MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG
TẬP II
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp Theo)
CHÂU THỊ
Châu thị pháp danh Diệu Đức, người ở Gia Hưng. Cô vốn bị chứng đau huyết, gả về nhà họ Hứa, đến hai mươi tám tuổi chồng mãn phần, có một đứa con trai lại cũng yểu mạng. Từ đó cô làm nghề thêu may để tự sanh sống. Nhà tuy nghèo, song thấy kẻ đói rách liền trút hết tiền giúp đỡ.
Năm Đạo Quang thứ sáu, Châu thị cùng bà có pháp danh là Diệu Viên, và biểu muội là Lập Tu, đến chùa Tinh Nghiêm thọ ngũ giới, nguyện trường trai niệm Phật cầu sanh Tây phương. Một đêm cô lên Phật đường của Diệu Viên thêm dầu, thấy hoa đèn kết thành hình lá sen, trên lá có vị Phật đứng. Châu thị vội mời bà cô và Lập Tu lên xem, cả hai cũng đều trông thấy. Tháng giêng năm Đạo Quang thứ chín, nhân vì mẹ chết, cô quá bi ai, chứng đau huyết lại tái phát. Không may thuê được, cô thường thiếu ăn, song bởi tánh trong sạch, nên chẳng muốn van cầu. Người trong xóm biết được, thay nhau thỉnh cô tụng chú Đại Bi cầu an, rồi giúp cho tiền độ nhựt. Đến ngày mười tám tháng bảy năm ấy, bịnh cô chuyển nặng. Lập Tu đến thăm bảo: “Nhiều người nói chị niệm Phật tinh tấn, song em trộm nghĩ tâm chị chưa chí thiết, nên bịnh chẳng được lành, cũng không thấy Phật đến tiếp dẫn!” Châu thị nghe nói thương khóc sám hối, càng gắng sức tu hành. Từ đó ai đến thăm hỏi cô đều không đáp chỉ rơi lệ chắp tay niệm Phật. Cách mấy hôm sau, một đêm vào khoảng canh ba, cô bỗng cười bảo: “Tây phương Tam Thánh đã quang lâm đứng giữa hư không!” Nói xong, vội tắm gội thay y phục, đốt hương niệm Phật vài mươi câu rồi vãng sanh. Cô hưởng dương được bốn mươi bốn tuổi.
THIỆU THỊ
Thiệu Thị không rõ quê quán ở đâu, vì thân thế nghèo, già, thêm cô quạnh, nên đến ăn nhờ ở trọ người thân thích. Nghĩ xót cảnh khổ của mình, ngày đêm bà niệm Phật rất siêng năng chí thiết.
Năm Đạo Quang thứ bảy đời Thanh, một đêm mùa thu, bà ngồi trong nhà tối day mặt về Tây thầm niệm Phật. Bỗng tâm nhãn chợt mở, Thiệu thị thấy cảnh Cực Lạc đẹp sáng, lầu quỳnh cây ngọc, hoa sen đua nở nơi ao báu, chim lạ bay liệng giữa hư không. Mùa thu năm kế, bà lại thấy thân vàng của chư Bồ Tát, ánh sáng rực rỡ nhiệm mầu. Qua mùa hạ sau, và ngày mười bốn tháng năm, bà bỗng cảm bịnh nhẹ rồi vãng sanh.
Lúc Thiệu thị mãn phần, mọi người không hay biết. Có y sĩ họ Phạm nhân vào thăm mạch, thấy ánh mắt bà tươi như sống, gương mặt còn lộ vẻ mỉm cười, nhưng hơi thở đã tắt. Họ Phạm lui ra than rằng: “Đây là cái chết đẹp lành. Cảnh nầy trong đời cũng ít thấy!”
DU THỊ
Du thị người đời Thanh, quê ở Thưởng Thục, nguyên là mẹ của cư sĩ Vương Hiệu Tăng. Tánh bà rất thuần hậu, hiền hòa. Hiệu Tăng kính thờ ngôi Tam Bảo, khuyên mẹ dứt trừ thức ăn huyết nhục. Du thị nghe theo lời, trường trai được ba năm.
Mùa xuân niên hiệu Đạo Quang thứ hai mươi, bà đau bịnh nằm liệt nơi giường. Sang tiết hạ, bịnh càng thêm nặng. Hiệu Tăng khuyên mẹ thầm quán cảnh Tây phương. Nhân đó bà phát tâm niệm Phật, song chưa được chuyên nhứt. Lần lựa qua vài tháng, thần thức của bà đã mấy phen vào cảnh u minh. Ban sơ thì có hai đồng tử gọi quay về, lan kế gặp Bồ Tát bảo trở lại. Đến lượt cuối cùng, Du thị trong mộng nghe Phật mách bảo: Kiếp trước mình là một vị Tăng, bời mê túc nhân nên đọa làm thân nữ. Từ đó bà ăn uống giảm lần, kế tiếp chỉ còn hơi thở mong manh. Một đêm vào khoảng canh ba, Du thị bỗng niệm Phật lớn ba bốn câu, rồi chắp tay nhìn về phương Tây bảo: “Đức Phật đã quang lâm tiếp dẫn!” Nói xong nằm nghiêng bên hữu mà qua đời. Bấy giờ nhằm ngày hai mươi lăm tháng trọng hạ.
Sau đứa cháu nội lớn mà Du thị hằng yêu mến, mộng đến một cảnh có nhiều cây cao lầu đẹp, không giống cõi nhân gian. Nó muốn đi vào song bị những hàng câu lơn bao bọc quanh co ngăn cản. Bỗng đâu thấy Du thị kinh hành đến, nó liền hỏi đường lối đi vào. Bà bảo: “Nếu cháu muốn vào thì chỉ có cách siêng năng niệm Phật!” Vừa lúc ấy đứa bé chợt tỉnh, liền đem điềm mộng thuật lại cho người nhà biết.
TIỀN NHỤ NHƠN
Tiền Nhụ Nhơn, tên là Thoại Vân, người ở Thường Thục. Chồng là Tạ Phụng Ngô đau bịnh, Nhụ Nhơn cầu Phật nguyện trường trai nên bịnh được lành. Trong mấy năm về ở với Phụng Ngô, cô
sanh được một trai một gái và chưa từng cho chúng nó ăn đồ mặn. Kế đó cô biết pháp môn Tịnh độ, cùng chồng xin thọ tịnh giới, nguyện dứt trừ tình ái trần duyên.
Niên hiệu Đạo Quang thứ hai mươi, anh là Tiền Vạn Dật vãng sanh, cô mục kích rõ điềm lành, nên lòng tín hướng càng bền chắc. Mùa đông năm ấy, đứa con trai chết, cô quá đau buồn thương khóc, bỗng chợt nghĩ lại nói: “Hay là trời muốn dứt duyên ái của ta chăng?” Rồi lần lần nguôi lòng, không để ý đến. Trong phòng vợ chồng đối diện, chỉ sách tấn lẫn nhau tu hành mà thôi. Mẹ là họ Ngô có bịnh, bị y sĩ cho thuốc lầm chuyển sang chứng trầm kha rồi chết. Trước khi bà mãn phần, Nhụ Nhơn niệm Phật tống chung mẹ. Tháng sáu năm Đạo Quang thứ 25, cô bị chứng lạc huyết ngày càng gia tăng, đứa con gái cũng đau bịnh. Phụng Ngô lo ngại, cô lại móng khởi niệm ái, sách tấn rằng: “Chưa có ai miệng niệm Phật, lòng còn quyến luyến Ta Bà mà được vãng sanh. Vậy nàng phải nên cố gắng!” Nhụ Nhơn giật mình tỉnh ngộ, làm lễ rồi thưa: “Nhờ phu quân khai thị, tôi đã biết cảnh giác!” Rồi hướng về Tây rơi lệ sám hối, ý rất khẩn thiết. Trong cơn đau yếu, nhiều lúc cô bỗng nghe mùi hương lạ ngạt ngào. Đến ngày hai mươi tháng bày, đứa con gái lại chết. Nhụ Nhơn bảo: “Nay chướng duyên về nghiệp ái đã dứt. Ta trải nhiều nỗi khổ, bây giờ mới được tự tại. Từ đây an ổn để vãng sanh, há chẳng là điều vui vẻ lắm ư?” Rồi không dùng cơm cháo, khát chỉ ăn trái dưa.
