MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG
TẬP II
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp Theo)
DIỆU HIỆP
Diệu Hiệp đại sư, người ở huyện cần tại Minh Châu. Ngài xuất gia khoảng cuối đời nhà Nguyên sang đầu triều Minh, nghiên cứu tinh tường về Thiên Thai giáo quán, chuyên tu môn Niệm Phật tam muội. Đại sư có soạn thuật hai quyển Niệm Phật Trực Chỉ, trong đó thiên Trực Chỉ Tâm Yếu phá vọng hiển chân, biện giải đến chỗ tinh vi. Văn rằng:
“… Đức Thế Tôn thấy cõi Ta Bà có các sự khổ: sanh, già, bịnh, chết, nghiệp phiền não thiêu đốt buộc ràng, nên khuyên chúng hữu tình niệm Phật A Di Đà cầu sanh về Cực Lạc. Nhưng cách Phật lâu xa, con đường thánh đạo càng bị cỏ tranh khuất lấp. Nhiều người nghe nói: “Các pháp đều ở nơi tâm”, liền lầm nhận nghiệp vọng tưởng thuộc bóng duyên sáu trần trong thân là tâm mình. Do đó nên bảo: “Phật ở nơi đây, cõi Cực Lạc cũng ở trong ấy, không cần tìm cầu đâu xa!” Họ không biết thể huyễn bóng duyên sáu trần đó, thuộc về vọng tâm, vốn không bền chắc. Nếu tiền trần tiêu tan, vọng tâm ấy liền diệt. Như thế, làm sao có cõi Cực Lạc ở trong đó được?
Có kẻ lại miễn cưỡng bảo: “Các bậc ngộ đạo thấy tánh đều nói cõi Phật ở nơi tâm. Đã thấy tánh, lẽ đâu còn chấp bóng duyên của sáu trần nữa!” Các người ấy đâu biết rằng sự ngộ đạo thấy tánh đó, là ngộ được bản tâm chân thật, chớ không phải là vọng tâm như họ tưởng. Muốn ngộ được chân tâm ấy, phải thấu suốt tâm vọng thuộc bóng duyên sáu trần vốn ở trong huyễn thân, huyễn thân lại ở trong thế giới, và tất cả thế giới thật lành hoặc nhơ ác đều ở trong hư không. Thể hư không ấy tuy bao gồm tất cả y báo chánh báo của mười phương, rộng lớn không ngằn mé, nhưng lại ở trong chân tâm sáng suốt bất động vô cùng vô tận của ta, ví như một cụm mây nhỏ điểm lơ lửng giữa khoảng thái thanh bao la lặng lẽ. Chân tâm đã rộng lớn như thế, làm sao tất cả mười phương thế giới hoặc nhơ hoặc sạch lại không ở trong tâm? Thế thì đức Phật hoặc các bậc ngộ đạo nói các pháp ở nơi tâm, là chỉ cho chân tâm đó, chớ không phải vọng tâm thuộc bóng duyên sáu trần trong huyễn thân nầy đâu! Chân tâm ấy vượt niệm hiểu biết, lìa sự thấy nghe, dứt hẳn các tướng sanh, diệt, thêm, bớt. Tất cả thế giới gồm thân chư Phật và chúng sanh đã ở trong chân tâm đó, thì cảnh Ta Bà cùng Cực Lạc đều là tâm của ta. Cho nên các hữu tình ở trong đó tùy ý bỏ đông cầu tây, chán cõi nhơ thích cảnh sạch, dù có trước tướng, vẫn không lìa ngoài chân tâm.
Bởi thế, khi cảnh tướng đẹp của cõi Cực Lạc và đức A Di Đà hiện ra, tức từ tâm ta hiển lộ. Và khi tâm ta hiển lộ thì đức A Di Đà hiện ra. Tâm ta là tâm đức Phật kia, đức Phật kia là Phật của tâm ta, đồng một thể không khác, nên gọi “duy tâm Tịnh độ, bản tánh Di Đà”. Cho nên khi nói duy tâm hay bản tánh, chẳng phải chỉ cho cái vọng tâm sanh diệt thuộc bóng duyên sáu trần trong huyễn thân. Và ở phương Tây chẳng phải không có cõi Cực Lạc cùng đức A Di Đà, mà nói không cần tìm cầu. Cầu đức Phật kia chính là cầu tâm mình, muốn sớm ngộ chân tâm mình, phải cầu đức Phật kia. Thế thì tại sao đời nay các nhà thức giả vừa mới biết chút ít lý thiền, những tăng sĩ nông cạn phá rối Phật pháp, không nghiên tầm sâu chân lý để ngộ cảnh tức là tâm? Mà trở lại ở trong môn Bất nhị, họ chia trong chia ngoài, phân tâm phân cảnh, dạy người tìm trong bỏ ngoài, lìa cảnh để cầu tâm, khiến lòng thương ghét thêm rộng nhiều, niệm phân biệt càng sâu đậm? Khi phân chia cảnh, thì cho cõi Cực Lạc ở ngoài, dạy người chẳng nên cầu vãng sanh … Và khi phân chia tâm, lại lầm nhận vọng thức là tâm, bảo cõi Cực Lạc ở trong đó. Càng sai lầm hơn nữa, họ cho chân tâm là rỗng không, lìa tất cả cảnh tướng nhân quả lành dữ tội phước, nên từ đó muốn tỏ ra mình là vô ngại, lại buông lung theo duyên đời, dạy người không cần lễ Phật. Tụng kinh, sám nguyện, tu phước bảo là trước tướng. Đối với cảnh Thiên cung, Địa ngục và các cõi Tịnh, độ, tuy nghe trong kinh nói đến, nhưng vì mắt phàm không thấy, họ bác hẳn nói không có, cho lời kinh là quyền thuyết. Họ lại bảo cảnh vui hiện tại, hay một niệm vui tươi là Thiên đường, cảnh khổ trước mắt, hoặc một niệm phiền não là Địa ngục. Sự hiểu biết cạn cợt nông nổi như trên, thật đáng thương xót!
Phải biết tâm ta cùng tâm Phật đồng một chân thể. Đức A Di Đà chứng ngộ đầy đủ tâm ấy, nên phóng ánh sáng oai đức soi khắp mười phương, dùng sức nguyện thương xót rộng sâu nhiếp lấy những chúng sanh niệm Phật. Ta tuy đồng một tâm thể với Phật, nhưng bởi bị sức nghiệp vô minh phiền não che lấp buộc ràng, chưa chứng ngộ được bản tâm, nên cần phải tu tất cả hạnh lành, và niệm Phật để cầu sanh Cực Lạc. Vì tất cả pháp chẳng phải khác, nên muôn hạnh đều hướng về chân tâm, đều trôi về biển Phật. Bởi tất cả pháp chẳng phải đồng, nên tuy cùng một tâm thể, vẫn có thiện có ác, có uế có tịnh, thì ở địa vị phàm phu phải bỏ ác cầu thiện, bỏ uế cầu tịnh, phát nguyện cầu sanh để mau chứng quả chân tâm. Khi tu hành như thế, ví như một giọt nước gieo vào biển, tất cả sẽ đồng một vị một thể với biển cả. Lúc được chứng ngộ toàn thể chân tâm, thì trong ánh đại quang minh sẽ thấy tất cả cảnh tướng thiện ác nhơ sạch ở mười phương thế giới đều như bóng như huyễn, sanh diệt không dừng. Sự thiện ác nhơ sạch sanh diệt như huyễn ấy, cũng tức là tâm, nhưng không làm ngại đến tâm thể đại quang minh, như một cụm mây nhỏ không làm ngại đến hư không bao la rộng rãi. Chứng ngộ được như thế mới có thể nói là vô ngại.
