MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc 
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG

 

TẬP III
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp theo)

MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT
(Của TRIỆT NGỘ Thiền Sư)

Hán 81:
Nhứt cú Di Đà
Hoằng thông cảm đọa
Nhập Đại bi thất
Tọa pháp không tòa.

Việt 81:
Một câu A Di Đà
Sốt sắng gắng hoằng thông
Nguyện vào Đại bi thất
Ngồi yên tòa Pháp không.

Lược giải:
Trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn đã từng khuyên các học nhơn: “Nếu muốn kham sống trong cõi đời ngũ trược để độ mình cùng độ sanh, thì phải mặc áo giáp Nhẫn nhục, vào nhà Đại Bi, và ngồi tòa Pháp không”.

Tại sao thế? Bởi nơi cõi Ta bà những nghiệp tham, sân, si, khinh mạn, nghi ngờ cùng ác kiến của chúng sanh tất mạnh mẽ lẫy lừng. Các phiền nghiệp ấy ví như những mũi tên lửa, dễ làm tổn não người, nếu không mặc áo giáp Nhẫn nhục nhu hoà, tất khó thể chịu đựng nổi. Song như thế cũng chưa đủ, vì nếu nhẫn nhục mà không có lòng đại bi thương xót tha thứ sự mê lầm tội lỗi của chúng sanh, thì chẳng thể hoằng pháp độ người. Cho nên hành giả phải nối gót Như Lai vào nhà đại Từ bi của Phật. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa được trọn vẹn. Bởi dù có tâm Từ bi, Nhẫn nhục, nhưng nếu chưa thấu suốt tất cả pháp đều không, mà vào nơi Vô sở trụ như kinh Kim Cang đã chỉ dạy, tức nhiên tướng Nhơn ngã chấp và Pháp ngã chấp hãy còn. Đã còn tác tướng ấy thì dù có Nhẫn nhục cũng chưa dứt hết gốc giận hờn, dù có niệm Từ bi cũng chưa tuyệt lòng ái luyến. Cho nên hành giả lại phải cần an trụ nơi tòa Nhứt thiết pháp không. Đạo lý này rất uyên thâm, như diễn rộng ra sáu trăm quyển Đại Bát Nhã cũng nói chưa cùng tận. Song nếu tóm tắt lại, có thể gồm trong một lời kệ của kinh Hoa Nhgiêm: “Vô trước vô y trí huệ lực”, nghĩa là sức trí huệ không nương tựa dính mắc vào đâu.

Đại ý bài kệ trên, ngài Triệt Ngộ muốn nói: “Chư Như Lai từ trong nhân hạnh cho đến khi đắc quả, vì bi nguyện độ sanh nên đã mặc áo giáp Nhu hòa nhẫn nhục, vào nhà đại Từ bi, ngồi tòa Nhứt thiết pháp không mà tu học cùng nói ra pháp môn niệm Phật này”. Các hành giả muốn độ mình một cách chắc chắn và rộng độ chúng sanh, cần phải siêng năng noi theo gương ấy.

Hán 82:
Nhứt cú Di Đà
Vô tận bảo tạng
Bát tự đả khai
Phổ đồng cúng dường.

Việt 82:
Một Câu A Di Đà
Là kho báu vô tận
Tám chữ mở toan ra
Khắp cho không tiếc lẫn.

Lược giải:

Tám chữ trên đây, là “Đại từ đại bi A Di Đà Phật”. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có thuật chuyện một hành giả niệm Phật, khi lâm chung thấy tám chữ ấy hiện ra giữa hư không to lớn, sắc như vàng ròng. Tám chữ ấy hàm ý tiêu biểu cho bốn mươi tám bi nguyện độ sanh rộng lớn của đức A Di Đà Thế Tôn. Song về sự trì niệm, thì yếu ước lại chỉ có sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”. Sao gọi là tám chữ, hay sáu chữ mở kho báu vô tận?

Theo Hiển Giáo, sáu chữ ấy tiêu biểu cho sự nương về kho Vô lượng thọ mạng, Vô lượng quang minh, Vô lượng công đức.

Theo Mật giáo, về quyển Thánh Tài Tập, sáu chữ đó là chủng tử của năm đức Phật. Hai chữ Nam Mô có nghĩa là quy mạng. Mạng là Thọ thường trú, tức chỉ cho đức Tỳ Lô Giá Na Như lai. Còn bốn chữ kia, theo thứ tự là chủng tử của năm đức Phật. Hai chữ Nam Mô có nghĩa là quy mạng. Mạng là Thọ thường trú, tức chỉ cho đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Còn bốn chữ kia, theo thứ tự là chủng tử của bốn đức Phật: A Súc Bệ, Bảo Sanh, A Di Đà, và Bất Không Thành Tựu. Cho nên sáu chữ hồng danh là kho bí mật, gồm thâu tất cả chánh báo, y báo khắp mười phương.

Theo Tâm giáo, sáu chữ này là kho chân tâm, gồm nhiếp tất cả nhân quả, tánh tướng, phước huệ, sự lý. Vì thế nên gọi: “Một câu A Di Đà, Là kho báu vô tận”.

Về điểm dùng tám chữ hay yếu ước lại sáu chữ, để mở kho báu vô tận, cổ nhơn đã có câu: “Lục tự đã khai vô tận tạng. Thâu lai phóng khứ chỉ như nhiên”. Hai câu này có ý nghĩa: (Niệm sáu chữ hồng danh có thể mở toang kho báu vô tận như trên đã nói. Và khi đã thể nhập vào kho chân tâm, thì niệm tức là vô niệm, vô niệm tức là niệm, buông ra thâu vào đều ở trong trạng thái như như).

Chư Phật Thế Tôn, chư Bồ tát, chư Tổ, vì lòng bi nguyện, đã đem tám chữ hay sáu chữ nầy mà phổ thí cúng dường khắp tất cả loài hữu tình, để cho chúng sanh mở được cửa và thọ dụng kho báu vô tận ấy.

Hán 83:
Nhứt cú Di Đà
Đoạn chư phiền não
Toàn Phật toàn tâm
Nhứt liễu bá liễu.

Việt 83:
Một câu A Di Đà
Dứt phiền não rộn ràng
Tâm Phật toàn dung hợp
Rõ một, rõ trăm ngàn.