Bịnh triền miên tới ngày mùng chín tháng tám, trong người cực suy yếu chỉ còn hơi thở mong manh ra vào. Nửa đêm hôm ấy cô bỗng gọi chồng bảo: “Nghiệp chướng nặng, xin vì tôi đốt liều hương sám hối cúng Phật nơi cánh tay”. Phụng Ngô y theo lời. Ban sơ cô còn như hôn trầm mê mệt, kế đó ánh mắt lấp lánh, chánh niệm rõ ràng. Người thân hỏi: “Có được một lòng không loạn chăng?” Nhụ Nhân gật đầu hai lần, rồi nhờ đỡ mình ngồi dậy, đôi mắt nhìn lên hư không, niệm Phật mà qua đời. Lúc ấy cô mới ba mươi mốt tuổi. Qua hôm sau khi nhập liệm, đảnh đầu cô còn ấm, dung mạo tươi như còn sống.
LỤC AN NHƠN
Lục An Nhơn, tên là Trục Mai, người huyện Ngươn Hòa thuộc Tô Châu. Cô về nhà chồng là Ngô Xương Liêm, sanh được một trai, chẳng bao lâu đứa con bị bịnh chết, đến hai mươi tuổi lại lâm cảnh góa bụa. Do đó cô đau buồn thành ra chứng lạc huyết. Một hôm có người bạn đem tập Long Thơ Tịnh Độ Văn trao cho. An Nhơn xem xong rồi phát tâm niệm Phật, hôm sớm tu hành đều có định khóa. Cô khuyên ngăn việc sát sanh trong nhà, gia nhân chỉ được dùng tam tịnh nhục. Cho đến loài trùng kiến cỏ cây, cô đều đem lòng ái hộ.
Năm Đạo Quang thứ mười bốn, An Nhơn đắc tam quy ngũ giới nơi ngài Định Công, được cho pháp danh là Sư Thọ. Kế tiếp cô đến Mậu Sơn lễ tháp A Dục Vương, thấy xá lợi trong tháp hiện ánh quang minh, từ đó lại càng gắng sức làm lành. An Nhơn từng xuất ba muôn lượng vàng sửa chùa tạo tượng và làm các công đức. Đến như việc phóng sanh lại càng siêng năng, mỗi năm tốn ngàn lượng vàng cũng không tiếc. Có kẻ chê cười cho là lãng phí, cô đáp: “Tiền của không bền, thắng duyên khó gặp, tôi muốn đem công đức đó hồi hướng cùng bốn ân ba cõi sớm chứng đạo Vô thượng bồ đề. Như thế có chi là lãng phí và đáng luyến tiếc ư?”
Đến ba mươi bốn tuổi, bịnh cũ tái phát, thuốc thang vô hiệu. Cô phát nguyện phóng sanh mười triệu mạng, cùng lập đàn thủy lục và đại trai tại chùa Sư Lâm, để làm tư lương cho sự vãng sanh. Qua nửa năm, bịnh tự lành, An Nhơn lại đốt liều hương noi cánh tay, phát thệ trường trai dứt tuyệt món ăn huyết nhục, khi cúng tế tiên linh và thần thánh đều dùng thức rau trái. Ngày sanh nhựt tuổi tứ tuần, cô thiết lễ cúng Phật trai tăng nơi chùa Sư Lâm. Các thân hữu đến chúc hạ, đều đem các kinh đại thừa và sách Phật ra tổng tặng. Mùa thu năm ấy, An Nhơn mộng thấy đến một chỗ nước bạc nhẹ trôi, hoa tươi đua nở, cảnh đẹp khác trần. Tự mình đứng trên một chiếc cầu vàng, hương thanh lạ từ đầu tỏa thơm bát ngát. Cô thầm nghĩ: “Đây là ao thất bảo chăng? Tại sao lại không thấy Phật?” Bỗng đâu kim dung tuớng đẹp đức A Di Đà hiện nơi xa đầy khắp hư không. Cô cả mừng, vừa cúi xuống đảnh lễ bỗng giựt mình thức giấc. Sáng ra, An Nhơn đem điềm ấy thuật lại với người nhà.
Không bao lâu bịnh lại phát, y sĩ khuyên dùng mặn, cô không nghe theo. Đau yếu dầy dưa vài tháng, triệu chứng ngày càng nặng thêm. An Nhơn gọi người thân bảo: “Chí ban sơ của tôi là xuất gia, nay đành không mãn nguyện. Khi tôi qua đời, xin đắp y ca sa để tẩn liệm, và đừng than khóc. Việc đãi khách trong đám tang nên dùng toàn đồ chay. Bây giờ xin rước sáu vị Tỳ kheo ni đến niệm Phật để giúp sự vãng sanh cho tôi!” Người nhà y theo lời. Hai ngày trước khi mạng chung, cô nhờ thân nhân thay mình thọ giới Bồ Tát. Kế đó thần thức mê loạn không tự chủ được, An Nhơn cả sợ, xin thiết bàn Phật để trước mặt, rồi chăm chú nhìn quán tượng A Di Đà luôn một ngày đêm. Đến sáng sớm ngày mùng bốn tháng năm, cô gọi vội người đỡ dậy và nói: “Đại Hòa Thượng đã đến, tôi sắp về Tây phương!” Rồi bảo mọi người đồng niệm Hồng danh, còn mình thì tay cầm hương kính Phật. Có kẻ hỏi: “Đại Hòa Thượng ở đâu!” Cô đáp: “Đang ngồi trên bàn thờ!” Rồi day mặt về Tây ngồi ngay thẳng kiết ấn mà hóa.
Lúc ấy nhằm năm Đạo Quang thứ 28, An Nhơn được bốn mươi mốt tuổi.
MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT
(Của TRIỆT NGỘ Thiền sư)
Hán 22:
Nhứt cú Di Đà
Đắc Đại tổng trì
Chuyển nhứt thiết vật
Sử thập nhị thì.
Việt 22:
Một câu A Di Đà
Khiến được Đại tổng trì
Chuyển hết tất cả vật
Sử dụng mười hai thì.
Lược giải:
Đại Tổng Trì là sự thông suốt nắm giữ tất cả pháp với tầm mức lớn lao rộng rãi. “Muốn được tất cả, phải bỏ tất cả”. Ví như tấm gương sáng lớn mà đem vật gì che áng ở trước, dù là một bình hoa đẹp, tất chỗ đó mất sự chiếu soi tự tại. Chơn tâm của chúng ta là tấm gương Đại viên cảnh trí, nếu chấp giữ một pháp nào, dù đó là Phật lý cao siêu mầu nhiệm, tất cũng sẽ bị kém mất sức chiếu soi tự tại, sự thông suốt tất cả pháp. Như thế làm sao được Đại tổng trì? Kinh nói: “Thấy biết mà giữ sự thấy biết là gốc vô minh. thấy biết không giữ sự thấy biết, đó mới chính Niết bàn”. (Tri kiến lập tri, tức vô minh bản. Tri kiến vô kiến, tư tức niết bàn). Cho nên chuyên nhứt câu niệm phật, xả bỏ tất cả, hành giả quyết sẽ được Đại tổng trì, Đại tam muội.
Kinh Lăng Nhgiêm nói: “Nếu chuyển được vật, tức đồng với Như Lai”. (Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai). Chúng sanh tâm thường hướng ngoại, không biết các pháp là huyễn, cho nên bị cảnh lục trần xoay chuyển, như con trâu lâm cảnh xỏ vàm dắt đi, hằng chịu sự phiền não buộc ràng không được tự tại. Nếu quán xét các pháp là huyễn, giữ một câu Phật hiệu xoay chiếu vào trong, thì tâm lần lần thanh tịnh tự tại, sẽ làm chủ được các pháp, không còn bị các pháp sai sử làm chủ nữa. Đó gọi là “chuyển vật” là đồng với Như lai. Trái lại, tức là bị vật chuyển, đồng với chúng sanh vậy.
Ấn Quang pháp sư bảo: “Một lòng không trụ, muôn cảnh đều nhàn!” (Nhứt tâm vô trụ, vạn cảnh câu nhàn). Khi tâm trụ nơi các pháp, thì thấy thời gian có lâu mau, bị cảnh giới làm cho loạn động, sanh niệm ưa, chán, ghét, thương, khổ, vui, cùng vô lượng phiền não. Như trên, khi hành giả giữ câu niệm phật thanh tịnh, không để cho vật chuyển, thì trong mười hai thời của ngày đêm, hằng được nhàn nhã tự tại, tùy ý sử dụng mọi sự, việc nào đáng làm trước hoặc làm sau đều theo tuần tự, chẳng khác vị đông y sĩ tùy nghi sử dụng các hộc thuốc của mình.
