Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, sở cư Phật sát, quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương, vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới. Chúng sinh đổ giả, sinh hy hữu tâm. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, cõi Phật tôi ở rộng rãi, nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, chiếu thấu mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật. Chúng sinh trông thấy sinh tâm hy hữu. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Đây là nguyện thứ bốn mươi hai “triệt chiếu thập phương” (chiếu tột mười phương). “Quảng bác nghiêm tịnh” (Rộng rãi nghiêm tịnh): “Quảng bác” là rộng rãi, vô biên; “nghiêm tịnh” là trang nghiêm, thanh tịnh. “Quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới” (Sáng ngời như gương, chiếu thấu mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật): “Quang oánh” là quang minh chiếu rực rỡ; “triệt chiếu” là không vật gì dù nhỏ nhặt đến đâu hoặc cách xa thế mấy mà không thấy nổi. Ý nói cõi nước Cực Lạc trang nghiêm, thanh tịnh, sáng ngời, thanh khiết như tấm gương chiếu tường tận mười phương vô lượng vô biên cõi nước chư Phật.

Vãng sinh Luận ghi: “Từ nơi cung điện và các lầu gác, xem thấy mười phương một cách vô ngại”.

Đàm Loan Pháp sư giảng câu này như sau: “Như gương sáng trong sạch, hết thảy các tướng tịnh, uế, nghiệp duyên thiện ác của mười phương quốc độ đều hiện ra cả”.

Kinh Hoa Nghiêm cũng nói: “Thí như minh tịnh phát quang kim pha lê kính, dữ thập phương thế giới đẳng. Ư bỉ kính trung, kiến vô lượng sát. Nhất thiết sơn, xuyên, nhất thiết chúng sinh, địa ngục, ngạ quỉ, nhược hảo, nhược xú, hình loại nhược can, tất ư trung hiện”. (Ví như tấm gương bằng chất kim pha lê sáng sạch tỏa ánh sáng, đối với mười phương thế giới đều bình đẳng. Nơi gương sáng ấy thấy vô lượng cõi. Hết thảy núi, sông, hết thảy chúng sinh, địa ngục, ngạ quỉ, dù tốt hay xấu, các hình loại nhiều như thế ấy đều hiện trong đó).

Chúng sinh đổ giả, sinh hi hữu tâm” (Chúng sinh trông thấy sinh tâm hi hữu): Chữ “hi hữu” theo như Kinh Niết Bàn nói: “Thí như thủy trung, sinh ư liên hoa, phi vi hi hữu; hỏa trung sinh giả, thị nãi hy hữu” (Ví như trong nước mọc lên hoa sen thì chẳng là chuyện hy hữu. Hoa mọc trong lửa mới là hi hữu).

Hoàng Niệm lão giải thích chữ “chúng sinh” là chỉ nhân dân trong cõi Cực Lạc và chúng sinh trong mười phương thế giới hễ ai thấy được tướng chiếu tỏ cùng tột mười phương của thế giới Cực Lạc, đều phát tâm Bồ Đề thù thắng vô thượng. Tâm ấy hi hữu như sen nở trong lửa, nên bảo là “sinh hi hữu tâm”. Đã sinh được tâm ấy ắt sẽ được, như bản Tống dịch: “Bất cửu đương đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Chẳng bao lâu sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sinh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sinh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Trên đây là nguyện thứ bốn mươi ba “Bảo hương phổ huân” (Hương báu xông khắp).

Sách Hội Sớ bảo trong thế giới Sa Bà “vàng bạc tuy lóng lánh nhưng chẳng có mùi hương Chiên-đàn. Trầm, xạ tuy thơm ngát nhưng không có ánh sáng của châu, ngọc”. Nay trong cõi Cực Lạc, hết thảy vạn vật nghiêm tịnh, sáng đẹp, lại có mùi hương kỳ diệu ngào ngạt xông khắp mười phương làm đủ các Phật sự nên bảo là “kỳ diệu”.

Trì lưu, hoa thụ” (Ao suối, cây, hoa): Đây là nói hoàn cảnh tốt đẹp ở Tây Phương Cực Lạc. Cây cối, hoa cỏ ở thế gian xuân sinh, hạ trưởng, mùa thu lá rụng, mùa đông lạnh lẽo, đều có thay đổi. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có thay đổi: Bốn mùa thường xuân, hoa nở vĩnh viễn không tàn; không những không tàn, hoa còn có thể biến hóa tùy thuận theo sở thích của con người. Ví như có hai người cùng đang thưởng thức ngắm hoa: Người thích màu hồng sẽ thấy đó là hoa hồng; người thích màu trắng sẽ thấy đó là hoa trắng. Tuyệt diệu vô cùng! Việc này khoa học kỹ thuật của thế giới chúng ta không làm được! Cho nên, A Di Đà Phật là nhà khoa học vĩ đại nhất pháp giới, có thể thiên biến vạn hóa các thứ tùy theo tâm ưa thích của bạn.

Quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hiệp thành” (Tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành): Thế giới Tây Phương Cực Lạc hương quang trang nghiêm, bất cứ vật chất nào cũng đều phát ra ánh sáng, thân thể cũng phát ra ánh sáng, không chỉ phóng quang còn phát ra hương thơm. Tất cả hương quang đều lưu biến khắp hư không pháp giới. Thử hỏi:

– Địa cầu chúng ta có trong hương quang đó không?

– Có!

– Vì sao chúng ta không thấy cũng không ngửi được?!

–  Vì chúng ta có chướng ngại! Chướng ngại đây chính là “phiền não chướng” và “sở tri chướng”, đã ngăn lấp bản năng nhận biết vốn có của chúng ta, như con tằm có thể tiếp xúc với đại tự nhiên và ánh sáng mặt trời bên ngoài; nhưng tiếc thay nó cứ mãi làm cái kén, tự buộc chặt mình trong đó thì không còn cách nào! Phàm phu chúng ta là loại hiện tượng này! Cho nên, chướng ngại nhất định phải tiêu trừ; chướng ngại không còn mới là phước báo chân thật, trí tuệ được khai mở thì đức năng tự tánh mới hiện tiền.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Chúc Hương bảo: “A Na Bà Đạt trì biên xuất trầm thủy hương, danh Liên Hoa Tạng. Nhược thiêu nhất hoàn như ma tử đại, hương khí phổ huân Diêm Phù Đề giới. Chúng sinh văn giả, ly nhất thiết tội, giới phẩm thanh tịnh.