Lược giải:
Ý nghĩa bài kệ trên rất hàm súc, muốn hiểu thấu đáo, chỉ nên dùng hạnh thể nhập hơn là theo phần lý giải. Tuy nhiên, để tùy thuận sở cầu cho người mới học đạo, xin tạm giải thích như sau:

Lúc hành giả chuyên tâm niệm Phật, thì nghiệp tham, sân, si cùng tất cả phiền não đều dừng lặng. Khi công phu lâu năm trì niệm chuyên thành như thế đến mức cùng tận, ngày kia đương nhơn chợt thấy tâm niệm rỗng rang như chiếc thùng lọt đáy, ngộ được tánh bản lai của mình. Chừng ấy toàn câu niệm Phật, toàn thể đức A Di Đà cùng chánh báo, y báo thế giới cực lạc của Ngài, chính là toàn thể chân tâm diệu cảnh. Và các pháp không ngoài tâm đã ngộ được nhứt chân tâm, tất rõ được tất cả trăm ngàn muôn pháp.

Hán 84:
Nhứt cú Di Đà
Diệt trừ định nghiệp
Hích nhật khinh sương
Hồng lô phiến tuyết.

Việt 84:
Một câu A Di Đà
Dứt trừ được định nghiệp
Nhật rạng phá sương thưa
Lô hồng tan điểm tuyết.

Lược giải:
Trong kinh có lời dạy: “Chí thành xưng một câu A Di Đà, diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sống chết, xung quanh hành nhơn mỗi bề ánh sáng phát ra rộng đến bốn mươi dặm.

Chí tâm xưng một câu hồng danh, ảnh hưởng còn được như thế huống chi chuyên thành niệm Phật nhiều năm, thì định nghiệp nào mà không dứt trừ? Công năng diệt nghiệp của sự trì danh, ví như vầng nhật chói rạng phá tan mau màn sương thưa, như lò lửa to dễ làm tiêu mảnh tuyết. Tổ sư đã mượn hai thí dụ trên để nêu rõ công đức niệm Phật, và khuyến tấn hành giả gắng sức tu trì.

Hán 85:
Nhứt cú Di Đà
Năng không khổ báo
Thế giới, căn thân
Tức thô nhi diệu.

Việt 85:
Một câu A Di Đà
Hay tiêu quả báo khổ
Chuyển thế giới, căn thân
Tức thô thành tế diệu.

Lược giải:
Các sự khổ đều do sức nghiệp làm chủ động, niệm Phật đã có công năng diệt nghiệp, tất nỗi khổ cũng lần lần tiêu trừ. Nhưng “một câu Di Đà làm cho khổ báo trở thành không”, hàm ý nói về phần tánh nhiều hơn phần tướng. Bởi tất cả sự khổ từ lớn đến nhỏ, đều do tâm ta bị căn thân bên trong và thế giới bên ngoài chi phối. Nếu hành nhơn ngộ lý các pháp đều như huyễn, biết an trụ nơi tự tánh Di Đà mà niệm Phật, thì tâm trở nên vắng lặng, thoát khỏi sự chi phối của thân và cảnh. Như thế dù thời tiết nóng lạnh, cảnh ngộ an nguy, sự đói khát cùng mỏi mệt yếu đau cũng không làm cho đương nhơn cảm thấy khổ? Tại sao? Vì hành nhơn đã an trụ nơi định tâm, thoát ly cả hai sự chi phối trong và ngoài ấy.

Khi xưa, một thiền sư tu ở sơn tự bị chứng thương hàn, do thiếu thuốc thang điều dưỡng, nên bịnh càng trở nặng sắp lâm nguy. Một vài đệ tử thấy thế, xin phép đi xuống núi để rước y sư và tìm thuốc đem lên. Thiền sư ngăn lại bảo: “Căn bịnh đã nhập lý, chỉ nên dùng đạo pháp để điều trị, chớ không thể dùng thuốc cứu chữa kịp thời được!”. Thế rồi ông xả hết muôn duyên, ngồi trụ tâm vào tịnh cảnh không ăn uống luôn trong bảy ngày. Đến khi xuất định, bịnh chứng tiêu tan, sức khoẻ lần lần bình phục. Lại một vị Tăng tu Tịnh độ, lúc sắp vãng sanh, túc nghiệp phát hiện làm cho cả thân mình đều phù thủng, còn thêm nhiều chứng bịnh khác. ông nói với hàng đệ tử: “Nếu thầy không nhờ mấy mươi năm công phu niệm Phật, tất không thể chịu nổi sự mỏi mệt nhức đau”. Cho nên một bậc tôn túc đã nói câu: “Lão tăng có pháp an nhàn. dù cho tám khổ cháy lan ngại gì!”. (Lão tăng tự hữu an nhàn pháp. Bát khổ giao tiên tổng bất phòng).

Về ý nghĩa hai câu sau của bài kệ, có thể dẫn giải tóm tắt: thế giới, căn thân đều như huyễn. Nếu tâm chúng sanh còn đầy nghiệp chướng phiền não, dù sống nơi cảnh mầu đẹp ở thiên đường, cũng cảm thấy buồn khổ. Với bậc hành giả đã đắc định, thì riêng có một thiên đường, tuy ở cảnh ác trược, cũng thấy mầu nhiệm an vui. Kinh Duy Ma bảo: “Tùy nơi tâm thanh tịnh, tức cõi Phật thanh tịnh”. Kinh Viên Giác nói: “Địa ngục, thiên cung đều là Tịnh độ”. Ý nghĩa của hai câu kinh ấy, đều chỉ cho cảnh giới trên.

Hán 86:
Nhứt cú Di Đà
Viên chuyển tam chướng
Tức Hoặc, Nghiệp, Khổ
Thành Bí mật tạng.

Việt 86:
Một câu A Di Đà
Chuyển tròn cả ba chướng
Tức nơi Hoặc, Nghiệp, Khổ
Trở thành Bí mật tạng.

Lược giải:
Ba chướng chỉ cho: Hoặc, Nghiệp, Khổ. “Hoặc” thuộc về Phiền não chướng. “Nghiệp” thuộc về Nghiệp chướng. “Khổ” thuộc về Báo chướng. Ba chướng này như chùm trái Ác xoa, có liên quan tương thông lẫn nhau, một tức là ba, ba tức là một.