Tóm lại, nếu khéo biết tu hành, thì cách tự tại sử dụng trong mười hai thời, sự làm chủ xoay chuyển các pháp, cho đến chứng đắc cảnh giới Đại tổng trì, then chốt đều do ở nơi câu niệm Phật.
Hán 23:
Nhứt cú Di Đà
Tánh bản tự không
Tinh day cung Bắc
Thủy tận triều Đông.
Việt 23:
Một câu A Di Đà
Tánh thể vốn tự không
Các sao chầu Bắc đẩu
Muôn nước chảy về Đông.
Lược giải:
Một tín nữ đến thuật lại với bút giả: “Có vị Sư cô bảo con bỏ hết đừng nên niệm Phật nữa, hãy để lòng yên lặng cho tâm không cảnh không, mới mau ngộ đạo!”. Bút giả nói: “Các pháp đều như huyễn, câu niệm Phật cũng như huyễn, tự thể của nó đã là không rồi, cần gì phải bỏ? Nếu muốn chứng được tâm không cảnh không, mà còn ngại câu niệm Phật, còn bác bỏ sự tướng, thì đó chính là thiên không hay ngoan không (cái không thiên lệch, trống rỗng, cứng chắc) của ngoại đạo, chớ chẳng phải ý nghĩa chân không của Phật pháp. Ý nghĩa chân không chân chánh của đạo Phật ở ngay nơi tất cả cái có thuộc mọi sự tướng, mà không chấp thấy là có (Chân không bất không, diệu hữu phi hữu). Chẳng phải riêng Sư cô ấy lạc lầm, trong hiện tại có rất nhiều vị tu học Phật pháp đã sa vào hầm hố đó. Thật là điều không may và đáng thương cảm!”. Nay nhân tiện xin tạm mượn sự việc trên để giải thích về ý nghĩa “Tự không” của câu niệm Phật.
Theo quan niệm địa dư xưa, người Trung Hoa cho rằng vùng đất của loài người ở là một châu lớn, chỗ họ cư trú thuộc trung quốc. Phía Đông của châu ấy là biển cả, muôn dòng nước ở lục địa đều chảy ra đó. Người Việt Nam hấp thụ văn hóa Trung Hoa, cũng đồng với quan điểm ấy. Bởi thế cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mới có câu: “Hồng Nhật đông thăng tri đại hải. Bạch Vân tây vọng thị thần châu”. Và theo thiên văn học xưa, người Trung Hoa bảo rằng các vì sao đều chầu hướng về ngôi Bắc đẩu. Để dẫn giải cho Phật pháp, Triệt Ngộ đại sư cũng phương tiện mượn quan niệm thế gian ấy mà làm thí dụ. Bởi tất cả pháp đều từ nơi biển chân không lưu xuất, và đều tan về chân không. Bên tông tịnh độ gọi thể chân không đó là Tự tánh Di Đà. Bài kệ trên đại ý: Câu niệm Phật tánh vốn tu tiến chứng thể tánh ấy một cách viên mãn, sẽ thức ngộ muôn pháp từ nơi đó mà lưu xuất, lại cũng qui nhập về nơi đó. Như sao Bắc đẩu làm chủ muôn sao, muôn sao chầu về Bắc đẩu, biển Đông dâng nước vào các sông ngòi, nước sông ngòi đều đổ về biển Đông vậy.
Hán 24:
Nhứt cú Di Đà
Pháp giới duyên khởi
Tịnh nghiệp chánh nhân
Bồ đề chủng tử.
Việt 24:
Một câu A Di Đà
Là duyên khởi pháp giới
Chánh nhân của tịnh nghiệp
Và chủng tử Bồ đề.
Lược giải:
Phật Pháp chia thành hai hệ: Không tông và Hữu tông. Không tông đề ra thuyết Chân như duyên khởi; Hữu tông đề ra thuyết A lại da duyên khởi. Dung nhập vào trung đạo, tức Nhứt chân pháp giới, thì Không và Hữu chẳng khác, Chân như tức A lại da. Đây ý nói câu niệm Phật là huyễn hữu, cũng lại là chân không, duyên khởi điểm của nó từ nơi pháp giới. Vậy câu niệm phật là Pháp giới duyên khởi, gồm Chân như cùng Lại da duyên khởi, dung nhiếp cả Hữu Không. Bởi thế nên niệm Phật là chánh nhân của tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp đây gồm bốn Tịnh độ mà tiêu điểm cuối cùng là cõi Thường Tịch Quang. Và niệm Phật cũng là hạt giống Bồ đề đưa đến sự toàn giác, gồm giác ngộ mình, giác ngộ chúng sanh, hạnh giác ngộ đầy đủ.
Hán 25:
Nhứt cú Di Đà
Như cảnh chiếu cảnh.
Uyển chuyển hỗ hàm.
Trùng điệp giao ánh.
Việt 25:
Một câu A Di Đà
Như gương chiếu các gương.
Uyển chuyển ngậm bóng nhau
Điệp trùng giao chói sáng.
Lược giải:
Đời Đường, Hiền Thủ đại sư khi giảng kinh Hoa Nghiêm đến nghĩa: “Vô tận pháp giới trùng trùng Đế võng”. Ngài phương tiện dùng mười mặt gương tròn lớn, để tám hướng và trên dưới mỗi chỗ một tấm, cách nhau độ hơn trượng và đều cùng đối diện. Chính giữa lại an bài cốt Phật, rồi thắp một ngọn đèn sáng để soi. Lúc ấy học chúng đều thấy trong mỗi mặt gương nổi hiện lớp lớp tượng Phật và ánh sáng. Nhân đó tất cả đều hiểu ý nghĩa: Biển quốc độ giao chiếu xen lẫn nhau lớp lớp điệp trùng, không cùng tận, không ngằn mé. Đây là cảnh tượng tang nghiêm của Hoa Tạng thế giới hải. Bài kệ trên ý nói: Câu niệm Phật sẽ đưa hành giả vào cảnh đại trang nghiêm không cùng tận đó. Cho nên niệm Phật chẳng phải là pháp thấp kém thông thường. Đã có bài kệ khen ngợi.
Niệm Phật vào tướng thật
Chứng biết Phật với Phật.
Cảnh vô tận trang nghiêm
Môn Đại ba la mật!
Hán 26:
Nhứt cú Di Đà
Tợ không hợp không.
Liễu vô ngân phùng
Khước hữu Tây Đông.
Việt 26:
Một câu A Di Đà
Như không hợp hư không.
Tuyệt không chút lằn dấu
Nhưng vẫn có Tây Đông.
Lược giải:
Đem một ly nước đổ vào chậu nước thì nước cùng nước dung hòa nhau, không làm sao tìm thấy lằn dấu. Khi trút nước ra, khoảng hư không trong ly hợp với hư không bên ngoài, cũng tuyệt không lằn dấu. Hành giả niệm Phật, nếu trong quên thân tâm, ngoài quên cảnh giới, chẳng thấy mình là người hay niệm, Phật là vị được niệm, thì tâm rỗng rang hồn nhiên, dung họp với thể tánh chân không. Tâm cảnh ấy chẳng phải vào ngoan không có chi, vì như thế là lạc vào ngoan không của ngoại đạo. Trái lại, hiện tượng chân không ấy sáng suốt vô tận bao hàm muôn pháp, vẫn có đầy đủ màu sắc của cỏ cây, sông, núi, trời mây, vẫn có các phương hướng, cho đến cõi Ta bà thuộc phương Đông, cõi Cực lạc ở phương Tây. Đó mới đích xác tánh không chân chánh, cũng gọi là Như Lai nhứt thật cảnh giới.
Thuở xưa có vị cư sĩ đến hỏi đạo một cao Tăng ở chốn sơn lâm. Bậc thượng nhân này không đáp duy trỏ mây trên trời cùng cái bình đựng nước của mình. Tuy nhiên tuệ căn đã sẵn, vị cư sĩ liền nghộ vào thể đạo, tức thật tánh chân không, liền làm bài kệ, trình lên rằng:
Luyện được thân hình tợ hạc hình
Ngàn thông tươi tốt mấy pho kinh.
Ta nay hỏi đạo không chi khác
Mây ở trời xanh, nước ở bình!
Niệm Phật đến chỗ vô niệm, sẽ dung hợp với tánh không bao la, tìm không thấy mối mang dấu vết, mà vẫn đầy đủ tất cả, không thêm bớt là như thế.