Đa số hàng thiện tín nơi thôn ấp quê mùa, tuy không thông hiểu Phật lý, nhưng vì tin có Phật và cõi Cực Lạc, chuyên tâm làm lành phát nguyện niệm Phật, nên khi lâm chung được sự lợi ích vãng sanh, lên ngôi Bất thối chuyển, mau chứng quả Đại bồ đề. Trái lại người có chút ít học thức thông minh, bởi chưa thấu suốt lý tánh, bác sự tướng, trệ vào thiên không, dù tu đạo hạnh, kết cuộc lại lạc vào vòng ngoại đạo, chìm trong nẻo luân hồi. Cho nên hàng Phật tử chân chánh, về chữ Tín phải tin có tội phước nhân quả, có Địa ngục Thiên đường, có mười phương Tịnh độ. Về chữ Nguyện, nên phát tâm cầu sanh Cực Lạc, để sớm thoát ly nỗi khổ ở Ta Bà, mau chứng ngộ bản tâm, khởi sự luân hồi sống chết, rồi độ tất cả chúng sanh đồng thành Phật quả. Về chữ Hạnh, phải hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng, tu các nghiệp lành, thọ trì tam quy, giữ gìn giới phẩm, phát lòng Bồ đề, tụng kinh niệm Phật, khuyên người tu hành, đem tất cả công đức ấy hồi hướng về Tây phương. Phải nghĩ mạng người vô thường, chỉ mong manh trong hơi thở, việc thế tục quanh quẩn buộc ràng, móc nối nhau không dứt. Nếu chẳng phát tâm mạnh mẽ, cắt một dao cho đứt đoạn, nhảy hết sức để vượt qua, thì biết chừng nào mới được an nhàn giải thoát? Nay tôi thiết tha đảnh lễ, kính khuyên các Phật tử, nên một lòng thật ngộ thật tu, nguyện ngày kia đồng làm bạn lành nơi cõi Liên hoa thế giới…”
Về sau khi lâm chung, đại sư biết ngày giờ trước, an tường niệm Phật mà vãng sanh.
MINH CHỨNG
Thích Minh Chứng tự Vô Trần, họ Ngụy, quê ở Cối Khê. Tánh ông thuần giản ít nói, thuở bé không thích mùi tanh của thịt cá, thường muốn xuất gia. Đến mười lăm tuổi nhân sang viếng cảnh chùa làng gần bên, ông gặp một vị lão tăng mày lớn lông mi thưa dài, mới diện kiến có cảm giác như đã quen biết nhau từ trước. Hỏi ra thì lão tăng ở non Ngũ Đài vừa đến, ông liền nương theo xin làm đệ tử. Lão tăng bảo: “Ba năm sau ngươi mới có thể xuống tóc. Hiện thời phải gắng khổ hạnh làm công quả trong chùa, và học tập các kinh điển trước”.
Từ đó Minh Chứng đến tòng lâm, làm các việc nặng nhọc, học chú Lăng Nghiêm, mỗi ngày học thuộc lòng một chữ. Ban đêm thì lễ đức Quán Thế Âm, có khi lạy luôn tới sáng không nằm nghỉ. Trải ba năm như thế, việc tụng chú vừa xong, bỗng bị bịnh bảy ngày, cả mình đau nhức dường như thay đổi gân cốt. Khi bịnh lành trí huệ chợt mở sáng thì lão tăng ở non Ngũ Đài cũng vừa đến, vì xuống tóc, hội chúng lại, truyền cho giới Cụ túc, lại dạy trọn đời phải tụng kinh Pháp Hoa. Minh Chứng liền giở kinh ra tụng, thấỵ thông suốt không trệ, dường như đã có học tập từ lâu. Kế tiếp tụng sang các kinh như: Hoa Nghiêm, Niết Bàn, cũng đều thông thuộc. Sư liền đến đảnh lễ lão tăng và bạch rằng: “Con nguyện suốt đời đi khất thực cúng dường thầy để báo ân đức!” Nhưng ngay đêm ấy lão tăng bỗng đi đâu mất. Vâng theo lời thầy, mỗi ngày Minh Chứng đều tụng một bộ Pháp Hoa, ngoài y bát ra không chứa để món chi, có người cúng dường liền tùy duyên thí xả. Sư vốn ít nói, ai hỏi đến chi mỉm cười mà thôi.
Nắng lại mưa qua, tu hành một mực như thế trải đúng ba chục năm. Một hôm sau khi tụng kinh xong, sư có vẻ ủ dột không vui, đệ tử hỏi duyên cớ, đáp rằng: “Ta trì tụng một đời mục đích cầu sanh Tịnh độ, nay sao còn đọa vào vòng phước báo hồng trần?” Do đó lại tinh tấn tụng niệm thêm ba năm nữa. Ngày nọ sư bỗng vỗ bàn cười lớn bảo: “Ta đã được đến thế giới hoa sen, thoát ly cõi bụi hồng, từ nay không còn bị nghiệp duyên ràng buộc!” Hôm sau Minh Chứng liền đến chùa Vân Thê yết kiến Liên Trì đại sư. Khi trở về đến một bờ suối, sư gọi thị giả dặn: “Con hãy đi thông tin trước cho hàng đệ tử biết, ngày mai thầy sẽ vãng sanh”. Hôm sau khi các đồ đệ đã tập họp, Minh Chứng hỏi: “Hiện tại là mấy giờ?” Một vị đáp: “Vừa đến giờ ngọ!” Sư liền bảo nấu nước cho mình tắm gội, xong liền đắp y ngồi niệm Phật, rồi tụng sang danh hiệu Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, bỗng chợt nhắm mắt nín lặng. Lúc ấy mọi người lại nghe giữa hư không có tiếng niệm: Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, rất rành rẽ rõ ràng. Hàng đệ tử xem lại thì sư đã chắp tay viên tịch như vào thiền định, mùi hương lạ bay thơm bát ngát.
Bảy hôm sau, các đệ từ mở bảo khám ra thấy dung nghi của sư còn tươi như sống. Bấy giờ nhằm năm Vạn Lịch thứ 21 đời Minh, sư hưởng dương được năm mươi tuổi. Một đệ tử của Minh Chứng là Chơn Định, tự Tịnh Minh, cũng theo lời thầy dạy siêng năng niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Ngoài ra còn kiêm lễ bái các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, tạo tượng trai tăng, tu các khổ hạnh. Đến bảy mươi hai tuổi, sư cũng biết ngày giờ trước, ngồi day mặt về Tây niệm Phật mà hóa.
