Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IV. TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC ĐỆ BÁT
(TT)

KINH VĂN:

Thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương, do như chiên-đàn, ưu-bát-la hoa; kỳ hương phổ huân vô lượng thế giới. Tùy sở sanh xứ, sắc tướng đoan nghiêm. Tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo, tất giai cụ túc. Thủ trung thường xuất vô tận chi bảo, trang nghiêm chi cụ, nhất thiết sở tu, tối thượng chi vật, lợi lạc hữu tình.

VIỆT DỊCH:

Thân miệng thường tỏa vô lượng hương mầu nhiệm giống như chiên-đàn, hoa ưu-bát-la, hương ấy xông khắp vô lượng thế giới. Sanh ở chỗ nào sắc tướng cũng đoan nghiêm: Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ thảy đều đầy đủ. Trong tay thường hiện ra vô tận các báu, vật trang nghiêm, hết thảy vật cần dùng tối thượng để lợi lạc hữu tình.

GIẢNG:

Thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương” (Thân miệng thường tỏa vô lượng diệu hương): “Vô lượng diệu hương” đây là “tánh đức chi hương”. Phàm phu chúng ta mê mất tự tánh nên mùi vị trên thân chúng ta đều rất khó ngửi.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Người chân thật tu học tương ưng với tánh đức, trên thân họ đích thật có mùi hương kỳ diệu.

Hôm trước, ở Hồng Kông có vị lão cư sĩ tặng tôi bộ đĩa “Hư Vân, lão Hòa Thượng truyện ký”. Hiện tại ở Trung Quốc đang dựng phim truyền hình nhiều tập, gồm hai mươi tập, dường như vẫn chưa dựng xong. Đĩa này tôi đã xem qua, trong đó giới thiệu lão Hòa Thượng Hư Vân mỗi năm chỉ cắt tóc một lần. Cho nên, chúng ta xem thấy những bức ảnh của ngài, có tấm thì tóc rất dài, có tấm thì cạo sạch bóng. Mỗi năm ngài chỉ tắm một lần, chỉ giặt quần áo một lần. Đời sống rất đơn giản.

Năm xưa, tôi đến Hồng Kông, nghe vị đồng tu kể lại: Trên cổ áo của Hòa Thượng Hư Vân có dầu cặn rất dày, ngửi qua thì có mùi thanh hương, không như phàm phu chúng ta, ba ngày không tắm thì vô cùng khó ngửi! Do đây có thể biết “thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương” là biểu hiện công phu tu hành có đạo tâm, đạo hạnh hay không, vừa tiếp xúc thì liền biết, không cần phải nói nhiều. Thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi liền biết được họ tu hành ra sao? Là công phu thật hay giả, làm gì có thể gạt người! Nhất định phải thật làm!

– Đệ tử Phật lấy gì để trang nghiệm tự thân?

– Dùng “Giới-Định-Tuệ” để trang nghiêm tự thân.

Chúng ta xem truyện ký của Phật sống Kim Sơn, do Pháp sư Lạc Quán viết. Pháp sư Lạc Quán từng sống chung với Phật sống Kim Sơn bốn tháng. Đối với sự hành trì của Phật sống, Pháp sư cảm thấy thật không thể nghĩ bàn! Phật sống ăn mặc rất đơn giản và cũng rất nhớp nhác, vì quần áo của ngài chưa từng giặt. Xuân, hạ, thu, đông đều mặc như vậy. Mùa đông, ngài cũng không lạnh; mùa hè cũng không cảm thấy nóng. Ngài chưa bao giờ tắm, cũng chưa bao giờ giặt quần áo. Nhưng quần áo của ngài thật sự có mùi hương của hoa sen xanh. Thật kỳ lạ! Có người thân thể bệnh hoạn, đến ngửi áo quần của ngài liền hết bệnh. Thật không thể nghĩ bàn! Mùi hương cũng có thể trị bệnh! Đây là “Giới đức” do trì giới chân chánh mà chiêu cảm được như vậy. Người thế gian lấy châu báu làm anh lạc để trang nghiêm thân. Đệ tử Phật dùng “Giới- Định-Tuệ” để trang nghiêm chính mình.

Chiên-đàn” (Sandal), thông thường chúng ta nói là “đàn hương”; trong kinh nói là “ngưu đầu chiên-đàn”. Hương này chúng ta chưa thấy qua. “Chiên-đàn” là tên một loại cây có mùi thơm ở Ấn Độ, ở đất Hán không có. “Chiên-đàn” dịch là “Dữ Lạc” (ban cho niềm vui). Theo sách Huệ Uyển Âm Nghĩa, chiên-đàn có hai loại: Bạch đàn (chiên-đàn trắng) trị được chứng bệnh nhiệt (nóng); Xích đàn (Chiên-đàn đỏ) trị được chứng phong, thũng (trúng gió và phù thủng), vì vậy gọi là Dữ Lạc.

