TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

LƯƠNG TÂM

Trong suốt cuộc đời chúng ta phải đối diện với nhiều sự lựa chọn, có lúc chúng ta sẽ trung thành với những lựa chọn đúng với lương tâm mình, có lúc lương tâm và tham muốn phải đấu tranh, giằng co nhau. Trạng thái tâm lí do dự với những lựa chọn mang tính quyết định đó người ta thường gọi là “cuộc giao tranh giữa trời và người” đây quả thực là vấn đề nan giải của không ít người trong xã hội.

Nói một cách đơn giản; chúng ta xem những việc đúng với công lí, đúng với lương tâm là “thiên lí”, những gì đúng với chân tâm của mình là lương tâm. Lương tâm là sự quay về với chính mình, là sự phản tỉnh bản thân: “đối đãi với người khác có đúng với lương tâm mình?

Làm việc có lỗi với người khác không? Lương tâm không phải là điều gì đó bên ngoài, không phải là sự khoe khoang lòe người khác; khi bạn nói với người khác rằng mình “rất có lương tâm” thế nhưng với người khác, rất có thể họ sẽ không cho như vậy.

Nhiều người cho rằng bản thân mình không có vấn đề gì cho nên rất nhiều người thiếu lương tâm, hoặc căn bản không biết lương tâm là gì, họ luôn miệng cho rằng mình có lương tâm. Ngược lại những người tự cho rằng mình không có lương tâm rất có thể đó lại là lương tâm vì ít nhất người đó đã tự quan sát và nhận xét về sự tồn tại của lương tâm mình, thấy mình làm không tốt nên cảm thấy có lỗi với người khác. Đối với người như thế vẫn có thể thông cảm. E rằng những người thường nói “tôi sống với lương tâm” kia chỉ là nói lương tâm bằng mồm, họ thường cảm thấy bản thân là người tốt, làm sao có lỗi với người khác được?

Thực ra người tốt thế nào đi nữa vẫn có lúc mắc lỗi với người khác. Chúng ta thường làm những việc có lỗi với người khác, có thể chúng ta sẽ quên đi rất nhanh, có lúc không hay biết không phát hiện được; vì không hay biết nên vẫn cứ một mực cho rằng mình là người có lương tâm.

Những người tự nhận mình thiếu lương tâm chưa hẳn đã là người xấu. Nếu rõ ràng biết mình không có lương tâm lại cứ một mực không muốn sửa đổi, lúc nào cũng chỉ biết tự nhận “mình thiếu lương tâm” để làm rào chắn cho mình thì người đó cũng có vấn đề. Tuy chúng ta thường tự kiểm điểm việc làm của mình có đúng lương tâm không nhưng cũng không nên cứ nói với mọi người rằng “mình thiếu lương tâm”. Vì khi câu nói đó đã thành thói quen chúng ta rất dễ bị bệnh “nói suông” cho được việc chứ không còn cẩn thận kiểm điểm bản thân, khi đó rất có thể bạn sẽ làm tổn thương người khác.

Lương tâm là thước đo, là hậu thuẫn vững chắc giúp chúng ta đối nhân xử thế tốt, nhưng khi đứng trước những lựa chọn trái ngược nhau, nhất là khi đứng trước tiền bạc, sự cám dỗ tình yêu nam nữ, đứng trước quyền lợi, danh dự… thì chúng ta thường phải đấu tranh tâm lí, đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa lương tâm và lòng tham muốn tầm thường của con người.

Khi trong tâm mình có sự xung đột đó, phần lớn con người mờ ám lương tâm, chạy theo tham muốn và tự bào chữa rằng, sự lựa chọn của mình là có lí vì phần lớn ai cũng sẽ lựa chọn như thế khi họ rơi vào cục diện đó. Khi đó họ sẽ bào chữa cho mình bằng những lí lẽ hùng hồn rằng “vì tôi cần nó đương nhiên tôi phải cật lực tranh thủ giành lấy, việc người khác không có được là vấn đề của riêng họ chứ không liên can gì đến tôi.

Cũng có người sẽ nói “Bây giờ là thời đại của những người thức thời, biết thích ứng với môi trường sống. Bản thân sự sống là cuộc đấu tranh giành giật, nếu chúng ta không biết tranh thủ, không biết vun vén cho mình, không biết cạnh tranh thì chẳng bao giờ vận may đến với chúng ta cả”. Đây là cách lập luận thoạt nghe tưởng có lí nhưng nghĩ kĩ lại thì hoàn toàn sai lầm. Để giành lấy một cái gì đó không nhất định phải giải quyết tranh chấp bằng xung đột mâu thuẫn. Cạnh tranh và lương tâm cũng không nhất định phải xung đột nhau, chỉ cần có tình có lí sẽ không mang lại bất lợi cho bản thân, cho người khác và cho môi trường xã hội. Những gì mình tranh thủ giành lấy bằng trí, bằng lương tâm đạo đức và công khai thì mình cứ tranh thủ, nếu không được cũng không nên phiền muộn vì theo Phật giáo thì nhân duyên của bạn chỉ đến đó, có phiền muộn cũng chẳng giúp ích gì.

Có người chỉ biết tìm cho mình những lí do này nọ để bào chữa cho sự ích kỷ của mình, họ nói “sở dĩ tôi làm thế là để tốt cho nó, tác thành cho nó, giúp nó khôn lên…” Nói thế khác nào con sói trong chuyện cổ tích. Khi sói nhìn thấy con cừu non, nó nói với giọng đường mật kiểu mèo thương chuột rằng “vì tao thấy mày hiền từ mềm yếu dễ bị bắt nạt nên tao cho mày vào bụng, từ nay sẽ không còn kẻ nào bắt nạt mày nữa, tao sẽ mãi mãi bảo vệ cho mày.”

Con người ích kỷ thường viện cớ chính đáng đường hoàng để bảo vệ cho cái ích kỷ của mình, đấy là việc làm lừa người dối mình. Trong thực tế cuộc sống, không ít người đã tự bịa ra một đống lí do này nọ để che tai bịt mắt người khác, thoạt nghe cũng có lí nhưng hoàn toàn thiếu căn cứ. Những người như thế chính là người dùng lời nói “lương tâm” làm bia đỡ cho cái bất lương của mình.

Một người có lương tâm thực sự hay không chỉ có thể nhận biết đánh giá khi họ đối diện, đấu tranh với sự lựa chọn giữa lương tâm và lợi ích cá nhân họ. Khi lương tâm thắng họ sẽ chọn lợi ích tập thể, xem nhẹ lợi ích cá nhân và ngược lại. Chúng ta là con người chứ không phải là động vật nên khi xảy ra mâu thuẫn xung đột giữa lương tâm và tư lợi cần phải biết duy trì ủng hộ lương tâm và nguyên tắc xử sự giữa người với người, biết xả bỏ tham muốn riêng tư để gìn giữ lương tâm.