KHÔNG CỐC
Không Cốc thiền sư, pháp danh Cảnh Long, tự Tổ Đình, con nhà họ Trần ở Tô Châu. Lúc thơ ấu ngài đã không chịu ăn thịt cá, ưa ngồi xếp vế ngay thẳng trạng như thiền định. Lớn lên theo Lại Vân hòa thượng ở Biền Sơn, tham khấu về đại pháp. Năm hai mươi tám tuổi, xuất gia ở chùa Hổ Khâu.
Trong niên hiệu Hồng Hi đời Minh, thiền sư được cấp điệp làm tăng, y chỉ với Thạch Am hòa thượng ở chùa Linh Ẩn tại Hàng Châu. Kế đó ngài lên núi Thiên Mục khắc khổ tham cứu, một hôm bỗng nhiên thức tỉnh, đem chỗ tỏ ngộ về cầu chứng với Hòa thượng Lại Vân, được mong ấn khả. Thiền sư đã đề xướng tông Trực Chỉ, lại kiêm hoằng dương môn Niệm Phật, từng làm thi Tịnh độ một trăm lẻ tám bài. Có người hỏi ý kiến về Tứ liệu giản của Tổ Vĩnh Minh. Ngài đáp: “Người tham thiền nắm giữ một câu thoại đầu, tự cho ngoài công phu thủ tịnh ra, không còn việc chi khác. Sự niệm Phật vãng sanh cho đến hai thời khóa tụng, họ đều chẳng thật hành. Đây gọi là: Có Thiền không Tịnh độ vậy. Lối tham thiền như thế cũng chưa phải là chánh khí, vì chỉ giữ chết câu thoại đầu chẳng khác gì ngói gỗ, đất đá. Vướng mắc vào chứng bịnh nầy, trong mười người đã hết tám chín, không làm sao cứu vãn được! Bậc chân thật ngộ thiền cơ, thì ứng dụng không ngại, như trái bần trên mặt nước đụng đến liền lăn tròn, chẳng dính mắc vào đâu cả. Tham thiền như thế, không khinh sự niệm Phật vãng sanh, cũng không bỏ hai thời khóa tụng, xây qua day lại chỗ nào cũng là đạo. Đây gọi là: Có Thiền có Tịnh độ vậy!”
Thiền sư lại bảo: “Pháp môn Tịnh độ là đường lối tu hành thẳng tắt. Hành giả nên xét thân người chăng bền, cuộc đời như huyễn, duy câu niệm Phật có thể nhờ cậy, cõi Cực Lạc là đáng nương về. Vì thế phải giữ chắc câu hồng danh như bổn mạng, hoặc niệm mau niệm chậm, cao tiếng thấp tiếng, thân tâm nhàn đạm thầm niệm chẳng quên, động tịnh hưỡn gấp thường hằng không khác. Hành trì như thế ngày kia chạm cảnh gặp duyên bỗng ngộ tánh bản lai, mới biết Tịch quang Tịnh độ không lìa cảnh, A Di Đà Phật chẳng ngoài tâm mình. Nếu khởi tâm cầu tỏ ngộ lại trở thành chướng ngại. Chỉ dùng lòng tin làm căn bản, tất cả tạp niệm đều chẳng tùy theo. Niệm như thế dù không tỏ ngộ, khi mạng chung cũng được vãng sanh, theo giai cấp tiến tu, không còn bị thối chuyển”.
Về sau, vì không cơ duyên tham khảo, chẳng biết ngày lâm chung của thiền sư như thế nào?
ĐỨC THANH
Đức Thanh đại sư, tự Trừng Ấn, lúc lớn tuổi lấy hiệu là Hám Sơn lão nhơn, con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Bà mẹ nằm mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát bồng đứa đồng tử trao cho mà mang thai ngài. Đến khi sanh ra, có hai lớp bọc trắng. Năm mười chín tuổi ngài xuất gia, chuyên tâm niệm Phật. Một đêm đại sư mộng thấy đức A Di Đà hiện thân đứng giữa hư không, về phía mặt trời lặn. Tướng Phật mày mắt rõ ràng, sáng suốt trang nghiêm, từ đó thường hiển hiện trước mặt. Kế tiếp ngài đến non Ngũ Đài tu thiền ngộ được bản tâm, phát nguyện chích máu tả kinh Hoa Nghiêm, mỗi nét bút niệm Phật một câu. Lâu ngày động tịnh đều như một.
Năm Vạn Lịch thứ mười đời nhà Minh, đại sư trụ tích tại Lao Sơn. Lý Thái hậu nghe danh mến đức, xuất tiền của cho người đến cất chùa, tứ bảng hiệu là Hải Ấn Tự. Bấy giờ Thái hậu thường sai quan Trung sứ đi tu tạo chùa tháp các nơi. Trong hàng quyền quý có kẻ hiềm khích với quan Trung sứ, lập mưu xúi nhóm đạo sĩ phái Đông Xưởng đánh trống đưa đơn đầu cáo, nói ông xâm chiếm đạo viện sửa làm cảnh chùa. Việc ấy gây liên lụy đến đại sư, ngài bị truất bỏ tăng phục, đày tới Lôi Châu. Khi từ giã đại chúng ra đi, Ngài vẫn an nhiên, viết lời kệ tỏ ý chí rằng:
Cà sa cởi lớp đổi nhung trang
Tùy tiện nơi đâu cũng đạo tràng!
Dẫu gặp cảnh duyên dường lửa đỏ
Tấm lòng băng tuyết dễ chi tan?
Tùy chỗ đi đến, đại sư vẫn mang lớp tục trang thuyết pháp, lại phát nguyện hoằng dương kinh đại thừa, sớ luận các bộ như: Lăng Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác. Năm Vạn Lịch thứ bốn mươi hai, ngài được ân chiếu xá tội và cho hoàn tăng phục. Trên đường về qua Lô Sơn, đại sư thích cảnh thanh u, kết am ở dưới ngọn Ngũ Nhũ Phong, noi theo gương Viễn Công, đào hồ trồng sen, phân định thời khắc tu Tịnh độ rất tinh tấn.
Bấy giờ có vị tu thiền ở Hải Dương, trong khi cầu thọ giới pháp, nhân hỏi về yếu chỉ Tịnh độ. Đại sư bảo: “Đức Thế Tôn chỉ dạy nhiều phương tiện tu hành để ra khỏi vòng sống chết luân hồi, tiến lên Phật quả. Tựu trung duy có môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, là rất thiết yếu mau lẹ. Pháp môn nầy không ai thưa hỏi mà đức Phật tự nói, đủ thấy tầm mức quan trọng đến dường nào! Môn ấy trùm khắp ba căn, thâu cả bốn chúng, không phải quyền tiện vì bậc hạ căn mà lập ra.