Vào thời đức Phật, loại chiên-đàn này có. Dường như trong thư tịch chúng ta có ghi chép. Đến thời nhà Đường vẫn còn, loại này rất hi hữu.

Tôi nhớ trên sách từng có ghi chép: Những cao tăng Ấn Độ đến Trung Quốc mang theo bốn lạng chiên-đàn để làm lễ vật dâng lên Hoàng Đế. Lúc đó, tặng lễ vật lên vua, phải ít nhất là một cân, chỉ có mấy lạng thì không đủ cung kính. Cho nên, trong cung đình cự tuyệt không tiếp nhận! Bên ngoài cung đình, Pháp sư bèn đem hương này đốt lên một viên (đại khái là vo thành viên), cả thảy thành Tràng An (là thủ đô Trung Quốc thời đó) đều ngửi được mùi thơm này. Thế là Hoàng Đế mới chịu tiếp nhận hương này.

Trong kinh Phật nói: Chiên-đàn đốt một viên, mùi hương có thể lan khắp bốn mươi dặm. Dù vậy, diệu hương của tánh đức, hương thơm của người trì giới có thể biến khắp mọi nơi. Hương thơm, mùi hương của chư Phật Như Lai và Pháp Thân Đại Sĩ biến khắp pháp giới.

Ưu-bát-la hoa” là tiếng Phạn, dịch thành Trung văn là “Thanh liên hoa” tức hoa sen xanh hoặc hoa sen hồng. “Ưu-bát-la” (Utpala) có hương thơm ngào ngạt.

Sách Huệ Uyển Âm Nghĩa nói: “Ưu-bát-la là tên một loài hoa, lá nó hẹp mà dài. Hoa phía dưới hơi tròn, càng lên cao càng nhỏ dần trông như mắt Phật, kinh hay dùng hoa này làm thí dụ”. Chỗ này nói Bồ Tát “thân khẩu thường xuất vô lượng bảo hương”, loại hương này cũng chính là trong kinh luận thường nói “Ngũ Phần Pháp Thân hương”. “Ngũ Phần Pháp Thân” là: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải Thoát Tri kiến.

Kinh Quán Phật Tam-muội nói: “Thường dĩ Giới hương vi thân anh lạc” (Thường dùng Giới hương làm chuỗi anh lạc nơi thân).

Kinh Giới Hương bảo: “Thế gian sở hữu chư hoa hương, nãi chí trầm, đàn, long, xạ hương. Như thị đẳng hương, phi biến văn, duy văn Giới hương biến nhất thiết”. (Tất cả các hương hoa trong thế gian, dẫu cho trầm, chiên đàn, long não, xạ hương…Các thứ hương như vậy chẳng thể tỏa mùi khắp nơi, chỉ mình Giới hương nơi đâu cũng ngửi thấy). Kinh này nói “Kỳ hương phổ huân vô lượng thế giới” thì rõ ràng phải là “Giới hương”.

Chúng ta phải học chư Phật, Bồ Tát, dùng tâm chân thành đối đải với tất cả chúng sinh, tuyệt đối không dùng vọng tâm. Dùng chân tâm thì “diệu hương phổ huân”, dùng vọng tâm thì “uế khí đầy trời”!

– “Kỳ hương phổ huân vô lượng thế giới” (Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới) có bao gồm thế giới chúng ta chăng?

– Ở đây không nói thế giới Ta Bà là ngoại lệ! Không nói, tức là khẳng định bao gồm cả thế giới chúng ta.

– Vì sao con người thế giới chúng ta không ngửi được?

– Đức Phật nói: Không phải hương thơm và hào quang của chư Phật không tỏa đến mà do nơi chướng ngại của chính chúng ta!

– Chướng ngại đó là gì?

–  Là phiền não chướng ngại: Vô Minh phiền não, Trần Sa phiền não, Kiến Tư phiền não. Những thứ này ngăn chận khiến chúng ta không ngửi được, cũng không thấy được!

Tùy sở sanh xứ, sắc tướng đoan nghiêm. Tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo, tất giai cụ túc” (Sanh ở chỗ nào, sắc tướng cũng đoan nghiêm. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ, thảy đều đầy đủ).

Cũng theo Hòa Thượng Tịnh Không: Phật, Bồ Tát ứng hóa ở thế gian, sắc tướng này không nhất định, tướng hảo cũng không nhất định. “Tùy sở sanh xứ”: chữ “Tùy” là tùy duyên, chắc chắn không có ý của các ngài. Nếu có ý của chính mình, đây là phàm phu, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của họ vẫn chưa đoạn hết. “Đoan” là đoan chánh; “nghiêm” là trang nghiêm; “đoan nghiêm” là dung sắc đoan chánh thanh tịnh, trang nghiêm.

