MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa
Ngu Và Trí
Ta ngồi lặng lẽ một mình trên núi, ta có tâm an tịnh trong khung cảnh của núi, nhưng khi ta ngồi giữa phố người, mà tâm ta không được yên tịnh, như khi ta ngồi một mình ở trên núi, điều ấy khiến cho ta phải luôn luôn nhìn lại tâm ta, để biết nó đang là gì đối với cảnh.
Ta ngồi trên núi, ta chế ngự được tâm, nhưng ta ngồi giữa phố thị mà ta không chế ngự được tâm ta, điều ấy nhiều người cho rằng, đó là do cảnh, chứ không phải do tâm. Nhưng, đúng ra không phải do cảnh, mà chính do tâm ta vậy. Do ta không chế ngự được tâm ta hoàn toàn, nên khi tiếp xúc với cảnh là phiền não nơi tâm liền sinh.
Nếu các phiền nào trong tâm được chế ngự bởi thiền định và đã được quét sạch bởi tuệ, thì dù ở núi hay ở phố, dù ở trong cảnh thuận hay nghịch, thì tâm ta vẫn như như bất động.
Tâm ta động là do phiền não trong tâm ta khởi lên tương ứng với ngoại cảnh. Nếu tâm ta không còn phiền não, thì cảnh đâu có làm não loạn được tâm.
Vì vậy, người biết tu tập, mọi chuyện xảy ra cho họ, họ không bao giờ trách cứ hoàn cảnh mà họ chỉ trách cứ tâm họ. Và họ cũng không cần chạy rong ra ngoài để nhiếp phục hoàn cảnh, mà họ chỉ chuyên sâu vào nội tâm để nhiếp phục phiền não.
Phiền não nơi tâm là những gì? Đó là những tham dục. Một khi nơi tâm các dục không còn, thì các cảnh diễn ra trước mắt như tiền tài, danh vọng, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ đâu có kích động và cuốn hút được tâm. Trong hoàn cảnh thuận lợi cũng không kích thích được tâm tham ái, vì tham ái nơi tâm đã diệt. Và trong hoàn cảnh trái nghịch cũng không kích thích được tâm hận thù, vì những hạt giống hận thù nơi tâm không còn.
Người nào mà tham ái nơi tâm đã diệt, hận thù nơi tâm không còn, bóng dáng ngã chấp nơi tâm đã bị quét sạch bởi tuệ, thì người ấy ở đâu, cảnh cũng không làm động tâm, mà tâm của họ có khả năng soi chiếu suốt thông cả vạn cảnh.
Vì vậy, cùng một sự kiện xảy ra mà kẻ trí thì trách tâm, mà người ngu thì trách cảnh. Ngu và trí chỉ khác nhau ở điểm này, chứ không phải ở điểm nào khác.