Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

V. VIÊN MÃN THÀNH TỰU ĐỆ CỬU
(TT)

KINH VĂN:

A Nan văn Phật sở thuyết, bạch Thế Tôn ngôn:

Pháp Tạng Bồ Tát thành Bồ Đề giả, vi thị quá khứ Phật da? Vị lai Phật da? Vi kim hiện tại tha phương thế giới da?

Thế Tôn cáo ngôn:

Bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sinh, vô diệt, phi quá hiện vị lai. Đản dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại Tây phương, khứ Diêm Phù Đề bách thiên câu-chi na-do-tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc. Pháp Tạng thành Phật, hiệu A Di Đà. Thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp. Kim hiện tại thuyết  pháp, hữu vô lượng vô số Bồ Tát, Thanh Văn chi chúng, cung kính vi nhiễu.

VIỆT DỊCH:

A Nan nghe lời Phật dạy, bạch Thế Tôn rằng:

Pháp Tạng Bồ Tát chứng Bồ Đề là thành Phật trong quá khứ hay là Phật trong vị lai, hay hiện đang ở thế giới phương khác?

Thế Tôn bảo rằng:

Đức Như Lai ấy không từ đâu đến, chẳng đi về đâu, vô sinh, vô diệt, chẳng phải là quá khứ, hiện tại, vị lai, chỉ vì đáp tạ cái nguyện độ sinh nên hiện ở Tây Phương. Cách Diêm Phù Đề trăm ngàn câu-chi na-do-tha cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Pháp Tạng thành Phật hiệu là A Di Đà. Từ khi ngài thành Phật đến nay đã là mười kiếp, nay hiện tại thuyết pháp có vô lượng vô số Bồ Tát, Thanh Văn chúng cung kính vây quanh.

GIẢNG:

A Nan dựa trên mặt “sự” mà hỏi, đức Thế Tôn lại dùng “Lý” để đáp. Lý sự vô ngại khéo hiển thị Trung Đạo (sáu câu đầu trong đoạn này trích từ bản Tống dịch).

Thế Tôn bảo A Nan: “Bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ” (Đức Phật Như Lai ấy không từ đâu đến, chẳng đi về đâu). Đây là nói về mặt không gian, ngụ ý mười phương hư không chẳng rời khỏi chốn này. Chữ “bỉ Phật” là chỉ cho Phật A Di Đà. Câu này cùng nghĩa với câu trên Kinh Kim Cang “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” (Như Lai là chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai). Câu trả lời này hoàn toàn thuận theo Chân Đế, chính là nói chư Phật Như Lai và cảnh giới của Pháp Thân Bồ Tát chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề; thời gian và không gian họ đều đã đột phá.

Đột phá thời gian chính là không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Không gian nếu không tồn tại thì không có sự ngăn cách giữa thế giới này và thế giới tha phương, đây là chân tướng sự thật. Chữ Như Lai ở đây là nói đến tất cả các hiện tượng. Bất cứ hiện tượng nào cũng đều “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (tại nơi đây sinh ra và cũng tại nơi đây diệt tận).

– Sao gọi là “đương xứ xuất sanh tùy xứ diệt tận”?

– Trong Kinh Bồ Tát Xứ Thai, Bồ Tát Di Lặc đáp lời hỏi của đức Thế Tôn như sau: “Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức, một trăm ngàn niệm”. “Niệm niệm thành hình” đó là “xuất sanh”. Mỗi niệm sinh ra thì “sắc” (tức hiện tượng vật chất) liền xuất hiện; “hình giai hữu thức” (“thức” chính là hiện tượng tinh thần), “thọ- tưởng-hành-thức” xuất hiện. Tuy xuất hiện, nhưng đức Phật nói: ý niệm và hiện tượng đó, ngay nơi đó sinh ra và cũng tại nơi đó diệt tận! Ý niệm thứ hai lại lập tức khởi lên, hiện tượng vật chất và tinh thần lại xuất hiện và cũng diệt tận ngay nơi đó.

–  Ý niệm vi tế này tồn tại bao lâu?

– Nếu một giây có năm lần khảy móng tay thì trong một giây có đến một ngàn sáu trăm triệu lần ý niệm sinh diệt. Tốc độ sinh diệt này quá nhanh không thể nào nắm bắt, cho nên dùng “vô sinh, vô diệt” để nói lên sự việc này. Nên biết: Nếu thật sự không có sinh diệt mà nói “vô sinh, vô diệt” thì chẳng có ý nghĩa gì! Sinh diệt chính là không sinh diệt; không sinh diệt chính là sinh diệt.

Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh: Ý niệm tích lũy là nền tảng của vật chất. Nói cách khác, không có ý niệm thì không thể có hiện tượng vật chất. Chúng ta cho rằng vật chất là tồn tại, thật ra nó không tồn tại! Tần suất của ti-vi so với máy chiếu phim cao hơn rất nhiều. Tần suất càng nhanh khiến ta càng không thể cảm giác được, không thể nhìn thấy nó là giả, kỳ thật nó thật sự là giả; bao gồm cả thân thể, tư tưởng của chúng ta cũng toàn là giả, chớ cho là thật!

Sách Kim Cang Phá Không Luận của Linh Phong Đại sư (tức Ngẫu Ích Đại Sư) viết: “Dĩ chân như vô biệt xứ sở, khả tùng bỉ lai, sinh tử vô biệt xứ sở, khả tùng thử khứ. Cố dĩ hữu duyên sắc hiện, thí như thủy thanh nguyệt hiện, nguyệt thật bất lai. Duyên tận tắc ẩn, thí như thủy trược nguyệt ẩn, nguyệt thật bất khứ cố” (Do Chân Như chẳng phải ở chỗ nào khác nên từ đấy mà đến, sinh tử không phải là chốn nào khác nên từ đây mà đi. Do vậy, có duyên thì hiện, như nước trong thì trăng hiện, mặt trăng thật sự chẳng vào trong nước. Duyên hết liền ẩn, ví như nước đục trăng biến mất, trăng thật sự chẳng bỏ đi).

Hiện tượng này chúng ta đều có kinh nghiệm: Đêm tối nhìn xuống mặt hồ trong yên, phẳng lặng, ta thấy ánh trăng hiện trên mặt nước. Ánh trăng có đến trong hồ này chăng? Không có! Đây gọi là chỗ này xuất hiện. Nếu nước hồ đục, có gợn sóng thì ban đêm trăng sẽ không hiện. Ánh trăng không đến cũng không đi. Người mê không hiểu được chân tướng sự thật cho rằng hiện tượng là thật, là có đến, có đi. Mê gọi là pháp thế gian; ngộ gọi là pháp xuất thế. Thế gian và xuất thế gian là một chẳng phải hai.

Nên biết: Chân Như không có nơi chốn, nhưng bất cứ nơi nào nó cũng đều có, đây là “Pháp tánh”. Sanh tử là “Pháp tướng”, thể của “Pháp tướng” chính là Chân Như, nên “Pháp tướng” cũng không có nơi chốn, cũng là “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”, chỗ nào có duyên thì hiện, không có duyên thì nó ẩn. Trong Đại thừa Phật pháp có câu: “Thập phương hư không bất ly đương xứ; tam tế cổ kim, bất ly đương niệm”. Bởi lẽ, tận hư không biến pháp giới, sum la vạn tượng đều từ một vọng tưởng, một làn sóng động biến hiện ra nên “bất ly đương niệm, bất ly đương xứ”. Nếu chẳng tin, thử hỏi ban đêm nằm mộng, cảnh mộng có rời khỏi chiếc giường của ta chăng? Một tấc, một phân cũng chẳng rời khỏi!

Cái Như Lai Pháp Thân biến nhất thiết xứ cánh hà năng ngôn Pháp Thân tùng hà xứ lai, đáo hà xứ xứ. Nhất thiết xứ giai thị tự tánh Pháp Thân cố. Duy dĩ ngộ duyên nhi hiện lai khứ, thị cố kinh vân: “Đản dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại Tây phương, tức thử nghĩa dã” (Bởi Pháp Thân của Như Lai hiện diện khắp nơi nên chẳng thể bảo là Pháp Thân đến từ chỗ nào hay Pháp Thân đi về đâu! Vì hết thảy mọi chốn đều là tự tánh Pháp Thân vậy. Chỉ là gặp duyên thì hiện có đến đi, nên kinh mới nói: “Chỉ vì đáp tạ cái nguyện độ sanh nên hiện ở Tây Phương, chính là ý nghĩa này).

Trong Bách Pháp Minh Môn Luận, đem tất cả pháp thế và xuất thế gian qui nạp thành năm loại lớn: Tâm pháp, tâm sở hữu pháp, sắc pháp, bất tương ưng hành pháp, vô vi pháp.

– Thời gian và không gian thuộc phạm vi nào?

–  Thuộc “bất tương ưng hành pháp”!