Tam thập nhị tướng” (ba mươi hai tướng). Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: Nói về Ứng Thân cao một trượng sáu của Phật thì có ba mươi hai tướng. Nếu nói về Báo Thân của Phật ắt có tám vạn bốn ngàn tướng. “Bát thập chủng hảo” (Tám mươi vẻ đẹp phụ) là chỉ tám mươi thứ tùy hình hảo, đây cũng chỉ là nói theo Ứng Thân Phật. Nếu bàn về Báo Thân Phật ắt có sáu mươi bốn ức một ngàn sáu trăm vạn tùy hình hảo.

Quán Kinh nói: “Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng, nhất nhất tướng các hữu bát vạn tứ thiên tùy hình hảo” (Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo).

Sách Pháp Giới Thứ Đệ, quyển hạ cũng chép: “Tướng và (tùy hình) hảo đều là sắc pháp, đều để trang nghiêm rạng rỡ thân Phật; nhưng tướng là tổng quát, tùy hình hảo là chuyên biệt. Nếu một tướng mà không có tùy hình hảo thì chẳng viên mãn. Chuyển Luân, Đế Thích, Phạm Vương cũng có ba mươi hai tướng nhưng không có tùy hình hảo nên thân họ chẳng vi diệu”.

Trí Độ Luận cũng bảo: “Tướng thô nhưng tùy hình hảo lại tế. Chúng sinh thấy Phật liền thấy ngay được tướng, nhưng khó thấy được tùy hình hảo. Hơn nữa tướng thì người khác cũng có, nhưng tùy hình hảo thì không phải ai cũng có. Do vậy, phải nói riêng tướng và tùy hình hảo”.

Pháp Tạng Bồ Tát khi tu nhân “tất giai cụ túc” (thảy đều đầy đủ), ba mươi hai tướng lẫn tám mươi tùy hình hảo, không điểm nào thiếu khuyết.

Thủ trung thường xuất vô tận chi bảo, trang nghiêm chi cụ, nhất thiết sở tu tối thượng chi vật, lợi lạc hữu tình” (Trong tay thường hiện ra vô tận của báu, vật trang nghiêm, hết thảy vật cần dùng tối thượng, lợi lạc hữu tình). Trong tay hiện ra các báu là giống như hai vị Bồ Tát Bảo Thủ và Diệu Tý, như trong Kinh Duy Ma. La Thập Đại Sư nói: Bảo Thủ là nơi tay thường hiện ra vô lượng trân bảo. Ngài lại bảo: “Do quả báo của bố thí nên trong tay thường tuôn ra vô tận bảo vật như năm con sông tuôn chảy. Vì vậy gọi là Diệu Tý (cánh tay nhiệm mầu)”.

Ngài Nghĩa Tịch cho rằng đây là hạnh của Thập Địa Bồ Tát, do Trí Độ (Bát Nhã Ba La Mật) cảm thành. Diệu trí dung thông nên tùy ý vô ngại. Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Tay hiện ra các vật cúng để cúng dường chư Phật”. Ngài Nghĩa Tịch nói: “Thí các hữu tình, cúng dường Tam Bảo”. Như vậy, trong tay xuất hiện vô tận của báu, vật trang nghiêm, vật cần dùng tối thượng chính là để dâng cúng chư Phật và thí cho chúng sinh.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Trang nghiêm chi cụ” không ngoài là xây dựng đạo tràng; “Tối thượng chi vật” không gì hơn là hoằng pháp lợi sinh.

Ngày trước, xây dựng đạo tràng là quốc gia đảm trách, đó là Đế vương họ hiểu được tu phước. Các trưởng giả, cư sĩ, đại đức hiểu được tu phước nên toàn tâm, toàn lực làm tốt giáo dục tôn giáo, đây là “nhất thiết sở tu, tối thượng chi vật” (hết thảy vật cần dùng tối thượng).

Hiện tại là thời mạt pháp, trên toàn thế giới Phật Giáo đang trên đà suy yếu đến cùng tột! Chúng ta phải làm sao?! Xây dựng đạo tràng không khó; vấn đề là không có người giảng kinh hoằng pháp! Nhất định phải làm đại công đức! Nhất định phải vận dụng khoa học kỹ thuật cao. Chúng ta giảng kinh nói pháp chỉ cần trong phạm vi căn phòng nhỏ, toàn thế giới đều có thể thu nhận được trang “web” của chúng ta. Đây là đạo tràng của thế kỷ hai mươi mốt, không phải ở nơi chùa miếu lớn, nhỏ mà ở công cụ hiện đại truyền thông của chúng ta.

Việc làm này vô cùng quan trọng! Đây là tư liệu bậc nhất, hy vọng người chân thật có thể nghe hiểu mà phát đại tâm. Sau khi hiểu được, tốt nhất có thể đem nó biến thành kịch bản. Người trên toàn thế giới đều ưa thích xem kịch dài tập, dùng phương pháp kịch truyền hình dài tập này để phát triễn hoằng dương chánh pháp. Đây là “nhất thiết sở tu, tối thượng chi vật”; “tối thượng chi vật” (vật cần dùng tối thượng) chính là cái này. Tốt nhất có thể từ vệ tinh, đài truyền hình mà phát sóng, người thu nghe sẽ càng nhiều. Nên dùng phương pháp này để “lợi lạc hữu tình”, phải trên đại sự nghiệp này mà dốc phần công sức.