Kinh nói: “Muốn thanh tịnh cõi Phật, trước thanh tịnh tâm mình!” Cho nên người tu Tịnh độ phải lấy tịnh tâm làm căn bản. Muốn tâm được thanh tịnh, điều cần nhứt là giữ giới căn cho trong sạch. Các giới tuy nhiều, nhưng yếu ước lại không ngoài ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý. Giữ mười nghiệp nầy sạch lành, là chánh nhân của Thiên cung, Tịnh độ, trái lại là nhân của nẻo khổ tam đồ. Dùng tâm giữ giới thanh tịnh như thế, khởi lòng bi cảm nhàm chán nỗi khổ nhơ ác ở Ta Bà, phát nguyện cầu sanh Cực Lạc để mau thành đạo quả độ mình độ loài hữu tình, mà lập chánh hạnh niệm Phật. Cách thức niệm Phật lại tùy tiện theo căn cảnh của mỗi người, nhưng cần phải thật tâm thật hạnh mới đem đến hiệu quả thiết thật!’’
Lại có cư sĩ Tịnh Tâm đến xin chỉ dạy, hỏi: “Tại sao có nhiều người niệm Phật không tinh tấn và khó thành một khối?” Đại sư khai thị: “Điểm quan yếu bậc nhất của sự tu hành là: tha thiết vì thoát ly nỗi khổ sống chết luân hồi. Nếu không tha thiết nghĩ đến điều nầy, thì làm sao có thể niệm Phật tinh tấn và thành một khối được? Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi niệm buông theo vọng tưởng, gốc tình ái bám sâu, ngay ở cõi người vui ít khổ nhiều, còn trong nẻo luân hồi thì sanh lên cõi nhơn thiên như đất nơi móng tay, đọa xuống ba đường ác như đất miền đại địa! cổ nhơn đã bảo: “Tam đồ một đọa ngàn muôn kiếp. Tái phục nhơn thân biết lúc nào?” Nếu trong đời nầy không thống thiết vì sự khổ sống chết luân hồi, mỗi niệm vẫn theo tình nhiễm, muốn đem lòng tin hời hợt niệm Phật để cầu thoát ly, thì khác nào mong dùng một gáo nước để cứu muôn xe lửa đỏ? Tu hành như thế chỉ e khi mất thân người khó bề lại được, một phen bê trễ tiếc hận lâu dài! Vậy phải phát lòng tinh tấn, dùng hạnh niệm Phật vượt phá muôn ngàn vọng tưởng, tùy thời tùy chỗ đều giữ cho câu Phật hiệu được hiện tiền. Quyết tâm hạ công phu khổ thiết như thế, lâu ngày sẽ được thuần thục tương ưng, và câu niệm Phật tự thành một khối. Việc nầy toàn do nơi mình suy gẫm và hết lòng gắng sức. Nếu đem câu niệm Phật làm hình thức bên ngoài, chăc chắn khó mong có ngày được vãng sanh giải thoát!”
Đại sư ở Lô Sơn được mấy năm rồi sang trụ tích tại Tào Khê. Tháng mười niên hiệu Thiên Khải thứ ba, ngài ! cảm bịnh nhẹ, bảo người rằng: “Lão Tăng duyên đời đã sắp hết!” Rồi tắm gội đốt hương, ngồi ngay thẳng mà viên tịch. Lúc ấy có ánh sáng chói hừng trời. Đại sư hưởng thọ được bảy mươi tám tuổi.
VÔ DANH TĂNG
Vô Danh Tăng người đời Thanh, thường ở huyện Hồ Quảng tại Hoàng Châu, chưa được rõ danh tánh. Sư chuyên niệm Phật ngày đêm không dứt, gặp ai cũng đều xưng A Di Đà Phật.
Niên hiệu Sùng Trinh thứ mười sáu, lúc quan Tổng binh Huỳnh Đãnh trấn thủ Hoàng Châu, sư lớn tiếng niệm Phật xông ra ngăn đường, bị quân lính bắt đem vào thành. Vừa đâu giặc Trương Hiến Trung đánh phá Hoàng Châu, nửa đêm sư ngồi trên tường thành cao tiếng niệm Phật. Quân sĩ ngủ không được, giận lắm trói liệng xuống thành. Giây phút nghe tiếng sư ngồi trên thành niệm Phật y như cũ. Như thế tất cả bốn lần, hễ liệng xuống thành đông lại lên thành tây, liệng xuống thành nam lại lên thành bắc. Quân sĩ đều kinh ngạc không dám xem thường, quan Tổng binh nghe biết liền mời đến kính lễ.
Ở vùng ấy năm đó thất mùa lớn, người ăn thịt lẫn nhau. Sư ra ngoài thành bị dân đói cầm dao rượt theo xin xả mạng. Sư cởi áo ra, bảo chúng rằng: “Xin hãy đợi tôi niệm Phật đủ một ngàn câu, rồi sẽ ăn thịt!” Nhưng khi vừa niệm được ba trăm câu, chúng gấp muốn chém, bỗng thấy thần binh từ hư không bay xuống. Dân đói đang kinh hãi chạy tứ tán, thì quân sĩ đã thấy sư ở trong thành rồi.
Thợ săn ở núi gần đó bẫy được một con hổ rất to. Sư tìm đến muốn xin chuộc mạng phóng sanh. Họ đòi ba mươi lượng vàng, sư nói mình chỉ có bốn lượng. Thợ săn bảo: “Nếu ông nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thì hãy nắm tai con hổ nầy xoay ba vòng, chúng tôi sẽ giao nó cho, không lấy tiền”. Sư thọ ký cho con hổ, rồi năm tai nó xoay ba vòng. Thợ săn phải y theo lời hứa, giao cho rồi bỏ đi. Sư tháo cũi ra, con hổ quanh quấn theo một bên, không chịu đi. Sư bèn dẫn nó vào hang động Kim Cang ở núi Hoàng Ma, cùng nhau nương ở. Tuần phủ Lư Tượng Thăng cùng quan Đốc binh đi qua Hoàng Châu, tìm đến núi thăm viếng và muốn thấy con hổ. Sư gọi, nó thò đầu ra ngoài cửa song. Hai vị muốn thấy toàn thân, hổ liền rống to một tiếng nhảy ra. Quan Tuần phủ cũng nạp lễ xin làm đệ tử, rồi từ giã ra về. Một ngày nọ sư đi khất thực giữa đường, thấy con gà, liền cao tiếng niệm Phật, gà cũng tùy tiếng mà niệm theo.
Năm Thuận Trị thứ bảy, sư sang Võ Lâm, đường đi trải qua cửa Bạch Môn, ngụ ở một gian phòng bên sông Tần Hoài. Lúc ấy nhằm tiết Đoan Dương, du thuyền qua lại tấp nập, tiếng ca nhạc vang lừng. Sư thấy trong một du thuyền có Tiền Sinh nguyên là đệ tử quy y của mình, liền lớn ting gọi: “Tiền A Di Đà Phật!” Tiền Sinh nghe thấy liền ghé thuyền lên bờ chắp tay kính chào. Sư hỏi những bạn đồng du, sau khi biết tên họ, liền cất tiếng khóc lớn nói: “Chúng sanh lấy khổ làm vui, đến như thế ư?” Tiền Sanh khẩn cầu chỉ dạy đường yếu tu hành. Sư bảo: “Chỉ nên nhứt tâm niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc!” Lại dặn: “Khi ta đi rồi, nếu người có chỗ nghi nên đến hỏi đại sư Giác Lãng. Đó là bậc người đạo nhãn sáng suốt!” về sau, không biết chung cuộc của sư như thế nào.