Tuyết sơn hữu hương, danh Cụ Túc Minh Tướng. Nhược hữu chúng sinh, khứu thử hương giả, kỳ tâm quyết định ly chư nhiễm trước.

La Sát giới trung hữu hương, danh Hải Tạng, kỳ hương đản vi Luân Chuyển Vương dụng, nhược thiêu nhất hoàn, hương khí sở huân, vương cập tứ quân, giai đằng hư không, du chỉ tự tại.

Thiện Pháp Đường trung hữu hương, danh Hương Tánh Trang Nghiêm, nhược thiêu nhất hoàn, huân bỉ thiên chúng, phổ linh phát khởi niệm Phật chi tâm.

Tu Dạ Ma thiên trung hữu hương, danh Tịnh Tạng Tánh, nhược thiêu nhất hoàn, huân bỉ thiên chúng, mạc bất vân tập bỉ thiên vương sở, cung kính thính văn vương sở thuyết pháp.

Đâu Suất thiên trung hữu hương, danh Tín Độ Phạ La. Ư nhất sanh sở hệ Bồ Tát tòa tiền, nhược thiêu nhất hoàn, hưng đại hương vân, biến phú pháp giới, phổ vũ nhất thiết chư cúng dường cụ, cúng dường nhất thiết Như Lai đạo tràng Bồ Tát chúng hội.

Diệu Biến Hóa thiên hữu hương, danh Đoạt Ý Tánh. Nhược thiêu nhất hoàn, ư thất nhật trung, phổ vũ nhất thiết bất khả tư nghị chư trang nghiêm cụ” (Nơi bờ ao A Na Bà Đạt sinh ra một loại trầm thủy hương tên là Liên Hoa Tạng. Nếu thiêu một hoàn to bằng một hạt mè thì mùi hương xông khắp cõi Diêm Phù Đề. Chúng sinh ngửi được lìa hết thảy tội, giới phẩm thanh tịnh.

Núi Tuyết có loại hương tên là Cụ Túc Minh Tướng. Nếu có chúng sinh ngửi được mùi hương, tâm quyết định lìa các nhiễm trước.

Trong cõi La Sát có loại hương tên là Hải Tạng, hương ấy chỉ mình Chuyển Luân Vương dùng. Nếu đốt một hoàn, mùi hương bốc lên, vua và bốn đạo binh đều bay lên hư không, du hành tự tại.

Trong Thiện Pháp Đường có loại hương tên là Hương Tánh Trang Nghiêm, nếu thiêu một hoàn, hương xông thiên chúng khiến cho tất cả bọn họ đều phát khởi tâm niệm Phật.

Trời Tu Dạ Ma có loại hương tên là Tịnh Tạng Tánh, nếu thiêu một hoàn, hương xông thiên chúng thì không ai là chẳng vân tập đến chỗ thiên vương, cung kính nghe vua thuyết pháp.

Trời Đâu Suất có loại hương tên là Tín Độ Phạ La, nếu thiêu một hoàn trước tòa của bậc Nhất Sanh Sở Hệ Bồ Tát, liền biến thành đám mây hương lớn che khắp pháp giới, mưa xuống khắp hết thảy các thứ vật cúng dường để cúng dường hết thảy Như Lai, đạo tràng, Bồ Tát chúng hội.

Trời Diệu Biến Hóa có loại hương tên Đoạt Ý Tánh, nếu thiêu một hoàn thì trong vòng bảy ngày mưa khắp hết thảy các vật trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn).

Hoàng Niệm lão tán thán: “Những thứ hương thế gian trên đây còn có công dụng thù thắng đến như thế; huống là thứ hương vạn đức của pháp giới do bổn nguyện của Phật A Di Đà Phật hóa hiện”.

Phẩm “Hương Tích Phật” của Kinh Duy Ma có chép: “Nhĩ thời, Duy Ma Cật vấn Chúng Hương Bồ Tát: – Hương Tích Như Lai, dĩ hà thuyết pháp? Bỉ Bồ Tát viết: – Ngã độ Như Lai, vô văn tự thuyết, đản dĩ chúng hương linh chư thiên nhân đắc nhập Luật Hạnh. Bồ Tát các các tọa hương thụ hạ, văn thử diệu hương, tức hoạch nhất thiết Đức Tạng tam-muội”.

(Lúc bấy giờ, ngài Duy Ma Cật hỏi Chúng Hương Bồ Tát: – Hương Tích Như Lai thuyết pháp bằng cách nào?

Bồ Tát đáp:

– Như Lai trong cõi tôi chẳng dùng văn tự để nói, Ngài chỉ dùng các thứ hương khiến cho các trời, người thâm nhập Luật Hạnh. Mỗi vị Bồ Tát ngồi dưới gốc cây có mùi thơm, nghe mùi diệu hương ấy, liền đạt được hết thảy Đức Tạng Tam-Muội).

Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới” (Hương ấy xông khắp mười phương thế giới): Chữ “phổ huân” (xông khắp) ý nói vĩnh hằng mà không gián đoạn mới có thể chân thật giúp chúng sinh, thành tựu chúng sinh. Nếu “một ngày nóng, một ngày lạnh” thì không làm được việc gì. Chân thật từ bi là phải vĩnh hằng huân tu không gián đoạn. Diệu hương cõi Cực Lạc có công đức vô biên, xông khắp mười phương (hiển thị “sự sự vô ngại pháp giới”) làm đủ các việc lợi ích, khiến cho “chúng sinh văn giả giai tu Phật hạnh” (chúng sinh ngửi được mùi hương đều tu Phật hạnh). Hai chữ “Phật hạnh” này vô cùng quan trọng! Trong phẩm thứ hai mươi của kinh này có nói: “Trần lao cấu tập tự nhiên bất khởi”, đây chính là “Phật hạnh”.

– Cái gì là “trần lao”?