Chỗ này nói: Trong tay Bồ Tát thường xuất hiện vô lượng vô biên các vật tối thượng. Như thế, cũng chính là hiển thị huyền môn cụ đức viên minh: “một tức là nhiều, nhiều tức là một”.

KINH VĂN:

Do thị nhân duyên, năng linh vô lượng chúng sinh, giai phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

VIỆT DỊCH:

Do nhân duyên ấy khiến cho vô lượng chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

GIẢNG:

Câu “Do thị nhân duyên” (Do nhân duyên ấy) chỉ chung các nhân duyên thù thắng đã nói ở phần trên. Những nhân duyên ấy khiến cho chúng sinh được ngài hóa độ đều phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Đề. Đoạn này đã hiển thị A Di Đà Phật khi còn ở nhân địa, hành Bồ Tát đạo đã phát ra chủng chủng tâm hạnh, dùng vô lượng tâm, phát vô lượng nguyện, khởi vô lượng hạnh, hạnh nào cũng tương ưng với Chân Như pháp giới, chúng ta cần phải nên học tập.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Học Phật, mục tiêu chân thật là phải siêu việt tam giới, siêu việt mười pháp giới, đạt đến cứu cánh thành Phật. Nếu chưa chứng được Phật quả cứu cánh, có thể chứng được Phật quả “Phần Chứng vị” cũng xem là thành tựu rồi. Nếu “Phần Chứng vị” vẫn chưa thể chứng được, có thể chứng được “Tương Tợ vị” cũng xem là không tệ. “Tương Tợ vị” bao gồm các quả vị: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong mười pháp giới,  đây đều là tiểu quả. Nếu vẫn không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, vậy thì rất hổ thẹn!

Từ trên lý mà nói: “Tất cả chúng sinh vốn dĩ thành Phật”, nhưng sao chúng ta vẫn cứ mãi là phàm phu?! Đây thật là kỳ sĩ đại nhục! Vấn đề là tâm chúng ta không giống tâm Phật; hành vi chúng ta không giống hành vi Phật. Tâm Phật thanh tịnh vô vi; hạnh Phật “vô vi nhi sở bất vi”. Ngài “vô sở bất vi” cùng “vô vi” tương ưng, là một không phải hai. Cái lý này quá sâu! Phàm phu chúng ta tham không thấu!

Thế nhưng, chúng ta vô cùng may mắn, lần này được thân người lại gặp được Phật pháp. Không những gặp được Phật pháp mà còn gặp được đại pháp thù thắng không gì bằng, đây là nhờ có thiện căn, phước đức, nhân duyên từ vô lượng kiếp mới gặp được pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này khẳng định dạy chúng ta ngay đời này thành tựu. Ngoài pháp môn này ra thì rất khó nói! Người xưa nói: Giáo có chánh có tà; pháp môn cũng có tà, có chánh; nhất là trong xã hội hiện nay!

Kinh Lăng Nghiêm nói: Thời mạt pháp, tà sư nói pháp như cát sông Hằng, nhiều vô số kể. Những tà sư này trên Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, đều là ma vương thị hiện. Thần thông, đạo lực của ma, phàm phu chúng ta không tài nào có thể so sánh được! Phật và ma không dễ gì phân biệt! Ma có chín mươi chín câu nói ra giống y như Phật nói Chánh pháp, chỉ có một câu không giống, chúng ta làm sao có thể phát hiện ra chứ!!

Chúng ta có thiện nguyện mong cầu thế giới hòa bình, xã hội an định, tất cả chúng sinh đều có thể trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn, vậy thì phải nỗ lực giúp họ tiêu trừ nghiệp chướng, giúp họ phá mê khai ngộ. Trên đời này một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định. Thế nhưng, nó không phải là bất biến. “Y báo tùy theo  chánh báo chuyển”: tâm thiện, hành thiện, quả báo liền thiện. Hiện tại quả báo là bất thiện, ta phải nỗ lực mà tu tâm thiện, tu hạnh thiện.

Phàm phu khó nhất chính là trong cảnh giới hư vọng này, mê đã quá lâu! Không biết đó là hư vọng, đem hư vọng cho là chân thật! Nói chân thật họ vẫn khởi hoài nghi, bán tín bán nghi! Lời Phật không thể không tin, nhưng tin rồi lại không dám thật tin! Đây là cái ải khó nhất trong việc tu hành! Chúng ta rất không dễ dàng đột phá cái cổ bình “tự tư tự lợi”! Không thể đột phá nhưng vẫn phải đột phá! Vì sao? Không đột phá thì khổ nạn sẽ không cùng tận!

