Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Ti Hộ Nguyên Tư Trực

CHÁNH VĂN:

(22) Ti hộ Nguyên Tư Trực ở Thường Châu hỏi rằng: Thế nào là không? Thế nào là chẳng không?

Đáp: Thể chân như không thể được gọi là không. Vì hay thấy Thể tánh không thể được, yên lặng thường tịch, mà có dụng như hằng sa, cho nên nói chẳng không.

GIẢNG:

Đây là câu hỏi chuyên về thiền.

Nguyên Tư Trực hỏi:

Thế nào là không? Thế nào là chẳng không?

Ngài đáp:

Thể chân như không thể được gọi là không.

Bởi vì nơi tâm tánh của chúng ta có phần sanh diệt và phần không sanh diệt. Phần sanh diệt gọi là vọng tưởng hay vọng tâm. Phần không sanh diệt gọi là Chân tâm hay Chân như. Phần sanh diệt có tướng mạo, hình bóng, còn phần không sanh diệt lặng lẽ, không hình tướng nên nói “Thể chân như không thể được”. Vì Thể chân như không tướng mạo nên gọi là không.

Ví dụ trong hư không có gió, có không khí. Tướng mạo của không khí như thế nào? Con mắt thường của chúng ta không thể thấy, không thể diễn tả được không khí nhưng nó vẫn có. Nếu nó không có chúng ta đã tắt thở mất rồi. Cũng vậy, Thể chân như hay Chân tâm của mình, là gốc của sự sống mà chúng ta không thấy. Bởi không thấy nên nói là không. Nói không là tại mắt không thấy, chớ không phải không có cái chân thật đó.

Mọi hoạt động tới lui, qua lại, ăn nói… của chúng ta đều mang tính chất biết, biết đó là tâm. Chúng ta cho rằng cái suy nghĩ mới là tâm, còn cái biết đi lại tới lui không suy nghĩ không phải là tâm. Như vậy là sai lầm. Nhớ hồi bé chúng ta mới biết đi, cha mẹ nói “thằng bé nó biết đi”. Đó là biết đi. Rồi lần lần bặp bẹ nói được, thì gọi là biết nói… rõ ràng có cái biết sẵn trong đó, chớ không phải vô tri.

Cái biết đó có suy nghĩ không? Không từ suy nghĩ mà được, bởi vì nó sẵn có, cho nên cái biết đó là Thể chân thật của chính mình. Còn cái biết do suy nghĩ, từ từ khôn lớn có học, có sự chỉ dạy là cái biết do huân tập từ bên ngoài vào, không phải là cái biết sẵn của mình.

Chúng ta lại nhận cái biết huân tập mà được là của mình, còn cái biết sẵn thì quên mất, tưởng nó không có. Đó là một lầm lẫn rất lớn. Nên ở đây giải thích:

Vì hay thấy Thể tánh không thể được, yên lặng thường tịch, mà có dụng như hằng sa, cho nên nói chẳng không.

Nó là không mà chẳng không. Không là không cái gì? Không tất cả tướng mạo, nhưng nó luôn hiện tiền trong mọi sanh hoạt, không thể tách rời được cho nên nói chẳng không. Nói rõ hơn trên thể thì không, mà trên dụng thì chẳng không.