MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa

 

Buông Bỏ Ý Niệm Đối Lập

Ta hãy thực tập không quan tâm đến việc xấu của người là ta đã có 25% sự thanh thản tâm hồn trong cuộc sống; và ta lại tiếp tục thực tập không quan tâm đến việc tốt của người, thì sự thanh thản của tâm hồn sẽ đến với ta thêm 25% nữa.

Ta hãy thực tập tiếp, không quan tâm đến những điều xấu mà ta đã làm, dù ta làm trong bất cứ hoàn cảnh nào, là ta có thêm 50% sự bình an của tâm hồn.

Và ta lại tiếp tục thực tập, không quan tâm đến những việc tốt của ta đã làm, dù làm cho ta hay làm cho người, thì ta không còn nghi ngờ và đề phòng những sự phản bội từ những người khác, ta sẽ dẹp trừ được oán thù, hờn giận và trách móc ở trong tâm ta. Bước chân an lạc và thảnh thơi của ta có mặt một cách đích thực từ đó, mà không phải có từ những bước chân.

Ta không thể nào có những bước chân an lạc và thảnh thơi, khi ta không có một tâm hồn thảnh thơi và an lạc.

Nếu ta thực tập buông bỏ những ý niệm đúng và sai ra khỏi tâm ta bằng cách không nghĩ đến nó, khiến cho nó luôn luôn trống rỗng ở trong tâm ta, là ta sẽ có rất nhiều không gian của an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi.

Trong đời sống của ta không có hạnh phúc, không có an lạc, không có những bước chân thảnh thơi, không có những cái nhìn độ lượng và những nụ cười bao dung là do trong tâm ta chứa đầy ắp những ý niệm đúng sai ấy.

Vì vậy, tu tập là ta phải biết thực tập buông bỏ những ý niệm đó, khiến cho chúng trống rỗng ở trong tâm ta.

Những khổ đau và tai họa đến với ta không phải từ bên ngoài mà đến với ta từ nơi những ý niệm ấy. Ý niệm đúng sai càng hoạt động nơi tâm ta mãnh liệt chừng nào, thì đời sống của ta bị khổ đau và bất an chừng đó.

Và những ý niệm đúng sai càng trống rỗng nơi tâm thức ta bao nhiêu, thì ta càng có không gian tự do, hạnh phúc và an lạc rộng lớn bấy nhiêu.

Và, nếu những ý niệm ấy không còn hoạt động nơi tâm ta nữa, nghĩa là nó hoàn toàn rỗng lặng, bấy giờ hạnh phúc, an lạc và sự tự do của ta không còn bị bất cứ sự giới hạn nào nữa, mà nó là vô biên. Nó vô biên, vì tâm ta đã trở lại với bản tánh vô nhiễm và sáng trong từ thuở hồng hoang của nó.

Thực tập buông bỏ những ý niệm đúng sai, hơn thua, xấu tốt, ta và người,… ngay trong tất cả mọi không gian. Ta phải biết thực tập nó ngay nơi những không gian hoạt động của các nhận thức như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, để cho mọi hoạt động của ta liên hệ đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không bị rơi vào cạm bẫy của những ý niệm đối lập.

Mọi hoạt động của mắt không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập, ta sẽ có cách nhìn tự do đối với mọi hình và mọi sắc; mọi hoạt động liên hệ đến tai không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập là ta có cách nghe tự do đối với mọi âm thanh; mọi hoạt động liên hệ đến mũi không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập là ta có cách ngửi tự do đối với các hương vị; mọi hoạt động của lưỡi không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập là ta có cách nếm tự do đối với mọi mùi vị và ta có cách biểu hiện ngôn ngữ để diễn đạt mọi vấn đề một cách tự do; mọi hoạt động của thân không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập là ta có những hoạt động tự do của thân đối với những động tác đi đứng nằm ngồi, và những xúc chạm; và mọi hoạt động tâm ý của ta không bị rơi vào những cạm bẫy của không gian đối lập là ta có tâm ý tự do đối với những cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức, và ngay đó ta có tâm ý giải thoát, tâm ý rỗng lặng và giác ngộ.

Trên đời này không có một phép lạ nào có khả năng hiến tặng hạnh phúc và tự do cho ta, khi mà mọi hành hoạt của ta đang hành hoạt theo những ý niệm đối lập.

Ta hãy thực tập buông bỏ những ý niệm đối lập ấy một cách tinh cần trong mọi không gian và thời gian, thì đối với đời sống của ta, an lạc không phải là những ước mơ hão huyền mà là hiện thực và tự do không phải là van xin hay đấu tranh để đòi hỏi từ người khác hiến tặng hay nhượng bộ, mà phải biết tháo gỡ những gì đang trói buộc nơi tâm mình.