Đại ý của bài kệ sau này cũng tương tự như bài kệ trước, nếu suy ra sẽ tự hiểu. Như các lượn sóng ở đại dương là biến tướng của nước, cho nên toàn thể sóng là nước. Cũng như thế, vọng giác từ nơi chánh giác mà thiên lưu, cho nên đi sâu vào, toàn thể vô minh vọng giác tức là chánh giác viên minh. Hành giả nếu đi sâu vào Niệm Phật tam muội, sẽ ngộ được Hoặc, Nghiệp, Khổ chính là Bí mật tạng vậy.

Hán 87:
Nhứt cú Di Đà
Giải nạn giải oan
Từ quang cộng ngưỡng
Pháp hỷ quân triêm.

Việt 87:
Một câu A Di Đà
Giải tai nạn trái oan
Quy ngưỡng ánh từ quang
Thắm nhuầm niềm pháp hỷ.

Lược giải:
Bài kệ trên đều là những lời nói trắng rõ ràng, không có ẩn ý sâu kín nào khác. Công đức niệm Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng, tai nạn, tà ma, giải những oan trái đời này cùng đời trước. Công đức ấy cũng khiến cho sanh phước đức trí huệ, độ thoát chính mình cho đến kẻ oan người thân. Các điểm vừa nói đã thể hiện rất nhiều đối với những hành giả niệm Phật từ xưa đến nay. Trong Mấy Điệu Sen Thanh đã có nhiều sự tích trần thuật, độc giả duyệt kỹ sẽ tự thấy, khỏi phiền dẫn chứng thêm nhiều.

Hành giả tu môn niệm Phật đều thọ hưởng được sự lợi ích an vui của pháp này, nên gọi là Pháp hỷ. Bởi thế, chẳng những riêng nơi cõi Ta bà, mà ở khắp hằng hà sa quốc độ trong mười phương, vô số chúng sanh cũng tu môn Niệm Phật và đều cùng hướng về ánh sáng từ bi của đức Giáo chủ Tây phương cực lạc thế giới.

Hán 88:
Nhứt cú Di Đà
Báo vị báo ân
Liệt Triền miên võng
Nhập Giải thoát môn.

Việt 88:
Một câu A Di Đà
Đáp ân nặng chưa tròn
Cắt đứt Triền miên võng
Chứng vào Giải thoát môn.

Lược giải:
Người học đạo có bốn trọng ân là: 1. Ân chư Phật, chư Bồ tát. 2. Ân thầy lành bạn tốt và các thiện tri thức. 3. Ân cha mẹ cùng thân quyến phù trợ. 4. Ân đàn na tín cúng và tất cả chúng sanh. Chúng ta nếu có đền trả bốn ân thì cũng chỉ một phần nào thôi, chớ thật sự chưa làm tròn, đại khái có thể gọi là chưa báo đáp. Muốn mau tròn bổn phận đền trả tứ ân, phải tu môn Niệm Phật để sớm thành đạo quả, tế độ khắp kẻ oan thân cùng tất cả loài hàm thức.

Lại nữa, chúng ta sống trong lưới nghiệp dây dưa, nợ này chưa xong đã vay mối khác, nhứt là các nghiệp oan cừu, ân ái. Lưới nghiệp ấy vây quần kéo dài mãi không dứt, nên gọi là Triền miên võng. Chư Bồ tát đã do tu pháp Niệm Phật, mà cắt được lưới Triền miên võng của nghiệp lực, chứng vào Vô lượng giải thoát môn. chẳng hạn như: Không Huệ Tam Muội Giải thoát Môn, thần Thông Du Hý Tam Muội Giải Thoát Môn, Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn Tam Muội Giải Thoát Môn, Sư Tử Phấn Tấn Tam Muội Giải Thoát Môn v.v… Tổ Triệt Ngộ khuyên chúng ta nên đi theo con đường ấy.

Hán 89:
Nhứt cú Di Đà
Không chư ác thú
Vạn đức hồng danh
Na dung tư nghị

Việt 89:
Một câu A Di Đà
Hay trống không ác đạo
Ức muôn đức hồng danh
Khó nghĩ bàn kỳ ảo!

Lược giải:
Trong Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục có ghi một sự tích công đức Niệm Phật. Xin mượn nêu ra, để giải thích bài kệ trên với tánh cách chứng thật.

Một vị Bà la môn ở nước a Du Sa xứ Thiên Trúc có cô vợ rất đẹp. Vì tình si mê ái nhiễm sâu nặng, ông ta gần gũi mãi cũng không thấy chán đủ. Người vợ lại là một tín đồ Phật giáo; muốn nhân cơ hội đó hóa độ chồng, mới đặt điều kiện: “Nếu khi sắp gần gũi, phải gõ chiếc trống đồng, cả hai cùng niệm hồng danh A Di Đà một lúc lâu cô mới chấp thuận”. Ông chồng bất đắc dĩ phải tuân theo.

Ba năm sau, vị Bà la môn bị bạo bịnh tắt hơi, chỉ nơi ngực mãi còn nóng ấm, nên người nhà chưa dám thiêu hóa. Trải qua năm ngày, ông chợt sống lại, gọi vợ khóc bảo rằng: “Tôi chết do nghiệp nặng bị đọa vào địa ngục Phất Thang. Khi quỉ tốt dùng đinh ba vít tội nhơn vào vạc dầu sôi, chỉa sắt đụng thành vạc đánh keng một tiếng. Lúc ấy tôi đang kinh hồn lạc phách, chợt nhớ tới việc bà bảo gõ trống đồng niệm Phật, nên bất giác lớn tiếng niệm Nam mô a Di Đà Phật. Lạ thay, ngay lúc ấy vạc dầu sôi liền biến thành ao sen nước trong mát, các tội nhơn đều hiện tướng tốt ngồi trên đài sen, rồi cùng bay về Tịnh độ. Diêm Vương nghe báo sanh lòng hoan hỷ, thả cho tôi trở về!”.

Truyện ký trên, chứng minh công năng niệm Phật có thể làm tiêu tan trống không cảnh Địa ngục. Lẽ dĩ nhiên, đối với các ác đạo khác như Ngạ quỉ, Súc sanh, Tu la, cũng lại như thế. Câu Nam

Mô A Di Đà Phật là kết tinh phước huệ của vô lượng công đức lành, khi Phật còn tu Bồ tát đạo, nên mới gọi Vạn Đức Hồng Danh. Bởi thế, hồng danh này có công năng rộng lớn kỳ diệu chẳng thể nghĩ bàn! Trong kinh gọi đó là Vô tác thần lực, nghĩa là sức thần thông đương nhiên, không phải do Phật tác ý khởi niệm xui khiến nên. Đại khai, bài kệ trên tán dương và nêu rõ công đức của câu hồng danh, khiến cho hành giả tăng thêm phần tín, hạnh, nguyện.

