Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. QUANG MINH BIẾN CHIẾU ĐỆ THẬP NHỊ
(TT)

Mười hai vị Quang Phật (tức thập nhị Quang Phật) trong kinh này cũng chính là mười hai đức Như Lai trong hằng hà sa kiếp quá khứ về trước, đó là:

1. Vô Lượng Quang Phật

Trong Tán A Di Đà Phật Kệ, Đàm Loan Đại sư đã viết về Vô Lượng Quang Phật như sau: “Trí tuệ quang minh bất khả lượng; cố Phật hựu hiệu Vô Lượng Quang. Hữu lượng chư tướng mông Quang hiểu, thị cố khể thủ Chân Thật Minh” (Trí tuệ quang minh chẳng thể lường; nên Phật lại có hiệu là Vô Lượng Quang. Các tướng hữu lượng nhờ quang minh chiếu nên được hiểu; vì vậy đảnh lễ đấng Chân Thật Minh).

Chư tướng là hữu lượng, Phật quang là vô lượng. Phật quang biến chiếu chư tướng, chư tướng được Phật quang chiếu soi họ liền khai ngộ.

Thị cố khể thủ Chân Thật Minh” (Vì vậy đảnh lễ đấng Chân Thật Minh). “Chân Thật Minh” chính là Vô Lượng Quang. “Khể thủ” ở đây theo Hòa Thượng Tịnh Không giải thích là “cám ơn”; ý nghĩa của “khể” sâu rộng vô tận. Lời tán thán của Đại sư rất khế hợp với thánh tâm. Thánh tâm này chính là Phật A Di Đà. Tâm của Phật A Di Đà, Đàm Loan Đại sư có thể thể hội được, ngài đã trực chỉ quang minh tức là trí tuệ, quang minh và trí tuệ không hai. Cho nên, “Khể thủ Chân Thật Minh”, vì quang minh này chính là trí tuệ chân thật nên phải dập đầu kính lễ vậy. Do toàn cả bản kinh Đại Bổn này tức Kinh Vô Lượng Thọ mà chúng ta đang học là duy nhất chân thật:

– “Chân Thật Chi Tế” là tánh thể của tự tánh.

– “Chân Thật Chi Tuệ” là tướng của tự tánh.

– “Chân Thật Chi Lợi” là đại dụng của tự tánh.

Thể- Tướng-Dụng”: Thể chân thật, Tướng chân thật, Dụng chân thật; hoàn toàn là tự tánh, nên kệ mới nói là “Chân Thật Minh”. Rõ ràng trong cõi Cực Lạc. Y báo, Chánh báo, nhân quả đều thuần là chân thật. Đại sư Huệ Năng sau khi kiến tánh nói ra năm câu. Năm

câu ngài nói và ba điều chân thật nói ở đây hoàn toàn tương ưng không hai, không khác. Đó cũng chính là chư vị Tổ sư thường nói: Thế giới Cực Lạc là thân Pháp tánh, là cõi Pháp tánh.

Chánh báo là thân Pháp Tánh là chân thật; thế giới Cực Lạc là cõi Pháp tánh cũng là chân thật. Định nghĩa trong kinh Đại thừa rất đơn thuần: “Phàm là pháp vĩnh hằng, bất biến đó là chân. Phàm là pháp sẽ thay đổi đó là giả”. Thân thể chúng ta mỗi ngày một già yếu, thay đổi nên nó là giả không thật! Cây cối, hoa lá biến đổi: Mùa xuân sanh, mùa hạ trưởng, mùa thu hoa quả đã chín. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều thay đổi nên không phải là thật! Sơn hà đại địa biến dịch vô thường: Biển xanh thành nương dâu!

Đỉnh núi Himalaya, dãy núi cao nhất thế giới này, đội leo lên núi đó nhặt được rất nhiều võ sò. Võ sò từ đâu mà có? Từ dưới biển mà có! Từ đó có thể biết: Đỉnh núi Himalaya ngày xưa ở dưới biển, sau này mới nổi lên mặt đất biến thành núi; rồi núi cũng sẽ sụp lại biến thành biển! Đây chính là nói đại địa vô thường, không phải thật!

Thế giới Cực Lạc là chân thường (phần trước đã nói qua), là vĩnh hằng bất biến, sơn hà đại địa, cỏ cây hoa lá đều bất biến. Cây cối thường xanh, không nhìn thấy lá úa vàng rơi rụng. Thế giới Cực Lạc không có núi cao, không có đất trũng, đại địa bằng phẳng, đất đai vuông vức, lưu ly làm thể, không phải do bụi đất tạo thành. Đại địa toàn là lưu ly, ngọc màu xanh trong suốt, từ mặt đất có thể nhìn thấy xuyên suốt tận đáy. Ở thế giới Cực Lạc, vàng ròng là thứ dùng để trải đường, vĩnh hằng bất biến.

Người ở thế giới Cực Lạc không phải từ bé mới sinh ra rồi dần dần lớn lên, không phải vậy! Vừa vãng sinh đến đó liền có thân tướng như Phật A Di Đà, cao như vậy, tướng như vậy, đều không khác với A Di Đà Phật: Thân có vô lượng tướng; tướng có vô lượng vẻ đẹp, thể chất sắc thân của họ là “tử ma chân kim”, không phải

nhục thân nên không cần phải ăn uống, hoàn toàn phát xuất từ năng lượng trong tự tánh, lấy mãi không hết, dùng mãi không cạn nên không có biến hóa; y báo, chánh báo đều không thay đổi, đây gọi là “Nhất Chân Pháp giới”.

Sách Luận Chú viết: “Nếu gặp được quang minh của A Di Đà Phật chiếu đến thì sẽ giải thoát các sự ràng buộc nơi ý nghiệp, vào nhà Như Lai, rốt ráo đắc ý nghiệp bình đẳng”. Đó chính là ý nghĩa của “mông quang hiểu” (nhờ quang minh chiếu nên được hiểu). Trên thực tế, A Di Đà Như Lai bình đẳng quang chiếu chưa từng gián đoạn. “Quang” của ngài biến chiếu khắp pháp giới bất kể ngày đêm, bất kể trước sau, bất kể xa gần, làm lợi ích chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, giác ngộ chúng sinh. Người thiện căn, phước đức sâu dày lập tức có thể cảm nhận được.