Hán 27:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt Đại tạng kinh
Tung hoành giao thái
Tuyệt đãi u linh.
Việt 27:
Một câu A Di Đà
Là một Đại tạng kinh
Dọc ngang giao chói sáng
Tuyệt đối, thể u linh.
Lược giải:
Có một độ, bút giả vừa tụng xong bộ kinh Hoa Nghiêm, tâm niệm bỗng vắng lặng quên hết điều kiến giải, hồn nhiên viết ra bài kệ sau:
Vi trần phẩu xuất đại thiên kinh
Nghĩ giải thiên kinh không dịch hình!
Vô lượng nghĩa tâm toàn thể lộ
Lưu oanh hựu chuyển tịch thường thinh.
Bài kệ này có ý nghĩa: Chẻ hạt bụi cực vi để lấy ra tạng kinh rộng nhiều bằng cõi Đại thiên thế giới. Tạng kinh ấy đã từ điểm bụi cực vi nơi không tâm diễn ra, thì tìm hiểu nghĩa lý làm chi cho mệt tâm hình? Tốt hơn là nên trở về chân tâm, bởi tâm này đã sẵn đầy đủ vô lượng vô biên diệu nghĩa, lúc nào cũng lồ lộ hiện bày. Kìa chim oanh bay chuyền trên cành cây kêu hót, đang nói lên ý nghĩa chân thường vắng lặng ấy!
Câu niệm Phật cũng thế, nó bao hàm vô lượng vô biên nghĩa lý nghiệm mầu, đâu phải chỉ một Đại tạng kinh? Gọi một Đại tạng kinh chỉ là lời nói ước lược mà thôi. Khi niệm Phật dứt hết vọng tưởng, đi thẳng vào chân tâm hay vô lượng nghĩa tâm, thì ánh sáng tự tâm phát hiện dọc ngang chói suốt bốn bề. Tâm cảnh ấy dứt hết sự đối đãi, u linh nhiệm mầu không thể diễn tả!
Hán 28:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt Đại tạng luật.
Miết nhỉ tịnh tâm
Giới ba la mật.
Việt 28:
Một câu A Di Đà
Là một Đại tạng luật.
Chớp mắt vào tịnh tâm
Đủ Giới ba la mật.
Lược giải:
Câu niệm Phật đã bao hàm đầy đủ nghĩa lý của một Đại tạng kinh, thì đối với một Đại tạng luật nó cũng như thế. Vì luật chẳng ngoài nhiếp giữ thân, khẩu, ý cho trong sạch. Và thân, khẩu, ý lại không ngoài tâm, nếu tâm thanh tịnh thì ba nghiệp cũng đều trang nghiêm thanh tịnh. Luật nói: “Phật chế tất cả giới, mục đích để trị tất cả vọng tâm. Nếu không có tất cả vọng tâm, thì cần chi dùng tất cả giới?” (Phật chế nhứt thiết giới, vi trị nhứt thiết tâm. Nhược vô nhứt thiết tâm, hà dụng nhứt thiết giới?)
Cho nên khi niệm Phật, thoáng chốc dứt hết vọng tưởng đi vào tịnh tâm, tức đã đầy đủ Giới ba la mật rồi. Ba la mật là “Bờ bên kia”, là nơi giải thoát rốt ráo. Niệm Phật thanh tịnh, tức đã đầy đủ sự giữ giới đến bờ cứu cánh giải thoát vậy.
Hán 29:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt Đại tạng luận.
Đương niệm tâm khai
Huệ quang như phúng.
Việt 29:
Một câu A Di Đà
Là một Đại tạng luận.
Đương niệm tâm mở thông
Ánh huệ tuôn vô tận.
Lược giải:
Như trên, câu niệm Phật đã bao hàm Kinh, Luật, tất nhiên đối với Luận cũng như thế. Kinh Viên Giác nói: “Trí tuệ sáng sạch vô ngại, đều từ nơi thiền định mà sanh”. Niệm Phật thanh tịnh chính là thiền định, từ định phát sanh trí huệ. Đã có trí huệ thì nguồn biện luận sẽ vô cùng. Tứ vô ngại biện cũng từ nơi niệm Phật thanh tịnh tâm cảnh mở sáng, mà tuôn trào như suối chảy.
Hán 30:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt tạng bí mật.
Phát bản thần thông
Cụ đại uy lực.
Việt 30:
Một câu A Di Đà
Là một tạng bí mật.
Phát nguồn cội thần thông
Đầy đủ uy lực lớn.
Lược giải:
Câu niệm Phật đã gồm ba tạng của Hiển giáo lại cũng đủ thần thông uy lực của bí tạng Mật giáo. “Bản thần thông” là thần thông sẵn có, phát sanh từ nguồn gốc chân tâm, không phải do tập luyện mà được. Niệm Phật công thuần đến mức thanh tịnh, cũng như người có sẵn tiền muốn mua món gì cũng được. Dùng công đức niệm Phật để cầu an, cầu siêu, trừ tai nạn, trị đau bịnh, hàng tà ma, sám tội chướng, cầu phước huệ duyên lành, nguyện sanh lên cung trời hoặc về cõi Phật, cho đến cầu Đại Niết bàn cũng đều thành tựu. Tất cả uy lực thần thông cũng từ câu niệm Phật mà phát sanh. Như thuở xưa, Thiện Đạo đại sư khi niệm Phật, mỗi câu đều có một luồng ánh sáng phóng ra. Một Đại sư về Tịnh tông bên Nhật Bản, mỗi câu niệm hồng danh, trong miệng bay ra một vị Phật. Liên Trì đại sư lúc dân chúng nhờ đảo võ, ngài chỉ ra ngoài đồng gõ mõ niệm Phật, đi tới đâu mưa rơi đến đó. Niệm Phật tùy ý phát ra thần thông uy lực là như thế.
Hán 31:
Nhứt cú Di Đà
Hồn toàn Đại tạng
Giới, định, huệ quang
Lưu xuất vô lượng!
Việt 31:
Một câu A Di Đà
Gồm toàn cả Đại tạng.
Giới, định, huệ ánh mầu
Tuôn ra không hạn lượng!
Lược giải:
Bài kệ trên nói tổng quát về sự bao hàm các Đại tạng của câu niệm Phật. Các Đại tạng đây, gồm Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, Tạp tập tạng và Bí mật tạng. Tạp tập tạng nói về các pháp Đại thừa cũng gọi Bồ tát tạng. Bí mật tạng gồm các phương thức đàn, ấn, chú, mở một lối tu đặc biệt, gọi là Kim cang thừa.
Đường lối chứng lên thánh đạo không ngoài căn bản giới, định, huệ, nhưng chỉ một câu niệm Phật đã gồm đủ. Niệm Phật nhiếp thân, khẩu, ý trong sạch là Giới. Niệm Phật thanh tịnh lòng không loạn động là Định. Niệm Phật sáng suốt dứt hết vọng tưởng điên đảo là Huệ. Hành trì như thế, công càng dày, niệm càng sâu, thì ánh nhiệm mầu của giới, định, huệ, càng sáng tỏ và chiếu xa đến nơi vô cùng tận!
LUẬT TỊNH
Thích Luật Tịnh Minh Triệt họ Tiền người huyện Đức Thanh thuộc Hồ Châu. Ban sơ sư xuất gia nơi am Tứ Thánh ờ Hàng Châu, kế đó qua am Đức Ninh tại Đông Viên, chuyên tụng kinh Pháp Hoa làm nhựt khóa. Sư hành trì như thế suốt hai mươi năm không gián đoạn.
Một hôm có vị Tăng đồng bạn là Giới Thừa bảo rằng: “Đạo tâm của thầy đã bền chắc như thế, nếu sau khi tụng kinh, thêm niệm Phật hồi hướng lại càng quí hơn. Thuở xưa Trí Giả đại sư đã chứng Pháp Hoa tam muội, còn cầu sanh về Tịnh độ, sao pháp hữu chẳng lấy đó làm gương?” Nhân trao cho quyển Thập Nghi Luận để khuyến tấn. Luật Tịnh xem xong chợt như tỉnh ngộ, từ đó sau mỗi thời kinh, đều niệm Phật hồi hướng về Tây phương. Tu hành như thế lại hơn một năm, vào tháng bảy niên hiệu Gia Khánh thứ mười một, sư bảo đệ tử là Tăng Tú rằng: “Trước tiết Trung thu, thầy sẽ sanh về Cực Lạc”. Đến ngày mùng hai tháng tám, lại bảo: “Vào giờ Mão ngày mùng bảy là thời khắc vãng sanh”. Hàng đệ tử hỏi duyên do đâu mà biết được, Luật Tịnh cười nói: “Ao thành trăng hiện!” Đốn kỷ hạn, các môn đồ tập họp, thấy Luật Tịnh đã đắp y mới, ngồi kiết già nơi pháp tọa. Chư Tăng ở gần quanh đều tới muốn trợ niệm, Luật Tịnh ngăn lại bảo: “Sự dụng công toàn do lúc bình nhựt, để khát nước mới đào giếng nào có ích lợi gì?” Rồi dời vào ngồi trong khám gỗ, lưu kệ rằng:
Cõi tạm tùy duyên sáu chín năm
Nầy lời chân thật khắp khuyên răn
Buông tay cùng thẳng về Tây độ,
Trăng thượng tuần lên sáng mặt đầm!