Hán 90:
Nhứt cú Di Đà
Cơ đậu nhơn thiên
Sâm si tam bối
Yên ánh cửu liên!

Việt 90:
Một câu A Di Đà
Hợp cơ cả trời, người
Ba căn tánh cao thấp
Chín phẩm sen rạng ngời!

Lược giải:
“Tam bối” trong bài kệ là chỉ cho ba hạng người: Thượng căn, Trung căn, Hạ căn. “Cửu liên” tức chín phẩm sen, cũng phân ra ba cấp thượng trung hạ, mỗi cấp lại có ba bậc thượng trung hạ nữa, nên thành ra chín. Đó là các phẩm: Thượng thượng, Thượng trung, Thượng hạ. Trung thượng, Trung trung, Trung hạ. Hạ thượng, Hạ trung, Hạ hạ.

Ấn Quang đại sư nói: “Phật pháp tùy cơ, có khó dễ thấp cao. Đối với pháp cao khó, thì bậc hạ căn không kham tu. Với pháp thấp dễ, bậc thượng căn lại chẳng cần tu. Riêng môn Tịnh độ có đặc điểm rất mực nhiệm mầu, vừa cao siêu vừa thuận dễ, thích ứng cả ba căn, hạng nào cũng thấy cần thiết và có thể tu tập được. Nói về phần cao siêu thì nơi hội Hoa Nghiêm, mười phương hải hội Bồ tát trong năm mươi mốt vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hướng, Thập địa và Đẳng giác, đều theo lời khuyên của Phổ hiền đại sĩ tu tập môn này. Bàn đến chỗ thuận dễ, thì những chúng sanh nhiều tội chướng, cho đến tạo nghiệp Ngũ nghịch, Thập ác, cũng có thể niệm Phật sanh về cực lạc. Cho nên kẻ chê pháp tịnh độ là thấp kém, tức chưa hiểu chi về môn này, và cũng phạm lỗi khinh báng các bậc Bồ tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đó!”

Điều dẫn giải trên cho ta thấy, pháp môn Tịnh độ thích hợp với tất cả căn tánh thượng trung hạ của hàng nhơn thiên. Ba căn tánh ấy tuy có cao thấp so le, song nếu tu môn niệm Phật, tất sẽ tùy theo công hạnh, đều được nêu danh nơi chín phẩm sen sáng đẹp rạng ngời ở cõi Tây phương Cực lạc.

Hán 91:
Nhứt cú Di Đà
Hóa kiêm tiểu Thánh
Hồi hiệp liệt tâm
Hướng Vô thượng thừa.

Việt 91:
Một câu A Di Đà
Các quả vị tiểu thánh
Chuyển tâm hẹp gồm đưa
Hướng về Vô thượng thừa.

Lược giải:
Tiểu thánh tức là các quả thanh văn, Duyên giác gồm: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích Chi Phật. Hàng tiểu thừa lấy cảnh Sanh không Niết bàn làm quả vị cứu cánh, chỉ cầu mong cho mau thoát ly nỗi khổ sống chết luân hồi trong ba cõi. Các vị này không phát thệ nguyện rộng lớn, trên cầu Phật quả vô thượng dưới độ tất cả chúng sanh, như những bậc Bồ tát, cho nên đức Thế Tôn chê là tâm nhỏ hẹp.

Môn Niệm Phật là pháp Đại thừa, nên có thể chuyển tâm nhỏ hẹp của hàng Tiểu thừa, đưa các quả vị Thanh văn, Duyên giác hướng về Vô thượng của Phật đạo.

Hán 92:
Nhứt cú Di Đà
Siêu nhiên vô ngại
Văn Thù, Phổ Hiền
Đại nhơn cảnh giới.

Việt 92:
Một câu A Di Đà
Thật vô ngại siêu nhiên
Như Văn Thù, Phổ Hiền
Là cảnh bậc đại nhơn.

Lược giải:
Môn niệm Phật đi sâu vào bốn pháp giới, cùng tột là Sự sự vô ngại pháp giới. Cổ đức cũng nói: “Niệm Phật có thể khiến cho hành nhơn vào cảnh giới Vô ngại giải thoát”.

Trên đây, Triệt Ngộ đại sư muốn nói: “Niệm Phật không phải pháp thấp kém tầm thường mà chính là cảnh giới của các bậc Bồ tát đại nhơn như Văn Thù, Phổ Hiền vậy”.

Hán 93:
Nhứt cú Di Đà
Vi diệu nan tư
Duy Phật dữ Phật
Nãi năng tri chỉ.

Việt 93:
Một câu A Di Đà
Mầu nhiệm khó nghĩ bàn
Chỉ có Phật với Phật
Mới rõ biết tận cùng.

Lược giải:
Trên đã nói Niệm Phật tam muội là cảnh giới của bậc đại Bồ tát, Nơi đây Tổ Triệt Ngộ lại nhắn rõ thêm: Niệm Phật tam muội tuy chư đại Bồ tát cũng thâm nhập, nhưng thật ra chưa được cùng tận. Duy có Phật với Phật mới rõ biết được hết, vì đó là Phật tam muội, là cảnh giới của chư phật.

Điều này càng khẳng định rõ ràng hơn tánh cách cao thâm của pháp môn Tịnh độ.

Hán 94:
Nhứt cú Di Đà
Liệt Tổ phụng hành
Mã Minh tạo luận
Long Thọ vãng sanh.

Việt 94:
Một câu A Di Đà
Chư Tổ đều phụng hành
Tổ Mã minh viết luận
Tổ Long Thọ vãng sanh.

Lược giải:
Môn Niệm Phật vì là pháp môn Tối thượng thừa cao siêu, nên chư Tổ đều phụng hành, bằng cách hoặc viết luận khen ngợi khuyên tu, hoặc niệm Phật cầu về Cực lạc. Chẳng hạn như hai vị Bồ tát Mã Minh, Thế Thân đã viết Đại Thừa Khởi Tín Luận và Vãng Sanh Luận để xưng tán, chỉ đường Tịnh độ. Và Long Thọ Bồ tát chứng Sơ Hoan Hỷ địa đã niệm Phật vãng sanh về An dưỡng. Các vị Bồ tát trên đều là chư tổ bên thiền tông.