Giác Lãng đại sư pháp danh Đạo Thạnh, từng chủ trì đạo tràng Thiên Giới ở Kim Lăng, chùa Sùng Quang ở Hàng Châu, tông phong rất hưng vượng.
ĐẠI KÌNH
Thích Đại Kình Xung Phù họ Biên, gười ở Thiệu Hưng, huyện Gia Khái. Lúc thơ ấu, ông xuất gia tại chùa Đại Hùng ở bản ấp. Lớn lên, nghe sự truyền giáo của ngài Liên Trì, sư vượt suối non tìm đến chùa Vân Thê đảnh lễ câu pháp. Cơ duyên hợp nhau, Đại Kình nguyện trọn đời quy tâm Tịnh độ.
Tuổi về già, sư trụ tích ở Thiền đường Đại Thiện. Tánh ưa thích kinh Hoa Nghiêm, hằng ngày mỗi thời đều tụng vài quyển rồi mới niệm Phật. Sư có làm một trăm lẻ tám bài thi Hoài Tịnh Độ, nay xin trích lục bốn bài như sau:
I
Giống Phật tùy duyên vượt đất mê
Cài thêm câu niệm mãi đơ đề.
Luyện thân nhẹ được đồng tiên hạc
Cực Lạc bay ngang thẳng lối về!
II
Cười phận sơn tăng cũng thật thà
Nặng lòng lẫm cẩm tháng năm qua.
Gặp người duy nói đường tu tịnh
Chỉ bảo đành rành một sát na.
III
Răng lưỡi suối tuôn tiếng Phật hoài
Tuổi già khổ tận đến cam lai.
Đài vàng ít thấy điềm hòe cổ
Lại gắng chuyên cần oản trách ai?
IV
Tâm yên bỗng khởi niệm Di Đà
Nước lặng đều đều gợn bích ba.
Muôn niệm tan về nơi chẳng niệm
Mà trong vô niệm, niệm hằng sa!
Tháng mười một năm Thuận Trị thứ sáu, sư nhiễm bịnh, dự biết giờ lâm chung, cầm bút ghi lại dặn dò hậu sự. Đến thời, tắm gội thay y phục, ngồi hướng về Tây niệm Phật mà hóa.
KIẾN NGUYỆT
Kiến Nguỵệt luật sư, pháp hiệu Độc Thể, họ Hứa. Tổ phụ ông quê ở Cú Dung miên Giang Nam, tòng quân tại Điền Sầm, do công trạng được làm Chỉ huy sứ, mới di cư về Sở Hùng. Ông không muốn tập ấm theo quan chức của cha, bỏ nhà đến Xích Đảng Nham tại Kiếm Châu tu chân ba năm.
Một hôm ông gặp lại vị lão tăng trao tặng cho bộ kinh Hoa Nghiêm. Sau khi đọc xong, ông đại ngộ, liền xuất gia, thọ giới Cụ túc nơi Tam Muội Quang luật sư. Ngài Tam Muội Quang là vị Sơ tổ về Luật tông chùa núi Bảo Hoa. Khi sắp viên tịch, ngài truyền y bát cho Kiến Nguyệt Luật sư làm vị Tổ đời thứ hai. Luật sư từng tu môn Bát Chu Tam Muội, trong vòng chín mươi ngày đêm chuyên tâm niệm Phật, không ngồi, không nằm, không nương tựa vào vách. Hàng tăng tục bốn phương đều cảm phục nương về. Các nơi đến lễ thỉnh cầu mở đàn truyền giới, không tháng nào trống sót.
Ngày nọ luật sư cảm bịnh nhẹ, gọi đồ chúng bảo: “Chớ lo việc thuốc thang. Sau bảy ngày ta sẽ đi xa!” Đến kỳ hạn, ngồi yên lặng mà tịch, thọ bảy mươi chín tuổi. Khi trà tỳ, đại chúng thấy hoa sen và tướng Phật từ trong ngọn lửa bay lên liên tiếp. Hôm sau, bới tro kiểm được hơn một thăng xá lợi năm sắc.
MINH HOẰNG
Thích Minh Hoằng tự Mai Phương, người đời Thanh, quê ở Hàng Châu. Lúc niên thiếu cha mẹ cưới vợ cho, ông bỏ nhà chốn đi. Bà mẹ thương khóc đến mù cả đôi mắt. Sau cha mẹ nối tiếp nhau qua đời, ông mới vào am Di Đà ở Kha Kiều mà xuống tóc xuất gia.
Từ đó sư đi tha phương hỏi đạo, học tập về Thiên Thai Giáo Quán. Kế tiếp chuyên tu thiền mấy năm, có chỗ tỏ ngộ. Sau sư duyệt xem tạng kinh tại chùa Vạn Niên ở núi Thiên Thai. Lâu ngày đôi mắt đều lao tổn, lần lần bị mù. Sư nói với đồng bạn: “Đây là quả báo do tôi trái với lòng từ ái của thân mẫu xui nên!” Từ đó Minh Hoăng một lòng chuyên niệm Phật, dù trải tiết lạnh nóng cũng không biếng trễ gián đoạn. Sư từng bảo: “Tôi nhân bị mù, mới càng tỉnh ngộ và được sự lợi ích rất lớn của môn Niệm Phật!” Bình thời, sư chỉ một bát một tích trượng, không ở chỗ nào lâu, được của cúng dường liền tùy duyên bố thí cho kẻ nghèo thiếu. Tư Tề thượng nhơn quen biết sư nhiều, từng khen ngợi rằng: “Đại đức Minh Hoằng quyết định được sanh về Tịnh độ, vì ông có ba điểm chân thật. Đó là: thật giải thoát, không quyến niệm vào đâu; thật sạch sẽ, không chứa giữ tiền của vật dụng; và thật tinh tấn, niệm Phật không hề gián đoạn trễ thời”.
Tháng chín niên hiệu Ung Chánh thứ năm, Tư Tề đại sư tổ chức kỳ Niệm Phật Thất tại chùa Phạm Thiên, có mời Minh Hoằng tham dự. Trong kỳ thất sư bị bịnh kiết lỵ, nhưng vẫn trì danh không một chút biếng trễ. Mãn kỳ thất, đến Trai Tăng Quán ở Vô Tích, bịnh càng thêm nặng. Một hôm sư cho khắp hàng thiện tín biết: ngày mai mình sẽ vãng sanh. Đúng thời, đại chúng các nơi tề tự đến. Sư liền ngồi dậy chắp tay niệm Phật mà hóa.
VĂN NGÔN
Thích Văn Ngôn tự Siêu Nhiên, họ Phí, quê ở thôn Đồng, huyện Gia Hưng. Thuở bé, ông không thích mùi vị thức ăn huyết nhục, thường ưa ngồi kiết già. Lên 7 tuổi, vào am Kỳ Viên non Linh Ẩn xin xuất gia.