Viết kệ xong chắp tay niệm Phật mà hóa.
LỜI BÌNH:
Chư tôn đức khi xưa, lúc lâm chung đều bảo đại chúng cao tiếng xưng hồng danh Phật. Như thế đủ thấy rõ duyên trợ niệm rất là khẩn yếu. Lời của Luật Tịnh bảo chờ khát mới đào giếng là vô ích, chứng tỏ công hạnh của sư đã đến mức thuần thục, mục đích khuyên người lúc bình nhựt phải gắng tinh tấn mà thôi. Những vị tam muội chưa thành, rất không nên mượn câu nói ấy để phô trương. Dù cho đã đắc tam muội, cũng cần đề xướng sự trợ niệm nên quy củ lợi ích khắp tất cả. Cho nên, lời nói trên tuy cao, nhưng không đủ để làm pháp tắc.
HUỆ MINH
Thích Huệ Minh, người đời Thanh, quê ở huyện Cần thuộc Ninh Ba. Sau khi xuất gia, sư thường trụ nơi chùa Báo Quốc tại Hàng Châu. Tánh sư ngay thật, duy biết trì câu hồng danh, mỗi khi niệm Phật tiếng liên tiếp tuôn tuôn như suối trào, nến tắt hương tàn dường như không hay biết. Được của cúng dường, Huệ Minh liền mua vật mạng phóng sanh, tùy xưng danh hiệu Phật hồi hướng về Cực Lạc. Gặp người sư chẳng hỏi thăm chuyện hàn huyên, chỉ bảo: “Cái chết sắp đến gần, hãy mau gắng niệm Phật!”
Hàng tăng tục nơi miền đất Việt biết công hạnh của sư, mỗi khi gặp cơn nguy nạn hoặc yếu đau, thường rước đến niệm Phật để cầu nguyện. Có người hỏi chỗ sở đắc, sư đáp: “Tôi nhớ lúc trước bị bịnh nhiệt mỗi ngày càng tăng, cơ hồ không tự gắng gượng nổi. Nhưng rất may trong ý căn danh hiệu Phật câu nầy đội câu kia mà hiện ra”. Năm Gia Khánh thứ mười hai, Huệ Minh đau ung thư phía sau cổ, song tuyệt chẳng rên than. Khi lâm chung nhan sắc hòa vui, tay lần như lần chuỗi, niệm Phật giây lâu rồi viên tịch.
Trước lúc ấy, một người ở thành Hàng Châu mộng thấy vị Tăng quen biết đã mãn phần là Huỳnh hòa thượng bảo: “Ta khuyên ngươi quy y sư Huệ Minh, ngươi lần lựa mãi nên không đi đến kết quà. Nay vị sư ấy sẽ sanh về Cực Lạc nội trong tháng nầy, nếu chần chờ tất không còn kịp nữa. Nên mau qua cầu thỉnh, pháp danh của ngươi là Đại Thông đã định sẵn rồi”. Thức giấc người đó lấy làm lạ, sáng ra tới chùa thăm dò, thì chứng ung thư của Huệ Minh phát hiện rất nguy kịch. Ông ta vội trở về nhà mời năm người đồng bạn đến cầu xin quy y. Sư hứa nhận, đến khi trao cho pháp danh, tự tay biên năm chữ vào năm miếng giấy nhỏ vo tròn để bên đài đựng hương rồi bảo: “Ta bị bịnh nên không thể mỗi mỗi dặn dò. Chữ dưới của pháp danh đều là chữ Thông, còn chữ trên các ngươi tùy duyên mà bắt thăm lấy một”. Người đó bắt được chữ Đại, đúng như vị Hòa thượng trong mộng đã cho biết trước.
KHỞI TÍN
Thích Khởi Tín, tự Hương Hải, họ Đan, người ở Phú Xuân. Cha là Hoa Tạng, rộng thông về nội điển, tỏ suốtviệc hướng thượng, khuyến tấn Khởi Tín bảo xuất gia. Sau khi thoát bạch (bỏ y phục đời) sư qua Nam Bình cầu giới, thầy dạy tham cứu chữ “Thùy”. Khởi Tín dụng công hết sức hành trì, thường suốt đêm không ngủ, ngồi thẳng trên bồ đoàn như hình tượng gỗ.
Niên hiệu Gia Khánh năm đầu đời Thanh, vào ngày rằm tháng bảy, sư lên viếng cảnh Ngô Sơn. Lúc tới nơi vào khoảng đầu hôm, đèn đuốc thắp giăng như hội hoa đăng, ánh sáng rực rỡ chói lòa cả mắt. Xúc chạm cảnh ấy, Khởi Tín chợt tỏ ngộ, khi trở về đem trình lại với cha. Hoa Tạng ấn khả, lại bảo đi tham vấn khắp hàng trí thức. Sư vâng lời, đi lần đến Tô Châu, đóng cửa nhập thất nơi am cổ Mai, mỗi ngày niệm mười muôn câu Phật hiệu. Lúc ra thất, ngẫu nhiên làm thi, đều chỉ hướng về Tịnh độ. Sư có bài Niệm Phật Ca như sau:
Niệm Phật mầu
Duyên tối hảo!
Quét sạch trần tâm muôn vọng ảo
Trốn cha mấy lúc ruổi phong trần
Quán khách nhiều phen hồn mộng não!
Chẳng tham thiền
Không nghiên giáo!
Ngồi tịnh lò hương khói vi nhiễu
Hỏi tìm khắp chốn biết về đâu
Tham phỏng chừng nao ngày kiết liễu?
Đừng cầu ngoài
Trong lặng chiếu!
Vạt áo Ma-ni vô giá bảo
Tùy nơi hiện sắc rất phân minh
Sáu nẻo thần quang đâu chút thiếu!
Nước lững lờ
Non cao ráo
Trong tịnh nhìn xem đều cảnh diệu
Cười ai danh lợi luống bôn ba
Bỏ sự nhàn vui mê lối đạo!
Trăng lặng mờ
Chuông sáng báo
Cậy mình dung sắc chưa suy lão
Xưa nay hiền triết số hằng sa
Ai chẳng xương tàn vùi bích thảo?
Chỉ tâm ấy
Không thọ yểu
Thoát ly biển khổ vòng điên đảo
Trăm năm thân thể tợ không hoa
Khám phá không hoa đời cũng hảo!
Nương gậy bình
Mang bát áo
Thanh thản muôn duyên vui với đạo
Kiếp sanh định số đã an bài
Tánh Phật thiên chân đâu phải tạo?
Ẩn am tranh
Bền tiết tháo
Quan khó khiến sai, vua khó triệu.
Trọn ngày ngồi tịnh dứt tâm cơ
Bích nhãn hồ tăng nhìn chẳng thấu!
Mưa song mai
Trăng rèm liễu
Canh rau cơm đỏ tùy duyên liệu
Dám rằng đóng cửa mến thanh cao
Cũng chẳng nhìn ai hềm kém thiếu!
Sống ít quen
Chết chẳng điếu
Hơi tắt đãy da quàng mảnh chiếu
Vùi chôn thiêu hóa mặc tình người
Khỏi bận cháu con hiền, bất hiếu!
Vui vẫn điềm
Khổ chẳng yếu
Cõi mộng phù sanh đà thấu hiểu
Khắp khuyên quẳng phứt gánh ưu phiền
Cùng nhau ca khúc hoàn hương điệu!
Có đôi lời
Rất giản yếu
Đời người tợ lưới giăng phi điểu.
Lưới giăng muốn thoát phải làm sao?
Niệm Phật về Tây, phương tối diệu!