Nếu không thể cảm nhận được, cũng có thể dùng các cách phương tiện để cảm nhận được như: Đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ hoặc Kinh A Di Đà hay dùng phương pháp Trì Danh Niệm Phật, “Nhớ Phật niệm Phật hiện tiền tương lai ắt sẽ thấy Phật”. Đây là điều Đại Thế Chí Bồ Tát dạy: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, có lý gì mà Phật quang không hiện chiếu. “Quang” chiếu là bình đẳng nhưng mỗi người giác ngộ không bình đẳng, ấy là do tâm chân thành của mỗi người không giống nhau.

Người thế gian không biết, cho rằng sự khác biệt này là do trí thông minh của mỗi người một khác, thực tế không phải vậy! Trí thông minh là pháp của thế gian không phải là Phật pháp. Trong Phật pháp chỉ nói đến căn tánh. Bạn xem! Đại sư Huệ Năng không biết chữ, chưa từng nghe kinh thế mà chỉ một lần nghe Ngũ Tổ giảng qua đại ý Kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, ngài liền đại triệt đại ngộ. Trong khi đó, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giảng kinh suốt một đời, thính chúng rất đông mà chẳng có ai khai ngộ! Có thể

thấy điều này không liên quan đến thông minh của thế gian mà liên quan đến tâm chân thành. Khác nhau lắm!

2.  Vô Biên Quang Phật

Trong Tán A Di Đà Phật Kệ viết: “Giải thoát quang luân vô hạn tề, cố Phật hựu hiệu Vô Biên Quang, mông quang xúc giả ly hữu vô, thị cố khể thủ Bình Đẳng Giác” (Vầng ánh sáng giải thoát lìa tất cả giới hạn và tề đồng, nên Phật lại có hiệu là Vô Biên Quang, kẻ được quang chiếu soi bèn lìa hữu, vô. Vì vậy, kính lễ đấng Bình Đẳng Giác ). Lời tán dương này của Đàm Loan Đại sư thật thù thắng vượt xa lời tán của các vị khác. Ngài Nghĩa Tịch giảng chữ “vô biên” là “không ngằn mé”; ngài Tịnh Ảnh giảng là “rộng lớn”. Những cách giải thích như vậy chẳng được viên mãn kỳ diệu như cách giải thích của ngài Đàm Loan dùng ngay chữ “Giải Thoát Quang” để giải thích chữ “Vô Biên Quang”.

“Giải Thoát” là một trong ba đức của Niết Bàn: Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát. “Giải Thoát” tức là đại tự tại cũng gọi là “Luân” – “Giải Thoát Quang Luân”. Nghĩa của “Luân” ngài dùng rất hay. “Luân” là tròn đầy, viên mãn cụ túc, thể hiện “Giải Thoát Đức” viên mãn đầy đủ. “Vô hạn tề” nghĩa là lìa tất cả giới hạn và tề đồng; tất cả giới hạn đều bị phá vỡ, cũng không có pháp nào tương đồng với nó, hiển thị nó siêu việt thù thắng không thể so sánh. “Ly hữu vô” là lìa nhị biên có và không, lìa tất cả biên kiến thong dong Trung Đạo; trong ngoài đều lìa, cứu cánh giải thoát, đó là nghĩa của “vô biên”, cũng chính là ý nghĩa của câu “ý nghiệp bình đẳng rốt ráo” trong sách Luận Chú.

Câu Kệ sau cùng gọi ngay Phật là Bình Đẳng Giác (Bình Đẳng Giác cũng chính là thánh hiệu của Phật Di Đà) chỉ ngay vào Đệ Nhất Nghĩa Đế: “Bình đẳng rốt ráo, vạn pháp nhất như”. (nhất như là hệt như nhau). Tám chữ này đã nói ra được chân tướng    của

vũ trụ, thật tướng của các pháp, đem mối quan hệ của vũ trụ vạn pháp và chúng ta, cũng là mối quan hệ luân lý mà nói ra thực tiễn: “Vũ trụ vạn pháp là nhất thể”. Bài tán dương của Đại sư Đàm Loan quả đã phơi bày ý nghĩa sâu sắc của “Vô Biên Quang”. Đây mới đúng là tán thán Phật vậy. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Đại sư Đàm Loan có thể nói ra những lời này, chắc hẳn ngài phải là người đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Nếu không phải là Thường Tịch Quang chư Phật tái lai cũng chắc chắn là Pháp Thân Đại Sĩ trong Di Đà Tịnh Độ hay Thật Báo Độ.

3 . Vô Ngại Quang Phật

Ngài Cảnh Hưng và ngài Nghĩa Tịch đều bảo “vô ngại” nghĩa là “quang minh không chướng ngại”; ngài Tịnh Ảnh bảo “vô ngại” là “tự tại”. Ngài Đàm Loan khen danh hiệu này như sau: “Quang vân vô ngại như hư không, cố Phật hựu hiệu Vô Ngại Quang. Nhất Thiết hữu ngại mông quang trạch, thị cố đảnh lễ Nan Tư Nghị” (Mây quang minh vô ngại như hư không, vì thế Phật lại có hiệu là Vô Ngại Quang. Hết thảy hữu ngại được quang minh thấm nhuần. Do đó đảnh lễ đấng Nan Tư Nghị).

– Vô ngại như thế nào?

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: Vô ngại là có thể nhập vào thế giới vi trần nhỏ đến không có trong, lớn đến không có ngoài, đều có thể khế nhập. Điều này không thể suy lường được!

Giống như trước đây chúng ta đã học qua, Phổ Hiền Bồ Tát có thể nhập vào thế giới vi trần; trong vi trần có thế giới; trong thế giới còn có vi trần; trong vi trần lại còn có thế giới v.v… trùng trùng vô tận! Phổ Hiền Bồ Tát có năng lực khế nhập cảnh giới như vậy. Sự kiện này ngày nay khoa học vẫn chưa phát hiện. Thật là vi diệu không thể nghĩ bàn! Quang minh bình đẳng chiếu khắp tất cả hữu ngại (hữu

ngại là hữu tình) nên tất cả hữu tình đều hưởng được sự lợi ích của quang minh. Tuy nhiên, sự tiếp nhận lợi ích này không như nhau, nguyên nhân là mỗi người dụng tâm không giống nhau.

– Làm thế nào mới được lợi ích?

– Ấn Quang Đại sư dạy: “Một phần thành kính được một phần lợi ích…vạn phần thành kính được vạn phần lợi ích”.

– Người được lợi ích nhiều nhất là ai?

– Là Pháp Thân Bồ Tát trong cõi Thật Báo!