– “Trần” là ví dụ cho ô nhiễm. Hiện tại, chúng ta sống trong thế gian này, kiến trúc cho dù có hoàn thiện thế mấy, không nhiễm một trần là điều không thể tránh! Mặt bàn, một ngày không lau sờ qua đã thấy bụi, ba ngày không lau thì rất rõ ràng. Cho nên, “trần” là biểu thị cho ô nhiễm.

– Ô nhiễm cái gì?

– Ô nhiễm tâm tánh của chúng ta!

Tâm tánh chúng ta vốn dĩ là thanh tịnh, là chân thành, là bình đẳng. Hiện tại vì sao toàn bộ đều mất hết rồi?! Bị sáu trần ô nhiễm! Sáu trần là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Những thứ này làm ô nhiễm tự tánh của chúng ta. Tâm thanh tịnh được đại tự tại, thường sinh tâm hoan hỉ. Thế nhưng, khi tâm tánh bị ô nhiễm thì tự tại, hoan hỉ không còn! Lúc này sinh ra “tình chấp”, hoàn toàn tương phản với “Trí”. Người tình chấp càng nặng thì khổ sở càng nhiều, lao nhọc suốt đời! Không chỉ cả đời còn đến đời sau, đời đời kiếp kiếp sống trong lao nhọc, không cách chi siêu việt sáu cõi luân hồi!

Hiện tại, mọi người đều biết, đạo tràng Cư Sĩ Lâm, Tịnh Tông Học Hội chúng ta ngày nay rất náo nhiệt! Duyên thù thắng! Chúng ta có duyên thì sẽ tận tâm tận lực giúp đỡ xã hội đại chúng trên cả toàn thế giới: Có duyên làm nhiều; không duyên không làm, một chút miễn cưỡng cũng không có! Tâm nguyện thanh tịnh cùng cảm ứng tương thông với chư Phật, Bồ Tát rất không thể nghĩ bàn!

Chúng ta xem thấy thật là hoan hỉ; hoan hỉ đây không phải vì chính mình, cũng không phải vì thấy đạo tràng náo nhiệt làm được rất nhiều sự việc mà hoan hỉ; mà vì thấy chúng sinh có phước, lìa khổ được vui. Duyên chín muồi rồi! Chúng ta phải hướng về phía trước tiến thêm một bước. Hiện tại, công tác chủ yếu của chúng ta là thúc đẩy giáo dục tôn giáo. Hy vọng mỗi tôn giáo đều tích cực giảng kinh, không riêng chỉ là hình thức tôn giáo. Nếu tôn giáo chỉ hạn cuộc trong nghi thức, nghi qui, không có giáo dục, sẽ biến thành mê tín!

Giảng đường chúng ta bắt đầu mở rộng; mỗi buổi tối và chủ nhật mỗi tuần, chúng ta mời các thầy truyền giáo của chín tôn giáo lớn ở Singapore, tuần tự đến đây giảng kinh, giảng đạo của họ. Hoan nghênh đồng tu đến nghe, càng nhiều càng tốt! Hiện tại các thầy truyền giáo đều đã chuẩn bị rồi. Chúng ta nghe họ giảng, họ cũng nghe chúng ta. Tất cả giao lưu lẫn nhau, bổ túc lẫn nhau, giúp ích cho xã hội an định, thế giới hòa bình, thế gian này vĩnh viễn sẽ không còn chiến tranh chủng tộc, chiến tranh tôn giáo. Hai loại bất thiện này vĩnh viễn đoạn tuyệt trên địa cầu này, đây là ảnh hưởng trực tiếp. Ảnh hưởng gián tiếp cũng sẽ rất lớn, chúng ta phải nổ lực làm!

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên còn mong muốn vào nửa năm cuối của năm nay có thể đem loại hoạt động của chín tôn giáo này mở rộng đến mười quốc gia Á châu khu vực. Tương lai, e rằng chúng ta thăm viếng tôn giáo nước ngoài sẽ rất bận rộn. Chín tôn giáo chúng ta liên hiệp lại thăm viếng chủng tộc tôn giáo của mỗi quốc gia, thúc đẩy hòa bình, đây là thực tiễn Phật pháp Đại thừa. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là thúc đẩy đến toàn thế giới, hy vọng tín đồ của toàn thế giới đều có thể phá mê khai ngộ, đoạn ác tu thiện, chuyển phàm thành thánh.

Giúp chính mình, nhất định cũng phải giúp người khác, đây gọi là “Phật hạnh”. Phạm vi của “Phật hạnh” vô cùng rộng lớn, không phải chỉ giới hạn trong Phật Giáo. Phật là phổ độ tất cả chúng sinh, không phân biệt: quốc độ, màu da, tộc loại, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng… Phật dạy chúng ta phải: Bình đẳng tôn kính, bình đẳng yêu thương, bình đẳng giúp đỡ. Bồ Tát Phổ Hiền cũng dạy chúng ta quảng tu cúng dường, bình đẳng cúng dường. Chúng ta phải cố gắng thực hiện mới là học trò tốt của Phật.

Thực tế, có rất nhiều người đọc kinh quá ít! Hoặc giả họ có đọc nhưng không thể nào hiểu được! Họ phê bình chúng ta đem tiền đi cúng dường các tôn giáo khác, họ không thể chấp nhận! Họ chỉ trích nghiêm khắc đối với chúng ta. Chúng ta nghe rồi chỉ mỉm cười! Vì sao? Phật dạy chúng ta làm, chúng ta không làm sai! Họ không thể chấp nhận là họ không lý giải được ý của Phật! Đương nhiên, lý giải được ý của Phật thật không dễ dàng!

Kệ Khai Kinh nói “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Ngay trong mắt của Phật, Bồ Tát: Hư không pháp giới tất cả chúng sinh là một thể. Thương yêu tất cả chúng sinh, chân thật là yêu thương chính mình. Cung kính tất cả chúng sinh là cung kính chính mình. Cúng dường tất cả chúng sinh là cúng dường chính mình. Đây là chân tướng sự thật, người biết được không nhiều!

Phật dạy chúng ta “đoạn phiền não, chứng Bồ Đề”, mỗi người đều biết nói nhưng không làm được!

– Vì sao không làm được?

– Thấy “Thập tự giá” Giê su của Cơ Đốc giáo, bạn có chịu quì xuống lạy ba lạy không?