Năm Gia Khánh thứ mười bảy, ngày mười chín tiết mạnh đông, Khởi Tín viên tịch nơi am Ẩn Tu ở Đông Viên. Trước khi lâm chung, sư tắm gội thay y phục, rồi ngồi kịêt già niệm Phật mà qua đời, hưởng dương ba mươi bảy tuổi. Người thân cận dò xem thấy đảnh nóng tợ lửa. Lúc đem liệm vào bảo khám, thi thể nhẹ như bông. Hoa Tạng đến thăm, tặng đôi liễn khen ngợi rằng:
Nóng đảnh quyết sanh An Lạc quốc
Nhẹ thân hiển rõ Niết Bàn tâm!
ĐÔNG QUA HÒA THƯỢNG
Đông Qua hòa thượng, họ Tôn, sót mất tên, người ở Hàng Châu. Tánh ông ưa ăn trái đông qua (trái bí) nên nhiều người gọi lâu thành tên. Ông xuất gia ở am Hoa Nghiêm, tánh trầm lặng, suốt ngày đi dạo ở chợ phố, dù tiết lạnh nóng cũng không mấy khi vắng mặt.
Trải hơn mười năm như vậy, không ai lường biết là người thế nào? Hòa thượng thân thiện với vị Tăng ở am gần bên là Huệ Chiếu. Trước khi viên tịch một tháng, ông bảo Huệ Chiếu rằng: “Ngày mùng sáu tháng giêng năm tới, tôi về cõi Cực Lạc, xin thầy niệm tình đến đưa nhau!” Tới kỳ hạn, Hòa thượng đi phó trai nơi am Pháp Huệ trở về thấy Huệ Chiếu đã có mặt ở tịnh thất, liền hỏi: “Thầy đến đây có việc chi?”
Chiếu cười đáp: “Ngài nói hôm nay về Tây phương, nên tôi lại đây theo lời ước hẹn!”
Hòa thượng bảo: “Thầy không nhắc, cơ hồ tôi quên mất!” Nói đoạn, vội tắm gội thay y phục, lễ Phật xong, bảo Huệ Châu rằng: “Đã về Phật, chẳng thể không có lời kệ để lưu niệm. Xin thầy vì tôi mà ghi chép!” Rồi đọc kệ rằng:
Trọn ngày dạo phố phường
Trong lòng niệm Phật luôn
Thế nhơn đâu biết được?
Riêng có một thiên đường!
Thuyết kệ xong, vui vẻ niệm Phật mà hóa.
LỜI BÌNH:
Tới ngày về Phật mà quên, sự sống chết tự do đến thế? Xét kỹ nguyên nhân, cũng không chi khác, đó là tâm cùng Phật tương ưng mà thôi! Công phu niệm Phật của người thời nay, mỗi ngày chỉ một ít giờ, tâm lại không thường được chuyên nhứt. Như thế mà muốn khi lâm chung cảm thoại ứng, chẳng cũng là chuyện khó hy vọng lắm ư!
NGỘ LINH
Thích Ngộ Linh, hiệu Huyễn Như, con nhà họ Kim Hải Xương tỉnh Triết Giang. Từ thuở bé, sư đã có chí xuất trần, thấy Phật liền cúi lạy. Đến chín tuổi nhân hay đau yếu, xin với cha mẹ cho mình xuất gia. Được chấp thuận, sư xuống tóc nơi chùa An Quốc, lễ Thượng tọa Tượng Lũng làm thầy, về sau lại thọ giới Cụ túc tại chùa Chiêu Khánh ở Hàng châu.
Bấy giờ ngài Tất Đàn Thuần đang mở hội Niệm Phật tại Lưu Thủy Cư ở Tô Châu. Ngộ Linh nghe biết đến xin tham dự, sáu thời trì niệm không biếng trễ. Kế tiếp sư tuần tự lễ các kinh: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang, Viên Giác, mỗi chữ một lạy. Thuần công thấy hai lòng bàn chân của sư đầy đặn bằng phẳng, liền truyền cho y phất. Đối với pháp môn Tịnh độ, Ngộ Linh tin chắc không dời đổi nghi ngờ. Cha mất sớm, sư khuyên mẹ là Châu thị niệm Phật cầu vãng sanh. Sau quả nhiên bà mẹ không bịnh, niệm Phật mà thoát hóa. Người anh của sư là Liên Ẩn thấy thế, cảm động quyết chí xuất gia.
Sau khi Thuần công thị tịch, Ngộ Linh nối tiếp hoàng hóa ở Nam Thiền ba năm, rồi về quy ẩn nơi am Vi Đà tại Tòng Giang. Nơi đây sư cùng anh là Liên Ẩn nương náu trong vài gian am tranh thanh vắng, lấy niệm Phật làm nhựt khóa. Một đêm khi đang thiền quán, Ngộ Linh thấy các ngôi sao trên trời từ bốn phương tụ họp lại thành bốn chữ ức Phật Niệm Phật. Mỗi chữ đều vuông rộng hơn một trượng, ánh sáng rực rỡ chói lòa. Từ đó đôi mắt của sư lấp lánh có thần quang, kẻ tăng tục cho đến hàng nông mục công thương, trông thấy đều sanh lòng kính mến. số người cảm hóa niệm Phật theo không dưới vài ngàn.
Ngộ Linh đã chuyên chí nơi tịnh nghiệp, nghĩ đến lúc sau khi bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ra đời, từ đó tới giờ bậc cao hạnh niệm Phật cũng nhiều, chẳng nên để cho mai một. Vì thế sư ra công sưu tầm dò hỏi các sự việc vãng sanh, góp lại viết thành một quyển nhan đề là Nhiễm Hương Tập. Tập nầy ghi chép từ đầu năm Gia Khánh trở về sau, những vị nhiễm hương niệm Phật được vãng sanh đều không bỏ sót, trải năm năm mới hoàn thành, và khắc bản cho lưu hành nơi đời. Mùa xuân niên hiệu Đạo Quang thứ tám, sư bị bịnh nấc hơi, biết mình không sống lâu, liền cho mời các hàng liên hữu đến khuyến tấn và định hạn kỳ giã biệt. Sư lại tự đặt cho mình hai câu đối để nơi Ảnh đường như sau:
Nê ngưu hống lạc giang tâm nguyệt
Mộc mã tê quy hải thượng vân.
(Ngựa gỗ hí gom mây mặt bể
Trâu bùn rống lọt nguyệt lòng sông)
Kế đó Ngộ Linh tuyệt thuốc thang, một lòng niệm Phật cầu sanh. Sang tháng năm bịnh tăng nhiều, có ai đến viếng thăm, sư chỉ bảo: “Sống chết là việc lớn lao, mỗi người phải tự gắng sức!” Rồi lâm râm niệm Phật, không đề cập đến việc chi khác. Tới ngày mười bảy, sư ngồi ngay thẳng hướng về Tây niệm Phật. Có vị Tăng hỏi: “Một câu sau rốt (mạc hâu cú) khi sắp đi là thế nào?” Sư đáp: “A Di Đà Phật!” Giây lát, tiếng niệm Phật thấp nhỏ lần rồi lặng lẽ mà hóa, tuổi đời được sáu mươi mốt, tăng lạp ba mươi lăm. Ba ngày sau mới nhập khám, dung mạo còn tươi như sống.
VIÊN DUNG
Thích Viên Dung tự Trúc Phong, họ Diêu, người ở huyện Đức Thanh thuộc Hồ Châu. Sư xuất gia nơi chùa Yên Hà đinh Thạch Ốc tại Hàng Châu năm hai mươi tuổi. Kế đó đến chùa Chiêu Khánh học luật, thọ giới Cụ túc, giữ gìn rất nghiêm cần. Sư chuyên cần lễ niệm, lấy sự vãng sanh Tịnh độ làm chí nguyện quyết định trong một đời.