Buông xả chấp trước, trước nhất phải buông xả từ vật ngoài thân. Sau đó, tiến thêm bước nữa, ngay thân này cũng phải buông xả. Thân buông xả thì tâm tự tại. Tâm khỏe thì thân khỏe. Tâm thanh tịnh, thân liền thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, hoàn cảnh liền thanh tịnh. Hoàn cảnh thanh tịnh chính là không khí, từ trường thanh tịnh. Người thân tâm thanh tịnh, cho dù họ không nói, chúng ta ngồi với họ nửa giờ, một giờ đồng hồ cũng cảm thấy hoan hỉ, đây là điều không thể diễn tả được.

Kinh nghiệm này là ngày trước tôi thân cận với Đại Sư Chương Gia. Đại Sư ngôn ngữ rất ít. Tôi rất hoan hỉ được cùng ngồi với ngài không nói câu nào suốt hai giờ đồng hồ. Về sau, Đại Sư vãng sinh, tôi thân cận với thầy Lý Bỉnh Nam. Từ trường của thầy không thể sánh với Đại Sư Chương Gia. Đây là tôi lần đầu thân cận vị chân thiện tri thức, thật là khiến người ngưỡng mộ, khiến người yêu thương. Lão nhân vô cùng từ bi, bình dị, dễ gần. Rất nhiều người không dám gặp ngài, cho ngài là Phật sống, thân phận địa vị quá cao. Rất nhiều Pháp sư đều không dám thân cận ngài. Kỳ thật, ngài rất tốt, rất từ bi, không có chút cao giá nào. Đây là người đắc đạo chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Có thân cận với ngài mới cảm nhận được phong khí, từ trường của ngài hoàn toàn khác với người thông thường.

Tự viện ngày trước có sản nghiệp. Các cư sĩ ít cúng dường tiền, thông thường họ cúng dường đất đai, bất động sản. Tự viện đem những bất động sản này cho nông dân thuê trồng trọt, nên nguồn kinh tế của tự viện là cố định, đời sống ổn định, tâm an mới có thể làm đạo. Trong tự viện không có kinh sám, Phật sự, rất ít Pháp hội. Đạo tràng có đạo phong quyết không lệ thuộc tín đồ, do vậy mà tâm họ liền Định.

Xã hội ngày nay biến đổi rồi! Tự viện không có sản nghiệp chỉ dựa vào tín đồ, khiến người xuất gia ngày ngày phải động não! Trong hoàn cảnh này chúng ta phải an phận giữ mình, phải thành thật tu hành.

Lúc Thế Tôn còn ở đời có nói qua: Thọ mạng của ngài là một trăm tuổi, ngài tám mươi tuổi đã đi rồi. Phật nói: Phước báo hai mươi năm còn lại của ngài để cho người xuất gia đời sau trên toàn thế giới hưởng. Mãi cho đến pháp vận của ngài hết là mười ngàn năm thời mạt pháp, phước báo của Phật vẫn còn, chúng ta còn lo gì chứ! An tâm làm đạo, tự nhiên sẽ có cúng dường, đây là phước báo của Phật.

Kế đến, Vi Đà Bồ Tát là thần hộ pháp, ngài phát tâm muốn hộ trì Hiền Kiếp Thiên Phật xuất thế. Chúng ta là đệ tử chân chánh của Phật, người y giáo tu hành, nếu bị lạnh chết, bị đói chết thì Vi Đà Bồ Tát ắt phải chịu trách nhiệm; chiếu theo pháp luật đến chế tài, cách chức để điều tra! Tôi nói với mọi người đều là lời chân thật. Cho nên phải gìn giữ tâm thanh tịnh của chính mình, vĩnh viễn không bị hoàn cảnh bên ngoài xoay chuyển, phải tin tưởng phước báo của Phật, tin tưởng vào sự hộ trì của thần hộ pháp, không cần phải   bận tâm điều gì. Trong lu gạo không còn gạo, đến lúc nấu cơm tự nhiên sẽ có người mang đến, đâu cần phải đi cầu người!

Trên thực tế, nếu không có ăn, cũng không oán trời, trách người. Không có ăn thì niệm Phật. Bảy ngày không có ăn thì niệm Phật bảy ngày, vãng sinh càng tự tại! Càng hoan hỉ! Thế giới này có gì đáng để lưu luyến chứ! Như vậy mới chân thật làm được đại tự tại, mới chẳng phí uổng công sức tu hành mà “năng linh vô lượng chúng sinh” (có thể khiến cho vô lượng chúng sinh) cũng được tương ưng với pháp giới “giai phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm” (đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).


 

V. VIÊN MÃN THÀNH TỰU ĐỆ CỬU

KINH VĂN:

Phật cáo A Nan: – Pháp Tạng tỳ kheo tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức, vô lượng vô biên. Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tự tại, phi thị ngữ ngôn phân biệt chi sở năng tri.

VIỆT DỊCH:

Phật bảo A Nan: – Tỳ kheo Pháp Tạng tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức vô lượng vô biên, được tự tại trong hết thảy pháp, chẳng thể dùng ngữ ngôn, phân biệt để biết được nổi.