– Không chịu! Đó là ngoại đạo!

Vậy thì bạn đã khởi vọng tưởng, chấp trước rồi! Bạn không chịu đoạn! Nếu là người chịu đoạn, họ xem thấy cũng cung cung, kính kính lạy ba lạy. Người khác xem thấy rất kỳ lạ! Có gì kỳ lạ đâu! Đó là Phật, Bồ Tát thị hiện! Trên Kinh Hoa Nghiêm chẳng đã nói rõ ràng hay sao? Hư không pháp giới, tất cả chúng sinh “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm là Phật, thức chính là Phật, do Bồ Tát biến hiện ra. Tôi mặc y phục này, bạn gọi tôi là Pháp sư Tịnh Không; nếu mặc lên bộ côm-lê thì không phải hay sao? Làm gì có đạo lý này! Chư Phật, Bồ Tát thiên biến vạn hóa, cho nên phải hiểu đạo lý này! Đây chính là đoạn phiền não. Thành tâm thành ý giúp người, tuyệt đối không có dụng ý, không có điều kiện, cũng không có hy vọng họ hồi báo, đây chính là thanh tịnh công đức.

– “Phật hạnh” phải làm từ chỗ nào?

Từ “Tịnh nghiệp Tam phước” trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Làm từ “hiếu dưỡng” cha mẹ, hai chữ này rất không dễ hiểu!

Thế nào gọi là “hiếu”? Có mấy người hiểu được “hiếu”?

– Trung Quốc, lão tổ tông chúng ta nêu ra, chúng ta không thể không phủ phục năm vóc sát đất! Đích thật là đầy đủ trí tuệ cao độ, nghệ thuật cao độ mới sáng kiến tạo được những danh từ này. Danh từ này là phù hiệu của trí tuệ, để bạn xem thấy chữ phù hiệu này, nghe được âm thanh này, bạn liền giác ngộ. Hiếu (孝), cái phù

hiệu này: bên trên là chữ “lão”, bên dưới là chữ “tử”, có nghĩa là trên một đời cùng dưới một đời là một thể, đây gọi là “hiếu”.

Người phương Tây có đứt quảng thì không có “hiếu”. Trên một đời còn có trên một đời nữa; sau một đời còn có sau một đời nữa; quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung. “Vô thỉ vô chung là một thể”. Đây là bổn ý của chữ “hiếu”, cũng là từ phương diện thời gian mà nói. Từ phương diện không gian mà nói, chữ “hiếu”, phù hiệu này đại biểu cho “mười phương ba đời là một thể”. Cho nên, tận hiếu, hiếu dưỡng cha mẹ chỉ có Phật mới có khả năng làm được viên mãn, Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm “Sanh tướng vô minh” chưa phá, nên hiếu đạo của họ vẫn còn khiếm khuyết một phần.

Sinh mạng ta có được là nhờ cha mẹ. Tuệ mạng ta có được là nhờ thầy Tổ. Không có cha mẹ và thầy chúng ta lấy gì hiểu được đạo lý của nhân sinh, vũ trụ?! Không hiểu được những đạo lý này thì người và động vật có gì khác nhau đâu! Cho nên con người khác cầm thú ở chỗ họ rõ lý, có sư đạo, có thể tiếp nhận qua giáo dục. Phật, Bồ Tát dạy chúng ta phải trải qua đời sống giác ngộ, đây là “Phật hạnh”. Phàm phu không hiểu được “Phật hạnh”, trải qua đời sống là phiền não, họ rất khổ sở. Cái khổ này không phải từ vật chất, là do mê mà khổ. Giáo dục của Phật pháp là phá mê khai ngộ.

Người hiện tại hiếu dưỡng cha mẹ chỉ là “hiếu dưỡng thân”, cung cấp chăm lo đời sống vật chất cho cha mẹ rất chu đáo cũng chưa là tận hiếu. Phải hiểu được “hiếu dưỡng tâm” của cha mẹ để cha mẹ an vui không lo lắng, thường sinh tâm hoan hỉ, vậy mới có thể tận được một chút hiếu đạo. Lúc trẻ còn đi học, bài khóa không tốt khiến cha mẹ lo lắng gọi là bất hiếu! Anh em bất hòa, chị em bạn dâu bất hòa khiến cha mẹ lo âu là bất hiếu! Bước vào xã hội làm việc không phục tùng, kình chống với chủ là bất hiếu! v.v… mới biết phạm vi chữ “Hiếu” rộng vô cùng! Càng quan trọng hơn phải biết “dưỡng chí” của cha mẹ, cũng chính là đáp lại kỳ vọng của cha mẹ đối với mình.

Ngạn ngữ thường nói: “Mong con trai thành rồng, mong con gái thành phụng”. Nếu không thành rồng, thành phụng thì bạn bất hiếu rồi! Rồng, phụng là thí dụ cho trí tuệ, đức hạnh của bạn. Bạn thành tựu cống hiến viên mãn đối với xã hội chúng sinh khiến cha mẹ bạn vui mừng đấy là “dưỡng chí” của cha mẹ. “Dưỡng chí” làm đến đỉnh điểm, chính là bạn thành Phật, niềm vui này không có gì so sánh bằng.

Tóm lại nguyện thứ bốn mươi hai và nguyện thứ bốn mươi ba gộp chung là “hương quang phổ nhiếp”, có công đức vô biên, có trí tuệ vô tận, bi nguyện vô tận, phương tiện khéo léo vô tận biến mãn thập phương thế giới. Chúng sinh thấy được ánh sáng, ngửi được mùi hương đều có thể giác ngộ, có thể hồi đầu, có thể “giai tu Phật hạnh” (đều tu Phật hạnh) .Thật không thể nghĩ bàn!