Viên Dung không lãnh chùa am, hằng nương theo tăng chúng mà tu, bảo rằng làm thế để cho khỏi sự dụng tâm tạp loạn. Sư cũng chẳng nhứt định ở một chỗ, hợp thì ở không hợp thì đi, ý khí rảnh rang không cố chấp. Tùy chỗ ở, sư không thích theo chư Tăng làm công việc, cầu xin với đại chúng đóng cửa để tịnh tu. Hằng ngày Viên Dung nếu không lễ bái thì niệm Phật, không niệm Phật tất lễ bái, hoặc có khi lễ niệm song hành chẳng lúc nào gián đoạn. Sư cũng chẳng xem thêm pháp tu nào khác, chỉ hành trì theo hai phương thức ấy đến trọn đời. Có nhiều lúc từ giờ ngọ, sư gõ mõ niệm Phật tiếng nghe rành rạnh trải suốt đêm cho đến xế hôm sau. Chúng tăng thấy tụng niệm mãi không thôi, lớn tiếng nhắc gọi, sư mới nghỉ. Đồng bạn hỏi: “Niệm lâu như thế không mỏi mệt và đói khát hay sao?” Sư đáp: “Đâu có chi lâu, tôi thấy chừng độ nửa ngày. Trong miệng tôi thường tuôn ra chất nước ngọt thơm như mật, thường đầy thường nuốt, thọ dụng không cùng, nên chẳng nghĩ đến sự ăn uống!” Viên Dung niệm Phật luôn ngày đêm, không đặt lưng xuống chiếu hơn vài mươi năm, nên ít khi có mộng. Ngẫu nhiên mơ màng, cũng chẳng rời lễ niệm, không có duyên nào khác. Đôi khi mộng, lại thấy Phật, Bồ Tát hoạt động như sống, nhắc nhờ khuyên tu! Có lúc sư thấy đức Di Đà tôn thiên hướng dẫn cho niệm Phật. Các điềm mộng của sư đại loại đều như thế cả.
Năm Đạo Quang thứ mười đời Thanh, vào ngày mười chín tháng ba, Viên Dung tịch nơi am Thiên Hoa tại Đông Viên thành Hàng Châu. Trước đó vài ngày, sư cảm bịnh nhẹ, dự biết thời khắc vãng sanh, đến giã biệt vị am chủ nói đôi lời chúc nguyện, rồi thầm trì niệm không đề cập việc chi khác. Sau khi sư viên tịch, đảnh đầu còn nóng ấm rất lâu. Lúc trà tỳ để đem di cốt vào tháp phổ đồng ở chùa Long Khánh, thi thể phân hóa rất mau, không tốn củi nhiều. Sư không thâu nhận đệ tử xuất gia, hưởng tuổi đời được sáu mươi bốn.
LỜI BÌNH:
Không thường ở một chỗ, là chân giải thoát. Không nuôi dưỡng đồ chúng, là chân thanh tịnh. Lúc trà tỳ thi thể cháy thiêu mau, há chẳng phải là điều minh chứng không luyến nhiễm nơi duyên đời đó ư.
DIỆU TRẠM
Thích Diệu Trạm, họ Hầu, người ở Kim Lăng. Sư bẩm tánh trung hậu, lúc còn bé không tranh cãi với người, cũng chẳng ưa nói nhiều. Lớn lên, rất thích làm lành, nhiều người gọi đùa là cư sĩ.
Không bao lâu, sư đến núi Lang Gia, nương theo ngài Trí Nghiễm xuống tóc. Sau khi thọ đại giới, Diệu Trạm tu hành tinh tấn, thông hiểu ý mầu của Phật pháp. Có người khuyên làm trụ trì cùng lãnh chúng, sư bảo: “Lánh mình giữ đạo, muốn ẩn tu hay hiển hóa đều tùy tiện cơ nghi. Khi lãnh chùa lớn có đồ chúng đông nhiều, tất khó tránh khỏi nạn duyên, không biết lúc nào mới xong dứt!” Sau sư lánh nạn binh đao đến Duy Dương, ở nơi viện Tàng kinh, giữ phận sư hướng dẫn người niệm Phật, phóng sanh và khắc kinh điển. Vài năm sau, Diệu Trạm đem công việc giao phó cho chúng, rồi thối cư gắng sức tu trì. Các chùa khác có việc cần nhờ cậy, đều phương tiện kết duyên tùy hỉ. Giới xuất gia đều kính là bậc Thượng tọa, hàng đạo tục quy y rất nhiều.
Trong năm ĐồngTrị, Kìm Lăng được khắc phục, sư bèn trở về quê cũ. Hàng quen biết đều cảm sâu đức hóa, nương theo tu Tịnh độ rất đông. Khi đoàn thể chư Tăng gồm các vị: Dương Chí, Diệu Không, Thanh Phạm, Thiện Thành, đề xướng việc khắc in Đại tạng kinh, Diệu Trạm cũng tán trợ, chẳng nài mưa gió đi khắp bắc nam, quyên mộ được hơn ngàn lượng vàng. Mọi việc hoàn thành, sư quì trước bàn Phật, đốt liều hương nơi cánh tay, đem công đức hồi hướng nguyện cùng chúng sanh kết trí huệ nhân, đồng sanh về Tịnh độ. Sư có các đức tánh: ôn hậu, bình hòa, chí thành, từ ái, nên đại chúng đều kính trọng nương về. Sanh bình, khi sư nghe thấy người làm một việc tốt, hoặc phát một tâm lành, đều chắp tay khen ngợi. Đối với kẻ ác muốn phá hoại, thì an nhẫn thầm niệm Phật, lâu ngày chúng cũng cảm hóa theo. Sư thường nói: “Làm phận xuất gia, nếu bên trong chẳng cương quyết nghiêm minh, tất dễ bị phiền não cảnh trần xoay chuyển. Bên ngoài không hòa nhẫn từ ái, thì khó xử thế để hóa độ người”.
Năm Quang Chữ thứ chín, vào ngày mùng bảy tiết Quý thu, Diệu Trạm cảm bịnh nhẹ. Các hàng đệ từ không hẹn trước mà hội đến hơn trăm người, cùng nhau xưng hồng danh trợ niệm. Khi lâm chung, sư dạy chúng rằng: “Niệm Phật tuy xem dường dễ dàng, song rất khó thành tựu. Cho nên lúc bình thời mỗi người phải để ý tự gắng sức. Hiện tại đại chúng niệm tức là tôi niệm, đôi bên đều không phân cách nhau!” Nói xong, an nhàn vãng sanh trong tiếng niệm Phật, hưởng dương được sáu mươi tuổi. Từ khi nhiễm bịnh cho đến lúc mãn phần, dung sắc của sư vẫn an lành không cải biến. Sư di chúc thiêu hóa sắc thân, đem tro xương hòa với bột làm hoàn liệng xuống sông thí cho loài thủy tộc, để đền trả nợ đời trước đã ăn thịt chúng.
THỌ TÂM
Thích Thọ Tâm tự Chuyên Tây, họ Mao, người ở Phương Thành tại Triết Đông. Từ khi mới sanh ra, sư chỉ ăn uống thức thanh đạm, không dùng sữa và thịt cá. Lớn lên, nhàm chán cảnh trần lao, lập chí tu hành lìa thế tục. Năm mười tám tuổi, sư vào chùa Tiểu Linh Sơn ở Thành Tây, nương theo Giới Am pháp sư xuống tóc xuất gia.
Lúc sắp thọ Cụ túc, ngài Giới Am đau nặng, Thọ Tâm nghĩ: “Sự hoàng dương Phật pháp phải nhờ những bậc túc đức như thầy mình. Tự xét bản thân mong manh tợ sương mai, mạng nầy đâu có chi đáng tiếc!” Do đó sư nấu nước thơm tắm gội, đến trước Tam Bảo đốt hương khấn nguyện, rồi trở về phòng mình tự mổ bụng, muốn cắt lá gan hòa với thuốc để trị bịnh cho thầy. Đâu hay vừa mới đưa dao rọc nhẹ vào bụng, bỗng đau đớn xây xẩm té xuống đất. Giây lát sư hồi tỉnh, bò lại giường thì phương đông trời đã rạng sáng. Đại chúng phát giác, cùng nhau lo buộc thuốc băng bó cho sư. Ngài Giới Am hay biết chuyện đó, vời Thọ Tâm đến an ủi rằng: “Lòng hiếu tử của con tuy mạnh mẽ, nhưng trọn không phải là chánh hạnh của người tu. Huống nữa ta tự biết thời tiết nhân duyên, đã rõ sanh vốn vô sanh, thì có chi là diệt? Việc của con làm hoàn toàn do vọng tưởng, nhưng ta nghĩ thương con một niệm hiếu thành, nên tạm lưu lại ít lâu!” Quả nhiên sau khi sư thọ Cụ túc trở về vừa độ một tháng, thì ngài Giới Am liền quy tịch. Thọ Tâm thiên tánh hiếu thuận, thương khóc quá phần, lo việc tẩn liệm chôn cất, mỗi mỗi đều chu đáo.
