TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

KHÔNG CÒN CHẤP TRƯỚC THẤT TÌNH LỤC DỤC1

Là con người ai cũng có thất tình lục dục, bản thân thất tình lục dục không phải là điều xấu, thậm chí có lúc nó còn đóng vai trò là nguồn động lực cho cuộc sống chúng ta, tuy nhiên sự cố chấp, bám víu vào thất tình lục dục lại là nguyên nhân chính mang lại đau khổ, phiền não cho cuộc đời chúng ta. Muốn tránh đau khổ do thất tình lục dục mang lại, chúng ta cần biết cách xả bỏ, không chấp trước, bám víu.

Có hai phương pháp giúp chúng ta xả bỏ sự chấp trước, một là “cách li tuyệt đối”, dứt khoát từ bỏ thất tình lục dục, dùng biện pháp “tuyệt duyên” (tức là chấm dứt tuyệt đối những điều kiện nảy sinh thất tình lục dục). Ví dụ sống ẩn cư trong rừng sâu núi thẳm, một mình tu tập hoặc xuất gia vào chùa tu tập. Tuy nhiên dùng biện pháp mạnh “tuyệt duyên” này là công đoạn khổ hạnh, lấy việc mắt không thấy sự hấp dẫn quyến rũ là tịnh (giữ nhãn căn thanh tịnh bằng cách không để nhìn thấy những sự hấp dẫn); tai không nghe tiếng là tịnh… cho rằng làm thế là nhát dao cắt đứt nhiễm trước, cám dỗ. Tuy nhiên làm như thế vẫn chưa hẳn đã dứt bỏ thực sự thất tình lục dục. Vì tuy đã tránh được môi trường hoàn cảnh đầy dẫy cám dỗ bên ngoài nhưng trong tâm hành giả sự cám dỗ đó vẫn ấp ủ, nhen nhóm, vẫn có thể phát triển, trỗi dậy khi điều kiện bên ngoài cho phép. Khi chúng ta tự tạo xung đột, tự gây mâu thuẫn cho tâm lí như thế thì có nói là đoạn thất tình lục dục vẫn chưa thể thực hiện, vẫn chưa thể thoát khỏi lưới dục vọng. Nhưng đây cũng là một biện pháp để trừ bỏ thất tình lục dục trong Phật giáo. Biện pháp còn lại là dùng trí tuệ quán chiếu trong chính niệm để tăng cường sức miễn dịch với cám dỗ, dụ hoặc bên ngoài. Khi trong lòng mình dấy lên thất tình lục dục, chúng ta cần phải đối diện, nhìn thẳng vào chúng với một tâm thế trầm tĩnh và điều chỉnh bản thân bằng cách quán chiếu đối trị theo từng đối tượng cụ thể. Điều chỉnh tâm lí bằng cách quán niệm tuy nói dễ nhưng rất khó thực hiện. Nó thực sự là điều rất khó đối với phần đông mọi người. Ví dụ bạn đối diện với các dụ hoặc, cám dỗ như sắc đẹp, danh lợi, địa vị, quyền thế rất khó ngăn lòng, chế ngự. Nhất là những cám dỗ đó có người chủ động mang lại cho bạn. Nếu bạn mất chính niệm, trôi theo cám dỗ, đến lúc nào đó bạn phát hiện mình đang chạy theo cám dỗ mới dừng lại thì rất khó!

Dùng chính niệm điều chỉnh thân tâm tức là hướng tâm mình nhìn vào bên trong chính mình, không nên hướng ngoại, vì khi tâm bạn hướng ngoại rất dễ bị ngoại vật làm lung lay, nao núng. Ví dụ khi bạn nhìn thấy sơn hào hải vị, nếu biết hướng tâm vào trong, tập trung sức chú tâm vào bản thân để theo dõi phản ứng của lòng mình, bạn thử quan sát và tự hỏi, chút thức ăn ngon kia có thể giúp mình đủ năng lượng để đi bao nhiêu bước, khi bạn biết đặt câu hỏi và trở về theo dõi tâm như thế, chắc chắn bạn sẽ ngăn được sự cám dỗ của thức ăn.

Điều tâm, luyện tâm cần hành giả tập trung cao độ và thực hành suốt trong thời gian dài. Như thế khi gặp cảnh bất trắc và những sức cám dỗ mãnh liệt, có tính kích thích mạnh khác hành giả mới có thể lập tức điều tâm, tránh bị ngoại vật chi phối.

Thực ra chúng ta có thể áp dụng cả hai biện pháp “cách tuyệt” và “quán niệm điều chỉnh” trong quá trình tu tập. Cách tuyệt ví dụ như người chưa nghiện không cho tiếp xúc với các thứ gây nghiện như bia rượu, thuốc lá, thuốc phiện… Bước đầu tiên bạn tránh xa nó, không để các giác quan mình có cơ hội tiếp xúc với chúng. Đây là bước dễ làm. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ cần vướng vào rất ít đã gây nghiện. Vì thế bất kì ở đâu và lúc nào chúng ta cũng cần chính niệm, lúc nào cũng cần các biện pháp cách li để tránh tiếp xúc.

Ngoài ra, chính thói quen chúng ta cũng là một thứ cám dỗ. Ví dụ có người có thói quen cắp vặt, những người bị thói quen này thường ăn cắp những đồ vật mà mình thấy có thể đánh cắp để thỏa mãn thói quen chứ không nhất định xuất phát từ nhu cầu cần sử dụng, thậm chí là mình đã có thừa những thứ đó. Một người ăn cắp vặt đã thành thói quen, hễ thấy đồ vật có thể đánh cắp được đều là một cám dỗ khó bỏ qua, dường như người đó cảm thấy nếu không lấy vật kia thấy có lỗi với mình, thấy mình buồn bực không yên, đó là một thói quen xấu thậm chí còn là một căn bệnh khó chữa. Khi bạn mắc phải thói quen đó, muốn chữa, trước hết bạn nên tìm một thói quen tốt khác để thay thế. Ví dụ, khi bạn muốn đánh cắp vật đó, bạn nghĩ ngay rằng mình phải đi xa chỗ có vật đó đồng thời bạn nghĩ đấy không phải là thứ mình thích, không phải thứ mình cần, không nên lấy nó làm gì. Bất luận dùng biện pháp nào để tránh sức cám dỗ thất tình lục dục bạn cũng phải tập trung cao độ.

Khi đối diện với các thứ cám dỗ, điều đầu tiên bạn có thể làm là tránh xa nó, sau đó bạn dùng chính niệm quan sát tâm mình để làm chủ mình, chuyển biến tâm lí xấu thành tốt. Bạn cứ tập dần như thế, bản thân nó là một việc tu hành, tập đến một mức nào đó, lòng tham muốn đối với các cám dỗ đó sẽ giảm nhẹ dần, nhạt dần, và bạn phải tập cho đến khi trừ bỏ hết thất tình lục dục trong tâm.