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát, chư Bồ Tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, Phổ Đẳng tam-muội, chư thâm tổng trì, trụ tam-ma-địa chí ư thành Phật. Định trung thường cúng vô lượng vô biên nhất thiết chư Phật, bất thất Định ý. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong cõi Phật mười phương nghe danh hiệu tôi xong ắt đều đạt được thanh tịnh, giải thoát, Phổ Đẳng tam-muội, các tổng trì sâu, trụ tam-ma-dịa, thậm chí thành Phật. Trong Định thường cúng vô lượng vô biên hết thảy chư Phật, chẳng mất Định ý. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Trong đoạn kinh văn này, từ đầu đến “chí ư thành Phật” (thậm chí thành Phật) là nguyện thứ bốn mươi bốn “Phổ Đẳng tam- muội”. Từ “Định trung” (trong Định) trở đi là nguyện thứ bốn mươi lăm “Định trung cúng Phật” (trong Định cúng Phật). Từ nguyện thứ bốn mươi bốn trở đi là những nguyện khiến cho các Bồ Tát ở ngoài thế giới Cực Lạc nghe danh hiệu Phật A Di Đà được hưởng những lợi ích thù thắng nơi pháp.

Trước hết là nguyện thứ bốn mươi bốn “Phổ Đẳng tam- muội”, nghe danh hiệu Phật đắc các tam-muội, nhẫn đến thành Phật. “Thập phương Phật sát, chư Bồ Tát chúng” (Các hàng Bồ Tát trong các cõi Phật mười phương), câu này phải đặc biệt lưu ý: “Bồ Tát chúng” là ai? Chúng ta người thọ giới Bồ Tát có được xem là Bồ Tát hay không? Đây là điều trước tiên phải làm cho rõ ràng. Phật trong Kinh Kim Cang nói rất rõ: “Nếu Bồ Tát có tướng ngã, tướng  nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ Tát”. Đây là Thế Tôn đem tiêu chuẩn của Bồ Tát nói ra cho chúng ta rồi. Thử nghĩ: Chúng ta đã thọ giới Bồ Tát, hoặc giả xuất gia đã thọ tam đàn đại giới rồi, còn có bốn tướng này không? Nếu còn vẫn không phải là Bồ Tát thật rồi! Do vậy trong nguyện này không có phần của chúng ta!

Đại sư Thiên Thai nói về “Lục tức Phật”, Phật có sáu loại. Từ trên lý mà nói thì không có vấn đề, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, phàm có Phật tánh đều xem là Phật. Nhưng trên sự thì khác! Sự có mê, ngộ: Người mê là phàm phu, ngộ rồi mới là Phật. Trên sự mà nói thì có năm cấp bậc, trong đó: Cái thứ nhất là “Danh tự tức Phật”, chỉ cho người hữu danh vô thực, như chúng ta hiện nay thọ giới Bồ Tát chỉ là trên danh nghĩa sự tướng mà thôi! Chúng ta là trong “Quả vị danh tự”. Người trong “Quả vị danh tự”, bất kể bạn tu tốt thế nào cũng không thoát khỏi tam giới, cái mà bạn tu chỉ là phước báo hữu lậu trong tam giới!

– Sao gọi là “hữu lậu”

– Chính là bốn tướng bạn không buông được nên gọi là “hữu lậu”. Bốn tướng đó là:

1. Tướng Ngã

Tướng ngã” là chấp thân này là ta, khởi tâm động niệm đều vì ta, vì lợi ích của ta; đó là tự tư tự lợi. Nói cách khác, có tự tư tự lợi là có “tướng ngã”.

2. Tướng Nhân

“Tướng nhân” là có đối lập, có sự khác biệt giữa ta, người và tất cả chúng sinh hữu tình, đây gọi là “tướng nhân”.

3. Tướng Chúng Sinh

Chỉ cho tất cả hiện tượng trong vũ trụ, tất cả thực vật, khoáng vật. Cái mà trong kinh Phật gọi là “Khí thế gian”, toàn bộ đều bao gồm trong đó; cũng chính là hoàn cảnh, đời sống vật chất của chúng ta. Hiện tượng hoàn cảnh này do chúng duyên hòa hợp mà sinh ra nên gọi là “tướng chúng sinh”. “Chúng sinh” này không được phép xem như là những con người hay những đồ vật mà phạm vi của nó vô cùng lớn.

4. Tướng Thọ Giả

“Tướng thọ giả” là chỉ thời gian: Có quá khứ, có hiện tại, có vị lai; gọi chung là ba đời.

Ngày nay, chúng ta đọc trong kinh văn đến “Chư Bồ Tát chúng”, chúng ta vô cùng hoan hỉ. Chữ “chư” này đã bao gồm “Danh tự vị”. Cách nói này, tôi căn cứ theo Đại sư Thiện Đạo trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói với chúng ta: “Tam Bối vãng sinh tổng tại ngộ duyên bất đồng”. Lời nói này rất hay! Chúng ta tuy đang là “Danh tự vị”, nếu gặp duyên thù thắng có thể ngay đời này trong thời gian ngắn, từ “Danh tự vị” đạt đến “Quán hạnh vị”, “Tương tợ vị”, “Phần chứng vị”. Khẳng định là có khả năng này! Tham thiền được “minh tâm kiến tánh”, họ vào “Phần chứng vị”, vượt qua “Danh tự”, “Quán hạnh”, “Tương tợ”. Người niệm Phật đến “Lý nhất tâm bất loạn” cũng lại như vậy. Cho nên trong “Chư Bồ Tát chúng” có bao gồm cả chúng ta trong đó. Việc này có căn cứ cả lý cùng sự, đáng để chúng ta quan tâm.

Ngày nay ở Singapore này gặp được duyên rất tốt, nhưng có biết bao người gặp được cũng như chưa gặp! Vì sao? Vì gặp được mà họ không tin! Họ chưa thật sự lý giải, không biết quí trọng duyên phận này, không chịu nỗ lực, cần mẫn tu học! Điều này thật đáng tiếc! Phàm phu thấp hèn, một phẩm phiền não vẫn chưa đoạn, nếu gặp được duyên họ có thể tu, có thể hiểu, có thể hành, họ sẽ tiến bộ rất nhanh. Nên biết nguyên nhân chúng ta dừng lại rất lâu trong “Danh tự vị” chính là “tự tư tự lợi” không thể buông xả, nên công phu không đắc lực.