Chỉ cần Phật quang chiếu đến, họ liền đại triệt đại ngộ, lập tức đoạn được những tập khí vô minh từ vô thỉ. Bậc thứ hai là Phật, Bồ Tát trong “pháp giới Tứ thánh”. Bậc thứ ba là Duyên Giác, Thanh Văn. Bậc thứ tư là chư thiên. Bậc thứ năm là nhân gian, tức là đi dần xuống. Vì sao? Vì phiền não nặng nên thành kính ít!

Cho nên, muốn được lợi ích nhiều từ Phật quang, không gì khác hơn là buông bỏ tập khí phiền não, sinh khởi tâm thành kính.

4. Vô Đẳng Quang Phật

Danh từ này trích từ bản Đường dịch và Tống dịch, bản Ngụy dịch ghi là Vô Đối Quang Phật; ngài Tịnh Ảnh bảo: “Phật quang không gì đương cự nổi nên gọi là Vô Đối”. Ngài Cảnh Hưng bảo: “Bồ Tát chẳng thể bằng (Phật) nên gọi là Vô Đối”. Ngài Đàm Loan khen ngợi danh hiệu này như sau: “Thanh tịnh quang minh vô hữu đối, cố Phật hựu hiệu Vô Đối Quang” (Thanh tịnh quang minh không ai đương cự được, vì thế Phật hiệu là Vô Đối Quang).

“Vô Đối” đồng nghĩa với “Vô Đẳng” (không gì bằng được); không có gì sánh bằng nổi, chính là dứt bặt đối đãi. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bồ Tát Văn Thù thưa với đức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Ngã chân Văn Thù, vô thị Văn Thù” (Con thật là Văn Thù nhưng

không có gì là Văn Thù) đã thể hiện ý nghĩa không gì so sánh, không gì bằng được, dứt tuyệt đối đãi: Nếu con là Văn Thù, người khác gọi con là Văn Thù (đây chỉ là giả danh không thật!) thì hóa ra có đến hai Văn Thù. Như vậy là có đối đãi, so sánh.

Lại nữa, ý của Văn Thù ở đây là: Cái tên Văn Thù chỉ là giả danh, muốn nhận ra “chân Văn Thù” (Văn Thù thật) phải lìa tướng danh tự, cũng lìa tướng tâm duyên tức là đừng nghĩ đến nó, vừa nghĩ liền rơi vào thức thứ sáu; thức thứ sáu là vọng tâm không thể nhìn thấy chân tướng sự thật. Phật pháp là dạy ta lìa tâm ý thức, không rơi vào ấn tượng, như vậy đọc kinh nghe giảng mới có thể đắc định, mới có thể khai ngộ. Ngày nay, con người toàn dùng tâm ý thức để nghe kinh, đọc tụng nên chỉ được một số thường thức văn tự bên ngoài, còn thâm nghĩa bên trong đều không đạt được.

5. Trí Tuệ Quang

Ngài Tịnh Ảnh giảng danh hiệu này như sau: “Khéo chiếu các pháp nên gọi là Trí Tuệ Quang”. Ngài Cảnh Hưng lại bảo: “Quang minh từ tâm thiện căn chẳng si của Phật phát khởi, trừ được vô minh phẩm tâm của chúng sinh nên chính là Trí Tuệ”. Ngài Đàm Loan lại tán rằng: “Phật quang năng phá vô minh ám, cố Phật hựu hiệu Trí Tuệ Quang” (Phật quang phá tan tối tăm vô minh nên Phật lại hiệu là Trí Tuệ Quang). Cả hai, ngài Cảnh Hưng và Đàm Loan đều cho rằng do phá trừ vô minh nên gọi là Trí Tuệ Quang, trừ sạch tâm vô minh nhơ bẩn của chúng sinh, ban cho chúng sinh cái lợi chân thật nên Phật Di Đà được xưng tụng là tôn quí nhất trong các quang minh, vua trong chư Phật.

6. Thường Chiếu Quang

Danh từ này lấy từ bản Tống dịch. Bản Ngụy dịch ghi là Vô Đoạn Quang. Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Thường chiếu chẳng dứt nên gọi

là Bất Đoạn Quang”. Ngài Cảnh Hưng giảng: “Thường quang của Phật luôn chiếu soi làm lợi ích nên chẳng đoạn”. Ngài Đàm Loan tán rằng: “Quang minh nhất thiết thời phổ chiếu, cố Phật hựu hiệu Bất Đoạn Quang” (Trong hết thảy thời quang minh chiếu trọn khắp nên Phật lại hiệu là Bất Đoạn Quang): “Nhất thiết thời phổ chiếu” nghĩa là “Thường Chiếu”, là không gián đoạn, không đầu không cuối, nên cũng gọi là “Bất Đoạn Quang”, cũng chính là “Thường Tịch Quang”; tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch. Cho nên, “Thường Chiếu” chính là “Thường Tịch Quang”, là ánh sáng trí tuệ Bát Nhã vốn đủ trong tự tánh không phải từ bên ngoài, cũng không phải do tu mà được. Trong giáo lý Đại thừa có: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Chữ “Thường” là Thường Tịch Quang là đức quang của tự tánh.

7.  Thanh Tịnh Quang

Ngài Tịnh Ảnh giảng: “Lìa nhơ nên bảo là tịnh”. Ngài Cảnh Hưng bảo: “Từ thiện căn chẳng tham của Phật phát hiện và cũng trừ được hết thảy tâm tham nhơ của chúng sinh nên là Thanh Tịnh”. Ngài Đàm Loan tán rằng: “Đạo quang minh lãng sắc siêu tuyệt, cố Phật hựu hiệu Thanh Tịnh Quang. Nhất mông quang chiếu tội cấu trừ, giai đắc giải thoát cố đảnh lễ”. (Đạo quang rạng ngời sắc siêu tuyệt nên Phật lại hiệu là Thanh Tịnh Quang. Một phen được quang minh chiếu đến thì tội cấu tiêu trừ, đều được giải thoát. Vì thế (con) đảnh lễ).

Như vậy, quang minh này rạng ngời siêu tuyệt lại tiêu trừ được tham trước và tội cấu của chúng sinh nên có tên là Thanh Tịnh Quang.

8. Hoan Hỉ Quang

Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Có thể làm cho người được thấy sinh tâm vui thích thì gọi là Hỉ”. Ngài Cảnh Hưng giảng: “Từ thiện căn vô sân của Phật sinh ra, trừ được tâm nóng giận, ganh ghét của chúng sinh nên hoan hỉ”. Trong Phật pháp, tất cả Phật, Bồ Tát đều thành tựu tướng hoan hỉ, khiến tất cả chúng sinh khi nhìn thấy các ngài không ai mà không vui thích. Vì sao? Vì Phật, Bồ Tát có tâm hoan hỉ, tâm này phóng quang. Phóng quang là sự biểu hiện bên ngoài, nó phát sinh từ thiện căn vô sân của Phật, có thể tiêu trừ tâm sân giận, buồn lo của chúng sinh.