Nơi đây Triệt Ngộ đại sư lại nêu ra một chứng liệu để minh xác điểm cao siêu của pháp môn Niệm Phật. Điều này, Đại sư muốn cảnh tỉnh phá tan sự nhận thức sai lầm của một số người từ trước đến nay nghĩ rằng: “Môn Tịnh độ là pháp thấp kém, chỉ dành cho hạng ông già bà cả quê dốt tu hành”.

Hán 95:
Nhứt cú Di Đà
Nhân duyên thời tiết
Dị hương thường văn
Liên xã sang kiết.

Việt 95:
Một câu A Di Đà
Hợp thời tiết nhân duyên
Hương lạ hằng thanh thoảng
Liên xã lập nhiều miền.

Lược giải:
Pháp môn Tịnh độ sở sĩ càng lúc càng được thạnh hành, bởi có nhiều lý do:

Về phần nhân duyên: Điều thứ nhứt đức A Di Đà có pháp duyên rất lớn với chúng sanh ở Ta bà, bằng chứng là các chùa đều có thời khóa Tịnh độ, và hàng Phật tử khi gặp nhau thường chào với câu “A Di Đà Phật”. Điều thứ hai, đức Di Đà Thế Tôn có bốn mươi tám bi nguyện độ sanh rộng lớn, rất thích ứng với cảnh ngộ cần cứu cấp nơi cõi ngũ trược này.

Về phần thời tiết, như lời Phật đã huyền ký. Bắt đầu từ thời mạt pháp trở về sau, muốn chắc chắn được giải thoát, chỉ có pháp môn niệm Phật.

Bởi những nguyên nhân ấy, nên chư thiện tri thức xưa nay đã sáng lập ra Liên xã khắp nơi để hướng dẫn người tu hành. Và các hành giả niệm Phật cũng cảm được nhiều điềm thoại ứng như: thấy sen lành, nghe hương lạ.

Hán 96:
Nhứt cú Di Đà
Lợi đại long, tượng
Vĩnh Minh thiền bá
Trí Giả giáo tông.

Việt 96:
Một câu A Di Đà
Lợi bậc đại tượng, long
Như Vĩnh Minh thiền bá
Cùng trí Giả giáo tông.

Lược giải:
Long, tượng là rồng và voi. Hai loại này là hạng cao quí trong loài thú. Đại long, tượng tức rồng cùng voi lớn, lại còn cao quí hơn. Người xưa đã đem biểu tướng rồng, voi mà thí dụ cho những bậc cao siêu kiệt xuất trong hàng Tăng Ni. Vì thế mới có danh từ Pháp môn long tượng, nghĩa là hạng rồng voi trong cửa chánh pháp.

Môn niệm Phật chẳng những nhiếp hóa lớp trung, hạ căn, mà còn làm lợi ích luôn cho cả bậc thượng thượng căn nữa. Như Vĩnh Minh đại sư, một bậc thiền bá trong tông môn, ngộ suốt huyền cơ, viết một trăm quyển Tông Cảnh Lục để xương minh thiền đạo, nhưng cũng niệm mười muôn câu Phật hiệu mỗi ngày. Và Trí Giả đại sư, bậc giáo tông sáng lập ra Thiên Thai giáo, bình thời vẫn niệm Phật, khi lâm chung khen ngợi kinh Pháp Hoa cùng Vô Lượng thọ, bảo với đại chúng rằng Tây phương Tam Thánh với các đồng bạn của ngài đã sanh về Tây phương, nay hiện thân đến tiếp dẫn.

Sự kiện này, người học đạo nên để tâm suy nghĩ.

Hán 97:
Nhứt cú Di Đà
Cảm ứng phi khinh
Thiếu Khang hóa Phật
Thiện Đạo quang minh.

Việt 97:
Một câu A Di Đà
Cảm ứng chớ xem khinh
Thiếu Khang hiện hóa Phật
Thiện Đạo phóng quang minh.

Lược giải:
Thiếu Khang đại sư niệm một câu hồng danh, trong miệng bay ra một vị hóa Phật. Thiện Đạo Hòa thượng niệm mỗi câu Phật hiệu, nơi miệng phóng ra một đạo quang minh. Hai điều trên chứng minh cho công đức niệm câu hồng danh A Di Đà thật lớn lao, và sự cảm ứng cưa Phật hiệu như thế đã đến mức cùng diệu. Và điều trên đây cũng nhắc cho người học đạo nên thức ngộ, đừng xem môn Niệm Phật là dung thường.

Trong mấy bài kệ liên tiếp, Triệt Ngộ đại sư đã dẫn chứng trên từ chư Phật Thế Tô, nói rộng ra là các đức Như Lai ở sáu phương như kinh A Di Đà đã thuyết minh, đều khen ngợi khuyên tu Tịnh độ, và chỉ riêng các ngài mới biết cùng tận pháp này. Kế đến chư đại Bồ tát như Văn Thù, Phổ Hiền, các bậc đại Tổ sư như Mã Minh, Long Thọ các bậc đại Tổ sư như Mã Minh, Long Thọ những vị đại long tượng về bên Tông như ngài Vĩnh Minh, về bên Giáo như ngài Trí Giả và sau cùng chính chư Tổ bên Tịnh độ như Thiện Đạo, Thiếu Khang. Những vị trên tuy cũng suốt thông các pháp môn khác, song vẫn quy hướng về Tịnh độ. Tại sao Tổ Triệt Ngộ lại nhiều phen dẫn chứng như thế? Trong đây có hai nguyên nhân rất quan trọng.

Điều thứ nhứt: Các vị học thức xưa nay “bút giả dùng danh từ học thức chớ không nói trí thức, vì học thức là một việc, trí thức lại là việc khác”, khi mới tìm đạo, đều ưa thích những lý luận cao siêu huyền diệu. Sự ưa thích đó không phải là điều lỗi. Nhưng phần nhiều họ lầm lạc chấp theo thiên không, chưa dung hội được giữa không và có, bài bác nhân quả sự tướng, nên hầu như thành một căn bịnh trong khi học đạo. Đối với môn Tịnh độ, họ chưa thấu đáo được sự cao diệu của pháp này, nên khi thấy những kẻ tối dốt, hạng bình dân cũng tu hành được, lại xem thường cho là pháp thấp kém. Chư đại thiện tri thức thấy sự lầm lạc tà kiến đó, mới thẳng thắn bác phá chỉ bày. Vì thế Tổ Triệt Ngộ đã dẫn những chứng minh trên để cảnh giác, ngụ ý bảo: “Nếu Tịnh độ là thấp kém, tại sao từ chư Phật, Bố tát, cho đến chư Tổ, các bậc đại long tượng bên Tông lẫn bên Giáo đều ngợi khen khuyến khích, hoặc thân thiết phụng hành?”