Kế đến là “Quán hành vị”: Đây là người làm Phật, y giáo phụng hành. Trong “Quán hành vị” thành tựu “công phu thành khối”, vãng sinh có phần nắm chắc. Niệm Phật vãng sinh Tây Phương Tịnh Độ, tuyệt đại đa số là Bồ Tát ở địa vị này. Nếu tiến thêm một bước nữa đến “Tương tợ vị”: Đây là “Kiến Tư phiền não” họ đã đoạn rồi, chấp trước không còn nữa. Nhưng đối với tất cả pháp thế và xuất thế gian, họ vẫn còn phân biệt, đây là “Bồ Tát tương tợ”. “Bồ Tát tương tợ vị” vãng sinh về thế giới Cực Lạc, không phải ở “Phàm Thánh Đồng Cư Độ” mà là “Phương Tiện Thánh Cư Độ”. Tiến thêm một bước nữa: Đối với tất cả pháp thế và xuất thế gian họ không còn phân biệt, đây là “Phần chứng vị”. Người này đã thoát khỏi mười pháp giới, vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc, họ ở “Thật Báo Trang Nghiêm Độ”.

Tóm lại, “Phần chứng” sinh “Thật Báo”; “tương tợ” sinh “Phương tiện”; “Quán hành” sinh “Đồng cư”; “Danh tự vị” không thể vãng sinh, chỉ có thể kết duyên với A Di Đà Phật mà thôi! Chỗ này nói “Chư Bồ Tát Chúng”, quả vị thấp nhất là “Quán hành vị”. Trong chữ “Chư” này có: Quán hành, Tương Tợ, và Phần chứng, ba loại Bồ Tát này.

– Sao gọi là Bồ Tát?

– Bồ Tát, danh xưng này là tiếng Ấn Độ gọi tắt của “Bồ Đề Tát Đỏa”.

Người Trung Quốc thích đơn giản, đem âm đuôi của “Bồ Đề Tát Đỏa” lược bỏ bớt, nên “Bồ Đề” gọi tắt là “Bồ”; “Tát Đỏa” gọi tắt là “Tát”. Ý nghĩa của “Bồ Tát” thời xưa dịch là “chúng sinh tâm đạo lớn”. “Tâm đạo lớn” vì họ phát tâm Bồ Đề nên gọi là “tâm đạo lớn”. Cách dịch mới của Đại Sư Huyền Trang: “Bồ Tát” là “Hữu tình giác”. Bởi “Tát Đỏa” là chúng sinh hữu tình; “Bồ Đề” là giác ngộ, nên “Bồ Đề Tát Đỏa” là chúng sinh hữu tình giác ngộ. Phàm phu chúng ta là chúng sinh hữu tình mê hoặc, nếu giác ngộ sẽ thành Bồ Tát ngay.

Người giác ngộ nhất định không làm ác; ý nghĩ, lời nói, việc làm của họ đều tương ưng với thập thiện. Trái lại người mê khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của họ đều tương ưng với thập ác. Chúng ta hiểu rồi, tự mình kiểm điểm bản thân sẽ biết được mình mê hay giác. Nếu mê thì không phải Bồ Tát, dù có niệm Phật cũng chưa chắc vãng sinh! Vì sao? Vì nghiệp lực đang lôi kéo bạn! Bạn không thể thoát khỏi luân hồi! Tây Phương Tịnh Độ tuy nói “Đới nghiệp Vãng sinh” (Mang theo nghiệp vãng sinh), nhưng chỉ mang theo túc nghiệp, không mang theo nghiệp mới; chỉ mang theo chủng tử, không mang theo hiện hành.

Văn ngã danh dĩ” (Nghe danh hiệu tôi xong): Câu này ý nghĩa quan trọng là “văn danh”. Ngày nay chúng ta tu hành, niệm Phật có được thanh tịnh, giải thoát, Phổ Đẳng tam-muội chưa? Nếu chưa đạt được thì “văn danh” kể như không có!

– Người nào biết “văn”?

– Bồ Tát biết “văn”!

Chúng ta hiện nay không phải Bồ Tát; chúng ta nghe kinh, nghe Phật hiệu, nghe mà không “văn”! Chữ “văn” này là một trong Tam Tuệ của Bồ Tát. Tam Tuệ của Bồ Tát là “Văn-Tư-Tu”. Tiểu thừa gọi là Tam Học; Đại thừa gọi là Tam Tuệ. Chữ “văn” này là Văn Tuệ không phải “văn” là nghe thấy như chúng ta thường nói. Muốn được VănTuệ, trước hết phải thành tựu Tam Học: “Giới- Định

-Tuệ”. Do Giới được Định; do Định khai Tuệ. Tuệ khai rồi mới thật sự là Bồ Tát; cho thấy Giới rất quan trọng. Chúng ta ngày nay nếu ngũ giới, thập thiện không làm được thì vĩnh viễn vẫn ở mãi trong “quả vị danh tự”, cho dù niệm Phật cũng không thể vãng sinh!

Nhờ có “văn danh” mới “giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, Phổ Đẳng tam-muội. “Giai tất đãi đắc” (Ắt đều đạt được) trong bản kinh này cũng đồng ý nghĩa với câu “ứng thời chứng đắc” (ngay lập tức chứng đắc) trong bản Tống dịch. Chữ “đãi” là đạt tới. Câu “thủy hỏa tương đãi” trong phần Hệ Từ của Kinh Dịch được chú giải như sau: “Thủy hỏa bất tương nhập, nhi tương đãi cập” (Nước và lửa chẳng trộn lẫn nhau, nhưng lại ảnh hưởng lẫn nhau).

Thanh tịnh”, ý nói các tam-muội Bồ Tát đang trụ đều vô nhiễm, vô trước nên gọi là “Thanh tịnh tam-muội”. Sách Hội Sớ giảng: “Tịch tĩnh tam-ma-địa không trói buộc, không vướng mắc, nên gọi là thanh tịnh”.

Giải thoát”: Do tam-muội Bồ Tát đang trụ đã lìa hết thảy triền phược, được tự tại, nên bảo là “giải thoát tam-muội”. Sách Hội Sớ bảo: “Chỉ, Quán vô ngại nên gọi là Giải Thoát”. Sách còn bảo “Niệm Phật tam-muội trừ được hết thảy phiền não, giải thoát sinh tử, nên phải gọi là Thanh Tịnh Giải Thoát tam-muội”.