Đây là khái niệm trừu tượng, không phải thật. Cho nên, thời gian và không gian cũng không phải thật. Tuy không phải thật, cũng không thể nói nó có hoặc không có. Hiện tại, Singapore bây giờ là buổi tối; ở Mỹ bây giờ là ban ngày. Singapore nơi đây là xích đạo, một ngày hai mươi bốn giờ. Nếu sống ở Nam hay Bắc cực, một ngày ở nơi đó là ba trăm sáu mươi ngày ở Singapore. Nam, Bắc cực nửa năm ban ngày, nửa năm ban đêm. Do đó một ngày một đêm ở Nam, Bắc cực bằng một năm ở Singapore.

Chỉ trên địa cầu này thôi mà đã có sự chênh lệch đến như vậy. Rời khỏi địa cầu ra, ở những tinh cầu khác thời gian và không gian lại càng khác xa. Cho nên, đức Phật trả lời tôn giả A Nan là từ trên chân tướng sự thật, từ trên lý thể của Pháp Thân mà nói. Chỗ mà A-Nan hỏi là dấu vết trong khái niệm của phàm phu chúng ta. A Nan hỏi là y theo Tục Đế; đức Phật trả lời là y theo Chân Đế, đây mới là chân tướng sự thật.

Chỉ có “vô vi pháp” mới là thật, “Pháp hữu vi” là giả. “Pháp hữu vi” là duyên sinh, có sinh có diệt. Trong “Pháp vô vi” có: “Thật pháp vô vi” và “Tương tợ vô vi”. Pháp Thân là “Chân Như vô vi” biến khắp mọi nơi mới là thật, cho nên căn bản là không có đến, đi. Có đến, có đi là giả; không có đến, đi mới là thật; chỉ là gặp duyên thì hiện có đến, đi.

– Duyên là gì?

– Là ý niệm của chúng sinh! Chúng sinh nghĩ đến Phật, Phật sẽ hiện tiền. Chúng sinh không nghĩ đến Phật thì Phật không xuất hiện. Chúng sinh nghĩ đến ma, ma sẽ hiện tiền; không nghĩ thì ma cũng không có! Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh! Người xưa nói: tự làm tự chịu! Không có một pháp nào chẳng phải là do ta tự làm. Lành dữ, họa phước đều do ta gây tạo!

Vô sinh, vô diệt, phi quá hiện vị lai” (Chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai). Đây là Phật trả lời về thời gian. Do vọng niệm của chúng sinh liên tục: “Tiền niệm diệt thị quá khứ, hạ niệm sinh thị vị lai” (Niệm trước đã diệt là quá khứ; niệm sau nảy sinh là vị lai). Hễ vọng niệm chẳng sinh thì cũng chẳng diệt, nên thời gian đâu có quá khứ, vị lai. “Hiện tại niệm niệm bất trụ cố vô hiện tại” (hiện tại niệm niệm chẳng trụ, nên chẳng có hiện tại). Vì vậy kinh Kim Cang nói: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” (Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được).

Thêm nữa, câu cuối cùng của sách Tín Tâm Minh là “Không quá khứ, vị lai, hiện tại”. Rõ ràng, tam thế cổ kim chẳng ngoài cái niệm ngay hiện tại.

Kinh Niết Bàn nói: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp, thị sinh diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” (Các hành vô thường là pháp sinh diệt. Sinh diệt đã diệt hết, tịch diệt là vui). “Chư hành vô thường”: chữ “hành” là hành vi, hành động. Khởi tâm động niệm là hành vi của ý; ngôn ngữ là hành vi của miệng; động tác của thân thể là hành vi của thân. Những hành vi này đều là vô thường, vì đây là pháp sinh diệt.

Tịch diệt vi lạc” (Tịch diệt là vui). “Vui” này không phải là “vui” của khổ vui mà là “Chân lạc” (niềm vui thật sự). Cái “vui” của khổ vui gọi là “vui quá sắp sầu lo”! Nó không phải thật! Nó có sự biến hóa!

Chương Quán Âm Viên Thông trong Kinh Lăng Nghiêm cũng ghi: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền” (Diệt hết sinh diệt thì tịch diệt hiện tiền). “Tịch diệt” chính là tự tánh, là Niết Bàn, là minh tâm kiến tánh mà Tông môn nói. Do đã chứng nhập vô sanh, đã vô sanh thì ắt sẽ vô diệt.

Đản dĩ thù nguyện độ sinh, hiện tại Tây Phương” (Chỉ vì đáp tạ cái nguyện độ sanh nên hiện ở Tây Phương). Chữ “hiện” ở đây là thị hiện; “Tây Phương” này là Phật phương tiện nói. Thật ra Tây Phương của thế giới Ta Bà chưa từng rời xa nơi này.