Điều thứ hai: Các vị thông minh kiến thức trên, khi luận đạo thường nói những lý luận siêu huyền, để tỏ ra mình là những người hiểu rộng tu cao. Nhưng họ lại không tự xét rằng: Về phần thật hành, mình có làm được môt phần nào đối với những lời nói đó chăng? Nhứt là buổi đi sâu vào thời mạt pháp này, người tu căn cơ non kém, nghiệp chướng nặng nề, dùng những hình thức dễ làm như niệm Phật tụng kinh, mà kẻ hành đạo tại gia lẫn xuất gia còn vọng niệm rối ren, nay chầy mai trễ, huống chi là sự nhiếp tâm nơi định trong tất cả thời, tất cả hành động nói năng? Bút giả từng nghe một vài vị tu học về Thiền, khi luận đến sự hành trì, thường dẫn lới của những chư Tổ hoặc các bậc tôn túc thời xưa mà trạng huống cho lối tu của mình và còn ra vẻ đắc ý. Chẳng hạn như câu: “Viên bảo tử quy thanh chướng lý. Điểu hàm hoa lạc bích nham thiền!”. (Vượn ôm con chuyền về rặng núi xanh. Chim ngậm hoa sa trước gộp đá biếc). Hoặc như: “Nhập lâm bất động thảo. Nhập thủy bất đạp ba”. (Vào rừng mà không làm động đến ngọn cỏ. Xuống nước nhưng chẳng đạp sóng nước). Các vị đó không xét lại hai câu trước là tâm cảnh của ngài Giáp sơn, chớ chẳng phải cảnh giới của mình. Thỉnh thoảng có việc chi xúc động, thì các vị liền tỏ vẻ phiền hà tức giận. Thế là cỏ cây đã động, chân đã đạp sóng nước rồi đấy! Trước tệ trạng lạc lầm lạc rộng đó, chư thiện tri thức vì xót thương, vì muốn cứu vãn đạo pháp, nên mới thẳng lời phê trích, cho hành động ấy là cuồng thiền. Và các ngài còn nói đến hạng cuồng Mật nữa, mà nếu có dịp, sau này bút giả sẽ dẫn giải.

Để kết luận, cần nhấn rõ thêm là những điều nói trên, tuyệt không có ý bài bác Thiền, Mật. Thiền và Mật là hai pháp môn cao siêu, và thật ra Thiền, Mật, Tịnh cả ba đều có đặc điểm riêng, cần tu học để hỗ trợ cho nhau. Chẳng hạn như khi trì chú theo của chân ngôn, Phật hiệu huân sâu vào tạng thức, kích động cho phiền não nổi dậy, phương pháp làm lắng động hữu hiệu nhứt, không chi hơn Thiền. Trong lúc tham thiền hoặc niệm Phật, ma chướng trong ngoài khuấy rối, cách hàng phục kiến hiệu mau lẹ nhứt, không chi hơn Mật. Và muốn giải quyết việc lớn là sống chết luân hồi một cách thẳng tắt chắc chắn nhứt, lại không chi hơn Tịnh. Luận cho cùng mỗi môn tự hàm đủ công năng của ba, song đó là ứng dụng của bậc trình độ cao siêu. Còn với bậc sơ cơ non kém, thật ra vẫn có sự sai biệt. Ví như bậc Tổ sư về võ, dù sử dụng côn, chùy, kiếm, sự lợi hại vẫn đồng như nhau. Nhưng với hạng võ nghệ thông thường, thì tác dụng của ba môn binh khí kia lại có sai biệt. Nếu chẳng thế, trong võ lâm cần chi bày ra ba môn ấy cho thêm phiền!

Cho nên trong thời mạt pháp, theo thiển ý, nên lấy Tịnh độ làm chánh yếu, Thiền, Mật làm phụ trợ. Hoặc nếu có tu Thiền hay Mật cũng nên niệm Phật nhiều ít hồi hướng về cõi Cực lạc ở Tây phương.

Hán 98:
Nhứt cú Di Đà
Hữu giáo vô loại
Hùng Tuấn nhập minh
Duy Cung diệt tội.

Việt 98:
Một câu A Di Đà
Hóa độ kẻ vô loại
Hùng Tuấn vào minh ty
Duy Cung trừ chướng tội.

Lược giải:
Môn niệm Phật chẳng những làm lợi ích cho các bậc Thượng thượng căn như trên, lại còn hóa độ đến cả hàng vô loại như Hùng Tuấn, Duy Cung, mà trong Mấy Điệu Sen Thanh đã trích dẫn.

Bài kệ trên đại ý chỉ rõ: Pháp Tịnh độ gồm thâu lợi độn, giúp ích khắp ba căn.

Hán 99:
Nhứt cú Di Đà
Thị Vô thượng thiền
Nhứt sanh sự biện
Khoáng kiếp công viên.

Việt 99:
Một câu A Di Đà
Là môn thiền Vô thượng
Việc lớn một đời xong
Công tu nhiều kiếp trọn.

Lược giải:
Triệt Ngộ đại sư tuy được đời sau tôn làm vị tổ hoằng dương Tịnh độ, nhưng thuở đương thời ngài chính thật là một thiền bá. Bởi duyên Đại sư đã tham thiền chứng ngộ và viết ra quyển Triệt Ngộ Ngữ Lục để xương minh thiền đạo. Một bậc đại triệt đại ngộ về thiền, mà nói iệm Phật là môn thiền Vô thượng, đó là điều chứng minh xác đáng rồi, không cần phải bàn luận chi thêm nữa.