Phổ Đẳng”: Chữ “Phổ” là phổ biến; “Đẳng” là bình đẳng. Kinh Bi Hoa gọi tam-muội này là “Biến Chí tam-muội”, kinh Phân Đà Lợi, gọi là “Phổ Chí tam-muội”. Bản Tống dịch ghi là “Phổ Biến tam-ma-địa”, bản Đường dịch gọi là “Bình Đẳng tam-ma-địa môn”.

Sách Hội Sớ giảng: “Nếu theo ý kiến các sư thì Phổ Đẳng tam- muội chỉ là một thứ tam-muội được Bồ Tát chứng đắc. Ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Phổ nghĩa là phổ biến. Đẳng nghĩa là bình đẳng. Cái thấy rộng lớn, Phật Phật đều thấy, cho nên gọi cái Định họ trụ vào đó là Phổ Đẳng’. Ngài Huyền Nhất bảo:

‘Do sức của tam-muội này thấy khắp tất cả chư Phật Thế Tôn nên bảo là Phổ, hiện bình đẳng không gì chẳng đạt đến nên gọi là Đẳng’. Nếu xét theo chánh ý tuyển trạch bổn nguyện (“tuyển trạch bổn nguyện”: đây là quan điểm đặc sắc của sư Pháp Nhiên, khai tổ Tịnh Độ tông Nhật Bản. “tuyển trạch bổn nguyện” hiểu rộng là cả bốn mươi tám nguyện, hiểu hẹp là nguyện thứ mười tám. Gọi là “tuyển trạch bổn nguyện” vì A Di Đà Phật khi tu nhân đã chọn lấy những thệ nguyện thù thắng nhất của chư Phật để kết thành bốn mươi tám nguyện, và niệm Phật vãng sinh là tinh tủy, cốt lõi của cả bốn mươi tám lời nguyện) thì Phổ Đẳng tam-muội chính là ‘Niệm Phật tam-muội’.

Phổ có nghĩa là phổ biến, phàm thánh cùng chứng nhập được. Đẳng là bình đẳng, công đức niệm một vị Phật cũng bằng công đức niệm hết thảy Phật. Kinh Bồ Tát Niệm Phật tam-muội bảo: ‘Thí như chúng sinh nhược y Tu Di kim sắc chi biên, kỳ thân tức dữ bỉ sơn đồng sắc. Sở dĩ nhiên giả? Sơn thế lực cố. Hựu như chư thủy tất nhập đại hải, đồng kỳ nhất vị, sở dĩ nhiên giả? Dĩ hải lực cố. Nhược nhân đắc niệm Phật tam-muội, diệc phục như thị’ (Ví như chúng sinh, nếu ở bên núi Tu Di kim sắc thì thân họ cũng cùng màu với núi ấy. Vì cớ sao vậy? Là do thế lực của núi vậy. Lại như các dòng nước đã vào trong biển cả thì có cùng một vị, vì sao thế? . Do sức của biển vậy. Người đắc Niệm Phật tam-muội cũng giống như thế). Đấy là ý nghĩa phổ biến của chữ Phổ trong Phổ Đẳng.

Kinh Văn Thù Bát Nhã dạy: ‘Niệm nhất Phật công đức, vô lượng vô biên, diệc dữ vô lượng vô biên chư Phật vô nhị’ (Công đức niệm một đức Phật vô lượng vô biên, chẳng khác gì công đức niệm vô lượng chư Phật). Tán A Di Đà Phật kệ có câu: ‘Ngã dĩ nhất tâm qui nhất Phật, nguyện biến thập phương vô ngại nhập’ (Tôi dùng nhất tâm qui một Phật, nguyện nhập khắp thập phương vô ngại). Đây là ý nghĩa Bình Đẳng”.

Hoàng Niệm Lão kết luận: Như vậy Sách Hội Sớ hiểu Thanh Tịnh tam-muội, Giải Thoát tam-muội và Phổ Đẳng tam-muội đều là Niệm Phật tam-muội. Vì Niệm Phật tam-muội là Bảo Vương tam- muội, đầy đủ công đức của hết thảy tam-muội, nên đương nhiên nó phải mang nhiều tên gọi của các tam-muội khác nhau. “Tam-muội” tức là “Tam-ma-địa” (Samadhi) dịch là Chánh Định, Chánh Thọ (đã giải thích tường tận trong phẩm thứ hai).

Chư thâm tổng trì” (Các tổng trì sâu): “Tổng trì” tiếng Phạn là đà- ra-ni, nghĩa là gìn giữ vô tận sự lành chẳng để mất (cũng đã giảng chi tiết trong phẩm thứ hai).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Tổng trì” là tổng tất cả các pháp, trì tất cả nghĩa, chính là nắm được cương lĩnh. “Chư thâm tổng trì” (tổng trì sâu mầu), đây là người Niệm Phật tam-muội thượng thừa. Trong “Tổng trì” còn có một ý nghĩa, người sơ học chúng ta cần phải biết, đó là “trì thiện bất thất”, bất cứ lúc nào, nơi đâu, trong hoàn cảnh nào đều phải giữ tâm, lời nói, việc làm tương ưng với thập thiện, nhất định xa lìa thập ác khiến thập ác không sinh.

–  “Thâm tổng trì” là hình thức ra sao?

–  Những điều trong Kinh Vô Lượng Thọ nói chính là “thâm tổng trì”. Mười phương Bồ Tát do “Văn danh” (nghe danh hiệu) nên đắc các tam-muội và tổng trì sâu mầu. Các điều ác trong kinh nói, họ nhất định không tạo; các điều thiện trong kinh nói, họ nhất định không để mất.

Trụ tam- ma- địa chí ư thành Phật” (Trụ tam-ma-địa, thậm chí thành Phật): Họ an trụ trong Định được thành Chánh Giác nên bảo là “chí ư thành Phật”.

Định trung thường cúng vô lượng vô biên nhất thiết chư Phật, bất thất Định ý” (Trong Định thường cúng vô lượng vô  biên hết thảy chư Phật, chẳng mất Định ý): Đây là nguyện thứ bốn mươi lăm là “Định trung cúng Phật” (trong Định cúng Phật). Ý nghĩa của việc trong Định cúng Phật mà chẳng mất Định ý, cũng tương đồng với ý nghĩa câu “Trụ thâm thiền định, tất đổ vô lượng chư Phật”, (Trụ trong thiền định sâu đều thấy vô lượng chư Phật), trong phẩm “Đức Tuân Phổ Hiền”. Đây chính là cảnh giới sâu của Phổ Hiền Đại Sĩ. Trong Hoa Nghiêm nói đến Bồ Tát Bát Địa gọi là Bất Động Địa cảnh giới này mới có thể hiện tiền.