GIẢNG:

Trên đây là Thế Tôn tổng kết phần kinh văn đã nói ở phần trước, nồng nhiệt khen ngợi tỳ kheo Pháp Tạng tu đại hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ mới có thể tích lũy vô lượng vô biên, chủng chủng công đức. Đây là tu nhân chiêu cảm được quả đức.

Ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại” (Được tự tại trong hết thảy pháp). Theo Hoàng Niệm lão: Đức Thế Tôn tự xưng “Ngã vi Pháp vương, ư pháp tự tại” (Ta là Pháp vương, tự tại nơi pháp), nay ngài dùng ngay câu này để khen ngợi Pháp Tạng trong lúc tu nhân thì thật là một lời khen ngợi tột bực.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Nhất thiết tự tại” là hết thảy vô ngại, được đại tự tại chính là kiến tánh, cũng chính là đối với tất cả pháp đều viên mãn thành tựu. Chúng ta dùng màn hình để ví cho tự tánh. Tự tánh có đầy đủ ba đức: Tự tại, vô ngại, viên thành. Hình ảnh trên màn hình thiên biến vạn hóa, là huyễn tướng, cũng ví như mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Chỗ nào có cảm thì nơi đó liền có ứng. Mỗi điểm trên màn hình đều thiên biến vạn hóa như trong Hoàn Nguyên Quán nói “Xuất sanh vô tận”. “Xuất sanh vô tận” là ứng.

Người mê thấy hình ảnh trên màn hình xuất hiện thì lo sợ nhiễm ô tự tánh. Họ không biết rằng tự tánh vốn không nhiễm ô. Thánh hiệu “Quán Tự Tại Bồ Tát” ngầm nói lên ý nghĩa: Cái thấy của Bồ Tát là quán chiếu, là chiếu kiến, không phải cái nhìn cạn cợt như phàm phu chúng ta luôn là có phân biệt, chấp trước. “Tự” là tự tánh, tự tâm. Tự tâm là chân tâm không phải vọng tâm. Ý nghĩa của “Quán Tự Tại” là: “Liễu liễu kiến tánh, liễu liễu kiến tâm giả, thị tức thậm thâm Bát Nhã” (Thấy rành rẽ cái tánh, thấy rành rẽ cái tâm, đấy chính là thậm thâm Bát Nhã) nên có thể chiếu phá Ngũ uẩn, siêu vượt hết tất cả khổ ách. Đây cũng chính là “ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại” (được tự tại nơi hết thảy pháp).

Phàm phu chúng ta hoàn toàn dùng tình thức, dùng phân biệt, chấp trước để đối đải, kết quả toàn bộ đều sai lầm, nên tự tại trở thành không tự tại: Liễu liễu không phải “Kiến tánh” mà là “kiến tướng”! Liễu liễu không phải “kiến tâm” mà “kiến thất tình lục dục”! Hoàn toàn sai lầm! Nếu thật sự buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì cái nhìn, cái thấy của chúng ta không có gì khác với Bồ Tát Quán Âm.

“Ngũ Uẩn” là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. “Sắc pháp” là “tướng phần” là hiện tượng vật chất. “Tâm pháp” là “thọ, tưởng, hành, thức”. “Sắc Pháp” và “Tâm Pháp” đều bất khả đắc. “Ngũ Uẩn giai không”, đây chính là các nhà khoa học hiện đại nói: Hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần đều là huyễn tướng, đều bất khả đắc, đều không có thật. “Độ nhất thiết khổ ách”: Ý nói tất cả những đau khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần đều không còn. Nói cách khác, giải phóng được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ngay trong hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, đấy gọi là “độ nhất thiết khổ   ách” cũng chính là “Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tự tại” (Được tự tại trong hết thảy các pháp). Do chính vì lấy tự tại làm nhân, rồi vẫn lấy tự tại làm quả, nên “nhân quả đồng thời”. Thật chẳng thể nghĩ bàn!

Sách Hội Sớ lại giải thích như sau:

Nay bảo: Ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại’ thì chính là thành tựu Phật quả của đức Thế Tự Tại Vương Phật. ‘Nhất thiết pháp’ chính là pháp bốn mươi tám nguyện, tức là: Pháp trang nghiêm Tịnh Độ, pháp nhiếp thủ chúng sinh, pháp trang nghiêm Pháp Thân v.v…”.

Hòa Thượng Tịnh Không nói: “Thế Gian Tự Tại Vương” là danh xưng quả đức của tất cả người tu hành không phải chỉ riêng cho một vị Phật nào đó mà là đức hiệu chung, là tự tánh của mỗi chúng ta. Nếu muốn chỉ đích danh một vị nào thì phía trước phải thêm vào danh hiệu của vị đó. “Tự” là tự tánh, tự tâm. Tự tánh tự tại, tự tâm tự tại là ý nghĩa như vậy.