Việc lớn một đời của người tu Phật, là phải làm thế nào để giải quyết sự sống chết luân hồi ngay trong kiếp hiện tại. Bởi nếu còn luân hồi, tất đời sau dễ bị mê lạc rồi sẽ sa đọa nữa. Khi đã thoát khỏi sự sống chết luân hồi, lại còn phải hiện thân tu Bồ tát hạnh trong vô số kiếp, công đức viên mãn, mới thành đạo Vô thượng Chánh giác. Pháp môn niệm Phật có thể giải thoát luân hồi ngay trong hiện đời, và khi được sanh về Tây phương, thì sự tiến tu để thành Phật không còn bị thối chuyển, kể như đã nắm chắc trong tầm tay rồi.

Hán 100:
Nhứt cú Di Đà
Lý phi dị hội
Bách kệ nga thành
Tam tôn gia bị.

Việt 100:
Một câu A Di Đà
Lý mầu chưa dễ hiểu
Thoáng chốc trăm kệ xong
Tam tôn thầm gia bị.

Lược giải:
Từ lúc sơ khởi đến đây, Triệt Ngộ đại sư đã viết ra một trăm bài kệ để tuyên dương Tịnh độ. Song Đại sư vẫn tự thấy còn chưa nói ra hết điểm huyền diệu của pháp môn này. Vì như chư Cổ đức đã nói: “Lý tịnh độ là bí mật tạng. Sự Tịnh độ là đại nhân duyên” thì người học Phật dễ gì thấu đáo?

Tuy nhiên, Đại sư cũng nguyện cầu Tam Bảo gia bị cho lời mình trên hợp ý Phật, dưới lợi quần sanh, khiến người đọc được thấu hiểu phần nào để tiến tu trên đường giải thoát. Và ngài cũng cảm ân Tam Bảo thầm gia bị khiến cho tâm đại linh thông, nên trong thoáng chốt đã viết xong một trăm bài kệ này.


LỜI SAU CÙNG

Bút giả cố gắng hoàn tất quyển cuối Mấy Điệu Sen Thanh nầy, giữa lúc sức khỏe suy kém, thêm bị sự khuấy rối lấn bức của cả ngoài lẫn trong rình rập bao vây. Nhớ lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa: “Vào lúc kiếp trược rối loạn, chúng sanh cấu nhiễm nặng nề, đầy niệm tham, sân, si, ganh ghét, thành tựu các căn chẳng lành”. (Kiếp trược loạn thời, chúng sanh cấu trọng, tham si tật đố, thành tựu chư bất thiện căn).

Lại xem trong Đà Ra Ni Tạp Tập thấy một đoạn, xin trích dịch nguyên văn như sau:

“Bạch đức Thế Tôn! Con là Thiện Danh Xưng Bồ Tát, từ cõi đức Phật Tịnh Nguyệt Âm Vương ở phương Bắc, nay đến thế giới Ta Bà. Con thấy nơi cõi nầy vào thời mạt, khi Phật pháp sắp muốn diệt, nhơn sanh phần nhiều tạo ác, tham đắm danh lợi, thị phi bôi xấu giết hại lẫn nhau. Giữa vua tôi, chủ tớ, cha con, thầy trò, chồng vợ, bè bạn, anh em, không còn đạo nghĩa, nước ngũ trược sôi trào, lửa tam tai bừng cháy. Các việc vừa nói, đều do chúng sanh kiếp trước chấp chứa nhiều tội ác, không tu đức lành, đời hiện tại mới bị cộng nghiệp sống trong hoàn cảnh như thế. Vào thời gian đó, nhơn loại tuy bề ngoài mang thân người, nhưng trong tâm ngu si độc dữ chẳng khác súc sanh ác quỉ. Thương thay cho thời mạt!

Trong năm ngàn người, may ra chỉ được vài kẻ lương thiện biết lo tu hành. Nay xin đức Thế Tôn hứa nhận cho con nói môn thần chú Vân Nhã Mật Tu, để chúng sanh đời sau được dứt trừ gốc tội nhơ, thân tâm trở nên trong sạch, xa lìa ách nạn”.

Sau khi được Phật chấp thuận, Bồ Tát liền thuyết chú rằng:

Ophú Ophú para téna Jũgu jũgu para téna yujnamid yujnamid para téna Osuto. Chi paio Kụjnãto Yamidto. Kúrato. Thopato. Svaha.

”Bạch đức Thế Tôn! Đại thần chú nầy như chiếc lọng lớn che trùm tất cả. Lại cũng như cơn mưa to thấm nhuần tất cả, như cầu thuyền nổi thông chở tất cả. Chúng sanh hàng đạo tục đời sau, đều nương nhờ Đà ra ni đây mà nẩy mầm mộng lành, thắm nhuần mùi pháp vị. Công năng của đại thần chú nầy, hay cứu vớt muôn hạng căn cơ sai khác, đưa về cảnh giới nhứt không, khiến cho họ sớm chúng tam thừa thánh quả…”

Qua mấy đoạn văn trên, lời đức Phật dạy và Bồ Tát Thiện Danh Xưng trần thuật, dường như đã ứng hiện vào thời buổi nầy. Riêng trong nhà Phật còn có những cảnh:

Giường lau đèn tối tăng vào định
Trăng lạnh cành thông bóng hạc về!
(Mâu tháp đăng hôn tăng nhập định
Tùng chi nguyệt lãnh hạt phi hoàn!)

Hoặc

Chợt sang trúc viện cùng tăng luận
Trộm được phù sinh nửa buổi nhàn!
(Hối qua trúc viện phùng tăng thoại
Du đắc phù sinh bán nhựt nhàn!)

Lúc còn ở Phật học viện Huệ Nghiêm, ưong cuộc mạn đàm với một bậc tiền bối, vị ấy có nói với bút giả mấy lời vừa có tánh cách bông đùa vừa ngụ ý than thở như sau: “Hiện nay trong cửa đạo có nhiều việc phức tạp, trừ phi Bồ Tát ra đời chấn hưng lại, còn phàm Tăng như chúng ta không làm sao điều chỉnh nổi. Hoàn cảnh thật giống như hai câu thi của một danh nhơn thời xưa:

“Ca sa vị trước hềm đa sự.
Trước bãi ca sa sự cánh đa!”
(Chưa khoác ca sa chán việc nhiều.
Khoác rồi thêm việc biết bao nhiêu!)

Nhưng có điều không đúng với nguyên ý của vị danh nhơn kia, đây chẳng phải việc đạo mà lại là việc khác! Chẳng những riêng đạo Phật, mà tất cả các tôn giáo đều có tình trạng tương tợ như thế. Đây đều do lòng người, thật quả là thời đạo đức suy mạt!’