– Thật có Tây Phương chăng?

– Tục Đế nói là thật có Tây Phương; nhưng Chân Đế thì nói không có. Chân Đế là viên mãn! Chân Đế là nhất thể! Chân Đế vĩnh viễn không có phân ly! Là tự tánh thanh tịnh viên minh thể.

Nói theo Tục Đế: Địa cầu này hình tròn, nếu chúng ta cứ tiếp tục đi về hướng Tây thì sẽ trở về chỗ cũ. Cho nên, có người sẽ hỏi:

– Thế giới Cực Lạc ở đâu? Tây phương không có Tây phương, rốt cuộc đâu là Tây phương?!

– Ở ngay trên địa cầu! Mỗi một kinh độ, nhìn về phía trước là hướng Đông, nhìn về phía sau là hướng Tây. Di chuyển một độ hướng Đông lại biến thành hướng Tây, hướng Tây lại biến thành hướng Đông. Do vậy, phương hướng chỉ là khái niệm trừu tượng.

– Vì sao Phật lại nói có một cái Tây phương?

– Bởi chúng sinh Diêm Phù Đề vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chưa buông bỏ, do đó cần phải chỉ phương lập hướng, khiến tâm họ có thể nhất tâm chuyên chú hướng về một phương hướng, một mục tiêu, dụng ý là ở chỗ này.

Chỉ cần họ đạt đến nhất tâm thì cảm ứng sẽ hiện tiền. Chẳng hạn như chúng ta niệm một câu Phật hiệu, chính là gieo một tín hiệu, một làn sóng âm, A Di Đà Phật dù bất luận ở đâu cũng đều nhận được. Đây là cảm ứng đạo giao, chẳng khác chi làn sóng điện vô tuyến.

Từ trên lý mà nói: Không có phương vị, không có thời không. Cho nên Cổ Đức mới nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật không đi” Vì sao? Vì không có khứ lai, sinh diệt! Khi nhận ra có một cái Tây phương thì bạn đã có khứ lai, sinh diệt rồi! Bạn chưa buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn chưa được nhất tâm bất loạn!

Từ trên sự mà nói: Tây phương mà Phật giảng không phải là hướng Tây của địa cầu chúng ta.

Năm xưa, có người đến hỏi tôi, tôi nói: Đó là hướng Tây của hệ Ngân Hà. Cách nói này trên sự cũng có thể được thông. “Pháp vận” của đức Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm. Trong một vạn hai ngàn năm này, góc độ xoay chuyển của hệ Ngân Hà rất nhỏ, chưa rời khỏi phương vị của nó cho nên có thể nói được thông. Mặt khác, khu vực giáo hóa của Thế Tôn là Ta Bà tam thiên đại thiên thế giới. Nếu lấy Ta Bà thế giới làm trung tâm thì hướng Tây của Ta Bà thế giới có thể nói: Trong một vạn hai ngàn năm, góc độ dịch chuyển của nó chỉ mới vài phút, vài giây, chưa đến một độ. Cách nói này khẳng định không hề sai, có thể dùng cách nói này.

Đại sư Thiện Đạo đã phân tích tại sao Phật phải phương tiện chỉ phương lập tướng: Chúng sinh cõi Sa Bà vọng tâm bạo động. Chỉ phương lập tướng còn chưa thể chuyên chú nổi huống là không có phương chẳng có tướng! Sách Thượng Đô Nghi cũng nói: “Để qui mạng Tam Bảo cần phải chỉ phương, lập tướng. Trụ tâm giữ cảnh hòng kềm giữ tâm phàm còn chẳng xong, huống là ly tướng?” Đây là nói các pháp môn khác khó! Khó ở chỗ nào? Ở chỗ phải lìa tướng! Tịnh Độ tông “lập tướng” đến thế giới Cực Lạc, trước là chỉ phương lập tướng cầu sinh Tịnh Độ, đến thế giới Cực Lạc mới rời tướng. Nên người xưa nói: “Nếu được thấy Phật A Di Đà lo gì không khai ngộ”. Chúng ta đem việc khai ngộ này để ở thế giới Cực Lạc, bây giờ chỉ chuyên cầu Tịnh Độ.