Sư tánh người thuần hậu chất phác, thọ giới Cụ túc nơi Vân Lâm thiền sư. Ngài Vân Lâm khuyên tham câu thoại đầu, sư thưa: “Con căn tính tối chậm, không thể tham cứu, chỉ biết niệm Phật mà thôi!” Thiền sư bảo: “Như thế cũng được, niệm Phật có thể mau thoát vòng sanh tử!” Từ đó Văn Ngôn y theo lời dạy mà thật hành. Sư giữ giới hạnh tinh nghiêm, ngày đêm sáu thời chỉ trì danh hiệu Phật, không hỏi đến việc chi khác.
Ngày mùng hai tháng sáu năm Càn Long thứ hai, sư bỗng gọi đồ chúng đến bảo: “Ta sắp vãng sanh, phiền các ông niệm Phật để hộ tống”. Liền nói kệ rằng:
Bảy mươi bảy tuổi mãn duyên trẩn
Tin tức quê xưa được thật chân.
Dứt cả hai đầu duyên đối đãi
Liên Hoa thế giới gởi tinh thần!
Thuyết kệ xong, lại bảo: “Thế nào là tin tức chân thật?” Rồi mỉm cười, chắp tay niệm Phật mà hóa.
ĐẠO TRIỆT
Thích Đạo Triệt, người ở Tiền Đường, xuất gia nơi chùa An Ẩn tại đỉnh Bán Sơn. Ban sơ, sư phỏng đạo với các bậc thiền lão ở chùa Cao Mân và Sùng Phước. Sau thời gian tham cứu, Đạo Triệt phát ngộ được tánh bản lai. Kế đó lại chuyển hướng chuyên tu về Tịnh độ.
Thời gian sau, sư đến ở am Văn Thù gần cầu Đã Phạn ngoài cửa bắc thành Hàng Châu bốn mươi dặm. Nơi đây, Đạo Triệt đóng cửa định kỳ hạn nhập thất. Trong thất không để vật chi bề bộn, ngoài bàn Phật chỉ có một ghế, một giường nằm mà thôi. Kiết thất được vài hôm, bỗng vướng bịnh càng lúc càng khốn đốn. Sư phấn chấn tự bảo: “Tu hành chính vì giải thoát sự khổ sống chết luân hồi, tại sao lại nhân chút bịnh mà ngưng bỏ?” Rồi quyết liều mình buông xả thân tâm, niệm Phật rất chí thiết. Mấy ngày sau bỗng có kim quang chiếu sáng cả thất. Trong quang minh đức A Di Đà hiện thân, đưa tay vàng xoa đầu, cơn bịnh liền tiêu tan, thân thể thêm khỏe mạnh. Từ đó sư được Niệm Phật tam muội, đi đứng nằm ngồi đều không khởi vọng niệm. Sau ba năm như thế, vào ngày rằm tháng ba, sư ra thất. Đại chúng thình lên tòa thuyết pháp. Khai thị xong, sư bảo chúng rằng: “Sau ngày rằm tháng bảy tới, tôi sẽ về Tây phương. Vào thời gian đó, xin đại chúng đến niệm Phật để trợ duyên!”
Thời kỳ hạn chúng tề tựu về, thấy Đạo Triệt đang thiết lễ Vu Lan Bồn. Trong chúng có vài vị thay mặt đến nhắc lại lời nói khi trước. Sư bảo: “Việc ấy quả có, nhưng xin hãy đồng dự hội Vu Lan, nán đợi vài hôm nữa”. Rạng ngày, Đạo Triệt cho mời vị Tăng quen ở chùa Sùng Phước đến, xin thay làm Trụ trì am Văn Thù. Ngày kế, thiết tiệc chay từ giã đại chúng. Đến giờ ngọ, vào bảo khám ngồi nhắm mắt mà thoát hóa. Giây phút bỗng tỉnh lại, gọi chúng bảo rằng: “Nay tôi cùng chư vị vĩnh biệt, chẳng thể không có một đôi lời để niệm tình: Nỗi khổ ở Ta Bà vô cùng không thể nói hết, sự vui miền Cực Lạc cũng vô ngần không thể diễn tả! Nếu các vị ghi khắc điều nầy, xin hãy gắng niệm A Di Đà Phật, tất ngày kia sẽ có cơ duyên gặp nhau. Như lầm lạc để lỡ qua kiếp nầy, thì phải sống trong đêm dài luân hồi sáu nẻo, thống khổ không cùng không tận! Hãy nhớ lấy! Nhớ lấy!” Nói xong liền viên tịch, hưởng dương bốn mươi tám tuổi.
Lúc bấy giờ nhằm đời Thanh, niên hiệu Càn Long thứ mười chín.
THÀNH CHÚ
Thành Chú pháp sư tự Kiểu Triệt, họ Quách, quê ở Đồng Sơn tại Từ Châu. Ngài xiiât gia từ lúc ấu niên, đến hai mươi tuổi thọ giới Cụ túc nơi chùa núi Bảo Hoa. Sau khi đắc giới, pháp sư đi phỏng đạo các phương cao đức. Kế đó nối dõi pháp tự cho Thạch Hấu thiền sư ở chùa Thiên Đồng. Không bao lâu lại phát tâm chuyên tu Tịnh độ.
Niên hiệu Càn Long thứ mười hai, ngài trụ trì chùa Sư Lâm ở Tô Châu. Vua đi tuần du phương Nam có ghé lại chùa, sau khi đàm đạo, sắc phong cho ngài hiệu là Họa Thiền. Mỗi ngày đêm pháp sư xuất lãnh đại chúng niệm Phật bốn thời. Thường khi nến tắt hương tàn chúng đều lui đi, riêng ngài vẫn còn ngồi niệm Phật không dứt tiếng. Lắm lúc pháp sư lại ứng lời cầu thỉnh đi ngồi đàn Du già thí thực khắp nơi. Khi được của cúng dường, đều giao tất cả cho sư Giám viện lo việc tu tạo ngôi chùa. Chẳng bao lâu cảnh tự viện trong ngoài đều trở nên nguy nga trang hoàng rực rỡ, khôi phục lại phong thái hưng thạnh khi xưa.
Pháp sư không từng đặt lưng nằm nghỉ, mỗi nửa đêm đều tu Đại Bi sám pháp. Một hôm ngài đang kinh hành niệm Phật, chiếc mõ cầm tay chợt rơi xuống đất, bỗng rỗng rang đại ngộ. Từ đó mỗi khi ứng khẩu nói ra đều thành lời kệ tụng, như đã có học tập từ lâu. Pháp sư từng khai thị rằng:
“Đạp chắc nẻo vô sanh.
Bốn bề mặt trở quanh.
Lộ ra trước mọi người.
Tỏ rõ chẳng bày phơi.
Bản lai chân diện mục.
Muôn việc đều Cụ túc.
Mắt chạm đến các chỗ.
Nơi nơi siêu Phật, Tổ.
Lại có niệm Phật gần.
Phương Tây cảnh đẹp chân.
Chỗ thai sen bảo dưỡng.
Không cách điểm vi trần.
Nếu thấu ý chỉ nầy.
Nhọc chi tìm bên ngoài.
Nghiệp thức tiêu tan hết.
Vãng sanh tức tâm đây.