Trong đạo đã như thế, ngoài đời lại còn biến loạn hơn, từ quốc gia cho đến khắp thế giới cảnh bạo ác ngày thêm tăng mạnh, con người hầu hết sống trong vòng lường gạt, sa đọa, tranh đua, giết hại lẫn nhau. Cuộc diện kéo dài đến hiện tại, “buổi tận thế” hay “cơ tận diệt” mà các tôn giáo khác mô tả, đã có phần lấp ló lộ hình. Tuy biết đó là cộng nghiệp của nhơn sanh, nhưng khi nhìn thấy nỗi khổ đau khắp đồng loại, trải nhiều cơn biến đồi dập dồn, những kẻ hữu tâm cũng sanh niềm hoài cảm! Họ không biết tương lai sẽ đi về đâu, chán nản cho mình cùng người trong kiếp sống thừa cảnh tạm! Thỉnh thoảng nghe vài nhơn sĩ cao niên đã mượn lời của Nguyễn Du mà thầm lén than thở như sau:

Kể từ gây cuộc binh đao
Đống xương vô định đã cao bằng đầu!

Hay là:

Chân trời mệt bể linh đinh
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào?

Và cho đến như:

… Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!

Trong hoàn cảnh ấy, muốn thoát mối nguy tương hoại tương tàn, nhơn loại phải hướng về đạo đức. Theo lời Phật dạy, ngày sau do chúng sanh buông lung theo nghiệp sát, đạo, dâm, vọng nên sẽ có Tam tai ác kiếp là: chiến tranh tàn phá, tật bịnh lan tràn và đói rách nghèo khó nổi lên. Kẻ nào muốn tiêu giảm nỗi thống khổ, phải giữ chắc bốn giới: không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, dối gạt, tùy sức mình mà gắng làm các điều lành. Những người ấy sẽ được thiên thần ủng hộ, khiến cho nạn khỏi tai qua. Nếu tiến thêm, muốn tìm nẻo thoát ly, phải tụng kinh hoặc trì chú và chí tâm niệm hồng danh đức A Di Đà cầu sanh về Cực Lạc.

Căn cứ theo luật nhân quả, mọi sự khổ vui đều do nghiệp lành dữ và bởi vô minh gây tạo. Trong cảnh nóng bức của nhà lửa tam giới, phải bền lòng an nhẫn, phải thiết thật phụng hành đúng như lời Phật dạy Đùng nên mãi hờn trách thở than, vì kết cuộc sẽ hóa ra vô ích. Trên đây là lời phụng khuyến, là đường lối thoát ly duy nhứt, mà những kẻ học đạo muốn nhắn nhủ với đồng nhơn.

THÍCH VÔ NHẤT (tức là cố HT tổ sư Thích Thiền Tâm)
(Lấy ý câu: Nhất sự vô thành thân tiệm lão)

HẾT TẬP BA

TRỌN BỘ


NGHI LẠY THÙ ÂN VỀ TỊNH ĐỘ

Tán:

Tánh giác tinh minh
Tịch chiếu chân thường!
Tích mê, kim ngộ lộ đường đường.
Tam Bảo thị từ hàng!
Khể thủ hiến tâm hương
Nhẫn độ Pháp trung vương
Cực Lạc nguyện vương
Liên tông chư Tổ xiển Tây phương
Duy nguyện giáng kiết tường!

1. Chí tâm đảnh lễ: Ta Bà Điều ngự, Khải Tịnh độ giáo, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. (1 lạy)

2. Chí tâm đảnh lễ: Cực Lạc Thế giới, Tiếp dẫn Vãng sanh, Tây phương tam Đại Thánh Từ Tôn. (1 lạy)

3. Chí tâm đảnh lễ: Tây thiên Đông độ Việt Nam, Lịch đại Tổ sư, cập hoằng dương Phật pháp chư Đại Tông sư. (1 lạy)

4. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Sơ tổ, Lô Sơn, Đông Lâm Bạch Liên đạo tràng, Huệ Viễn Đại sư. (1 lạy)

5. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Nhị tổ, Trường An, Quang Minh đạo tràng, Thiện Đạo Đại sư. (1 lạy)

6. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Tam tổ, Nam Nhạc, Bát Chu đạo tràng, Thừa Viễn Đại sư. (1 lạy)

7. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Tứ tổ, Trường An, Ngũ Hội đạo tràng, Pháp Chiếu Đại sư. (1 lạy)

8. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Ngũ tổ, Tân Định, Đài Nham đạo tràng, Thiếu Khang Đại sư. (1 lạy)

9. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Lục tổ, Hàng Châu, Vĩnh Minh đạo tràng, Diên Thọ Đại sư. (1 lạy)

10. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Thất tổ, Chiêu Khánh, Tịnh Hạnh đạo tràng, Tỉnh Thường Đại sư. (1 lạy)

11. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Bát tổ, Hàng Châu, Vân Thê đạo tràng, Liên Trì Đại sư. (1 lạy)

12. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Cửu tổ, Bắc Thiên Mục, Linh Phong đạo tràng, Ngẫu ích Đại sư. (1 lạy)

13. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Thập tổ, Ngu Sơn, Phổ Nhân đạo tràng, Hành Sách Đại sư. (1 lạy)

14. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Thập nhứt tổ, Hàng Châu, Phạm Thiên đạo tràng, Thật Hiền Đại sư. (1 lạy)

15. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Thập nhị tổ, Hồng Loa, Tư Phước đạo tràng, Triệt Ngộ Đại sư. (1 lạy)

16. Chí tâm đảnh lễ: Liên tông Thập tam tổ, Tô Châu, Linh Nham đạo tràng, Ấn Quang Đại sư. (1 lạy)

17. Chí tâm đảnh lễ: Thế độ sư, Truyền giới sư, Giáo thọ sư, cập chủ thất sư ân. (1 lạy)

18. Chí tâm đảnh lễ: Đa sanh phụ mẫu, Hiện tiền phụ mẫu sanh thành dưỡng dục ân. (1 lạy)

19. Chí tâm đảnh lễ: Đàn na tín cúng, cập nội ngoại nội thất ân. (1 lạy)

20. Chí tâm đảnh lễ: Thiện tri thức đề huề tiếp dẫn ân. (1 lạy)

21. Chí tâm đảnh lễ: Thiên địa thần kỳ bảo trợ, cập nhứt thiết chúng sanh hộ trợ ân. (1 lạy)