Cư sĩ Bành Tế Thanh đối với kinh văn này cũng lý giải rất sâu sắc. Ông có chú giải Kinh Vô Lượng Thọ gọi là Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận. Ở đây, Hoàng Niệm lão đã giản lược kiến giải của cư sĩ Bành Tế Thanh như sau: “Ngài Pháp Tạng dùng vô lượng tâm, phát vô lượng nguyện, khởi vô lượng hạnh, không hạnh nào chẳng tương xứng Chân Như pháp giới. Chúng sinh vô lượng, cõi nước vô lượng, Bồ Tát tùy thuận chúng sinh trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết na-do-tha kiếp nhập bất khả thuyết bất khả thuyết hằng sa cõi Phật, đều dùng vô lượng hạnh hải để nghiêm tịnh những cõi ấy. Vì sao vậy? Vì pháp giới vốn vô lượng vậy. Nghiêm tịnh vô lượng cõi Phật, độ thoát vô lượng chúng sinh như vậy, nhưng thật chẳng có cõi Phật để nghiêm tịnh, cũng chẳng có chúng sinh để độ. Vì sao thế? Vì Pháp giới chính là phi pháp giới nên Bi và Trí cùng dung hội. Lý sự vô ngại. Do vậy có thể tự tại trong hết thảy các pháp”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau: “vô lượng tâm” là tự tánh, “vô lượng nguyện” là bốn mươi tám nguyện; “khởi vô lượng hạnh” chính là ngài tu hành năm kiếp.

Ở Trung Quốc ngày xưa, người học Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, khi làm đệ tử của một vị thầy, vị thầy này bắt đầu dạy họ giới luật, thời gian là năm năm. Học giới là gốc của Vô Thượng Bồ Đề, người xưa đều giữ qui củ này rất nghiêm túc, không dám có chút sai phạm. Người bây giờ bỏ hết qui củ này, không cần giới luật mà trực tiếp đi vào kinh giáo nên không thể thành tựu! Họ dùng hết mấy mươi năm vào trong kinh giáo; rốt cuộc chỉ là “Phật học thường thức” không khởi tác dụng!

– Tác dụng là gì?

– Là thay đổi khí chất!

Học Phật nhiều năm nhưng khí chất không thay đổi, nghĩa là không gặt hái được lợi ích! Người gặt hái được lợi ích là đã chuyển phàm thành thánh, chuyển mê thành ngộ; vốn là phàm phu bây giờ trở thành thánh nhân; vốn là tâm luôn dao động bây giờ có Định, có Tuệ, khí chất đã thay đổi. Y theo phương pháp của cổ nhân mà học tập mới được hiệu quả thù thắng như vậy. Không theo con đường của cổ đức mà tự sáng lập con đường mới để đi, con đường đó là “tri thức” không phải “trí tuệ”.

Ngày nay gọi là “tri thức bùng nổ”, họ nghiên cứu cả đời là “Phật học” chớ không phải là “học Phật”. Đây là hai việc khác nhau: “Học Phật” có thể thành Phật, nhưng “Phật học” thì không thể thành Phật! Học Phật nhất định phải đem những điều trong kinh luận biến thành tư tưởng, hành vi, cuộc sống của chính mình mới có được  lợi ích. Có “Giới” chính là có qui củ, có thiền định, có trí tuệ, có thể giải quyết được vấn đề của tự thân.

– Có thể giải quyết được bệnh khổ của tự thân chăng?

– Có thể! Tôi đã từng gặp! Nhưng, cũng có trường hợp không thể! Lúc Đại Sư Huyền Trang ra đi rất đau khổ, bệnh khổ rất nghiêm trọng! Đây là bậc cao tăng. Có người hỏi ngài:

– Chẳng lẽ công phu tu hành của ngài không hiệu nghiệm ư?

Ngài nói với họ:

– Không phải! Đây là nghiệp chướng đã tạo trong quá khứ rất sâu nặng! Tội nặng nhưng quả báo nhẹ. Sự việc này chúng ta phải biết: Nhân quả là có thật không phải giả.

Thật sự sám trừ nghiệp chướng là phải sửa đổi sai lầm bản thân. Phật, Bồ Tát thị hiện đều có liên qian mật thiết với đại nguyện của các ngài; tất cả đều là giáo hóa chúng sinh: Thị hiện thiện nhân có thiện quả; ác nhân có ác quả. Đức Thế Tôn lúc còn tại thế vẫn bị quả báo ăn ba tháng lúa mạch, thức ăn của ngựa. Đương thời, Khổng Tử cũng có lúc tuyệt lương thực phải chịu đói khát không có thức ăn.

Đức Phật và đức Khổng Tử sống rất tiết kiệm, một chút cũng không hề lãng phí, đây là dạy người phải biết tích phước. Tu phước đương nhiên quan trọng, nhưng tích lũy phước lại càng quan trọng hơn. Một chút phước báo mà ta tạo được, bình thường đều đem ra hưởng hết; không lo cách tích phước, đến khi thiên tai hiện tiền thì phải làm sao?! Hối hận cũng không kịp! Cho nên phải cố gắng tiết kiệm; đáng dùng thì dùng, không đáng dùng thì chẳng nên tiêu phí. Các nhà khoa học cảnh báo chúng ta, tương lai sẽ có nguy cơ về lương thực, nguy cơ về năng lượng, nguy cơ về nguồn nước, còn có nguy cơ về tài chính!