Đàm Loan Đại sư tán rằng: “Từ quang gia bị thí an lạc, cố Phật hựu hiệu Hoan Hỉ Quang” (Do từ quang gia bị ban cho sự an lạc, nên Phật lại hiệu Hoan Hỉ Quang). Chữ “an lạc”, như Kinh Pháp Hoa dạy: “Thân ý thái thiên, khoái đắc an lạc” (Thân ý bình thản, liền được an lạc). Phật quang có năng lực khiến cho chúng sinh an vui, mừng rỡ nên hiệu là “Hoan Hỉ Quang”.

Con người sống trong xã hội hiện nay thật quá khổ cực! Thật quá đáng thương! Âu lo, phiền não chất chồng nên biểu hiện ra bên ngoài là tánh nóng nảy, nông nổi, thân tâm chẳng được an ổn. Đây là hiện tượng phổ biến nhất trong xã hội ngày nay.

Khoa học kỹ thuật không ngừng phát triễn chỉ mang đến cho nhân loại về mặt tiêu cực hơn là mặt tích cực. Dường như mặt tích cực chỉ có mười phần trăm, mặt tiêu cực có đến chín mươi phần trăm. Chỉ mười phần trăm có ích, chín mươi phần trăm có hại! Nhà máy điện hạt nhân cung cấp điện lực đó là điều có lợi. Nhưng, nhà máy điện hạt nhân xảy ra sự cố, phải trả giá bằng biết bao sinh mạng, tài sản có đáng hay không?! – Không đáng! Vấn đề phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản hiện nay ngày càng nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn dự đoán ban đầu rất nhiều! Nghe nói Nhật Bản có hơn năm

mươi nhà máy điện hạt nhân; hiện nay xảy ra sự cố mới chỉ ba, bốn cái. Nếu như toàn bộ đều xảy ra sự cố thì làm sao?! Sự việc này đã xác minh cho toàn thế giới: Hậu quả sẽ vô cùng kinh khiếp! Tham một chút lợi nhỏ, tương lai phải trả giá rất nặng là việc không đáng! Đó là ngu si không có trí tuệ. Người có trí tuệ sẽ không làm những việc như vậy!

9. Giải Thoát Quang

Danh từ này trích từ bản Tống dịch; bản Ngụy dịch (tức bản dịch của Khương Tăng Khải) không ghi danh hiệu này nên các bậc cổ đức chưa hề chú giải. Trong bản Ngụy dịch lại ghi hai danh hiệu là Viêm Vương Quang và Vô Xưng Quang nên ngài Đàm Loan tán rằng: “Phật Quang chiếu diệu tối đệ nhất, cố Phật hựu hiệu Quang Viêm Vương, tam đồ hắc ám mông quang khải, thị cố đảnh lễ Đại Ứng Cúng” (Phật quang chiếu rực cao tột bậc nhất nên Phật lại hiệu là Quang Viêm Vương. Tam đồ (tức Hỏa Đồ là địa ngục, Đao Đồ là cõi Ngạ quỉ, Huyết Đồ là cõi súc sinh) tăm tối được quang minh khai mở. Vì vậy đảnh lễ đấng Đại Ứng Cúng) và “Thần quang ly tướng bất khả danh, cố Phật hựu hiệu Vô Xưng Quang. Nhân quang thành Phật quang hách nhiên, chư Phật sở thán cố đảnh lễ” (Thần quang lìa tướng chẳng thể gọi tên được; vì vậy, Phật lại hiệu là Vô Xưng Quang. Do quang minh thành Phật nên quang minh càng chói lọi, bởi chư Phật khen ngợi nên con đảnh lễ).

Rõ ràng cả hai bài kệ trên đều khen ngợi phẩm đức Giải Thoát. Chúng ta đem hai câu “Thần quang lìa tướng” và “do quang thành Phật” (diễn tả Đức Tự Giác của “Giải Thoát Quang”), kết hợp thành một câu “Lìa tướng thành Phật” sẽ dễ hiểu hơn. Ngược lại, nếu chấp tướng thì luân hồi lục đạo! “Lìa tất cả tướng tức tất cả pháp”. Trong Kinh Kim Cang, nơi nơi đều nhắc nhở chúng ta đừng nên chấp tướng “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Phàm có hình

tướng đều là hư vọng). Có được cái nhìn này, thực tiễn được ngay trong đời sống đối người tiếp vật là chúng ta đã giác ngộ, đã được khai mở nhờ Giải Thoát Quang của đức từ phụ Phật A Di Đà gia trì vậy.

10. An Ổn Quang

Danh từ này trích từ bản Tống dịch. Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: “An ổn” nghĩa là thân tâm yên ổn. Do ngũ trược, tám khổ không thể quấy nhiễu nổi nên bảo là “An”; núi lở, đất sụp cũng không thể lay động nổi nên gọi là “Ổn”.

Ngày nay thiên tai dồn dập, rất nhiều người đến hỏi tôi: Chúng ta nên đối phó như thế nào? Tôi nói với mọi người: Quan trọng nhất là giữ tâm an định, vững vàng mới có thể nhiếp tâm niệm Phật, thì câu Phật hiệu này mới có tác dụng. Cho dù động đất, sóng thần hay bất cứ thiên tai nào xuất hiện, chúng ta cũng không để cho cảnh giới làm lay động; bình tĩnh mới có trí tuệ để đối phó được vấn đề; cuống cuồng hoảng hốt chỉ khiến sự việc càng tệ hại hơn! Người niệm Phật ngày ngày mong mỏi cầu sinh Tịnh Độ. Vậy thì lúc đại thiên tai đến, niệm cuối cùng là niệm Phật, chắc chắn A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn ta về thế giới Cực Lạc, vậy thì còn lo gì? Cho nên, tâm an ổn rất quan trọng.

Tông Kính Lục (do Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ trước tác) viết: “An ổn khoái lạc thì tịch tĩnh diệu thường”, mà “tịch tĩnh diệu thường” chính là Thường Tịch Quang, là tự tánh viên mãn. Quang minh mầu nhiệm của Phật A Di Đà chiếu trọn khắp khiến cho tất cả chúng sinh đều được an ổn, khoái lạc thoát khỏi các sinh diệt nên gọi là An Ổn Quang.