Trước đây, thầy Lý nói với tôi: Mục tiêu cuối cùng của Phật pháp Đại thừa là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, còn mục tiêu bây giờ là “nhất tâm chuyên niệm”, đây là sự thù thắng của Tịnh Độ tông. Đại thừa là “ly tất cả tướng tức tất cả pháp”. Khó! Tịnh Độ tông có phương hướng, niệm niệm đều nghĩ đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi niệm đều nhớ đến Phật A Di Đà. Đây là “chấp tướng” không phải “ly tướng”. “Chấp trì danh hiệu”: “chấp” là chấp trước, “trì” là duy trì không để mất. Đem những thứ khác đều buông hết, trong tâm chỉ có Phật A Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ. Nghĩ đến Kinh Vô Lượng Thọ là nghĩ đến thế giới Cực Lạc. “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật”. “Chế tâm vào một chỗ” là Nhất tâm, là Thiền định, là Tam-muội. Đạt được Định mới có thể khai tuệ, tuệ khai sẽ thấy Phật, thấy được thế giới Cực Lạc. Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh! Như vậy đời này chúng ta sống có giá trị, được đại công viên mãn.

Khứ Diêm Phù Đề bách thiên câu-chi na-do-tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc” (Cách Diêm Phù Đề trăm ngàn câu- chi na-do-tha cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc). Theo chú giải của Hoàng Niệm lão, câu này trích từ bản Tống dịch; bản Ngụy dịch ghi là mười vạn ức cõi; bản Đường dịch ghi mười vạn ức cõi Phật. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ cũng ghi giống như bản Tống dịch. Kinh A Di Đà ghi giống hai bản Đường và Ngụy dịch. Các bản dịch ghi sai khác là vì hai nguyên nhân:

Một là như Kinh Pháp Hoa dạy: Thuận theo căn khí của chúng sinh nên nói danh hiệu sai khác, tuổi tác nhiều ít. Vì vậy khoảng cách giữa hai cõi cũng sai khác. Thật sự, cả Cực Lạc lẫn Sa Bà đều khắp mọi nơi, chứa đựng lẫn nhau, vốn chẳng cách nào nói nổi khoảng cách.

Hai là những con số như: ức, na-do-tha, câu-chi cũng lớn nhỏ bất nhất. Có bốn cách hiểu chữ “Ức”: mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn, vạn vạn. “Câu-chi” được dịch là Ức nên Câu-chi có thể là mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn hoặc vạn vạn. Nhưng, chỉ có ba loại trước là thường được dùng, na-do-tha cũng có thể hiểu là mười vạn, hoặc ngàn vạn…, có nhiều cách hiểu nên khó lòng so sánh nổi.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Bách thiên câu-chi na-do- tha” chính là mười vạn ức mà trên Kinh Di Đà đã giảng. Đơn vị dùng ở đây là đơn vị Phạn văn của Ấn Độ, dịch thành đơn vị của Trung Quốc là “mười vạn ức Phật quốc độ”. “Phật sát” chính là Phật quốc độ, cũng chính là chúng ta thường nói: “tam thiên đại thiên thế giới”. Nhưng chúng ta đọc được ở trên Đại Kinh: Quốc độ Phật cũng có lớn nhỏ không như nhau. Có quốc độ khu giáo hóa của một vị Tôn Phật là một cái “tam thiên đại thiên thế giới”. Cũng có vị Phật mà khu giáo hóa là hai cái “tam thiên đại thiên thế giới”, hoặc ba cái cho đến mười cái, hai mươi cái “tam thiên đại thiên thế giới”. Do đó, mười vạn ức Phật quốc độ cũng có những cách nói không như nhau, chúng ta không nên ở chỗ này mà phân biệt bàn cãi. Nhất định phải biết: Chúng sinh mười phương thế giới mong cầu Cực Lạc thế giới, bất luận là khoảng cách bao xa, chỉ trong sát-na là đã đến nơi. Phải hiểu rõ đạo lý này.

Kinh Lăng Nghiêm nói: Mười phương hư không sinh trong tâm ta ví như một phiến mây giữa tầng trời xanh bao la, như chùm bọt nổi trên mặt biển. Cho nên, Quán Kinh bảo “A Di Đà Phật khứ thử bất viễn” (A Di Đà Phật cách đây chẳng xa), bởi vì cõi Cực Lạc vốn ở trong tâm mỗi chúng sinh.

Sách A Di Đà Sớ Sao cũng nói “phân minh ngay trước mắt nào xa xôi gì!” Lời nói này của Đại sư Liên Trì thật thấu triệt bổn nguyện.

