa mắt nhìn lên mặt trời và để cho mắt chạm vào mặt trời mười lăm phút với tâm định tĩnh bất động, mắt tôi đã cho tôi sự sáng trong trở lại như những ngày trước.

Không những vậy mà tôi còn phát hiện ra sự mầu nhiệm của cái nhìn. Trong đời sống không thể thiếu cái nhìn mà nhất là cái nhìn định tĩnh và sáng trong.

Một khi ta có cái nhìn định tĩnh, sáng trong, không những cái nhìn của ta chạm tới và tiếp xúc được với mặt trời của không gian vật lý, mà còn chạm tới và tiếp xúc được với mặt trời mầu nhiệm của không gian tâm linh nữa. Ta nên biết rằng, không có bất cứ một vật thể nào có thể chạm tới và tiếp xúc được với mặt trời, ngoại trừ cái thấy.

Ánh sáng của mặt trời vật lý và ánh sáng của mặt trời tâm linh, đang giao hòa với nhau, để giúp cho ta cái thấy và trong cái nhìn ấy, ta biết rằng, ta đang đứng ở đâu và ta sẽ đi về đâu giữa cuộc đời này. Và ta cũng thấy ngay cả trước đó ta chưa sanh là gì và sau đời này ta là gì nữa.

Cái thấy liên hệ đến những yếu tố vật lý, cái thấy ấy rất hạn chế, vì nó cần có chủ thể và đối tượng để thấy. Không có đối tượng, thì cái thấy không thể biểu hiện. Cái thấy liên hệ đến những yếu tố vật lý, nó chỉ có khả năng hoạt động trong phạm vi đối đãi.

Nếu không có đối đãi, thì chúng không thể hoạt động. Và vì vậy, những hoạt khởi của chúng luôn luôn ở trong phạm vi sanh diệt của tâm và cảnh. Tâm sinh khởi cảnh, cảnh tác động vào tâm, chúng cùng nhau đãi ngộ, khiến khởi sinh cái thấy sinh diệt.

Cái thấy tâm linh không liên hệ đến những yếu tố vật lý, nó liên hệ đến những yếu tố của tâm. Cái thấy của ta liên hệ đến niệm thanh tịnh, thì ngay giây phút đó cái thấy không bị các vọng niệm chi phối, nên nó thấy thực tại đúng như tự thân của thực tại. Cái thấy của ta liên hệ đến định thanh tịnh, thì ngay giây phút đó, không bị các loạn tưởng vọng động phân biệt và kỳ thị của tâm chi phối, nên nó thấy thực tại đúng như tự thân của thực tại. Cái thấy của ta liên hệ đến tuệ thanh tịnh, thì ngay giây phút đó, nó không bị cái biết của nhận thức và cái biết của trí phân biệt chi phối, nên nó thấy được tự thân thực tại đúng như là chính nó, mà không hề thông qua bất cứ khởi niệm và tác ý nào.

Cái thấy tự thân thực tại, không thông qua những khởi niệm và tác ý của tâm, đó là cái thấy của tuệ giác. Và đó là cái thấy của tự tánh giác ngộ. Cái thấy ấy là cái thấy nghiễm nhiên, thường tại và siêu việt. Vì sao? Vì nó vượt khỏi mọi ước lệ của thời gian vật lý và tâm thức, và nó cũng vượt khỏi mọi không gian quy ước của các vật thể và tâm thức. Cái thấy ấy tất cả chúng sanh đều có. Có từ khi nào? Không có khởi điểm, vì nó là vô thỉ. Nó kết thúc như thế nào? Nó không có kết thúc, vì nó là vô chung.

Xin cảm ơn và trân trọng, chắp tay và cúi đầu trước cái thấy mầu nhiệm. Thấy được cái thấy mầu nhiệm,

không phải là tôi và không phải là của tôi, mà tôi đã nhận được từ chư Phật, lịch đại Tổ sư, cha mẹ, thầy bạn, mọi người và mọi loài từ nhiều đời cũng như trong hiện thế, và nguyện đem công đức này, hồi hướng đến khắp tất cả mọi người và mọi loài sớm biết quay về tiếp nhận và sống với tuệ giác.