11. Siêu Nhật Nguyệt Quang

Ngài Tịnh Ảnh giảng: “Vượt khỏi tướng thế gian nên gọi là Siêu Nhật Nguyệt”, ngài Cảnh Hưng giảng: “Ngày đêm luôn chiếu chẳng giống với ánh sáng của mặt trời, mặt trăng trong cõi Sa Bà nên gọi là Siêu Nhật Nguyệt”. Chúng ta biết rằng mặt trời không phải hằng chiếu, chỉ chiếu ban ngày không chiếu ban đêm, mặt trăng cũng không hằng chiếu, chỉ chiếu ban đêm không chiếu ban ngày nên không thể sánh bằng Phật quang. Phật quang ban ngày, ban đêm đều chiếu nên gọi là Siêu Nhật Nguyệt. Ngài Đàm Loan tán rằng: “Quang minh chiếu diệu quá nhật nguyệt, cố Phật hiệu Siêu Nhật Nguyệt Quang” (Quang minh chiếu ngời vượt hẳn mặt trời, mặt trăng. Vì thế Phật hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang).

Kinh Siêu Nhật Minh tam-muội dạy:

“Nhật chi quang minh chiếu hiện tại sự. Nhân, vật, nhuyễn động, bách cốc dược mộc, chư thiên, long thần, giai nhân nhật thành, phổ đắc mậu hoạt. Nhật bất năng chiếu nhị Thiết Vi gian, diệc bất năng chiếu nhân tâm bổn linh khai đạt. Đản chiếu hữu hình, bất chiếu vô hình. Siêu Nhật Nguyệt tam-muội, sở dĩ thắng giả hà? Thù chiếu thập phương vô biên vô tế. Tam giới ngũ đạo, mị bất triệt sướng. Hà huống Di Đà quang minh, cố danh Siêu Nhật Nguyệt Quang” (Quang minh của mặt trời soi tỏ mọi sự. Loài người, muôn vật, côn trùng, dược thảo trong các hang hốc, chư thiên, long thần đều nhờ mặt trời mà tồn tại, cùng được tươi tốt, nẩy nở. Nhưng mặt trời chẳng thể chiếu tới khoảng giữa hai núi Thiết Vi, cũng chẳng thể soi rọi nguồn tâm con người khiến họ được khai ngộ. Chỉ chiếu hữu hình, chẳng chiếu nổi vô hình. Vì sao Siêu Nhật Minh tam-muội thù thắng? Vì tam-muội chiếu cả mười phương vô cùng vô tận; tam giới, ngũ đạo (chỉ cho: trời, người, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh) không đâu là chẳng chiếu thấu suốt (tam-muội đã như thế), huống hồ là quang minh của Phật Di Đà. Vì vậy ngài hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang).

Đoạn kinh trên đây đã giải thích danh hiệu Siêu Nhật Nguyệt Quang một cách tường tận, khéo léo vượt xa những cách giải thích trước đó. Ánh sáng mặt trời chỉ có thể chiếu rọi hết thảy những thứ hữu hình, làm sinh trưởng trời đất vạn vật, nhưng không thể chiếu vô hình như chư thiên, long thần (Điều này trước đây đã nói, theo trên kinh Phật: “Tứ Không Thiên” là vô hình, “Tứ Thiền Thiên” là hữu hình), không thể chiếu thấu đến hang núi khoảng giữa hai núi Thiết Vi, lại cũng không thể chiếu sáng bổn tâm con người khiến họ được khai ngộ. Siêu Nhật Nguyệt tam- muội thù thắng hơn thế, nhưng quang minh của Phật A Di Đà lại còn vượt xa tam-muội này; “mị bất triệt sướng”, “triệt sướng” là không có chướng ngại, thông suốt vô ngại. Phật quang chiếu khắp nên gọi là “Siêu Nhật Nguyệt Quang”.

Chúng ta biết rằng mặt trời có ảnh hưởng rất lớn đối với sự tồn vong của tất cả vạn vật trên trái đất này; không có mặt trời vạn vật không thể sinh tồn! Giới khoa học nói với chúng ta về một thiên tai lớn rất có khả năng, một kiểu nhân họa tức là chiến tranh vũ khí hạt nhân; lại thêm một thiên tai siêu cấp khác là núi lửa phun trào! Các nhà khoa học đã nhiều lần báo cáo, như công viên Hoàng Thạch ở Mỹ là một trong những núi lửa siêu cấp. Núi lửa siêu cấp như vậy trên trái đất này có đến mười mấy cái, hơn phân nửa số đó đều ở dưới đáy biển. Uy lực của nó quá lớn!

Miệng núi lửa dài khoảng bốn mươi lăm dặm Anh, bề rộng khoảng ba mươi lăm dặm Anh. Nếu núi lửa này phun trào, bụi núi lửa này sẽ bốc lên không trung cao khoảng hai mươi cây số. Ngày nay, chúng ta đi phi cơ bay qua biển Thái Bình Dương, độ cao khoảng mươi cây số. Khói bụi núi lửa này theo gió mà khuếch tán sẽ che mất mặt trời. Ánh sáng mặt trời không thể chiếu đến mặt đất  ít nhất cũng phải là một tháng, cũng rất có thể kéo dài đến nửa năm! Sự việc này rất có khả năng xảy ra!

Những ghi chép về động đất trong quá khứ: Cấp sáu, cấp bảy là động đất lớn. Ngày nay, cấp sáu cấp bảy trở thành động đất nhỏ. Báo cáo từ khắp nơi động đất cấp tám, cấp chín xảy ra thường xuyên. Kiểu núi lửa siêu cấp này phun trào là điều rất có thể! Nó sẽ sản sinh những ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh tồn của động, thực vật trên trái đất. Chúng ta phải làm như thế nào?! Tính toán thông thường thời gian thiên tai là ba năm tức là vỏ trái đất này không ổn định nữa! Nam, Bắc Cực sẽ đổi chỗ, tương lai sẽ đến xích đạo; xích đạo sẽ đến chỗ của Nam, Bắc Cực! Như vậy thật ghê gớm! Đó chính là điên đảo! Động, thực vật hàn đới không thể sinh tồn vì khí hậu quá nóng! Động, thực vật nhiệt đới cũng không thể sinh tồn vì lạnh quá!