Hoa khai được thấy Phật.
Muôn tượng vẽ xuân bày!”
Khi cư sĩ đến hỏi pháp, ngài đều bảo: “Cõi Ta Bà nhơ khổ, ông nên niệm Phật theo bần tăng về Tây phương chăng?”
Tháng tư niên hiệu Càn Long thứ 34, pháp sư bị bịnh hạ lỵ nằm luôn mấy ngày. Một hôm ngài gọi thị giả đến bảo: “Hãy đỡ ta ngồi dậy!” Lại sai đem nước vỏ quít cho mình uống. Xong ngồi ngay thẳng niệm Phật một lúc mà vãng sanh, hưởng thọ được bảy mươi ba tuổi.
PHÁP CHÂN
Pháp Chân thiền sư tự Lăng Như, người ở Cao An tại Thoại Châu. Ngài đắc độ nơi Nguyên Văn hòa thượng ở Quán Khê, lúc còn trẻ tuổi. Sau khi thọ đại giới, thiền sư du phương đến miền Lãnh Nam và trụ tích tại chùa Đơn Hà rất lâu.
Bình thời Pháp Chân tuy tham cứu thoại đầu, song vẫn mật tu Tịnh độ. Ngay nọ ngẫu nhiên cùng một thiền giả luận đến công án chữ Vô, bỗng khởi mối nghi trong thời gian lâu, rồi rỗng rang tỉnh ngộ. Thiền sư liền đến chùa Hải Tràng lễ bạch với Chánh Mục lão nhơn, cơ ngữ hợp nhau, được sự ấn chứng. Năm Càn Long thứ hai mươi, ngài nhận lời chúng cầu thỉnh, làm tọa chủ chùa Hải Tràng, vừa đề xướng Thiền tông kiêm hoàng dương Tịnh độ. Lúc lớn tuổi, thiền sư từ tạ mọi việc, đóng cửa nhập thất bên phía đông chùa, chuyên tâm niệm Phật. Dù gặp tiết lạnh nóng, ngài vẫn tu hành không trễ thời, tinh tấn như thế trải qua tám năm. Sau khi ra thất, đại chúng họp lại cầu xin khai thị. Thiền sư chỉ nói kệ rằng:
Tiếng Phật tràng châu chuyển tháng ngày
Vượt bùn sen mọc tốt tươi cây.
Chuỗi tràng buông xuống hoa sen nở
Cổ Phật nguyên lai chẳng ở Tây.
Vào đầu tháng chín năm Càn Long thứ 38, thiền sư cảm bịnh nhẹ, gọi đệ tử đến dặn dò hậu sự. Đến giờ ngọ hôm sau, tập họp chúng niệm danh hiệu Phật. Khi cây hương cháy vừa hơn hai tấc, ngài ngồi yên lặng mà vãng sanh.
HẰNG NHỨT
Thích Hằng Nhứt tự Thánh Học, họ Trầm, quê ở Vũ Tấn tại Thường Châu. Sư xuất gia ở am Mâu Bồng nơi đinh Khung Lung. Ban sơ Hằng Nhứt phỏng đạo với các bậc thiền lão chùa Cao Mân tại Dương Châu. Kế đó lại nghiên tập Thiên Thai tông, thông suốt được tất cả giáo nghĩa.
Sư từng tịnh tu ở Văn Tinh Các tại Tô Châu. Sau mang bịnh lạc huyết, đến tĩnh dưỡng nơi viện Hiển Nghĩa tại Bán Sơn thuộc Hàng Châu. Bịnh không thuyên giảm, sư dự biết giờ lâm chung, mở tiệc chay từ biệt các liên hữu, rồi niệm Phật mà qua đời. Lúc còn sanh tiền, Hằng Nhứt từng thuật với các đồng bạn rằng:
Có vị Tăng ở am nọ buông lung không giữ giới. Một sư bạn đồng giới khuyên nhắc mãi, song ông cũng không nghe. Sau ông bịnh nặng, cho mời bạn đến sám hối nói: “Bởi tôi không nghe lời khuyên ngăn nên mới đến nỗi nầy! Bây giờ biết làm sao?” Tăng hữu bảo: “Đức A Di Đà ở phương Tây có sức bản thệ. Nếu chúng sanh nào tạo nghiệp, xưng danh hiệu Ngài mười niệm, tất sẽ được tiếp dẫn. Vậy thầy có thể tin chăng?” Bịnh nhơn đáp: “Tin, nhưng ý chí năng lực suy bại, biết làm sao?” Tăng hữu nói: “Không ngại chi, tôi tự có phương tiện!” Rồi trần thiết tượng Phật nơi đầu giường phía Tây, bảo bạn chăm chú nhìn chớ di động. Còn mình thì đốt hương cao tiếng niệm Phật, cầm tay bịnh nhơn dặn lắng nghe theo. Như thế trải qua ba ngày đêm. Bỗng người bịnh ngồi dậy tạ ơn bảo bạn rằng: “Mong ân đức Phật tiếp dẫn, tôi được sanh về Trung phẩm!” Nói xong chắp tay giã biệt, rồi nhắm mắt mà vãng sanh.
PHẬT AN
Thích Phật An, tự Thệ Nguyện, người đời Thanh ở Tô Châu. Năm ông hơn ba mươi tuổi, nhà gần bên nhân đám cúng giết heo, khi mô bụng ra, trên lá phổi con vật có hai chữ Tào Tháo. Thấy thế, ông kinh hãi tỉnh ngộ, tin sâu thuyết nhân quả luân hồi, phát tâm vào am Thiên Trúc ở Tân Kiều, xuống tóc làm tăng.
Sau thời gian xuất gia không bao lâu, Phật An đến chùa Đại Vương ở Bắc Hào, chuyên tâm niệm Phật. Khi được tiền cúng dường, sư liền mua hương hoa dâng Phật, hoặc phóng sanh các loài chim cá. Năm Càn Long thứ 41, vào tháng ba, Phật An vương bịnh, sai đệ tử đến chùa Sư Lâm thỉnh chư Tăng lễ Tịnh độ. Sám ba ngày và lập một đàn Du già thí thực. Công việc hoàn mãn, sư thiết tiệc chay mời các tân khách đến giã biệt. Ngọ trai xong, sư cao tiếng niệm Phật, đệ tử hòa theo. Khi cây hương vừa tàn, Phật An nói: “Tôi đi đây!” Liền ngồi ngay thẳng mà hóa. Bình sanh lúc ngẫu nhiên làm thi, sư đều có ý khuyên người niệm Phật. Có hai bài khi sắp viên tịch như sau:
I
Tây phương mầu đẹp bảo liên đài
Trong tịnh sáng tươi một đóa khai
Xanh đỏ trắng vàng phô sắc diệu
Tâm tâm chỉ nguyện thấy Như Lai.
II
Khảy ngón kim kiều bước đến mau
Ai rằng Cực Lạc cảch xa nào?
Di Đà cười mỉm tay vàng đón
Khen ở Ta Bà giới hạnh cao!
