Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Từ Đạo Vương

CHÁNH VĂN:

(20) Từ Đạo Vương hỏi: Pháp vô niệm là của phàm phu tu hay là bậc Thánh nhân tu? Nếu là bậc Thánh nhân tu, vì sao khuyên phàm phu tu pháp vô niệm?

Đáp: Vô niệm đó là pháp Thánh nhân. Phàm phu nếu tu vô niệm, tức chẳng phải phàm phu.

GIẢNG:

Hỏi pháp vô niệm này là phàm phu tu hay Thánh nhân tu? Nếu là bậc Thánh nhân tu, vì sao khuyên phàm phu tu pháp vô niệm?

Ngài đáp pháp vô niệm là của Thánh nhân. Người phàm phu tu được pháp vô niệm thì không gọi là phàm phu. Như vậy phàm với Thánh cách nhau bao xa? Chỉ dấy niệm lăng xăng là phàm, lặng lẽ thanh tịnh là Thánh, chớ có gì đâu. Phàm Thánh không cách nhau bao xa hết. Nếu không nắm vững chỗ này, chúng ta dễ sanh ra nghi ngờ.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Vô là vô pháp gì? Niệm đó là niệm pháp gì?

Đáp: Vô là không có hai pháp, niệm là chỉ niệm chân như.

GIẢNG:

Vô là không có hai pháp. Bởi tâm ta dấy nghĩ hơn thua, phải quấy, tốt xấu… đó là hai pháp, là động niệm. Nếu không dấy niệm tức không có hai bên. Còn niệm là niệm cái gì? Chỉ một niệm chân như, yên tĩnh, như thật, không có gì khác hết hơn.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Niệm đó cùng với Chân như có gì sai khác?

Đáp: Cũng không có sai khác.

Hỏi: Đã không có sai khác, vì sao nói niệm chân như?

Đáp: Chỗ nói niệm là dụng Chân như, Chân như là thể của niệm. Do nghĩa đó nên lập vô niệm làm tông. Như người được vô niệm, tuy có kiến văn, giác tri nhưng thường lặng lẽ.

GIẢNG:

Niệm chân như cùng với Chân như có gì sai khác? Đáp cũng không có sai khác.

Ở đây Ngài giải thật tường tận về ý nghĩa vô niệm và niệm chân như. Tại sao niệm chân như? Vì Chân như là thể, mà niệm là dụng. Cho nên Chân như là thể của niệm. Do nghĩa đó nên lập vô niệm làm tông. Lục Tổ nói: “vô niệm vi tông, vô tướng vi thể, vô trụ vi bản”, đó là chủ trương của Ngài. Ở đây nói vô niệm là thể, bởi thể đó là như như nên nghĩ nhớ hay chăm chú đến chỗ như như đó gọi là niệm. Vì vậy mà người tu Thiền lấy chỗ vô niệm làm tông yếu.

Như người được vô niệm, tuy có kiến văn, giác tri nhưng thường lặng lẽ.

Khi được vô niệm rồi, cũng có thấy nghe hiểu biết nhưng thấy nghe hiểu biết trong cái lặng lẽ. Ví dụ chúng ta bước ra khỏi giảng đường, nhìn thấy khách đi, gió thổi, cây lay động, nghe tiếng chuông chùa v.v… Thấy nghe rõ ràng mà vẫn không dấy nghĩ gì hết, không có niệm nào khởi lên, đó là đi trong vô niệm. Vô niệm mà vẫn thấy đường đi, chớ không phải vô niệm rồi lủi qua bên này, lủi qua bên kia. Nhiều người không hiểu cho rằng không có suy nghĩ chắc không biết gì. Thật tình không nghĩ mà vẫn nghe, vẫn thấy, vẫn linh động sáng suốt.

Ngài nói được vô niệm tuy có kiến văn giác tri nhưng thường lặng lẽ. Vô niệm là không còn hai bên, không còn hai bên tức không còn quyết đoán phải quấy nữa. Nhiều người nghĩ nếu không còn quyết đoán phải quấy thì thành người ba phải. Theo tôi thì thành người trăm phải, chớ không phải ba phải. Bởi vì khi biết tất cả đều hư ảo, không thật có thật không, nên cái gì cũng không thật. Khi đã có cái nhìn thấu suốt như vậy rồi, mình trở thành kẻ khờ khạo quê dốt, phải không? – Không phải.

Lục Tổ đã nói chuyển bát thức thành tứ trí. Nghĩa là chúng ta đang sống với bát thức quậy phá, lăng xăng lộn xộn, hết nghĩ cái này tới nghĩ cái kia, không phút giây nào yên tĩnh. Bát thức làm cho ta rối loạn, tạo nghiệp đi trong sanh tử. Bây giờ tu dừng tất cả niệm, tất cả dấy động lặng xuống rồi, ý lăng xăng đó biến thành Diệu quan sát trí, nhìn đâu thấy tường tận đó. Nên đức Phật ở trong chánh định thấy vô số thế giới, biết được vô số vi trùng. Vì vậy khi lặng hết vọng thức thì chuyển Thức thành Trí, chớ không phải ngu ngơ. Nếu tới đó ngu khờ thì tu làm chi cho uổng công!

Chuyển được Ý thức rồi, kế đến là chuyển Mạt-na thức cũng gọi là Truyền tống thức. Ví dụ như ta thấy hoa đẹp là nơi con mắt thấy, Ý thức duyên theo hoa đẹp đó đưa cho Truyền tống thức, Truyền tống thức này mới ném hình ảnh hoa đẹp ấy vào A-lại-da thức cất chứa. Thành ra Truyền tống thức không nhạy bén như ý thức, nó chỉ làm việc đưa ra đưa vào thôi. Cần đem vô thì đem vô, cần đẩy ra thì đẩy ra. Cho nên khi chuyển thức thành trí, nó thành Bình đẳng tánh trí, tức là Tánh trí bình đẳng. Còn Tàng thức là kho chứa đủ thứ hạt giống, nếu tu tới vô niệm thì hạt giống không còn, thức này chuyển thành Đại viên cảnh trí, tức trí tròn sáng như gương lớn.

Năm thức trước là nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức tiếp duyên xúc cảnh, không có công dụng chia chẻ phân biệt, nên nó không chuyển trước được. Phải đợi các thức kia chuyển trước, rồi nó chuyển sau gọi là Thành sở tác trí, tức trí do các thức kia chuyển mà chuyển theo thôi.

Cho nên tu trọng tâm nhất là Ý thức. Ý thức chuyển được rồi thì các thức kia sẽ chuyển theo. Vì vậy chúng ta ngồi thiền để nắm chóp con khỉ Ý thức, không cho nó giãy giụa nữa. Đó là ta chuyển Ý thức thành Diệu quan sát trí.

Tu là chuyển từ Thức phân biệt sanh diệt, sang Trí chân thật bất sanh bất diệt sáng suốt vô cùng. Vì vậy trong hiện tại nếu chúng ta được vô niệm thì kiến văn giác tri đều biết, biết trong cái lặng lẽ, tức là cái biết của trí.