Sinh vật trên trái đất có tuyệt chủng hay không, vấn đề này khoa học biết, nhưng không cách gì để khống chế! Trong Phật pháp có cách nhưng mọi người không tin! Họ cho là mê tín! Hiện nay, con người ham muốn ngập đầy, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không nghĩ đến ngày mai! Không nghĩ đến lợi ích của người khác! Tự tư tự lợi, trong tâm đầy dẫy tham, sân, si, mạn, nghi. Họ không có trí tuệ, không tin tôn giáo, không tin luân hồi, nhân quả, cũng không tin quỉ thần. Tuy rằng, ở phương Tây nửa thế kỷ gần đây, thuật thôi miên đã chứng minh thật có. Cũng có không ít người phương Tây tin tưởng nhưng họ không phải là chủ lưu nên ảnh hưởng không lớn!

Có phải thiên tai này thật sự sẽ xảy ra chăng? Sau khi xảy ra mọi người đối với vấn đề này cũng bó tay chịu thua, có thể họ sẽ quay đầu đi tìm quỉ thần chăng? Cũng có thể lắm! Nhưng, trong lúc này biết quay đầu vẫn tốt hơn là không quay đầu! Thiên tai rất đáng sợ! Chúng ta nên có sự chuẩn bị tinh thần để ứng phó, luôn luôn nghĩ đến sẽ có ngày như vậy: Ánh sáng mặt trời, mặt trăng đều không còn

nữa! Những văn minh khoa học kỹ thuật trên trái đất đều sẽ bị phá hủy, lúc đó phải làm sao?! Cho dù con người có còn tiếp tục sống đi nữa, phải sống cuộc sống nguyên thủy, việc gì cũng phải tự tay làm! Điện không có! “Gas” không còn! Không có nước sạch phải làm sao?!

Nhật Bản lần này bị thiên tai, tai họa động đất là một sự việc rất nhỏ đã tạo thành ảnh hưởng lớn đến như vậy. Hiện nay, vấn đề ngày càng nghiêm trọng rồi! Cho nên, chúng ta phải nghĩ đến tai họa qui mô lớn chắc chắn sẽ có, sẽ rất đáng sợ! Phật dạy chúng ta buông bỏ các duyên, nhất tâm niệm Phật. Tâm định thì trí tuệ sẽ khai mở, sẽ biết dùng phương pháp gì để ứng phó, dùng cách gì để bảo toàn bản thân. Cho nên, ngày nay nhìn thấy ánh sáng mặt trời chúng ta cảm xúc rất sâu.

12. Bất Tư Nghị Quang

Danh từ này được ghi trong hai bản Đường dịch và Tống dịch, bản Ngụy dịch tách thành hai danh hiệu “Nan Tư Quang” và “Vô Xưng Quang”. “Nan Tư”: là không thể suy lường, chẳng thể nghĩ nổi. “Vô Xưng” là không thể bàn luận, chẳng thể diễn tả nổi.

Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Vượt ngoài mức tâm tưởng của thế gian nên bảo là Nan Tư Quang. Vượt ngoài ngôn ngữ của thế gian nên bảo là Vô Xưng Quang”.

Ngài Cảnh Hưng nói: “Nhị thừa chẳng thể nghĩ lường nổi quang minh ấy nên bảo là Nan Tư. Không thừa nào khác diễn tả nổi quang minh ấy nên bảo là Vô Xưng”.

Ngài Đàm Loan lại tán rằng. “Quang minh ấy ngoại trừ Phật ra, không ai có thể suy lường nổi nên Phật lại hiệu là Nan Tư Quang… Thần quang ly tướng chẳng thể gọi tên nổi nên Phật lại hiệu là Vô Xưng Quang”: Quang minh đã vượt ra ngoài hình  tướng của quang minh nên ngoại trừ đức Phật ra, không ai có thể suy lường nổi. Lời giảng của Đại Sư Đàm Loan bao quát cả hai danh hiệu trước và sau nên rất thù thắng. Trong phần trên, lời giải thích của ngài về Vô Xưng Quang đã tương hợp với danh hiệu Giải Thoát Quang, ở đây lại phù hợp với danh hiệu Bất Tư Nghị Quang, thật sự cũng chẳng trở ngại gì.

Xét ra, các bản dịch có khai, hợp khác nhau, xếp đặt không giống nhau nên có vẻ sai khác nhưng thực chất cũng là nhất trí. “Giải Thoát” chính là một trong ba đức của Niết Bàn, mà Giải Thoát chính là Bất Khả Tư Nghị vậy. Hơn nữa, “Bất Tư Nghị” chính là “Bất Khả Tư Nghị”. Danh xưng của kinh bản Tiểu Bổn này vốn là “Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh”. Đây là tên gọi do đức Phật Thích Ca Mâu Ni đặt cho kinh Tiểu Bổn. Đại Sư La Thập dùng ý dịch, không dịch trực tiếp, sửa đề kinh thành “Phật thuyết A Di Đà kinh”. Cách dịch này rất hay, khiến từ trên đề kinh, chúng ta có thể hiểu được tính quan trọng của bộ kinh này: tu hành Tịnh Độ, quan trọng nhất là “Trì Danh Niệm Phật”.

Kinh Cổ Âm Thanh Vương Đà Ra Ni cũng nói: “Nhĩ thời, thập phương Hằng sa chư Phật, giai cộng tán bỉ An Lạc thế giới, sở hữu Phật pháp bất khả tư nghị, thần thông hiện hóa, chủng chủng phương tiện bất khả tư nghị. Nhược năng hữu tín như thị chi sự, đương tri thị nhân bất khả tư nghị. Sở đắc nghiệp báo diệc bất khả tư nghị” (Lúc bấy giờ, mười phương hằng sa chư Phật đều cùng tán thán thế giới An Lạc kia (là thế giới Cực Lạc). Tất cả Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, thần thông biến hiện, các thứ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có ai tin được sự như vậy, nên biết người đó cũng chẳng thể nghĩ bàn, đạt được nghiệp báo cũng chẳng thể nghĩ bàn).