Tóm lại, không gian và thời gian không phải là vấn đề; vấn đề là ở “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Phát Bồ Đề tâm” là phát cái tâm giác ngộ, việc này vô cùng quan trọng! Chúng ta không chịu toàn tâm toàn lực giúp người là do mê mà không giác. Phải thường thường giác ngộ. Giác và mê chỉ khác nhau ở một niệm. Niệm niệm vì chúng sinh đó là giác. Niệm niệm vì chính mình đó là mê. Từ chỗ này mà phân biệt thì tương đối dễ dàng, cũng rất thỏa đáng.

Hữu thế giới danh viết Cực Lạc” (Có thế giới tên là Cực Lạc): chữ “Thế” chỉ thời gian. Quá khứ, vị lai, hiện tại là tam thế. “Giới” là cương giới, chỉ không gian tức là bốn phương, bốn góc, trên dưới gọi chung là thập phương. Tính gộp cả thời gian lẫn không gian nên gọi là “thế giới”. Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: “Cực Lạc” tiếng Phạn là Tu-Ma-Đề (Sukhamati), có nhiều cách dịch: An Lạc, An Dưỡng, Thanh Thái v.v…

Sách A Di Đà Yếu Giải giảng chữ Cực Lạc là “vĩnh viễn thoát khỏi các khổ, an ổn bậc nhất

Sách A Di Đà Sớ Sao giảng: “Ý nói sự vui đến tột bực, hết thảy cái vui trong cõi nhân thiên chẳng thể sánh được nổi” nên gọi là “Cực Lạc”. Các cõi Phật tùy theo căn cơ cảm thành mà có bốn thứ; Sách A Di Đà Sớ Sao nói:

“Bốn cõi :

1. Thường Tịch Quang Độ

Kinh nói: ‘Tỳ Lô Giá Na biến nhất thiết xứ, kỳ Phật trụ xứ, danh Thường Tịch Quang’ (Tỳ Lô Giá Na ở khắp hết thảy chỗ, chốn đức Phật ngự tên là Thường Tịch Quang). Đấy là chỗ ở của hạng người quả vị cao nhất.

2. Thật Báo Trang Nghiêm Độ

Hành pháp chân thật, cảm báo thù thắng, bảy báu trang nghiêm, có đủ ngũ trần tịnh diệu nên còn gọi là Vô Chướng Ngại độ do Sắc và Tâm chẳng hai, sợi lông và cõi nước chứa đựng lẫn nhau. Bậc Pháp Thân Đại Sĩ ngự trong cõi này.

3. Phương Tiện Hữu Dư Độ

Đoạn được bốn Trụ Hoặc, thuộc về phương tiện đạo, vô minh chưa hết nên bảo là Hữu Dư, là chỗ cư ngụ của thánh nhân trong tam thừa.

4. Phàm Thánh Đồng Cư Độ chỗ tứ thánh, lục phàm chung ở” “Phàm” là phàm phu; “Thánh” là thánh nhân, Thánh nhân ứng tích trong thế gian, ở chung một chỗ với phàm phu nên bảo là “Phàm Thánh Đồng Cư”.

Thế giới Sa Bà cũng là Cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng cõi này trược nặng, ác lắm, bất tịnh ngập ngụa, gai góc, ngói sạn, gò nổng, hầm hố, nên là cõi Đồng Cư uế độ.

Cõi Đồng Cư Cực Lạc: Ao suối có nước tám công đức; cây báu, sen báu tỏa quang minh hiện Phật đầy ắp khắp cõi nước; nước, chim, cây cối đều diễn thuyết diệu pháp; các bậc thượng thiện nhân nhập Chánh Định Tụ, vĩnh viễn thoát các khổ, chỉ hướng pháp lạc Đại Thừa. Đó là Đồng Cư Tịnh Độ. Hơn nữa, Cực Lạc Đồng Cư Tịnh Độ viên minh vô ngại, lại thông với cả ba cõi trên: Thường Tịch Quang v.v…

Sách Di Đà Sớ Sao bảo: “Do căn cơ sai khác, thấy biết cũng khác. Có người ở trong cõi Đồng Cư mà thấy là cõi Thường Tịch Quang; có người ở trong Đồng Cư mà thấy là cõi Thật Báo; có người trong cõi Đồng Cư mà thấy là cõi Phương Tiện; có người trong cõi Đồng Cư chỉ thấy đó là cõi Đồng Cư. Như Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi dạy: ‘Kim nhật tọa trung vô ương số chúng, hoặc kiến thử xứ sơn lâm, địa thổ, sa lịch, hoặc kiến thất bảo, hoặc kiến thị chư Phật hành xứ, hoặc kiến tức thị bất tư nghị chư pháp giới cảnh giới’ (vô ương số chúng đang hiện diện đây hoặc thấy chốn này có núi rừng, đất đai, cát sỏi; hoặc thấy bảy báu, hoặc thấy là hành xứ của chư Phật, hoặc thấy chính là cảnh giới bất tư nghị của chư Phật) đều là do căn cơ nên thấy sai khác”. Vì vậy, Sách Di Đà Yếu Giải bảo:

