Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Biệt Giá Mã Trạch

CHÁNH VĂN:

(36) Quan Biệt giá Mã Trạch ở Tương Châu hỏi: Trạch ở nơi triều đình đã từng cung phụng, thưa hỏi các vị Tăng và Đạo sĩ trong thiên hạ, nhờ giải quyết các điều nghi ngờ của đệ tử, nhưng không sáng tỏ. Chẳng biết Thiền sư có giải quyết được điều nghi ngờ của Trạch không?

Đáp: Từ trước tới nay, tôi đã giải quyết các điều nghi cho mọi người, cũng không thiếu sót. Chẳng rõ Mã biệt giá nghi điều gì?

Mã biệt giá nói: Nay tôi muốn nói, nhưng e ngại Thiền sư không thể giải nghi cho Trạch.

Đáp: Chỉ cần Ngài nói ra, liền biết được hay chẳng được. Xưa nay Ngài không nói làm sao biết được?

Lúc đó, có Biệt giá Tô Thành, Trưởng sử Bùi Ôn, Tư mã Nguyên Quang Thiệu, ba vị nói: Ông nên nói ra với Thiền sư!

Mã biệt giá liền hỏi: Các vị Tăng trong thiên hạ đến Đế đình, chỉ nói nhân duyên không nói tự nhiên. Các Đạo sĩ trong thiên hạ đến Đế đình, tuy nói tự nhiên mà không nói nhân duyên?

Đáp: Các vị Tăng chỉ riêng lập nhân duyên không nói tự nhiên là Tăng ngu muội. Đạo sĩ chỉ riêng lập tự nhiên không nói nhân duyên là Đạo sĩ tối tăm.

GIẢNG:

Hỏi chư Tăng đến triều đình vua hỏi đạo thì nói lý nhân duyên, không nói tự nhiên. Còn các Đạo sĩ chỉ nói tự nhiên mà không nói nhân duyên. Như vậy là sao? Câu đáp của Ngài làm ta giật mình:

Các vị Tăng chỉ riêng lập nhân duyên không nói tự nhiên là Tăng ngu muội.

Vậy là chúng ta thuộc về Tăng ngu muội hết rồi, bởi mình cũng nói lý nhân duyên, chớ không bao giờ dám nói tự nhiên. Điều này thật ra nếu không thấy thấu suốt, chúng ta cũng bị kẹt.

CHÁNH VĂN:

Mã biệt giá nói: Nhân duyên trong Tăng gia có thể biết. Thế nào là lý tự nhiên của Tăng gia? Nếu là tự nhiên của Đạo gia thì đã biết. Thế nào là lý nhân duyên của Đạo gia?

Hòa thượng đáp: Tự nhiên của Tăng gia là Bản tánh của chúng sanh. Lại văn kinh đã nói: Chúng sanh có Trí tự nhiên, Trí vô sư. Đây là nghĩa tự nhiên. Nhân duyên trong Đạo sĩ gia, Đạo được gọi là tự nhiên. Đó là Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh muôn vật. Từ Đạo xuống dưới đều thuộc về nhân duyên. Nếu không có Đạo thì một từ đâu sanh. Nay nói một, là nhân Đạo mà lập; nếu không có Đạo, muôn vật không thể sanh. Nay nói muôn vật, là có Đạo mới có muôn vật; nếu không có Đạo cũng không có muôn vật, nay nói muôn vật đều thuộc về nhân duyên.

GIẢNG:

Đạo Phật nói nhân duyên là nói trên phương diện hình thức bên ngoài, thật ra bên trong đã có sẵn Tự nhiên trí, Vô sư trí rồi. Đó là tự nhiên trong Tăng gia. Nếu ta chỉ nói phần hình thức bên ngoài, bỏ quên phần cốt lõi bên trong thì không ngu là gì? Chỗ này thật khó, vì thường nói đến nhân duyên cũng là khá lắm rồi, không ngờ đó chỉ là bề nổi bên ngoài thôi, còn cái sâu thẳm bên trong là Tự nhiên trí, Vô sư trí mới là cốt lõi mà đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta. Vì vậy chỉ nói nhân duyên là Tăng ngu si.

Nhân duyên trong Đạo sĩ gia, Đạo được gọi là tự nhiên. Đó là Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh muôn vật.

Như từ Đạo sanh lưỡng nghi, lưỡng nghi sanh tứ tượng, tứ tượng sanh bát quát v.v…

Từ Đạo xuống dưới đều thuộc về nhân duyên.

Tức một hai ba về sau là nhân duyên.

Nếu không có Đạo thì một từ đâu sanh. Nay nói một, là nhân Đạo mà lập; nếu không có Đạo, muôn vật không thể sanh. Nay nói muôn vật, là có Đạo mới có muôn vật; nếu không có Đạo cũng không có muôn vật, nay nói muôn vật đều thuộc về nhân duyên.

Như vậy một là từ Đạo. Theo Lão gia Đạo là tự nhiên. Từ Đạo sanh một, sanh hai, sanh ba, sanh đủ thứ muôn vật hết, đây không phải nhân duyên là gì? Như vậy Đạo sĩ chỉ nói gốc mà bỏ ngọn nên cũng thành mê muội.

Ngài giải thế này là thấy tột mới dám nói, nếu thấy thường thì không dám nói. Như vậy chúng ta nói nhân duyên, nói Tứ đế, nói gì đi nữa cũng là trên phần nổi, đi tới chỗ cứu kính là Tự nhiên trí, Vô sư trí phát sanh. Đó mới là gốc. Tự nhiên trí, Vô sư trí là tự nhiên, không phải nhân duyên. Còn Đạo giáo nói tự nhiên không nói nhân duyên, vậy thì từ Đạo sanh ra lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, đó là gì? Nếu nói một phần bỏ một phần là mê muội.