– Đại thiên tai toàn cầu, chúng ta nên đối phó thế nào?

– Tu tập là điểm then chốt!

Về mặt tế hạnh, ít nhất cũng phải học “ôn, lương, cung, kiệm, nhường” của Khổng Tử, đó là đức hạnh. Đối với người phải ôn nhu, tư thế phải thấp một chút; phải thiện lương, phải khiêm cung, phải tiết kiệm, phải kính trên nhường dưới, không nên tranh giành mà phải học nhường nhịn. Trong “Thập nguyện Phổ Hiền”, từ “lễ kính” cho đến “Phổ giai hồi hướng”, mỗi nguyện đều đầy đủ “ôn, lương, cung, kiệm, nhường”; không đầy đủ đức hạnh này làm sao có thể tu vô lượng vô biên chủng chủng công đức!

Đại thiên tai toàn cầu! Hiện nay trên trái đất này có đến mười mấy cái núi lửa siêu cấp, đại đa số đều nằm dưới đáy biển. Trên đất liền có một cái rất nổi tiếng, đó là công viên Hoàng Thạch ở miền Tây nước Mỹ. Việc này mọi người đều hiểu được, giới khoa học rất nhiều lần báo cáo trên trang mạng internet, chúng ta đều có thể đọc được. Đó là núi lửa siêu cấp, miệng núi lửa dài bốn mươi lăm dặm Anh (không phải cây số), rộng ba mươi lăm dặm Anh. Nếu nó phun trào, nước Mỹ sẽ tan hoang! Hai phần ba diện tích đất đai của Mỹ sẽ không còn nữa! Phạm vi tai hại của nó là một ngàn cây số. Khói bụi núi lửa sẽ phun lên cao hai mươi cây số (chúng ta biết được: phi cơ quốc tế chỉ bay với độ cao khoảng mười cây số, chỉ bằng một nửa độ cao của khói bụi núi lửa)!

Mặt khác, nếu núi lửa dưới đáy biển phun trào sẽ dẫn đến sóng thần cao đến mấy trăm “mét”. Cũng có người nói với tôi, sẽ dẫn đến sóng thần cao đến sáu trăm “mét”. Thật ghê sợ! Đây là nhà khoa học tính toán: Ở Bắc bộ của Châu Phi (hình như gần với Tây Ban Nha), nơi vùng biên giới không xa có một quần đảo núi lửa hoạt động. Núi lửa này nếu phun trào, miền Đông nước Mỹ sẽ không còn nữa! Sẽ dẫn đến sóng thần cao hai, ba trăm mét. Sóng thần này nếu hướng về Châu Âu; thì Châu Âu sẽ không còn nữa! Nếu hướng đến nước Mỹ, đó là Đại Tây Dương. Từ bờ biển của Châu Phi đến Đại Tây Dương mất khoảng tám tiếng đồng hồ. Sau sáu tiếng đồng hồ, mức độ cao của sóng thần sẽ giảm xuống còn một phần mười. Như vậy, nếu sóng thần cao một trăm mét, khi đến nước Mỹ sẽ trở thành cao mười mét v.v… Sóng thần này hướng đến bờ Đông nước Mỹ; bờ Đông nước Mỹ sẽ hoàn tất mất hết!

Năm trước ở Indonesia, sóng thần cao mười mét. Lần này, ở Nhật Bản, sóng thần cũng cao mười mét. Cho nên, tôi cảm thấy bộ phim của Mỹ, đó là điềm báo! Đó không phải là tiết mục giải trí, cũng không phải là nói cho vui. Biết được viễn tượng như thế, chúng ta còn do dự gì mà không chịu buông xả! Còn có thể không chăm chỉ niệm Phật hay sao?!

Có tin tức nói: Philippine có núi lửa, Indonesia núi lửa càng nhiều hơn. Đâu đâu cũng có núi lửa! Những núi lửa này phun trào rất có khả năng dẫn đến sóng thần rất lớn. Nếu sự việc này xảy ra ở bờ Đông Philippine thì đối với Hồng Kông sẽ tốt hơn một tí. Nhưng, nếu xảy ra ở bờ Tây, bờ Tây là đối diện với Hồng Kông thì phiền phức lớn! Hóa giải kiếp nạn chỉ có niệm Phật, công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn! “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”, thật sự niệm Phật đến nhất tâm thì tâm thanh tịnh hiện tiền, có thể hóa giải được vấn đề. Nếu không thể hóa giải thì tai nạn chắc chắn cũng sẽ giảm thiểu đi rất nhiều. Hy vọng mọi người chúng ta đều nỗ lực niệm Phật, cứu lấy bản thân cũng cứu lấy mọi người.