Nay bảo Cực Lạc thế giới chính là cõi Đồng Cư Tịnh Độ, nhưng nó cũng gồm cả ba cõi Tịnh Độ trên” và “Nay xét theo ba điều Tín, Nguyện, Hạnh thì danh hiệu Di Đà chẳng thể nghĩ bàn nên có thể khiến cho phàm phu cảm được cõi Đồng Cư Cực Lạc thanh tịnh tột bực, mười phương cõi Phật không đâu có được như vậy, riêng mình cõi Cực Lạc Đồng Cư độc chiếm. Đấy mới là tông chỉ của Cực Lạc Tịnh Độ”. Cũng theo Hoàng Niệm lão:

Do Di Đà Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, vạn đức trang nghiêm, một câu thanh tịnh, dùng một câu danh hiệu Di Đà tột bực thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn làm chánh nhân nên tự nhiên cảm được cõi nước Cực Lạc Đồng Cư thanh tịnh tột bực chẳng thể nghĩ bàn. Cõi Đồng Cư Tịnh Độ của thế giới Cực Lạc trỗi vượt thập phương nên chư Tổ thường bảo: “Điều nhiệm mầu hàng đầu của Cực Lạc là cõi Đồng Cư”.

Pháp Tạng thành Phật hiệu A Di Đà”, Phật có ba thân:

1. Pháp Tánh Thân, gọi tắt là Pháp Thân, ngự trong Thường Tịch Quang độ.

2. Báo Thân ngự trong Thật Báo Trang Nghiêm độ.

3. Ứng Hóa Thân thường hiện trong các cõi Phương Tiện Hữu Dư, Phàm Thánh Đồng Cư.

Ba thân này của đức Phật thật chẳng phải một, chẳng phải ba, lại là ba, cũng là một, như ba chấm trong chữ Y (\), chẳng ngang, chẳng dọc, chẳng cùng, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn.

Thân Ứng Hóa lại có hai thứ: Một là “thị sanh hóa thân” tức là thân thị hiện tám tướng thành đạo; hai là “ứng hiện hóa thân” tức là ứng theo căn cơ chúng sinh mà thị hiện “thân thắng ứng” hoặc “thân liệt ứng” (Tông Thiên Thai chia Báo Thân trong Tam Thân ra làm: Tự Thọ Dụng báo thân và Tha Thọ Dụng báo thân. Tha Thọ Dụng báo thân gọi là “Thắng Ứng thân”, ứng hiện đối với hàng Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên. Còn thân Phật cao trượng sáu ứng hiện đối với hàng phàm phu, Nhị Thừa, Địa tiền thì gọi là “Liệt Ứng Thân”, là thân Phật tám tướng thành đạo. Theo tự điển Phật Học Hán Việt). Hóa thân còn có thể phân chia như sau:

Phật giới hóa thân (thân hiện trong Phật giới).

Tùy loại hóa thân (theo từng loại trong cửu giới mà hiện thân).

Sách Di Đà Yếu Giải nói: “A Di Đà Phật nói ở đây chính là

chỉ thân Phật trong cõi Đồng Cư, là thị sanh hóa thân, nhưng cũng chính là Pháp Thân, Báo Thân vậy”. Thuyết này thật tinh diệu.

Sách Viên Trung Sao bảo: “Tùy theo cõi nước nên cảm được cái thấy có ba thân sai khác. Do căn cơ nên cảm thấy được bốn cõi bất đồng”. Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Nếu trong cõi Đồng Cư mà chỉ thấy được đó là cõi Đồng Cư thì vị Phật thuyết pháp cho mình chỉ là thị sanh hóa Phật. Nếu thấy đó là cõi Thật Báo thì đó là Báo Thân Phật. Nếu thấy là cõi Thường Tịch Quang thì ngài là Pháp Thân Phật.