Đoạn kinh văn trên, chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni đại biểu cho mười phương hằng sa chư Phật nói ra điều này. Thật vô cùng quan trọng! Nếu có thể, chúng ta nên học thuộc nằm lòng. Niệm Phật có bao nhiêu lợi ích, ở đây đều đã nói hết, không những thế gian sáu cõi, mười pháp giới không thể sánh mà tất cả Phật pháp xuất thế gian cũng không thể sánh bằng. Trong sách A Di Đà Sớ Sao, Liên Trì đại sư còn giảng về “bất khả tư nghị” như sau:

Bất khả tư nghị” chia ra thành bốn thứ:

Một là công đức bố thí pháp rộng lớn như là: vô lượng thọ, vô lượng quang, tam bảo đạo phẩm v.v…

Hai là công đức thần thông biến hóa trọn khắp như: nước, chim, cây cối đều tuyên diệu pháp, tự nhiên thọ hưởng cơm áo, đồ dùng; chúng sinh đều đầy đủ tướng hảo, thần thông biến hóa v.v…

Trong ao thất bảo có nước tám công đức. Tất cả chim muông cây cối đều là Phật A Di Đà biến hóa làm ra. Nghe âm thanh nước chảy, chim hót, gió thổi cành lá trong rừng cây đều là âm thanh thuyết pháp. Bạn muốn nghe kinh gì, tự nhiên sẽ nghe được đúng bản kinh đó. Bất luận ở nơi nào, lúc nào nghe kinh đều không bị gián đoạn. Thế giới Cực Lạc không cần ánh sáng mặt trời, mặt trăng; thân mỗi người đều có ánh sáng; cây cối hoa cỏ, sơn hà đại địa tất cả đều phóng quang, quang minh chiếu khắp pháp giới. Thử hỏi: – Đó là quang gì?- Chính là mười hai quang mà chúng ta đang học. Phàm người vãng sinh đến thế giới Cực Lạc đều đầy đủ tướng hảo, thần thông giống như A Di Đà Phật không khác.

Ba là công đức tin nhận căn lành đời trước như: tin nhận được pháp khó tin, đời trước đã tu vô lượng căn lành v.v…

Đây là công đức thiện căn quá khứ xuất hiện. Người có thể tin, có thể tiếp nhận pháp khó thể tin, chính là đời trước họ đã tu thiện căn vô lượng.

Ngày nay, chúng ta dùng khoa học kỹ thuật cao, cũng e sợ khoa học kỹ thuật cao này sẽ bị hủy diệt trong đại thiên tai! Cho nên, còn một ngày chúng ta trân trọng một ngày. Ngày hôm nay thật đáng quí: Mạng internet, vệ tinh phủ khắp toàn cầu.

– Người như thế nào là người hữu duyên?

– Họ có thể kết nối internet, có thể mở được các kênh truyền hình, đó là người hữu duyên, là người có thiện căn phước đức. Họ không xem mạng internet này, không xem kênh truyền hình này, đó là người vô duyên! Để lỡ ngay trước mắt! Thật đáng tiếc! Đây là trong kinh Phật thường nói: “Phật không độ người vô duyên!”

– Thế nào là người vô duyên?

– Không  tin,  không tiếp nhận!  Loại  người  này không  có duyên!

Bốn là công đức quả báo không chi hơn được như là liền được vãng sinh, liền được dự vào trong số những vị thượng thiện nhân, trụ ngay vào địa vị Bất Thoái Chuyển, rốt ráo thành Phật v.v…

Những việc như vậy đều vượt xa thường tình nên bảo là bất khả tư nghị như Kinh Kim Cang Bát Nhã dạy: “Thị kinh bất khả tư nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị” (Kinh này nghĩa lý chẳng thể nghĩ bàn, quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn).

Thế giới Cực Lạc là câu lạc bộ của chư thượng thiện nhân. Người vừa vãng sinh đến thế giới Cực Lạc liền tiến vào, trở thành hội viên của họ.

– “Thượng thiện nhân” là chỉ cho ai?

– Đó là Đẳng Giác Bồ Tát!

Thế giới Cực Lạc, Đẳng Giác Bồ Tát rất nhiều. Họ là lão học trưởng, là địa vị lãnh đạo, trợ giáo của đức Phật A Di Đà, dẫn dắt

những tiểu học đệ, giúp họ đi lên. Sinh đến thế giới Cực Lạc, tất cả liền chứng được viên mãn Tam Bất Thoái: Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, Niệm Bất Thoái. Đó là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Nói cách khác, thọ dụng ở thế giới Cực Lạc là thọ dụng của Đẳng Giác Bồ Tát. Đó là thật! Đẳng Giác Bồ Tát mới thật sự chứng đắc viên mãn Tam Bất Thoái. Viên giáo Sơ Trụ Bồ Tát trong Đại thừa cũng chứng được Tam Bất Thoái nhưng chưa viên mãn. “Tất cánh thành Phật” (rốt ráo thành Phật), chữ “Tất”, ngày nay chúng ta gọi là tốt nghiệp. Lấy được học vị thành Phật, học vị này là học vị A Di Đà Phật. Thật vậy, không phải giả!

Theo Kinh Tiểu Bổn, y báo, chánh báo, nhân quả đều chẳng thể nghĩ bàn. Sách Sớ Sao của Đại Sư Liên Trì viết: “Về y báo thì Đồng Cư chính là Thường Tịch Quang; về chánh báo thì Ứng Thân chính là Pháp Thân; nhân thì bảy ngày thành tựu; quả thì một phen vãng sinh sẽ Bất Thoái. Đấy cũng là những việc vượt xa khỏi thường tình nên cũng đều là chẳng thể nghĩ bàn cả”.

Sách Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích Đại Sư cũng bảo: “Nói đại lược, bất khả tư nghị có đến năm nghĩa:

1. Vượt ngang khỏi tam giới chẳng chờ phải đoạn Hoặc

Rất có lý! Ngay trong nhân đạo, trực tiếp vãng sinh về Tây phương Tịnh Độ. Đây gọi là “hoành siêu tam giới bất kỳ đoạn Hoặc”, không cần phải từng bậc tiến lên như: Từ cõi người phải nâng cao đến cõi trời Dục giới, tiếp tục đến cõi trời Sắc giới, trời Vô Sắc giới; lại nâng cao hơn nữa đến “Tứ Thánh pháp giới”: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật v.v… Đây gọi là đi lên theo đường dọc. Đường đi của các pháp môn khác đều theo phương cách này nên cần thời gian rất dài để đoạn trừ phiền não mới có thể nâng cao cảnh giới. Phiền não chưa đoạn thì không thể nâng cao. Duy nhất chỉ có  pháp

môn Tịnh Độ, không cần phải đoạn Hoặc, một phẩm phiền não chưa đoạn cũng có thể vãng sinh, vượt qua tam giới.