TÁNH TU
thích Tánh Tu chưa tuờng được nguyên quán. Trong năm Thuận Trị nhà Thanh, sư trụ ở am Viên Chiếu phủ Thường Đức. Bình sanh cơm rau áo vải, mỗi ngày niệm Di Đà một muôn câu, dù thời tiết lạnh nóng cũng không trễ bỏ.
Những năm mất mùa, Tánh Tu đem tiền gạo vải lụa trong am bố thí tất cả cho người đói lạnh cô khổ. Đồ chúng thi nhau hờn trách, sư chi ứa nước mắt niệm Phật mà thôi. Năm bảy mươi tuổi, sư dự biết ngày giờ lâm chung trước một tháng. Đến kỳ hạn, giã từ đồ chúng, mỉm cười mà vãng sanh. Lúc ấy nhạc trờỉ đón rước giữa hư không, tiếng thanh tao dìu dặt nghe khắp xa gần. Trong tịnh thất mùi hương lạ bay ngào ngạt, hơn một tháng vẫn chưa tan.
LỜI BÌNH:
Bố thí không sẻn tiếc, là nghiệp tham đã hết. Ứa lệ niệm Phật là nghiệp sân đã hết. Tự sống kiệm ước là nghiệp si đã hết. Ba nghiệp hết thì vãng sanh phẩm vị rất cao. Nhạc trời, hương lạ, há không phải là cái nhân phạm hạnh thơm tho, tiếng lòng thanh thoát đó ư?
HÀNH TU
Thích Hành Tu họ Trần, con nhà nông ở thôn Sa tại Thái Châu. Ông nhà nghèo, dốt nát không biết một chữ, hoàn cảnh cùng quẫn khó bề sanh sống. Một hôm ông đến mé song nhảy xuống tự trầm, được một người áo trắng vớt đem lên, khéo lời khuyên bảo, nên có chỗ tỉnh ngộ. Năm ba mươi mốt tuổi, ông vào chùa xuống tóc làm tăng.
Sau khi xuất gia, Hành Tu khổ hạnh mấy năm, tiết đông và hạ chỉ một manh áo. Sư từng hành cước đến non Phổ Đà triều lễ, giữa chừng lạc đường, gặp một lão nhơn dẫn về nhà đãi đằng và mời ngơi nghỉ. Sáng ra nhìn quanh, thấy nơi đó chỉ là một gò đất hoang vu mà thôi. Khi trở về, sư đóng cái khám bằng gỗ đem vào vùng mả hoang ở ngoài cửa thành nam hôm sớm ngồi tham thiền. Nhiều lúc sư tịnh tu đến năm bảy ngày không ăn. Một đêm vào canh ba, bỗng nghe có người gõ vào khám nói: “Nếu có thể thọ pháp, phải cách khám thấy nơi sông có chiếc thuyền to, đèn đuốc sáng rỡ, nhạc thổi rền vang đi ngang qua dưới cầu!” Nghe lời ấy, Hành Tu bỗng đại ngộ.
Sau sư dời về chùa Giác Ấn, chuyên tu Tịnh độ sáu năm. Mùa xuân niên hiệu Khang Hy thứ tư, Hành Tu bảo người rằng: “Ngày mùng hai tháng sáu sang năm, tôi sẽ về Tây phương!” Đầu mùa hạ năm sau, ai nấy đều tới dò la thăm hỏi. Quan Tri Châu e sư mê hoặc quần chúng, sai binh sĩ canh giữ và bảo: “Nếu đến kỳ hạn mà không ứng nghiệm, thì sẽ bắt tội khép vào luật pháp!” Mùng một tháng sáu, Hành Tu vẫn an nhiên như thường. Nhiều người vì lo lắng sợ hãi. Rạng ngày mùng hai, sáng sớm sư thức dậy viết kệ lưu lại rằng:
Ánh huệ sáng soi khắp đại thiên
Ngày cần lễ niệm, tối tham thiền.
Ngang mày treo sẵn Xuy mao kiếm
Địa ngục, Thiên đường mặc xuống lên!
Viết xong, vào ngồi trong khám gỗ, bảo người khiêng đến một cây cầu. Sư nhìn xung quanh đoạn bảo: “Không được! Chỗ nầy con người đều hình dáng súc sanh!” Rồi dạy khiêng tới cầu Đông Bá. Quần chúng và binh sĩ lũ lượt theo sau. Đến nơi sư bảo hướng mặt khám về phương nam, tay gõ mõ, miệng niệm Phật. Giây lát một làn khói nhẹ từ chót mũi sư bốc lên, phút chốc biến thành khối lửa đỏ bao trùm. Trong lửa tiếng mõ câu Phật vẫn rành rẽ vang tới mây. Bỗng nghe nổ bựt một tiếng, nóc khám văng ra xa ngoài trăm bộ rớt xuống đất. Khi lửa tàn, còn sót lại một vật hình như hoa sen màu trắng, cứng rắn đập không vỡ.
LỜI BÌNH:
Tự phát lửa đốt thân, không phải hạng tầm thường trang sức bề ngoài có thể làm được. Kẻ chưa đăc đạo, dè dặt chớ mong sanh vọng tưởng ấy, để khỏi bị ma dựa phát cuồng mà đọa vào ác đạo.
THẬT VỊNH
Thât Vịnh đại sư tự Trân Huy, họ Trần, người huyện Hoát Khâu, phủ Phụng Dương. Khi ngài mới sanh ra, mùi hương lạ bay đầy nhà, ánh tường quang chiếu sáng cả xóm. Từ thuở bé trong thân đã có tướng lạ, da không bao giờ chịu dính bụi. Tánh ngài hay xót thương tha thứ, ưa nghe chư Tăng tụng kinh. Vào trường học hành văn tự một phen qua mắt liền nhớ làu thông suốt. Thầy dạy rất quí mến, bảo cha mẹ ngài rằng: “Đứa bé nầy không phải là hạng người trong dòng trần tục, mà chính là bậc pháp khí của Phật môn. Chớ nên để lạc lầm, e rất uổng!” Cha mẹ nghe nói đều chấp thuận, cho ngài xuống tóc xuất gia với Tâm Khai hòa thượng ở am Đại Bi trong ấp.
Sau khi thọ giới Cụ túc, đại sư nghiên cứu những bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, Niết Bàn thảy đều thông thuộc như đã có học tập từ trước. Sau ngài dời về ở viện Long Đàm, một lòng chuyên tu Tịnh độ, luôn luôn tinh tấn trải ba mươi năm như một ngày. Mùa xuân niên hiệu Khang Hy thứ 61 đời nhà Thanh, đại sư cảm bịnh nhẹ, tự biết trần duyên sắp mãn, dặn dò mọi việc trong viện xong, chỉ chú tâm về Tịnh độ. Đến sáng sớm ngày mùng bốn tháng ba, đại sư dạy nấu nước nóng cho mình tắm gội, họp chúng đồng xưng Phật hiệu vài trăm câu rồi lặng lẽ mà hóa.
Lúc làm lễ trà tỳ, ánh lửa xông lên thành ráng mây năm sắc lan ra che trùm bốn bên núi. Đại sư hưởng dương bôn mươi tám xuân thu, tăng lạp được ba mươi mốt.