Ba thân của Phật ví như ba thứ sau đây của ma-ni bảo châu: Bản thân viên châu, ánh sáng do châu tỏa ra và ánh sáng châu chiếu rọi lại chính bản thân viên châu; ba thứ này chẳng hề rời nhau. Ba thân Pháp, Báo, Ứng cũng giống như vậy. Cõi Đồng Cư thông cả ba cõi trên cũng như vậy: Ba cõi trên ở ngay trong cõi Đồng Cư. Vì vậy, vãng sinh Đồng Cư công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

Hơn nữa, A Di Đà Phật chính là Tỳ Lô Giá Na Như Lai như A Di Đà Kinh Sớ Sao viết: “Bậc trí giác bảo: ‘Trong Tổng Trì giáo (Mật giáo) nói ba mươi bảy vị Phật đều từ một đức Tỳ Lô Giá Na Phật hiện ra, nghĩa là: Đức Giá Na từ trong nội tâm chứng Tự Thọ Dụng” thành Ngũ Trí, tự đặt Pháp Giới Thanh Tịnh Trí ở trung ương, rồi từ bốn trí kia lưu xuất ra các vị Như Lai ở bốn phương: Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Vô Lượng Thọ Như Lai ở Tây Phương Cực Lạc thế giới’; tức là một đức Phật kiêm cả hai cõi”.

Tỳ Lô Giá Na Phật là Pháp Thân của Vô Lượng Thọ Phật. Vô Lượng Thọ Phật là Báo Thân của Tỳ Lô Giá Na Phật. Do Phật Di Đà chính là Phật Tỳ Lô nên bảo là “một đức Phật”. Chữ “cõi” ở đây là chỉ cõi Phật. “Hai cõi” tức là Hoa Nghiêm và Cực Lạc. “Kiêm” là kiêm lãnh, tức là một đức Phật cai quản cả hai cõi Tịnh Độ.

Hơn nữa, Đông Mật (Mật Tông Nhật Bản) cũng bảo A Di Đà Như Lai chính là Đại Nhật Như Lai. Hưng Giáo Đại Sư ở Nhật viết trong cuốn A Di Đà Bí Thích như sau:

“Một là Vô Lượng Thọ: Pháp Thân Như Lai ngự trong pháp giới cung, chẳng sinh chẳng diệt. Vì vậy Đại Nhật Như Lai còn có tên là Vô Lượng Thọ Phật.

Hai là Vô Lượng Quang: Trí quang từ Diệu Quán Sát Trí của Pháp Thân Như Lai chiếu khắp vô lượng chúng sinh, vô lượng thế giới, luôn luôn ban cho lợi ích. Vì vậy Đại Nhật Như Lai còn gọi là Vô Lượng Quang Phật” (Đại Nhật chính là Phật Tỳ Lô).

Chữ A Di Đà có vô lượng nghĩa: Đứng về mặt chữ mà dịch, Phạn văn của âm “A” này dịch thành chữ Hán là “vô”. “Di Đà” dịch thành “Lượng”; ý nghĩa của “A Di Đà” là “Vô Lượng”.

– Cái gì vô lượng?

– Tất cả đều vô lượng! Thọ mạng vô lượng, trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tướng hảo vô lượng, mọi thứ đều vô lượng.

Lục Tổ Huệ Năng thời nhà Đường, khi ngài khai ngộ đã nói năm câu: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt, nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, nào ngờ tự tánh vốn không dao động, nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp”. Cả năm câu này, mỗi câu đều là vô lượng.

Mật giáo dùng ba danh hiệu Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Cam Lộ Vương để lần lượt biểu trưng cho ba thân Pháp, Báo, Hóa.

A Di Đà còn có thể dịch là Vô Lượng Trang Nghiêm, Vô Lượng Thanh Tịnh v.v…Ngoài ra mười hai danh hiệu quang minh cũng đều là danh hiệu của Phật cả. Trong ba chữ A Di Đà, mỗi chữ lại đủ cả vô lượng nghĩa; trong vô lượng nghĩa, mỗi nghĩa lại bao gồm đủ vô lượng nghĩa, trùng trùng vô tận. Người xưa nói: “Lớn không gì lớn hơn; nhỏ không gì nhỏ bằng”. Chúng ta dùng hai câu này để hình dung Phật A Di Đà thì có thể lãnh hội được nghĩa lý thâm diệu của nó. Giải thích của các bậc Cổ Đức rất nhiều, đều rất có đạo lý. Thật là muôn màu, muôn vẻ.

“A” nghĩa là vốn bất sinh bất diệt nên là “Không Đế”. “Di” nghĩa là “ngô, ngã” (tôi, ta) nên “Di” là tùy duyên Giả Đế. “Đà” nghĩa là “Như” nên là “Trung Đế”. Đây là dùng Tam Đế để giải thích.