Trong Phật pháp, muốn chứng đắc quả vị thấp nhất là Sơ quả Tiểu thừa Tu Đà Hoàn cũng phải đoạn tận tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc mới có thể chứng đắc. Ngày nay, chúng ta có thể tìm được một Sơ quả Tiểu thừa hay không? – Tìm không ra! Chưa từng nghe nói! Pháp môn Tịnh Độ không cần phải “đoạn Hoặc” mà chỉ cần “phục Hoặc”; “phục Hoặc” dễ hơn “đoạn Hoặc” rất nhiều. “Phục hoặc” giống như dùng tảng đá để đè cỏ (không cần phải nhổ tận gốc), không cho nó phát sinh, khởi tác dụng. Chỉ cần nhiếp tâm niệm câu danh hiệu A Di Đà Phật, không để cho bất cứ phiền não, nghi hoặc nào dấy khởi xen vào, tất cả đều buông xuống, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật. Trụ tâm một chỗ thì không sự việc nào mà chẳng thành tựu. Hơn nữa, sự thành tựu này lại vô cùng thù thắng. Thật sự không thể nghĩ bàn!

2. Đã sinh về Tây phương thì thấy đủ cả bốn cõi, chẳng cần phải tiến từng bậc một:

Đây là cảnh giới Hoa Nghiêm. Liên Trì Đại Sư nói: “Đồng Cư tức Tịch Quang” hoàn toàn tương đồng với Ngẫu Ích Đại Sư nói: “Hoành cụ tứ độ”. Sinh về thế giới Cực Lạc thì đầy đủ cả bốn cõi, không phải niệm chứng từ bậc mà lên trên. Tuy nói Tứ Độ có Tam Bối, Cửu phẩm. Nhưng, trên thực tế thì dấu vết của “Tứ Độ, Tam Bối, Cửu Phẩm” đều không tìm thấy. Bởi thế giới Cực Lạc là thế giới bình đẳng, tất cả là người một nhà. “Tứ Độ, Tam Bối, Cửu phẩm” ở đây giống như một phòng học lớn, tất cả đều cùng nhau lên lớp, không phải là phòng học riêng biệt. Cho nên, Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc như anh chị em một nhà, đều là một tự tánh thanh tịnh viên minh thể. “Tứ Độ” là một chớ không phải hai, mỗi mỗi đều là A Duy Việt

Trí Bồ Tát. Điều này thật không thể nghĩ bàn! Mười phương thế giới đều không có.

3. Chỉ trì danh hiệu, chẳng cần đến các phương tiện Thiền Quán:

Rất nhiều pháp môn tu hành đều có chánh và phụ song    tu,

Tịnh Độ tông cũng không ngoại lệ. Ngẫu Ích Đại Sư dạy: “Chánh tu là chấp trì danh hiệu; trợ tu vẫn là chấp trì danh hiệu”. Niệm rốt ráo một câu A Di Đà Phật thì chánh, phụ đều bao hàm trong đó. Cho nên, công đức danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn, không cần bất cứ trợ duyên của pháp môn nào khác.

4. Lấy bảy ngày làm hạn, chẳng cần phải nhiều kiếp, nhiều đời, lâu ngày chầy tháng:

Thông thường tập khí nặng hơn một chút thì ba năm thành công. Nếu dõng mãnh tinh tấn thì từ một đến bảy ngày thành tựu.

5. Trì danh hiệu một vị Phật liền được chư Phật hộ niệm, chẳng cần trì danh của hết thảy các đức Phật khác.

Đấy đều là do đại nguyện hạnh của đấng Đạo Sư tạo thành nên bảo là cái lợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật.”

Sách Yếu Giải còn viết: “Hành nhân tín, nguyện, trì danh, hoàn toàn lấy công đức của Phật biến thành công đức của chính mình” đúng là lời “hồng tâm của cái hồng tâm” (ý nói: Lời cốt yếu nhất trong những lời cốt yếu. “Hồng tâm của hồng tâm” chính là điểm chính giữa của cái gọi là hồng tâm trong tấm bia để bắn tên).

Câu này nói rất hay! Chưa từng nghe ai nói như vậy, Ngẫu Ích Đại Sư nói ra là hoàn toàn chính xác. Trên kinh nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Chúng ta đem tâm để nơi Phật A Di Đà, nơi câu danh hiệu này, chính là đem công đức của Phật A Di Đà biến thành công đức chính mình. Điều cần nhớ là niệm Phật phải nhất tâm, nếu còn một vọng niệm nào xen tạp sẽ phá hoại hết tất cả công đức. Điều này cổ nhân có ví dụ: “Đề hồ” là thức uống ngon tuyệt của chư thiên, nếu nhỏ vào đó một giọt thuốc độc thì toàn bộ “đề hồ” này sẽ biến thành thuốc độc!

Cận đại, Ấn Quang Đại sư đã tán dương sách Yếu Giải như sau: “Lý sự đều đạt đến mức cùng cực, là bản chú giải bậc nhất kể từ khi đức Phật giảng kinh này đến nay, khéo léo, chính xác đến mức tuyệt diệu! Ví dù cổ Phật xuất hiện lần nữa trong thế gian để chú giải lại kinh này thì cũng chẳng thể hay hơn được nổi”. Thật đúng lắm thay! Trong bất tư nghị quang chứa đựng công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật nên Phật hiệu là Bất Tư Nghị Quang.

Sáng sớm nay, tôi đọc thấy tin tức: Hiện nay bức xạ hạt nhân của Nhật Bản đã chuyển biến thành rất quan trọng! Thủ tướng Nhật cũng thừa nhận, nó thật sự đã ảnh hưởng đến Bắc bán cầu. Mỹ, Canada bị bức xạ hạt nhân này ảnh hưởng, Úc châu cũng bị ảnh hưởng, mấy tỉnh vùng duyên hải Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. Bức xạ này theo gió bay đi. Cũng may! Nó chỉ bay với số lượng nhỏ bên ngoài. Thật sự bị hại chính là đất nước Nhật bản. Trong bản tin tức nói: Đông Kinh có thể có đến hai mươi vạn người bị bức xạ hạt nhân này mà nhiễm bệnh. Nghe nói ở Nhật có hơn năm mươi xưởng phát điện hạt nhân, cũng đồng nghĩa với có hơn năm mươi bom nguyên tử! Nếu một nửa có vấn đề thì phiền phức sẽ rất lớn!

– Việc này có thể xảy đến chăng?

– Rất có thể! Chỉ cần vài lần động đất lớn thì thiên tai lập tức phát sinh! Đây là khoa học kỹ thuật đem đến thiên tai họa hoạn cho con người!

Hiện nay, chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ này có cảm xúc vô cùng sâu sắc. Trong vũ trụ bao la này còn có một điều tốt như vậy, một nơi tận thiện, tận mỹ như vậy. Phật A Di Đà cùng toàn thể cư

dân ở thế giới Cực Lạc đều hoan nghênh chúng ta vãng sinh. Chúng ta còn do dự gì mà chẳng hạ quyết tâm Niệm Phật cầu sinh Cực Lạc!