Không bao lâu, sư đem việc chùa giao phó cho pháp đệ là Liên Đường, còn mình thì đi các nơi tham học. Sư nghiêm giữ giới luật, tu hạnh đầu đà, trần chân lộ đảnh, mùa đông tiết hạ chỉ một manh áo, thường chuyên lo niệm Phật. Mọi người thấy thế đều xưng gọi là Xích Cước đại sư. Mùa thu năm Tân Tỵ trong niên hiệu Quang Chữ, Thọ Tâm trở về chùa Tiểu Linh Sơn. Lúc ấy nắng hạn đã lâu, những làng quanh vùng đều lập đàn đảo võ. Quan huyện là Tôn công lòng lo như đốt, ngày đêm khẩn cầu mà chưa thấy ứng nghiệm. Thọ Tâm động lòng thương xót, đi thẳng đến ra mắt Tôn công, an ủi khuyên chớ quá lo, việc cầu mưa để tự mình lãnh trách nhiệm. Hôm sau là ngày Nhâm Tý, sư ôm bát đến vực suối cạn lấy được một vật hình như cái Thủ cung. Đến ngày Ất Mão, Thọ Tâm lập đàn trì chú, lễ bái sáu thời. Sang giờ Dần ngày Bính Thìn, trời xuống cơn mưa nhưng giây phút lại tạnh. Tôn công sai các thân hào do ông Lý Tiêu Nham hướng dẫn, đến xin cầu đảo thêm. Sư bảo: “Các vị chớ lo, ngày mai sẽ có mưa lớn!” Đêm ấy Thọ Tâm chí thành trì chú cầu nguyện, đảnh lễ tới sáng. Quả nhiên vào giờ Ngọ ngày Đinh Tỵ mưa đổ xuống như trút dẫn đến chiều tối, ruộng nương đều đầy dẫy nước. Dân chúng trong vùng vui mừng hớn hờ, Tôn công xuất lãnh hàng thân hào lên núi tạ ơn. Quan huyện giữ lễ đệ tử, tự tay viết bốn chữ lớn “Bát Long Giáng Trạch” để kỷ niệm. Sư vẫn an tĩnh điềm nhiên, không lộ vẻ chi khác. Tôn công than rằng: “Nay mới biết tăng đức uyên thâm, không thể nghĩ bàn được!”
Mùa thu năm Nhâm Ngọ, Thọ Tâm đóng cửa thất tạ tuyệt các duyên, mỗi ngày trì chú Đại Bi một trăm lẻ tám biến, niệm Phật mười muôn câu. Ngoài ra còn tụng danh hiệu Quán Âm, Thế Chí một ngàn lần, lễ hồng danh đức Thích Tôn và Tây phương Tam Thánh, mỗi vị đều ba mươi lạy. Trong thất sư có nuôi một con chó và mèo, mỗi ngày đều vì chúng quy y chú nguyện. Do đó nên mèo không bắt chuột, chó chẳng ăn đồ dơ. Sau ba năm, vào ngày mười chín tháng chín, sư ra thất. Đến đầu tháng mười một, Thọ Tâm nhiễm bịnh kiết lỵ nhẹ vài ngày rồi lành. Nhưng từ đó thân thể lần suy yếu, chư Tăng thay phiên hầu hạ, sư không cho, bảo: “Phận xuất gia, mỗi ngưới đều có công khóa tu hành, đừng nên để lầm lỡ nhau. Nếu quả đến thời, sẽ cho người kêu gọi!” Chiều tối ngày hai mươi sáu, Thọ Tâm vời các đồ chúng đến gần giường dạy rằng: “Đêm nay ta sẽ về Tây phương, nên mau nấu nước thơm đem đến!” Sau khi cạo tóc, tắm gội và thay y phục xong, sư ngồi kiết già cử bài tán Phật, bảo chúng hòa theo. Lúc niệm Phật độ hơn trăm câu, tiếng sư thấp nhỏ lần, đầu hơi cúi xuống. Bỗng lại ngước đầu lên ngay thẳng, nói: “Ta đi đây! Đại chúng nên trân trọng!” Rồi cao tiếng niệm Phật một câu mà viên tịch.
Đêm ấy hai con thú chó và mèo nuôi trong thất, cũng đồng ngồi thoát hóa. Mọi người đều bảo nó vãng sanh theo sư.
Bấy giờ nhằm năm Ất Dậu, niên hiệu Quang Chữ.
TƯ NGẠN
Thích Tư Ngạn tự Nguyên Đăng, con nhà họ Tạ ở Tiền Đường tại Hàng Châu. Lúc tuổi trẻ ông theo học Nho vào hàng chư sanh. Không bao lâu cảm thấy việc đời vô thường, nên quy y Tam Bảo, đi tham học khắp các bậc tri thức về Tông và Giáo. Sau ông nghe Ngọc Phong pháp sư khai thị: “Muốn cầu thoát khổ, chỉ có pháp môn Niệm Phật là dễ thành tựu”, liền phát tâm mỗi ngày trì Phật hiệu sáu muôn câu lấy làm định khóa. Bình sanh có làm công đức chi, đều hồi hướng về Tịnh độ. Năm Nhâm Thân niên hiệu Đồng Trị, lại phát tâm thọ ngũ giới nơi chùa Hải Triều.
Năm Quang Chữ thứ chín, ông chán cuộc trần lao, muốn sớm cầu giải thoát, nên đem việc nhà giao phó cho hai con, đi thẳng đến chùa Hộ Quốc, lễ Hòa thượng Kính Phong cầu xuống tóc xuất gia. Mùa đông năm ấy, sư được duyên lành thọ giới Cụ túc nơi chùa Kỳ Viên ở Túc Sơn. Kế đó lại trở về chùa Hộ Quốc chuyên tu tịnh nghiệp. Do gắng công lao nhọc đã lâu, Tư Ngạn lần nhiễm binh, tuy thuốc thang điều trị nhiều phen, song bịnh lành rồi lại tái phát. Hai con trai nhớ mến, rước sư về dưỡng bịnh nơi nhà, mở một gian tịnh thất để làm chỗ tĩnh tu. Mùa thu năm Quang Chữ thứ mười lăm, sư bỗng vương chứng hạ lỵ, thuốc thang không công hiệu. Từ đó sự ăn uống tuy lần kém giảm, song sức niệm Phật lại thêm thành kính thiết tha. Tới ngày mùng mười tháng chín, Tư Ngạn gọi hai con lại bảo rằng: “Thời kỳ vãng sanh của thầy đã đến, hai con hãy đi thỉnh chư Tăng về nhà niệm Phật bảy ngày, để hộ trợ ta về Tây phương!” Sư định sáng sớm ngày mười hai khởi đầu kỳ Phật thất, bảo với vị Tăng là Lãng Phong rằng mình chỉ còn lưu trụ bảy hôm nữa thôi. Sang ngày rằm, lại cầm tay tăng hữu là Đình Sơn nói: “Chỉ còn ba hôm, tôi sẽ về Cực Lạc!”
Đến tối ngày mười bảy, sang canh tư, sư hỏi mấy giờ, hai con đáp là giờ Sửu. Tư Ngạn nói: “Giờ Sửu tức đã qua ngày mười tám, là kỳ hạn thầy vãng sanh. Vậy nên thỉnh chư Tăng xưng hồng danh trợ niệm!” Khi chúng xướng Phật hiệu, sư cũng niệm theo. Ước chừng tàn nửa cây hương, bỗng lặng thinh nhắm mắt. Giây lâu chợt mở mắt chắp tay, đối chúng Tăng xưng tạ và nói: “Tôi đã được đến Tây phương lễ cẩn đức A Di Đà cùng hai vị đại sĩ. Phật rủ lòng thương xót trao tịnh y cho tôi. Còn Quán Âm Bồ Tát thì cầm cành dương rảy nước cam lộ nơi đầu. Nhìn ra xa, tôi thấy Liên Trì đại sư đang thuyết pháp cho các bậc thượng thiện nhơn nghe. Bay dạo trên ao thất bảo rộng lớn mênh mang, nhìn khắp các hoa sen báu, tôi thấy một hoa tòa ghi tên chỗ mình sanh về. Đức Phật dạy tôi hãy tạm trở lại Ta Bà, cáo tri cho mọi người biết rằng mình được sanh về Tịnh độ. Xin phụng khuyến các vị nên gắng chuyên tinh niệm Phật, để ngày kia cùng gặp nhau nơi cõi Liên bang!” Nói xong bảo đem nước mát uống ba hớp, rồi lại giường nằm nghiêng bền hữu, niệm Phật vài mươi câu mà thoát hóa.
Hôm sau, khi nhập quan, đảnh đầu hãy còn nóng.