Sách Vãng Sanh Luận Chú bảo “Bậc Bồ Tát từ Bát Địa trở lên thường trụ tam-muội. Do sức tam-muội, thân chẳng rời khỏi chỗ mình mà đến khắp mười phương cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sinh”.

Sư Vọng Tây nhận định: “Xét về thường hạnh, ‘trong Định cúng Phật’ là hạnh của bậc Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên”. Lại nói “bậc Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên tuy đã có đức này nhưng phải từ Bát Địa trở lên mới (có thể thực hành hạnh ấy) một cách vô công dụng”.

Ý ngài nói: Bậc Sơ Địa Bồ Tát tuy đã có thể “trong Định cúng Phật” nhưng vẫn còn phải dụng công, phải là bậc Bồ Tát từ Bát Địa trở lên mới có thể vô công dụng đạo.

Sách Hội Sớ bảo: “Dẫu là hạng tân phát ý Bồ Tát mà nghe được danh hiệu liền có thể Định-Tuệ tương tức (Định tức là Tuệ, Tuệ tức là Định). Chân, Tục soi chiếu lẫn nhau, nhanh chóng chứng đắc các ngôi vị Bồ Tát trong Thập Địa”.

Lần này chín tôn giáo lớn ở Singapore tiếp nhận lời mời của cục tôn giáo quốc gia Trung Quốc. Chúng ta đã thăm viếng qua mười sáu ngày, viếng thăm rất thành công.Trong mười sáu ngày này, chúng ta mỗi ngày, mỗi thời khắc đều không hề xa rời lời dạy của Kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta cũng đang học tập ứng dụng như chư đại Bồ Tát “Bất động bản xứ, biến chí thập phương”.

– Sao gọi là “bất động bản xứ”? Bản xứ này là gì?

– Tâm thanh tịnh bất động! Tâm Bồ Đề bất động! Tâm nguyện bất động! Nếu chúng ta trong đời sống thường ngày tiếp xúc với đại chúng vì danh vọng lợi dưỡng, vì tự tư tự lợi, vì “tham sân si-mạn” của mình thì “bản xứ” của chúng ta đã động rồi!

Thế Tôn trong Kinh Kim Cang dạy Tu Bồ Đề, cũng chính là dạy chúng ta, ngài nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (Không dính nơi tướng như như bất động), đó chính là “bất động bản xứ”, ngoài không dính tướng, trong không động tâm.

Biến chí thập phương” chính là mọi lúc, mọi nơi chúng ta đều cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sinh. Lần này đồng hành với chúng ta tổng cộng có hai mươi mốt người, là đại biểu của chín tôn giáo lớn. Mỗi ngày sinh hoạt với nhau, chúng ta dùng tâm cực kỳ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng quan tâm lẫn nhau:

Từ trên tánh mà nói: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, mỗi chúng sinh đều là Phật. Chúng ta lễ kính xưng tán, cúng dường đều từ chỗ này mà sinh ra.

Từ trên tướng mà nói: Họ là chúng sinh, chúng ta phải dạy họ, phải giúp họ. chư Phật và chúng sinh không hai, không khác. Giúp họ giác ngộ, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, giúp họ đoạn ác tu thiện, việc chúng ta làm mỗi ngày là việc này. Đây là cơ hội giáo dục đạt đến hiệu quả rất tốt. Chúng ta đôi bên cùng ở chung với nhau, học tập lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, đó là sự ứng dụng của Phật pháp, như Cổ Đức nói trong chú giải: Đây là điều hạnh nghiệp của Bồ Tát Địa Thượng. Chúng ta hiện nay là phàm phu thấp hèn nhưng cũng làm được gần giống.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư thường khuyên chúng ta phải thật làm! Chúng ta hiểu được bao nhiêu thì nỗ lực cần mẫn làm bấy nhiêu. Nếu hiểu được mà không làm được thì chẳng khác gì với không hiểu! Nhất dịnh phải thực hiện! Giúp tất cả chúng sinh, điều quan trọng nhất chính là dạy họ chấp trì danh hiệu Di Đà. Thế nhưng đối với người chưa từng tiếp xúc Phật pháp, hoặc giả vừa tiếp xúc Phật pháp, bảo họ niệm A Di Đà Phật, thật không dễ dàng! Nhất định phải có phương tiện thiện xảo. Trong phương tiện thiện xảo, điều quan trọng nhất là phải giảng giải rõ ràng cho họ hiểu: – Vì sao phải niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”? –Lợi ích của việc niệm câu danh hiệu này ở chỗ nào? Khi họ minh bạch hiểu rõ, họ mới hoan hỉ mà niệm.

Chúng ta, những người đại biểu của chín tôn giáo, lần này có thời gian mười sáu ngày sinh hoạt chung với nhau nên thời gian trò chuyện giao lưu cũng nhiều. Có vấn đề gì không hiểu, họ đều có thể nêu ra bất cứ lúc nào, rất thoải mái như khi dùng cơm, lúc nghỉ ngơi, lúc tham quan v.v.., hoàn toàn không bị hạn chế. Chúng ta rất cẩn thận, rất chịu khó vì họ mà giải đáp.

Buổi tối, ngày trở về đạo tràng chúng ta tổ chức buổi dạ tiệc truyền đăng trước một ngày. Chín tôn giáo lớn hầu như cũng đều đến tham dự truyền đăng cùng với chúng ta. Chúng ta niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, họ cũng niệm cùng chúng ta. Cách giao lưu này là hay hơn hết. Bình thường đến đâu mới có cơ hội tìm được đại biểu của chín tôn giáo này? Cơ hội này rất hiếm có! Mặc dù có nhưng thời gian cũng rất ngắn ngủi, chỉ có du lịch là phương pháp tốt nhất, du lịch là học tập lẫn nhau, du lịch là dạy học.